“Em có ấn tượng với người này.” Lý Tưởng chỉ vào ảnh Bắc Dã, vội vàng nói, “Chính là cậu ta.”
“Cậu từng thấy?”
“Cậu ta luôn theo dõi Trần Niệm đó.”
Trịnh Dịch và lão Dương nhìn nhau một cái, lại nhìn thầy chủ nhiệm, người sau hỏi: “Em xem rõ rồi?”
“Đương nhiên rõ ạ, em đã thấy cậu ta hai lần, lén la lén lút đi theo sau Trần Niệm, cậu ấy đều không phát hiện.” Lý Tưởng miêu tả kĩ càng tỉ mỉ tình hình hai lần đi chung đường với Trần Niệm cho cảnh sát.
Sau đó, Trịnh Dịch gật đầu, ý bảo cậu đi được rồi.
Lão Dương lật sổ ra ghi lại, chứng cứ khách quan lại thêm một nét.
Tiếp sau đó Từ Miểu cũng tới làm chứng, nói từng thấy Bắc Dã ở cổng trường, cậu cứ nhìn cô chằm chằm, như cười như không. Vì cậu là một nam sinh đẹp trai, cô còn tưởng cậu có ý với cô đấy.
Từ Miểu nói: “Thì ra cậu ta đang tìm kiếm mục tiêu.”
Nhiều chứng cứ chứng minh cậu quanh quẩn ở gần trường hơn, chọn nữ sinh bằng ánh mắt, thậm chí theo dõi.
Tin tức người áo mưa bị bắt truyền đi xôn xao trong nội bộ bạn cùng lớp, bạn học đã đến phòng giáo viên nói chuyện với cảnh sát như Lý Tưởng và Từ Miểu, vừa về đến lớp liền bị người vây quanh, nghe ngóng tình hình.
Trần Niệm ngồi học bài ở chỗ ngồi, bịt tai không nghe. Cách kì thi chỉ còn hai ngày, nước đã đến chân, cô lại không có một chút mong đợi kì thi này.
Giữa chừng, nghe được các bạn thảo luận:
“Đang bị giam đấy. Không thể đi thăm được đâu.”
“Có điều nó không có bố không có mẹ, cũng không ai đi thăm nó mà.”
“Ai nói nó không có mẹ?”
“Ha ha, nói tới bố mẹ nó, chuột sinh biết đào hang, con của tội phạm cưỡng hiếp cũng là tội phạm cưỡng hiếp.”
“Còn tăng lên một bậc, trở thành tội phạm giết người.”
Trần Niệm đứng dậy từ chỗ ngồi đi ra ngoài, đâm vào Lý Tưởng. Cậu cảm thán sống sót sau tai nạn thay cô: “Trần Niệm, lúc đó mình đã nói nam sinh đó đang theo dõi cậu mà, cậu còn không tin.”
Sắc mặt Trần Niệm tái nhợt, mặt không biểu lộ cảm xúc.
Cả trường đều biết cô suýt chút nữa gặp phải “bất trắc”, các bạn học thay phiên tới an ủi, nhóm này tới nhóm khác, an ủi rồi liền bắt đầu hỏi cô bị bắt đi như thế nào, mang đi đâu, trải qua những việc gì rồi được cứu như thế nào.
Quan tâm và an ủi là rõ ràng, hiếu kỳ và nghe ngóng cũng rõ ràng.
Trần Niệm hết thảy không trả lời, Tiểu Mễ ngăn chặn cho cô, đuổi “các phóng viên” đến đây đặt câu hỏi đi.
Bây giờ Lý Tưởng nói ra câu này, Tiểu Mễ lườm cậu một cái mang ý nhắc nhở, Lý Tưởng lại thầm buồn bực lỡ lời, vội vàng xin lỗi.
Trần Niệm ra khỏi lớp.
Nhưng đến đâu cũng không được yên, lên hành lang liền gặp phải nhóm Trịnh Dịch đúng lúc đi từ văn phòng của thầy chủ nhiệm ra, định né tránh nhưng đã không kịp.
Trịnh Dịch để nhóm lão Dương đi trước, sang đây xem tình hình Trần Niệm một chút. Cô ngược lại vô cùng bình thường, tinh thần có vẻ không tốt cũng không xấu, cực kỳ giống cô thường ngày.
Anh hỏi vài câu về tình hình học tập như thường lệ, cô trả lời một cách lãnh đạm.
Cuối cùng, Trịnh Dịch nói: “Đừng bị chuyện gần đây ảnh hưởng, bình tĩnh lại chuẩn bị cho kì thi, cũng đừng tạo áp lực quá lớn cho mình.”
Trần Niệm cúi đầu, gật gật đầu.
Trịnh Dịch nhớ tới khoảng thời gian đưa cô đi học, tan học ấy, anh nói gì, cô cũng trả lời rất ít, lúc nào cũng gật hoặc lắc đầu. Nhưng lúc đó cô không phải thế này. Khi ấy anh có thể cảm nhận được tâm tình của cô, yên tâm lại mơ hồ vui vẻ; không giống bây giờ, yên lặng như nước đọng.
Cô không có hứng thú nói chuyện, anh cũng lo ở đây tạo áp lực cho cô, liền nói: “Anh đi trước đây, chờ em thi xong rồi mời em đi ăn.”
Lúc này Trần Niệm lại ngẩng đầu, hỏi: “Người đó…”
Cô muốn nói lại thôi, anh chờ đợi,
“Sẽ ngồi tù, sao ạ?”
“Chắc chắn sẽ. Nếu không phải vì tuổi tác thì đoán chừng là chung thân hoặc tử hình.” Trịnh Dịch nói, nhìn kĩ đôi mắt cô, cô liền nói, “Vậy, đáng tiếc thật.”
Trịnh Dịch lại nói: “Ngụy Lai đã chết, nhưng anh sẽ quản lý nhóm La Đình.”
Trần Niệm không lên tiếng, gương mặt nhợt nhạt trước sau như một, không gợn sóng.
Trịnh Dịch đi xuống cầu thang, lại cảm thấy mỉa mai.
Anh từng xử lý vụ án “mâu thuẫn ầm ĩ” của Tăng Hảo và Ngụy Lai, còn có vụ án Hồ Tiểu Điệp chưa thành lập, khi đó mấy người La Đình không chịu bị dạy dỗ giống như Ngụy Lai. Nhưng lần này, cái chết của Ngụy Lai đã khiến nhóm La Đình khiếp sợ, họ đã bớt phóng túng.
“Cảnh sát Trịnh!” Một tiếng gọi khiến anh hoàn hồn, là Tăng Hảo.
Tăng Hảo ấn tượng tốt với anh, nhiệt tình chào hỏi. Trịnh Dịch hỏi han vài câu, chỉ là lời khích lệ cho kì thi.
Nói đến cuối cùng, hỏi: “Khoảng thời gian này tình trạng Trần Niệm có ổn không?”
“Gặp phải loại chuyện đó đều sẽ hơi suy sụp, có điều cậu ấy vốn đã ít nói, rất yên lặng nên có vẻ như cũng không có thay đổi gì ạ.” Tăng Hảo suy nghĩ một chút, nói, “Trần Niệm là kiểu người rất giỏi che giấu cảm xúc.”
Trịnh Dịch gật đầu coi như hiểu, lại nói: “Các em là bạn cùng lớp, sắp thi rồi, tiếp thêm sức giúp em ấy, khích lệ em ấy một chút. Em ấy cũng từng bị bắt nạt như em vậy.”
“Em biết ạ, em với cậu ấy là người một nước.” Tăng Hảo nói, nhớ tới việc gì đó, lại nói, “Có điều, Ngụy Lai chắc là chưa để lại bóng ma gì cho cậu ấy.”
“Nói thế nào?”
“Cảm giác ấy.” Tăng Hảo nói, “Trước kia khi Ngụy Lai chưa mất tích, vì em ‘hòa thuận’ với Ngụy Lai nên lúc đó tất cả mũi nhọn đều nhắm vào Trần Niệm. Em nói xin lỗi cậu ấy, nhưng Trần Niệm nói, có người bảo vệ cậu ấy.”
Trịnh Dịch sửng sốt: “Nói lúc nào?”
…
Trịnh Dịch đau lòng và tự trách; anh không biết người Trần Niệm nói đó có phải là anh hay không, nhưng anh hoàn toàn không thể bảo vệ cô trọn vẹn.
Anh có thể cảm nhận rõ rệt, Trần Niệm đề phòng anh.
Vụ án này rõ ràng sắp kết thúc, nhưng luôn cho anh một cảm giác khó bề phân biệt không nói rõ được.
Anh đi ra hành lang, đứng dưới mặt trời rực rỡ dùng sức hít mạnh một hơi.
Đỉnh đầu truyền đến tiếng cười của tuổi trẻ.
Trịnh Dịch ngẩng đầu nhìn, trên dãy phòng học, rất nhiều học sinh đang xé sách, máy bay giấy xanh xanh đỏ đỏ tràn ngập chữ bay lượn đầy trời, cắt ánh mặt trời thành từng mảnh từng mảnh.
Các thiếu niên cười đùa. Thanh xuân thật đẹp biết bao.
…
Trịnh Dịch dẫn người lục soát nhà Bắc Dã một lần, cũng không phát hiện manh mối gì mới, ngoại trừ mấy sợi tóc mờ mờ ảo ảo của Trần Niệm. Suy xét đến việc Trần Niệm là mục tiêu tấn công của Bắc Dã, vả lại từng bị Bắc Dã mang về nhà, cái này không tính là chứng cứ gì.
Trịnh Dịch lại đặc biệt lục sách của Bắc Dã, không có mấy cuốn, đều là truyện tranh.
Anh đại khái đoán ra loại sách Bắc Dã đọc thường ngày, rồi ngẫm lại chuyện giấu thi thể ở đầm lầy, anh dần loại bỏ nghi ngờ Bắc Dã chọn chỗ đó để bảo vệ thi thể, chứng cứ nguyên vẹn, anh cảm thấy đứa trẻ này chắc không nghĩ tới điểm đó, hoặc đúng như Bắc Dã từng nói, chẳng qua là đường xa ít người không dễ bị phát hiện mà thôi.
Trịnh Dịch nhớ tới lão Dương từng kể một vụ án cho anh, từng có một tội phạm sau khi giết người không muốn người khác phát hiện nên chôn người chết trong nhựa đường, tuyệt đối không nghĩ tới việc đã qua rất nhiều năm thi thể không hề thối rữa ngược lại lưu giữ chứng cứ nguyên vẹn khiến hắn bị bắt.
Trong thực tế luôn có những sự trừng phạt và lưới trời không ngờ được, khiến người phạm tội không kịp trở tay.
Chính như Bắc Dã, chỉ nghĩ sẽ không có ai tới chỗ đầm lầy, nhưng không nghĩ tới việc thi thể và chứng cứ lại được giữ gìn nguyên vẹn.
Về đến Cục, gặp lão Dương dẫn hai nữ sinh bị hại trước tới nhận diện, Trịnh Dịch hỏi: “Kết quả xác nhận thế nào?”
Lão Dương nói: “Hai nữ sinh đó đều nói, cảm giác thân hình Bắc Dã rất giống người xâm phạm họ.”
Trịnh Dịch im lặng mấy phút, nói: “Cho em xem biên bản ghi lời khai một chút.”
Hai người bị hại trong hai vụ án cưỡng hiếp trước viết: “… Hình như là hắn... Lúc đó rất hỗn loạn, cảm giác không chắc chắn,… Lâu lắm rồi,… Hơi giống…”
Trịnh Dịch nói: “Chỉ là ‘giống’ mà thôi.”
Lão Dương quan sát anh một lúc, khoác vai anh: “Trịnh Dịch, có phải cậu có điều cất giữ với vụ này không vậy.”
Trịnh Dịch nói thật: “Cảm giác rất lạ, tại sao giai đoạn trước không điều tra ra manh mối, nhưng giai đoạn sau lại thuận lợi như mở cống thoát nước vậy.”
“Cậu ít kinh nghiệm đấy.” Lão Dương nói, “Rất nhiều vụ án đều không có cách nào giải thích bằng lý lẽ bình thường. Có người bị tình nghi kiên cường đấu tranh, thẩm vấn bao nhiêu lần điều tra bao nhiêu lần cũng không nắm bắt được chỗ sơ hở then chốt; có người bị tình nghi giữ thái độ không quan tâm tới vụ án, một khi bị bắt thì nhả ra hết, không làm khó dễ cảnh sát cũng không làm khó dễ bản thân.”
“Cái này em biết. Thái độ nhân sinh của mỗi người khác nhau.” Trịnh Dịch nói, “Nhưng lão Dương à, em cảm thấy chúng ta nên lục soát toàn diện sau núi lần nữa. Kế hoạch lục soát sau núi lần trước bị người bị tình nghi đột nhiên bắt được cắt đứt.”
“Cậu muốn lật cả ngọn núi?” Lão Dương nói, “Ba ngày trước chúng tôi đã dẫn Bắc Dã đến sau núi xác nhận địa điểm gây án rồi. Đồng nghiệp bên tổ pháp chứng đã đào đất, kiểm tra được phản ứng máu trong đất, trong đất còn có tóc của chính Bắc Dã. Khi đó lúc vùi lấp vết máu, cậu ta không chú ý làm rơi sợi tóc vào trong, chứng cứ càng xác thực hơn.”
Trịnh Dịch nghe ông nói như vậy, á khẩu không nói gì được. Hơn nửa ngày, lẩm bẩm hỏi: “Nhưng nếu còn chỗ khác thì sao?”
Lão Dương không nghe rõ: “Cái gì?”
“Không có gì.”
Lão Dương thấy anh vẫn còn tâm sự, nói: “Còn nữa, vớt được con dao ném xuống sông rồi, hung khí và vết thương của người chết hoàn toàn trùng khớp. Có điều ngâm trong nước quá lâu, không chiết ra được gì, nhưng trên lưỡi dao vẫn có phản ứng máu yếu. Phòng pháp chứng đang cố gắng xem có thể xác định là máu người hay không, may mắn thì có lẽ có thể xác định được nhóm máu.
—— Lần Trần Niệm bắt được ngay tại trận, cộng thêm bản thân cậu ta thừa nhận, mọi miêu tả đều phù hợp, cậu còn nghi ngờ gì nữa?”
“Còn một chuyện em không hiểu.”
“Chuyện gì?”
“Cậu ta cẩn thận chu đáo đến mức có thể loại bỏ hết quần áo và vật dụng hàng ngày của người chết, tại sao còn giữ lại áo sơ mi dính máu người chết và chiếc áo mưa kia?”
“Không có giữ lại đâu. Áo sơ mi và áo mưa đều là bọn tôi tìm ra được ở đống rác gần khu nhà xưởng. Đã bị đốt, bỏ rất nhiều công sức lấy chứng cứ đấy.”
“Phạm vi vứt này cũng quá gần rồi.”
“Tôi hỏi qua cậu ta, cậu ta nói khi đó lúc dọn quần áo và vật dụng hàng ngày vô tình để sót chiếc áo sơ mi, sau đó thời gian quá lâu cũng không có động tĩnh, tưởng không sao nên lơ là cảnh giác, đốt trong nhà rồi vứt ra ngoài.”
Giải thích này cũng hợp lý.
Nhưng Trịnh Dịch vẫn cảm thấy kì lạ, luôn cho rằng cậu ta đốt đồ cũng phải đốt sạch không còn dư lại một mảnh, chứ không phải để lại chứng cứ nhỏ nhưng trí mạng.
Nhưng, việc này có lẽ là anh suy nghĩ nhiều.
Vụ án này quả thực sắp kết thúc rồi.
Mùa mưa đã qua rất lâu, trời càng ngày càng nóng.
Ngày 7 tháng 6, nhiệt độ lên đến ba mươi tám độ. Trong trường thi, máy điều hòa hoặc quạt máy chỉnh mức cao nhất, các thí sinh ngược lại không bị thời tiết nóng bức ảnh hưởng.
Ngay khi vụ án của Bắc Dã sắp vẽ dấu chấm, Trịnh Dịch bắt đầu điều tra người qua đường hôm Trần Niệm bị lăng nhục và nam sinh biến mất cùng Ngụy Lai. Anh mơ hồ cho rằng việc mất tích của Ngụy Lai không thoát khỏi liên quan với chuyện kia, nhưng quá trình của chuyện đó hoàn toàn mơ hồ.
Ngoài việc này ra, anh cũng bắt đầu điều tra bạn bè của Bắc Dã.
Lớp mà Bắc Dã học đã sớm giải tán, các bạn học ai đi đường nấy, giáo viên đánh giá cậu rất kém, gần như chính là phác họa tội phạm lão Dương miêu tả, lầm lì lạnh lùng,...
Nhưng Trịnh Dịch vẫn tìm được dì ở viện mồ côi và mấy bạn học rải rác, hỏi thăm được cậu có quan hệ khá tốt với hai người bạn: Đại Khang và Lại Tử.
Lại Tử đi Quảng Đông, Đại Khang ở lại thành phố Hi làm việc trong một tiệm sửa xe.
Ngày 8 tháng 6, gần trưa, Trịnh Dịch đội mặt trời gay gắt tìm được tiệm sửa xe đó. Đại Khang đang sửa xe, sau khi nghe anh nói rõ mục đích đến, lập tức trở mặt định đuổi anh ra ngoài, thậm chí chửi ầm lên: “Các người là đồ đểu!”
“Cái gì mà tội phạm cưỡng hiếp? Nó căn bản không phải là loại người đó. Cái tiêu chuẩn phạm tội vớ vẩn gì đó của mấy người, tôi biết cả đống người thỏa mãn tiêu chuẩn đó, sao không bắt hết đi? Chỉ vì thân phận bố mẹ nó không tốt nên các người liền kì thị nó. Bố nó là tội phạm nên nó cũng phải đúng không?”
Trịnh Dịch ngăn cậu ta lại, nói: “Chính cậu ta thừa nhận.”
Đại Khang nói: “Nhất định là các người cưỡng ép.”
“Bây giờ không phải thời xưa, không ai ép cậu ta cả. Tôi tới tìm cậu cũng chỉ là muốn điều tra chuyện này rõ ràng hơn.”
Nhưng mà, ngoại trừ việc chủ quan cho rằng Bắc Dã không phải là tội phạm ra thì Đại Khang cũng không có chứng cứ khách quan. Trịnh Dịch đặc biệt hỏi thời điểm mấy vụ án xảy ra, nhưng Đại Khang không hề ở cùng Bắc Dã trong thời gian gây án, cậu ta cũng không nghĩ ra chứng cứ ngoại phạm.
Trịnh Dịch hỏi: “Người bạn tên Lại Thanh kia thì sao? Cậu gọi điện thoại hỏi thử xem.”
“Lại Tử hả,” Đại Khang cầm cờ lê vặn đinh ốc, không vui đáp: “Mất liên lạc lâu rồi. Từng cãi nhau với nó một trận, tính khí nó lớn.”
Trịnh Dịch có ấn tượng về Lại Tử, danh sách hai mươi, ba mươi người bị tình nghi của lão Dương trước đây có thiếu niên tên Lại Thanh này, các thông tin như chiều cao, cân nặng đều có. Nói tới ba người họ, cao gầy thực sự đúng là không khác biệt lắm.
Anh cảm thấy mình lại không công mà về, đi ra khỏi tiệm sửa xe, một tia kì lạ lại mơ hồ quét qua trong đầu. Anh tìm một tấm ảnh trong di động, đi lại trước mặt Đại Khang, hỏi: “Cậu có từng gặp qua nữ sinh này không?”
Đại Khang lấy tay lau mồ hôi trên đầu một cái, lưu lại một vệt dầu đen. Cậu ta híp mắt xem một hồi. Trong ảnh là một cô gái mặc đồng phục, tóc chải đuôi ngựa, cánh tay, bắp chân mảnh khảnh.
“Tôi không chắc có phải là nhỏ đó không.”
“Nhỏ đó?”
“Ừ. Hình như tôi đã gặp qua nhỏ này.” Đại Khang nói, “Tiểu Bắc nói, nó thiếu tiền nhỏ đó. Rất nhiều tiền.”