Tiệm Cơm Nhỏ Thành Trường An

Chương 24: Rút được một thẻ



Bùi Phỉ lại tới Lâm gia ăn chực cơm.

Bùi Phỉ và Lâm Yến vốn là đồng hương, gia thế cũng không hơn kém nhau bao nhiêu – đều có một cái họ tốt, cũng đều sa sút, chỉ khác ở chỗ Lâm thị thì cả nhà đều đã sụp, nhà Bùi Phỉ thì vẫn là cái cành khô nhỏ nhoi trên gốc đại thụ Bùi thị. Lúc ở Hà Đông hai người cùng học một trường, cùng nhau lập hội, cùng nhau đi thi, thái thú Bồ Châu là Thôi Tuân thấy hai người đều tuổi trẻ tài cao, phong tư nho nhã, từng gọi là “liên bích”.

* “Liên bích” nghĩa là ngọc liền chuỗi

Nhưng mà số làm quan của hai người lại kém nhau xa. Bùi Phỉ trước chịu tang ông, sau lại chịu tang cha, uổng phí liên tục mấy năm trời, rốt cuộc cũng tham gia kỳ thi của bộ Lễ và thi đậu, nhưng lại bị kẹt ở kỳ thi của bộ Lại, ba năm không được thụ quan. Mùa xuân năm nay rốt cuộc cũng thông qua kỳ thẩm xét, nhận chức hiệu thư lang cửu phẩm, mà lúc này Lâm Yến đã khoác áo quan đỏ tươi, làm đến thiếu doãn phủ Kinh Triệu.

Người so người ắt phải có người chết, hàng so hàng ắt phải có hàng vứt đi! Cũng may Bùi Phỉ thật đúng là lòng dạ rộng rãi, nếu không thật sự không cách nào tiếp tục chơi được với bạn cũ.

Bởi vì là bạn cũ thuở trước, lại là vãn bối, Bùi Phỉ và Lâm Yến cùng đón Tết Trung Thu với Giang thái phu nhân.

Trí nhớ của Giang thái phu nhân không tốt nhưng lại nhớ rõ Bùi Phỉ, gọi hắn là “thập nhị lang”, giống như là huynh đệ ruột với Lâm Yến được gọi là “đại lang”.

“Người một nhà” cùng nhau ngắm trăng uống rượu ở hậu viện.

Giang thái phu nhân bẻ một cái bánh dẻo nhân mứt táo chậm rãi ăn: “Mùi vị khá giống với bánh hoa hôm thất tịch.”

Lâm Yến mỉm cười, có đôi lúc trí nhớ của bà nội lại không sai đi đâu được.

Thái phu nhân thích ngọt thích mềm, rất hài lòng với bánh nhân táo, khuyên Bùi Phỉ và Lâm Yến: “Thập nhị lang, đại lang, các ngươi cũng nếm thử xem.”

Bùi Phỉ cười cầm một cái bánh nướng, đang muốn bẻ ra thì lại chú ý thấy chữ phía trên: “Quế lâm nhất chi, Côn Sơn phiến ngọc*.”

Mặt sau bánh cũng có chữ: “Cẩm tú tiền trình, cộng hạ nhất bôi**.”

* Nguyên văn trong “Tấn Thư”: “Quế lâm chi nhất chi, Côn Sơn chi phiến ngọc”. Nghe nói đề tên bảng vàng bắt nguồn từ câu này. [tác giả]

Giải thích: Phước Săn tự khoe mình với Vũ Đế: “Thần do quế lâm chi nhất chi, Côn Sơn chi phiến ngọc” (Thần như một cành độc nhất trong rừng quế, một phiến ngọc ở núi Côn Sơn – ý chỉ người đặc biệt cao quý hơn những người khác). Điển tích “cành trong rừng quế” được dùng trong nhiều bài thơ sau này với ý chỉ việc thi đậu.

** “Cẩm tú tiền trình” tức đường làm quan trải đầy gấm vóc, “cộng hạ nhất bôi” nghĩa là cùng uống một chén.

Đề tên bảng vàng, đúng là một câu chúc tốt lành. Quế cũng hợp với hoàn cảnh, đang Trung Thu mà.

Lâm Yến cũng lấy một cái, nhìn thấy mấy chữ phía trên thì hơi ngẩn ra, sau đó lại làm như không có chuyện gì, bẻ bánh ra cắn một miếng.

Bùi Phỉ tò mò muốn biết trên mấy cái bánh khác viết cái gì, bèn lấy một cái nữa, mặt trước là “Nguyệt thị cố hương minh*”, mặt còn lại là “Cộng kính viễn phương thân hữu nhất bôi**”.

* Trích “Nguyệt dạ ức xá đệ” (Đêm trăng nhớ em trai) của Đỗ Phủ, nghĩa là “trăng vẫn sáng nơi quê nhà”.

** “Cộng kính viễn phương thân hữu nhất bôi” ý là kính bạn bè nơi phương xa một chén.

Ôi chao, cũng rất là có ý nghĩa.

Tỳ nữ rót rượu bên cạnh cười nói: “Bánh ngọt này nghe nói được gọi là “bánh thẻ trung thu”, giống như thẻ ở trong miếu, dùng để chơi trong bữa tiệc.”

“Đây là chủ ý tinh quái của người nào?” Bùi Phỉ cười hỏi.

“Cái này… tỳ nữ cũng không biết, chỉ biết là mua từ bên ngoài.” Tỳ nữ cười đáp.

Bùi Phỉ rút được “thẻ tốt” thì không khỏi vui vẻ, liền hỏi Lâm Yến: “An Nhiên, thế trên bánh của ngươi viết cái gì?”

Lâm Yến lạnh nhạt đáp lại: “Không có gì, chẳng qua là hai câu cát tường mà thôi.”

Bùi Phỉ đã vươn tay lấy nửa bánh còn lại, mặt trên chỉ còn sót lại bốn chữ “giảo hề”, “liêu hề”, mặt còn lại thì là “giai phụ”, “nhất bôi”.

Bùi Phỉ cười thành tiếng, đưa nửa cái bánh còn lại cho Giang thái phu nhân: “Chúc mừng thái phu nhân, chắc hẳn chuyện tốt của An Nhiên sắp tới rồi. Chúng ta phải theo lời trên cái bánh này, cùng uống một chén mới được.”

Giang thái phu nhân rất thông thạo kinh thư, liếc mắt một cái đã nhìn ra đây là “Nguyệt xuất giảo hề, giảo nhân liêu hề”, vừa rồi đã nghe tỳ nữ giải thích, lại có lời của Bùi Phỉ, liền đoán ra nửa câu còn lại là “Tất đắc giai phụ”, thế là lập tức mỉm cười, vui vẻ nói với Lâm Yến: “Rất nên uống với nhau một chén!”

“Nguyệt xuất giảo hề, giảo nhân liêu hề” bắt nguồn từ Kinh Thi [tác giả]

Giải nghĩa: Trăng lên sáng đẹp, người đẹp yêu kiều.

“Tất đắc giai phụ, cộng ẩm nhất bôi” ý là ắt sẽ có vợ đẹp, cùng uống một chén.

Bùi Phỉ chớp mắt nhìn Giang thái phu nhân: “Vừa rồi An Nhiên còn muốn qua loa giấu giếm…”

Giang thái phu nhân giả vờ nghiêm khắc: “Nhất định phải uống.”

Đám tỳ nữ mặc dù không hiểu thi từ nhưng lại nghe hiểu cuộc nói chuyện của họ, đều cười rộ lên.

Lâm Yến nhếch miệng, cũng bất đắc dĩ phải nâng chén lên.

Uống một ngụm rượu, Giang thái phu nhân cũng tò mò cầm một cái bánh nướng lên, đọc chữ ở mặt trên: “Hải thượng sinh minh nguyệt, thiên nhai cộng thử thời“, mặt còn lại là “Gia thời gia yến, cử bôi cộng ẩm”.

* Trích “Vọng nguyệt hoài viễn” (Ngắm trăng nhớ người xa) của Trương Cửu Linh, nghĩa là “Trăng sáng mọc trên biển, lúc này soi chung cả chân trời”.

“Gia thời gia yến, cử bôi cộng ẩm” ý là cả nhà quây quần bên bữa tiệc, nâng chén cùng uống.

Giang thái phu nhân cười nói: “Rất hay! Rất hay! Hợp tình hợp cảnh!”

Lâm Yến và Bùi Phỉ đều nâng chén rượu lên, cùng kính Giang thái phu nhân.

Giang thái phu nhân đã có tuổi, uống vài hớp rượu, cũng không còn sớm nữa, liền về phòng nghỉ trước, lại không để cho các vãn bối tiễn: “Các ngươi cứ chơi phần các ngươi đi, ta có mấy người A Tố rồi.”

Lâm Yến và Bùi Phỉ chỉ tiễn tới cửa viện rồi vòng trở lại. Không có thái phu nhân ở đây, Bùi Phỉ càng tự tại hơn, bưng cả đĩa bánh thẻ trung thu đặt trước chân, lật từng cái một lên xem, rốt cuộc cũng biết nguồn gốc vận may của mình – cả đám “giải thẻ” trên này không có cái nào không tốt, nào là “đường làm quan rộng mở”, “phú quý bình an”, “tài cao độ lượng”…

Nếu chỉ như vậy thì không nói làm gì, người làm bánh này còn chơi trò đối đáp khôi hài, ví dụ như cái bánh này mặt trên viết “Cất chén mời trăng sáng, mình với bóng là ba*”, mấy chữ ở mặt sau lại là “Say rồi, đừng uống nữa”. Bùi Phỉ phun cả ngụm trà ra ngoài.

* Trích “Nguyệt hạ độc chước kỳ 1” (Một mình uống rượu dưới trăng – kỳ 1) của Lý Bạch, bản dịch của Nam Trân.

Lâm Yến cười, nhíu mày nhìn hắn.

Bùi Phỉ cười run cả tay, đưa cái bánh cho Lâm Yến xem.

Lâm Yến cũng nhịn không được, cười xong lại mím môi, một cô nương mà lại tinh ranh như vậy!

Thẩm Thiều Quang không biết là tính hài hước dí dỏm của mình bị người ta phỉ nhổ, vẫn đang bán bánh trung thu.

Rằm tháng bảy có hoa đăng, rằm tháng tám trong phường cũng treo đèn, người đi dạo cũng không ít, Thẩm Thiều Quang cho A Viên một ít tiền lẻ, cho nàng ta nghỉ, mình nàng canh giữ trong tiệm.

Hiện giờ Thẩm Ký đã nổi danh khắp phường, đặc biệt là đám tiểu hài tử thì lại càng quen thuộc hơn, đi dạo phố ngắm hoa đăng ngang qua đều làm nũng người lớn đòi vào trong tiệm mua bánh.

Cho dù trước kia có thấy bánh đắt quá đi chăng nữa thì bây giờ hơn phân nửa đều sẽ mua vài cái bánh – ăn tết mà, hơn nữa, nếu mua cả hộp thì tất nhiên là đắt, nhưng chỉ mua vài ba cái thì vẫn đủ sức mua.

Thẩm Thiều Quang vốn còn sợ sẽ ế hàng – thứ này qua ngày hôm nay thì phải chấp nhận bán phá giá thôi, một mặt là bánh này không để được lâu, mặt khác nữa là mấy thứ làm để phục vụ lễ tết thế này, hết lễ rồi thì không đáng giá tiền nữa. Không ngờ rằng bánh lại bán rất đắt hàng, chẳng mấy chốc đã gần hết sạch.

Thẩm Thiều Quang đặt mấy cái bánh nướng vào trong túi trước kia dùng để đựng bánh rán, đưa cho một cặp phu thê: “Ngài cầm lấy.” Nhận tiền ném vào trong rổ, ngẩng đầu lên, người đứng dưới tàng cây trước cửa không phải chính là Liễu công tử đấy sao?

Dạo này Liễu công tử mặc dù thường xuyên tới dùng cơm nhưng lại rất ít nói, đôi khi hình như còn lén nhìn nàng, Thẩm Thiều Quang nhìn sang, hắn lại dời mắt đi chỗ khác, đôi khi thì lại như muốn nói gì đó nhưng rồi lại không nói gì.

Thẩm Thiều Quang rất muốn giống như kiếp trước, tới nói đùa với hắn: “Hey, người anh em! Có phải cậu thầm mến tôi không đấy?” Nhưng suy cho cùng vẫn phải cân nhắc tới quan điểm thời đại nên không dám lỗ mãng.

Bây giờ lại gặp được vị này, hắn lại đứng yên lặng dưới tàng cây, thấy tình cảnh như vậy, Thẩm Thiều Quang cảm thấy rất bất đắc dĩ, nhưng cũng chỉ có thể cười cười với hắn.

Thẩm Thiều Quang thấy người ta giống như cảnh, Liễu Phong lại thấy Thẩm Thiều Quang giống như tranh.

Dưới ánh đèn bên khung cửa sổ, mỹ nhân phong nhã thướt tha, ánh mắt tràn ngập hy vọng, nụ cười tươi rói, hẳn rằng Thường Nga cũng chỉ đẹp tới như thế mà thôi?