Tiệm Cơm Nhỏ Thành Trường An

Chương 86: Lễ hội lẩu lập đông



Lần này Thiệu Kiệt tới tìm Thẩm Thiều Quang không phải là mang đồ tới nữa mà là mang người tới.

Bệnh của Thẩm Thiều Quang cứ dai dai dẳng dẳng, tới lúc hoàn toàn khỏi hẳn thì đã sang tháng mười âm lịch, chẳng bao lâu nữa là tới lập đông. “Đấu cua” vẫn còn đang được tiến hành, Thẩm Thiều Quang đã sai người lấy hết nồi lẩu ra, lại đặt làm thêm một loạt nồi lẩu mới.

Năm ngoái khi món lẩu gây sốt thì Thiệu Kiệt còn chưa quen Thẩm Thiều Quang, thứ này hắn chỉ mới được ăn “phiên bản nhái”, khi đó đã cảm thấy ngon lắm rồi, bây giờ được ăn “phiên bản gốc” thật đúng là ngon không tả nổi.

“Với cái món canh sữa này, nhúng cá viên thịt lát thôi ta cũng có thể ăn thay cơm, ăn không ngán!” Thiệu Kiệt phồng má lên ăn một bữa no nê, ra về còn xách theo hai phần lẩu – sau đó thì kéo được thêm vốn. Hai phần lẩu kia tiến cống cho lão ông Thiệu gia, Thiệu lão ông liền đồng ý với kiến nghị của cháu trai, bỏ thêm vốn vào Thẩm Ký.

Thiệu Kiệt cái gì cũng muốn làm vội, trước đó còn đang băn khoăn không biết nên chọn cái nào trong hai cửa hàng mặt tiền, bây giờ dứt khoát bàn với Thẩm Thiều Quang mua lại cả hai, Thẩm Thiều Quang cắn răng: “Mua!”

Thiệu Kiệt lại gắp một miếng thịt chấm nước trộn tương vừng tỏi giã cho vào miệng: “Phải thế chứ! Chúng ta nhất định phải đưa món lẩu này tới tận đất Hồ, để cho đám người man di kia được mở mang tầm mắt, biết cái gì gọi là đại quốc, cái gì gọi là cuộc sống xa hoa, cái gì gọi là ngon miệng!”

Thẩm Thiều Quang: “…” Xem ra vẫn chưa nguôi lòng đồng hóa người Hồ nhỉ, cố lên chàng trai!

Thiệu Kiệt ăn lẩu nhanh mà dùng tiền cũng nhanh, mua xong cửa hàng mặt tiền, tìm người sửa chữa bày biện đồ đạc, có kinh nghiệm từ lần trùng tu quán ở phường Thân Nhân rồi nên Thẩm Thiều Quang không cần nhúng tay vào, Thiệu Kiệt cũng xử lý xong xuôi.

Lại tìm thương nhân buôn nô lệ mua người, sau đó dẫn người tới cho Thẩm Thiều Quang huấn luyện.

Thiệu Kiệt đề nghị: “Ngươi huấn luyện một đợt rồi phân bọn họ tới quán ở phường Sùng Hiền và Thân Nhân, để mấy người cũ chỉ bảo một thời gian thì cái gì không hiểu cũng sẽ hiểu thôi.”

Dùng người cũ luyện người mới, thực tập? Thiệu lang quân cũng được lắm!

Thẩm Thiều Quang rất đồng ý với ý kiến của Thiệu Kiệt, rồi lại muốn chơi một ván mạnh tay: “Thiệu lang quân, chúng ta tổ chức “lễ hội lẩu lập đông” đi?”

“Lẩu mà còn có lễ hội được?”

Thiệu Kiệt chưa từng trải qua thời đại đầy ngày lễ để tiêu phí, không biết rằng đến cả cái thảm lông cũng có thể thành lễ hội, bia cũng có lễ hội, thịt chó cũng có lễ hội, ngày độc thân vốn nên là thời điểm cô đơn lẻ loi lại thành dịp cho tất cả mọi người mua sắm điên cuồng.

Thẩm Thiều Quang giải thích cho hắn biết đây chỉ là một mánh khóe: “Chúng ta cứ chọn ngày lập đông, tới Đông Thị hoặc Tây Thị bày sạp, bày nồi lẩu. Không quan trọng là kiếm được bao nhiêu tiền, chủ yếu là để cho người ta quen mặt, lấy chút tiếng tăm.”

Thẩm Thiều Quang đã quen chuyện vẽ bánh thật to: “Ngươi thử nghĩ mà xem, chỉ cần ngày này ăn lẩu của chúng ta rồi, có phải năm sau sẽ lại nhớ về nó không? Càng ngày càng nhiều người như vậy, nói chưa chừng ăn lẩu lại thật sự có thể trở thành tập tục mới vào ngày lập đông, thậm chí còn có thể xuất hiện những câu vè như “lập đông ăn lẩu, không lẩu cóng tai” cũng nên.”

Thiệu Kiệt: “…” Sợ rằng khách không chế ra thì cô nương cũng có thể chế ra, sau đó viết lên bức tường đề thơ bên ngoài.

Thiệu Kiệt thật sự không đánh giá nhầm tiết tháo của Thẩm Thiều Quang. Thẩm Thiều Quang đang nghĩ xem làm sao để tuyên truyền Thẩm Ký, tuyên truyền món lẩu một cách rộng rãi nhất, nhất là sau khi nhìn thấy hai vị người mới mà Thiệu Kiệt đưa tới.

Hai vị này, Hứa tứ lang và Trương nhị lang là nô bộc trong chùa, nói chuyện phật với người phàm tục lâu ngày nên luyện được mồm mép, cũng có thể kể được rất nhiều chuyện kinh phật.

Thẩm Thiều Quang bảo hai người thử kể hai đoạn ngay tại chỗ, một đoạn “Duy Ma Cật Kinh giảng kinh văn”, một đoạn “Mục Kiền Liên cứu mẹ biến văn”, những chuyện tôn giáo truyền thống mà cũng có thể kể rất thú vị.

* “Kinh Duy Ma Cật” xuất hiện vào thế kỷ II, với tư tưởng mở rộng con đường giải thoát cho mọi người đều được hưởng hương vị của chân lý.

** Mục Kiền Liên là một trong hai đệ tử hàng đầu của Phật Thích ca, đã đắc quả A-la-hán và trở nên nổi tiếng là bậc “thần thông đệ nhất” trong hành Thanh văn đệ tử của Đức Phật. “Mục Kiền Liên cứu mẹ biến văn” là một tác phẩm biến văn kể về hành trình Mục Kiền Liên vào địa ngục để cứu mẹ, người phải vào địa ngục vì không tin vào Đức Phật.

Trong hai người thì Hứa tứ lang cực kỳ khéo nói, nói luôn miệng, không hề vấp chữ nào, y như trong quảng cáo.

Trương nhị lang thì lại khác, mồm mép không khéo được như vậy nhưng lại vô cùng giỏi bắt chước, bắt chước nam nữ già trẻ đều giống hệt từ động tác đến sắc mặt.

Đều là nhân tài cả! Thẩm Thiều Quang khen Thiệu Kiệt: “Người như vậy mà ngươi cũng có thể tìm được, thật đúng là quá siêu!”

Thiệu Kiệt không rõ ra làm sao, chẳng phải chỉ là hai tên chạy vặt mồm mép lanh lợi thôi sao? Trước kia bọn họ ở trong chùa nói kinh phật nhiều, chẳng biết chút bếp núc nào, nghĩ thấy chạy vặt dù sao cũng cần người khéo mồm khéo miệng một chút, cho nên mới mua hai người họ.

Sau đó Thẩm Thiều Quang đã để Thiệu Kiệt hiểu được cái gì gọi là “người dùng hết tài, vật dùng hết chỗ”.

Trước tiên là nàng lọc lại tên món ăn trong quán, viết ra một đoạn “Tên món ăn” trong quán của mình.

Gà nướng, gà kho, gà hầm, gà luộc, gà chiên, bá vương biệt kê*; vịt kho nước tương, vịt kho, vịt sốt, vịt nấu cơm rượu, vịt áp chảo phú quý… Gà vịt thịt cá, bánh ngọt, những món ăn đặc sắc, cái gì nên kể thì đều kể ra hết.

* “Bá vương biệt kê” đồng âm với “Bá vương biệt cơ”, tên một bộ phim điện ảnh của đạo diễn Trần Khải Ca.

Để cho Hứa tứ lang thử một chút, nói cho cùng thì chuyên môn vẫn hơi lệch một chút, mặc dù tạm thời vẫn chưa thể nhớ hết tất cả tên món ăn nhưng may mà cũng chỉ có mấy câu, cho nên vẫn nói rất trôi chảy.

Rõ ràng là Hứa tứ lang nói tốt, thế mà Thiệu Kiệt lại đi khen Thẩm Thiều Quang: “Cô nương giỏi lắm! Sau này đoạn này sẽ coi như một trong những chiêu bài của quán, rảnh rỗi thì nói một hồi, “thêm đồ ăn” cho các lang quân tới ăn cơm.”

Thẩm Thiều Quang cười: “Đấy, người đầu óc thông minh đều nghĩ giống nhau!”

Hai thương nhân khen ngợi nhau rồi cười ha ha.

Thiệu Kiệt hỏi Thẩm Thiều Quang: “Trương nhị lang thì để ở quán khác chứ? Sợ rằng hắn không mồm mép được bằng Hứa tứ lang.”

Thẩm Thiều Quang lại càng đắc ý hơn: “Trương nhị lang cũng dùng tới, người nào có cái hay của người đó.”

Thẩm Thiều Quang dứt khoát để hắn biểu diễn tiểu phẩm. Chỉ mình hắn thì diễn không được, Thẩm Thiều Quang rút một người từ trong quán ở phường Thân Nhân tới, lại có Hứa tứ lang đáp hí với hắn, ba người diễn vở “Vịn tường ra Thẩm Ký”.

Cốt truyện thì bắt chước một ý tưởng đã dùng cho mòn ở thời hiện đại – vào quán ăn, vịn tường đi vào, vịn tường đi ra.

Vai diễn của Trương nhị lang là một thực khách tham ăn, A Đậu diễn cùng với hắn thì sắm vai vị bằng hữu mời hắn ăn cơm, Hứa tứ lang thì diễn vai tiểu nhị của Thẩm Ký.

Từ lúc A Đậu nói mời hắn ăn cơm thì Trương nhị lang đã bắt đầu nhịn đói, đói đến nỗi bụng dán vào lưng, phải vịn tường đi vào Thẩm Ký, sau đó thì đến màn Hứa tứ lang giới thiệu món ăn – bởi vì nhằm chuẩn bị cho “lễ hội lẩu lập đông” nên các món được nhắc tới đều là đồ nhúng lẩu.

Giới thiệu đến món nào, Trương nhị lang sẽ gọi món đó lên nếm thử, sau đó bày ra động tác ăn uống rất khoa trương.

Cứ như vậy, Hứa tứ lang không ngừng giới thiệu tên món ăn, Trương nhị lang không ngừng ăn một cách khoa trương, phồng mồm ăn “đậu phụ não cá”, gắp đầy bát “thịt viên đàn hồi”, gọi cả một đĩa cá to tới để nhúng…

Cuối cùng Trương nhị lang ợ một cái, nói một câu chân thành: “Nếu nói đồ ăn ngon thì thật phục Thẩm Ký.”

Bằng hữu A Đậu của hắn thì nói: “Ngươi vẫn phải vịn tường rồi.”

Lúc Thiệu Kiệt xem diễn thử thì đã cười nghiêng ngả, bắt chước Trương nhị lang nói: “Nếu nói đồ ăn ngon thì thật phục Thẩm Ký”, lại bắt chước A Đậu: “Ngươi vẫn phải vịn tường rồi.”

Thiệu Kiệt nói với Thẩm Thiều Quang: “Ha ha ha, ta cảm thấy chắc chắn hai câu này sẽ khiến không ít người Trường An nhớ rõ, nhớ hẳn nhiều năm luôn.”

Thẩm Thiều Quang nói rất khách quan: “Lặp lại chính là sức mạnh. Chúng ta sẽ diễn hằng năm, kiên quyết để họ phải nhớ, họ không muốn nhớ cũng khó.”

Thiệu Kiệt: “… Ha ha ha ha!”

Ngoài những tiết mục quảng cáo mềm nhằm giải trí này thì cũng phải chuẩn bị quảng cáo cứng, ví dụ như vẽ biển hiệu lẩu, viết cờ tên Thẩm Ký, ví dụ như xe quảng cáo; còn mấy chuyện khác như nhân viên phục vụ, nồi, nước dùng và các loại đồ nhúng, mấy cái này thì Thẩm Thiều Quang không phải nhọc lòng, dù sao cả hai quán cũng đều có quản sự. Còn chuyện báo với thị lệnh, tìm vị trí thì là phần việc của Thiệu Kiệt.

Thiệu Kiệt là người làm việc đáng tin, tìm được một khoảng đất trống trên ngã tư đường ở đoạn phồn hoa đông đúc nhất của Đông Thị, Thẩm Ký bày sạp ở đó.

Biển gỗ lễ hội lẩu lập đông to đùng dựng lên, xe kéo cờ hiệu của quán rượu Thẩm Ký lên sân khấu, mấy bàn ăn bày ra, bên trên bày lò lẩu, cách đó không xa, nồi lẩu và bàn chế biến cũng được sắp xếp gọn gàng cẩn thận, trong nồi bốc lên mùi nước lẩu, mười mấy tiểu nhị và đầu bếp mặc y phục cùng màu, tư thế bày trận sẵn sàng có vẻ rất nghiêm chỉnh.

Cảnh tượng như thế sao có thể không hấp dẫn sự chú ý của người khác? Dần dần có khách đi tới, ngồi xuống gọi nước lẩu và đồ nhúng, nhưng phần lớn vẫn là đứng bên ngoài ngắm nhìn.

Sau đó Hứa tứ lang xuất hiện, đứng ở giữa sân, diễn một đoạn “Tên món ăn” trước.

Hình thức nghệ thuật thế này thật sự là thời nào cũng hợp, diễn xong một đoạn, cả đám đông đều reo hò tán thưởng.

Nhưng mà đây chỉ mới là món khai vị, “tiểu phẩm” phía sau mới là món chính.

“… Ta kén chọn lắm đấy, quán rượu bình thường ta không tới đâu.”

“Không phải bình thường.”

“Thế là khác thường?”

“Chà, chính là Thẩm Ký mà hôm Tết Thượng Tị đến cả thám hoa lang cũng xuống ngựa mua bánh đấy.”

“Ồ, thế thì thật đúng là khác thường rồi.”



“Ôi chao, Trương lang, sao ngươi lại vịn tường đi vào? Chắc không phải là không khỏe đấy chứ? Hay là để hôm khác chúng ta lại đi uống rượu?”

“Đừng lần lữa nữa, e là ta không sống được tới hôm khác đâu…” Trương nhị lang ôm bụng, kiệt sức nói.

Lúc này thì không chỉ có thực khách mà cả người vây xem bên ngoài cũng đều không nhịn được mà đều bật cười.

Hứa tứ lang lên sân khấu: “Trời lạnh, khách nhân làm một nồi lẩu chứ?”

A Đậu nhìn Trương nhị lang. Trương nhị lang nói: “Được.”

“Khách nhân dùng canh sữa chứ? Xương gà xương vịt xương lợn hầm lên, màu trắng như màu sữa bò, lang quân thử ngửi xem, mùi bay tới tận đây.”

A Đậu nhìn Trương nhị lang. Trương nhị lang nói: “Được.”

“Khách nhân thử một phần đậu phụ não cá chứ? Tên thì là đậu phụ nhưng thật ra không phải là đậu phụ, là làm từ thịt cá, nhưng còn non hơn cả đậu phụ.”

“Được!”

Khả năng biểu diễn của Trương nhị lang rất tuyệt, rõ ràng diễn cảnh không có đồ thật mà lại diễn rất thật, bỏ đậu phụ não cá vào trong miệng, bỏng miệng, nuốt không nổi nhưng lại không nỡ nhổ ra… Khiến cho đám đông xung quanh cười nghiêng ngả.

Có thực khách dí dỏm cũng gọi: “Một phần đậu phụ não cá xem!”

Người vây xem lại càng cười to hơn.

Hứa tứ lang vừa là diễn viên lại vừa là tiểu nhị thật, thực sự bưng đậu phụ não cá tới.

“Khách nhân thử một phần thịt viên đàn hồi chứ? Làm từ thịt lợn, vừa thơm vừa dai, thật sự đàn hồi.” Hứa tứ lang lại nhớ tới phần diễn của mình.

“Được!”

Sau đó Trương nhị lang bắt đầu “gắp đầy bát thịt viên”.

Các thực khách cũng góp vui gọi thịt viên đàn hồi.

Sau đó dứt khoát trở thành Trương nhị lang gọi cái gì, thực khách sẽ gọi món đó, thực khách gọi món gì, Trương nhị lang cũng gọi: “Một phần!”

Cũng may Trương nhị lang và Hứa tứ lang ở Thẩm Ký mấy ngày, các loại đồ nhúng đều đã được ăn mấy lần, diễn ngẫu hứng như thế mà cũng không để lộ.

Xem màn biểu diễn khoa trương của Trương nhị lang và cả màn “tương tác” giữa các thực khách thật, đám đông vây xem đều cười ầm lên, huống hồ giữa ngày đông lạnh lẽo như vậy, lư đồng rực lửa, tỏa ra mùi thơm nồng nàn hấp dẫn, ai mà nhịn được chứ?

Lượt diễn đầu tiên còn chưa xong mà quanh bàn ăn đã kín người.

Trương nhị lang và Hứa tứ lang, A Đậu đưa mắt nhìn nhau, thế là xong việc.

“Nếu nói đồ ăn ngon thì thật phục Thẩm Ký.” Trương nhị lang đọc lời kịch.

A Đậu: “Ngươi vẫn phải vịn tường rồi!”

Trương nhị lang thật sự ưỡn bụng lên, vịn “tường” ra về.

Đám đông vây xem cứ như xem tạp kỹ, bắt đầu hô “hay”, “hay”.

Hứa tứ lang và Trương nhị lang nghỉ ngơi một hồi, bắt đầu lượt diễn thứ hai, vẫn là báo tên món ăn trước, sau đó là biểu diễn tiểu phẩm.

Lại có khán giả đã xem lượt diễn đầu quay trở lại xem lần nữa.

Thẩm Thiều Quang và Thiệu Kiệt đang uống trà ở quán trà cách đó không xa thỉnh thoảng lại cúi đầu bàn bạc gì đó, hai người đều rất hài lòng về sạp hàng hôm nay, Thiệu Kiệt cười nói: “Thật là muốn ngày nào cũng bày sạp thế này luôn, vui quá mà! Cũng kiếm được không ít.”

“Còn bớt công mua tiệm nữa đúng không?”

“Còn không phải sao!”

Hai tên gian thương đều bật cười.

Bọn họ không biết niềm vui lớn hơn còn nằm ở phía sau – Phúc Tuệ trưởng công chúa tới.

Vị công chúa này vốn chỉ là tới Đông Thị đi dạo, thấy bên này náo nhiệt thì bảo người hầu đánh xe tới, thấy rõ cảnh tượng này và cả lá cờ kia thì khỏi phải nói nữa, chắc chắn là ý tưởng của Thẩm cô nương rồi.

“Đi mua hai nồi lẩu đi.” Trưởng công chúa nói với người theo hầu.

Tình huống thế này thì Hứa tứ lang không cáng đáng nổi, quản sự Từ Khai dù sao cũng đã tiếp đón trưởng công chúa mấy lần, thấy trưởng công chúa và cô nương nhà mình nói nói cười cười đã quen, cố lấy can đảm nói với người theo hầu: “Phiền bẩm lại với quý chủ, trong quán chỉ bán thịt nhúng lẩu, không bán cả nồi lẩu.”

Người theo hầu cũng là một người hay ho: “Ngươi cho rằng quý chủ không muốn xuống xe tự mình tới ăn sao?”

Thực khách và đám đông vây xem cũng cười lớn.

Phúc Tuệ trưởng công chúa ở trên xe cũng bật cười.

Có thể thấy, một chuyện hiếm hoi như việc trưởng công chúa dừng xe bên đường mua lẩu được truyền đi rất xa. Thiệu Kiệt nhìn Thẩm Thiều Quang, Thẩm Thiều Quang thì vẻ mặt thản nhiên, đây không phải trò lừa đảo ta cố tình sắp xếp!