Tiệm Tạp Hóa Cấm Nuôi Hổ Đói

Chương 12: Đó là gương mặt cô cực kỳ không muốn thấy vào lúc này



Hàng Du Ninh chìm vào những cơn ác mộng triền miên. Cô mơ thấy ngôi nhà ở Đông Bắc, cửa sổ phủ đầy sương trắng, tất và tã trẻ em được hong trên chiếc máy sưởi màu xám. Bố đang dùng một cái nồi nhôm nhỏ nấu sữa bò, hương sữa thơm lan tỏa khắp căn nhà.

Mẹ cô đang chuẩn bị một chậu nước nóng thật to, ôm cô vào lòng - cô biến thành dáng vẻ rất nhỏ bé. Mẹ tắm rửa cho cô, từng gáo nước ấm dội lên đầu, rất dễ chịu.

Mẹ thì thầm: "Tắm cho sạch sẽ, đúng không nào? Không được khóc nhá!"

Hàng Nhã Phỉ thắt bím, ngồi xổm bên cạnh, lo lắng giục: "Mẹ nhanh lên đi ạ, em gái con sắp bị cảm rồi kìa."

"Được rồi, được rồi, xong ngay đây!" Mẹ chuẩn bị quấn cô lại, nhưng lại nắm lấy bàn chân nhỏ của cô, vui vẻ hôn lấy hôn để: "Ngoan quá, con gái của mẹ ngoan quá đi thôi!"

Ngay lúc đó, lửa bùng lên, bắt đầu từ chậu nhôm tắm, rồi lan sang mẹ và Hàng Nhã Phỉ. Cuối cùng, thân thể của bố cũng chìm vào biển lửa.

"Chạy mau! Chạy mau!" Hàng Du Ninh muốn hét lên nhưng không thể phát ra âm thanh nào.

Bố vẫn từ tốn nấu sữa, mẹ vẫn ôm cô, Hàng Nhã Phỉ sốt ruột giơ tay muốn bế cô, sốt ruột chạy quanh.

Ngọn lửa chậm rãi thiêu đốt, biến tất cả thành tro bụi, rồi cả tro cũng biến mất, tất cả chìm vào bóng tối vô tận.

Hàng Du Ninh mở mắt ra, ánh đèn sợi đốt sáng chói mắt, mùi thuốc sát trùng xộc lên.

Cô quay đầu nhìn sang bên cạnh, thấy Hàng Nhã Phỉ ngồi ở đầu giường, mặt đầy phẫn nộ.

Tên hung thủ chưa bị bắt, sao chị ấy đã về rồi? Hàng Du Ninh mơ màng tự hỏi.

Hàng Nhã Phỉ đã xin phép để về sớm.

Vừa đến thị trấn, cô ấy vội vàng bắt xe về nhà, mở cửa ra, cô ấy nhìn thấy Hàng Du Ninh nằm trên giường, sốt cao mê man, còn Trương Thục Phân thì luống cuống dùng khăn ướt để hạ sốt.

Hàng Nhã Phỉ tức giận đến mức hai mắt tối thui, cô ấy sắp sụp đổ đến nơi rồi.

Qua điện thoại, cô ấy đã biết Trương Thục Phân sẽ không đưa Hàng Du Ninh đến bệnh viện, dù cô ấy đã khuyên nhủ nửa tiếng đồng hồ, Hàng Du Ninh yếu ớt, một khi bệnh là khó chịu đựng được.

Dù cô ấy đã nói rõ ràng như vậy rồi, nhưng chỉ vì muốn tiết kiệm vài đồng bạc, Trương Thục Phân để Hàng Du Ninh sốt suốt gần một tuần.

Hàng Nhã Phỉ đập phá mọi thứ có thể đập trong nhà. Hàng xóm đều rướn cổ qua hóng chuyện.

Hàng Nhã Phỉ biết mẹ mình sợ hai thứ nhất: lãng phí tiền và mất mặt. Nhưng là mẹ con ruột, phải đâm dao vào thẳng tim mới được.

"Con đã nói bao nhiêu lần rồi, đừng tiết kiệm, con sẽ kiếm tiền! Mẹ đã hứa với con thế nào? Tại sao để em sốt đến mức này mà vẫn không đưa đi bệnh viện!"

Trương Thục Phân đã chấp nhận số phận trong vô số lần đấu đá, bà ấy không thể đấu lại cô con gái lớn này, lúc này bà ấy chỉ biết cúi đầu nhún nhường: "Con nói nhỏ thôi, để mẹ từ từ giải thích."

"Hàng Du Ninh thế này rồi còn nói gì nữa! Thu dọn đồ đạc ngay lập tức, đi bệnh viện!"

Hàng Nhã Phỉ cõng em gái trên vai, lên xe buýt rồi lại bắt taxi đến bệnh viện tỉnh. Bác sĩ nói cô bị sốt cao dẫn đến viêm phổi, nếu muộn thêm vài ngày nữa sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Trương Thục Phân vốn đang lẩm bẩm lãng phí tiền, nghe thấy thế, bà ấy im bặt luôn.

Hàng Nhã Phỉ càng lộn ruột hơn, cãi nhau với mẹ ngay ở hành lang bệnh viện: "Con có thiếu mẹ tiền bao giờ chưa! Mỗi năm tiệm tạp hóa cũng có đâu ít tiền! Mẹ để tiền đâu hết rồi? Để chết hết rồi thì cho người chết tiêu à!"

"Con nói gì thế, phỉ phui cái mồm!"

"Phỉ phui cái gì! Mẹ dám làm con không dám nói chắc? Con nói cho mẹ biết, Trương Thục Phân, nếu hôm nay em gái con có chuyện gì, sau này con tuyệt đối không nhận mẹ làm mẹ nữa!"

Hàng Nhã Phỉ tự coi mình là con sói đầu đàn trong gia đình này.

Trương Thục Phân là cấp dưới của cô ấy, còn Hàng Du Ninh là sói con của cô ấy.

Bình thường, sói con không có gì đặc biệt, ngờ nghệch, không có chí tiến thủ, đụng chút là nhảy lên.

Bây giờ, cô ấy hận Trương Thục Phân vì sự ngu muội, thiếu hiểu biết, lại còn ngoan cố đến mức suýt khiến sói con của cô ấy mất mạng.

Sau khi tiêm thuốc và truyền nước, cuối cùng Hàng Du Ninh cũng hạ sốt và tỉnh lại.

Trương Thục Phân về nhà lấy quần áo để thay giặt, Hàng Nhã Phỉ bực bội hỏi: "Em muốn ăn gì?"

Hàng Du Ninh nhỏ giọng đáp: "Thịt."

Cơm cho bệnh nhân trong viện chỉ là mì với nước canh suông nhạt nhẽo, không có thịt.

Hàng Nhã Phỉ vốn tháo vát, đúng lúc cô ấy thấy người nhà bệnh nhân khác mang thức ăn từ quán ăn bên ngoài vào. Cô ấy tiến tới trò chuyện, lấy một gói "mì ăn liền" mà cô mua ở Bắc Kinh ra khỏi túi.

"Em gái tôi bị ốm, mẹ tôi về nhà rồi, xung quanh đây cũng không có quán ăn nào. Tôi muốn đổi cái này lấy một ít thịt, được không?"

Vào thời điểm đó, mì ăn liền là thứ hiếm có, đối phương là một người đàn ông trẻ tuổi, khi thấy Hàng Nhã Phỉ, tất nhiên đồng ý ngay, niềm nở nói: "Chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thôi, cô không chê là tốt rồi, đây là thức ăn ở nhà hàng Tri Vị Quan, ngon lắm, tôi còn chưa mở hộp đâu."

Vì thế, trên bát mì của Hàng Du Ninh có thêm ba miếng gà luộc to dày, một thìa nhỏ thịt xào củ niễng, hai viên chả cá tròn xoe.

Người đàn ông trẻ tuổi bên cạnh còn niềm nở nói: "Nhã Phỉ, ngày mai em gái cô muốn ăn gì nữa, tôi đi mua cơm cho bố tôi thì mang thêm một phần."

Ông bố của anh ta ở đó trợn tròn mắt, Hàng Du Ninh cũng trợn mắt. Sao lại gọi là Nhã Phỉ, suồng sã quá đi!

May mà Hàng Nhã Phỉ đã trưng ra khuôn mặt lạnh lùng của mình, đáp: "Ngày mai mẹ tôi sẽ mang cơm đến."

Hàng Du Ninh ăn no, Hàng Nhã Phỉ sờ trán cô, thấy ẩm ướt, biết rằng cô đang toát mồ hôi.

Hàng Nhã Phỉ thở dài, nói: "Em cứ ở lì trong cửa hàng tạp hóa mãi cũng không phải cách hay. Hay là chuyển đến ở với chị nhé?"

"Hả?"

Mặc dù ở nhà thường xuyên bị Trương Thục Phân mắng, nhưng ở chung với Hàng Nhã Phỉ thì chẳng khác nào sống cùng khủng long bạo chúa.

"Em ở ký túc xá với chị, tập trung học hành, rồi sẽ thi đỗ thôi."

"Nhưng mẹ làm một mình sẽ không xuể đâu?"

"Em thi đỗ rồi, chị sẽ không để mẹ mở tiệm tạp hóa nữa." Hàng Nhã Phỉ hiếm khi nói nhiều đến thế: "Bây giờ thời thế khác rồi, trong thành phố có rất nhiều cửa hàng, trong đó cái gì cũng có. Sớm muộn gì tiệm tạp hóa của mẹ cũng không trụ nổi đâu."

Hàng Du Ninh hơi ngốc, cô không thể tưởng tượng nổi cửa hàng trong thành phố sẽ như thế nào. Cô chỉ biết “tòa nhà bách hóa”, cô cứ nghĩ rằng mình sẽ mở tiệm tạp hóa cả đời.

Hàng Nhã Phỉ nhìn khuôn mặt ngơ ngác của Hàng Du Ninh, trong lòng nghĩ, ai có thể ngờ rằng người ngốc nghếch nhất mà cô ấy gặp trong đời lại là em gái ruột của mình.

Vừa ngốc, vừa đần, lại còn tốt bụng đến mức không thể cứu chữa.

Hàng Nhã Phỉ kìm nén cảm xúc, lạnh lùng nói: "Bất kể lúc nào, chị cũng sẽ lo cho em, chị nợ em, chị tự biết điều đó."

Hàng Du Ninh ngập ngừng một lúc mới hiểu ra Hàng Nhã Phỉ đang nói gì.

“Chị.” Hàng Du Ninh khẽ gọi: “Chị không nợ em đâu.”

Kể từ khi ghi nhớ được mọi chuyện, Hàng Du Ninh luôn bị chị tranh giành mọi thứ: sự quan tâm của bố mẹ, tiền tiêu vặt, từ những thứ nhỏ như một viên kẹo đến những thứ lớn hơn như cơ hội học hành...

Nhưng cô chưa bao giờ thấy rằng Hàng Nhã Phỉ làm sai.

Của cải trong gia đình chỉ có từng đấy thôi, phần lớn đã dành cho Hàng Kiến Thiết, phần còn lại, nghèo nàn và ít ỏi, đương nhiên hai người phải tranh nhau.

Cô không hề oán trách chị gái, giống như hai người đói tranh nhau miếng cơm. Người tranh được nhiều hơn lại sai ư?

Nếu có oán trách thì cô chỉ trách Hàng Kiến Thiết một chút. Nếu anh ấy ăn ít hơn thì họ đã không cần phải tranh giành rồi.

Nhưng lần nào anh ấy cũng muốn chiếm thật nhiều.

Đúng lúc đó, cửa phòng bệnh bị gõ vang, là đội trưởng Hứa, cùng một người đàn ông trung niên mặc đồng phục cảnh sát.

"Hàng Du Ninh, đây là cảnh sát Dư của Đội cảnh sát hình sự Cục Công an thành phố.” Đội trưởng Hứa giới thiệu: "Nghe được chuyện của cô nên anh ấy đến thăm."

Trông cảnh sát Dư có vẻ là người miền Bắc, cao lớn, mặt to, đôi mắt sắc bén. Khi nói chuyện, giọng ông ấy rất hòa nhã: "Đồng chí, hôm qua cháu đã vất vả rồi. Nếu không có cháu khống chế nghi phạm, không biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa, giỏi đấy.”

Lúc này Hàng Nhã Phỉ mới biết chuyện, nét mặt cô ấy thoáng thay đổi nhưng không thể hiện ra ngoài, lịch sự rót nước cho hai cảnh sát.

Cảnh sát Dư nói rằng Tiểu Ngọc có vấn đề về thần kinh và họ dự định đưa cô ta vào bệnh viện tâm thần để kiểm tra, sau đó mới xử lý tiếp.

"Còn về Cố A Phúc, tạm thời chúng tôi chưa cho cậu ta đi." Cảnh sát Dư nói: "Tôi muốn hỏi, tại sao cháu lại nghi ngờ cậu ta có liên quan đến vụ án của cô gái ở nhà máy điện?"

Hàng Du Ninh nhìn cảnh sát Dư, trông ông ấy không khác gì đội trưởng Hứa, cũng rất hòa nhã và khéo léo. Nhưng nhìn kỹ, cô có thể nhận ra sự khác biệt.

Dưới vẻ ngoài giống như cuộc trò chuyện phiếm thông thường, ánh mắt ông ấy luôn chăm chú theo dõi cô, không bỏ qua bất kỳ ánh mắt hay biểu cảm nào của cô.

Đây là thói quen nghề nghiệp của một cảnh sát hình sự. Khi bố cô điều tra, ông ấy cũng thường như vậy.

Với một người như thế, cô không thể lừa, không thể nói dối, càng không thể dựa vào những trực giác mơ hồ của mình.

“Xin lỗi, thưa cảnh sát, em gái tôi mới khỏi bệnh...”

Hàng Nhã Phỉ định nói lảng sang chuyện khác nhưng Hàng Du Ninh lên tiếng: "Cháu thấy cậu ta rất kỳ lạ."


Bạn đang đọc truyện trên Truyenhoan.com