Tiệm Tạp Hóa Cấm Nuôi Hổ Đói

Chương 3: Phùng Trình Trình về nhà



Hôm sau là chủ nhật, nắng rất đẹp.

Tiệm tạp hóa Thục Phân mở cửa từ sớm, Trương Thục Phân treo nước ngọt vào trong giếng để làm lạnh, tiếng xào nấu từ các gia đình vang lên khắp nơi, lũ trẻ đang nôn nóng chờ đợi bố mẹ thực hiện lời hứa đưa chúng đi sở thú.

Đúng lúc đó, một đứa trẻ hô to: "Phùng Trình Trình về nhà rồi!"

Mấy năm đó, lúc "Bến Thượng Hải" đang nổi như cồn, họ gọi những cô gái xinh đẹp là Phùng Trình Trình.

Hàng Nhã Phỉ xuống xe buýt, mở một chiếc dù che nắng.

Cô ấy đeo kính râm, tóc uốn xoăn bồng bềnh, diện một chiếc váy đỏ chấm bi, vòng eo thon thả, bước vào con hẻm màu xám trắng, giống như một ngôi sao lấp lánh.

Lũ trẻ đi theo sau cô ấy nhưng không dám lại gần, chỉ reo hò từ xa: "Sóng dâng, sóng trào, vạn dặm nước sông cuồn cuộn chảy mãi không ngừng."

Các mẹ các dì làm bữa sáng thò đầu ra từ cửa sổ, chào: "Ôi, Nhã Phỉ xinh đẹp quá, bao giờ dẫn một chàng rể tốt về cho mẹ cháu?"

Cũng có những cậu chàng trẻ tuổi, dũng cảm nói một câu: "Hàng Nhã Phỉ, chào cô."

Mặt đỏ bừng lên.

Trương Thục Phân nhìn thấy con gái thì vội vàng ra đón, nhận lấy túi của cô ấy, nói: "Sao hôm qua con không về?"

"Con tăng ca." Hàng Nhã Phỉ đáp ngắn gọn, lấy một chai nước ngọt có ga uống rồi hỏi: "Hàng Du Ninh đâu mẹ?"

"Ra bờ sông đánh quyền, vẫn chưa về."

Vì sức khỏe yếu, từ ba tuổi Hàng Du Ninh đã dậy sớm mỗi ngày để tập một bộ quyền, gió mưa cũng không nghỉ.

Hàng Nhã Phỉ vâng một tiếng, nói: "Mẹ, con phải đi công tác ở Bắc Kinh, chuyến xe tối nay."

Trương Thục Phân do dự, nói: "Gấp vậy sao... Thế, công ty có chi trả phí ăn ở không?"

Hàng Nhã Phỉ ngước mắt lên, hừ một tiếng, Trương Thục Phân biết không ổn.

Nhưng Hàng Nhã Phỉ đã bắt đầu nói với giọng điệu châm chọc: "Nếu chi trả phí ăn ở thì con không thể đến nhà Hàng Kiến Thiết sao? Nhà anh ấy là điện Kim Loan, con không thể đến sao? Ai mua căn nhà đó? Bố con đổi bằng mạng sống đấy!"

“Ôi bà cố nội, con nhỏ giọng thôi!” Trương Thục Phân vội vàng bịt miệng cô ấy lại, chỉ sợ hàng xóm nghe thấy: “Đến được, đến được, có gì mà không thể đến chứ, mẹ chỉ sợ chị dâu con... Con đi, con đi đi!”

Hàng Nhã Phỉ lườm một cái.

Trương Thục Phân lầu bầu: “Ngày nào cũng thế, biết con giỏi rồi, không biết mẹ là mẹ hay con là mẹ nữa!”

Bà ấy đi sắp xếp đồ đạc cho con gái, đây là chuyến đi dài, trước tiên phải luộc năm quả trứng gà, luộc thêm ít ngô, mang theo một gói bánh mì vitamin, cũng phải có một gói hạt hướng dương và vỏ sơn tra làm đồ ăn vặt. May mà nhà mở tiệm.

Bà ấy còn chuẩn bị cả quần áo mùa đông cho Hàng Kiến Thiết, đỡ phải gửi đi, cả quà cho ông bà thông gia...

Hàng Nhã Phỉ đi vào phòng trong, tiệm tạp hóa Thục Phân bán hàng ở đằng trước, đằng sau là chỗ ở.

Nơi ở chật chội đến nỗi không thể quay người, gian ngoài có một cái giường xếp, Trương Thục Phân thường ngủ ở đó, còn gian trong là giường tầng, Hàng Nhã Phỉ ngủ ở giường dưới, còn Hàng Du Ninh ngủ ở giường trên.

Hàng Du Ninh đánh quyền xong chuẩn bị về nhà nấu bữa sáng, nghe các cô bé nói Hàng Nhã Phỉ đã về, cô cũng rất vui, mở cửa hỏi: "Chị, bữa sáng chị muốn ăn gì?"

Kết quả là một quyển sách bay tới, là quyển "Cuộc điều tra màu đỏ”.

"Hàng Du Ninh, sao em đáng ghét thế hả! Giường chất đầy đồ của em đây này!" Hàng Nhã Phỉ mắng xối xả.

Hàng Du Ninh ngẩn người, nhỏ giọng nói: "Bình thường chị không về nhà mà, em không có chỗ để!"

"Không có chỗ để thì vứt đi chứ! Chỗ em rộng bao nhiêu thì để từng ấy thứ thôi!" Hàng Nhã Phỉ lại hét: "Chị không về thì không phải là thành viên của cái nhà này nữa! Chỗ của chị thành chỗ của em rồi đúng không!"

Hàng Du Ninh không dám cãi lại, đi tới dọn dẹp ngay lập tức, vừa nhặt cuốn sách lên thì bị Hàng Nhã Phỉ giật lại: "Chị đã nói chưa nhờ, nếu em còn xem những thứ độc hại này thì sẽ thế nào?"

Hàng Nhã Phỉ có đôi mắt rất to, khi trừng người khác, ánh mắt rét lạnh khiến người ta sợ hãi, Hàng Du Ninh lén lút tránh đi, không dám nhìn thẳng vào mắt cô ấy.

Xoẹt một phát, Hàng Nhã Phỉ dứt khoát xé cuốn sách thành hai nửa, sau đó ra lệnh: "Nhặt lên dọn dẹp đi!"

Mắt Hàng Du Ninh ầng ậng nước, đây là cuốn sách cô khó khăn lắm mới mượn được.

Trương Thục Phân vội vã chạy vào, cũng không dám chọc giận Hàng Nhã Phỉ, chỉ có thể dọn dẹp đồ đạc giúp con gái út, nói: "Được rồi, đi nấu cơm đi, cả ngày chỉ đọc mấy thứ không tốt này, tính nhầm sổ sách cũng không biết."

Từ nhỏ Hàng Nhã Phỉ đã rất giỏi, vì cô ấy thật lòng tin rằng mình là đại diện cho con đường đúng đắn, mẹ, anh trai, em gái đều là những đối tượng cần được cô ấy cải tạo.

Trương Thục Phân xếp được bốn túi đồ, hai túi dành cho Hàng Nhã Phỉ mang theo trên đường, hai túi còn lại là đồ cho Hàng Kiến Thiết. Bà ấy xếp đồ ở cửa, có người hỏi, bà ấy cao giọng nói: "Con gái tôi đi Bắc Kinh công tác, tiện thể mang ít đồ cho anh trai nó!"

"Thục Phân quản lý giỏi thật." Hàng xóm nói.

Trong khi đó, Hàng Du Ninh xào nấu trong bếp đổ đầy mồ hôi. Mỗi lần chị gái về, mẹ cô đều rất hào phóng.

Cô thêm ớt và đậu phụ, hầm phần cá còn thừa, thêm một đ ĩa rau mã lan vừa mới nhặt được mấy hôm nay, rất mềm, xào cùng thịt ba chỉ, thêm món địa tam tiên (*) và đậu phụ sốt cay.

(*) Địa tam tiên: một món ăn được kết hợp hài hoà từ khoai tây, cà tím và ớt chuông xanh đỏ xào.

Hàng Du Ninh nấu được một lúc thì quên mất ấm ức, thèm ăn quá. Cô rất thích ăn uống, nhưng ngày thường Trương Thục Phân không cho phép nấu như vậy, hai người chỉ có thể ăn qua loa một bữa bằng một miếng đậu phụ thối.

Cô nấu xong thì đã sang buổi chiều, chuyến xe của Hàng Nhã Phỉ tới vào buổi tối, ăn xong phải đi ngay.

Hàng Nhã Phỉ ngủ một giấc, khi ra ngoài ăn cơm, cuối cùng cũng bình tĩnh lại, còn khen Hàng Du Ninh hai câu: "Không tệ, có hương vị của gia đình."

Trương Thục Phân mặt mày hớn hở, nói: "Thật kỳ lạ, con bé đến miền Nam mới học nấu ăn, mà xào măng lại mang hương vị của Đông Bắc."

Thông thường, những người từ nơi khác đến đều cố gắng thể hiện mình đã hòa nhập với địa phương.

Nhưng Trương Thục Phân thì ngược lại, bà ấy không muốn cho bọn trẻ quên gốc gác của mình ở Đông Bắc.

Hàng Du Ninh không tham gia vào cuộc trò chuyện, lúc ăn cơm cô thường im lặng, toàn tâm toàn ý để mỗi một nụ vị giác cảm nhận sự tươi ngon của đầu cá, sự mềm mịn của đậu phụ, hương thơm của rau dại, và cả miếng cơm thật to trong miệng, cảm giác mãn nguyện đến nghẹn.

Hàng Nhã Phỉ chợt nhớ ra điều gì đó, lấy một phong bì trong túi ra, nói: "Đây là lương tháng này, nhà mình cũng nên mua một cái tủ lạnh đi, đúng lúc mùa hè bán thêm đồ uống lạnh."

Trương Thục Phân áng chừng độ dày của phong bì, nụ cười trên khuôn mặt càng thêm rạng rỡ: "Vẫn là con gái lớn của mẹ tốt."

Hàng Nhã Phỉ quay sang Hàng Du Ninh nói: "Em vừa trông tiệm vừa ôn tập đi. Năm nay cố thi lại một lần nữa, không thì cả đời chỉ có cái bằng cấp hai thôi à?"

Hàng Du Ninh gật đầu.

Sau khi ăn xong, Trương Thục Phân cẩn thận kiểm tra những thứ cần mang theo.

Hàng Nhã Phỉ đang thay quần áo trong phòng.

Cuối cùng, Hàng Du Ninh có được một lúc rảnh rỗi, cô dịch đến bên cạnh Hàng Nhã Phỉ, khẽ nói: "Chị ơi, em có chuyện muốn nói với chị."

"Nói đi."

"Em gặp anh Hứa Dã."

Hàng Nhã Phỉ dừng động tác giữa chừng, khoảng nửa giây.

"Gặp ở đâu?"

"Ngay phía trước, họ còn tưởng anh ấy là lưu manh, suýt nữa thì bắt anh ấy."

Nhóm Hồ Phong không thả Hứa Dã vì lời chứng minh của Hàng Du Ninh, vẫn đưa anh tới đồn cảnh sát.

Hàng Du Ninh không biết phải làm sao, muốn chị gái đi giúp đỡ hỏi thăm một chút.

Dù sao, họ đã từng...

"Sao em biết anh ta không phải lưu manh?"

"Sao ạ?"

Hàng Du Ninh ngạc nhiên nhìn Hàng Nhã Phỉ, tưởng mình nghe nhầm.

“Không phải hồi đó có người nói rồi đó sao.” Cô ấy tiếp tục mặc quần áo, thờ ơ nói: “Anh ta là người có số phải ngồi tù.”

“Còn nữa...” Đôi mắt xinh đẹp của cô ấy lướt qua Hàng Du Ninh, cô ấy nói: “Em quên vụ đó rồi à? Anh ta c**ng hi3p cô gái học múa.”

Hồi còn đi học, Hứa Dã là chàng trai xuất sắc trong khu vực.

Anh không mang kiểu đẹp trai thịnh hành thời bấy giờ, thời đó người ta chuộng những gương mặt tuấn tú, nhã nhặn như Đường Quốc Cường (*). Hứa Dã có đôi mắt không to lắm, làn da ngăm đen, thuộc kiểu người nhìn cái đã biết anh rất nghịch ngợm.

(*) Đường Quốc Cường là một đạo diễn, diễn viên nổi tiếng người Trung Quốc. Ông được khán giả biết đến nhiều nhất là vai diễn thừa tướng Gia Cát Lượng trong bộ phim Tam Quốc Diễn Nghĩa năm 1994.

Tuy nhiên, vóc dáng của anh rất ấn tượng, không gầy gò như cái sào tre như những chàng trai tuổi đó, Hứa Dã tuy gầy nhưng có cơ bắp rõ nét trên cánh tay. Khi mặc áo ba lỗ chơi bóng rổ, trông anh rất đẹp trai.

Theo cách nói của người sau này, anh có một loại phong thái “lạnh lùng”, ở cái độ tuổi chẳng biết gì mà đã có con gái gửi thư tình cho anh.

Tuy nhiên, người bình thường không mấy ai dám công khai thể hiện tình cảm với anh, vì mọi người đều công nhận Hứa Dã và Hàng Nhã Phỉ là một đôi.

Hồi đó, Hàng Nhã Phỉ rất nổi tiếng trong trường, không chỉ vì nhan sắc, cô ấy còn là đại diện xuất sắc của học sinh toàn thành phố, từng mặc một chiếc váy kẻ đỏ đại diện cho học sinh thành phố phát biểu, trở thành người trong mộng của một nửa học sinh nam.

Còn nửa kia thì thầm mến công khai, thậm chí có vài tên côn đồ trong phố ngồi canh ở cổng trường chỉ để nhìn thấy cô ấy, bác bảo vệ đuổi thế nào cũng không chịu đi.

Hứa Dã lần lượt đánh từng tên một phải cút về.

Từ những kẻ côn đồ ngoài xã hội đến những tên “đầu gấu” ở các trường, ở Đông Bắc, ai đánh nhau giỏi đều được gọi là “đầu gấu”, mấy tên đầu gấu thường có một nhóm học sinh nam cũng giỏi đánh nhau không kém.

Hứa Dã là “đầu gấu” lớn nhất trong trường. Sau mỗi giờ tan học, anh vung ba lô lên vai, dẫn nhóm anh em của mình ra ngoài, lần lượt xử lý những kẻ làm phiền Hàng Nhã Phỉ, khiến họ phải ngoan ngoãn cúi đầu.

Cả hai chưa từng thừa nhận có mối quan hệ gì với nhau, nhưng trên đường đi học, Hàng Nhã Phỉ đạp xe phía trước, Hứa Dã dẫn theo một nhóm anh em lượn lờ phía sau.

Như thế không phải là một đôi thì là gì nữa?

Mãi cho đến khi Triệu Minh Minh xuất hiện.

Triệu Minh Minh học múa từ nhỏ, chuẩn bị thi vào đoàn văn công. Nghe nói cô ta rất thích làm đỏm, tối nào cũng dùng dây điện uốn tóc, tiếng cười của cô ta cứ cạc cạc như cả trăm con vịt kêu lên cùng lúc.

Cô ta cũng không làm gì quá đáng, chỉ thường đến tìm Hứa Dã, cả hai thì thầm nói chuyện, không cho ai nghe, chỉ có thể nghe thấy tiếng cười cạc cạc của cô ta.

Hồi đó là thời đại mà tội lưu manh có thể bị tử hình!

Hơn nữa, hai người liên quan đều là những nhân vật nổi tiếng. Chuyện tình tay ba ấy trở thành đề tài nóng hổi nhất trong trường. Thậm chí, ngay cả Hàng Du Ninh khi mới chỉ là cục bột nhỏ xíu cũng bị mọi người hỏi: "Này, bao giờ chị em hạ gục Triệu Minh Minh?"

“Tuần trước Hứa Dã đến đón em không nói cho em biết cậu ấy thích ai sao?”

Hàng Du Ninh nghiêm túc suy nghĩ một lúc, cuối cùng cũng nhớ ra: “Anh Tiểu Dã dẫn em đi ăn bột khuấy (*)! Ngon lắm luôn!”

(*) Bột khuấy: một món ăn vặt gồm bột mì, dầu ăn, đường trắng, các loại hạt, trái cây sấy khô, mè...

Mọi người bó tay với cục bột này, đành phải tiếp tục theo dõi vụ này thật kỹ.

Chẳng ai ngờ lại là kết cục này:

Triệu Minh Minh chết.

Cô ta treo cổ ở phòng học múa của trường, trước khi chết mặc bộ đồ luyện tập ố vàng, phác họa ra đường nét cơ thể chưa dậy thì hoàn toàn của thiếu nữ, và cả phần bụng dưới nhô lên không thể ngó lơ.

Cảnh sát điều tra các mối quan hệ của cô ta, phái nam có liên hệ với cô ta chỉ có Hứa Dã.

Bọn họ kiểm tra nhà Hứa Dã, tìm thấy qu@n lót của Triệu Minh Minh và một số quần áo cá nhân khác.

Phán đoán sơ bộ là hai học sinh trung học xảy ra quan hệ xác th1t, Triệu Minh Minh mang thai, không thể giải thích với người nhà, chỉ có thể sử dụng cách giải quyết cực đoan.

Lúc đó ông Hứa hít thở không thông, ngất xỉu lăn ra đất, sau khi tỉnh lại, ông ấy tìm gậy, ông ấy có thể diện cả đời, ông ấy muốn đánh chết cái tên mất hết tính người đó.

Nhưng Hứa Dã đã bị cảnh sát dẫn đi.

...

“Anh ấy bị oan.” Hàng Du Ninh nhìn Hàng Nhã Phỉ, rất ít khi cô tranh luận với chị gái.

Hàng Nhã Phỉ mặc kệ cô, thu dọn đồ đạc chuẩn bị đi, nhưng bị Hàng Du Ninh cản lại.

“Anh ấy không phải người xấu, bố nói rồi mà.” Cô hơi do dự, nhưng rồi vẫn nói ra: “Mắt em sẽ không sai...”

“Có thể đừng nhắc đến mắt của em không hả!” Hàng Nhã Phỉ không thể nhịn nổi nữa, hét lên: “Chị đã nói với em bao nhiêu lần rồi, thế giới này không có siêu năng lực, bố lừa em thôi, trêu em đấy!”

Hàng Du Ninh nói: “Bố sẽ không sai.”

Đột nhiên Hàng Nhã Phỉ ấn Hàng Du Ninh lên tường, nhìn chằm chằm vào mắt Hàng Du Ninh, đó là đôi mắt một mí, bình thường không có gì lạ hết.

“Bố sai rồi.” Hàng Nhã Phỉ gằn từng chữ: “Nếu mắt em thần kỳ như thế thật thì ông ấy đã không chết!”


Bạn đang đọc truyện trên Truyenhoan.com