Khi Lai Phụng Minh về già, ai cũng nói chắc chắn hồi trẻ bà là một người cực kỳ xinh đẹp quyến rũ.
Nhưng thật ra không phải vậy. Đôi mắt của bà quá nhỏ, hơi xếch lên, mặt lại to, rất hợp với nụ cười quyến rũ.
Thế nhưng, thời thiếu nữ, cô luôn mặt ủ mày chau, trông càng thêm quái lạ.
Hơn nữa, các cô gái khác dùng đủ loại kem dưỡng da, phấn trứng ngỗng, nước hoa, nhưng cô thì chưa bao giờ dùng, đến quần áo thịnh hành cũng chẳng có mấy bộ.
Thế nên, ở thời điểm trẻ trung nhất, cô không được ai chú ý, đến cả cậu chủ nhà họ Tưởng với những vết lở loét đến tận bắp đùi cũng liếc nhìn cô bằng ánh mắt khinh miệt.
Tối đó, cô đứng trước gương nhìn mình rất lâu, nhìn đến khi hai má ửng đỏ.
Cô nhớ thời thiếu nữ, mỗi khi hoa đào nở luôn có những chàng trai nghịch ngợm bẻ cành hoa đào tặng cho cô gái mà mình thích. Nhưng những điều đó chẳng liên quan gì đến một cô chủ sống trong nhà cao cửa rộng như cô.
Thế nhưng mỗi mùa xuân, trên bàn cô luôn có một nhành đào tươi tắn, nó được Lai Triều hái về sau buổi sáng luyện võ.
Chắc chắn anh tiện tay bẻ thôi, cô không để ý, chắc chắn anh cũng chẳng bận tâm đ ến điều đó.
Nhưng mỗi khi Lai Triều muốn làm gì, anh luôn khuyến khích Cố Kỳ Hành làm thay.
Gia đình họ Cố từng có một tai tiếng lớn, nói rằng Cố Kỳ Hành đã… với em gái của mình.
Thế còn Lai Triều, anh muốn làm gì?
Cô vừa cảm thấy rối bời, vừa cảm thấy xấu hổ vì sự rối bời đó.
Anh không làm gì cả, chỉ đến gần cô trong bóng tối và nhẹ nhàng gọi: "Chị.”
Hơi thở của anh vẫn thoang thoảng mùi bạc hà, mang theo nét nam tính, nguy hiểm, đầy tính xâm lược.
Tay chân cô bỗng tê cứng, giống như trúng phải bùa mê, không thể cử động.
Anh nói: "Nếu chị không muốn lấy chồng, tôi sẽ đưa chị đi."
Nói năng lung tung gì vậy? Anh là gì chứ? Có thể đưa cô đi đâu?
Cô nhớ đến đôi tay của anh, trắng trẻo thon dài, nhìn thoáng qua đã biết đó đôi tay của người có ăn có học.
Gương mặt tuấn tú của anh từng ở gần cô đến vậy.
Nước trong ao xuân đầy ắp, sóng gợn từng đợt, cô mở cửa sổ để gió mát lùa vào, nhưng gió chẳng thể xua tan hơi nóng trên mặt cô.
6
Một tháng sau, Lai Phụng Minh nhận sính lễ của nhà họ Tưởng.
Nhà họ Lai và nhà họ Tưởng đều là những gia đình danh giá, dù có sa sút bỏ chín làm mười, sính lễ cũng không ít.
Ông Lai không quen quản lý tiền bạc, bảo Lai Phụng Minh tự chuẩn bị thêm một ít làm của hồi môn.
Lai Phụng Minh lại vào thành phố.
Lần này, cô trang điểm, mặc một chiếc sườn xám màu vàng nhạt, thoa chút phấn son.
Ở tuổi hai mươi lăm, cô có nét quyến rũ dịu dàng mà những cô gái trong trường học không thể sánh bằng.
Lai Triều đợi cô ở cổng trường. Có vẻ như anh vừa tắm xong, trên người vẫn còn mùi bạc hà, anh mặc bộ âu phục, gặp cô vẫn hơi cúi đầu, nói: "Cô chủ."
"Đi thôi." Cô nói.
Họ cùng ngồi xe đi Thượng Hải.
Lần trước, ở ký túc xá của Lai Triều, anh thấy anh dùng văn phòng phẩm, bút máy, mực, thước tam giác, thước đo độ… không đắt, nhưng tính ra cũng tốn kha khá tiền.
Cô bèn đi mua một ít văn phòng phẩm ở trung tâm thương mại, mang về thị trấn bán ở cửa hàng nhà mình.
Trong trường mới, các môn học như hình học bắt đầu trở thành môn trọng tâm, mọi người rất thích mua thước tam giác và thước đo độ. Một số người làm thợ mộc cũng rất ưa chuộng những dụng cụ mới lạ mà tinh xảo này.
Cô nghĩ, người xưa có biết bao người phát tài nhờ vào bút mực giấy nghiên, tại sao Lai Phụng Minh lại không thể dựa vào những thứ nhỏ nhặt này mà gây dựng sự nghiệp?
Thời bấy giờ, việc phụ nữ buôn bán, nhất là phụ nữ chỉ quanh quẩn trong phòng ngủ vẫn là một chuyện vô cùng khó khăn, cô phải dẫn người theo.
Cả nhà họ Lai đều nghe lời cô, nhưng cô chỉ mơ hồ biết rằng, người có cùng chí hướng với mình chỉ có Lai Triều.
Vì thế hai người đi đến một nhà máy ở Thượng Hải.
Nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm bằng nhựa, không chỉ có thước tam giác, thước đo độ, mà còn có cả đồ chơi, đồ dụng gia đình và nhiều thứ khác nữa.
Thậm chí họ đã gặp được ông chủ, một Hoa kiều về nước, bản thân là ông ấy một nhân viên kỹ thuật. Ông ấy nói muốn mang nhựa về cho quê hương, nhưng thiết bị và công nghệ của ông ấy rất thô sơ, chỉ có thể làm những sản phẩm đơn giản.
Nhưng những thứ đơn giản đó đã đủ cho thị trường bây giờ.
Trên đường về, Lai Phụng Minh ngồi trên ghế, ôm sản phẩm mẫu, như thể ôm một đứa trẻ nhỏ.
Lai Triều đứng trước mặt cô, che chắn cho cô khỏi đám đông đang chen lấn. Cô không cần ngẩng đầu nhìn anh cũng biết ánh mắt của anh rất dịu dàng.
Lai Phụng Minh đã dùng tất cả sính lễ của mình để đặt một lượng thước đo nhựa lớn, thước đo độ và thước tam giác.
Cô còn dựng một xưởng gia công nhỏ ở Tưởng Gia Lý, đóng gói những sản phẩm này, biến chúng thành "túi văn phòng phẩm Tuyết Lỵ".
Sau này, cô đến trường học ở các thành phố lớn như Thượng Hải, Tô Châu, Hàng Châu... để bàn chuyện, trực tiếp bán những túi văn phòng phẩm này cho trường học, để họ bán cho học sinh.
Thông thường, các cô gái nơi khuê phòng sẽ phải dành ba năm để chuẩn bị của hồi môn cho bản thân trước khi kết hôn.
Còn Lai Phụng Minh đã dùng ba năm đó để làm tài sản của nhà họ Lai tăng gấp đôi.
7
Năm đó, tin tức về việc người Nhật sắp đánh chiếm vô cùng xôn xao.
Mọi người không phải đi đến tô giới ở Thượng Hải để trốn thì cũng chuyển cả gia đình về nông thôn.
Nhà họ Tưởng lo sợ rằng nếu tình hình hỗn loạn, hôn sự sẽ bị hủy nên đã cử người đến thúc giục.
Nghe nói, cậu chủ nhà họ Tưởng càng ngày càng kỳ quặc, đã nằm trên giường, không kêu người cho ăn, không thể ăn uống gì.
Lai Phụng Minh nói với ông Lai: "Bố ơi, chúng ta trả lại sính lễ cho họ, tự mình sống thôi!"
Khi cô nói điều này, đôi mắt cô sáng bừng, đó là ánh mắt của đứa trẻ ngước nhìn bố mẹ, tràn đầy hy vọng và tình yêu rực sáng.
Ông Lai quăng vỡ chiếc chén trà, ông ấy rất tức giận.
Ông ấy đã từng nổi loạn khi còn trẻ, nhưng khi về già, ông ấy lại trở thành người ủng hộ trung thành nhất của dòng họ.
"Con ném hết mặt mũi nhà họ Lai đi đấy à! Ba năm rồi! Không chuẩn bị được một chút của hồi môn nào sao? Còn nói những lời điên rồ như vậy, con muốn làm bố tức chết!"
"Chúng ta có thể tự kiếm tiền, cần gì phải đưa qua nhà họ Tưởng! Cậu ba nhà họ Tưởng là kẻ không ra gì, không phải bố không biết!"
"Con đã hai mươi lăm tuổi rồi! Có một người đàn ông muốn cưới con đã tốt lắm rồi!"
Ông ấy thở không ra hơi, ngã xuống ghế thở hổn hển một lúc lâu.
"Nhốt... nhốt cô chủ lại cho tôi! Không cho nó chạy ra ngoài nữa!"
Rất nhiều người trong nhà họ Lai đều có võ công.
Khi cô bị đẩy vào tháp thêu, nhớ lại rất nhiều năm trước, bố đã dạy cô Tiểu Yến Thanh, nói rằng có khinh công, cô có thể đi bất cứ đâu.
Ông ấy đã lừa cô, dù có khinh công tốt đến đâu cũng không thể nhảy ra khỏi nơi kín cổng cao tường này.
8
Ngày mưa mận vàng (*), nước mưa lách tách rơi xuống bờ ruộng, một chiếc ô giấy dầu từ xa dần tiến lại gần.
(*) Mưa mận vàng chỉ tầm tháng 6, tháng 7 dương lịch.
Lai Phụng Minh bám vào cửa sổ tầng hai nhìn ra, trong lòng dâng lên một chút vui mừng mơ hồ.
"Cậu chủ về rồi!"
Không biết có phải ảo giác không, mỗi lần người giúp việc thông báo Lai Triều trở về, giọng nói đều trong trẻo hơn bình thường, như âm thanh từ việc bẻ một quả dưa chuột để sự tươi mát phả vào mặt.
Khi Lai Triều về nhà, anh chào ông Lai trước rồi ngồi xuống nói chuyện.
Lai Phụng Minh tựa vào cầu thang, vừa xâu chuỗi hạt vừa nghe cuộc trò chuyện đứt quãng.
"Con đã được chọn đi du học... nhưng cũng có thể đi thi làm nhân viên nhà nước...”
"Con vẫn muốn kiếm tiền trước..."
"Con à, con yên tâm đi học, chuyện tiền bạc..." Ông Lai giả bộ nghiêm túc lắc tay: "Không cần lo! Không cần lo!"
Khi Lai Triều còn nhỏ, ông ấy luôn cố gắng thể hiện rằng anh không phải do ông ấy sinh ra, chỉ là một học trò họ Lai.
Còn bây giờ, từng câu từng chữ đều là con của ta, giống như một người thợ xây xi măng đang lấp đầy khe hở ở giữa.
"Từ giờ nhà họ Lai chỉ mong chờ ở con thôi, hãy cố gắng học hành thật tốt."
Lai Phụng Minh đứng dậy, trở về phòng.
Lai Triều đi lên, chào cô: "Cô chủ."
Mặt gương mờ ảo hiện lên khuôn mặt cô, đôi môi cô bị cắn rách, như một bông hoa bị mưa dội ướt.
"Tôi có một người bạn cùng trường, nhà mở tiệm may, nghe nói cô chủ... sắp làm việc lớn, tôi đã mua một món quà."
Anh vẫn cung kính và khiêm tốn như trước.
Anh lại nói: "Tôi không giỏi mua sắm, nếu cô chủ không thích thì cứ bỏ sang một bên."
"Đồ của cậu, đương nhiên cái gì cũng tốt."
Cô mở hộp ra, bên trong không phải là đồ của một tiệm may cổ, mà là một chiếc váy kiểu Tây với tà váy phức tạp rực rỡ, đính ngọc trai, làm người ta choáng ngợp.
"Tôi mặc nó cho cậu xem!"
Cô đi về phía sau tấm bình phong, anh vội vàng định rời đi thì nghe thấy bên trong truyền ra một giọng nói không nhẹ không nặng: "Đợi một chút."
Tấm bình phong cũ kỹ, thêu bằng chỉ bạc hình phượng hoàng đậu trên cây ngô đồng, có thể nhìn thấy vóc dáng thanh thoát của cô gái, với bóng hình vàng nhạt.
Âm thanh từ dưới lầu truyền lên, đó là tiếng những người người giúp việc và bà vú đi qua đi lại, họ có thể lên đây bất cứ lúc nào, một khi bị bắt gặp, anh và họ sẽ không thể trốn thoát.
Nhưng không biết vì sao Lai Triều lại đứng đó, không động đậy.
Lai Phụng Minh mặc váy xong, cô chưa bao giờ đẹp như vậy, eo thon, cổ dài, trên môi là màu đỏ xinh đẹp.
Sau này, cô rất giỏi trong việc chỉ cần một ánh mắt, một nụ cười quyến rũ cũng có thể làm người ta mê mẩn.
Nhưng lúc đó, cô vẫn là một cô chủ kiêu ngạo, thậm chí đó là lần đầu tiên cô ưỡn ngực lên, trắng như một nắm tuyết mới rơi.
Đứng trước cô là một cậu học sinh trẻ tuổi và điển trai, trước giờ vẫn luôn chín chắn trưởng thành, mà lúc này lại đứng ngây ngốc ở đó, ánh mắt đầy kinh ngạc, thậm chí tai cũng đỏ ửng.
"Ngày đó, cậu nói sẽ đưa tôi đi." Cô nhẹ nhàng nói: "Có thật không?"
Trong tay tôi có ít tiền.
Tôi muốn hợp tác với ông chủ xưởng nhựa, đầu tư trực tiếp, mở một nhà máy lớn hơn.
Sản xuất cốc, bát, chậu... nhiều sản phẩm nhựa hơn nữa.
Chúng có giá thành thấp, sau này sẽ đến với hàng triệu hộ gia đình, chắc chắn sẽ bán rất chạy.
Đến lúc đó, chúng ta có tiền, có thể định cư ở Thượng Hải.
Sống cuộc sống mà mình mong muốn.
Nhà họ Lai đã mục nát, cậu không hề muốn tiếp quản nó...
Chúng ta cùng nhau sống cuộc sống mà mình mong muốn, được không?
Gió mưa đập vào cành hoa, làm những cánh hoa đong đưa rơi đầy đất, trôi theo dòng nước.
9
Sau khi mùa mưa qua đi, nhà họ Lai xảy ra một chuyện lớn.
Vì con gái lớn sắp lấy chồng, mà của hồi môn lại không phong phú, nên ông Lai đã đến nhà tổ của nhà họ Lai để mượn một ít đồ trang sức.
Chi nhà ông Lai đã lụn bại nhưng dòng chính của nhà họ Lai vẫn còn thịnh vượng.
Trang sức vàng bạc đều là đồ cổ, giá trị rất lớn.
Trong số đó, có một món đồ được cho là mũ phượng của lão phúc tấn ở Vương phủ thời nhà Thanh, từng có người trả năm trăm lượng bạc để mua, nhưng nhà họ Lai không bán, vì đó là báu vật gia truyền.
Kết quả là tất cả bị mất sạch.
Ba ngày trước khi Lai Phụng Minh kết hôn, vào đêm đen như mực, một vú già thức dậy, bất ngờ nhìn thấy bóng người lảng vảng dưới phòng cô chủ.
Bà ta hoảng hốt hét lên, mọi người giật mình, vội vàng chạy đến.
Dưới ánh sáng của vô số đèn lồ ng, mọi người mới thấy người đó là cậu chủ.
Gương mặt của Lai Triều vốn đã trắng, giờ đây dưới ánh đèn lại có vẻ mong manh yếu đuối như giấy, tưởng chừng chỉ cần một cơn gió nhẹ thổi qua là tan vỡ.
Trang sức đã bị mất vào đêm đó.
Các vị lão làng trong dòng họ đều đến, vây quanh tra hỏi. Nề nếp nhà họ Lai vốn trong sạch, dù anh là con nuôi cũng không thể dính vào những việc tệ hại như trộm cắp được.
Ông Lai vốn thương anh nhưng cũng phải dùng gia pháp. Anh nằm trên đất, trông như một quả bầu ngập máu.
Ban đầu không ai tin cả.
Xưa nay cậu chủ luôn là người hòa nhã, lễ phép, không ai chê trách được gì. Anh cũng đã học rất nhiều ở bên ngoài, hơn nữa toàn bộ gia tài nhà họ Lai đều là của anh, anh cần gì phải làm kẻ trộm.
Thế nhưng, anh vẫn nhất quyết không chịu nói lý do vì sao lại đứng dưới phòng của cô chủ giữa đêm khuya như vậy. Còn những món trang sức kia, cuối cùng đã bị bán đi đâu?
Thế là họ tiếp tục đánh, đánh đến mức anh tróc da tróc thịt, chỉ còn thở vào chứ không thở ra.
Lai Phụng Minh hoàn toàn không biết chuyện này.
Cô nói: “Con đã nói với bố rồi, da lợn không dính lên được thân chó, vậy mà bố không nghe, giờ thì sao?”
Họ đánh ba ngày liên tiếp, đến đêm trước khi chuẩn bị giao cho cơ quan nhà nước, anh đã trốn thoát.
Tiểu Yến Thanh có khinh công đứng đầu, chỉ cần có một khe hở nhỏ cũng có thể chạy thoát.
Nhà họ Lai tức giận đến mức báo cảnh sát, nhưng thời thế loạn lạc, người Nhật đã đánh vào, đồn cảnh sát lấy đâu ra thời gian để đi tìm người cho họ.
Từ đó, không ai còn gặp lại cậu thiếu gia hòa nhã, lễ phép ấy nữa.
Trên con đường lát đá xanh cũng chẳng còn tiếng bước chân vui vẻ của anh.
Lai Phụng Minh từ bên ngoài trở về, thấy bố mình ngồi giữa sân, nhìn cây quế trong sân rụng lá lả tả.
Ông ấy một đời làm anh hùng, nay đã già rồi.
Lai Phụng Minh không nói gì, chỉ đi lướt qua ông ấy, lúc đi tới sân trước, cô mới nghe ông ấy nói:
“Ta sẽ đến nhà họ Tưởng hủy bỏ hôn ước.”
“Sau đó, con hãy tìm một đứa về ở rể đi.”
Ông ấy vẫn luôn như vậy, trước đó Lai Triều về nhà, ông ấy không còn dạy võ cho cô nữa.
Giờ đây Lai Triều đi rồi, bất kể vì lý do gì, cô lại trở thành điểm tựa duy nhất của ông ấy.
Lai Phụng Minh kìm nén cảm xúc, không quay đầu lại, bước thẳng vào phòng.
10
Sau này, Lai Phụng Minh đưa bố mình và cả nhà chuyển đến Thượng Hải, không biết lấy một khoản tiền lớn từ đâu ra để mở xưởng.
Cô kiếm được rất nhiều tiền, nhưng sau đó lại bị đối tác lừa gạt, thua lỗ đến trắng tay.
Cô đã kết hôn, nhưng sau đó ly hôn vì bị xem là tư bản, để tự bảo vệ mình, cô lại tái giá với một vị sư trưởng năm mươi mấy tuổi, rồi cô tiễn ông ta đi.
Khi thời thế ổn định trở lại, cô quay về Tưởng Gia Lý.
Nhờ hiểu biết về kỹ thuật nhựa, cô trở thành giám đốc nhà máy.
Năm mươi năm cứ thế trôi qua trong những biến động.
Cuối cùng, cô đã thoát ra khỏi căn nhà kín cổng cao tường mục nát ấy, nhìn thấy thế giới rộng lớn.
Trong nửa sau cuộc đời, cô không còn phải lo sợ vì thiếu tiền.
Khi cô đứng phát biểu đầy tự tin trong buổi họp toàn nhà máy, ai dám nói đó cô không xuất sắc hơn người?
Nhưng, suốt quãng đường đó, cô đã bị bố phản bội, bị đối tác phản bội, bị học trò tự tay dẫn dắt phản bội.
Cô luôn tìm kiếm Lai Triều.
Nói là tìm kiếm người đó.
Chi bằng nói tìm kiếm một chấp niệm.
Cô muốn chứng minh, cô tư lợi, nham hiểm độc ác.
Nhưng trên đời này không phải không có ai từng thật lòng yêu cô, cũng không phải cô chưa bao giờ yêu ai thật lòng.
Có một người như thế.
11
Không ai có thể ngờ rằng cô lại yêu anh vào khoảnh khắc đó.
Đó là khi anh bị giam trong phòng chứa củi, cả người máu me đầm đìa, nhưng khi nhìn cô, ánh mắt anh vẫn rất dịu dàng, một sự dịu dàng đầy bi thương.
Cô chậm rãi bước đến, toàn thân run rẩy vì sợ hãi.
“Em trai.” Lần đầu tiên cô gọi anh như vậy, nói: “Chị mang thuốc cho em đây.”
Từ nhỏ cô đã học y học cổ truyền, người nhà bị ốm đều do cô chăm sóc.
Anh chậm rãi gật đầu, được cô đỡ dậy uống thuốc.
Nhưng trước khi uống, đột nhiên anh nói: “Chị đừng khóc, là em nợ chị.”
Anh lại nói: “Con đường sau này chị phải tự đi rồi, đi thật xa, thật xa…”
Bát thuốc rơi xuống đất, tiếng sứ vỡ vang lên, ánh trăng chiếu sáng những mảnh vỡ.
Trong lòng cô có biết bao căm hận.
Nhưng cuối cùng, vào khoảnh khắc này, trái tim cô có một lỗ hổng, cô tát anh một phát, nói: “Cậu không nợ tôi gì cả, đời này của cậu không phải sống để trả nợ!”
“Cậu đi đi! Đi thật xa, đi mà xuất sắc hơn người! Sống cuộc đời của cậu!”
Anh loạng choạng bước đi, cô nhìn bóng lưng anh, lại nói: “Tôi sẽ đợi cậu trở về… cưới tôi.”
Cô không biết anh có nghe thấy không.
Nhưng suốt năm mươi năm dài đằng đẵng, anh chỉ trở về một lần.
Nhưng không tìm gặp cô.
12
Sau này Lai Phụng Minh làm một bà lão giàu có và thảnh thơi.
Cô thường mặc sườn xám, đến nhà hàng phương Tây, gọi một phần kem hoặc bánh nhung đỏ, nhìn mặt trời từ từ lặn rồi đứng dậy ra về.
Thỉnh thoảng, bà kể câu chuyện tình yêu của mình cho giới trẻ nghe.
“Mỗi tuần chúng tôi đi nhà hàng phương Tây một lần, cùng nhau xem một bộ phim điện ảnh.”
“Ngay tại ngôi nhà cũ, anh ấy mua cho tôi một chiếc váy kiếu Tây, chúng tôi bật nhạc và nhảy trong phòng.”
“Mỗi sáng, anh ấy đi tập võ, về lại mang cho tôi một nhành hoa.”
Thực tế, tất cả đều chưa từng xảy ra.
Anh chưa từng nói yêu cô, cũng chưa từng ôm chặt cô, giữa họ không có một điệu nhảy, không một nụ hôn, không một lời tình tứ.
Anh chỉ luôn đứng chắn trước cô, bảo vệ cô khỏi hiểm nguy.
Anh đã đồng hành cùng một thiếu nữ nơi khuê phòng, để cô gây dựng sự nghiệp của mình.
Anh cũng dùng nửa cái mạng của mình để đổi lấy tương lai một đời cho cô.
Nhưng đó có phải là tình yêu không? Anh có từng yêu cô không? Thậm chí cô không có bằng chứng rõ ràng nào để khẳng định điều đó.
Câu hỏi này, cô đã nghĩ suốt hơn năm mươi năm.
Dù có làm lại bao nhiêu lần, cô vẫn sẽ chọn tiền bạc và tự do.