Tình Nhân

Chương 8



Hội chứng lời nguyền Undine

Mãi cho tới khi mẹ bảo rằng không có Chúa, nó mới thôi không tin vào Chúa nữa.

Nó còn nhớ chính xác buổi tối hôm ấy, khi mẹ kể cho nó nghe bằng một giọng hơi bực bội và sốt ruột:

- Nhưng mà chúng ta đâu có tin vào những thứ mê tín kiểu như Chúa. Và con cũng đừng có nhắc lại điều này với bố đấy.

Khi ấy nó mới lên sáu. Anita, đứa bạn gái ngồi cùng bàn kể về đám ma của ông nó, ông nó chết ở Ba Lan, và nhớ lại là cha đạo đã đặt một cây thánh giá lên xác của ông nó nằm trong quan tài. Tối đến nó hỏi mẹ, cha đạo là ai và ông ta làm thế để làm gì. Và đó là lần đầu tiên mẹ nó nói về những trò mê tín ấy. Cho tới lúc ấy nó vẫn tin là có một người vô cùng tốt, để mình có thể tối tối nằm trong chăn và kể thật khẽ cho người ấy nghe về tất cả - khẽ đến nỗi không ai có thể nghe thấy - kể cả những gì xảy ra trong nhà và ở ngoài sân. Chúa chính là như thế.

Nhưng mẹ có lý. Bao giờ mẹ cũng có lý. Mẹ chưa hề nói dối nó.

Vì vậy mà sau đấy nó không nằm trong chăn để kể cho Người nghe bất cứ chuyện gì nữa. Khi ấy nó chưa hiểu chính xác “mê tín” là cái gì, nhưng nó cảm thấy đó là một cái gì rất xấu, bởi vì không được nhắc đến điều đó với bố cơ mà.

Giờ đây nó cảm thấy thiếu Người vô cùng, khi bố nó cứ tối đến mới về nhà, say khướt. Bao giờ cũng bắt đầu giống nhau. Những người bạn của ông đỡ ông xuống từ chiếc xe cảnh sát màu đen mà cả khu ai cũng biết, thỉnh thoảng bố tự xuống xe, thỉnh thoảng có hai người xốc nách. Ông đạp hoặc lấy chân đá cửa ầm ầm làm cả tầng thức giấc, sau đó thì lăn vào bếp, nơi mẹ đang sợ hãi ngồi chờ, và quát. Đơn giản là ông quát. Mẹ ngồi rúm ró trên cái ghế gỗ xiêu vẹo ở bên cạnh tủ lạnh, lặng lẽ nhìn xuống sàn nhà, tay nắm chặt, còn ông đứng bên mẹ và quát. Những khi ấy nó trốn trong chăn, quấn chăn thật chặt để không nghe thấy gì. Nó nói chuyện với Người để át tiếng la hét của bố, nó cầu xin để bố nó dừng lại. Bố nó càng quát mẹ to bao nhiêu, nó càng run rẩy và ngạt thở ở trong chăn nhiều bấy nhiêu, nó cầu xin Người giúp đỡ.

Nhưng chưa bao giờ Người nghe thấy lời cầu xin của nó.

Chưa bao giờ.

Do đó mà chắc chắn là mẹ có lý, rằng hoàn toàn không có Chúa, mà chỉ có những trò mê tín mà thôi.

Sau đấy nó thôi không lên giường và nói chuyện với Người nữa. Nó đã tự học cách trải qua những trận lôi đình của bố ở trong bếp. Đầu tiên nó vặn những đồ chơi phát nhạc mà lần sinh nhật nào ông ngoại cũng mang đến cho nó, rồi đến cái đài xách tay, nó lấy ở trên bàn xuống và ngồi nghe ở đằng sau tủ, tai ghé sát vào loa. Nhiều khi ngay cả thế cũng chẳng giúp được gì. Vì giọng của bố nó vừa to vừa khỏe. Ngoài ra ông ấy lại còn la hét suốt ngày ở chỗ làm. Ông quát tháo mọi người. Ông đã học được thói quát tháo.

Nó nhớ có lần, không thể chịu nổi, nó đã mở máy hút bụi mà mẹ nó để ở tủ trong phòng nó. Thế mà có tác dụng. Trong bếp bỗng nhiên im lặng. Bố vào phòng nó, tay cầm chai rượu và đang trong cơn thịnh nộ, ông giựt cái dây điện của máy hút bụi, làm cái dây bật ra cùng với cả ổ cắm và một mảng vữa. Bố quật cái ổ cắm vào đầu mẹ khi đó đang chạy theo sau.

Tối hôm đó, lần đầu tiên mẹ cùng với nó đi khỏi nhà. Hai mẹ con lang thang vô định ngoài phố ở Rostock, sau đó, khi trời quá lạnh, hai mẹ con lên tàu điện và đi suốt đêm. Nó trong bộ pizama bằng vải flanen, bên ngoài là cái áo khoác bông hóa học màu tím, chân đi đôi dép nỉ, còn mẹ mặc một cái áo khoác da thùng thình, đội mũ len mầu mận dính máu. Mẹ không đi băng bó vết thương ở đầu. Vợ của những cảnh sát ở Rostock, đặc biệt là vợ các sĩ quan STASI(11) không băng bó vết thương.

Đêm hôm ấy, nó đã biết chắc chắn rằng Người, đó là mê tín.

Sau đó nó thường xuyên cùng mẹ chạy trốn trên những chuyến tàu điện và những phố đêm. Hai mẹ con có tuyến đường yêu thích của mình và chương trình cho cả một đêm, đến tận sáng. Khi ánh sáng mờ mờ của ban ngày bắt đầu thế chỗ cho màn đêm, cả hai mới quay về nhà. Họ khẽ mở cửa, vội vàng vào phòng nó, lên giường và ôm chặt lấy nhau. Mẹ khóc. Khi ấy thì bố ngủ lâu rồi, thường là gục đầu lên bàn bếp hoặc nằm trên giường trong phòng ngủ, để nguyên quần áo và giầy.

Có một đêm, hai mẹ con đi tàu điện đến tận cuối thành phố, dọc theo một con phố bên bờ biển và ngắm mặt trời lên. Họ ngồi trên những tấm bê tông chắn sóng trồi lên ngay bên cạnh những đống gạch vụn bao quanh lâu đài cổ đã từ lâu ai cũng sợ vì phần chân thành đang hư hỏng. Hồi trước, ở chỗ bây giờ là nhà máy đóng tàu, là một cảng cá. Bác lái tàu điện, người biết rất rõ về hai mẹ con vì vẫn thường đi với họ khắp Rostock đã kể như vậy. Bác ấy dừng tàu, cho dù đấy không phải là bến, ngay đầu con đường nhựa ven biển và hứa sẽ chờ họ. Đêm ấy hai mẹ con về nhà muộn hơn thường lệ. Khi nó ngủ, nép sát vào mẹ như mọi lần, điều ấy đã xảy ra lần đầu tiên. Đúng là đêm hôm ấy, thực sự là lần đầu tiên, nó đã chết giấc một lúc trong khi ngủ.

Khi ấy nó lên tám.

Matylda biết rằng mình không bao giờ một mình qua đêm với bất cứ một người đàn ông nào. Không bao giờ.

Từ này đã hoàn toàn không còn tác động gì đến cô nữa. Vì từ lâu cô đã biết rằng hầu như mỗi “không bao giờ” nào cũng có thể được hiểu theo một cách nào đó. Bởi nếu không thế thì cô đã chết khi còn là một đứa trẻ, vậy mà hôm qua cô đã tròn hai mươi tư tuổi.

Ngoài ra, tại sao ngày với đàn ông lại đẹp hơn đêm nhỉ?!

Cô căm thù đêm. Cô không thể chịu nổi những buổi hoàng hôn, bóng đêm và chòm sao Đại Hùng tinh trước một ngày nóng bức. Ngày bao giờ cũng đẹp hơn đêm. Đêm sẽ không bao giờ được như vậy.

Không bao giờ.

Khi người ta đã có vài chục lần “không bao giờ”, thì một lần nữa sẽ chẳng tạo được ấn tượng gì.

Chỉ có một lần đã gây được ấn tượng.

“KHÔNG BAO GIỜ” duy nhất mà cô không thể hình dung ra được.

Đó là Jakob có thể không bao giờ đến nhà cô vào buổi tối nữa.

Jakob là quan trọng nhất. Jakob ở bên cô và có mặt khi cô thức dậy.

Jakob bảo cô quay người lại. Nhắc cô để hai tay dọc theo người. Jakob nhắm mắt lại khi cô cởi nịt vú và quần lót để thay váy ngủ hay pizama.

Jakob mở và đóng cửa sổ phòng cô. Jakob lo sao cho đèn ngủ của cô đêm nào cũng sáng. Và anh bao giờ cũng có một cái bóng điện dự trữ.

Nhưng quan trọng nhất là jakob không bao giờ ngủ.

KHÔNG BAO GIỜ.

Thực sự là không bao giờ.

Nghĩa là cho tới lúc này anh chưa bao giờ ngủ. Mà anh ở bên cô khi cô ngủ và khi cô thức dậy đã mười sáu năm nay.

Hàng đêm.

Cô lên tám, khi lần đầu tiên anh đến nhà cô.

Và anh đã ở lại.

Bây giờ cô hai mười tư tuổi. Jakob có mặt trong tất cả những sự kiện quan trọng nhất. Khi buổi đầu tiên đến trường trung học cô đã không ngủ được vì hưng phấn. Khi bố cô bỏ đi để hai mẹ con ở lại. Khi đêm đầu tiên mẹ cùng với dượng ở phòng bên cạnh, người đàn ông mà cô rất ghét mặc dù ông ta thật tốt và rất chăm sóc mẹ. Anh cũng có mặt vào cái đêm đứa em gái cùng mẹ khác bố của cô ra đời, cả cái đêm cô đi cùng với Madona đến Dachau nữa.

Cái đêm khi lần đầu tiên cô thấy kinh, anh cũng ở đấy. Cô bị vào ban đêm. Jakob đã để ý thấy điều đó, vì anh không bao giờ ngủ khi cô ngủ. Không bao giờ. Cô thức giấc vì thấy ướt và cảm thấy bụng dưới quặn lên rất khác. Khi ý thức được chuyện vừa xảy ra, cô bắt đầu khóc. Vì xấu hổ. Lúc ấy Jakob đã cầm tay cô rất nhẹ, hôn lên má cô, lau nước mắt cho cô và gọi thầm tên cô.

Cũng đã có lần bố bế cô và gọi thầm tên cô. Lâu lắm rồi. Khi cô còn là một đứa bé. Vào cái ngày nào đó, ông đưa cô ra sân, đặt cô lên gạc ba ga cái xe đạp cũ kĩ của mẹ và chở cô đi quanh khu, trên những con đường đầy ổ gà. Cô ngồi, lấy hết sức để ôm thắt lưng bố. Đến một cái ổ gà, chân cô vướng vào nan hoa bánh sau. Chỗ sát gót chân, thịt bị bóc đến tận xương, chiếc tất trắng thấm đỏ máu cho đến tận mắt cá. Cô gần như ngất đi vì đau. Khi biết chuyện gì xảy ra, ngay lập tức bố dừng xe, bế cô trên tay, gọi thầm tên cô và chạy đến khu nhà cạnh bưu điện, nơi taxi vẫn hay đỗ. Ở bệnh viện người ta khâu cho cô mấy mũi. Vết sẹo tím bầm, cứ đến mùa hè là chuyển sang màu đỏ, đến bây giờ vẫn còn. Nhưng cái thực sự còn lại trong trí nhớ cô từ lần ấy, chính là giọng nói run rẩy của bố khi bế cô ra chỗ taxi và gọi thầm tên cô.

Và cái đêm hôm ấy, khi lần đầu tiên cô thấy kinh, Jakob cũng cầm tay cô, cũng thầm thì nhắc tên cô: “Matylda”. Rồi anh lấy cái ga trải giường sạch trong tủ ra. Cô xấu hổ quá. Xấu hổ kinh khủng. Sau đó cô đã khóc trong chăn vì xấu hổ. Anh biết là cô khóc. Bởi anh theo dõi tất cả. Đặc biệt là nhịp tim của cô. Khi người ta khóc, tim co bóp khác hẳn. Jakob quan tâm đến tim cô hơn cả. Anh biết tất cả về nó. Anh mang theo trong ví cái máy đo điện tâm đồ. Bên cạnh ảnh của cô. Bao giờ cũng là cái ảnh mới nhất. Đượcép plastic. Để không thể hỏng được.

Đêm ấy là một đêm đặc biệt. Cô nhớ là cô không ngủ được cho đến sáng. Khi nỗi xấu hổ qua đi, cô thấy hưng phấn và sốt ruột. Cô không thể chờ được cho đến sáng. Đương nhiên là Jakob ghi nhận được điều này, rằng cô không ngủ, nhưng không để lộ một thái độ gì. Sáng ra, cô chạy đến trường sớm hơn thường lệ. Cô đứng ở nơi gửi đồ để chờ Anita. Cô muốn kể cho Anita ngay. Cô nhớ là cô cảm thấy tự hào như thế nào đấy và muốn chia sẻ điều đó với đứa bạn thân nhất. Cô cảm thấy cái điều xảy ra đêm qua hơi giống như sự vượt qua một ranh giới nào đấy. Ranh giới giữa sự trưởng thành và tuổi thơ. Mặc dù cô đã được chuẩn bị cho chuyện này - ở trường, họ đã tranh luận với nhau rất chi tiết từ hồi học phổ thông cơ sở - nhưng cô hoàn toàn không có cảm xúc rằng đây chỉ là một hiện tượng sinh học đơn thuần, chỉ là một bước tiếp theo tự nhiên, và khi đó cô đã nghĩ – mặc dù bây giờ nghĩ lại cô vẫn buồn cười mình – rằng đây không phải là bất cứ một hiện tượng sinh học nào, mà chỉ là một biểu hiện của ý chí, nhờ đó mà cô hồi sinh và biến đổi. Tất nhiên khi đó, mới mười ba tuổi, cô chưa đủ thông minh để diễn đạt điều đó như “ một biểu hiện của ý chí”, nhưng bây giờ thì cô biết đó chính là cách diễn đạt chính xác nhất cái mà lúc đó cô cảm thấy.

Ngoài ra, cho dù điều này có vẻ rất lạ lùng, hiện nay cô nhớ chính xác cái cảm giác của của lần có kinh đầu tiên ấy hơn là nụ hôn đầu tiên. Cũng có thể vì sự có mặt của Jakob đã làm cô xấu hổ. Cô còn nhớ là những tháng đầu, cô đã rất sốt ruột chờ đợi “những ngày ấy”, chúng đến đều đặn một cách đáng kinh ngạc, chúng cho cô cảm giác của sự trưởng thành và nữ tính và khẳng định cô trong anh. Khi đó, trong ba bốn tháng đầu tiên, mọi thứ trong cái nghi lễ hàng tháng ấy đều làm cô thích thú. Kể cả cái bụng dưới đau đau cũng đem đến cho cô cảm giác đặc biệt, rằng “mình đã, còn những đứa bạn gái khác thì chưa”. Cách đây không lâu, đọc lại nhật kí của Anna Frank, cô hoàn toàn không thấy ngạc nhiên khi bà viết về những kì kinh đầu tiên của mình với niềm tự hào đến thế. Về sau, sự hài lòng với diện mạo đàn bà tất nhiên cũng qua đi và cô bắt đầu cảm thấy khó chịu vì đau đầu, đau ngực, mặt nổi mụn và nhiều khi muốn khóc.

Jakob cũng nhận thấy cô đã bước qua một ranh giới vào cái đêm hôm ấy. Ngày hôm sau, anh đến thăm, chính thức, từ sáng, chứ không phải chiều tối như mọi khi. Anh mang theo hoa. Mặc complê. Thắt một cái cravát da nhỏ lỗi mốt. Và anh tỏ ra trịnh trọng đến tức cười. Mùi thơm của anh cũng khác. Anh mang đến một bó hoa đừng-quên-em màu da trời vĩ đại. Vì khi ấy đang là mùa xuân. Anh chẳng nói gì, chỉ để hoa vào bình rồi đặt lên vệ cửa sổ trong phòng cô. Và hôn tay cô. Cô đã xúc động một cách thông thường nhất trên đời này.

Và từ đêm ấy và ngày hôm sau, cô đã cùng với những bông hoa trên bệ cửa sổ chờ Jakob đến vào buổi tối khác hơn. Giờ đây thậm chí cô không biết phải giải thích điều đó như thế nào, nhưng cô biết rằng lúc đó cô đã muốn nằm ngủ bên anh, thơm tho, với mái tóc xõa trên gối và trong bộ đồ ngủ thật đẹp.

Jakob không chỉ biết tất cả về trái tim cô. Anh còn biết cả về máu của cô nữa. Anh biết trong đó có bao nhiêu oxy, bao nhiêu carbonic. Bao nhiêu hemoglobin, bao nhiêu creatin. Anh còn biết cả nhiệt độ là bao nhiêu. Cho nên khi cô yêu, Jakob có thể nhận ra và ghi lại, thậm chí đo nữa.

Có lẽ vì cô vẫn chưa yêu thực sự. Đó là với Krystian, tám năm trước đây. Mặc dù hồi ấy, với chính Krystian cô đã hôn lần đầu tiên trong đời. Chính xác là ngày hai tám tháng Sáu, vào thứ bảy. Krystian thì đã yêu cô từ hồi tháng Ba. Điều này thì bọn bạn gái của cô đứa nào cũng biết. Chỉ mỗi cô là không. Anh thật tình cảm, tinh tế và nhạy cảm. Mặc dù anh đã vào trường học nghề, còn cô học ở một trường trung học tốt nhất ở Rostock. Và anh đã có một sáng kiến là, để chứng minh cho tình yêu của mình, anh đã dập điếu thuốc lá ngay trên tay. Và tặng cô thẻ học sinh của mình. Có lần cô nhìn thấy anh say rượu, thế là cô không muốn gặp anh nữa. Anh không chấp nhận điều đó. Anh đến. Đứng hàng giờ dưới khu nhà cô. Và viết. Một lần anh gửi một lá thư, trong đó có vẽ một trái tim, ở giữa trái tim là tên cô “Matylda” được viết bằng chì đỏ. Ở một góc trái tim có chữ “Cha mẹ”, còn ở góc kia là tên đội bóng đá của Rostock. Anh viết cho cô trong vòng hai năm. Chưa bao giờ cô trả lời.

Mà cô lại muốn yêu vô cùng. Và luôn ở bên người ấy và không nhận được một thư nào của người ấy cả. Bởi khi người ta không xa rời nhau thì không có những lá thư.

Và làm sao để người ấy hơi giống với Jakob.

Từ khi biết nhau, Jakob mới chỉ có một lần duy nhất là mặc complê. Là lần họ đi cùng Madona đến Dachau. Đó là vào thứ bảy. Sinh nhật cô. Sinh nhật quan trọng nhất, sinh nhật lần thứ mười tám. Dường như chẳng có gì khác mọi năm. Ăn sáng, hoa, những lời chúc mừng của mẹ và dượng. Vài cú điện thoại chúc mừng vào buổi sáng. Chỉ không có gì của bố. Và khi đó cái ôtô ấy đến. Chính xác vào ban trưa. Jakob xuống xe. Trong bộ complê với chiếc cravát da nhỏ ấy. Anh đi đến chỗ cô, chúc mừng sinh nhật và nói rằng sẽ đưa cô đi xem Madona biểu diễn. Ở Berlin. Chỉ đơn giản vậy. Cứ như là Berlin ở ngay cạnh công viên ở Rostock ấy.

Cô rất muốn được một lần nào đó xem biểu diễn ca nhạc. Và cô rất thích Madona. Cô đã không dám tin khi Jakob rất tự nhiên đứng trước cô ở sảnh và tươi cười hỏi:

- Thế nào? Chúng mình đi chứ?

Mẹ và dượng đã biết mọi chuyện từ lâu, chỉ có điều họ giữ bí mật. Cô không cầm được nước mắt.

Jakob nói rằng sau buổi biểu diễn, họ sẽ phải ngủ lại ở Berlin. Suốt ba tháng trời anh phải liên hệ với quỹ dành cho người bệnh và một phòng khám ở Berlin để mượn thiết bị. Hai ngày trước sinh nhật cô, anh phải đi Berlin từ sáng sớm để lắp đặt mọi thứ trong khách sạn. Tối anh lại về và ở bên cô như mọi đêm.

Có bốn mươi ngàn người đến xem buổi biểu diễn. Jakob đứng cạnh cô trong bộ complê và với cái cravát buồn cười ấy và cũng nhảy cẫng lên cùng đám đông hệt như cô. Khi Madona bước ra chào khán giả đang vỗ tay không ngớt, cô quay lại và hôn vào má anh. Chưa bao giờ cô hạnh phúc như buổi tối hôm đó.

Hôm sau, họ đi cùng với Madona đến Dachau. Mặc dù biết rằng báo chí vẫn khuyếch trương mọi chuyện, nhưng cô vẫn cảm động thế khi đọc rằng “Madona đã đến thăm Dachau”. Thực ra không hoàn toàn chính xác là họ đi cùng Madona: chị ấy bay trên chiếc trực thăng của mình, còn họ đi bằng ôtô cùng ngày hôm đó. Đó là sáng kiến của Jakob.

Tất nhiên là cô đã biết về các trại tập trung từ hồi còn ở trường. Lần nào đọc nhật kí của Anna Frank theo gợi ý của bà nội, cô cũng khóc. Từ khi bức tường Berlin sụp đổ, họ nói về điều đó ở trường thường xuyên hơn và cụ thể hơn rất nhiều. Cô đọc về chúng mỗi khi có thể, nhưng sự trừu tượng của chúng cho phép cô phần nào đồng ý với điều đó và không nghĩ rằng người Đức đã làm điều đó cho thế giới. Nhưng ở đây chẳng có gì là trừu tượng. Những ngôi nhà lụp xụp, những bức tường lỗ chỗ vết đạn với những hình thập tự và những ngôi sao David được khoét ra, những ngọn nến màu trên từng bước chân, những bông hoa trên những chiếc xe cạnh lò sưởi, những bông hoa được bó lại bằng những sợi dây màu ngay trên cành gai, những ống khói và hàng ngàn bức ảnh trên tường. Những cái đầu cạo trọc, những khuôn mặt gầy guộc, những hốc mắt to, và tuổi, và số ở góc dưới bên trái. Mười sáu tuổi, mười bảy tuổi, năm mươi tư tuổi, mười hai tuổi, mười tám tuổi...