Tình Yêu Của Kẻ Thực Dụng

Chương 12: 12: Tranh Liên Hoàn






Cha mẹ Diệp Phong rõ ràng là không ưa Phí Nghê, ngay cả phép lịch sự tối thiểu cũng chẳng thèm giữ.
Ánh mắt mẹ Diệp trông cứ như cô không phải đến nhà bọn họ ra mắt mà là cuống quít quà cáp nhờ vả họ giúp đỡ mình, nhưng quà lại ít tới mức bà ta chẳng buồn liếc qua một cái.
Phải có đến không dưới một trăm tám mươi người xun xoe tặng quà bọn họ thì mẹ Diệp Phong mới có thể hợm hĩnh và khinh thường người khác tới mức độ này.
Mẹ Diệp Phong tuy làm việc tại bệnh viện nhưng không đảm đương công tác nghiệp vụ, cho nên sự ngạo mạn của bà ta với Phí Nghê cũng không phải là kiểu bác sĩ đối với bệnh nhân, mà là lãnh đạo phụ trách tài nguyên, nhân viên điều phối hậu cần đối với người nịnh bợ mình.

Bà ta thậm chí còn chẳng cần nói tiếng nào, chỉ cần một ánh mắt thôi là cũng đủ để thể hiện sự khinh bỉ với đối phương.
Phí Nghê không hề cảm thấy mình đang trèo cao Diệp Phong, cô chẳng qua chỉ kém Diệp Phong có một tấm bằng mà thôi.

Nếu có thể thi đại học, cô chắc chắn không thi trượt.

Mà cho dù không có bằng cô vẫn có thể tay làm hàm nhai, đồ cô mặc thứ cô ăn đều do tự bản thân cô kiếm lấy.

Thế nhưng khi đặt điều kiện kết hôn của hai người lên bàn cân, phụ huynh nhà người ta rõ ràng cảm thấy cô thua xa con trai họ.
Diệp Phong đột nhiên đề nghị: “Không phải lần trước em nói em biết đàn “Sa gia binh” sao? Ở đây vừa lúc có đàn, có thể cho tôi nghe thử được không?” Hôm nọ cùng nhau đi xem vở “Sa gia binh”, Phí Nghê quả thực đã nói cô có thể chơi dương cầm những bài ấy.
Phí Nghê lập tức hiểu được ý của Diệp Phong, anh ta muốn cô thể hiện tài năng trước mặt mẹ mình, dùng cách đó để chứng minh bạn gái mà anh ta tìm cũng không kém cỏi như bà ta tưởng.

Tuy cô chỉ tốt nghiệp cấp ba, là một công nhân bình thường, nhưng cô biết chơi đàn, còn có thể vừa chơi vừa hát những khúc nhạc trong “Sa gia binh”.
Phí Nghê học đàn ở trường, cô thường xuyên luyện tập với chiếc dương cầm mà bà ngoại Phương Mục Dương quyên tặng.

Giữa trưa lúc mọi người đang nghỉ ngơi, cô hay lén đi luyện đàn, thỉnh thoảng cũng đàn một số bản nhạc không mấy tiến bộ.

Hồi ấy cô vẫn nghĩ, đến lúc mình có việc rồi, có nhà riêng để ở rồi, cô nhất định phải mua một cây dương cầm đặt trong nhà.

Khi đó dương cầm đối với cô là một giấc mộng xa xôi chẳng thể nào với tới được, mỗi ngày cô chỉ có mấy xu tiền tiêu vặt, mà một chiếc dương cầm rẻ cũng phải tốn mấy trăm tệ.

Hơn nữa nhà cô quá nhỏ, không thể đặt được dương cầm.

Sau này cô đi làm được một thời gian, trong tay cũng có ít tiền, có thể mua được một chiếc dương cầm cũ mấy chục tệ ở trong cửa hàng ủy thác, còn rẻ hơn mua một chiếc xe đạp mới nhiều.

Cô cuối cùng cũng có khả năng mua, nhưng vẫn không có chỗ đặt.
Thế là cô chỉ đành đến cửa hàng ủy thác đánh đàn, đánh toàn nhạc điệu tiến bộ.


Người làm ở cửa hàng ủy thác nhận lương cứng, khách có mua hàng hay không thì lương họ cũng chẳng tăng chẳng giảm, hơn nữa dương cầm lại to như thế, không thể nào trộm đi mất ngay giữa ban ngày ban mặt, vậy nên họ cũng chẳng mặn mà gì với những vị khách xem đàn.

Phí Nghê lợi dụng điểm này, thường xuyên luyện đàn dưới danh nghĩa chơi thử đàn.

Bởi vì cô chơi toàn những khúc nhạc tiến bộ nên người ta có mất kiên nhẫn cũng không tiện ngăn cô lại.

Thế nhưng từ tháng trước bị nhận ra, cô đã không đi đàn nữa.
Phí Nghê cũng không muốn đàn “Sa gia binh”, nhất là khi đàn chỉ để chứng minh mình xứng đôi với Diệp Phong.

Chẳng lẽ chỉ vì không theo lẽ thường mà cô đáng bị coi khinh như vậy ư?
Phí Nghê cười cười: “Giờ tôi không muốn đàn lắm.”
Cô thấy được sự thất vọng xẹt qua đôi mắt Diệp Phong, cũng bởi sự thất vọng này mà thất vọng với anh ta đôi chút.
Mẹ Diệp Phong tự động coi “không muốn đàn” của Phí Nghê thành “không biết đàn”, đại khái là ở trường học được mấy tiết âm nhạc, giờ lại khoe ra như là ưu điểm.
“Bình thường vẫn luyện đàn ở nhà à?”
Phí Nghê biết bà ta thừa biết nhà cô không có đàn nên cố tình làm cô khó xử, nhưng vẫn thẳng thắn đáp đúng sự thật: “Nhà cháu không có đàn ạ.”
Ánh mắt và giọng điệu của cô chẳng chứa chút ngượng ngùng nào.
Mẹ Diệp Phong không đọc báo nữa, cũng nhiều lời hơn một tí: “Đàn một tuần không luyện là cứng tay ngay.

Chiếc đàn này lúc đầu định cho chị gái Diệp Phong làm của hồi môn, nhưng con bé bảo sau này về nhà cũng muốn đánh đàn, thế nên chúng tôi giữ lại.

Chị gái Diệp Phong kết hôn, Diệp Phong cũng giúp đỡ không ít, phiếu mua máy quay đ ĩa, TV, đài cát sét đều là do nó kiếm về.”
Mới đầu Phí Nghê còn cảm thấy mẹ Diệp đổi đề tài hơi đột ngột, nhưng cô đã mau chóng hiểu ra ẩn ý trong đó: của hồi môn của con gái nhà họ Diệp rất phong phú, không chỉ có dương cầm mà còn cả máy quay đ ĩa, TV và đài cát sét, không giống như nhà người khác gả con đi, chuyện tiền nong đều do nhà trai lo liệu.
Dì Trần đi từ bếp ra, mẹ Diệp nói với dì: “Cá sốt chua ngọt đừng làm vội nhé, đấy là món sở trường của Oánh Oánh, đợi lát nữa con bé tới thì cho nó thể hiện tài năng.”
Diệp Phong hỏi: “Sao cô ấy lại tới ạ?”
“Mẹ vẫn luôn coi Oánh Oánh như con ruột của mình, đây là nhà của con bé, sao lại không thể tới chứ? Mẹ còn mong nó ở hẳn nhà mình luôn ấy.”
Phí Nghê rốt cuộc cũng hiểu tại sao nhà họ Diệp rõ ràng không chào đón cô mà dì giúp việc vẫn lúi húi mãi trong bếp, thì ra là nhà có khách.

Cái cô gái tên Oánh Oánh kia hẳn là con dâu bọn họ ưng ý trong lòng.
Diệp Phong lúc này cũng không chịu đựng nổi thái độ của mẹ mình nữa.

Nhưng anh ta không muốn trực tiếp cãi nhau với mẹ, đành phải nói với Phí Nghê: “Vào phòng tôi nhé, xem xem có cuốn sách nào mà em thích đọc hay không.”
Anh ta biết Phí Nghê ấm ức, song nhìn mặt cô lại chẳng thấy xíu ấm ức nào, vẫn ôn hòa như thường lệ.


Sự ôn hòa này là một loại kiêu ngạo trầm lặng, so với loại kiêu ngạo trầm lặng ấy, thái độ kiêu căng đến phách lối của mẹ anh ta rõ ràng là kém hơn nhiều.

Lúc trước anh ta cũng đã động lòng vì nét hòa nhã của cô, thậm chí khi biết cô công tác ở xưởng may mũ còn có chút hơi bất ngờ, mà đến nhà cô thì lại càng bất ngờ hơn nữa.

Nhà cô quá nhỏ, thậm chí còn chẳng rộng rãi bằng phòng ngủ của anh ta.

Nhưng vì Phí Nghê, anh ta đã năm lần bảy lượt chịu đựng cái bí bách và chật chội ấy.

Chuông điện thoại reo vang.

Nghe giọng điệu của mẹ Diệp, hẳn là cô gái tên Oánh Oánh kia gọi tới.
Mẹ Diệp nói vào điện thoại là mình đã để dành vải, đợi Oánh Oánh sang nhà ăn.
Phí Nghê đến đây đã lâu mà vẫn chẳng thấy bóng dáng quả vải nào đâu.

Cô vẫn còn nhớ lần đầu tiên ăn vải là Phương Mục Dương đưa cho.

Cậu ta nói nhà mình chẳng có ai thích ăn cả, để lâu thì sẽ hỏng mất.

Trong lớp họ có rất nhiều người được ăn vải của Phương Mục Dương, cô là một trong số đó.
“Không cần đâu, giờ tôi cũng nên đi rồi.” Nhà họ không chào đón mình, Phí Nghê cũng chẳng muốn ở.
“Chẳng phải đã nói là ở lại ăn cơm sao? Ăn cơm xong rồi em muốn đi đâu thì tôi sẽ đưa em đi.”
“Tôi về nhà ăn cơm.”
Diệp Phong còn muốn giữ người, nhưng mẹ anh ta lại nói: “Nếu người ta bận rồi thì đừng ép.”
Phải đến lúc này mẹ Diệp mới nhếch môi cười.

Bà ta chỉ vào chỗ lá trà cùng điểm tâm mà Phí Nghê mang tới, nói: “Mấy cái thứ này cô cứ cầm về cho cha mẹ đi.”
Phí Nghê cũng không từ chối, trực tiếp xách hộp điểm tâm và hũ trà lên, xoay người bước về phía cửa.

Đi được nửa đường, Phí Nghê đột nhiên lên tiếng: “Trà vừa rồi cháu không uống, bác cứ trực tiếp đổ đi là được, không cần phải khử trùng đâu.”
Vừa nãy dì giúp việc rót trà, chén của Diệp Phong và mẹ anh ta đều là sứ trắng, nhưng Phí Nghê lại bị đưa cho cốc thủy tinh.
Phí Nghê bỏ đi không chút chần chừ, Diệp Phong vội vã đuổi theo.


Anh ta giữ chặt cánh tay Phí Nghê, giọng điệu nửa đề nghị nửa van nài: “Em quay lại đi, coi như là giữ cho tôi chút thể diện.”
Nhưng cha mẹ anh ta thì chẳng giữ thể diện cho cô chút nào.

Phí Nghê cũng không muốn làm căng lên, chỉ cười nói: “Tôi vẫn thích ăn cơm nhà mình hơn.

Nếu như tôi dùng bát đũa nhà anh, mẹ anh lại phải khử trùng lần nữa, phiền phức lắm.”
“Cái cốc đấy là dì Trần tiện tay lấy thôi, không phải như em nghĩ đâu.”
“Không sao, coi trọng vệ sinh cũng chẳng có gì không tốt, dù sao thì bác gái cũng đâu biết liệu tôi có bệnh truyền nhiễm gì không.

Chỉ là bác ấy không cần phải lộ liễu tới mức đó thôi, cứ hệt như là sợ tôi không biết vậy.”
Diệp Phong biết rõ mẹ anh ta cố ý, song vẫn kiên trì nói đây chẳng qua là hiểu lầm.

Anh ta không mong Phí Nghê và mẹ mình quá căng thẳng với nhau, dù sao tương lai kết hôn cũng phải sống chung một nhà.

Nếu cưới vợ xong anh ta nhất quyết dọn ra ngoài, tạo dựng một gia đình riêng thì đơn vị cũng sẽ phân cho anh ta một gian nhà nhỏ.

Nhưng giờ nhà anh ta đã đủ ở, lại còn đi tranh chỗ nhà ở có hạn với người khác nữa thì danh tiếng của anh ta nhất định sẽ bị ảnh hưởng.

Hơn nữa, điều kiện căn nhà hiện tại tốt hơn nhà bên ngoài nhiều.
Phí Nghê không muốn mất công đôi co với anh ta, giọng điệu cũng chứa chất sự ghét bỏ không che giấu: “Đúng vậy, mẹ anh không cố ý, anh về ăn cơm đi.”
“Không phải đã nói là sẽ cùng ăn cơm sao? Thế đi ăn cơm Tây đi, tôi mời em.”
Diệp Phong không chào người nhà, cứ thế bước theo Phí Nghê xuống tầng.
Thấy Diệp Phong thật sự muốn đi theo mình, Phí Nghê cũng dịu giọng xuống một chút: “Anh về đi, hôm nay tôi không muốn ăn cơm ở ngoài.”
“Vậy em đi đâu? Tôi đi cùng em.”
“Diệp Phong, tôi cảm thấy cả hai chúng ta đều nên cân nhắc lại một chút.”
“Tôi không có gì để cân nhắc cả.

Thái độ của mẹ tôi không phản ánh thái độ của tôi, về sau người kết hôn cùng em là tôi chứ không phải cha mẹ tôi.

Em vì bọn họ mà phủ định tôi, có phải rất không công bằng với tôi không?”
Diệp Phong quả thực có một khuôn mặt rất thích hợp cưới làm chồng, trông thực sự đáng tin cậy.

Anh ta là trưởng phòng tại Cục Công nghiệp Vô tuyến điện, ở cái thời TV, máy quay đ ĩa, đài cát sét đều cần mua bằng phiếu này, có rất nhiều người phải đi cầu cạnh anh ta, nhưng trên mặt anh ta hoàn toàn chẳng có chút kiêu căng nào.

Phí Nghê cảm thấy anh ta không giống với cha mẹ mình, cô quyết định cho anh ta một cơ hội nữa.
Phí Nghê cuối cùng vẫn đi ăn cơm cùng Diệp Phong, nơi họ đến chính là quán cơm cô đã ăn chung với Phương Mục Dương lần đầu.
Sau khi nhìn kỹ vài giây, Phí Nghê mới dám chắc cậu thanh niên ngồi cách cô hai bàn kia chính là Phương Mục Dương.

Đương nhiên cô biết Phương Mục Dương trông thế nào, cô chỉ không hiểu tại sao cậu ta lại tới chỗ này.

Ngồi đối diện cậu ta là một người đàn ông mặc quần áo màu xanh lam, tóc trên đầu đã bạc trắng, chắc ít nhất cũng ngoài năm mươi rồi.
Phương Mục Dương cũng trông thấy Phí Nghê.

Bọn họ nhìn nhau mấy giây, Phí Nghê là người quay mặt đi trước.
Người đàn ông đối diện hỏi Phương Mục Dương: “Gặp người quen à?”
Người đàn ông trung niên này họ Phó, là giám đốc nhà xuất bản, đồng thời cũng là bạn học cũ của mẹ Phương Mục Dương.

Nhà xuất bản của ông có một ban huấn luyện sáng tác mỹ thuật công nông binh, mà hầu hết tác phẩm tranh liên hoàn có ảnh hưởng lớn ở trên thị trường hiện nay đều xuất phát từ chính cái ban huấn luyện này.
“Một người bạn ạ.”
Phương Mục Dương kêu người phục vụ, gọi thêm cho bàn Phí Nghê một đ ĩa cá nướng bơ, một tô thịt bò kho và hai ly kem.
Anh nói với phục vụ: “Mấy món ấy tính tiền cho tôi nhé.”
Giám đốc Phó hỏi: “Có muốn qua chào hỏi một câu không?”
“Giờ cô ấy chưa chắc đã muốn để ý đến cháu đâu.”
Giám đốc Phó không khỏi khâm phục đứa cháu họ Phương này hơn một chút.

Mười năm qua cảnh còn người mất, duy chỉ có Phương Mục Dương, tiếp thu nền giáo dục bần nông và trung nông nhiều năm như vậy mà vẫn là một công tử ăn chơi tác phong phóng khoáng, hôm nay có hai xu tiền tuyệt không giữ đến ngày mai.

Đối phương đã không thèm để ý đến mình, lại còn cố ý gọi thêm đồ ăn để trêu ghẹo người ta.
Ông rất muốn trò chuyện với chàng trai này về mẹ cậu.

Năm đó ông và mẹ Phương Mục Dương là bạn đại học, bà ấy cũng từng mời ông đến quán Tây ăn cơm, hương vị nguyên bản hơn cái quán này rất nhiều.

Thế nhưng câu chuyện giữa họ có quá nhiều thứ cần tránh, không thể kể chỗ đông người, vì vậy chỉ đành chọn lọc.
Nhiều năm thăng trầm đã tạo cho giám đốc Phó thói quen nói chuyện sao cho những kẻ không liên quan tuyệt đối không thể nghe thấy.

Giọng nói của ông truyền thẳng vào hai tai Phương Mục Dương, những người xung quanh không hề biết ông đang nói chuyện gì.
“Cha mẹ cháu lúc trước lo ngại phần tử trí thức trong nhà quá nhiều, bọn họ hi vọng tốt nghiệp cấp hai xong rồi cháu sẽ đi làm công nhân.

Nếu cháu vào công tác ở trong công xưởng, cũng coi như là thực hiện nguyện vọng của họ.”
Chuyện giám đốc Phó nói đều là thật, nhưng điều ông không kể ra chính là, nếu như hiện tại Phương Mục Dương tham gia ban huấn luyện thì chỉ có thể đăng ký dưới thân phận thanh niên trí thức, chưa biết chừng sẽ bị gọi về nông thôn bất cứ lúc nào.

Còn nếu đến xưởng làm công nhân trước rồi điều sang ban huấn luyện để vẽ tranh liên hoàn sau, tình hình sẽ hoàn toàn khác.
“Ban huấn luyện cũng không có ký túc xá cho cháu ở.

Cháu thử hỏi hội thanh niên trí thức xem, có thể đánh tiếng với Cục Quản lý Bất động sản một chút không, để bọn họ phân một căn nhà cho cháu.”.