Tình Yêu Nơi Đâu

Chương 59



"Ông nội của Ô Vân bị nhốt trong lều gia súc, bố thì vào trường cán bộ Ngũ Thất (1)." Thời gian đầu lúc Khánh Đệ bỏ đi, Khương Thượng Nghiêu đã bị mẹ nghiến răng nghiến lợi cho một cái bạt tai. Sau này khi nói tới nguyên nhân, anh mới biết mình suýt chút nữa đã đi vào vết xe đổ của bố. "Năm đó trong lúc nguy cấp, bố vợ hiện nay của Ba Tư Cần đã đưa vợ và con gái về nhà ngoại, thảo nguyên Cách Căn Tháp Lạp. Khi ấy, Ba Tư Cần là người hướng dẫn xây dựng binh đoàn liên đội, lại là người bản địa, nên quan tâm chăm sóc tới mẹ con họ nhiều hơn, nhận Ô Vân Cách Nhật Lặc làm em kết nghĩa."

(1) Cách gọi khác của việc thanh niên trí thức bị đưa về nông thôn.

Còn về sau này...

"Mày và bố mày cũng giống nhau, thấy lợi mờ mắt, khốn nạn như nhau!" Sau khi cho anh một cái bạt tai, bà đã rủa anh như thế.

Khương Thượng Nghiêu châm thêm điếu thuốc nữa, đứng ngẩn người trước cửa sổ, nhìn cảnh xuân phủ đầy nửa thành phố.

Bây giờ, mẹ anh đã có một cuộc sống ổn định an nhàn, không biết sẽ phải đối mặt với cơn chấn động sắp tới và cả nỗi đau khó nói thành lời thế nào? Chỉ cần tưởng tượng tới cảnh ấy, lập tức trong lòng anh lại vang lên câu hỏi của Khánh Đệ: "Anh hiểu về tình yêu không? Anh không hiểu, anh chỉ hưởng thụ".

Cô sai rồi. Anh không chỉ hưởng thụ, thậm chí anh còn biết lợi dụng.

"Anh Khương!" Lưu Đại Lỗi và Nghiêm Quan cùng bước vào phòng, không kìm được đồng thời vung tay lên xua xua, khói thuốc ngập ngụa, "Hệ thống báo động phòng cháy chữa cháy hỏng rồi à?".

Lúc này mà còn đùa? Nghiêm Quan bực bội liếc nhìn Lưu Đại Lỗi một cái, giơ tay đẩy cánh cửa kính ra.

"Sắp xếp xong rồi?" Khương Thượng Nghiêu quay đầu lại, vặn vặn đầu thuốc lá, vẻ mặt nghiêm túc.

Hôm trước nghỉ phép, Lưu Đại Lỗi ở lại Nguyên Châu, hôm nay biết tin, lập tức về Vấn Sơn, tình hình cụ thể còn chưa biết, nên đành quay sang nhìn Nghiêm Quan.

Chỉ thấy Nghiêm Quan ngồi xuống gật đầu, đáp: "Tám chiếc xe lớn chất đầy than, đổi sang biển xe của tỉnh bên cạnh, giờ đang dừng ở một bãi hàng gần trạm thu phí Tầm Phong Sơn đợi lệnh".

Khương Thượng Nghiêu vô thức tiếp tục vặn đầu thuốc lá trong tay, trầm ngâm không quyết. Bầu không khí bỗng chốc đặc quánh, Lưu Đại Lỗi dường như cũng bị sự căng thẳng vô hình lây nhiễm, dịch dịch mông, sát lại gần thận trọng hỏi: "Anh Khương, không có việc gì lớn chứ? Tuyến đường này đã được bố trí ngon lành từ hơn một tháng trước rồi, thứ tự cho xe ra cũng diễn tập mấy lần, chẳng khác quân đội mấy".

Nói thì nói vậy, nhưng nghĩ đến việc bọn họ bày binh bố trận để hại người kia, sống lưng Lưu Đại Lỗi bất giác lạnh toát. Liếc mắt về phía Nghiêm Quan, người vẫn luôn điềm tĩnh thản nhiên, gân xanh trên tay đang đặt lên đầu gối của tiểu tử đó nổi giần giật, có lẽ cũng đang căng thẳng tới cực điểm.

Lúc này Lưu Đại Lỗi mới thấy thoải mái hơn một chút, nuốt nước miếng, nói tiếp: "Anh Khương, đấy là biển xe số một, nếu đối phương nhìn thấy, biết hậu quả, không mắc bẫy thì làm thế nào?".

"Vì vậy, ra sân khấu thì phải diễn cho hay." Khương Thượng Nghiêu ngồi xuống ghế sô pha, trầm giọng nói: "Trong lúc nguy cấp, đến cả Thiên vương lão tử hay Diêm vương gia cũng chẳng quản được. Nghiêm Quan, người cậu chọn thế nào?".

"Đều là những kẻ có kinh nghiệm, mồm mép lanh lợi."

Lưu Đại Lỗi xoa xoa tay, "Vương Bá Long sao vẫn chưa tới? Anh Hắc Tử cũng không thấy đâu? Mẹ ơi, con căng thẳng tới đau dạ dày mất".

"Hắc Tử và đồng nghiệp ăn cơm trưa, rồi đợi ở đó luôn, không đến đâu. Bá Long chắc tới muộn một chút." Khương Thượng Nghiêu nhìn đồng hồ đeo tay, ngay sau đó cười mắng. "Cũng may, cậu vẫn còn nhìn ra việc".

"Anh Khương, em đâu dám bì với anh? Nhân vật lẫy lừng khắp tỉnh, anh nhướng mắt lên một cái..."

Đang trong lúc cười đùa, chuông cửa reo vang, Lưu Đại Lỗi giật mình nhảy dựng lên, chạy ra nhìn qua mắt thần, rồi lập tức mở cửa, gọi: "Vương Bá Long, cuối cùng anh cũng đến. Mẹ kiếp, kịch hay chỉ chờ anh đến mở màn".

Vương Bá Long vừa vào cửa đã bị Lưu Đại Lỗi đập cho một cái, bóp bóp gáy, cười ha ha nói: "Anh Khương, mười hai chiếc xe, xe hàng và taxi đều có, sợ không đuổi kịp Audi A8, nên ngoài ra còn bố trí thêm hai chiếc Mitsubishi được cải trang. Từ khu tập thể đường sắt lên đường cao tốc, cứ tính năm phút đổi một chiếc xe cũng đủ dùng rồi, tuyệt đối bảo mật an toàn".

Vất vả khổ sở hơn ba mươi năm, cuối cùng cũng có cơ hội nhìn thấy sự xấu hổ bao trùm khắp khuôn mặt người đàn ông ấy. Khương Phượng Anh từ từ tiến về phía trước, không sao rứt được quá khứ nặng nề, bước chân muôn phần lê thê.

"Tư Cần Ba Lặc, lâu quá rồi không gặp."

Ba Tư Cần đứng sững ngoài cửa, chăm chú nhìn bà, khóe miệng khẽ rung, thời gian như trôi qua rất lâu, rất lâu, ông mới mở miệng chào, "Chào em, Phượng Anh".

Cô giúp việc cảm nhận được không khí căng thẳng trong phòng, "Tôi đang nấu dở đồ ăn trong bếp, tôi vào xem thế nào đã", nói xong liền vội vàng quay người vào bếp.

Những lời của cô giúp việc như nhắc nhở, Khương Phượng Anh bừng tỉnh, nghĩ đến người mẹ già vẫn còn ở ngoài ban công, liền mời Ba Tư Cần vào trong.

Bà cụ bị liệt nửa người, nhưng đã tự đẩy được xe lăn từ ban công vào phòng khách. Ánh mắt lướt qua con gái đang mím chặt môi thành một đường thẳng, dừng lại trên người Ba Tư Cần.

"Mẹ, đây là..." Khương Phượng Anh còn chưa giới thiệu xong, bà cụ đã kích động vịn tay vào xe lăn, như muốn đứng đậy, ánh mắt căm hận, chẳng khác nào mãnh thú chỉ chực lao về phía trước cắn xé con mồi.

"Mẹ!" Khương Phượng Anh vội vàng bước đến cản "Mẹ, mẹ cẩn thận một chút".

Hai mái đầu bạc như muốn kể lại toàn bộ những gian truân vất vả khó nói bằng lời suốt hơn ba mươi năm qua. Ba Tư Cần cắn chặt răng, đi lên trước nửa bước, cúi người hành lễ, nói: '"Bác gái...".

Bà cụ chẳng thèm để ý tới người đàn ông này, chỉ dùng cánh tay khỏe mạnh còn lại nắm chặt tay con gái, ánh mắt vô cùng đau đớn, "Phượng Anh", bà khẽ gọi.

Khương Phượng Anh vuốt vuốt mu bàn tay nhăn nheo của mẹ, "Bọn con ra ngoài nói chuyện một lát, mẹ đừng lo lắng gì cả". Trong lúc nhìn nhau, cả hai mẹ con đều hiểu những điều người kia muốn nói.

Bà an ủi mẹ, rồi quay sang nói với Ba Tư Cần, "Không tiện tiếp đãi anh ở đây, ra ngoài nói chuyện đi".

Ba Tư Cần buồn bã gật đầu, đợi Khương Phượng Anh rửa tay lấy thêm chiếc áo khoác, ông lại cúi người chào bà cụ, "Bác gái, cháu xin lỗi".

"Tôi còn chưa chết." Bà cụ nói năng khó khăn, nhưng vẫn quyết nhả từng chữ, từng chữ một, vô cùng chắc chắn. "Không dám nhận đại lễ của Bát phủ tuần án đại nhân!"

Dù đủ già để không còn gặp trở ngại bởi những lời như thế, nhưng lúc này Ba Tư Cần vẫn ngượng ngùng chẳng biết nên đối đáp ra sao, đành nhìn Khương Phượng Anh với ánh mắt tội lỗi.

Cơn chấn động qua đi, Khương Phượng Anh lấy lại vẻ lạnh lùng bình tĩnh như thường. "Ra ngoài đi. Có chuyện gì ra ngoài nói."

Xuống dưới lầu, cảnh vệ của Ba Tư Cần mặc quần áo thường phục đứng canh trước xe, thấy thủ trưởng, vội vã mở cửa xe.

Khương Phượng Anh như không nhìn thấy, bước thẳng vể phía trước. Ba Tư Cần khoát tay với cậu cảnh vệ, ý bảo cậu ta không cần đi theo. Người cảnh vệ không hề do dự, vẫn bám sát theo sau họ.

Ba Tư Cần cố ý lùi lại nửa bước, lén nhìn, tóc mai của Khương Phượng Anh đã bạc quá nửa, khóe mắt và phần cổ bắt đầu xuất hiện những vết nhăn sâu, nhưng quần áo đơn giản sạch sẽ, dáng vẻ nhanh nhẹn như hồi còn trẻ.

Ra khỏi cổng khu, rẽ trái vòng lên đường lớn, tầng trên của cửa hàng bên đường là một nhà hàng bán đồ ăn Tây. Trước Tết Khương Thượng Nghiêu đã đưa mẹ và bà ngoại tới đây ăn cơm một lần. Khương Phượng Anh ngồi xuống nơi gần cửa sổ lần trước, "Ngồi đi", bà ra hiệu cho Ba Tư Cần ngồi vào vị trí đối diện.

Gọi hai tách trà, Khương Phượng Anh nói trước: "Tôi cũng không hỏi ông vì sao lại biết chỗ này. Lần đầu tiên nhìn thấy ông trên ti vi, khi ấy ông còn là chủ tịch tỉnh, gần mười năm trôi qua từ ngày ấy, nếu có lòng đi tìm, chắc cũng chẳng kéo dài tới tận mười năm, nhất định vì ông đã gặp Nghiêu Nghiêu. Tôi chỉ có một câu thôi, con trai do tôi nuôi lớn, nó cũng nhiều tật xấu, nhưng quyết không giống bố nó, thấy lợi quên nghĩa. Không tin, ông thử nói rõ sự thật với nó một lần xem".

Gừng càng già càng cay. Khương Phượng Anh vừa gặp đã vào thẳng vấn đề, thái độ không chút nhã nhặn, như nằm trong dự liệu của Ba Tư Cần mà lại như không phải. "Em vẫn tính cách ngày xưa, thẳng thắn nghĩa hiệp."

Một lần nữa được nghe lời bình phẩm này, Khương Phượng Anh chỉ có cảm giác trào phúng. Nếu không phải trong lòng bà đầy nghĩa hiệp, sao hồi ấy có thể để bàn thân phải chịu ấm ức, giữ kín tấm chân tình, nhẫn nhịn để Ô Vân Cách Nhật Lặc bắt nạt, sao có thể tha thứ cho những gì ông đã làm?

"Nói cái này cũng vô ích, thẳng thắn xem, ông muốn thế nào?"

Ba Tư Cần nắm chặt cốc trà trong tay, chăm chú nhìn Khương Phượng Anh, do dự hỏi: "Thượng Nghiêu... Sao lại có nó?".

Ngày ấy, binh đoàn xây đựng sản xuất là một tổ chức nông binh, thời bình là nông dân, thời chiến lại là binh lính. Năm 1976, binh đoàn hoàn thành sứ mệnh lịch sử, nên cũng bị giải tán. Dù là người hướng dẫn của liên đội, nhưng Ba Tư Cần cũng không có biên chế bộ đội. Khi ấy lại có cơ hội vào làm việc ở công xã Kỳ Lý, và cùng thời gian đó, Khương Phượng Anh cũng mang thai. Để tránh ảnh hưởng tới con đường chính trị sau này, ông đã dỗ dành bà bỏ đi đứa bé, đợi công việc của ông ổn định, kết hôn rồi sẽ sinh con.

Khương Phượng Anh bưng bát thuốc ra thai trên tay, uống hai hớp, nhưng thực sự khó có thể dứt bỏ máu thịt của mình, bèn móc họng nôn ra bằng hết. Thanh niên tình nguyện trong đội lần lượt về thành phố, bà cố gắng che giấu, để bảo toàn danh dự cho người mình yêu. Ba Tư Cần cuối cùng cũng được vào công xã làm việc đúng như mong muốn, còn bà vẫn ở nơi xa hàng trăm dặm, giúp đại đội nuôi cừu.

Từ khi bà mang thai, sau đó lại nghĩ bà ngoan ngoãn nghe lời bỏ đi đứa bé rồi, Ba Tư Cần sớm đã có ý lảng tránh bà. Khương Phượng Anh chỉ tưởng công việc của ông bận rộn, thêm tránh miệng lưỡi thế gian, nên hoàn toàn không biết tình bạn cách mạng giữa Ba Tư Cần và Ô Vân Cách Nhật Lặc đang ngày một tiến triển. Mang thai hơn tám tháng, vừa đói vừa rét, lại sợ sinh con không ai chăm sóc, bà mới nghiến răng nghiến lợi tìm tới Kỳ Lý. Lúc này bà mới biết nửa tháng trước Ba Tư Cần đã xin nghỉ rời đi. Tin ông bỏ đi không lời từ biệt như sấm nổ giữa trời quang, suốt dọc đường quay về đại đội, bà như người mất hồn, vấp ngã liên tục. Trong đầu hiện lên những hành động trước và sau của ông, liên hệ với nhau, dù cương trực ngốc nghếch đến đâu, bà cũng hiểu được ngụ ý đằng sau những hành động đó.

Bao oán hận trong suốt ba mươi năm qua, giờ hà tất phải nhắc lại chuyện cũ? Dù tính cách Khương Phượng Anh cương nghị, nhưng khi nhớ lại quá khứ, bà vẫn thấy đau đớn như chọc vào vết thương cũ, trái tim nhói lên nhức nhối. "Với tâm địa lang sói của ông, chắc chắn không thể hiểu được, nhưng tôi là một người mẹ."

"Phượng Anh, anh xin lỗi. Nhưng..." Sự bất lực và tủi hổ giằng co trên mặt Ba Tư Cần, không thể tưởng tượng được nỗi đau đớn của ông, "Ít nhất trong chuyện này, anh cũng có tư cách được biết. Khi ấy nếu em không nỡ, thì cũng nên nói với anh. Anh...".

"Ông thôi đi. Ông sẽ lo lắng danh tiếng bị ảnh hưởng, sẽ hận chết hai mẹ con tôi. Ông làm bộ làm tịch, giả vờ giả vịt quen rồi, ngay đến bản thân ông cũng không nhận ra tâm địa xấu xa của mình, đúng không?"

Ba Tư Cần im lặng nhìn vào đôi mắt hận thù của bà, đột nhiên thở dài, "n oán trước kia tạm thời đừng nhắc nữa, không thể để con trẻ phải gánh lỗi lầm của người lớn. Khi hồ sơ vụ án của Thượng Nghiêu được đưa lên, anh đã nghiên cứu kỹ, quá nhiều điểm nghi vấn. Nếu như khi ấy... kết cục có lẽ đã khác rồi".

Khương Phượng Anh nhấp ngụm trà nóng, thở dài một hơi, hỏi: "Ngày ấy, ông và cô em kết nghĩa của ông yêu nhau thắm thiết, che giấu tôi. Theo cách nghĩ của ông, Nghiêu Nghiêu vốn không nên được sinh ra, vì tôi cố chấp nên mới có nó thôi. Khi nó còn là một bào thai, ông không màng tới sự sống của nó, khi nó thành người rồi, ông hà tất phải lo lắng nó có chết hay không?''.

Vẻ mặt bình thản, giọng điệu lạnh lùng, Ba Tư Cần vô cùng kinh ngạc.

"Khi ấy tôi đã nghĩ kỹ lắm rồi, cùng lắm thì cả hai mẹ con tôi cùng chết. Chỉ lo cho mẹ già, nên mới gắng chút hơi tàn, thế mà cũng sống được hơn ba mươi năm." Bà thoáng cười, rồi lại tiếp tục nghiêm sắc mặt, nói: "Tư Cần Ba Lặc, tôi còn nhớ ý nghĩa cái tên của ông là người hiền, Ô Vân là người tài. Hai người các người, một hiền một tài, có lẽ cuộc sống rất tốt đẹp, nên chắc chẳng muốn thấy mẹ con tôi xuất hiện. Ông có mục đích gì, tôi đoán được. Tôi nói rõ cho ông biết, đối với ông, với chúng tôi, không cần bất kỳ sự thay đổi nào cả. Ông hãy từ bỏ ý định đi".

Lưu lạc chốn quan trường bao năm nay, Ba Tư Cần đã quen với việc nắm thế chủ động và dẫn dắt câu chuyện, nhưng khi đối mặt với Khương Phượng Anh, mọi tâm địa thủ đoạn đều vô hiệu, trong lòng ông chỉ thấy tủi hổ.

Ông nhìn chằm chằm tách trà nóng, rất lâu sau mới ngẩng đầu lên, vẻ mặt kiên nghị và nghiêm túc: "Thượng Nghiêu cũng là con trai anh. Giấu con là không công bằng với nó. Anh hy vọng em có thể bỏ qua thành kiến và mọi ân oán xưa, đối diện với sự thật. Nếu cuộc gặp này không có kết quả gì, anh sẽ đến nữa".

Không thể phủ nhận, nét quả quyết nơi vầng trán của con trai bà giống hệt cha nó, Khương Phượng Anh quan sát thật kỹ người đối diện. Ba Tư Cần vốn quen vờ vịt, với vị thế hiện giờ của ông, khí chất càng thêm uy nghiêm, nhưng sự bỉ ổi trong lòng có lẽ chỉ bà mới hiểu.

Khương Phượng Anh tươi cười, "Ông có đến cả vạn lần nữa cũng vô dụng. Nó là con ông, đấy là sự thật, song còn có một sự thật nữa, hơn ba mươi năm nay, trong cuộc sống của nó chẳng có chút dấu tích nào của ông hết. Ông hãy quay về với cuộc sống tốt đẹp của mình đi, nếu không chịu từ bỏ, ông có thể tới hỏi thẳng Nghiêu Nghiêu, xem nó có chấp nhận một người bố như ông không?".

Trước khi đến đây, Ba Tư Cần cũng đã nghiền ngẫm phân tích kỹ càng. Phụ nữ cuối cùng vẫn là loài động vật tình cảm, cứ mềm mỏng thì họ cũng sẽ mềm lòng nhượng bộ. Nhưng rõ ràng Khương Phượng Anh không muốn nhắc lại chuyện đã qua, nên sách lược của ông chẳng có đất dụng võ, Ba Tư Cần đành thay đổi, cách khác. ''Thượng Nghiêu rất có năng lực, thành tích xuất sắc hơn . Hôm qua anh đã gặp nó rồi, ở Nguyên Châu, nhà lão Phó của tập đoàn năng lượng tỉnh."

Quả nhiên ánh mắt Khương Phượng Anh lộ vẻ kinh ngạc, ông cố ý dừng lại một chút để tăng thêm sức nặng cho tin tức này. "Yên tâm, anh chưa nói với nó anh là ai, anh vẫn muốn hỏi ý kiến em. Thằng bé khiêm tốn, lễ phép, tài trí song toàn, em dạy dỗ nó rất tốt"

Tâm trạng Khương Phượng Anh rối loạn. Hai năm trước bà đã nói với Khương Thượng Nghiêu, bố anh là ai. Nhưng nếu đúng như Ba Tư Cần vừa nói, chỉ gặp mặt mà không nhận cha, vẻ mặt vui vẻ bất thường của con trai khi về nhà sáng sớm nay, chuyện lớn như thế sao lại không để lộ ra chút nào. Rốt cuộc con trai bà đang nghĩ gì? Nó định làm gì?

Thấy bàn tay nắm chặt cốc trà của Khương phượng Anh khẽ run rẩy, Ba Tư Cần vừa buồn vừa thỏa mãn, nói tiếp: "Em cũng biết đấy, sau khi nó ra tù... có thể nói, cuộc sống coi như làm lại từ đầu. Hôm qua gặp mặt, trong lúc nói chuyện anh đã nhận ra lý tưởng của Thượng Nghiêu, cũng có khả năng thành hiện thực, nó chỉ thiếu sự dẫn dắt và giúp đỡ của trưởng bối. Phượng Anh, em từ chối anh, anh có thể hiểu, cũng có thể chấp nhận. Nhưng xin em hãy đứng trên lập trường của người mẹ, suy nghĩ cho con trai, đừng để hận thù và oán trách che lấp lý trí".

Câu nói lấy lùi làm tiến, phân tích rõ thiệt hơn cho bà trên lập trường là một người mẹ, quả thực rất hiểm. Lòng tin tưởng vô điều kiện của Khương Phượng Anh dành cho con trai từ trước tới nay bỗng chốc dao động mạnh bởi muôn vàn nghi vấn tràn ngập trong lòng. Nhưng dù tâm trạng có phức tạp tới đâu, thì ngoài mặt bà vẫn nở nụ cười trào phúng: "Có một lại muốn có hai, có thịt ăn rồi lại muốn ăn thêm đậu. Nghiêu Nghiêu của tôi không phải là ông, nó uống sữa dê và ăn canh gạo mà lớn. Ăn uống thanh đạm trong lòng tự biết thỏa mãn. Không cần ông phải lo".

"Em vẫn cố chấp như trước". Ba Tư Cần sững lại nhìn bà khá lâu, "Những lời anh nói đều xuất phát từ đáy lòng, xin em hãy suy nghĩ thận trọng vì tiền đồ của con trai chúng ta. Em cứ nghĩ kỹ đi, vài ngày nữa anh lại tới, hy vọng em sẽ dùng lý trí để đối mặt với chuyện này, đừng lẩn tránh. Anh cũng mong nhận được câu trả lời có thể giúp ích cho tiền đồ của Thượng Nghiêu".

"Thế thì anh sẽ lại thất vọng nữa thôi." Câu chuyện chẳng đi đến đâu, Khương Phượng Anh gọi phục vụ tới thanh toán, đứng dậy, "Nói tới đây thôi. Hy vọng ông vẫn còn chút lương tâm, để mẹ con tôi được yên".

Tiếp tục nói cũng chỉ giải quyết được vấn đề của cái miệng, chẳng giúp ích gì cho việc chính. Ba Tư Cần đứng dậy theo, nhìn khuôn mặt khắc khổ của người con gái ông từng yêu, không kìm được thở dài. "Phượng Anh, cương nhu phải đúng mực. Tính khí này của em…"

Khương Phượng Anh đột nhiên quay đầu. Người dịu dàng như nước trong lòng ông, không ai khác chính là Ô Vân Cách Nhật Lặc, dịu dàng như giọng hát kia. Nhưng, cũng chỉ có sự bỉ ổi của bà ta mới xứng với sự vô liêm sỉ của ông. Khương Phượng Anh nuốt câu chửi rủa lại, khinh bỉ nhìn ông một cái, rồi đi thẳng xuống lầu.

Bỉ ổi, vô sỉ, khinh miệt, tất cả đều dồn nén trong ánh mắt ấy. Nhớ lại nhiều năm trước, trong chuồng gia súc, ông đã dạy bà cách để cừu mẹ nhận con, ánh mắt bà nhìn ông mới ngưỡng mộ làm sao.

Ba Tư Cần lên xe. Trong tiếng thở dài não nề, những năm tháng thanh xuân trên thảo nguyên Cách Căn Tháp Lạp lại như hiện ra trước mắt.

Đời người là con đường một chiều, khi ấy ông mẫn cảm nhận ra hướng gió thay đổi, cũng ý thức được vị trí sau này của bố Ô Vân Cách Nhật Lặc có ý nghĩa thế nào đối với ông, khát vọng quyền lực thôi thúc ông lựa chọn con đường này, vinh quang rộng mở, nhưng ông vẫn hy vọng được bù đắp lỗi lầm mình gây ra ở con đường khác, để an ủi lương tâm mình.

Một tiếng phanh gấp, Ba Tư Cần nhào người về phía trước. Lái xe là lính chuyên nghiệp trong quân đội, kỹ thuật điêu luyện, tính cách trầm ổn, hiếm khi xảy ra sai sót. Vừa rồi, một chiếc taxi lao xẹt qua đầu xe, cũng chỉ khiến người lái xe chau mày mà thôi.

Chiếc taxi chuẩn bị sang làn đường khác nên hơi thụt lùi về sau, chiếc Audi lại tiến thẳng về phía trước. Người cảnh vệ ngồi trên xe nhìn lại phía sau, cho tới khi chiếc taxi kia theo sát tới, rẽ trái rồi biến mất, lúc này mới quay đầu, mặt nghi hoặc, nói: "Thủ trưởng, em thấy có chút không ổn".

Sau khi rẽ trái đi thêm khoảng một trăm mét nữa, liền có người xông tới mở cửa sau, Tứ Nhi vội vàng ngăn lại, "Này, này, xe không bắt khách".

Người kia nghi ngờ, "Xe không có người mà?".

"Ai nói xe không có khách thì phải bắt khách? Ông mày không thích đấy!" Tứ Nhi liến thoắng mắng đuổi người, lau mồ hôi trên trán, bấm nút số năm trên di động, hỏi: "Số 5, cậu theo chưa? Ông mày là số 4 đây, bà nó chứ, thiếu chút nữa thì đâm nhau rồi".

Thế trận có vẻ khả quan, hơn mười chiếc xe, phân bố ở khắp các đầu đường đợi lệnh. Qua mỗi ngã rẽ, một chiếc xe sẽ lao ra, rồi lại đổi chiếc khác để đuổi theo, giống như thi tiếp sức. Trên mỗi chiếc xe theo đuôi Ba Tư Cần đều có di động và máy bộ đàm để tiện liên lạc, những chiếc xe khác yểm trợ, lần bố trí này vô cùng cẩn thận.

Số 5 trong điện thoại lập tức phá lên cười ha hả, "Theo rồi, yên tâm. Tứ ca, nói anh không làm được còn không tin, cái gì mà một tay 'drift xe (2)' cừ khôi, nói phét cũng vừa thôi chứ".

(2) Một kỹ thuật lái xe mà trong đó, người lái xe cố tình làm thừa lái, gây ra sự trượt bánh sau, trong khi vẫn có thể điều khiển được chiếc xe theo hướng mong muốn ở tốc độ cao. Một chiếc xe được xem như đang drift khi góc trượt ở phía sau lớn hơn phía trước trước khi vào góc cua, và bánh trước xoay ở hướng đối diện so với góc cua.

Tứ Nhi cũng chẳng buồn tranh cãi nhiều. Anh ta là đồ đệ được Vương Bá Long tin tưởng nhất, cũng là người được anh Khương coi trọng, sau này những người ở lại Nguyên Châu phục vụ chắc chắn có phần của anh ta. Những người khác không biết lần này người mà họ đối đầu là ai, còn anh ta lại rất rõ. Vừa rồi do căng thẳng, chân chạm vào ga, suýt chút nữa đã đâm vào chiếc xe đó.

Qua lớp kính mờ, nhìn không rõ người trong xe, nhưng thấy hai luồng sáng sắc lẹm lướt qua mặt anh ta, mồ hôi lạnh túa ra toàn thân không sao kìm lại được.

Coi như hoàn thành nhiệm vụ, bàn giao an toàn, Tứ Nhi suy nghĩ, rồi vội vàng gọi điện cho sư phụ. Vương Bá Long đang xem bói cho Lưu Đại Lỗi, nhanh chóng ném bộ bài trong tay xuống, sau khi nhận điện thoại, anh ta nói với Khương Thượng Nghiêu đang nằm nghiêng trên ghế sô pha: "Anh Khương, xe số 4 xong nhiệm vụ rồi".

Mí mắt Khương Thượng Nghiêu khẽ động, có lẽ cũng chưa ngủ. Lưu Đại Lỗi vỗ đùi đánh đét một cái, "Thế thì nhanh rồi. Cũng may, đi đúng cung đường chúng ta đã vạch, nếu họ đổi sang đường khác thì đã chẳng thuận lợi thế".

Nghiêm Quan ngồi ở đầu ghế sô pha bên kia, thầm tính toán khoảng cách một hồi, báo cáo: "Anh Khương, cách trạm thu phí Tầm Phong Sơn khoảng hai mươi kilomet nữa".