Đi dọc con đường đất từ dưới chân cầu Long Biên đến xóm Phao (Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội), chúng tôi gặp một ngôi miếu nhỏ sát sông Hồng. Trước mặt là hai ngôi mộ lớn. Bên trong miếu, ban thờ không có bài vị hay di ảnh, chỉ có duy nhất tấm bia màu đen khắc dòng chữ: “Miếu Hai Cô”, rải rác xung quanh có thêm vài ngôi mộ khác. Dân xóm Phao cho hay, tất cả đều là mộ vô danh của những nạn nhân chết đuối. Vì không xác định được danh tính nên chính quyền và người dân địa phương đã an táng họ ngay bên bãi đất này.
Ông Nguyễn Đăng Được (73 tuổi) - một trong những người đầu tiên đến bãi giữa sinh sống, cho biết, ông từng tham gia trong nhóm trục vớt thi thể hai cô gái và chôn cất họ. Theo lời ông, 15 năm trước, người dân phát hiện thi thể một thiếu nữ khoảng 17, 18 tuổi trôi dạt vào chân cầu Long Biên. Tình trạng cô hết sức thê lương, hai cánh tay bị trói chặt vào thanh tre to và dài. Chứng kiến cảnh tượng đó, nhiều người không khỏi xót xa.
Hơn 1 năm sau, hình ảnh cô gái xấu số hôm nào vẫn chưa nguôi, dân xóm Phao tiếp tục vớt một thi thể khác đang phân hủy, trôi dạt vào bãi giữa. Lạ lùng thay, lần này cũng là cô gái trẻ cùng độ tuổi người trước, hai chân bị cột chặt vào nhau. Trên người mặc bộ quần áo ngủ in hoa, rách nát. Cô gái nhanh chóng được chôn cất trên bãi đất um tùm cỏ lau.
“Hai cái chết đầy oan khuất với những tình tiết giống nhau đến kỳ lạ. Nhiều năm trôi qua nhưng gốc tích và nguyên nhân cái chết của họ vẫn còn là một ẩn số. Điều đó luôn ám ảnh chúng tôi”, ông Nguyễn Đăng Được nói.
Thương cảm cho số phận bạc bẽo của hai cô gái, năm 2009, các thành viên CLB bơi sông Hồng và dân xóm Phao quyên góp tiền, chuyển hai ngôi mộ về nằm cạnh nhau trên gò đất khô ráo, đồng thời xây một ngôi miếu nhỏ thờ tự.