Tống Y

Chương 403: Buồn bực



Cao Thao Thao mỉm cười nói: "Tốt lắm. Ngươi nói xem tiêu chuẩn thắng bại chiến tranh của ngươi là gì?"

"Ừ. Trước hết hãy cho người đi lấy bản đồ biên giới ra đây. Có bản đồ nói tốt hơn, ta cũng nhớ tường tận hơn" Đỗ Văn Hạo nói.

"Được" Cao Thao Thao đứng dậy, đi ra ngoài rìa đình hóng mát, gọi Tiêu công công vào, bảo ông ta tới tam nha lấy bản đồ tác chiến biên giới Tống Liêu cùng biên giới Tống Hạ tới đây.

Đỗ Văn Hạo nói: "Nhân lúc chưa có bản đồ, ta nói tiếp chủ đề lúc trước vẫn đang nói dở. Ta hoàn toàn đồng ý với đánh giá về tiêu chuẩn thắng bại trong chiến tranh của Tư Mã Quang. Muốn xem một cuộc chiến tranh thắng hay bại, quan trọng nhất là xem mục đích phát động chiến tranh có thực hiện được hay không mà không nên giới hạn trong phạm vi đất đai, thành trì được hay mất, hoặc chỉ đơn giản so sánh tình hình thương vong của hai bên. Đương nhiên mục đích chiến tranh có nhiều loại. Ví dụ như mở rộng lãnh thổ, đoạt lại đất đai bị mất, trừng phạt đối phương, tiêu diệt binh lực đối phương, vây Nguỵ cứu Triệu, chống ngoại xâm".

Đỗ Văn Hạo giơ đũa gắp thức ăn bỏ vào miệng nhai rồi nói tiếp: "Phán xét thắng bại của một cuộc chiến tranh nhất định phải có vật tham chiếu, cũng giống như đi lại vậy. Nàng ngồi thuyền nhỏ đi trên sông. Đối với cảnh vật hai bên bờ sông, nàng đang vận động. Đối với vật, nàng lại đang bất động. Xét đoán thắng bại của một cuộc chiến cũng như vậy. Nếu như mục đích tiến hành chiến tranh của một quốc gia là chống ngoại xâm. Kết quả cuối cùng quân thù bị đuổi ra khỏi đất nước, cho dù thương vong lớn hơn quân địch, cũng không chiếm được một tấc đất nào của đối phương nhưng cũng có thể coi là chiến thắng. Nếu như mục đích chiến tranh là mở rộng lãnh thổ, cho dù thương vong lớn hơn quân địch nhưng vẫn duy trì sự chiếm đóng lãnh thổ kẻ thù, cũng được coi là thắng".

Thái Hoàng Thái Hậu Cao Thao Thao nói: "Vậy tính thương vong giữa quân mình và số quân thù giết được, có ảnh hưởng tới xét đoán thắng bại của cuộc chiến tranh không?"

"Đương nhiên là có ảnh hưởng" Đỗ Văn Hạo nói: "Nếu mục đích chiến tranh là trừng phạt đối phương thì có. Nàng muốn đi trừng phạt kẻ thù. Nếu như thương vong của đối phương thê thảm hơn thì có được coi là nàng đã chiến thắng hay không? Đương nhiên. Giết địch một vạn, thương vong bản thân ba nghìn thì có thể khẳng định là thắng. Trong chiến tranh có tính chất trừng phạt, xét đoán có chiến thắng cuộc chiến hay không, ngoại trừ thương vong quân mình rõ ràng không thể vượt qua thương vong của kẻ thù, còn phải tính tới những tổn hại nghiêm trọng của đối phương về thành trì, kinh tế, tâm lý của dân chúng. Nếu như đánh thọc sâu vào hậu phương kẻ thù mấy trăm dặm, phá được mấy toàn thành trì, phá huỷ hoàn toàn các điều kiện kinh tế, cuối cùng chủ động rút về thì cho dù số lượng thương vong tương đương với quân thù, cũng có thể được coi là chiến thắng bởi vì khi đó tổn thất của đối phương đã lớn hơn mình rất nhiều, mục đích của chiến tranh đã đạt được. Chiến tranh tấn công trừng phạt còn thườn đi kèm theo những ý đồ chính trị. Ví dụ vây Nguỵ cứu Triệu là một điển hình với chiến tranh tự vệ tấn công ). Mặt khác so sánh tỷ lệ thương vong của hai bên có thể ảnh hưởng tới mức độ chiến thắng. Một khi thương vong nặng nề, vượt xa thương vong của đối phương thì khi đó cho dù có chiến thắng thì cũng chỉ tính là chiến thắng thê thảm".

Cao Thao Thao nghe Đỗ Văn Hạo nói về tiêu chuẩn xét đoán thắng bại trong chiến tranh, đã hiểu thêm một bước sự phức tạp của chiến tranh. Nàng nâng chén uống cùng Đỗ Văn Hạo sau đó nói: "Lúc trước ngươi nói. Binh lực của Đại Tống chúng ta vượt xa nước Liêu và Tây Hạ, tương đương với tổng binh lực của cả hai nước nhưng khi tác chiến với nước Liêu và Tây Hạ, chúng ta lại thắng ít bại nhiều. Nhưng trước kia ta đều chỉ nghe trên dưới từ Hoàng Thượng, triều đình và dân chúng nói chúng ta đánh bại Tây Hạ, đánh bại nước Liêu. Tuy ngẫu nhiên chúng ta có trận đại bại nhưng đại đa số trận đánh chúng ta đều thắng, hoàn toàn không giống như những gì ngươi nói. Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?"

Đỗ Văn Hạo nói: "Lý do rất đơn giản. Tốt thì khoe ra, xấu xa đậy lại. Nàng cứ tới kho lưu trữ tình hình chiến sự của tam nha, đọc cẩn thận mấy ngày, nàng sẽ biết rốt cuộc chúng ta thắng nhiều bại ít hay thắng ít bại nhiều".

"Ngươi đã xem qua rồi phải không?"

"Ừ. Sau khi nàng để ta làm tam nha Đô Chỉ Huy Sứ, ta liền rành chút thời gian ở trong tam nha nghiên cứu một số tư liệu chiến tranh về tổn thất, tình hình chiến sự của các cuộc chiến tranh với Tây Hạ và Đại Liêu, mục đích phải là biết người biết ta. Kết quả chiến tích của quân Đại Tống chúng ta làm ta rất thất vọng, không hề giống như những tuyên truyền về thắng lợi lớn ở trên triều đình. Vì thế để biết được chân tướng sự việc thì chỉ còn cách tự mình nghiên cứu trong đám tư liệu, không thể tin vào tin đồn nhảm".

"Ừ. Vậy ngươi hãy nói với ta về thực lực thật sự của quân Đại Tống, ta cũng muốn hiểu một chút".

"Ta vẫn chỉ có một ý này: Không thể đánh giá mình quá thấp, đương nhiên cũng không thể đánh giá mình cao hơn hẳn so với thực lực của mình. Điều thứ hai còn nguy hiểm, đáng sợ hơn điều thứ nhất rất nhiều".

Cao Thao Thao gật đầu nói: "Không sai, chờ lát nữa đưa địa đồ tới, chúng ta sẽ nói căn cứ vào địa đồ. Bây giờ chúng ta uống rượu ăn cơm".

Hai người vừa ngồi uống rượu nói chuyện, vừa ngồi nghe tiếng mưa rơi ở bên ngoài. Một lát sau Tiêu công công ôm hai quyển địa đồ quay về, theo thứ tự là địa đồ biên giới Tống Liêu, và địa đồ biên giới Tống Hạ. Đỗ Văn Hạo nhận lấy, hắn trải bản đồ biên giới Tống Liêu trên mặt đất, dùng chén chận bốn góc, lại bảo Tiêu công công bẻ một cành liễu ở trên cây liễu bên ngoài đình, tước hết lá làm thước chỉ.

Đỗ Văn Hạo nói: "Chiến tranh Tống Liêu tổng cộng tiến hành trên hai mươi lăm năm, trên một trăm trận đánh lớn nhỏ. Chúng ta chỉ tính toán ra số chiến dịch đại quy mô sẽ tính toán ra thắng bại. Bắt đầu từ cuộc chiến sớm nhất là cuộc chiến Cao Xa Hà".

Đỗ Văn Hạo chỉ cành liễu vào một chỗ trên địa đồ nói: "Trận chiến này là Đại Tống chúng ta khởi xướng. Mục tiêu tối thượng của cuộc chiến này là đoạt lại mười sáu châu Yên Vân, thừa cơ đoạt U Châu ( bây giờ là Bắc Kinh ). Thực ra trận chiến này không được chuẩn bị tốt đã vội vàng ra quân. Ban đầu quân Tống liên tiếp khải hoàn ca, đánh thẳng tới chân thành U Châu, bao vây thành U Châu tầng tầng lớp lớp nhưng cường công không hạ nổi. Nước Liêu phái ra mười vạn kỵ binh tinh nhuệ bất ngờ tập kích đường tiếp viện của quân ta, quyết chiến cùng quân Tống ở bờ sông Cao Lương bên ngoài thành U Châu. Quân Tống không địch nổi, kết quả đại bại. Quân Liêu thừa thắng đuổi giết một mạch, quân Đại Tống tan vỡ hoàn toàn, chết hơn một vạn người. Thái Tông hoàng đế của chúng ta vì không còn ngựa mà cưỡi nên phải cưỡi lừa trốn về nội địa Đại Tống. Toàn bộ đất đai chiếm được khi trước lại quân Liêu chiếm lại. Đại Tống không đạt được mục tiêu của cuộc chiến nên trận chiến này thất bại".

Cao Thao Thao nói: "Trận chiến này quân ta đơn độc xâm nhập nội địa quân địch, quả thực rất mạo hiểm".

"Hẳn như vậy. Trận chiến thành Vĩnh Nhạc cũng bởi vì xâm nhập nội địa, xây thành ở nơi hiểm địa mà thất bại".

"Thật vậy sao? Ngươi hãy nói tiếp cuộc chiến Tống Liêu đi".

"Được. Cuộc chiến thứ hai là cuộc chiến thành trì. Đối với Đại Tống chúng ta mà nói đây là một cuộc chiến phòng ngự. Mục đích chiến lược của cuộc chiến là phòng ngự chống lại quân Liêu tấn công. Nước Liêu muốn trả thù Đại Tống đã đánh U Châu, mấy vạn quân Liêu đã tấn công vào biên giới Đại Tống. Hai bên quyết chiến một trận ở Hà Bắc. Chiến thuật của quân Tống được bố trí như sau; sử dụng quân vu hồi đánh bọc sườn quân địch, quân Liêu đại bại, chém giết hơn một vạn quân Liêu, thu được hơn một ngàn thớt chiến mã. Quân Liêu thất bại lui về biên giới nước Liêu. Trận chiến này tuy quân Tống tham gia tác chiến được hình thành bởi mấy cánh quân nhưng bởi vì có quan quân chỉ huy thống nhất, sử dụng chiến thuật chính xác vì vậy đã giành thắng lợi".

Cao Thao Thao vui vẻ nói: "Ta nghe nói Thái Tông hoàng đế đánh trận rất lợi hại".

"Đúng vậy. Thuở ban đầu mới lập nước, quân Tống đều là những binh lính dũng cảm, thiện chiến, mạnh mẽ, sức chiến đấu rất mạnh, ít nhất không thua kém quân Liêu".

"Ừ. Vậy những trận chiến sau đó?"

Đỗ Văn Hạo lại dùng cành liễu chỉ vào địa đồ nói: "Sau chiến đánh đó là chiến dịch Nhạn Môn Quan này, là một trận đại thắng vô cùng rạng rỡ của Đại Tống chúng ta. Sau khi quân Liêu tấn công Mãn Thành thất bại, vào mùa xuân năm sau đã phái đại quân tấn công Nhạn Môn, bị Đại tướng Dương Nghiệp, phụ thân của Dương lục lang phối hợp với Phan Nhân Mỹ chặn đánh, quân Liêu đại bại ở Nhạn Môn. Đây là cuộc chiến Nhạn Môn lần thứ nhất".

Cao Thao Thao nói: "Trận chiến này tuy thắng như không có nhiều điều đặc sắc"."Đặc sắc là cuộc chiến thứ hai" Đỗ Văn Hạo cười tươi nói: "Năm sau mười vạn quân Liêu tấn công mãnh liệt Nhạn Môn. Đại tướng trấn thủ ải Nhạn Môn chỉ có mấy ngàn quân, Dương Nghiệp cầu viện Phan Nhân Mỹ, Phan Nhân Mỹ lại án binh bất động. Dương Nghiệp không còn cách nào khác đành phải dùng kỳ binh, chỉ huy mấy ngàn cảm tử quân lẻn ra sau đột nhiên tập kích hậu quân quân Liêu. Quân Liêu không biết rõ tình huống, lập tức đại loạn. Dương Nghiệp xác định chính xác mục tiêu: phá giặc phải bắt vua trước, ông tập trung binh lực liều chết tấn công vào chỗ soái kỳ quân Liêu, quả nhiên đã chém chết thống soái quân Liêu, quân liêu như rắn mất đầu lập tức đại loạn. Quân trấn thủ Nhạn Môn thừa thắng ùa ra đánh giết. Quân Liêu tan tác bỏ trốn về nội địa nước Liêu. Trận chiến này Dương Nghiệp lấy ít thắng nhiều, mấy ngàn quân đánh tan mười vạn quân Liêu. Có thể nói đây chính là trận đánh lấy ít thắng nhiều điển hình".

Cao Thao Thao vỗ tay cười nói: "Thật tốt, thật tốt! Cạn chén!".

Hai người lại uống cạn một ly. Cao Thao Thao nhìn Đỗ Văn Hạo nhỏ khẹ nói: "Dương Nghiệp dùng mấy ngàn quân đánh thắng mười vạn quân Liêu, lợi hại hơn người. Hì hì hì".

Đỗ Văn Hạo ngượng ngùng nói: "Ta có đáng gì đâu. Quân Thổ Phiên kém xa quân Liêu. Hơn nữa sở dĩ ta có thể đánh bại chúng chính là dùng thủ đoạn gian trá".

Cao Thao Thao bày trò chọc Đỗ Văn Hạo nay thấy hắn tự nhận mình không bằng người thì lại an ủi hắn, cười nói: "Binh bất yếm trá, có thủ đoạn dùng mánh lới mới được coi là có mưu lược. Dương Nghiệp chẳng qua là đánh lui quân Liêu, ngươi lại tiêu diệt quân Thổ Phiên bộ Tây Sơn. Có thể nói ngươi lợi hại hơn ông ấy nhiều".

"Ha ha ha. Ta không dám so sánh với Dương gia tướng. Trận đại thắng ải Nhạn Môn, Đại Tống chúng ta lấy ít địch nhiều thắng lớn. Nhưng trận chiến sau đó lại không được như ý người. Trận chiến kế tiếp chính là trận chiến Ngoã Kiều quan. Quân Liêu tập kết binh lực, chuẩn bị xuôi nam với quy mô lớn, tấn công Đại Tống. Thái Tông hoàng đế biết tin, thống lĩnh đại quân tiếp viện, chuẩn bị quyết chiến với quân Liêu ở Ngoã Kiều quan. Không ngờ quân Liêu tấn công thần tốc, đã bao vây bốn mặt trọng trấn Ngoã Kiều quan trước, quân Tống ở phụ cận tới tiếp viện bị đánh lui. Đợi lâu không thấy quân Kinh sư tới tiếp viện, quân Liêu vượt sông tấn công mãnh liệt, quân Tống thất bại lui quân. Quân Liêu đánh giết một mạch tới Mạc châu rồi mới thu binh quay lại. Trận này quân Tống thương vong thê thảm. Ở góc độ phòng ngự mà nói, không ngăn cản được quân địch tấn công, tháo chạy, lại hao binh tổn tướng nên chỉ có thể nói là thất bại".

Cao Thao Thao thở dài nói: "Ai. Nếu đại quân Kinh sư của Thái Tông hoàng đế tới nơi kịp thời, có lẽ sẽ không thất bại".

"Đại quân Kinh sư ngày đêm hành quân với tốc độ nhanh nhất. Nhưng đáng tiếc là chúng ta có quá ít ngựa. Không có ngựa, không có cách nào tiến quân nhanh được. Trong lúc tác chiến với quân Liêu, chúng ta rất bất lợi ở phương diện này. Cuộc chiến Cao Xa Hà, kỵ binh tinh nhuệ của quân Liêu nhanh chóng cứu viện. Đó chính là nguyên nhân chủ yếu làm quân ta thất bại. Cuộc chiến Kỹ Câu quan sau này cũng như vậy. Sở dĩ triều Tây Hán và triều Đường có thể tác chiến với quân Hung Nô trong thế thượng phong, nguyên nhân chủ yếu chính là có một đội thiết giáp kỵ binh tinh nhuệ. Lần giao tranh thứ nhất giữa Tây Hán và Hung Nô, Tây Hán đã huy động được ba mươi vạn chiến mã tham gia. Đây quả thực là con số chúng ta không thể tưởng tượng nổi".

"Ừ. Vấn đề này ta đã nghe tiên đế bàn luận nhiều lần, luôn can thán chúng ta thiếu chiến mã. Trong nội địa Đại Tống nuôi được quá ít chiến mã.Đại bộ phận chiến mã là mua của Tây Hạ và Đại Liêu. Chúng không chỉ nâng giá mua mà còn hạn chế số lượng. Khi mối quan hệ hai bên căng thẳng, dù chưa tới mức nổ ra chiến tranh chúng cũng lập tức cấm bán ngựa cho chúng ta. Thật sự rất đáng hận. Chúng ta đã nghĩ rất nhiều biện pháp nhưng vẫn rất thiếu ngựa. Ngươi có cách hay nào không?"

Đại Tống thiếu ngựa. Đây là vấn đề mà ngay khi xuyên việt tới đây, Đỗ Văn Hạo đã lập tức cảm nhận được. Khi hắn ở huyện thành, tới nhà dân khám chữa bệnh, chỉ có thể đi xe trâu, hoặc cưỡi lừa. Chỉ có nha môn mới có mấy thớt ngựa.Đỗ Văn Hạo cau mày suy nghĩ một hồi nhưng thực sự không thể nghĩ ra một biện pháp hay nào để gia tăng số lượng chiến mã, hắn đành cười gượng lắc đầu nói: "Tạm thời ta không thể nghĩ ra biện pháp hay nào. Đợi khi ta về nhà suy xét cẩn thận tìm ra rồi sẽ nói sau".

"Ừ, được".

Đỗ Văn Hạo lại nói: "Sau này khi quân Liêu tổ chức mấy lần xâm nhập phía nam nhưng đều bị quân ta đánh lui. Thương vong của hai bên cũng không lớn, quy mô trận đánh cũng nhỏ, thắng bại không đáng kể. Sau này khi Hoàng Đế nước Liêu chết, nước Liệu vội vàng dụng binh với Cao Ly và Nữ Chân, không rảnh chú ý tới phía nam. Hai bên đã ngưng chiến mấy năm. Sau này khi tiểu Hoàng Đế nước Liêu kế vị, Thái Tông hoàng đế liền quyết định tổ chức bắc phạt lần thứ hai nhưng thật sự không ngờ lại thất bại nặng nề".

Sắc mặt Cao Thao Thao có chút hổ thẹn: "Chúng ta lại thất bại sao?"

"Lần bắc phạt này chính là cuộc chiến Kỳ Câu quan. Quy mô của cuộc chiến này rất lớn. Hai bên đều huy động lượng binh lực lên tới mười vạn người. Cả chiến dịch diễn ra mấy tháng trời. Vào thời kỳ đầu chiến dịch, quân Tống chúng ta chia ra làm ba lộ. Đông lộ đánh nghi binh U Châu, trung lộ, tây lộ tấn công mạnh mẽ Sơn Hậu, Chư châu sau đó hội quân ở U Châu. Thời gian đầu chiến dịch, quân ta chiến thắng tiến quân một mạch, đánh chiếm được khá nhiều châu, huyện của nước Liêu. Vì chủ lực quân Liêu chưa tới kịp, ưu thế cơ động của kỵ binh đã được phát huy đầy đủ, chúng lợi dụng địa hình bình nguyên, gò đồi tiến hành tập kích quấy rối, đã thành công làm thất bại ý đồ chiến lược bao vây U Châu của quân ta. Sau khi quân chủ lực quân Liêu đánh tới, đã đánh bại lộ quân phía đông của Đại Tống ở Kỳ Câu quan. Bởi vì quân Tống dựa lưng vào sông tác chiến, tan tác tháo chạy qua sông, chết chìm rất nhiều. Quân Liêu vượt sông đuổi giết, tiêu diệt mấy vạn quân ta. Hai lộ quân kia của quân ta sau khi giao tranh cũng đều tan tác, Đại tướng Dương Nghiệp tử trận. Toàn bộ lãnh thổ chiếm được lại mất. Lúc đó nguyên khí Đại Tống chúng ta tổn thương nặng nề. Từ đó về sau không thể tổ chức bắc phạt nữa".

Cao Thao Thao giơ ngón tay đếm đếm rồi cười gượng nói: "Tổng cộng xảy ra sáu chiến dịch lớn với quân Liêu. Chúng ta chỉ thắng có ba. Dùng quân chi sư bách chiến đối đầu với quân Liêu mà chỉ đánh ngang tay, coi như quân ta cũng kém cỏi".

Đỗ Văn Hạo cười gương nói: "Nói bất phân thắng bại là ta tự an ủi mình. Trong sau chiến dịch lớn, trong hai cuộc chiến Nhạn Môn, hẳn chỉ nên tính lần thứ nhất, còn lần thứ hai chỉ là một đánh đơn lẻ, không tính là chiến dịch. Mặc dù giết chết chủ soái quân Liêu nhưng không giết được nhiều quân địch. Quân Liêu cũng vì không biết rõ tình hình mà chủ động triệt thoái về chứ không phải vì bị đánh bại. Đặc biệt trong chiến dịch cuối cùng, cuộc chiến Kỳ Câu quan thì thực sự chúng ta thất bại thê thảm. Tổng cộng tổn thất mấy vạn tướng sĩ, số lượng thương vong này vượt xa mấy lần số lượng thương vong của mấy chiến dịch trước cộng lại. Thất bại của chiến dịch này nặng nề hơn nhiều mấy chiến dịch trước, thời gian lại lâu hơn. Tính về quy mô có thể tương đương với hai chiến dịch. Vì vậy nói một cách khách quan: về tổng thể trong chiến tranh Tống Liêu, Đại Tống chúng ta thắng ít hơn bại. Mười phần chỉ thắng ba, thua bảy".

Cao Thao Thao thầm thở dài một tiếng nói: "Nghe những chiến bại này quả thực làm người rất buồn bực. Không nói nữa. Chúng ta uống rượu".

Sau khi hai người uống mấy chén rượu, lại dựa sát vào nhau nghe tiếng mưa rơi. Trong lòng Cao Thao Thao vẫn nặng nề, rốt cuộc nàng vẫn lo nghĩ tới tình hình chiến sự Liêu Tống. Mặc dù tâm trạng vẫn buồn bực khi nghe nhưng lại vẫn muốn biết kết cục phía sau nên nói: "Ngươi nói tiếp đi. Sau này chúng ta có còn thắng ít bại nhiều không?"

Đỗ Văn Hạo nói: "Thôi được rồi. Chiến bại sau này nghe càng nản hơn nữa. Ta chỉ nói rất đơn giản".