Trò Chơi Chết Chóc

Chương 124



Dịch: Hạnh / Ảnh: Jas

Ngày hôm sau Dư Tô dậy khá muộn. Bà Lý đúng thật là người tốt, đã để hai người ở lại nhà còn cho Dư Tô ngủ nướng, hoàn toàn không có ý giục cô làm việc.

Hơn chín giờ, Dư Tô mới mang mái tóc xù như tổ quạ tỉnh dậy, lúc bước tới bên tủ để chải đầu, Dư Tô để ý thấy cơm canh đã được đậy cẩn thận, đặt sẵn trên mặt tủ.

Bát cháo nóng hổi ăn cùng dưa muối cay, đúng là món ngon tuyệt nhất cho buổi sáng.

Bà Lý nói cho Dư Tô biết Phong Đình đã rời nhà một lúc rồi.

Dư Tô thấy bà Lý đang bó củi nên cũng ngại không ra ngoài, bèn lấy ghế ra ngồi giúp bà một tay. Chừng hơn nửa tiếng sau mới xong việc, Dư Tô đang định ra ngoài thì Phong Đình đã trở về.

Phong Đình gọi Dư Tô ra ngoài cổng, hạ giọng: "Tôi đã đi nghe ngóng rồi, ở cuối làng có một gia đình họ Mã, bên tai phải của đứa con trai lớn nhà họ có nốt ruồi."

Phong Đình kể cụ thể tình hình cho Dư Tô nghe. Hóa ra gia đình này đã chỉ còn lại một ông cụ nằm liệt giường và con dâu ông ta. Ông cụ liệt nửa người, không xuống giường được, ăn uống bài tiết trên giường, được con dâu chăm sóc suốt bao nhiêu năm qua.

Ông cụ này có một đứa con trai tên Mã Văn Tài. Theo như Phong Đình nghe ngóng được, người trong làng đều khen anh con trai này cực kỳ hiền lành, ít nói, ngày ngày chỉ biết cắm đầu vào làm việc, chưa từng bàn chuyện hàng xóm láng giềng.

Chỉ là vài năm trước anh con trai này đã rời làng tìm việc làm, chỉ thỉnh thoảng mới trở về, vậy nên ấn tượng của tất cả dân làng với anh ta đều mờ nhạt đi nhiều.

Nghe nói nửa năm sau vụ thảm án nhà họ Vương, người này rời làng.

Trong khoảng thời gian nửa năm đó anh ta cưới vợ, cưới một cô gái lớn hơn mình vài tuổi, là hàng xóm trong làng. Nhắc đến cô gái này, dân làng đều phải than số khổ. Cô ta từng có một đời chồng nhưng bị bạo hành, thường xuyên bị chồng đánh cho mặt mày thâm tím.

Bọn họ bảo sau khi lấy Mã Văn Tài, cô gái này khổ thì khổ thật nhưng vẫn tốt hơn trước kia nhiều.

Chắc hẳn Mã Văn Tài chịu cưới cô ta là vì cần một người phụ nữ giúp mình chăm bố, nhưng Mã Văn Tài cũng là người tốt, chưa từng chê ghét vợ mình qua một lần đò, thậm chí bao nhiêu năm rồi vợ chưa mang thai mà vẫn không trách.

Dư Tô nói kháy: "Năm ngoái anh ta chỉ về có một lần, người ta lấy đâu ra cơ hội mà có thai."

Phong Đình bất lực bật cười: "Chuyện này quan trọng sao?"

"Quan trọng là tên hung thủ Mã Văn Tài không chạy trốn." Dư Tô nghiêm mặt: "Đầu tiên, chi tiết nốt ruồi trên tai trùng khớp rồi, anh ta còn rời làng sau vụ thảm án nhà họ Vương, rất ít khi trở về quê nhà. Trông thì có vẻ như đang cố kiếm tiền chăm lo cho gia đình, nhưng cũng có thể vì Mã Văn Tài đã giết người tại làng này nên sợ hãi không dám về."

Phong Đình gật đầu, nói: "Còn nữa, bố Mã Văn Tài bị bại liệt từ mười lăm năm trước, nguyên nhân là do gặp tai nạn giao thông. Nghe nói khi ấy ông địu rất nhiều rau cải tươi rời nhà lúc hơn năm giờ sáng, lên trấn trên bán rau, nhưng đang đi thì bị đá lọt vào giày nên dừng lại bên đường cởi giày. Lúc này, đằng sau có một chiếc máy cày chạy tới, không biết làm sao lại đột nhiên bẻ lái đâm trúng ông Mã, cán ngang qua chân ông."

Sau khi bị máy cày đâm phải, ông Mã đau đến bất tỉnh, còn chiếc xe lại chạy thằng luôn. Có lẽ là do sợ quá nên đã chạy trốn.

Vốn ông Mã không để ý người lái chiếc máy cày sau lưng là ai, mà khi ấy còn quá sớm, trời chưa sáng, máy cày bật đèn pha khiến ông không thấy nổi người sau tay lái.

Sau đó ông Mã ngất xỉu bên đường, được dân làng đi ngang qua phát hiện, đưa tới viện.

Nhà họ Mã khá nghèo khó, mẹ Mã Văn Tài không chịu nổi sống cảnh cực khổ nên đã bỏ chạy cùng người đàn ông khác. Ông Mã gà trống nuôi con khôn lớn, cực khổ lại chẳng dành dụm được bao nhiêu tiền. Số tiền ít ỏi của gia đình thậm chí còn chẳng trả nổi phí phẫu thuật.

Dân làng cũng giúp đỡ họ một tay nhưng vẫn còn thiếu rất nhiều.

Mã Văn Tài bèn tới nhà họ Vương vay tiền.

Trong làng này, nhà họ Vương có tiếng thơm lâu năm. Nhà ai có việc khó khăn họ cũng sẵn lòng giúp đỡ, nhưng lần này họ lại không cho Mã Văn Tài vay tiền.

Vì lỡ mất thời gian điều trị vàng nên dù giữ được đôi chân nhưng cũng bại liệt, không thể đi lại được nữa.

Chỉ một tháng sau đó, gia đình họ Vương bị giết hại.

Dư Tô cau mày: "Chẳng lẽ vì không cho vay tiền nên anh ta giết cả nhà họ sao?"

"Tạm thời cũng chưa rõ." Phong Đình nói.

"Chỉ vì không vay được tiền mà giết cả nhà người ta. Động cơ giết người như vậy thì gượng gạo quá." Dư Tô nói: "Rất có thể là vậy, nhưng sau khi điều tra thì Mã Văn Tài không trở thành nghi phạm của phía cảnh sát."

Cũng có thể cảnh sát nghi ngờ nhưng không có chứng cứ. Dù có đoán được hung thủ là ai cũng chẳng dám bắt.

Phong Đình nói: "Lúc nghe ngóng chuyện, tôi thấy từng có người trong làng đoán anh ta là hung thủ, cũng có người bảo còn kẻ đáng nghi hơn. Dù sao việc người một làng với nhau nảy sinh mâu thuẫn cũng là rất bình thường, chỉ không cho vay tiền thôi chẳng đáng là gì."

Ở cái làng thiếu trò giải trí thì sau khi cơm nước xong xuôi, mọi người thường cùng ngồi trò chuyện, những lời đồn vô căn cứ họ cũng có thể thuật lại sống động rành rọt. Dù là chuyện nhỏ nhặt trong thôn họ cũng có thể phóng dại lên, vậy nên chỉ cần là người có đủ khả năng để giết người thì dân làng đều từng nghi ngờ là hung thủ.

Dư Tô hỏi: "Theo như kinh nghiệm xử án của anh thì cảnh sát liệu có điều tra Mã Văn Tài vì không vay được tiền nhà họ Vương không?"

Phong Đình: "Có, không chỉ anh ta mà tất cả những người có khúc mắc được dân làng nhắc tới đều bị điều tra. Nhưng sẽ tập trung chủ yếu vào Mã Văn Tài. Ngoài ra... tôi còn nghi ngờ kẻ lái máy kéo đâm phải ông Mã chính là người nhà họ Vương."

Dù sao cũng phải xét đến yếu tố thời gian, khả năng những người trước đó có mâu thuẫn với nhà họ Vương tới báo thù là rất thấp, còn nhà Mã Văn Tài mới gặp phải chuyện không may, lại chẳng vay được tiền, rất nhanh sau đó nhà họ Vương đã gặp phải họa lớn, có vẻ hơi quá trùng hợp.

Nhưng chỉ vì không vay được tiền mà giết người thì lại không hợp lý, trừ khi có vấn đề về tâm lý.

Vậy thì nếu sau khi tới nhà họ Vương, Mã Văn Tài lại phát hiện ra kẻ lái máy cày đâm phải bố mình là người nhà này thì sao?

Đây cũng chỉ là một giả thiết. Dư Tô và Phong Đình không cần đào sâu. Điều họ cần làm là kéo được tên hung thủ về đây.

Phong Đình nói: "Nếu muốn gọi hắn ta về thì cách tốt nhất là gọi điện báo bố hắn xảy ra chuyện. Cô con dâu nhà họ Mã có một cái điện thoại cũ, tôi thấy cô ta treo điện thoại trước ngực."

Dư Tô nói: "Vậy anh định nghĩ cách trộm điện thoại của cô ta sao?"

"Không cần thiết..." Lâm Khôn bước lại vội vàng từ con đường nhỏ phía tay phải, miệng vẫn còn đang thở hổn hển.

Dư Tô và Phong Đình cùng quay đầu, lại kinh ngạc thấy vết máu tươi mới vấy trên áo quần anh ta.

Anh ta vừa thở vừa bước thật nhanh tới, nói với họ: "Nhân lúc cô con dâu nhà họ Mã ra ngoài giặt quần áo, tôi đã giết bố Mã Văn Tài rồi."