Trò Chơi Chết Chóc

Chương 145



Dịch: Hạnh / Ảnh: Jas

Dư Tô không đáp lời, chỉ đưa mắt nhìn hai người này, giờ cô vẫn chưa hiểu nổi tình hình hiện tại.

Người đàn ông vừa cất tiếng quay mình, cầm lấy cây gậy bên góc nhà rồi chống gậy đứng lên, lúc này Dư Tô mới để ý thấy người này chỉ có một chân.

Phải vất vả lắm người đàn ông mới tiến được tới trước mặt Dư Tô, ông vươn tay xoa đầu cô, cúi xuống nói: "Tiểu An nghe lời nào, mau về phòng đi."

Có vẻ họ đang bàn chuyện gì đó rất quan trọng, không muốn bị cô quấy rầy.

Dư Tô bèn gật đầu, ngoan ngoan trở về phòng.

Người đàn ông nọ không vội đi mà cứ đứng trước cửa nhìn cô, đến khi cô bước tới bên giường rồi ông mới khép hờ cửa phòng lại.

Tiếng người đàn ông chống gậy đi lại vọng vào phòng, Dư Tô rón rén tiến ra cửa, áp tai lên tấm ván gỗ nghe ngóng động tĩnh bên ngoài.

"...Thật sự không thể nghĩ cách khác sao?" Đây là giọng của người đàn ông khi nãy.

Người còn lại thở dài, "Không được đâu, đây là cái giá cao nhất họ có thể cho chúng ta rồi. Vị trí nhà anh không đẹp, lại là nhà kiểu cũ, bán được với cái giá này cũng đã là ổn lắm rồi. Anh nghe tôi, nhân lúc người ta đang còn muốn mua thì mau bán cho người ta đi."

Bán nhà ư?

"... Nhưng cái giá này thì lại thấp quá, trưởng thôn, anh giúp tôi thương lượng thêm được không? Nếu không cần tiền gấp thì chắc chắn tôi sẽ không bán nhà đâu."

"Tôi cũng vụ tai nạn đã ngốn của anh một khoản tiền lớn, còn mất một bên chân nữa, e là về sau vợ anh phải lo liệu gồng gánh cả gia đình. Vì vậy mà tôi cũng đã nói riêng với họ, xin họ nể mặt tôi để ra giá cao thêm nên họ mới bỏ thêm hai nghìn tệ cho tròn đấy, nếu anh vẫn chưa vừa ý... chắc họ không chịu mua nữa đâu."

Gian phòng ngoài chìm vào im lặng, Dư Tô lắng tai nghe một hồi mới thấy người đàn ông nọ cất tiếng thở dài nặng nề.

Ông ta nói: "Vậy anh để tôi và mẹ Tiểu An bàn bạc đã nhé?"

"Được, bên kia cũng nói rồi, hạn chót là ba ngày nữa. Anh chị mau quyết định đi thôi. Tôi đi trước đây, bao giờ nghĩ xong xuôi thì nói với tôi một tiếng."

Nói xong, lại có tiếng bước chân rời đi.

Dư Tô quay đầu bước về phía chiếc ghế, vừa ngồi xuống đã nghe tiếng chống gậy vọng lại.

Người đàn ông mở cửa, đưa mắt nhìn vào phòng.

Dư Tô cũng nhìn ông ta, thấy vẻ mặt người này đầy nỗi lo lắng.

Hai người nhìn nhau trong chốc lát, người đàn ông cười khổ, tiến vào phòng, cất từng bước về phía Dư Tô rồi đặt chiếc gậy dựa vào tủ. Ông vươn tay ôm lấy Dư Tô, ngồi lên ghế.

Dù đã biến thành một đứa bé nhưng bị một người đàn ông xa lạ ôm vào lòng vẫn khiến Dư Tô cảm thấy thiếu tự nhiên.

Cô ngọ nguậy mấy cái định nhảy xuống, nhưng người đàn ông nọ ôm cô rất chặt, còn cúi đầu thơm lên tóc cô.

Dư Tô đang suy nghĩ phản ứng lại thì chợt nghe giọng điệu trầm thấp đầy áy náy của ông cất lên: "Tiểu An à, khổ cho con phải sinh ra ở cái nhà này. Bố có lỗi với con, có lỗi với mẹ con..."

Dư Tô không dám động đậy nữa.

Người đàn ông không nói tiếp, chỉ ôm cô rồi lại cất thêm vài tiếng thở dài não nề.

Chừng vài phút sau lại nghe có tiếng bước chân bên ngoài, một người phụ nữ ăn mặc giản dị tiến vào phòng.

Nhìn thấy người phụ nữ này mà Dư Tô thoáng sửng sốt, trông ngoại hình bà có phần tương tự cô.

Một cảm giác kỳ lạ ào ào tràn thẳng vào đầu cô, Dư Tô ngẩn ngơ nhìn người phụ nữ bước vào phòng, tiến đến bên người đàn ông đang bế mình rồi khẽ vỗ vai ông ta, hạ giọng: "Em gọi điện thoại cho bố rồi, ông đồng ý cho mình vay ít tiền. Nhưng chúng ta phải giữ bí mật, không được để anh chị em biết, nếu không họ sẽ tới nhà bố làm loạn lên."

Người đàn ông nắm lấy tay vợ mình. Dư Tô ngẩng đầu, thấy vành mắt ông ửng đỏ như sắp bật khóc.

Người phụ nữ không nói gì thêm mà chỉ mỉm cười, hỏi: "Trưởng thôn đã tới chưa? Phía bên kia ra giá bao nhiêu?"

Người đàn ông mím môi, khó khăn cất lời: "Mười nghìn..."

"Mười nghìn?" Người phụ nữ cau mày, im lặng một hồi bà mới nói: "Hơi ít, tính riêng đất thôi cũng vẫn có giá đấy chứ. Mới gần đây nhà họ Vu đầu thôn sửa nhà còn mất tận mấy chục nghìn cơ mà?"

Người đàn ông cúi đầu, cất giọng não nề: "Bọn họ sửa thành nhà hai tầng, còn nhà mình..."

Người phụ nữ không đáp gì, cúi đầu nhìn Dư Tô, khẽ xoa đầu cô, lát sau bà mới nói: "Nếu không ổn thật thì đành bán đi vậy."

Người đàn ông nhìn Dư Tô, im lặng hồi lâu mới nói: "Dù bán đi cũng vẫn không đủ."

Dư Tô rất tò mò không biết họ đang nói gì, nhưng lại không dám hỏi, chỉ có thể im lặng ngồi nghề.

Cuộc nói chuyện này của hai người không giúp Dư Tô hiểu rõ tường tận tình cảnh hiện tại, phải đến ngày hôm sau cô mới lần mò lắp ráp được câu chuyện.

Người đàn ông này là thợ mỏ làm việc ở một vùng khác, ở vào thời bấy giờ đâu đâu cũng có các mỏ khai thác than đá tư nhân mở trái pháp luật, thế là người đàn ông này được đồng hương giới thiệu tới đây làm việc.

Khoảng thời gian trước đó, vì sai sót của mình mà ông cùng một đồng nghiệp bị đá trong hầm mỏ rơi đè vào người.

Vì tai nạn này mà người đàn ông mất một bên chân. Người đồng nghiệp nọ dù không phải cưa chân nhưng chân trái cũng hỏng, chân phải mất hai ngón, ảnh hưởng rất lớn tới việc hoạt động, di chuyển.

Do sai lầm xuất phát từ phía người đàn ông này nên ông phải nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Chủ mỏ than cho mỗi người mười ngàn tệ rồi cũng bỏ mặc họ. Mười ngàn sao đủ chi trả viện phí, tiền phẫu thuật và phí trị liệu, họ thậm chí phải dùng đến cả số tiền cả gia đình đã vất vả tích cóp.

Rồi sức khỏe của ông cũng ổn định trở lại, nhưng chẳng còn nổi một đồng để bồi thường cho người đồng nghiệp kia.

Hai bên đã bàn bạc xong giá cả, hai mươi nghìn tệ, không thêm không bớt.

Gia đình bên kia cũng đã rất thông cảm mới có thể đưa ra được con số này. Dù sao người đồng nghiệp nọ cũng phải chịu cảnh tàn phế cả đời, hai mươi nghìn tệ tiền bồi thường thật sự chẳng nhiều nhặn gì.

Tuy vậy gia đình Dư Tô vẫn không đủ sức chi trả khoản tiền này.

Vì vậy mà vợ chồng hai người quyết định bán nhà rồi đi vay tiền mà sống tạm.

Nhưng người trong thôn chẳng ai muốn cho họ vay tiền. Đừng nói là vài trăm vài nghìn, người vợ nọ đi vay hàng xóm có một đồng thôi nhưng cũng tay trắng ra về.

Thứ duy nhất họ có thể trông cậy vào là tiền bán nhà và đi vay mượn gia đình người vợ.

Nghe lời trò chuyện của hai vợ chồng nọ, Dư Tô mới biết họ mượn được của nhà vợ chừng một ngàn tệ, như vậy là đã hết cỡ rồi, không thể vay thêm đồng nào nữa.

Nhà chỉ có giá mười nghìn tệ, họ vẫn còn thiếu một khoản tiền lớn.

Dư Tô trông bọn họ mặt ủ mày chau cả ngày nhưng chẳng thể làm gì, chỉ có thể trơ mắt nhìn.

Cô cũng có nỗi lo của riêng mình - màn chơi số mười bốn này thật sự khiến cô chẳng biết đường nào mà lần.

Ban đầu ở phòng khám, cô ngỡ đây chỉ là một màn chơi thông thường với độ khó cao mà thôi, nào ngờ nhiệm vụ không hề khó khăn, chỉ chốc lát thôi là đã giải quyết được.

Sau đó cô lại ngỡ thế giới bất phân thật giả là nội dung nhiệm vụ chính, cô nhìn từng người bạn, người thân chết trước mắt mình đến khi chẳng còn một ai, còn tìm ra cả một ý nghĩa hợp lý cho nhiệm vụ, thậm chí cô còn tưởng mình đã lý giải được cả tiêu đề màn chơi rồi.

Khổ sở lắm cô mới trụ lại được tới cùng, đau đớn nhìn mẹ nhảy lầu tự sát ngay trước mắt mình, biến thành một chồng máu thịt lẫn lộn. Đã đến nước này đáng lý nên kết thúc rồi chứ?

Nhưng... trò chơi lại đưa cô tới một nơi xa lạ.

Điều khiến Dư Tô bất an nhất là ở nơi đây cô mang gương mặt giống hệt mình thuở nhỏ, còn có một người "mẹ" ngoài nhiều nét tương đồng với mình khi lớn lên.

Hơn nữa với cái thân thể trẻ con lên bốn này thì đi vững đường cũng đã khó lắm rồi, cô còn có thể làm được gì đây?

Chắc Ứng dụng sẽ không ép cô phải đối mặt với các oan hồn để hoàn thành nhiệm vụ như trước đó chứ?

Hai vợ chồng nọ ôm gương mặt ủ rũ, buồn bã than thở từ sáng tới đêm, Dư Tô cũng đâm bất an khó chịu lây, hai người lớn, một đứa bé buồn rầu cả ngày, thành ra lại thật sự giống người một nhà.

Tình trạng này cứ thế kéo dài tới sáng sớm ngày thứ ba.

Người đàn ông dậy từ sáng sớm, chống gậy rời nhà mà không cả rửa mặt.

Người phụ nữ trầm lặng nấu cho Dư Tô một bát cháo khoai lang đỏ bột bắp, để cô tự ngồi lên chiếc ghế nhỏ, chầm chậm ăn hết bát cháo.

Dư Tô ôm chiếc bát be bé, nhìn lớp cháo ngô vàng trộn cùng khoai lang đỏ mà bất lực thở dài, cầm thìa lên bắt đầu xúc ăn.

Vừa nuốt một thìa cháo thì cảm giác quen thuộc tới lạ lùng đã ùa tới.

Một hình ảnh vừa xa lạ vừa quen thuộc bỗng lướt qua đầu cô, Dư Tô sửng sốt. Sao cô lại có ảo giác như khi trước mình đã từng ăn món này rồi?

Trong ký ức của Dư Tô, bố mẹ chưa từng làm cho cô món này bao giờ.

Vậy thì liệu đây có phải manh mối đầu tiên của màn chơi số mười bốn không?

"Con ăn nhanh lên, lát nữa là bố về rồi." Người phụ nữ tiến lại, ngồi xổm cạnh Dư Tô, kéo chiếc yếm buộc quanh cổ lau miệng cho cô.

Dư Tô thôi không nghĩ nữa, cúi đầu chậm rãi ăn từng miếng từng miếng một.

Món cháo này khá ngon miệng, vừa ngọt vừa thơm, lại còn rất chắc bụng. Đương nhiên quan trọng nhất vẫn là rẻ.

Người phụ nữ nọ ngồi xổm trước mặt Dư Tô, mắt thì nhìn cô nhưng hồn lại bay đi đâu mất.

Sau khi Dư Tô ăn sạch sẽ cháo, đưa trả người phụ nữ chiếc bát thì bà mới sực tỉnh. Người phụ nữ cầm bát đứng dậy mà không hề nhận ra chân bà đã tê rần sau khi ngồi xổm một lúc lâu, suýt thì vấp ngã.

Bà đứng lặng một hồi, lê đôi chân cứng ngắc tới trước bàn ăn rồi đặt bát xuống. Xong, bà quay đầu nhìn Dư Tô, khe khẽ cất tiếng thở dài.

Dư Tô im lặng nhìn bà mà không nói một lời, gương mặt cũng chẳng có biểu cảm.

Người phụ nữ mỉm cười, nhẹ nhàng cất tiếng: "Dù Tiểu An nhà mình còn nhỏ nhưng lại là cô bé rất thông minh."

Dư Tô chớp mắt, người phụ nữ bèn tiến lại bế cô lên, vừa cười vừa xoa đầu cô: "Con cũng cảm giác được có chuyện không ổn nên mấy ngày nay mới im lặng không nói tiếng nào như vậy phải không... Tiểu An, bố mẹ có lỗi với con, nếu biết phải để con sống khổ thế này thì đáng ra nên... nên nghĩ tới chuyện có con muộn hơn.

Nhưng chúng ta không trách bố được, bố đâu cố ý khiến chuyện ra nông nỗi này. Chúng ta phải ở bên bố, cùng vượt qua khoảng thời gian này, về sau nhất định mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp. Đến lúc ấy mẹ sẽ mua cho Tiểu An nhà chúng ta chiếc váy hoa xinh nhất, cho con cài chiếc cặp tóc xinh nhất, còn mua cả một con búp bê thật lớn để Tiểu An ôm đi ngủ, được không nào?"

Bà cố ý nhẹ giọng dỗ con, nhưng cứ nói cứ nói mãi rồi lại bật khóc.

Dư Tô nhìn gương mặt có nét tương tự mình xúc động đến bất khóc như vậy mà cũng bất giác thấy đau buồn. Cô vô thức vươn tay hàng lau nước mắt đang lăn trên má người phụ nữ.

Người phụ nữ mỉm cười, dường như bà rất vui mừng vì sự thông minh ngoan ngoãn của con gái mình.

Bà bế Dư Tô rời phòng, ngồi xuống trước cửa gian nhà chính rồi cười nói: "Chúng ta ngồi đây chờ bố về nhé, bố sắp về tới nhà rồi."

Cái cảm giác quen thuộc lạ lùng nọ lại chợt vụt qua đầu Dư Tô.

Dường như... cô đã từng trải qua những việc này rồi, nhưng đây là chuyện không thể.

Người phụ nữ đặt Dư Tô xuống ngưỡng cửa ngồi cạnh mình.

Ngồi nhìn từ đây có thể thấy khoảng trống trước nhà trồng một gốc lê lớn, bên phải còn có một hàng cây nhỏ, cạnh cây là con đường nhỏ, không được trải lát gì mà chỉ do người dân qua lại lâu rồi thành đường, cứ thế kéo dài tới rừng trúc phía xa xa.

Đầu còn lại của con đường là một khoảng đất được quây rào làm vườn rau. Ngoài hàng rào có trồng ngô, lúc này cành lá đã ngả vàng, có vẻ như đã đến lúc thu hoạch.

Người phụ nữ trở vào phòng cầm một chiếc túi vải ra, bên trong đựng cuộn len và kim đan.

Bà tựa vào khung cửa, vừa vùi đầu đan len vừa lặng lẽ rơi lệ.

Còn người đàn ông thì mãi không thấy về.

Dư Tô và bà ngồi đợi suốt nửa tiếng mà vẫn chưa thấy người đàn ông trở lại.

Người phụ nữ có hơi sốt ruột, bà bảo Dư Tô vào phòng đợi còn phần mình thì ra ngoài tìm chồng.

Người phụ nữ vừa bế Dư Tô và phòng thì đã nghe bên ngoài có tiếng bước chân đang vội vã chạy lại cùng giọng ai thét to.

"Chị Doãn, có chuyện không hay rồi! Chồng chị xảy ra chuyện rồi! Chị mau ra xem thế nào đi!"

Người phụ nữ sững sờ, bà chạy ra hốt hoảng hỏi: "Có chuyện gì vậy?"

"Trưởng, trưởng thôn... Anh ấy giết cả nhà trưởng thôn rồi!"

"Cậu nói gì?!" Người phụ nữ đứng đờ ra.

Dư Tô cũng đờ đẫn. Loại cảm giác quen thuộc như thể chính cô đã từng trải qua lại ập tới, khiến Dư Tô không thể lờ đi nổi.

Thật kỳ lạ, sao cô lại thấy quen thế này? Chẳng lẽ thật sự cô từng trải qua những chuyện này ư?

Nhưng... hai người này không phải bố mẹ cô mà.

Hay màn chơi này đã tác động vào trí óc cô, cố tình tạo cho cô cảm giác quen thuộc?

"Là giả", hai chữ này có ý chỉ ký ức giả mà Ứng dụng đưa vào não bộ người chơi sao?

Những ký ức gợi lên cảm giác quen thuộc này có tác dụng gì?

Khoảng thời gian ngắn ngủi này không đủ để Dư Tô suy nghĩ.

Người phụ nữ nọ đờ ra trong chốc lát rồi vùng chạy về phía con đường nhỏ, chạy được một đoạn bà lại quay đầu bế Dư Tô vào phòng rồi khóa cửa lại.

Dư Tô cũng chẳng biết phải làm sao, chỉ có thể ngồi yên trong căn phòng không có cửa sổ cũng chẳng bật đèn.

Cô chầm chậm tiến vè hướng chiếc ghế, dùng cả tay lẫn chân để ngồi lên, cô nhìn chằm chằm tia sáng rọi vào từ khe cửa, khẽ nhíu mày.

Cho đến tận giờ phút này Dư Tô vẫn không hiểu mục đích của màn chơi số mười bốn.

Bắt đầu từ phòng khám quỷ ám tới hiện tại đã có tổng cộng ba thế giới xuất hiện. Thế giới đầu vô cùng đơn giản, nhưng kể từ thế giới thứ hai trở đi cô đã rơi vào tình cảnh bất lực, không biết phải làm gì.

Ở thế giới thứ hai, cô chỉ có thể trơ mắt đứng nhìn mọi chuyện xảy ra, dù có thể tạm ngăn được cái chết của Vương Đại Long thì cuối cùng anh vẫn bỏ mạng.

Cũng có nghĩa dù cô có làm gì thì mọi người cũng vẫn phải chết, đây chỉ là chuyện sớm hay muộn.

Vậy nên cô chỉ có thể nhìn họ ra đi mà không thể làm gì.

Lần này cũng vậy, cô mang thân xác của một đứa trẻ bốn tuổi, cũng vẫn bất lực y như trước.

Thậm chí Dư Tô còn không thể ra ngoài xem có chuyện gì đang xảy ra, bị người phụ nữ nọ nhốt trong nhà một cách quá sức dễ dàng.

Chẳng lẽ lần này cô chỉ có thể sắm vai người xem thôi sao?

Nhưng ít ra thì thế giới giả trước đó còn có chút liên hệ với chuyện ngoài đời thực của cô.

Còn lần này... Ứng dụng lại để cô bàng quan đứng nhìn ở cái nơi hoàn toàn xa lạ này sao?

Dư Tô nghĩ nát óc cũng chẳng ra nguyên nhân mà chỉ thấy càng lúc càng rối.

Cô cứ nghĩ ngợi lung tung hồi lâu, đến tận khi bụng bắt đầu sôi ùng ục vì đói mới nghe thấy có tiến bước chân bên ngoài đang tiến lại.

Khóa cửa kêu lách cách, cửa phòng được mở ra.

Dư Tô ngồi trong bóng tối một lúc lâu, mắt không kịp quen với ánh sáng, cô bèn híp mắt nhìn ra ngoài.

Người phụ nữ nọ trở về một mình, đầu tóc bà rối tung, áo quần nhăn nhúm, mặt đẫm lệ, trên gò má bà in thêm một vết thương nông miệng từ bao giờ.

Dư Tô liếc qua đã biết đây là vết móng tay cào.

Bà ấy đánh nhau với ai sao?

Nước mắt người phụ nữ nọ không ngừng tuôn, bà tiến từng bước về phía Dư Tô rồi quỳ xuống ôm chặt cô vào lòng.

Dư Tô nghe tiếng khóc òa vang bên tai.

Người phụ nữ cũng chẳng buồn quan tâm tiếng khóc của mình có khiến đứa con mới ba bốn tuổi sợ không mà cứ thế khóc vang, tiếng khóc ấy nghe đau đớn tới độ muốn chết đi.

Dư Tô cảm nhận được cơn run rẩy của bà, cô do dự trong chốc lát rồi vươn tay khẽ ôm lấy người phụ nữ.

Nhưng sự an ủi này chẳng giúp người phụ nữ khá hơn, thay vào đó bà lại càng khóc to.

Một đoạn ký ức thoáng vụt qua não bộ Dư Tô, cô túm chặt lấy nó, khẽ nhíu mày hỏi: "Ông ấy giết người rồi à?"

Giọng nói phát ra nghe mềm mại non nớt, ấy thế mà đây lại là câu nói đầu tiên của cô trong ba ngày nay.

Cảnh tượng thoáng qua ban nãy nói cho cô biết người đàn ông này đã giết người rồi, giết ba thành viên gia đình trưởng thôn.

Thân mình người phụ nữ cứng lại, tay bà thoáng buông lỏng. Bà quệt nước mắt, cúi đầu nhìn Dư Tô: "Tiểu An, con có biết giết người nghĩa là sao không?"

Dư Tô sợ bị lộ nên chỉ đành lắc đầu.

Người phụ nữ véo má cô, khẽ nói: "Giết người có nghĩa là bố sẽ không về nhà nữa."

"Tại sao ạ?" Dư Tô hỏi.

Ý cô hỏi là tại sao ông lại giết người, nhưng người phụ nữ lại hiểu sao ý khác, "Vì bố phải trả giá, bố phải cùng các chú cảnh sát tới một nơi khác."

Dư Tô bất lực đổi câu hỏi: "Khi nào bố về ạ?"

"Không, không về nữa." Người phụ nữ nhếch môi, định nói gì thì bên ngoài chợt vang lên tiếng động ầm ĩ.

Người phụ nữ biến sắc, bà buông Dư Tô ra rồi đứng dậy, nói: "Con ngồi đây ngoan nhé, mẹ có việc phải làm."

Nói xong bà bèn bỏ ra ngoài.

Nhìn bóng bà bước ra ngoài mà cảm giác quen thuộc lại ập tới với Dư Tô.

Những mảnh ký ức vụn vỡ thoáng xẹt qua đầu cô, chúng cho cô biết những tiếng ồn ào này hướng tới mẹ con hai người, ngoài ra Dư Tô cũng nghe được thêm thông tin về chuyện của người đàn ông nọ qua tiếng ồn ã bên ngoài.

Cô lũn cũn bước về hướng cửa, nhưng người phụ nữ nọ đã đóng cửa lại rồi.

Cô chỉ có thể ghé sát vào khe cửa, nhìn ra ngoài qua kẽ hở.

Cũng may lớp ván gỗ đã có tuổi nên khe cửa khá lớn, đủ để Dư Tô nhìn thấy cảnh tượng bên ngoài.

Cô nhìn thấy một đám đông men theo con đường nhỏ dưới gốc lê tiến lại, phải chừng hơn mười lăm người.

Trong số những người này có cả nam lẫn nữ, thậm chí có thêm cả mấy đứa trẻ đi sau hóng chuyện.

Đám trẻ con ngô nghê vừa vỗ tay vừa reo: "Tên giết người! Tên giết người!"

Người phụ nữ lấy cả hai tay lau mặt rồi lạnh lùng bước lên.

Đám dân làng bắt đầu la hét, người đàn ông đi đầu cầm cuốc nói: "Cô Doãn, không phải bọn tôi làm khó hai mẹ con đâu, nhưng bọn thôi không thể để vợ và con gái tên giết người ở lại cái làng này được! Chồng cô đã giết ba người nhà trưởng thôn đấy!

Trưởng thôn là người tử tế, anh ấy đã giúp đỡ chúng ta không biết bao nhiêu lần. Thế mà chồng cô lại giết anh ấy!

Nhưng bọn tôi không tới đây để gây phiền phức cho hai mẹ con cô. Mọi người tìm đến chỉ để thông báo rằng nội trong ngày mai hai người phải chuyển đi ngay, nếu không... bọn tôi buộc phải đuổi các người đi!"

Người phụ nữ bình tĩnh nhìn họ, cất lời: "Anh ấy không giết người, chính miệng anh ấy nói với tôi như vậy, tôi tin anh ấy."

Câu tiếp theo xẹt qua đầu Dư Tô: "Phì, anh ta bảo anh ta không giết là cô tin ngay sao? Bọn tôi thì không tin, cảnh sát lại càng không! Lúc bị bắt thì có tên sát nhân nào không nói là mình không giết người đâu?"

Ngay giây sau quả thực bên ngoài vọng lại một tràng đáp y hệt.

Lòng Dư Tô trầm xuống, dự cảm bất an trong cô ngày càng nặng nề.

"Anh cũng bảo lúc tới nơi thì người nhà trưởng thôn đã chết hết rồi cơ mà." Người phụ nữ vẫn bình tĩnh phản bác.

Người đàn ông đứng đầu nhóm cười lạnh: "Vậy thì máu trên tay anh ta từ đâu mà ra?"

Ngườ phụ nữ lạnh nhạt đáp: "Anh ấy muốn thử xem có cứu được trưởng thôn không, anh ấy cụt mất một chân thì giết người thế nào được?"

Một người dân đứng tuổi tiến lên, trầm mặt nói: "Bọn tôi biết chị không muốn tin chồng mình đã giết người, nhưng cảnh sát đã bắt anh ta đi rồi, chuyện này còn có gì để nghi ngờ sao? Bọn tôi chẳng buồn tranh cãi với chị nữa, đừng nói chúng tôi bắt nạt mẹ góa côi nhà chị, chúng tôi cho chị thời gian ba ngày, chị bắt buộc phải rời khỏi cái làng này!"

Người phụ nữ không nói gì, chỉ quét mắt qua gương mặt từng người rồi quay bước trở lại phòng.

Dư Tô lùi về phía sau vài bước, thấy người phụ nữ tiến vào rồi đóng sập cửa lại.

Đám dân làng bên ngoài chửi bới ầm ĩ, bảo thái độ của bà không ra gì, cuối cùng người đàn ông lớn tuổi nọ cũng chỉ huy mọi người trở về.

Chỉ còn đám trẻ con hóng chuyện là không bỏ đi, chúng nhặt mấy hòn đá ném vào nhà, gào thét ầm ĩ.

"Đồ giết người, cút ra khỏi làng bọn tao! Đồ giết người, cút ra khỏi làng bọn tao!"

Người phụ nữ cố mạnh mẽ nén nhịn, bà ôm Dư Tô vào lòng, che kín lấy tai cô.

Lòng dạ Dư Tô ngổn ngan rối bời, cô đưa mắt nhìn người phụ nữ nọ mà không biết nên làm gì, cũng chẳng biết tiếp tới sẽ có chuyện gì xảy ra.

Chiều hôm đó người phụ nữ thay quần áo, rửa mặt sách sẽ, bà nhìn vào gương rồi vỗ lên má mình, cố nở nụ cười. Bà dặn Dư Tô ở nhà ngoan rồi vội vã bước khỏi nhà.

________________________________

Tác giả: Viết tới vụ mỏ than tôi lại muốn kể một câu chuyện thế này.

Hồi tôi còn nhỏ, bố tôi cũng làm việc ở mỏ than, ông có vài đồng nghiệp là người quen, trong đó có một chú là đồng hương của ông, còn biết xem bói nữa.

Hôm đó tới việc bố tôi phải lên mỏ làm việc nhưng trời còn chưa sáng thì chú đồng nghiệp biết xem bói đó tới gõ cửa, bảo bố tôi đừng tới quặng nhưng không nói lý do tại sao, chỉ bảo là nhất định không được đi, bố tôi cũng thân với chú này nên nghe lời không đi nữa.

Cuối cùng mỏ than xảy ra tai nạn thật.

Hôm ấy những người đáng ra phải đi làm chẳng ai có mặt, chỉ có một người duy nhất tới mỏ than, đó chính là chú đồng hương của bố tôi.

Chú ấy đã chết trong hầm mỏ, những người khác thì bình an vô sự.

Mỗi lần nhớ tới chuyện này tôi đều cảm thấy rất kỳ lạ, thần bí, ngoài ra cũng thấy xúc động, không biết có phải chú ấy đã bói ra ngày hôm đó có chuyện gì thật chăng nhưng vẫn sẵn lòng dùng tính mạng mình để đối lấy sự sống cho những người khác.