Trở Lại 30 Năm Trước

Chương 55



Bức tường viện có dây leo bao quanh và cây hoa dâm bụt đang nở hoa rực rỡ, còn có cả cái vại gạch lớn nuôi mấy con cá chép để ở góc tường kia vẫn ở trong trí nhớ của cô bao năm qua, từng cảnh từng cảnh đều hiện lên rõ mồn một. Nếu không phải sợ mình không để lại ấn tượng tốt cho mẹ thì An Na chỉ muốn xông vào trong phòng của mình nằm lăn lộn nhằm trút hết tâm tình hưng phấn trên chiếc giường quen thuộc rồi.

Kìm nén sự kích động, An Na đi theo Tiêu Du vào nhà. Tiêu Du mời cô ngồi.

Trong nhà thời gian qua thiếu vắng hơi người, không có nước sôi, lúc Tiêu Du đi đun nước thì có người bán dưa hấu đi qua rao hàng, bà ra ngoài mua một quả quay vào bổ mời An Na và Tiểu Quang.

Dưa hấu rất ngọt, An Na nhã nhặn chỉ ăn một miếng, còn lại thì nhìn Tiểu Quang ăn, mỉm cười lau nước dưa hấu dính ở miệng của cậu.

Tiêu Du vừa dọn hành lý vừa trò chuyện với An Na, hỏi cô có phải là người địa phương không, làm gì.

An na do dự một chút đáp:

– Cô giáo Tiêu, cháu thật sự là người địa phương…Thực ra…cháu đến đây để tìm bố mẹ cháu…

Tiêu Dư sửng sốt, ngồi xuống.

– Chuyện gì thế cháu?

An Na nói lúc còn nhỏ đã xa bố mẹ rồi, giờ trưởng thành, nhớ đến quê nên đến đây tìm.

– Tìm được chưa? – Tiêu Du quan tâm hỏi.

– Cháu chỉ nhớ bố cháu họ An…Lúc còn nhỏ từng sống ở nơi này…

An Na lén liếc nhìn mẹ, ấp úng nói.

– Bố em cũng họ An, có phải cũng là bố chị không?

Tiểu Quang cầm miếng dưa hấu vừa gặm vừa nói.

Tiêu Du xoa nhẹ đầu con trai:

– Trùng hợp thế nhỉ? – Rơi vào trầm tư, – Cô cũng không biết ở đây có nhà ai họ An nữa. Cháu đi đồn công an hỏi xem sao?

– Cháu đang định đi ạ…- An Na rề rà nói.

– Cháu đi đồn công an hỏi, cô cũng giúp cháu hỏi thăm chung quanh, nếu biết nhà họ An nào mất con gái lúc nhỏ, cô sẽ báo cho cháu. Đúng rồi, giờ cháu đang ở đâu?

– Cháu vừa tới, tạm thời ở nhà trọ ạ….Có lẽ phải thuê nhà…

– Được, vậy cháu cho cô địa chỉ của cháu, khi có tin cô sẽ báo cho cháu biết.

An Na hận không thể được ở lại đây không phải đi đâu hết, nhưng lòng cũng biết cái này không thể nóng vội, ngay sau đó cám ơn mẹ, lại ngồi một lúc nữa, thấy tiếp tục quấy rầy nữa thì rất kỳ cục, vì thế đứng lên xin phép ra về.

Tiểu Du và Tiểu Quang đưa cô ra tận cổng, bảo cô rảnh rỗi thì đến chơi. An Na đồng ý.



Không ngờ lần đầu tiên gặp rồi tiếp xúc lại thành công như thế.

An Na hết sức phấn khởi, quyết định sẽ thuê nhà rồi ở lại. Cô về nhà trọ liền hỏi thăm luôn, một bác phục vụ nhà trọ rất thân thiết với cô, nom cô xinh đẹp nhưng lại ngoan ngoãn lễ phép, tối nào cũng về sớm đi ngủ, biết cô tới đây tìm người thân bèn nói mình có căn nhà để không có thể cho cô thuê, một tháng 5 đồng.

An Na theo bà ấy về nhà, thấy căn nhà đơn giản, chồng bà đi công tác, trong nhà chỉ có bà và hai cô con gái đang học, quan trọng là cách nhà cô cũng không xa, lập tức đồng ý thuê. Sau khi mua một ít vật dụng hàng ngày thì coi như là đã ổn thỏa.

An Na từng nghĩ, nếu bắt đầu quan hệ từ mẹ, ngày ngày chắc sẽ được đến nhà rồi. Nhưng cô cũng biết chẳng thân chẳng quen, đột nhiên cứ nhiệt tình bám lấy như thế sẽ không ổn cho lắm, cho nên cô đợi cho một vài ngày rồi tính mỗi tuần đại khái đến một hai lần chắc được.

Chồng đi làm xa, Tiêu Du lại có tính cách hướng nội, không phải là người có nhiều bạn bè, cũng không tụ tập đánh bài chơi mạt chược, rảnh rỗi thì chỉ đọc sách hoặc làm việc nhà, hoặc viết thơ ca….cho nên cũng không có người bạn thân nào cả. Đột nhiên quen biết An Na, tiếp xúc mấy lần, thấy cô gái này cứ như là giun trong bụng của mình, không chỉ hợp ở tính cách, sở thích, mà ngay cả bà nghĩ gì cô gái này cũng đều đoán được, cảm giác thân thiết như gặp tri âm, cộng thêm Tiểu Quang rất thích cô gái đó, thấy cô thì cứ gọi chị ơi liên hồi, tức thì đã coi An Na như người thân trong nhà. Biết cô chưa tìm được người thân, trong lòng còn lo lắng thay cho cô, đi khắp nơi để hỏi thăm.

Chỉ chớp mắt tháng 8 đã trôi qua, bà nội đã trở lại, Tiểu Quang cũng đi học ở nhà trẻ.

Tuy trong nhà trẻ đã tu sửa xong đường dây điện, nhưng trong hai tuần khi vừa mới khai giảng xong, An Na vẫn rất căng thẳng lo lắng, không dám nói với mẹ gì cả, sáng sớm nào cũng đích thân đến nhà trẻ trông đến tận chiều tối, chỉ cần có chuyện xảy ra là sẽ xông vào cứu.

Thời gian yên bình trôi qua, đến giữa tháng chín, trận hỏa hoạn vốn phải xảy ra cuối cùng đã không hề phát sinh. An Na biết sẽ không có trận hỏa hoạn nào, trong lòng mới thấy nhẹ nhõm.



Cô và mẹ đã trở nên thân thiết với nhau, khi bà nội từ quê lên gập An Na cũng nói trông cô rất giống Tiêu Du, còn hỏi Tiêu Du có em gái nào lưu lạc bên ngoài không, Tiêu Du dĩ nhiên không có.

Tiếp xúc vài lần, bà cũng rất thích An Na, thấy cô gái nhỏ này rất hiểu chuyện, rất thân thiết, lại sau khi biết thân thế của cô thì càng đồng cảm xót thương, bảo cô thường xuyên đến nhà chơi, quan tâm cô đi tìm người thân một thời gian dài như thế liệu có đủ tiền chi tiêu không.

An Na nói với bà và mẹ mình có tiền, đủ để chống đỡ được mấy năm, có điều không muốn để họ nghi ngờ, cộng thêm mẹ đã đi làm, Tiểu Quang ban ngày thì đi nhà trẻ, bản thân thì rảnh rỗi, cứ tiếp tục như này một khoảng thời gian dài nữa e rằng rất khó, hai ngày này cô đi ngang qua công xưởng may mặc Cửu Châu Liên Diện, phát hiện đã có người nhận thầu, ngoài cổng có dán thông báo quảng cáo, thông báo tuyển dụng thợ lành nghề…

An Na trước đây đã từng học mỹ thuật, bởi bố làm nghề gia công may mặc, có một khoảng thời gian cũng được tiếp xúc với thiết kế thời trang, nhưng chỉ là tham gia chơi, chứ chưa từng nghiêm túc làm, nên không nói thợ lành nghề gì cả. Cô hỏi ông Trương có tuyển dụng gì khác nữa ngoài thợ lành nghề không, ông Trương nói vẫn còn thiếu nhân viên phục vụ trà nước quét dọn, chạy việc linh tinh, nói chung là việc vụn vặt. Trước đó có một chị lớn tuổi bị ngã chân bị đau, tiền lương lại thấp nên đã nghỉ, vẫn chưa tuyển được ai thay thế. An Na nói mình muốn vào làm, bảo ông Trương nói giúp mình.

Ông Trương ban đầu không tin, An Na cứ thề thốt bảo đảm mãi, lại tỏ vẻ đáng thương nói mình thân cô thế cô giờ đang không có tiền để tìm người thân, ông Trương mới tin tưởng, dẫn cô đi tìm quản sự chị Tất.

Chị Tất này là một công nhân lâu năm, kỹ thuật tạo mẫu cũng rất lành nghề, cũng là người quen cũ của An Na, tính rất tốt, đương nhiên bây giờ không biết cô. Vừa nghe chuyện đã rất đồng cảm cho cô, cũng không hỏi hộ khẩu gì mà đồng ý luôn, còn đích thân đi nói với xưởng trưởng một tiếng, bảo cô ngày mai đi làm.

An Na rất vui mừng, cám ơn chị Tất và ông Trương rồi mới đi. Buổi tối cầm theo nước trái cây đến nhà ăn chực cơm, tiện thể nói chuyện mình đã tìm được việc làm. Tiêu Du và bà nội đều mừng thay cho cô.

Ngày hôm sau, An Na mặc quần áo cũ bắt đầu đi làm việc.

Tuy lúc trước cô sống an nhàn sung sướng, mười ngón tay không phải động vào việc gì nặng nhọc, nhưng ra ngoài cũng không phải là tiểu thư không thể không sống khổ được. Sinh hoạt học tập ở nước ngoài mấy năm, cô cũng đi làm thêm, có điều không làm việc bán mạng như các du học sinh khác mà chỉ làm partime mà thôi. Về sau khi đi dạy học ở vùng miền núi, điều kiện sống vất vả cô cùng đều kiên trì được. Giờ làm việc vặt ở trong xưởng may mặc, tuy ban đầu bị sai bảo liên tục, cả ngày bận rộn muốn chết, nhưng các chị em trong xưởng lại đối xử với cô rất tốt, thấy cô còn trẻ tuổi, lại nghe được thân thế bi thảm của cô thì ai nấy đều quan tâm tới cô. Chị Tất còn chỉ dạy cô về máy móc, còn nói sau này tay nghề cô thành thạo rồi thì sẽ để cô làm thợ nghề, như vậy sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.

An Na rất thích không khí ở đây, hơn nữa biết xưởng may mặc này về sau sẽ do bố cô tiếp nhận thì trong tâm lý càng có cảm giác gắn bó, nên cũng kiên trì được.

Đi làm được hai tuần, chủ nhật, trong xưởng bởi vì nhận được một đơn đặt hàng quần áo lao động, vẫn phải tăng ca như mọi lần, An Na đến từ sớm, lau dọn quét tước xong phòng của xưởng trưởng, đun nước sôi, vứt rác, làm hết mọi việc thấy rảnh rỗ thì đi tìm chị Tất.

Giờ cô đã cơ bản học được chút nghề, chị Tất đang dạy cô may tay áo và cổ áo. Đang ngồi trước máy khâu, một cô gái mập mạp đi đến, hét An An đi bưu điện nhận hàng mẫu khách gửi tới.

Cô gái này chính là em vợ của xưởng trưởng nhà máy, tên là Tang Hoa Lan, làm nhân viên tài vụ, theo như các chị em trong xưởng nói, thì cô ta và anh rể xưởng trưởng hình như dan díu với nhau.

Cô gái này từ lúc ban đầu đã không ưa An Na rồi, lúc nào rảnh việc là đi soi mói cô, sai cô làm việc. An Na cũng không phải lần đầu bị bắt đi bưu điện, bèn đi ra ngoài.

Bưu điện cách nhà máy chừng hai ba dặm, An Na đi tắt qua một công viên nhỏ, chợt thấy đằng trước không xa bà nội đang dắt tay Tiểu Quang đi chơi công viên. Bà nội đang trò chuyện với mấy cụ già dưới một cây to, Tiểu Quang thì đang chơi trò đá bóng với mấy đứa trẻ bên cạnh.

Một đứa bé đá quả bóng ra ngoài, quả bóng bay qua đường phía đối diện.

Tiểu Quang thấy thế ra ngoài nhặt bóng.

An Na đi về phía cậu, định nhặt bóng cho cậu.

Đúng lúc, mỗi chỗ ngoặt ở phía trước bỗng có một chiếc xe nhỏ chạy ra. Tài xế như không tập trung, không để ý có một đứa bé đang từ lề đường đi ra ngoài, cứ lái xe đi.

Con đường này thuộc con đường đi bộ do công viên mở, đường không rộng, tuy hai bên không thiết lập hàng rào ngăn nhưng bình thường cũng có xe đạp qua lại, hầu như không có ô tô chạy vào, cho nên bà nội cũng không để ý tới Tiểu Quang.

– Tiểu Quang, cẩn thận xe.

An Na hét to, liều lĩnh chạy tới.

Tiểu Quang giật mình đứng ở giữa đường, ngơ ngác nhìn chiếc ô tô đang lao tới.

Lúc chiếc xe chỉ còn cách Tiểu Quang tầm 7,8 mét, tài xế mới phát hiện trên đường có trẻ nhỏ thì vội vàng phanh gấp xe lại. Nhưng bởi tốc độ ban đầu quá nhanh nên chiếc xe không kịp dừng vẫn theo lao tới hướng Tiểu Quang.

An Na lao tới bên cạnh tiểu Quang, ngay khoảnh khắc tài xế đánh tay lái, nửa bên chiếc xe sắp đụng phải thì cô đã kịp ôm Tiểu Quang tránh được, nhưng nửa bên đầu hình như bị gương xe đập vào, cô ôm tiểu Quang ngã xuống, đầu óc choáng váng ngất xỉu.



An Na tỉnh lại, phát hiện mình đang ở trong bệnh viện truyền nước muối biển, đầu và tay quấn gạc.

Đây là một phòng bệnh, rất yên tĩnh.

Đầu óc vẫn hơi choáng, nhưng không có vấn đề gì khác, cô khẽ nhúc nhích tay, cũng bình thường, đoán chỉ bị trầy da bên ngoài mà thôi.

An Na nhớ lại cảnh trước khi mình bị ngất đi, lo lắng cho Tiểu Quang, đang định ngồi dậy thì nghe bên  ngoài có giọng nói của mẹ và của bác sĩ tại hành lang thì vội nằm xuống, nhắm mắt lại.

Cửa phòng bệnh được mở ra, An an nghe tiếng bước chân đến gần, mắt hơi he hé, thấy mẹ và bác sĩ đi vào.

Mẹ hình như quen bác sĩ kia, thần sắc lo láng, nói nhỏ:

– Bác sĩ  Tôn, con bé thế nào ạ? Sao còn chưa tỉnh? Tình hình có nghiêm trọng không? Con bé đã cứu Tiểu Quang nhà tôi, là ân nhân của chúng tôi, bác sĩ nhất định phải cứu con bé.

An Na nghe thế biết Tiểu Quang không việc gì thì an tâm.

Thấy mẹ sốt ruột, Anna đang muốn mở mắt, thì nghe bác sĩ kia đáp:

– Cô giáo Tiêu cứ yên tâm, chúng tôi sẽ dốc hết sức. Tình hình của bệnh nhân không có gì trở ngại đâu, nhưng cũng không đảm bảo một trăm phần trăm, dù sao đầu bị đụng phải, lúc tỉnh lại có lẽ sẽ bị choáng, hoặc còn bị chứng trí nhớ bị giảm vân vân. Cụ thể không tiện nói, cứ đợi cô bé tỉnh lại đã.

Nói xong, bác sĩ đi qua lật mí mắt An Na lên, đo nhịp tim, lại điều chỉnh độ chảy của truyền dịch, nói có tình huống gì thì báo mình rồi đi ra ngoài.

An Na cảm nhận được mẹ ngồi xuống mép giường, cánh tay mềm mại sờ trán thăm dò nhiệt độ cơ thể mình thì lòng thấy ấm áp vô cùng, nhớ lại trước đây khi mình bị ốm, mẹ cũng chăm sóc quan tâm mình như thế, bởi tham lam cảm giác ngọt ngào này mà cô không muốn mở mắt ra.

Bà nội và Tiểu Quang cũng vào. Bà nội hỏi khẽ tình hình của An Na, giọng nói đầy vẻ tự trách.

Mẹ thở dài, nói:

– Mẹ à, mẹ đừng tự trách nữa. Tài xế kia đáng nhẽ không được đi vào đường công viên, còn nói muốn đi tắt gì chứ. Giờ chỉ mong con bé không sao. Nhỡ để lại di chứng gì, liên quan đến cả đời, chúng ta dù có bù đắp như nào cũng không bù đắp nổi. Con đã gọi điện cho Quốc Cường rồi, anh ấy nói sẽ về sớm.

An Na nghe mẹ nói thế thì tim đập nhanh liên hồi.

Bố cũng về! Vì mình!

Vào giờ khắc này, trong lòng cô bỗng nảy lên một ý tưởng.

Tuy rằng lừa dối bố mẹ là không tốt, nhưng đây là một cơ hội tốt, không thì dù quan hệ có tốt đến thế nào đi chăng nữa, một người ngoài như cô cũng không thể đến nhà ở được.

An Na không do dự nữa, khẽ rên một tiếng, chậm rãi mở mắt ra.

– Mẹ ơi, chị An Na tỉnh rồi.

Tiểu Quang vẫn luôn đứng ở bên giường bệnh nhìn thấy thì kêu lên.

Tiêu Du đang an ủi mẹ chồng thấy An Na tỉnh rồi thì mừng rỡ, vội bảo bà nội đi gọi bác sĩ Tôn.

– An Na, cháu đã tỉnh rồi! Tốt quá rồi, cháu thấy thế nào? – Tiêu Du chăm chú nhìn cô.

– Cháu…sao lại ở đây…- An Na kêu khẽ, – Đầu còn đau…

Tiêu Dau cầm tay cô, – Cháu vì cứu Tiểu Quang mà bị xe đụng phải. Cháu đừng lo lắng, bác sĩ sẽ chữa trị cho cháu….

….

Ba ngày sau, An Na được phép xuất viện. Nhưng tình hình của cô dường như không mấy ổn định, đôi lúc sẽ bị đau đầu, Tiêu Du lo lắng để cô ở một mình bên ngoài, thế là trong sự kiên quyết của bà, An Na đã được vào nhà mình để ở rồi.

Bà nội thì hết sức cảm kích cô, dọn dẹp phòng ốc giường chiếu cho cô, buổi tối lúc cô vào ở còn luộc trứng gà và nước đường đỏ hạch đào cho cô uống. Tiêu Du thì đến công xưởng xin nghỉ cho cô. Hai ngày qua An Na được mọi người trong nhà hết sức cưng chiều, buổi tối ngày thứ ba, khi cô đang ở trên giường kể chuyện cổ tích cho Tiểu Quang thì có tiếng gõ cửa bên ngoài, bà nội ra mở cửa, sau đó gọi:

– Tiêu Du, Quốc Cường về rồi.

An Na nghe tiếng mẹ “ối” một câu, tiếng chân chạy ra ngoài.

– Bố đã về rồi!

Tiểu Quang xuống giường, cũng chạy ra ngoài đón.

Bên ngoài là tiếng nói chuyện của bố mẹ.

An Na cũng xuống giường, trốn sau cánh cửa lắng nghe.

Bố và mẹ nói mấy câu, rồi nói đến mình. Mẹ kể lại tình hình lúc đó, nói:

– Em thấy con bé chưa ổn định, lại lo con bé một mình ở ngoài, nên bảo con bé chuyển đến ở nhà mình. Anh về đúng lúc lắm, con bé đi tìm người nhà, nhưng mãi chẳng tìm được. Anh quen nhiều người thì giúp một chút, chứ cứ để con bé lùi lũi một mình trông thương lắm….

Tiếng bước chân hai người càng ngày càng gần, hình như là đi về phòng mình.

An Na căng thẳng tim đập mạnh, vội chạy lên giường, nằm xuống đắp chăn.