Tương Tư Thành Nắm Tro Tàn

Chương 39: Thân khanh ái khanh (6)



Ngày đầu tiên của tháng Tám năm 2003, trên báo có một thông tin khiến Chung Quốc vô cùng phấn chấn.

“Tô Nhất, tối ngày kia tại công viên Thiên Đàn, Ban tổ chức Olympic Bắc Kinh sẽ chính thức công bố biểu tượng của Thế vận hội. Lẽ ra phải công bố từ tháng Năm rồi nhưng vì chưa đạt tiêu chuẩn nên không thể không kéo dài, vậy là sắp được nhìn thấy rồi.”

Vì yêu thích thể thao, quan tâm đến Thế vận hội Olympic, Chung Quốc rất chú ý và biết rõ những tiến triển của Ban tổ chức Thế vận hội.

“Công bố biểu tượng quan trọng đến thế sao?”

Tô Nhất là điển hình của một người “ngoại đạo” hay thích nói những lời “ngoại đạo”, Chung Quốc nở nụ cười méo mó, nói: “Biểu tượng của Olympic là tiêu chí chủ đề của một lần tổ chức Thế vận hội. Lễ công bố biểu tượng, chuyển giao ngọn lửa truyền thông cùng với lễ khai mạc là ba sự kiện lớn của Olympic, em nói xem có quan trọng không?”

“Vậy sao, nghe rồi mới biết là quan trọng. Nghi thức công bố được cử hành ở công viên Thiên Đàn, vậy nếu như anh ở Bắc Kinh thì tức là sẽ được xem tận mắt?”

“Một nghi thức quan trọng đến như vậy, em nghĩ ai cũng có thể vào xem chắc? Từ buổi chiều, công viên Thiên Đàn đã đóng cửa, không tiếp nhận khách du lịch nữa. Tổng cộng có 2008 nhân sĩ ưu tú thuộc các tầng lớp của xã hội được mời đến làm khách dự đại hội. Giờ anh còn chưa đủ tư cách làm khách mời, chắc phải phấn đấu thêm hai mươi năm nữa.” Chung Quốc nửa thật nửa đùa nói.

“Hai mươi năm nữa anh nhất định sẽ được mời, em tin là như vậy. Đến lúc đó, nếu có lễ hội long trọng như thế này anh nhất định phải cho em đi theo đấy.”

“Chuyện nhỏ, anh chắc chắn sẽ đưa em đi theo. Có anh thì sẽ có em mà.”

Những chuyện chưa thể nào dự đoán của hai mươi năm sau, cậu đã trả lời chắc như đinh đóng cột với khẩu khí chỉ có ở một chàng trai trẻ. Tô Nhất cười thích chí. “Anh nói đấy nhé! Có anh là có em. Ngoắc tay thề một trăm năm không đổi.”

Ngoắc tay thề một trăm năm không đổi - Trò hẹn ước của thời trẻ con, trái tim tuổi trẻ vẫn muốn tin. Hai đầu ngón tay nhỏ ngoắc vào nhau, hướng về một tương lai xa xôi.

Tối ngày mùng Ba tháng Tám, Chung Quốc cùng Tô Nhất ngồi trước màn hình ti vi từ rất sớm. Trước điện tế Thiên Đàn ở Bắc Kinh, Ban tổ chức Olympic Bắc Kinh long trọng tiến hành nghi thức công bố biểu tượng Olympic lần thứ 29. Công bố biểu tượng, chuyển giao ngọn đuốc truyền thông và nghỉ lễ khai mạc là ba sự kiện trọng đại của Olympic. Bây giờ, sự kiện trọng đại đầu tiên đã được mở màn, hơn hai năm sau khi thành công giành quyền tổ chức Olympic năm 2008. Biểu tượng chính của Olympic Bắc Kinh sẽ được truyền hình trực tiếp ra toàn thế giới thông qua màn ảnh nhỏ.

Sau khi chính thức công bố vào tối ngày mùng Ba, ngày mùng Bốn tháng Tám, lô ấn lưu niệm Olympic Bắc Kinh 2008 đã được bày bán hạn chế ở một số siêu thị và sân bay của thủ đô Bắc Kinh.

Chung Quốc lập tức gọi cho Từ Văn Lượng, nhờ cậu ta đi mua giúp vào sáng hôm sau: “Cậu nhớ dậy sớm nhé! Nếu đi muộn là không mua được đâu.

Trong số đồ lưu niệm nhất định sẽ có kỉ niệm chương, cậu mua giúp mình hai cái nhé. Mình và bạn gái mỗi người một cái.”

Trưa hôm sau, Từ Văn Lượng gọi tới, thông báo không hoàn thành sứ mệnh.

“Chung Quốc, cậu không ở Bắc Kinh, không nhìn thấy đồ lưu niệm của biểu tượng Olympic bán đắt như tôm tươi, đi mua mà cứ như tranh cướp ấy. Từ bảy giờ sáng đã có rất nhiều người đến tòa nhà bách hóa Vương Phủ Tỉnh và siêu thị Yến Sa xếp hàng. Cửa hàng vừa mở chưa đến hai tiếng, kỉ niệm chương bán chạy nhất đều đã bị mua sạch. Ở những điểm bán kỉ niệm chương bằng kim loại quý, nghe nói loại bằng vàng hoặc bạc cũng chỉ bán trong nửa tiếng là hết sạch. Thực sự rất khó mua.”

Chung Quốc hét om sòm vào điện thoại: “Từ Văn Lượng, chẳng phải mình đã bảo cậu phải đi sớm sao? Sao cậu không đi sớm một chút để xếp hàng?”

“Có chứ, chưa đến tám giờ mình đã đến xếp hàng ở Yến Sa. Xếp hàng hơn một tiếng đồng hồ, nhưng số lượng đồ lưu niệm bán ra chỉ có hạn, mỗi người chỉ được mua một cái, mình không thể một lúc mua đến ba cái được. Mình chỉ mua được một cái cho mình. Sau đó mình lại chạy đến tòa nhà bách hóa xem có thể mua hộ cậu một cái được không. Vừa đến nơi thì... mẹ ơi, người ta đã xếp hàng dài đến sáu, bảy mươi mét, hơn mười nhân viên bảo vệ đứng ở hiện trường duy trì trật tự. Dưới cái nóng ba mươi lăm độ, mình đã xếp hàng hơn một giờ đồng hồ nữa nhưng kết quả vẫn không mua được kỉ niệm chương. Người anh em à, cuối cùng mình chỉ có thể giúp cậu mua được một cái mũ và một cái móc treo chìa khóa. Cậu và Tô Nhất mỗi người một cái giữ làm kỉ niệm. Cũng coi như hoàn thành nhiệm vụ rồi. Nếu cậu muốn mua kỉ niệm chương thì nghe nói sau tháng Chín sẽ có đợt bán thứ hai. Lúc đó cậu cũng ở Bắc Kinh, mình sẽ cùng cậu đi xếp hàng từ sớm, nhất định sẽ mua được một đôi. Cậu thấy thế nào?”

Đành phải vậy thôi, đồ lưu niệm biểu tượng Olympic đợt đầu chỉ bán với số lượng có hạn, có còn hơn không. Chung Quốc bảo Từ Văn Lượng mau chóng gửi những thứ mua được cho mình, ba ngày sau gói quà đã đến.

Mũ và móc treo chìa khóa đều rất đẹp, Chung Quốc đưa cho Tô Nhất xem, hỏi cô thích cái nào. Cô chọn móc chìa khóa. Cậu vừa giúp cô móc từng chiếc chìa khóa vào móc vừa nói: “Tô Nhất, đợi đồ lưu niệm được bán đợt hai, anh nhất định sẽ mua được một đôi kỉ niệm chương. Em một cái, anh một cái.”

“Sao cứ nhất định phải mua kỉ niệm chương?”

“Bởi vì trong tất cả đồ lưu niệm, kỉ niệm chương là có ý nghĩa nhất!”

Tô Nhất như hiểu ra, nói: “Vốn vì đây là lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức Olympic, cho nên kỉ niệm chương này có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Nó là một dấu mốc lịch sử phải vậy không?”

Chung Quốc cúi nhìn Tô Nhất, cười và chậm rãi nói: “Đúng rồi, nó là một dấu mốc lịch sử. Có điều, đối với anh nó còn là cột mốc của tình yêu. Em còn nhớ chúng mình đã làm lành với nhau thế nào không?”

Tô Nhất sực nhớ ra, cười rạng rỡ. “Đúng thế, giành được quyền tổ chức Olympic, chúng mình mới hóa giải ân oán. Đúng, có ý nghĩa, rất có ý nghĩa. Olympic lần này đúng là rất có ý nghĩa với chúng mình, nhất định phải mua được đôi kỉ niệm chương này.”

Đồ lưu niệm biểu tượng Olympic được bán đợt thứ hai vào Quốc Khánh năm đó. Chung Quốc đã mua được hai huy hiệu kỉ niệm chương. Giá chỉ mười lăm tệ một chiếc, không hề đắt nhưng ý nghĩa thì không tiền bạc nào sánh nổi.