Hoàn tất xong một loạt các thủ tục rườm rà, Tô Nam xem như chính thức đặt dấu chấm kết thúc cho những tháng ngày đèn sách miệt mài ở đại học Đán.
Ngoảnh đầu nhìn lại ba năm này, một năm đầu tầm thường vô vị, hai năm sau, nơi nào trong ký ức cũng là Trần Tri Ngộ.
Mà bọn họ biết nhau, thực sự chỉ bởi một hồi gặp gỡ bình thường.
Duyên phận là ba ngàn hạt tuyết vụt lướt qua mặt, đúng một mảnh, tan trong lòng tay bạn.
So với Trần Tri Ngộ nhàn hạ rỗi rãi nghỉ hè, suốt cả mùa ve về, Tô Nam bận bịu không ngơi tay.
Tháng sáu ký hợp đồng chính thức nhận chức, tháng bảy thi TOEIC, tháng tám có quyết định cuối cùng về địa điểm làm việc ở nước ngoài. Tô Nam đi Malawi, Cô Điền đi Tanzania, tiếp theo sau là tiến hành một loạt các thủ tục giấy tờ phức tạp để hoàn tất hồ sơ xuất ngoại.
(*Malawi là một trong các quốc gia nhỏ nhất châu Phi, cũng là một trong những quốc gia kém phát triển nhất thế giới.
– Cộng hòa Thống nhất Tanzania: là một đất nước nằm ở bờ biển phía đông châu Phi.)
Hôm danh sách thông báo được đưa xuống, Tô Nam và Cô Điền châu đầu vào bản đồ, mò mẫm nửa ngày trời mới tìm được nước Cộng hòa Malawi bé tí tẹo nằm bên phải phía dưới lục địa Châu Phi.
Tô Nam liền lên baidu tra thông tin về quốc gia nhỏ trước giờ cô chưa từng nghe nói đến này, diện tích lãnh thổ là 118.000 km².
Cô Điền mở to mắt dòm Tô Nam: “Nhỏ quá trời đất, còn chưa bằng một tỉnh của Trung Quốc nữa.”
(*Diện tích của Việt Nam là 331.698 km²; Trung Quốc xấp xỉ 9,6 triệu km²)
Cũng may phía nam Tanzania nằm giáp với Malawi, hai người có thể qua lại dễ dàng, ít nhiều gì cũng có thể chăm sóc lẫn nhau.
Cuối tháng tám, Tô Nam còn chưa lên đường, Trình Uyển đã đi trước một bước.
Nửa năm nay, Trình Uyển cuối cùng cũng đã giũ bỏ sạch sẽ những gánh nặng trên người. Đã thoát khỏi ‘Hoa quả sơn’ rồi, không cần phải diễn cái trò ‘Tôn hầu tử’ nữa, hiển nhiên biển rộng cá vẫy vùng.
Ba Trình vẫn còn đang trong giai đoạn chiến tranh lạnh, Trình Uyển cũng không muốn tiếp tục trườn mặt ở thành phố Sùng khiến cho ông cụ người bực bội ấm ức, thế là thu dọn qua loa một ít hành lý, quyết định đi một chuyến đến Bắc Âu gột rửa tâm hồn.
Cuối tuần, Trần Tri Ngộ đưa Tô Nam đến dự buổi tiệc nhỏ chia tay Trình Uyển, ông chủ Cốc, bà chủ Cốc và cậu chủ nhỏ cũng có mặt đông đủ.
Đều là người quen, hoàn toàn không có gì câu nệ.
Tô Nam rất thích chơi với trẻ con, Trì Diệp vừa vào cửa, cô đã đón lấy cậu bé con sắp tròn nửa tuổi ôm vào lòng.
Cậu chủ nhỏ nhà họ Cốc lớn lên giống Trì Diệp, khuôn mặt vô cùng xinh xắn, không sợ người lạ lại rất ngoan, nghe thấy ai gọi cũng toét miệng cười, hoàn toàn chẳng có điểm nào dính dấp tới bộ dạng thô kệch hào sảng của ông bố Cốc Tín Hồng. Cốc Tín Hồng cực kỳ vừa lòng thỏa dạ, luôn miệng nói con trai mình mới có nửa tuổi mà đã là công tử hào hoa phong nhã, sau này không biết bao nhiêu cô nương sẽ nghiêng đổ vì cu cậu đây.
Cậu chủ nhỏ nhà họ Cốc đeo một chiếc lắc bạc có hai cái chuông nhỏ dưới chân, chỉ cần khẽ nhúc nhích bàn chân mũm mĩm sẽ phát ra tiếng leng keng leng keng.
Trần Tri Ngộ vừa nghe Cốc Tín Hồng và Trình Uyển nói chuyện, vừa chăm chú ngắm nhìn Tô Nam đang trêu chọc chú nhóc. Cô ngồi xổm trước mặt cu cậu, giả làm mặt mèo trong bài hát thiếu nhi rồi ú òa, chọc cho cu cậu cười khanh khách không ngừng vươn hai cái cánh tay ngó sen bé xíu đòi cô bế.
Dịp tết lúc đến nhà Tô Nam anh đã phát hiện, cô có thể chơi đùa với trẻ con hết sức vui vẻ, Ninh Ninh cũng rất thích cô. Cô vô cùng nhẫn nại, nhất là khi bọn chúng khóc.
Cốc Tín Hồng lia mắt nhìn theo ánh mắt của Trần Tri Ngộ, khẽ huých cùi chỏ vào khuỷu tay anh ‘nè’ một tiếng: “Hâm mộ hả?”
Trần Tri Ngộ nhấp trà, mặc kệ hắn.
Trình Uyển ngồi đối diện bóc hồ đào, liếc Trần Tri Ngộ một cái: “Già rồi? Sốt ruột sao? Hối hận chứ gì?”
Vẻ mặt Trần Tri Ngộ thản nhiên: “Kẻ phàm phu tục tử mới cả đời bám dính lấy mấy chuyện sinh sôi nảy nở, xoay tròn theo cái bản năng sinh tồn này.”
… Ruột thì hối hận đến xanh xám.
Chuyện thỉnh giảng, Lâm Hàm đã liên tục mời anh nhiều năm, nếu anh đi sớm một năm, quen biết Tô Nam khi cô vừa mới bước vào nghiên cứu sinh năm nhất, thì hết thảy đâu còn gì phải nói.
Cốc Tín Hồng và Trình Uyển cùng ‘xùy’: “Làm bộ làm tịch.”
Tô Nam xoa bàn chân non nớt của bé con, nghe thấy Trì Diệp khẽ hỏi: “Chị sắp đi Châu Phi thật sao?”
Tô Nam mỉm cười: “Ừ.”
“Năm ngoái khi lần đầu tiên gặp chị, em đã biết chị không phải là người có thể thản nhiên núp dưới đôi cánh che chở của người khác.” Trì Diệp cười nói: “Tuổi trẻ vẫy vùng nhiều lựa chọn, đâm đầu vào tường nam* đau đớn, rồi dọc ngang tung hoành cùng khát vọng, chẳng phải đều là một thời rực rỡ lưu dấu vàng son cho ngày sau sao?”
(*Tường nam xuất phát từ câu ‘Không đụng tường nam chẳng quay đầu’, câu này có nghĩa hành động cố chấp, dù có mất mát lớn cũng quyết tâm làm cho bằng được, tương tự như ‘chưa thấy quan tài chưa đổ lệ’.)
Tô Nam nhìn cô ấy: “Vậy còn em…”
“Em ạ,” Ánh mắt Trì Diệp dịu dàng âu yếm ngắm nhìn đôi mắt trong veo của con trai: “Em thì thích một cuộc sống bình lặng nhẹ nhàng, nước nhỏ chảy mãi trong khe dài.”
Trì Diệp hấp háy mắt nhìn cô, xích người sát lại gần, hạ giọng nói: “… Em sẽ giúp chị quan sát Trần tiên sinh, có tình huống gì sẽ lập tức báo ngay cho chị biết.”
Tô Nam cười khinh khích.
Rời khỏi nhà hàng, đêm đã rất sâu.
Đêm mùa hạ, trong không khí vẫn còn sót lại cái hanh nóng của ban ngày, táp vào mặt, dán vào da thịt giống như mọc chân chạy gây gây khắp người.
Trần Tri Ngộ nắm tay Tô Nam, đi dạo một vòng cho tiêu thức ăn.
Tiễn Trình Uyển hôm nay, khiến anh ít nhiều tức cảnh sinh tình.
Lúc nhỏ, anh muốn tham gia quân ngũ, sau này âm dương sai kém học kiến trúc, rồi lại chuyển nghề làm truyền thông. Trình Uyển muốn chế tạo tàu sân bay, lại học luật, cuối cùng làm chính khách, rồi ngay lúc một bước lên mây lại tự nguyện kích gãy chìm trong cát. Cốc Tín Hồng muốn làm phi hành gia, sau này nhập ngũ, lại biến thành thương nhân toàn thân sặc mùi tiền.
Người quá ‘nhi lập’ rồi đến gần ‘bất hoặc’, càng cảm nhận được cái mưa nắng biến đổi khôn lường của vận mệnh.
(*‘Nhi lập’, ‘bất hoặc’ trích trong: ‘Tam Thập Nhi Lập’ – Ba mươi tuổi thì tự lập được thân; ‘Tứ Thập Nhi Bất Hoặc’ – Bốn mươi tuổi thì không còn nghi hoặc gì cả.)
Sớm hơn mười năm, hoặc sớm hơn chừng sáu bảy năm, có lẽ anh sẽ bỏ xuống tất cả, vượt ngàn dặm xa xôi mà đi cùng Tô Nam.
Bây giờ thì sao?
Bây giờ chỉ nguyện làm bến cảng, đợi cô phiêu bạt đã lâu, về bến cập bờ.
Tháng chín, ngày lên đường gõ cửa.
Trần Tri Ngộ giúp Tô Nam thu xếp hành lý, mọi thứ ngăn nắp đâu vào đó, chỉ cần nghĩ đến thứ gì cần thiết anh đều cho vào va ly, không để sót cái nào.
Hai chiếc va ly lớn dựng trong phòng khách, thiếu mất đi một nửa đồ đạc của Tô nam, căn phòng bỗng trống trải hoang vắng.
Trần Tri Ngộ đứng bên cửa sổ, châm thuốc, dõi mắt nhìn về phòng bếp.
Trên bếp đang đặt cái nồi đậy kín nắp, đun nước nấu súp, Tô Nam thì ‘soạt soạt’ cắt rau.
Anh đứng ở ngưỡng cửa, kẹp điếu thuốc trên tay, hút rất chậm.
Tô Nam ngoảnh đầu nhìn anh: “Sao vậy anh?”
“Không có gì.”
Cứ đứng như vậy, nhìn cô.
“Nhiều khói dầu lắm, anh ra ngoài đợi đi.”
Vẫn nói: “Không có gì.”
Mãi đến khi hút tàn tro cạn khói, mới xoay người đi ra.
Bữa tối, vịt hầm rau củ, cải thìa xào tôm khô, củ sen xào thập cẩm, tôm nõn rang, bí đỏ đường phèn.
Tô Nam ăn xong hai bát cơm, đứng dậy đi lấy hai lon Heineken.
Một bữa cơm rau, hương vị nhẹ nhàng thanh thoát.
Càng làm tăng thêm cái lạnh của bia, uống vào đắng chát.
Ăn cơm xong, Trần Tri Ngộ đi tắm trước.
Anh ngồi trên nắp bồn cầu, lại đốt một điếu thuốc.
Sống đến tuổi này, không quen khiến cho chuyện xa cách trở nên quá bi lụy, nhưng cơm nước xong, mấy bận không cách nào chịu đựng nổi. Không phải không muốn ném đũa xuống, hạ mình, bảo Tô Nam đừng đi —— tiền anh kiếm được, cả đời sau cô xài không hết, hà cớ gì trong bước ngoặt anh ba mươi lăm tuổi này, lại để anh phải chịu một đoạn ly biệt?
Phòng tắm không mở quạt thông gió, chẳng mấy chốc mùi khói thuốc lan tỏa nồng nặc.
Còn lại nửa điếu, dụi tắt.
Đứng dậy cởi quần áo, mở nước.
Có tiếng gõ cửa vang lên.
Trần Tri Ngộ đưa tay khóa vòi sen, nghe thấy Tô Nam ở bên ngoài hỏi nhỏ: “Em cần lấy ít đồ, em vào nha anh?”
Trần Tri Ngộ ‘ừm’ một tiếng.
Cửa phòng tắm mở ra, Tô Nam không vào mà đứng ở ngưỡng cửa, đưa mắt nhìn anh.
Trải nghiệm này hơi kỳ, anh không mảnh vải che thân còn cô thì quần áo chỉnh tề.
Đứng yên giây lát, bước lại gần anh, vừa đi vừa cởi áo.
Ngón tay anh vô thức vặn mở vòi sen.
Trong làn nước tỏa hơi nóng mù mịt, Tô Nam đã đến trước mặt anh, áp thân thể mình vào người anh, khẽ gọi một tiếng: “Thầy Trần…”
*
Rèm cửa sổ bị gió hất tung, ‘phập’ một tiếng đập vào song cửa, có tiếng gió rất khẽ rất nhẹ.
Đèn sáng thâu đêm, chẳng mấy chốc trời cũng đã trở sáng.
Ngón tay Trần Tri Ngộ xoắn tròn lọn tóc cô: “Sau này về rồi, em muốn sống ở một nơi như thế nào?”
Tô Nam ngẩn người.
Ánh đèn vàng nhạt nhuộm đuôi tóc đen bóng như nét mực vẩy của anh thành một màu ấm áp. Sau trọn đêm hoan ái, nét mặt anh có phần uể oải biếng lười.
“… Muốn sống ở một nơi yên tĩnh, giống như ngôi nhà ở đô thị đại học này ạ.”
“Còn gì nữa không?”
“Dạ… Tô Nam nghiêng đầu nghĩ ngợi: “Muốn có một khoảnh sân, một cây sung dâu —— em thích ‘Flipped’. Trong góc sân có bờ rào tường vi, thân vươn dài bò lên song cửa sổ, lúc hoa nở tỏa mùi hương dịu nhẹ ngọt ngào. Cũng muốn trồng một gốc phong, em thích thành Túc hồi bé, lá phong rơi đỏ au ngập thành. Nếu sân có cỏ dại, em không xẻng nó đi đâu, sẽ để nó mọc thiệt nhiều. Dưới hàng rào đặt một cái chậu nhỏ, mỗi buổi sáng sẽ cho một ít thức ăn cho mèo vào, để mấy con mèo hoang tới ăn… còn cả bạc hà mèo nữa anh nhỉ? Sau đó… cô khựng lại, nghĩ ngợi đôi giây rồi cất lời: “Quan trọng nhất là…”
Trần Tri Ngộ nhìn cô.
Tô Nam ngẩng đầu lên: “… xuân hạ thu đông, luôn được ở bên anh.”
(*‘Flipped’ phim dựa theo tiểu thuyết cùng tên của tác giả Wendelin Van Draanen – Tên truyện xuất bản ở nước mình là ‘Bên kia đường có đứa dở hơi’. Trong phim là cây sung dâu; còn trong truyện là cây tiêu huyền – cũng giống như phong, vào mùa thu lá tiêu huyền chuyển từ xanh sang đỏ.
Truyện đọc rất dễ thương.
Câu chuyện xoay quanh mối quan hệ của cậu bé Bryce Loski và cô bé Juli Baker khi nhà Bryce Loski chuyển đến ở đối diện nhà cô bé.
Juli đã thích Bryce ngay từ giây phút đầu tiên khi chạm vào ánh mắt cậu ‘Tim tớ ngừng đập. Chính thế. Ngừng đập.’, nhưng đối với Bryce thì Juli là một con bé kỳ quái mà cậu luôn muốn tránh xa ‘Con bé đó băm bổ lao vào cuộc đời tôi. Nó băm bổ, nó đào xới rồi nó đứng đó, chắn ngang đời tôi.’
Cây tiêu huyền là nơi Juli gieo những ước mơ tuổi thơ. Khi Juli leo thật cao lên chạc cây lấy lại được con diều cho Bryce. Khi vượt qua được nỗi sợ hãi rồi, cô bé thấy mình như đang bay và nhận ra hương thơm của gió, khung cảnh mà cô được nhìn thấy từ trên chạc cây cao đó không chỉ là mái nhà, đám mây hay cơn gió mà chính là phép màu.
Rồi đến ngày cái cây đó bị người ta cưa đốn đi, nó đi cùng quãng thời thơ ấu của Juli; và rồi Bryce đã trồng lại một gốc tiêu huyền mới gieo mầm tương lai cho hai người.
**Bạc hà mèo: Đây là loại cỏ bạc hà, hay còn được gọi là cỏ mèo – catnip. Cỏ mèo chứa nhiều chất xơ, được sử dụng để hỗ trợ tiêu hóa cho mèo. Tuy nhiên đây cũng là một loại thảo mộc có tác dụng gây hưng phấn đối với mèo, nó được ví như cần sa của loài mèo. Khi hít hay ăn phải loại cỏ này, mèo sẽ có tất cả các biểu hiện của một kẻ phê pha thực thụ. – Theo Ngọc Vũ, trithuctre)
Trái tim Trần Tri Ngộ thắt lại.
Tô Nam ôm chầm thắt lưng anh, vùi đầu vào ngực anh, lắng nghe nhịp đập mạnh mẽ từ nơi trái tim anh dội vào lòng cô: “Thầy Trần, cảm ơn anh.”
“Cảm ơn anh chuyện gì.”
“… cảm ơn anh tôn trọng lựa chọn của em.”
Thinh lặng một thoáng, nghe thấy anh khẽ hừ: “Đừng có dát vàng lên mặt, anh là chán ghét em ở trước mặt anh chướng mắt.”
Tô Nam không tranh cãi với anh như thường lệ, cụp mi mắt lí nhí: “… chẳng mấy chốc em không còn làm anh chướng mắt nữa rồi, rất lâu, rất lâu…”
Nét mặt Trần Tri Ngộ trầm ngâm sâu lắng: “… Có phải em muốn ăn đòn không?”
Thật lâu, không nghe thấy cất tiếng.
Đưa tay nâng đầu cô lên, trong khóe mắt ngân ngấn nước chực chờ rơi xuống.
“… Bây giờ biết khóc rồi sao?”
“Không có khóc… có con côn trùng bay vào mắt em.”
“À, thế sao nó không bay vào mắt anh nhỉ?”
“Mắt anh nhỏ hơn mắt em.”
Trần Tri Ngộ: “…”
Đêm nay có trăng.
Bọn họ thức trắng đêm không ngủ, một đường sáng đỏ rọc ngang nền trời chàm đậm phía đằng đông, hai người rời giường, ăn sáng, lái xe ra sân bay.
Máy bay cất cánh từ sân bay quốc tế thành phố Sùng, quá cảnh ở Hồng Kông, tiếp tục quá cảnh ở thành phố Johannesburg lớn nhất của Nam Phi, sau đó tới thủ đô Lilongwe của Malawi.
Trời chỉ vừa hửng sáng nhưng trong sân bay biển người tới lui như mắc cửi, lối vào, lối ra, đủ sắc tộc màu da… ồn ào tấp nập.
Làm thủ tục đăng ký, ký gửi hành lý xong, Trần Tri Ngộ dắt cô tới cổng an ninh, dặn dò: “Khi nào cất cánh, báo cho anh một tiếng.”
“Dạ.”
“Gặp phải chuyện gì không hiểu, gọi điện thoại cho anh, không thì hỏi nhân viên sân bay, đừng tự mò mẫm suy nghĩ một mình làm lỡ thời gian.”
“Dạ.”
“Chú ý an toàn, nếu có người lạ đến gần bắt chuyện thì phải nhớ cảnh giác.”
“Dạ…”
Nói rất nhiều, không kìm được, dặn dò tất cả những gì có thể nghĩ ra.
Anh nâng cổ tay nhìn đồng hồ: “Bây giờ em vào khu vực cách ly đi, đến cửa lên máy bay ngồi nghỉ ngơi một lát, thà đi sớm một chút chứ đừng để trễ rồi lại vội vàng luống cuống.”
Ngập ngừng hồi lâu mới nghe thấy tiếng ‘dạ…’.
Trần Tri Ngộ đưa hành lý xách tay qua cho cô: “Em vào đi.”
Tô Nam nhận lấy, cầm hộ chiếu và vé máy bay, bước thật chậm, tiến vào cửa an ninh.
Đi hai bước, quay đầu lại.
Trần Tri Ngộ mặc áo sơ mi trắng quần âu đen, một tay đút trong túi quần, lặng lẽ dõi mắt nhìn theo hướng cô đi.
Đứng vào hàng, lại ngoái đầu.
Trần Tri Ngộ vẫn đứng yên ở đó, nhìn cô đăm đăm.
Cất ủ trọn đêm, bao nhiêu lưu luyến hốt hoảng cùng khổ sở chợt đổ ập đến như thủy triều.
Cô bước khỏi hàng, chạy thật nhanh về phía Trần Tri Ngộ, nhào vào lòng anh, một tay vòng qua ôm chầm lấy anh.
“Thầy Trần…” Nghẹn ngào không thốt nên lời, nước mắt trào ra.
Trần Tri Ngộ ghì cô vào lòng, lại giơ tay nhìn đồng hồ, còn kịp.
Kéo tay cô, đi thẳng ra đại sảnh.
Bên ngoài gió sớm cuộn hơi nóng thốc vào. Tiếng xe cộ, tiếng người huyên náo.
Trần Tri Ngộ chống tay vào vách kính, giam cô trong lồng ngực, nghiêng người che chắn ánh mắt của hành khách tới lui xung quanh, cho cô một góc này thả lòng yếu đuối.
Tô Nam túm chặt áo anh, đốt ngón tay cũng trở nên trắng bệch: “Thầy Trần…”
“Cho em khóc thêm mười phút, rồi đi vào cửa an ninh.”
“Em…”
Trần Tri Ngộ âu yếm nhìn cô, quyến luyến ngần nào nhưng vẫn phải nén giữ lòng sắt đá: “Đến tận đây rồi, nếu em dám nói một câu không muốn đi, sau này đừng có nhìn anh.”
Tô Nam cắn chặt môi, nước mắt ào ào rơi xuống.
Trần Tri Ngộ nắm chặt tay cô, áp vào trong ngực mình: “Nhớ anh nói không? Đường ở nơi này.”
Tô Nam ra sức gật đầu.
Từng giây trôi qua, tâm trạng sụp đổ của Tô Nam dần được anh xoa dịu.
Trần Tri Ngộ nhìn đồng hồ, lấy khăn giấy, lau khô nước mắt trên mặt cô, duỗi đầu ngón tay nhấn vào chóp mũi cô: “Không được khóc.”
Tô Nam cắn chặt môi, gật đầu.
Trần Tri Ngộ thu tay về đút vào túi quần, đứng thẳng người lên: “Em tự vào cổng an ninh đi, anh không tiễn nữa.”
Tô Nam nhìn anh.
“Đi đi.”
Cô nắm chặt ba lô, lặng thinh chốc lát, nhắm mắt lại rồi mở ra, lùi về sau một bước: “Tạm biệt anh!”
Sợ dũng khí cả đời sẽ vụt tắt trong chớp mắt, cô xoay người thật nhanh, chạy như bay về phía cửa đại sảnh.
Trần Tri Ngộ đứng yên giây lát, cất bước, hướng về phía cửa an ninh.
Bóng dáng kia, đã nhập vào dòng người xếp hàng, dáng hình gầy guộc nhỏ, từ từ di chuyển theo hàng ngũ tiến về phía trước.
Cuối cùng, cô trình hộ chiếu và vé máy bay, đi vào cửa an ninh, hoàn toàn không còn nhìn thấy nữa.
Trần Tri Ngộ cụp mắt.
Đứng yên lặng ở đó giây lát rồi sải chân rời khỏi cổng khu vực cách ly, đi xuống bãi đổ xe bên dưới.
Ngồi trong xe, anh châm một điếu thuốc, hút thật chậm.
Những hình ảnh suốt hai năm qua, từng cái một lướt qua trong tâm trí.
Hình ảnh cuối cùng dừng lại, là ngày đó sương khói mờ mịt, cỏ dại ngập lối chân, anh cõng cô bước dọc đường đê, trên trời sao đêm chi chít.
Tối qua, vụn vặt tầm thường, nói với nhau rất nhiều chuyện.
Tô Nam vuốt ve ngón tay anh: “Lúc nhỏ, đọc Tam Mao, cô ấy nói, mỗi một lần nhớ anh, bầu trời rơi xuống một hạt cát, từ đó hóa thành sa mạc Sahara.*”
“… Còn em. Em nhớ anh, Nam Sơn quanh năm tuyết rơi đầy.”
(*Câu trên trích trong ‘Câu chuyện Sahara’ của nhà văn Tam Mao.
Tam Mao sinh năm 1943 mất năm 1991, là một người phụ nữ truyền kỳ, 15 tuổi theo cha mẹ đến định cư tại Đài Loan, 24 tuổi đi Tây Ban Nha du học, sau đi học tại Đức và Mỹ.
Năm 1971, Tam Mao trải qua hai trắc trở trong tình cảm. Bà bất chấp sự phản đối của gia đình, đính hôn với một họa sĩ người Đài Loan, nhưng trước khi kết hôn lại phát hiện ra đối phương đã có vợ. Sau này, bà nhận lời cầu hôn của một giáo sư người Đức, khi hai người cùng nhau đi đặt làm thiệp cưới, tối hôm đó vị giáo sư người Đức đột ngột qua đời vì bệnh tim tái phát. Tam Mao vô cùng đau khổ, đã từng thử tự sát. 17 năm sau, Tam Mao còn nhớ lại và nói: “Hộp thiệp cưới đó đến tận hôm nay vẫn còn chưa đến lấy”.
Sau khi trải qua những đau đớn về tinh thần, năm 1972 Tam Mao lại tới Tây Ban Nha, gặp lại Jose – người đã quen biết từ 6 năm về trước. Năm 1974, Tam Mao kết hôn với Jose tại Sahara, bắt đầu cuộc sống trên sa mạc Sahara.
Mối tình lãng mạn giữa Tam Mao và Jose, cuộc sống truyền kỳ tại sa mạc, đã khơi gợi và phát huy tài năng sáng tác văn học của bà, năm thứ ba sau khi cưới, Tam Mao cho xuất bản tác phẩm đầu tay của mình có tên là “Câu chuyện Sahara”, từ đó các tác phẩm khác của Tam Mao không ngừng ra mắt bạn đọc. Thế nhưng bất hạnh không buông tha bà, hai vợ chồng ở với nhau được 6 năm, thì Jose qua đời khi thao thác công trình dưới nước, Tam Mao đau khổ đến tuyệt vọng.
Bà sống bằng sự hồn nhiên bản năng, nhưng cũng vì điều đó, khi gặp phải thất bại bà đã bị suy sụp tinh thần và đổ vỡ niềm tin rất nhanh. Hậu quả bi đát là cái chết đầy bí ẩn của bà sau khi người chồng qua đời không lâu.
Mất ở tuổi 48, khi đang dồi dào sức sáng tạo, Tam Mao đã để lại 24 cuốn sách được hâm mộ khắp nơi có người Hoa sinh sống.)