Vẫn An, Pháp Y Kiều Thê

Chương 270: Gia đình hạnh phúc



Bắp cải xào, su hào luộc, cua hấp, ốc xà cừ xào, cá kho, sứa trộn bông súng, chuối bào sợi, canh sườn rong biển. Bốn người nấu tám món, khẩu phần ăn không nhiều nhưng ai cũng muốn thể hiện tài năng. Mẹ Khúc hấp cua và trộn các món nguội. Bố Khúc làm hai món xào, Thương Dĩ Nhu hầm canh và làm chuối bào sợi. Món ốc xà cừ xào và cá khoa là sở trường của Khúc Mịch, bên trong cho thêm ớt vốn là khẩu vị yêu thích của Thương Dĩ Nhu.

Bốn người ngồi quây quần với nhau, bầu không khí nhẹ nhàng thoải mái. Họ vừa ăn vừa nói chuyện, TV đang chiếu tin tức quốc tế. Vừa nghe đến Canada, bố mẹ Khúc lập tức chú ý.

"Từ khi Tiểu Nhu qua Toronto là gia đình cứ mở kênh quốc tế." Bố Khúc cười nói, "Bây giờ dự báo thời tiết gia đình xem cũng thành của nước ngoài luôn rồi."

Khúc Mịch tươi cười nhìn Thương Dĩ Nhu, cẩn thận gắp phần thịt quanh mắt cá cho vào chén của cô. Thương Dĩ Nhu không khỏi xấu hổ, là con dâu, ở trước mặt bố mẹ chồng như vậy hình như không tốt cho lắm.

"Con ăn đi, phần thịt đó mềm nhất. Con là thành viên nhỏ nhất trong gia đình, không ai giành với con đâu." Mẹ Khúc biết Thương Dĩ Nhu thích ăn cay nên gắp ốc cho cô, "Ăn cay nhiều mà da vẫn mịn màng thế này đúng là thanh niên."

Bà coi Thương Dĩ Nhu như con gái ruột của mình, đồng thời cảm thấy cô cái gì cũng giỏi, không có khuyết điểm gì. Bố mẹ Trung Quốc là thế, luôn chiều chuộng con cái không có điểm dừng, nhất là đối với những đứa bé từng bị tổn thương.

Mẹ Khúc vừa nói ăn cay không tốt cho dạ dày vừa gắp đồ ăn cho cô. Thương Dĩ Nhu hứa sau này sẽ bớt ăn cay, đồng thời cũng vui vẻ ăn uống. Người lớn đôi khi hay cằn nhằn, bạn chỉ cần lắng nghe, ngoài miệng đồng ý là được.

Cơm nước xong, nhìn căn bếp bừa bộn, mẹ Khúc đề nghị: "Chúng ta chơi trò chơi đi, ai thua thì phải xử lý hiện trường."

"Thi cái gì?" Khúc Mịch là người không sợ thi đấu, anh từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ thua. Có anh, Thương Dĩ Nhu cũng không thua được.

Mẹ Khúc liếc nhìn anh: "Phụ nữ một nhóm, đàn ông một nhóm."

Trời ạ, thế thì phần thắng không lớn rồi! Thương Dĩ Nhu chuẩn bị tinh thần dọn dẹp nhà bếp.

Mẹ Khúc lấy ra một bộ bài: "Xì dách, lớn thắng nhỏ thua. Thắng thì tính một điểm, thua không được tính điểm. Nhóm nào được 10 điểm trước thì thắng, có thể tận hưởng thời gian rảnh rỗi sau bữa ăn. Sao, có dám quyết chiến không?"

Trận chiến này phụ thuộc vào vận may, không liên quan đến IQ. Gần đây mẹ Khúc thường đến trung tâm cho người cao tuổi vào cuối tuần, ở đó thường tổ chức các hoạt động như poker, chơi cờ, ca hát, khiêu vũ. Mẹ Khúc thích chơi xì dách nhất, càng nhiều người chơi càng náo nhiệt. Bình thường bố Khúc không chịu chơi cùng, hôm nay cuối cùng bà cũng tìm được bạn chơi rồi.

Thương Dĩ Nhu bật cười. Càng ngày cô càng thấy mẹ chồng mình hệt như trẻ con.

Hai người đàn ông nhìn nhau, chỉ biết nhíu mày. Hai người phụ nữ kia đã hăng hái như vậy, bọn họ đành phải chơi cùng.

Bốn người lần lượt rút bài, nếu ai cảm thấy lá bài của mình phù hợp rồi thì tạm dừng, đợi mọi người rút bài xong sẽ lật lên so bài. Nếu có số điểm bằng nhau thì người rút được ít hơn sẽ thắng; nếu số bài bằng nhau thì quyết định thắng thua theo chiều kim đồng hồ, người đi trước thắng.

Hiệp đầu tiên bên phía phụ nữ thắng, khí thế mẹ Khúc dâng cao, tiếp tục chiến thắng những ván tiếp theo. Khúc Mịch trông như giao nộp vũ khí đầu hàng, bố Khúc thì nhẹ nhàng chống đỡ. Chưa đến nửa tiếng, bọn họ đã thắng tất.

"Đã quá!" Mẹ Khúc hào hứng nói, "Để đàn ông bọn họ đi dọn dẹp, con đi nghỉ sớm đi. Ngày mai con còn bay sang Toronto, đừng ngủ muộn."

Mẹ Khúc đã dọn dẹp tầng hai cho họ, phòng ngủ có nhà vệ sinh riêng, ngoài ra còn có phòng ngủ phụ và phòng làm việc, khá rộng rãi, rèm chăn gối đệm bên trong đều được thay mới. Dù vợ chồng son họ không ở đây nhưng dù gì cũng là tân hôn, mua đồ mới điều tốt lành sẽ đến.

Mở tủ quần áo ra, bên trong treo áo ngủ mới, còn có những bộ quần áo hằng ngày, tất cả đều theo size của Thương Dĩ Nhu. Nhìn thôi mà trái tim cô muốn tan chảy.





Khúc Mịch quét dọn dưới bếp, bố Khúc nhìn con trai mình rửa chén càng ngày càng thành thạo thì cười trêu: "Con dám vì vợ mà kéo bố già làm khổ sai cùng hả!"

"Không phải được thắng mẹ rất vui sao?" Khúc Mịch không thừa nhận cũng không phủ nhận, "Lần này con sẽ ở bên Toronto một thời gian dài mới về. Bố với mẹ cố giữ sức khỏe, hai người khỏe mạnh con với Tiểu Nhu mới yên tâm làm việc được."

"Đừng lo, mẹ con bây giờ rất thích đi gặp mấy dì ngoài quảng trường, ngày nào cũng tìm được thú vui. Còn bố thì cũng đã có tìm được thứ để tiêu khiển."

Hằng ngày cứ 6:00 là bố Khúc dậy, đến công viên gần nhà chơi chim, sau đó mua bữa sáng về, ăn xong sẽ ra vườn chăm sóc hoa, khoảng 9:00 vào phòng làm việc viết sách, đến trưa thì ngủ một tiếng, buổi chiều thứ hai, tư, sáu có tiết dạy trên trường, còn ba, năm, bảy thì đi chơi cờ. Buổi tối hai bạn già cùng xuống bếp, ăn uống xong cả hai đi dạo ngoài quảng trường. Mẹ Khúc tập nhảy, ông tập thể dục.

Khúc Mịch không phải người giỏi biểu đạt cảm xúc, mấy câu lừa gạt qua loa anh không chịu nổi. Cái anh muốn là sự thật, dùng số liệu để nói chuyện. Chỉ có kết quả kiểm tra sức khỏe hằng năm của bố mẹ mới làm anh an tâm.

Lần này Khúc Mịch đi Toronto với Thương Dĩ Nhu, có lẽ đến kỳ nghỉ đông của cô mới có thể về. Anh không biết nói nhiều lời hay, chỉ cẩn thận dọn dẹp nhà bếp, sau đó mang rác đi xử lý.

"Lên lầu đi." Mẹ Khúc đuổi con trai mình lên lầu, "Đừng để Tiểu Nhu đợi lâu, con bé sẽ cảm thấy bị bỏ rơi đấy."

"Mẹ, con có chuyện muốn nói với mẹ."

"Không cần nói gì đâu, mẹ biết mà. Mẹ từng sợ con sẽ sống cô độc đến già, có mẹ và bố, con còn gắn kết được với gia đình họ hàng, nhưng bố mẹ có thể ở bên con bao lâu chứ? Bây giờ cuối cùng con cũng kết hôn rồi, có người thay bố mẹ yêu con, bố mẹ cũng yên tâm. Còn về con cái, chúng đến không phải để nối dõi tông đường. Muốn làm cha làm mẹ thì phải chuẩn bị đầy đủ, bảo đảm cho nó đủ tình cảm thì mới nên quyết định chào đón chúng. Nuôi con không phải để dưỡng già, càng không phải để an ủi người lớn, mà là để tiếp tục yêu thương. Thế nên bố mẹ sẽ không hỏi đến quyết định có con của hai đứa."

Điều hối tiếc lớn nhất của mẹ Khúc là thời trẻ ham công việc, bỏ lỡ quá nhiều giai đoạn trưởng thành của con trai. Vì vậy bà cũng không muốn con trai mình cũng tiếc nuối như vậy.

Nghe mẹ mình nói thế, Khúc Mịch không bình tĩnh được: "Mẹ, mẹ và bố trước nay luôn là niềm tự hào của con, trước nay thế, bây giờ thế, sau này cũng vậy."

Khóe mắt mẹ Khúc ươn ướt, bà vội đưa tay gạt nước mắt vui mừng: "Con trai à, có câu này của con nút thắt trong lòng bố mẹ cũng được gỡ bỏ rồi."

Nhìn mẹ mình rơi nước mắt, Khúc Mịch cảm thấy thật bất lực và đau lòng. May mà Thương Dĩ Nhu cũng không thích khóc, nếu không anh thật sự không biết phải làm thế nào. Cuộc đời này anh thật sự không chịu nổi nước mắt của hai người phụ nữ này.