Vị Khách Lúc Nửa Đêm

Chương 37



Lúc Tông Anh nhận ra phải ngăn cản anh thì đã muộn.

Thịnh Thu Thật buột miệng nói: “Hiện tại cô ấy không thể để cảm xúc dao động quá nhiều, có việc thì nói đàng hoàng, tại sao phải ép cô ấy như vậy?” Anh vốn không phải người nóng tính, nói liền một mạch, khuôn mặt trắng trẻo đỏ gay, cố gắng kiềm chế và ổn định nhịp thở, anh nói: “Huống chi nơi này là bệnh viện, gây ồn ào thế này còn ra thể thống gì?”

Thịnh Thu Thật từ trước đến nay luôn ôn hòa, bác cả đã tiếp xúc với anh một thời gian dài, nhưng chưa thấy anh nói chuyện bằng giọng điệu này bao giờ, bà ta sững sờ trong chốc lát, nhưng lập tức trả lời: “Con bé có bệnh gì mà không thể tức giận? Mang thai hay mắc bệnh tim?”

Trong tình thế cấp bách, Thịnh Thu Thật suýt nói ra tình trạng bệnh của Tông Anh, nhưng cô đột nhiên đưa tay ra, ngăn không để anh tham gia vào cuộc tranh chấp.

Thịnh Thu Thật nghiêng đầu nhìn lại, chỉ thấy Tông Anh tựa lưng lên lan can, sắc mặt nhợt nhạt chưa từng thấy, mồ hôi lạnh thấm ướt sợi tóc trên trán

Nói xong, cô buông tay khỏi lan can, xoay người quay về.

Tranh cãi không phải sở trường của Tông Anh, cho dù thắng thế thượng phong, chẳng qua chỉ là tranh hơn thua nhất thời, cả quá trình còn khiến mình chật vật mất khống chế, với cô, đây là mất nhiều hơn được.

Từ rất lâu trước kia, Nghiêm Mạn từng nói với cô “Hãy nói lý lẽ với người hiểu lý lẽ, gặp kẻ vô lý, nói ngàn lần vạn lần cũng phí công”, Tông Anh rất tán đồng với ý kiến này, vậy nên mấy năm qua, cô luôn tránh tiếp xúc với gia đình kia, nếu không phải chuyện khẩn cấp hay quan trọng, cô một mực giữ nguyên tắc “nước sông không phạm nước giếng”, nhưng hiện tại đối phương chủ động gây gổ khiến cô cảm thấy vô cùng phiền chán.

Tông Anh còn chưa đi xa, Thịnh Thu Thật đuổi theo, bắt lấy cánh tay cô, nói: “Đi theo anh một lát.”

Anh vừa nói vừa quay đầu nhìn lại, bác cả vẫn đang lải nhải, chẳng qua là nói Tông Anh giả vờ bệnh tật, ra vẻ yếu ớt, chỉ lo phủi sạch trách nhiệm.

Thịnh Thu Thật tỏ vẻ chán ghét, không thể làm gì khác ngoài thở dài, nhanh chóng dẫn Tông Anh vào phòng, đóng cửa lại.

Trạng thái hiện tại của Tông Anh quá kém, cần nhanh chóng điều chỉnh, không thích hợp quay về phòng bệnh của bà ngoại ngay lập tức.

Cô ngồi lên ghế sô pha trong phòng, nhận lấy cốc nước mà Thịnh Thu Thật đưa, cũng bất chấp lạnh nóng, lấy hộp thuốc ra khỏi túi áo, đổ số thuốc của hôm nay ra, uống cùng với nước, ngồi im khoảng ba mươi giây rồi ngẩng đầu lên.

Thịnh Thu Thật đứng ở trước mặt cô, nét mặt đầy lo âu, có lo lắng cũng có dò hỏi.

Tông Anh chợt nhận ra, Thịnh Thu Thật không chỉ sinh lòng nghi ngờ, có lẽ anh đã xem qua bệnh án của cô rồi.

Đến nước này, cô cũng không cách nào giấu anh nữa, chỉ có thể giành cơ hội mở lời trước khi anh đặt câu hỏi: “Nếu anh muốn hỏi chuyện liên quan đến kiểm tra tình trạng bệnh, vậy em chỉ có thể trả lời ‘Chấp nhận sự thật, tích cực điều trị’, nếu vẫn tiếp tục băn khoăn, em thấy rất lãng phí sức lực.”

Cô ngừng lại rồi nói tiếp: “Anh để em ngồi ở đây một lát là được rồi. Ban nãy huyết áp của bà ngoại rất bất ổn, có thể phiền anh qua đó xem qua được không, em điều chỉnh xong sẽ quay lại ngay.”

Cô đã nói đến nước này, hiển nhiên là muốn bảo Thịnh Thu Thật “Không cần khuyên bảo, cũng không phải lo lắng”.

Thịnh Thu Thật nhìn cô một cách sâu xa, lại rót cho cô thêm một cốc nước, nói: “Được, anh đi trước đây.”

Cửa mở ra rồi đóng lại, khoảng mười phút trôi qua, Tông Anh đứng dậy, trở lại hành lang.

Người nhà, bệnh nhân, y tá đi qua đi lại, khung cảnh bình lặng, dường như vừa rồi chưa hề xảy ra chuyện gì.

Cô đẩy cửa đi vào phòng bệnh, bà ngoại cũng vờ như không có chuyện gì xảy ra, nói: “Cháu về rồi đấy à?”

Tông Anh đáp “Vâng”, điềm tĩnh ngồi xuống, cầm hộp cơm ở đầu giường, mở nắp ra, hơi nóng bốc lên, cháo vẫn chưa nguội.

Cô nói: “Cháu mua cho bà cháo ngũ cốc, có lẽ hơi nhạt, nhưng hiện tại phải khống chế lượng đường trong máu, ăn món này tương đối ổn.”

Bà ngoại hỏi cô: “Cháu không ăn à?”

Tông Anh lấy chiếc thìa dùng một lần trong túi nhựa ra đưa cho bà, nói: “Cháu không quen ăn cháo, chờ bà ăn xong, cháu xuống tầng dưới ăn một bữa ngon.”

Nhìn cô tỏ ra nghiêm túc, nhưng vẫn nói chuyện một cách nghịch ngợm, bà ngoại thoáng yên lòng, cúi đầu ăn cháo.

Ánh mặt trời phủ kín giường bệnh, không khí trong phòng có chút khô nóng, Tông Anh đứng dậy điều chỉnh nhiệt độ điều hòa, thấy bà sắp ăn xong liền tiến lên thu dọn.

Cô cất cặp lồng cơm trống không vào túi ni lông, hỏi bà ngoại: “Bà còn nhớ bác sỹ Tôn, người đến kiểm tra phòng hôm qua không ạ?”

“Nhớ chứ, nhớ chứ.” Bà ngoại cầm giấy ăn Tông Anh đưa để lau miệng, “Cô ấy nói bà có vấn đề ở đâu à?”

“Cũng không hẳn ạ.” Tông Anh đứng thẳng dậy, “Chẳng phải chân bà thường xuyên khó chịu sao? Chị ấy đề nghị bà làm cộng hưởng từ thành mạch máu, xem xem là do nguyên nhân gì gây ra.”

“Bà không cần chụp đâu.” Bà ngoại trả lời rất quyết đoán.

Tông Anh tưởng rằng bà còn băn khoăn chuyện gì đó: “Ca kiểm tra này rất nhanh, cũng tương đối an toàn, bà đừng lo.”

Bà ngoại không lên tiếng, Tông Anh đợi hồi lâu, đột nhiên thấy bà lấy di động ra.

Bà ngoại đeo kính lão, chậm rãi mở danh bạ, gọi một cú điện thoại, lúc cuộc gọi được kết nối, bà đưa di động cho Tông Anh: “Cháu nói chuyện với cậu út đi.”

Tông Anh nhận điện thoại, trong lòng không rõ ra sao: “Cậu út, cháu đây.”

Bên cậu út đang là buổi đêm, vô cùng yên tĩnh, cậu nói: “Tiểu Anh đấy à, bà ngoại xảy ra chuyện sao?”

“Hôm qua bà ngoại không cẩn thận bị ngã, não xuất huyết nhẹ, cháu đã xem phim X-quang, xét về tổng thể thì không có vấn đề gì lớn. Nhưng gần đây bà thường xuyên đau chân, đi lại có chút vất vả, bác sỹ đề nghị chụp cộng hưởng thành mạch để loại trừ vấn đề ở động mạch chi dưới.”

Cậu út kiên nhẫn nghe cô nói hết, từ tốn hỏi: “Tình trạng bệnh mà cháu kể chú cũng biết, bà mắc chứng xơ cứng động mạch chi dưới. Bà ngoại đã làm xét nghiệm rồi, lúc đó còn chưa thích hợp phẫu thuật, gần đây bệnh tình nghiêm trọng hơn, cần sự can thiệp của phẫu thuật.”

Tông Anh mím môi, nói: “Kỹ thuật mổ trong nước cũng rất hoàn thiện, nếu

chú cho phép, cháu sẽ lập tức bố trí cho bà.”

“Cậu biết kỹ thuật trong nước cũng rất hoàn thiện.” Cậu út thong thả nói, “Nhưng sau khi phẫu thuật, cần có người chăm sóc bà, nếu thực hiện ca phẫu thuật tại Thượng Hải, chỉ có thể dựa vào một mình cháu, cháu lại bận công việc, sẽ dễ sao nhãng. Huống hồ sổ y bạ và bảo hiểm y tế của bà ngoại đều ở đây, chung quy vẫn tiện hơn một chút. Một thời gian trước bác sỹ đã lên lịch cho cậu rồi, ngay trong tháng này thôi.”

“Tháng này ạ?”

“Ừ. Không biết bà ngoại đã kể với cháu chưa, giữa tháng cậu sẽ đến đón bà về.”

“Giữa tháng hả cậu?”

“Chuyến bay tối ngày 14, cậu đã đặt vé máy bay rồi.”

Ngày 14 tháng 9, chỉ vài ngày nữa thôi.

Tông Anh nhìn thoáng qua bà ngoại, cô vẫn cảm thấy quá đột ngột.

Cô đưa tay vuốt tóc để tiếp nhận thông tin này, cậu út hỏi cô: “Cháu còn chuyện gì nữa không?”

“Không ạ.” Tông Anh nói.

“Vậy cháu đưa di động cho bà ngoại đi.”

Tông Anh chuyển điện thoại cho bà theo lời cậu, bà ngoại lại nói chuyện với cậu út một lúc, mãi đến khi y tá đến đưa thuốc mới cúp máy.

Tông Anh đứng ngẩn ngơ trong nắng sớm, bà ngoại uống thuốc xong, giục cô nhanh chóng đi ăn sáng: “Cháu đi ăn đi, ăn xong thì về nhà ngủ một giấc, không cần lãng phí cả ngày ở đây.”

Ngày mà cậu út vừa mới nhắc tới liên tục nấn ná trong lòng cô, cô đáp: “Cháu không buồn ngủ lắm.”

Bà ngoại nói: “Không ngủ cũng phải về tắm giặt thay quần áo chứ, cháu xem lại mình đi, trông lôi thôi chưa kìa.”

Quả thật là thế, hai ngày nay cô không tắm giặt thay quần áo, liệu Thịnh Thanh Nhượng có nhếch nhác hơn cô không nhỉ?

Tông Anh nhanh chóng lấy lại tinh thần và làm theo mong muốn của bà ngoại, cô rời khỏi bệnh viện, trở về chung cứ số 699.

Mở cửa ra, trong nhà không một bóng người.

Cô đi vào phòng tắm, sàn nhà, bồn rửa mặt đều vô cùng khô ráo, không có dấu vết sử dụng trong thời gian gần đây.

Cửa ban công mở rộng, gió nhẹ lay động rèm cửa, cửa tủ sách mà Nghiêm Mạn chuyên sử dụng nửa khép nửa mở.

Tông Anh rảo bước đi tới đóng cửa tủ, ngay khi định đóng nó lại, cô chợt chú ý thấy thứ tự sách bị thay đổi…

Đây không phải là tác phong làm việc của Thịnh Thanh Nhượng, nếu là anh, anh nhất định sẽ đặt lại đúng chỗ cũ, người động vào chỉ có thể là bà ngoại.

Tông Anh rút cuốn sổ ghi chép nhật trình ra, lật đến trang cuối cùng, lại lật trở lại, dừng ở trang ghi ngày 14 tháng 9, ngón tay khẽ vuốt ve, che đi bốn chữ “sinh nhật Tông Anh”.

Ngày đó đến rất nhanh.

Nhiệt độ ở Thượng Hải tiếp tục giảm nhẹ, sáng sớm mây đen đầy trời, kênh dự báo thời tiết nói sẽ có một trận mưa.

Tông Anh thay bà ngoại làm thủ tục xuất viện, đưa bà về chung cư thu dọn hành lý.

Tông Anh vốn định thu dọn thay bà nhưng bà nhất quyết không chịu, nói: “Hành lý của bà đương nhiên phải do bà tự thu dọn, cháu mà động vào là mất trật tự ngay.” Bởi vậy đành kéo dài tới tận ngày khởi hành mới bắt đầu thu dọn.

Từ Nam Kinh trở về, túi hành lý chưa bị ai động chạm tới, bà ngoại gấp từng bộ quần áo một, đột nhiên giũ ra ngoài một chiếc áo sơ mi.

Bà nói: “Ồ, đây là áo của cậu thanh niên kia đúng không?”

Đang ngồi dưới đất cất đồ đạc theo thứ tự, Tông Anh ngẩng đầu nhìn qua, nhận ra đây là chiếc sơ mi Thịnh Thanh Nhượng đánh rơi ở cầu thang khách sạn.

Sau khi giặt sạch nó, cô gần như đã quên mất chuyện này.

Bà ngoại đưa cho cô, dặn dò: “Nhớ trả lại cho cậu ấy nhé.”

Tông Anh nhận lấy áo sơ mi, cúi đầu nói: “Cháu biết ạ.”

Áo sơ mi được giặt sạch sẽ, thậm chí đã tẩy đi mùi khói lửa chiến tranh tràn ngập trong không khí, thứ mùi chỉ chỉ thuộc về thời đại kia, thay vào đó là mùi bột giặt lưu lại sau khi được giặt sạch sẽ của thời hiện đại.

Không lưu lại bất kỳ dấu vết nào, Tông Anh nghĩ.

“Sao gần đây không thấy mặt cậu ấy vậy?”

“Anh ấy bận ạ.”

“Nghe qua là biết đây là cớ để lấy lệ bà già.” Bà ngoại hiểu rõ chuyện này, “Bà đâu có lẫn, nhưng bà không quản được quá nhiều chuyện, chỉ cần cháu sống vui vẻ tự tại, thế nào cũng được.”

Không hiểu sao, lòng Tông Anh đột nhiên thoáng chua xót.

Lúc này, chuông cửa đột ngột vang lên, bà ngoại nói: “Chắc là cậu út của cháu đấy, cậu đi từ tối qua mà.”

Tông Anh lập tức đứng dậy mở cửa, cậu út đang đứng bên ngoài: “Có phải cậu đến sớm quá không?”

Bà ngoại nói: “Không sớm đâu, lập tức sẵn sàng lên đường.”

Cậu út giơ tay nhìn đồng hồ: “Nếu đã thu dọn xong xuôi, vậy chúng ta cùng đi ăn cơm trưa nhé?”

Bà ngoại nói: “Sáng nay, trên đường từ bệnh viện về, mẹ với Tông Anh đã mua thức ăn rồi, cùng nhau bắt tay vào làm thôi, chẳng mấy mà được ăn.”

Tông Anh cũng nói: “Cháu đã vo gạo xong rồi.”

Cậu út vào nhà, xắn tay áo rửa tay: “Đã lâu không nấu cơm, có chút ngượng tay, lát nữa hai người đừng chê.”

Đồng hồ để bàn cũ trong phòng khách chậm chạp chuyển động, khói bốc lên từ phòng bếp, cửa sổ nửa khép nửa mở, làn gió ẩm ướt man mát thổi vào, trong căn hộ, có người nói chuyện, có người đi đi lại lại, có tiếng nồi bát muôi chậu va chạm…

Trong một khoảnh khắc nào đó, Tông Anh suýt cho rằng mình trở lại nhiều năm trước kia.

Nhưng lúc bát đũa được dọn lên bàn ăn, bộ bát đũa để một góc vẫn kéo Tông Anh về thực tế.

Bà ngoại nhìn bộ bát đũa kia, hồi lâu vẫn chưa lấy lại tinh thần, lát sau bà nói: “Hôm nay là ngày giỗ của Tiểu Mạn, lát nữa ăn cơm xong, chúng ta đi tảo mộ cho con bé đi.”

Tông Anh cũng cụp mắt, đáp: “Được ạ.”

Đối với Tông Anh, con đường từ chung cư đến nghĩa trang quen thuộc đến không thể quen thuộc hơn.

Công việc của cô yêu cầu thường xuyên có mặt ở nhà tang lễ, làm xong công việc ra về, có thể trông thấy nghĩa trang với hàng cây xanh um.

Cô biết Nghiêm Mạn đang yên nghỉ tại nơi đó, nhưng tro cốt chỉ là một đống vật chật vô cơ, cho dù có tưởng niệm đến mức nào, nó đều chẳng hay biết.

Bởi vậy, cô thường ngắm nhìn từ xa, chưa một lần đến gần.

Đã rất nhiều năm trôi qua kể từ lần tảo mộ trước đó.

Bầu trời u ám, mộ bia cũng âm u, chỉ có Nghiêm Mạn trên tấm ảnh dán trên bia mộ của vẫn trẻ trung rực rỡ như cũ.

Phủi hết tro bụi trên bia mộ, bà ngoại khom người đặt chậu hoa trong lòng trước tấm bia, hỏi: “Con sống có tốt không? Mẹ rất nhớ con.”

Nghe giọng nói chan chứa sự đau thương đầy kiềm chế của bà, hốc mắt Tông Anh cay xè, cô thoáng ngẩng đầu lên.

Xa xa, những đám mây dày đặc cuồn cuộn, tiếng sấm nặng nề, mưa gió nổi lên.

Tông Anh khom lưng đỡ bà ngoại đứng lên, lại nghĩ tới cuốn sổ ghi nhật trình của Nghiêm Mạn trong tủ, cuối cùng mở miệng hỏi: “Bà ngoại, bà đã xem qua sổ ghi chép vào năm cuối đời của mẹ cháu chưa?”

Bà ngoại khẽ thở dài.

Tông Anh nói tiếp: “Sau ngày 19 tháng 4, mẹ cháu còn sắp xếp những chuyện khác nữa, tại sao lại tự sát?”

Bà ngoại cũng không giật mình, nghiêng đầu nhìn cô, trong đôi mắt ngày càng đục ngầu chất chứa sự bất lực: “Vậy nguyên nhân cái chết là gì? Mưu sát ư? Cháu có chứng cứ gì không?”

Tông Anh kìm nén cảm xúc, trả lời theo thứ tự: “Cháu không biết, cháu không thể xác định, cháu không có chứng cứ.”

Bà ngoại lại thở dài, sau đó cầm lấy tay cô.

Ngay khi Tông Anh cho rằng bà ngoại không muốn mở miệng nữa, bà ngoại nói: “Nếu chuyện này khiến cháu hoang mang, vậy hãy tìm ra chứng cứ và điều tra rõ ràng.”

Sắc trời ngày một ảm đạm, trời sắp đổ mưa to, nhân viên nghĩa trang đứng bên cạnh uyển chuyển thúc giục “Nếu tiếp tục trì hoãn sẽ gặp mưa to đấy”, Tông Anh trở tay nắm lấy tay bà ngoại.

Ra khỏi nghĩa trang, Tông Anh đưa bà ngoại và cậu út đến sân bay, trải qua mưa gió và tắc đường, lúc đến nơi đã chạng vạng, bầu trời đen kịt.

Đỗ xe xong, Tông Anh đưa họ vào, trong đại sảnh ẩm ướt lành lạnh, trên đầu vô số ánh đèn trắng đang tỏa sáng, bởi thời tiết xấu, trên màn hình lớn hiển thị một loạt chuyến bay bị trì hoãn, họ đành phải chờ một lúc.

Bà ngoại bảo cô về trước, Tông Anh liền từ chối: “Mưa to, đi đường không an toàn, cháu chờ mưa tạnh lại đi.”

Lý do cô đưa ra rất hợp lý, bà ngoại cũng hết cách, đành mặc cô ở lại.

Trong đại sảnh sân bay người qua người lại, có đứng, có ngồi, nửa tiếng sau, một đôi tình nhân ngồi xuống cạnh Tông Anh.

Nữ sinh cúi đầu xem tin tài chính kinh tế, Tông Anh nhìn thoáng qua liền trông thấy năm chữ “sản xuất thuốc Tân Hi” trên tiêu đề bài viết.

Nữ sinh kia phát hiện thấy có người nhìn điện thoại của mình, lập tức điều chỉnh góc độ xem điện thoại.

Tông Anh quay đầu đi, lấy di động ra khỏi túi, bật trang web, tìm bài viết tương tự.

Tựa đề là “Lữ Khiêm Minh lại giơ chiêu bài sản xuất thuốc Tân Hi, số cổ phần nắm giữ vượt qua đại cổ đông số một Tông Khánh Lâm”.

Bên dưới thưa thớt bình luận, mặc dù không náo nhiệt như tin tức xã hội, nhưng trong đó có một bình luận được rất nhiều người tán đồng.

Bình luận đó là…

Gần đây ông Lữ thu mua một lượng lớn cổ phiếu từ thị trường thứ cấp, bản thân ông ta giữ đến 5.03% cổ phần, ông ta còn sở hữu hai công ty nắm 10.23% cổ phần của Tân Hi, thực tế ông ta đã có 15.26% cổ phần;

Hiện tại, tổng số cổ phần của ông Tông là 15.3%, nếu ông Lữ tiếp tục gom cổ phần, ông Tông thật sự rơi vào thế nguy cơ bốn phía.

Lời phản hồi kế đó là: “Nhưng đừng quên, phu nhân nhà họ Tông là em gái Hình Học Nghĩa, người tử vong bởi tai nạn xe cộ. Trong tay kẻ độc thân kia có khoảng 2.6% cổ phần, phần tài sản này thể nào cũng rơi vào tay em gái ông ta, bà ta đồng lòng nhất trí với ông Tông, bất kể chuyện gì xảy ra, nhà họ vẫn chiếm ưu thế.”

Tiếp đó là trận tranh cãi ầm ĩ.

Phản hồi cuối cùng được gửi từ mười phút trước, người kia nói…

Em gái của tay họ Hình có một lòng với nhà Tông Khánh Lâm hay không, quỷ mới biết.

Giọng điệu hàm chứa trào phúng, như thể biết rõ nội tình, bốn chữ cuối cùng khiến người đọc cũng phải rùng mình.

Nữ sinh bên cạnh Tông Anh đại khái đã xem xong, thì thầm một tiếng “Cái này mà cũng hóng hớt, thật xấu tính”.

Lúc này, loa trong sân bay nhắc nhở mọi người lên máy bay, bà ngoại nheo mắt đối chiếu với vé máy bay trong tay, tiến lại gần Tông Anh hỏi: “Đến chuyến bay của chúng ta rồi đúng không?”

“Vâng ạ.” Tông Anh lập tức đứng dậy, cậu út cũng đứng lên.

Tông Anh đỡ bà ngoại, cậu út xách hành lý lên máy bay.

Tông Anh đưa họ đến cửa kiểm soát an ninh, vươn tay ôm bà ngoại, nói: “Chúc bà phẫu thuật thuận lợi, cháu sẽ nhớ bà lắm đấy, bà Phương.”

Bà ngoại trái lại an ủi cô: “Bác sỹ nói quá lên thôi, chỉ mổ vết thương nhỏ, cháu không cần coi là chuyện quan trọng. Ôi, cháu ôm chặt quá, bà không thở được.”

Tông Anh buông tay để bà đi.

Bà ngoại khập khiễng đi về phía trước, phút cuối cùng đột nhiên quay đầu lại nhìn cô.

Tông Anh vẫy tay thật mạnh về phía bà, bà ngoại cũng đưa tay lên vẫy chào cô.

Chẳng mấy chốc, mái đầu bạc trắng kia khuất bóng.

Vào khoảnh khắc này, lòng Tông Anh chợt nảy sinh cảm giác hụt hẫng, cô xoay người trở về, con đường phía trước dường như trống trải hơn.

Cơn mưa bên ngoài đã tạnh, sấm sét cũng ngơi nghỉ, cô tùy ý nhìn xung quanh, trông thấy nhà vệ sinh nơi Thịnh Thanh Nhượng biến mất, trong nháy mắt, đáy lòng chợt sinh ra cảm giác ràng buộc mỏng manh.

Đêm mưa trung tuần tháng chín, thời tiết mát mẻ vừa phải, trong màn đêm trong lành đẹp đẽ, radio trên ô tô phát các ca khúc, Tông Anh không nghe lọt một từ nào.

Trở lại chung cư 699, cô ngừng xe lại, đã qua mười giờ tối.

Tông Anh lùi về phía sau vài bước, ngẩng đầu nhìn cửa sổ nhà mình – tối om, không chút sức sống.

Cô cúi đầu giẫm lên giọt nước dưới đất, cho tay vào túi áo, đi đến cửa hàng tiện lợi 620.

Thật bất ngờ, trong tiệm cũng đang phát tình khúc buồn, gió lạnh vẫn ra sức thổi.

Tông Anh tiện tay cầm hai miếng onigiri rồi lại để xuống, đi đến giá mì ăn liền, cầm một bát mì tôm đắt tiền nhất.

Trả tiền xong, cô xé nắp giấy, đổ nước sôi vào rồi bưng bát mỳ ngồi gần cửa sổ chờ đợi.

Sau mấy ngày mệt mỏi, cả người gần như kiệt sức, ngay cả mùi thức ăn thơm nồng cũng không cách nào thức tỉnh dây thần kinh trì trệ, chỉ có vầng trán vẫn ra sức đổ mồ hôi, xem như có phản ứng.

Cô uống thuốc, vén nắp giấy lên, cầm đôi đũa, mỳ còn chưa đưa lên miệng, di động bỗng rung mạnh một cái.

Tông Anh nhanh chóng lấy di động, mở mục tin nhắn chưa đọc…

Người gửi là Tiết Tuyển Thanh, nội dung chỉ có một tấm ảnh mơ hồ.

Còn chưa kịp mở hình ảnh, ngay sau đó, Tiết Tuyển Thanh lại gửi tin nhắn thứ hai đến: “Thấy không? Ảnh chụp từ camera theo dõi, tìm thấy người kia rồi!”

Tông Anh cúi đầu ngẩn người, đột nhiên có người gõ vào tấm kính trước mặt cô.

Anh khom người gõ nhẹ vào cửa, Tông Anh ngẩng đầu lên.

Cách tấm kính thủy tinh, khuôn mặt còn chưa lành vết thương của anh hiện lên nụ cười dè dặt, đồng thời đưa tới một hộp đồng hồ đeo tay.

Trên hộp in quảng cáo của nhãn hiệu Omega những năm hai mươi đến bốn mươi của thế kỷ trước…

The right time for life.

“Sinh nhật vui vẻ, Tông tiểu thư.”



Lời tác giả:

Tông Anh: Tuy không tổ chức sinh nhật rất nhiều năm rồi, nhưng món quà này quá tuyệt, phải nhanh tay cất kỹ mới được, có thể bán lấy tiền.



Có nhiều nơi kiêng tặng đồng hồ, nhưng không có nghĩa là tất cả mọi nơi, tất cả mọi người đều kiêng, không cần quan tâm đến chuyện này, về phần tại sao lại tặng đồng hồ, vậy chương sau gặp lại.



(*) Người Trung Hoa rất kỵ tặng đồng hồ vì tặng đồng hồ hay có âm nói nghe như dự tang lễ nên họ rất ky. Chúng ta không vì lý do đó mà cho là xấu, nhưng đồng hồ là vật đo lường thời gian, gián tiếp thu ngắn hay giới hạn cuộc sống, có ý nghĩa rất xấu nên tránh. (nguồn: phong thuỷ vi diệu)