Vinh Hoa Phú Quý - Phủ Thiên

Chương 349



Nếu nói một hoàng tử như Trần Thiện Ân xưa nay gã chưa từng để ý lại đột nhiên vạch trần chân tướng vụ gã vội vàng chạy từ kinh thành tới đây, mặc dù Đỗ Trung vừa kinh ngạc vừa giận dữ nhưng vẫn có thể kiềm nén được, trái lại câu nói sau cùng đầy thâm ý của Trần Thiện Ân lại như một thùng nước đá xối xuống đầu gã, khiến gã không khỏi lạnh thấu tim. Gã biết nếu ngày nào đó Thái Tử Trần Thiện Chiêu đăng cơ, với sự cương nghị ghét cái ác như thù thì tất nhiên sẽ loại gã ra rất xa, cho nên gã mới bằng bất cứ giá nào tận hết sức lực xúi giục Trần Thiện Duệ đi tranh, ký thác kỳ vọng vào vị Yến Vương điện hạ có thể giống như Hoàng đế cũng đã từng là Triệu Vương đoạt được ngôi đại bảo. Đến lúc đó công thần ủng hộ lên ngôi như gã đây có thể "nước lên thì thuyền lên" thăng chức rất nhanh. Tuy nhiên, hiện giờ Yến Vương phi hóa ra mẫu tử bình an, gã tránh được một kiếp nhưng cũng bị đẩy vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan vô cùng xấu hổ!

Cho dù ngày nào đó Trần Thiện Duệ thật sự thành công đăng cơ, Yến Vương phi Vương Lăng tất nhiên là Hoàng hậu, còn có đích trưởng tử, chẳng phải gã sẽ tiêu đời? Suốt mấy năm qua, gã khuyên biết bao nhiêu nhưng Trần Thiện Duệ vẫn không hề có một nhi tử thứ xuất nào, đủ có thể thấy tuy có một chút bất mãn đối với Yến Vương phi Vương Lăng nhưng cũng không phải gã có thể ly gián, huống chi hiện giờ còn có đích trưởng tử! Cái thằng ruồi bu Trần Thiện Duệ này, tự hào là văn võ toàn tài kế hoạch vĩ đại, rốt cuộc chẳng phải cũng giống Trần Thiện Chiêu, một tên đàn ông thiển cận do dự không quyết đoán bị đàn bà quản chế mà thôi!

Thấy Đỗ Trung tuy nhìn như bình tĩnh uống trà nhưng ánh mắt láo liên để lộ tâm tình tuyệt đối không bình tĩnh,Trần Thiện Ân khẽ cười: "Còn có một việc ta phải nhắc nhở Đỗ đại nhân, chuyện ông và Tứ đệ lui tới cực mật đã không còn là bí mật. Hiện tại Đại ca không phản ứng nhưng chưa chắc tương lai vẫn mặc kệ; Tam đệ thân thiết với Đại ca đến mức có thể mặc chung một cái quần; còn phần Tứ đệ lần này cũng chỉ vì ông mới ra nông nổi này. Xem ra vị Chỉ huy sứ Kim Ngô tả vệ Đỗ đại nhân thật phải biến thành cô thần trước mặt phụ hoàng."

Cô thần... kẻ thí mạng. Gã không muốn giống như nội thị Lý Trung trước mặt Thái tổ hoàng đế, cả đời trung thành và tận tâm hoàn toàn không có nguyện vọng, đến khi chết cũng không được toàn thây. Loại ân sủng chôn cùng Hoàng lăng chỉ để dành cho người chết, người còn sống thì được ích lợi khỉ khô gì!

Đỗ Trung đột nhiên ngẩng đầu, ánh mắt nghiền ngẫm nhìn Trần Thiện Ân giống như lần đầu tiên nhận thức vị Phạm Vương điện hạ này. Nhìn chăm chú hồi lâu, gã khàn khàn hỏi: "Đa tạ điện hạ quan tâm ti chức... Ti chức chỉ là một giới hèn mọn, sinh tử vinh nhục không đáng nhắc đến, nhưng điện hạ là cành vàng lá ngọc, không biết có dự tính gì cho tương lai hay chưa?"

Thấy Đỗ Trung hộc ra một vấn đề gọn gàng dứt khoát như vậy, Trần Thiện Ân sáng mắt nhưng làm ra vẻ thản nhiên đáp: "Phía trên là trưởng huynh hành sự ổn trọng, phía dưới là hai đệ đệ võ nghệ có thể an bang, ta không có chí hướng kinh trời động đất gì cho cam, chỉ muốn làm một vương gia nhàn tản. Thời buổi này, tranh đoạt chi bằng không tranh, đáy lòng phụ hoàng đã như gương sáng. Hơn nữa, chắc hẳn Đỗ đại nhân đã từng nghe qua câu này, "Bọ ngựa bắt ve, chim sẻ rình phía sau", hoặc là câu, "Trai cò đánh nhau ngư ông đắc lợi"?"

Nghe đáp án chính mình đã đoán trúng vài phần, Đỗ Trung hít một hơi thật sâu. Tuy nhiên, gã đã bỏ vốn quá lớn trên người Trần Thiện Duệ, hơn nữa mọi người đều coi gã là người của Yến Vương. Giả dụ như lúc này phản chiến, vậy còn có vô số vấn đề phiền toái cần giải quyết.

Trần Thiện Ân dường như nhận ra Đỗ Trung chần chờ, bèn cười tủm tỉm trấn an: "Đỗ đại nhân không cần do dự, ông là người của Tứ đệ, ta không có ý gì khác. Chỉ cần có một số việc nếu ông có thể báo sớm cho ta một tiếng là được. Chuyện nhỏ không tốn sức cũng chẳng đáng gì, Đỗ đại nhân sẽ không cự tuyệt chứ?"

Hóa ra Trần Thiện Ân không phải bức bách muốn mình lập tức quy phục, Đỗ Trung tức khắc như trút được gánh nặng, đáy lòng thầm bội phục vị Phạm Vương không hiện sơn không lộ thủy này. Loại chuyện đặt tiền cược cho cả hai đầu như vậy, gã cũng không có gánh nặng tâm lý, thậm chí ngay cả Chu Phùng Xuân cũng lôi hai chất nữ ra định chơi chiêu này đấy thôi?! Khổ nỗi Thái tổ hoàng đế chết quá bất ngờ làm người trở tay không kịp, lợi thế tốt vậy chỉ đành dùng để liên hôn với nhà huân quý. Nếu không nhất định Chu Phùng Xuân sẽ đưa một người cho Đông Cung một người cho Yến Vương, dựa vào mặt mũi của công thần, Hoàng đế đương nhiên cho phép, vậy thì hai vị hậu duệ quý tộc kia còn có thể không cho mặt mũi? Vì thế, Đỗ Trung lập tức cười tươi roi rói: "Phạm Vương điện hạ yên tâm, nếu hôm nào có chuyện gì, tất nhiên ti chức sẽ lập tức báo cho điện hạ!"

Đến khi Đỗ Trung rời đi, Trần Thiện Ân mới hài lòng thở phào nhẹ nhõm. Trong tay hắn thiếu lợi thế đến mức đáng thương, mặc dù nắm được thứ để uy hiếp Đỗ Trung, nhưng muốn cho người đầu nhập mà dùng biện pháp quá cứng rắn thì có thể bị phản phệ. Thay vì làm cho người ta không tình nguyện, chi bằng giữ lại một chút lợi ích thực chất cho con đường tương lai. Hiện giờ phụ hoàng đã tới Bắc Bình, Lỗ Khấu lại bắt đầu ngo ngoe rục rịch ở biên giới phía Bắc, hắn không ngại tranh thủ một chút chuyện càng có ý nghĩa hơn! Mặc dù trước đó ở trước mặt phụ hoàng hắn đã chủ động xin ra trận đi Đại Đồng Khai Phong điều tra vụ Đại Vương Chu Vương mưu phản, nhưng hắn biết rất rõ, phụ hoàng sẽ không sai nhi tử làm chuyện này. Hiện giờ Đại ca giám quốc, Tam đệ trấn thủ Liêu Đông, Tứ đệ vì đứa con mà bất đắc dĩ phải ở lại kinh thành, chỉ có một mình hắn đi theo chuyến Bắc tuần. Nếu phụ hoàng thật sự nảy sinh ý định ngự giá thân chinh... Không, cho dù phụ hoàng không có ý đó thì hắn cũng phải nghĩ cách thúc đẩy, đây là cơ hội ngàn năm một thuở để chính mình có thể ngoi lên!

Mời vào wattpad thăm nhà bà còm. Khi chiếu lệnh thăng cấp Bắc Bình trở thành Bắc Kinh ban bố thiên hạ, Hoàng đế Trần Vĩnh bèn mang theo bộ sậu văn võ đi theo xử trí quân vụ phía Bắc. Đương nhiên Hoàng đế không hề bỏ qua chuyện Đại Vương và Chu Vương mưu phản -- -- Khi vụ này truyền ra, Hoàng đế thuần thục chọn hai người, một là Chương Sưởng, một cũng là Tiến sĩ của năm Trường Ninh thứ ba, lệnh cho hai người một đi Khai Phong, một đi Đại Đồng, tuyên triệu Chu Vương và Đại Vương đến Bắc kinh, chỉ có năm ba hộ vệ đi theo.

Vào ngày Chương Sưởng khởi hành, vừa đến chuồng ngựa đã thấy Trần Hi hấp tấp chạy tới.

"Hoàng trưởng tôn?"

"Tiểu cữu cữu, chuyến này cữu cữu phải nhớ cẩn thận!" Trần Hi hộc ra một câu, thấy người xung quanh đều lui ra rất xa, sắc mặt cậu bé đột nhiên có chút phức tạp: "Đều vì lúc trước Hoàng gia gia hỏi thử cháu mà cháu đưa ra ý kiến như vậy, bây giờ mới liên lụy cữu cữu phải dấn thân vào hiểm cảnh." Ngẫm lại câu trả lời của mình lúc đó cũng không sai, nhưng khổ nỗi người bị chọn không phải ai khác mà là Chương Sưởng, trong lòng Trần Hi không dễ chịu. Tuy Hoàng đế lấy ví dụ là hắn và đệ đệ Thanh Diên, nhưng tình hình hôm nay lại là hai thân vương mạnh nhất sống ở Bắc địa nhiều năm, mặc dù hàm răng không còn nhưng vẫn là hổ già, nếu lỡ có gì sơ xuất thì làm sao bây giờ?

Chương Sưởng nghe vậy sửng sốt, thấy Hoàng trưởng tôn lúc nào cũng khí độ phi phàm trước mặt người khác thế mà hiếm có cúi gầm đầu, hắn bèn mỉm cười trấn an: "Không ngờ hóa ra Hoàng trưởng tôn là người đưa ra chủ ý tuyệt diệu như vậy! Không sao đâu, Hoàng Thượng phái ta đi Khai Phong cũng vì biết ta là con rể tương lai của Chu Vương điện hạ. Huống hồ Chu Vương điện hạ là người tài đức sáng suốt, nếu ta phân trần rõ ràng lợi hại, điện hạ sẽ biết quyết đoán thế nào, xin Hoàng trưởng tôn yên tâm!"

Thấy tiểu cữu cữu không những không có biểu hiện khác lạ mà ngược lại còn tán dương hắn ra ý kiến tuyệt diệu, Trần Hi đầu tiên là ngạc nhiên, sau đó liền nở nụ cười mừng rỡ. Nhìn theo Chương Sưởng lên ngựa mang theo mấy tùy tùng từ cửa phía Nam ra ngoài, Trần Hi nhẹ nhàng siết chặt nắm tay. Khi hắn dự định về thư phòng ôn bài, chợt thấy một nội thị vội vã chạy tới.

"Hoàng trưởng tôn, Hoàng Thượng triệu tập văn võ bá quan nghị sự ở chính điện hành cung, mời ngài đi dự thính ạ!"

Chuyện Trần Hi dự thính nghị sự không phải lần đầu tiên. Mới chín tuổi nên cậu bé đương nhiên không có khả năng biểu hiện phi thường trong thời khắc các danh thần hùng tướng tụ tập, phần lớn chỉ là đứng một bên tỉ mỉ nghe những vấn đề có thể nghe hiểu, cũng có những biện luận hắn chẳng hiểu gì. Mà đứng hầu bên cạnh Hoàng đế có một cái lợi lớn nhất chính là, thỉnh thoảng Hoàng đế sẽ giải thích cho hắn vài câu, có đôi khi chỉ ra hai người đang đối chọi gay gắt rốt cuộc có ân oán tình thù gì, có đôi khi dạy hắn vì sao phải tập trung vào một điểm rất nhỏ trông như không quan trọng, có đôi khi phân tích nguyên nhân hậu quả. Nói tóm lại, mặc dù phải đứng tê cả chân nhưng những kiến thức thu hoạch được cũng không phải là nhỏ. Tuy nhiên, so với bất kỳ lần nghị luận nào trước đây, Trần Hi cảm thấy đều thua xa kỳ này, bởi vì tổ phụ Hoàng đế Trần Vĩnh anh minh thần võ thình lình tỏ vẻ muốn đích thân suất quân Bắc chinh!

Mặc dù Thái tổ hoàng đế từ trên lưng ngựa giành được thiên hạ, Hoàng đế Trần Vĩnh cũng dùng quân công danh chấn tứ phương, nhưng hiện giờ thân là Thiên Tử mà lại suất binh thân chinh, nguy hiểm bực này thật sự quá lớn!

Ngay cả Trần Hi chưa hề mở miệng, trong tiếng phản đối ùn ùn không dứt cũng nhịn không được nhỏ giọng ngập ngừng khuyên: "Hoàng gia gia, "Thiên kim chi tử tọa bất thùy đường", mong ngài suy nghĩ lại."

Thấy trưởng tôn tự mình dạy dỗ mà cũng phản đối, Trần Vĩnh không khỏi nhướng mày. Nhưng đúng lúc này, Trần Thiện Ân đứng bên kia lại cao giọng: "Phụ hoàng thân là Thiên Tử, vốn dĩ không cần thân chinh. Tuy nhiên những năm gần đây, dân chúng phía Bắc mặc dù di chuyển về Nam rất nhiều, nhưng bởi vì Lỗ Khấu liên tiếp quấy nhiễu biên giới, dù có đại thắng Khai Bình năm xưa cũng khó có thể yên ổn lòng dân. Nếu phụ hoàng thân chinh, chẳng những Lỗ Khấu phải bị bất ngờ vì quyết tâm của triều đình ta, ngay cả dân chúng trên dưới cũng sẽ vui mừng khôn xiết phấn chấn tinh thần. Đây là điều tốt nhất cho sự ổn định lâu dài trong tương lai. Tuy võ nghệ nhi thần lơ lỏng nhưng cam nguyện theo phụ hoàng chinh phạt!"

Lời tán đồng hiếm hoi này khiến Trần Vĩnh sửng sốt, sau đó lập tức vui mừng gật đầu. Chứng kiến một màn này, Vĩnh Thanh Hầu Từ Chí Hoa đóng đô mấy năm ở Bắc Kinh bằng bất cứ giá nào cũng xin đi theo ra trận. Có ông ta dẫn đầu, các võ tướng khác làm sao không biết chiếm thời cơ, lúc trước bọn họ được phong tước nhờ quân công đều bị người khác lên án, hiện giờ rốt cuộc có cơ hội khiến lòng người tâm phục khẩu phục, tất cả đều dồn hết sức xin ra trận xuất chinh. Vì thế, khi các võ tướng nghiêng về một bên ủng hộ thân chinh, tiếng phản đối của các quan văn từ từ yếu dần, cuối cùng đành phải trơ mắt nhìn kết cục đã định.

"Vậy thì hãy quyết định như thế, mau chóng điều phối lương thảo và binh mã, trước cuối tháng bảy nhất định phải xuất binh, hành quân đến nơi vừa vặn vào thu, chúng ta sẽ giáng cho Lỗ Khấu một cú thật mạnh. Lệnh người cấp báo Liêu Đông và Khai Bình để bọn họ dự bị hai lộ binh mã!"

Nói tới đây, Hoàng đế nhìn lướt qua Trần Hi và Trần Thiện Ân bên cạnh, trầm ngâm một lát rồi tuyên bố: "Thái Tử đã giám quốc ở Nam Kinh, vậy thì lúc này Hoàng trưởng tôn sẽ ở lại Bắc Kinh giám quốc, Hoàng Tam tử Phạm Vương phụ tá."

Trần Thiện Ân vốn đang phấn khích vì may mắn đắc kế, nghe Hoàng đế tuyên bố tức khắc ngây ngốc. Hắn biết với võ nghệ của mình sẽ không có khả năng bị phụ hoàng lựa chọn đi theo xuất chinh, hơn nữa xóc nảy trên lưng ngựa hắn cũng chịu không nổi, nếu đã như thế, chắc chắn hắn sẽ được giao nhiệm vụ ở lại Bắc Kinh chủ trì đại cục. Thế nhưng phụ hoàng lại cho Trần Hi mới chín tuổi ở Bắc Kinh giám quốc, còn thúc phụ hắn đây gần ba mươi tuổi thì chỉ làm phụ tá! Điều làm cho tâm trạng của hắn càng khó bình ổn chính là, Trần Vĩnh giải quyết dứt khoát xong, kêu Trần Hi tới nhẹ nhàng xoa đầu cháu trai.

"Chờ sau này con lớn hơn một chút, trẫm sẽ đưa con ra chiến trường trải nghiệm thật tốt! Con cháu hoàng tộc lớn lên trong tay phụ nữ chốn thâm cung sẽ không làm nên trò trống gì! Nếu không phải vì thời trẻ thân thể phụ thân con bị tổn hại quá lớn, trẫm cũng không để hắn làm một thư sinh văn nhược!"

Tác giả Phủ Thiên: Giải thích một chút, Hoàng Thái Tử giám quốc phía Nam, Hoàng trưởng tôn giám quốc phía Bắc, chuyện này không phải tôi bịa đặt đâu nhé. Trong thời Vĩnh Nhạc đã từng trải qua...

Ghi chú của bà còm: Thiên kim chi tử tọa bất thùy đường, đây là câu tục ngữ xuất hiện trong bộ Sử ký của Tư Mã Thiên. Nghĩa đen: Người đáng giá nghìn vàng không ngồi dưới mái hiên (vì đề phòng ngói rớt trúng đầu). Nghĩa bóng: Người quý giá không nên đặt mình vào hoàn cảnh nguy hiểm.