Vinh Hoa Phú Quý - Phủ Thiên

Chương 394: Ngoại truyện 3. VẦNG TRĂNG TỎA SÁNG



Từ lúc còn rất nhỏ, ta đã nghe nhũ mẫu kể rằng, trước khi ta sắp chào đời chính là thời khắc gian nan nhất của Đại Tề.

Trong cung có Thái Thượng Hoàng bệnh nặng không dậy nổi, phụ thân hầu bệnh ngày đêm ở Thanh Ninh cung. Ngoài cung có Khai Bình bị bao vây, ngoại tổ phụ đảm nhiệm chức Tổng binh của Khai Bình đang lãnh quân sĩ thủ thành, không biết có thể duy trì bao lâu. Dưới tình huống loạn trong giặc ngoài, ta lại không muốn ngốc lâu hơn trong bụng mẫu thân. Khi ta trưởng thành mới biết, sinh sản là một cửa ải khó khăn nhất người phụ nữ phải vượt qua, nói là quỷ môn quan cũng không ngoa. Tuy nhiên, đối mặt với hiểm cảnh như vậy, mẫu thân dường như đã sớm an bài hết thảy, tổ mẫu đích thân đến phòng sinh ở Đông Cung. Cuối cùng, mặc dù sinh non nhưng ta vẫn bình an chào đời, được bế tới trước mặt Thái Thượng Hoàng.

Các cung nhân đều kể, Thái Thượng Hoàng đang hấp hối nhìn thấy chắt gái cực kỳ cao hứng, đích thân đặt tên cho ta là Kiểu, còn cho ta nhũ danh Minh Nguyệt. Chỉ trong vòng mấy canh giờ sau khi nhìn thấy ta, dường như tâm nguyện cuối cùng đã hoàn thành, Thái Thượng Hoàng nhắm mắt xuôi tay. Ngay sau đó, khi Tam thúc Liêu Vương dự tính lãnh binh cứu viện Khai Bình, phía Bắc lại truyền đến tin tốt, nói ngoại tổ phụ đã đánh thắng trận lớn, nhất thời cả nước hân hoan. Tổ phụ Thái Tông Hoàng đế mừng rỡ khôn xiết, lập tức ban niên hiệu Trường Ninh cho ta làm phong hào.

Phụ hoàng và mẫu hậu cầm sắt hài hòa phu thê tình thâm, bãi bỏ thông lệ tam cung lục viện bảy mươi hai phi tần của các triều đại trước. Cả đời phụ hoàng chỉ có một mình mẫu hậu, còn mẫu hậu trước sau sinh cho phụ hoàng năm nhi tử, chỉ có một nữ nhi là ta. Ta từng chứng kiến hai người tóc trắng xoá nắm tay nhau đi dạo trong Ngự Hoa Viên, ánh nắng xán lạn chiếu trên mái đầu không còn bóng mượt, bóng lá loang lổ in trên gương mặt không còn trắng nõn mịn màng, nhưng ta vẫn có thể nhìn thấy loại thoải mái thanh thản không cách gì giả mạo từ trên người họ. Trong bầu không khí yên bình và tĩnh lặng, sau khi họ lần lượt rời đi, dường như hình ảnh của họ đã khắc cốt minh tâm không thể nào quên được, thậm chí còn xuất hiện nhiều lần trong giấc mơ của ta.

Người khác thường nhận xét, trên đời này phụ nữ tôn quý nhất không phải Hoàng hậu mà là Hoàng Thái hậu, bởi vì Hoàng hậu có thể bị truất phế, trong khi Hoàng Thái hậu có nhi tử thân sinh ngồi trên ngôi vị Hoàng đế nên vững như Thái Sơn, không có nỗi lo về sau. Ta từng coi lời này trở thành câu chuyện hài hước nói cho mẫu hậu nghe khiến mẫu hậu cười to. Mẫu hậu nói với ta, đó là vì từ xưa đến nay không có một vị Hoàng đế như phụ hoàng, mỗi một Hoàng hậu đều phải phân chia trượng phu của mình cho người khác, còn phải lo lắng không có nhi tử, có nhi tử thì lại lo lắng người khác sẽ tranh vị với nhi tử mình; cảm giác "Ăn bữa hôm lo bữa mai" loại này dĩ nhiên không thoải mái bằng làm một Hoàng Thái hậu thủ tiết. Khi đó ta nghe xong chỉ càng kính phục phụ hoàng, mà sau khi phụ hoàng qua đời không đến một năm, mẫu hậu giống như "dầu hết đèn tắt", bệnh nặng đi theo. Lúc ấy ta mới hiểu rõ, một đôi phu thê chân chính gắn bó bên nhau, tình thâm ý trọng, khi một người không còn thì người kia có lẽ giống như phồn hoa tan hết hoa tươi, suy bại hoàn toàn.





Ta vô cùng thương tâm khi lần lượt mất đi phụ hoàng và mẫu hậu, nhưng Đại ca sớm qua tuổi bốn mươi càng thương tâm hơn. Đại ca mười tuổi được sắc lập thành Hoàng Thái tôn, sau khi phụ hoàng đăng cơ được sách phong thành Hoàng Thái Tử, xem như ngồi trên vị trí trữ quân suốt ba mươi năm. Ai cũng nói làm Hoàng Thái tử là khó nhất, nhưng sau khi Đại ca trưởng thành, phụ hoàng bắt đầu buông tay chấp chưởng, giao cho Đại ca lo liệu rất nhiều chuyện, thậm chí vài lần đưa ra ý muốn thoái vị làm Thái Thượng Hoàng. Nếu không phải Đại ca kiên trì không chịu đáp ứng, quần thần vì thế mà quỳ cầu ba lần, thiếu chút nữa phụ hoàng đã thành công. Dù vậy, phụ hoàng vẫn từng lưu trữ Đại ca ở kinh thành giám quốc, chính mình chỉ mang theo cực ít tùy tùng không phù hợp phô trương, đưa mẫu hậu leo núi Thái Sơn, du thuyền trên Tây Hồ, thậm chí khi trùng tu Hoàng Hạc lâu còn tự mình đề thơ trên vách, căn bản chưa bao giờ nghĩ đến nếu có người nhận ra ngự bút thì nên làm gì bây giờ.

Nếu không phải khi đó ta đang mang thai, chắc chắn cũng muốn đi theo rồi. Nhưng sau này ngẫm lại, cả đời phụ hoàng mẫu hậu đều sống dưới mí mắt của muôn vàn người, tội gì ta phải đi theo quấy rầy, làm cho sự thoải mái tự do hiếm có của họ bị tổn hại?

Cuối cùng phụ hoàng và mẫu hậu đi khắp thiên hạ cũng qua đời, người ngồi trong Kim Loan Điện đổi thành Đại ca. Tuy nhiên, so sánh với Nhị đệ không có tham vọng chỉ thích mỹ thực uống rượu, thậm chí tự mình nghiên cứu bao hết công việc ủ rượu trong cung, so với Tam đệ một lòng học theo Tam thúc chỉ muốn đánh giặc, còn có Tứ đệ theo Uy Ninh Hầu ra biển thám hiểm, và một Ngũ đệ kế thừa tính tình của phụ hoàng cả ngày lôi kéo tiểu cữu cữu thị sát trường học khắp nơi, mấy đứa con trai của Đại ca thực không làm người bớt lo.

Đại tẩu giống mẫu hậu nhiều tử nhiều phúc, nhưng khác với hoàn cảnh bấp bênh thuở sơ khai khi mẫu hậu gả cho phụ hoàng, thời điểm Đại tẩu gả cho Đại ca thì thiên hạ đã thái bình, nhiều lắm là có một số khúc mắc nho nhỏ trong triều bởi vì phụ hoàng vừa lên ngôi và việc dùng người. Cho nên, trong vòng bốn năm Đại tẩu sinh ba nhi tử, bọn nó tuổi tác cách nhau không lớn, vừa ra đời đã được hưởng vinh hoa phú quý, đối với vị trí Đông Cung cũng như hổ rình mồi. Vì thế, sau khi Đại ca đăng cơ tuy sắc lập đích trưởng tử thành Hoàng Thái Tử, hai đứa cháu kia của ta vẫn không yên phận. May mắn thay, cuối cùng Đại tẩu sinh một nhi tử nhỏ tuổi hơn rất nhiều so với ba đứa trước, nếu không có lẽ thật sự phải trình diễn một màn "Tứ long đoạt đích".

Đại ca là người thông minh, Đại tẩu cũng là người thông minh, vậy mà khi đối mặt với nhi tử của chính mình, hai người thông minh lại vẫn hết đường xoay xở. Mẫu hậu từng kể ta nghe chuyện Tứ thúc Yến Vương, mặc dù mỗi người đều biết Tứ thúc đã từng tranh đoạt vị trí Đông Cung với phụ hoàng, nhưng phụ hoàng đối với Tứ thúc vẫn rất tin cậy, sau khi đăng cơ không lâu đã lệnh Tứ thúc suất quân bình Miến, đánh giặc xong bèn dẫn Tứ thẩm đi chu du thiên hạ. Lần cuối cùng khi ta thấy họ là lúc họ mang theo năm trăm hộ vệ tinh nhuệ, đi đến một đất nước xa xôi trên Con đường tơ lụa nổi danh từ thời Thịnh Đường. Mẫu hậu nói, dã tâm một khi bành trướng sẽ rất khó làm nó trôi đi, Tứ thúc đã dừng cương được trước bờ vực bởi vì thúc ấy rốt cuộc là chính nhân quân tử, khinh thường những âm mưu nhỏ nhen quỷ quyệt. Thế mà hai đứa cháu của ta lại cho thấy không phải chính nhân quân tử như vậy, cũng không giống mấy đệ đệ của ta có những yêu thích khác.

Bọn nó cố gắng nịnh bợ cô cô duy nhất là ta, thậm chí hai thằng nhóc vô dụng nhà ta cũng suýt chút nữa bị lôi lên thuyền tặc. Nếu không nhờ tiểu nữ nhi của ta tới cáo trạng, ta tức giận ném hai thằng nhóc không nên thân cho vị đường đệ Liêu Vương kế thừa tước vị Tam thúc dạy dỗ, rồi còn cãi nhau một trận thật lớn với người trượng phu hiền lành trong nhà, có lẽ hai nhi tử của ta thật sự sẽ lên thuyền tặc có thể chìm bất cứ lúc nào. Bởi vì chuyện này, rốt cuộc ta không thể nào làm lơ không quan tâm, đành phải thẳng thắn bẩm báo trước mặt Đại tẩu. Lần đó, vẻ mặt vừa đau lòng vừa thất vọng của Đại tẩu khiến ta cả đời không quên.

Rốt cuộc Đại ca vẫn nén đau hạ quyết tâm. Năm xưa phụ hoàng biên soạn thịnh thế đại điển, mặc dù sao chép hai bộ trân quý để ở Nam Kinh và kinh thành, nhưng vì đủ loại nguyên nhân vẫn chưa từng xuất bản. Lúc này, Đại ca lấy lý do xuất bản sách để hoài niệm phụ hoàng, phái Nhị nhi tử và Tam nhi tử mang theo mười người vơ vét thư pháp trong cả nước phụ trách sao chép khắc bản ấn chế. Bởi vì ít người, công việc này phải kéo dài suốt năm năm. Trong năm năm đó, hai đứa cháu của ta ngoại trừ gặp mặt các nho sinh sở trường về thư pháp thì không còn cơ hội tiếp xúc với kẻ khác có thể lung lạc, mà đại đa số các quan viên giao hảo với bọn nó đều bị Đại ca tống cổ tới nhậm chức tận chân trời góc biển.

Còn phần Hoàng Thái tử thì bị Đại ca trực tiếp phái đi tuần tra thiên hạ nơi gặp tai hoạ. Bất kể là nạn lụt úng hay hạn hán, hay thiên tai do châu chấu gây ra, Đại ca đều bắt Hoàng Thái tử cành vàng lá ngọc tự mình đi tuần tra cứu tế. Mỗi một lần ta thấy Hoàng Thái tử hồi kinh đều có thể phát hiện hắn đã thành thục trưởng thành hơn. Cho nên sau năm năm, khi ba huynh đệ lại lần nữa hội tụ, mặc dù bọn nó vẫn không có khả năng chân chính hòa thuận yêu thương nhau, nhưng rốt cuộc có sự thay đổi lớn... Cùng lắm là bọn nó phớt lờ nhau, không hề miệng nói một đằng bụng nghĩ một nẻo khiến người chứng kiến không thoải mái.

Thời gian cứ thế trôi qua vùn vụt, từ Trường Ninh Quận chúa đến Trường Ninh Công chúa đến Trường Ninh Trưởng công chúa, nhoáng cái ta đã trải qua ba triều đại, con cái dưới gối cho ta thêm cháu trai cháu gái, các trưởng bối đã từng oai phong một cõi cũng đều rời khỏi nhân thế. Người thành Tuy Dương Hầu phu nhân là Cố Nghi xưa nay rất thân thiết với ta, thế nhưng cũng đi sớm hơn ta một bước. Cuối cùng, ngay cả Đại ca cũng bỏ ta mà đi, để lại Đại tẩu thương tâm muốn chết. Trong khi toàn cung để tang, ta không khỏi nghĩ tới tằng tổ phụ Thái Tổ Hoàng đế mất ngay sau khi ta chào đời, nghĩ tới tổ mẫu Nhân Hiếu Hoàng Hậu cùng đi với tổ phụ Thái Tông Hoàng đế, nghĩ tới phụ hoàng Nhân Tông Hoàng đế mỉm cười rời xa thế gian... Cho nên, nhìn linh vị Hoàng đế, giọng nói dáng điệu và nụ cười của Đại ca dường như ở ngay trước mắt. Lần đó ta ngất xỉu trước linh vị.

Người thích nhất náo nhiệt vui vẻ ta đây dần dần dùng càng nhiều thời gian ngây ngốc trong nhà. Bạn đời của ta thích nhất sưu tầm các kiểu bia đá, các kiểu chung đỉnh, dường như còn yêu thích mấy đồ vật chết kia hơn cả ta. Ông ấy chưa bao giờ biết hồi ức chuyện cũ, cả ngày thấy ai cũng cười ha hả. Nếu gặp ông ấy, những người không biết thậm chí khó mà tin được ông ấy đã từng là Bảng Nhãn đầu tiên được phụ hoàng tuyển chọn trong cuộc thi Đình sau khi đăng cơ. Trong khóa thi kia, Trạng Nguyên là truyền nhân của đại nho nổi danh thiên hạ, Thám Hoa là lang quân tuấn tú ôn nhuận như ngọc, thế mà giữa hai người xuất chúng kia, một Bảng Nhãn tướng mạo trung hậu giống con mọt sách thật không gây chú ý, nhưng vào buổi lễ Truyền Lư ở Kim điện khi ta cố ý đi tới xem náo nhiệt, không hiểu sao liếc mắt một cái là nhìn trúng ông ấy ngay.

Khi ông ấy trở thành phò mã, còn có người chỉ trích văn chương ông ấy không sâu sắc, cùng lắm là nhờ phụ hoàng ban cho danh hiệu vì là hôn phu của nữ nhi duy nhất mà thôi. Nhưng ông ấy trước nay đều không tranh luận không biện giải, cho dù những vị cùng khoa tiếc hận cho ông ấy vì phải lấy công chúa mà vứt bỏ tiền đồ, ông ấy cũng chỉ cười cho qua chuyện. Cuộc sống sau khi thành hôn đều là ông ấy nhường nhịn ta, mỗi lần gặp lúc ta phát giận, chỉ cần hai ba câu của ông ấy là ta giống như đánh vào túi bông. Cuộc sống vợ chồng bình đạm trôi qua từng ngày, không giống phụ hoàng mẫu hậu tri tâm ăn ý, không giống Đại ca Đại tẩu thỉnh thoảng phát sinh va chạm kịch liệt, càng không giống vợ chồng tình thâm ý thiết như nhà người khác hay là cãi nhau gà bay chó sủa. Có đôi khi thậm chí ta suy nghĩ, lúc xưa nếu ta lựa chọn người khác, có phải sẽ không còn cuộc sống bình đạm không hề gợn sóng như thế này hay không?

Đáng tiếc không có chữ "nếu". Năm đó vị Trạng Nguyên bốn mươi tuổi được khôi thủ mà qua tuổi năm mươi đã sớm nhắm mắt xuôi tay; năm đó vị thiếu niên Thám Hoa lang phong độ nhẹ nhàng, dùng hết thời gian trên con đường làm quan vài thập niên, sắp đến già mới được thăng nhiệm tứ phẩm Đại Lý Tự Thiếu khanh, sớm đã mái tóc bạc phơ mặt đầy nếp nhăn, so với ông nhà của ta còn tiều tụy hơn nhiều. Năm đó một nhóm các vị cùng khoa, người thì thành quan nhất phẩm vạn người kính ngưỡng, người thì tham ô vô số bá tánh phỉ nhổ, cũng có người sống bình bình đạm đạm không một tiếng động. Ta không biết ông ấy có hối hận vì bị chọn làm phò mã hay không? Khi ông ấy sau một cơn bệnh phong hàn nhìn như không có gì đặc biệt nhưng lại nằm liệt giường không dậy nổi, vào khoảng khắc cuối cùng trước khi phải rời khỏi nhân thế, ta nhìn đôi mắt ông ấy càng sáng ngời hơn so với lúc bình thường.

"Minh Nguyệt, khi còn nhỏ ta đã thích kim thạch, nhưng người trong nhà đều chỉ trích đây là mê muội mất cả ý chí, bắt buộc ta học hành đi thi khoa cử. Thật ra ta cũng thích viết văn chương, nhưng ta không muốn làm quan, càng không tự tin có thể làm một vị quan tốt. May mắn thay, Nhân Tông Hoàng đế chọn ta làm phò mã. Đời này ta đắc ý nhất chính là, sưu tầm được rất nhiều chung đỉnh bia đá trân quý, viết những câu khắc trên kim thạch không thua tiền nhân, cưới nàng là một công chúa tâm địa rất tốt..."

Câu nói kế tiếp gần như ta không nghe được. Mặc dù ông ấy gộp chung ta với những vật chết kia, nhưng ta lại không cảm thấy bực, thậm chí cầm tay ông ấy nói ríu rít như một đứa trẻ, nhìn ông ấy mang theo nụ cười mỹ mãn mà rời bỏ ta giống như phụ hoàng mẫu hậu và Đại ca. Đến chết ông ấy vẫn chưa nói với ta một chữ âu yếm chàng chàng thiếp thiếp, nhưng điều ông ấy mang đến cho ta chính là cuộc sống bình an hạnh phúc suốt vài thập niên.

Khi ở goá ta trở nên trầm mặc ít lời, mặc dù tân quân đối xử với cô cô duy nhất ta đây lễ ngộ đầy đủ nhưng ta không bao giờ vào Hoàng cung lần nữa. Hai thằng nhóc nhà ta hiện giờ đều rất hiếu thuận, mỗi lần muốn đưa ta rời kinh du sơn ngoạn thủy, hay là muốn đưa ta đi biệt viện giải sầu, ta đều không đáp ứng. Thậm chí tiểu nữ nhi ta thương nhất muốn đón ta về ở với nó, ta cũng không đồng ý. Chính phòng của phủ công chúa không có nam chủ nhân nên thật trống trải, nhưng trong lúc mơ màng, ta luôn cảm thấy các thân nhân đã qua đời vẫn còn ở bên cạnh ta, đêm khuya đi vào giấc mộng nói chuyện với ta, giúp ta giải buồn.

Vào đại thọ tám mươi, trong phủ công chúa cực kỳ náo nhiệt. Những vãn bối ta đã nhận không ra nhớ không được đều đến dập đầu cho ta, nói lên lời chúc "nghìn bài một điệu", mặt mày tươi cười ca tụng ta là công chúa sống thọ nhất của Đại Tề. Ngày hôm đó, thanh âm ồn ào của gánh hát vờn quanh toàn bộ phủ công chúa, đi đến chỗ nào đều có thể nghe được. Mà đương kim Thiên Tử đích thân tới đây càng làm cho khách khứa mãn đường kinh ngạc cảm thán cực kỳ hâm mộ. Uống hết chén rượu thọ do chất nhi hai tay dâng lên, ta không có xem những thọ lễ trân quý kia, chỉ đưa ra một yêu cầu cuối cùng.

- - --Ta muốn lên Vạn Tuế sơn, đến Quỳnh Hoa đảo một lần nữa.

Chân cẳng đã không còn linh hoạt, ta phải ngồi kiệu leo lên núi Vạn Tuế. So sánh với một ngọn núi nho nhỏ trong ấn tượng, hiện giờ Vạn Tuế sơn được cây cối bao quanh, hoa thơm chim hót khắp nơi, thật là cảnh đẹp ý vui. Tuy nhiên, trong ánh mắt ta chỉ có Hoàng cung nguy nga bên dưới. Đó là nơi ta sinh ra, là nơi ta lớn lên, là nơi ta rúc vào lòng phụ hoàng mẫu hậu, cũng là nơi ta gặp được người bạn đời tốt bụng ông trời ban cho ta. Dựa lưng vào cỗ kiệu, ta ngắm nhìn kiến trúc quen thuộc đã lâu, dường như buông xuống được nỗi nhớ thương cuối cùng trong lòng.

Kiếp này là thế, ta không hề tiếc nuối. Nếu có kiếp sau, ta vẫn muốn làm nữ nhi của phụ hoàng mẫu hậu, vẫn muốn làm thê tử của ông ấy. Không phải chỉ có sóng to gió lớn mới là nhân sinh.

- ---o----

LỜI CUỐI SÁCH CỦA TÁC GIẢ PHỦ THIÊN

Khi cả cuốn sách đột ngột kết thúc, có lẽ vài người tiếc nuối, có lẽ vài người thoải mái, có lẽ vài người chưa đã thèm, có lẽ vài người đóng sách lại thở phào một hơi.

Một câu chuyện luôn có kết thúc, cũng như một câu chuyện mới luôn bắt đầu.

"Vinh Hoa Phú Quý" được sinh ra từ truyền thuyết đầy sóng gió vào đầu thời nhà Minh, mà được suy diễn từ đầu đến cuối cho tới bây giờ sớm đã không còn là câu chuyện ban đầu tôi hình dung. Như tôi đã nói từ lâu, các nhân vật trong mỗi câu chuyện đều có sinh mệnh, khi họ lần lượt bước lên sân khấu, họ sẽ dần dần tự tạo cho mình những cá tính độc đáo rồi dấn thân vào con đường vốn nên thuộc về từng người.

Tôi yêu sự thông minh và độc lập của Chương Hàm, cũng thích sự bao dung đại lượng của Trần Thiện Chiêu. Là vai chính trong câu chuyện này, hai người họ xứng đáng với tư cách chung tay trị vì thiên hạ. Tuy nhiên, tôi cũng yêu thích sự kiêu ngạo thẳng thắn của Vương Lăng, là thiên kim của Định Viễn Hầu, hào quang của cô ấy không hề bị sự thông minh tháo vát của chị dâu làm cho lu mờ. Còn Trương Kỳ, một nhân vật đặt ở bất cứ bộ tiểu thuyết nào đều có thể trở thành một nữ chính nhu nhược, nhưng cuối cùng cũng có thể gánh vác trách nhiệm của một chủ mẫu với gia tộc!

Bốn chữ "Trời quang trăng sáng" là tôi yêu nhất. Cho nên, dù tôi biết đề tài chị em tranh chấp, anh em bất hoà, nam nữ cực phẩm nhảy nhót lung tung thường rất ăn khách, nhưng từ đầu đến cuối trong bộ truyện này, Chương Hàm và Trương Kỳ đều là tỷ muội thân mật khăng khít; Chương Hàm và Vương Lăng cho dù có gút mắt về ích lợi nhưng rốt cuộc vẫn là chị em dâu kính phục lẫn nhau; Trần Thiện Chiêu và Trần Thiện Duệ cho dù đã từng tranh đấu gay gắt vì trữ vị đế vị nhưng trong xương tủy vẫn là huynh đệ. Lịch sử tàn khốc và trong hiện thực có lẽ sẽ không tốt đẹp như vậy, nhưng trong tiểu thuyết hư ảo, tôi chỉ hy vọng có thể viết ra một câu chuyện trong sáng và hướng về tương lai tốt đẹp, để độc giả đọc hết cuốn sách sẽ không cảm thấy bức bối mà có được khoảng thời gian thoải mái.

Đây là một câu chuyện về Lọ Lem và Hoàng Tử, chỉ là khi Hoàng Tử kết hôn với Lọ Lem, họ cần nắm tay cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để cuối cùng có một cuộc sống hạnh phúc. Và ngay cả trong cuộc sống hạnh phúc đó vẫn còn vô số khúc quanh và khói mù. Đây là một bộ tiểu thuyết không có xuyên qua hay trùng sinh, nhưng vẫn là một đoạn truyền kỳ đầy những thăng trầm.

Cầu cho những người yêu nhau trên khắp thế giới nên duyên vợ chồng, cầu cho mọi gia đình đều được bình an, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống!

ĐẾN ĐÂY LÀ HẾT!