Ánh hoàng hôn u ám bao phủ, con ngõ Thủ Phách mờ ảo như một bức tranh thủy mặc bị bỏ quên trong góc u tối.
Cách đó ba con phố có một nhà hát kịch, tiếng đàn hồ của vở "Tô Tam Khởi Giải" loáng thoáng vọng đến, càng làm nổi bật sự quạnh quẽ ở nơi đây.
Một người phụ nữ có vóc dáng mảnh mai, tay xách chiếc vali bằng dây mây xuất hiện ở đầu ngõ, ánh mắt mơ màng nhìn vào con ngõ sâu thẳm. Xa cách tám năm, nay trở về gần nhà mà lòng bồi hồi bất an, cô đứng lặng hồi lâu mới hoàn hồn.
Căn nhà nằm ở giữa ngõ, khi đến gần cô nhận ra hai cánh cửa nhà mình đóng chặt, trên đó có khóa, cô định đứng đợi một lúc thì bỗng nghe thấy tiếng tay nắm cửa khoen tròn của một căn nhà sâu trong ngõ bị gõ vang, cánh cửa "két" một tiếng mở ra.
Cô giật mình, theo phản xạ kéo cao khăn quàng cổ màu trắng lên, vội vã bước nhanh ra khỏi ngõ... Sợ gặp lại những người hàng xóm cũ.
Những người rời đi trước khi thành phố thất thủ mà còn có thể trở về nguyên vẹn xem như là may mắn, nhưng cô lại không nhẹ nhõm nổi... Tám năm qua là những chuỗi ngày thất bại, tình cảm đổ vỡ, cuộc sống bấp bênh, cô không còn mặt mũi nào đối diện gia đình, càng không muốn trò chuyện với hàng xóm năm xưa.
Tiếng rao của người bán hàng rong và tiếng đàn tam cùng đàn hồ từ nhà hát càng lúc càng rõ. Khi ngẩng đầu lên, cô nhận ra mình đã đến phố chợ hoa. Chợ đêm vừa mới mở, không khí nhộn nhịp, người đến người đi đông đúc tựa như những cái bóng lấp lóe.
Thời điểm này là cuối năm thứ ba mươi tư của thời Dân Quốc, chính phủ mới tiếp quản Bắc Bình được vài tháng, tất cả mọi thứ đều đang chờ chỉnh đốn.
Khắp nơi trên đường phố vẫn còn nhiều biểu ngữ cũ từ thời Nhật chiếm đóng như "Nhật Hoa thân thiện" và "Xây dựng trật tự Đông Á mới".
Đối với Bạch Tố Khoan, Bắc Bình bây giờ đã trở nên xa lạ. Cô mua một tờ báo từ cậu bé bán báo để giết thời gian, dự định nửa tiếng sau sẽ quay lại ngõ Thủ Phách, lúc đó chắc mẹ hoặc em gái đã về nhà.
Có một dòng chữ trên báo khiến cô sững người - "Bạch Ninh thị".
Họ Ninh vốn hiếm gặp, lại đi cùng họ Bạch của chồng ở phía trước, chẳng lẽ là mẹ cô?
Cô vội vàng lướt qua bài báo có tiêu đề "Toàn cảnh vụ án mạng tại Hà Công Phủ":
"Các bên có liên quan là nhà họ Bạch và nhà họ Mễ, con gái nhà họ Bạch rắp tâm muốn mưu sát con gái nhà họ Mễ nên bị nhốt vào tù, bà Ninh nhà họ Bạch không phục phán quyết, cầm dao lén xông vào dinh thự nhà họ Mễ trên phố Hà Công Phủ, hai bên xung đột, bà Lâm nhà họ Mễ vì tự vệ mà ngộ sát bà Ninh".
Bạch Tố Khoan run rẩy trong lòng: Không thể nào, không thể nào là mẹ mình.
Chân nhanh hơn não, cô chưa kịp hoàn hồn đã chạy về phía ngõ Thủ Phách, nôn nóng muốn về nhà xem thực hư ra sao.
Nhưng cánh cửa gỗ đen vẫn khóa chặt. Cô sốt ruột gõ cửa, nghe thấy một giọng nói già nua từ phía sau dè dặt gọi: "Cô cả?"
Cô quay lại, thấy một ông lão đầu tóc bạc phơ mặc trang phục của người bán hàng đang nheo mắt nhìn để nhận ra cô.
"Ông Hai." Cô còn trẻ thị lực tốt, thoáng cái đã nhận ra ông ấy.
Lúc này ông Đinh Nhị mới tin là cô, khập khiễng bước tới nói: "Cô cả, cô đã về rồi, thế còn cậu rể đâu?"
"Không có cậu rể. Mẹ tôi đâu? Em gái tôi đâu?" Bạch Tố Khoan sốt ruột hỏi.
Ông Đinh Nhị rưng rưng nước mắt, hỏi một đằng trả lời một nẻo: "Không có cậu rể. Cậu cả và cậu hai cũng không có tin tức. Cô là đàn bà phụ nữ, làm sao mà trả thù được đây."
Trả thù?
Một đòn giáng xuống, Bạch Tố Khoan như bị sét đánh!
Bối cảnh trước vụ án Hà Công Phủ - Hồ Tiểu Vân
Bốn tháng trước, tin Nhật đầu hàng truyền đến Bắc Bình, cả thành phố sôi sục, dân chúng đổ ra đường reo hò vui sướng.
Nhưng có người vui thì cũng có kẻ buồn. Cha mẹ Hồ Tiểu Vân đóng chặt cửa sổ, lợi dụng tiếng ồn ào bên ngoài để chỉ đạo người ở nhanh chóng hủy tất cả đồ dùng Nhật trong nhà đi.
Họ còn căn dặn con cái: "Ra ngoài phải nói với người khác rằng, trong thời gian thành phố bị chiếm đóng nhà mình vẫn luôn hướng về hậu phương, ban đêm cả nhà thường mạo hiểm bị Hán gian phát hiện, lén lút nghe đài phát thanh từ Trùng Khánh."
Hồ Tiểu Vân nghe vậy chợt cười khổ: "Cha tưởng người khác không biết bịa ra chuyện ấy à? Bây giờ Hán gian ở Bắc Bình ai chẳng nói thế."
"Đúng thế!" Em gái cô ta cũng nói thêm: "Bạn học của con á, Thẩm Mộc Lan và Phó Nhã Chi còn nói cha mẹ họ đã cứu giúp rất nhiều người hoạt động ngầm của trung ương ở khu vực bị kiểm soát này trong suốt tám năm qua, nghe y như thật vậy. Rõ ràng nhà họ là..."
Cô bé không nói ra hai chữ "Hán gian", vì biết rằng nhà mình cũng thuộc loại đó.
Ông bà Hồ nghe con nói mà nản lòng, bây giờ Hán gian khắp cả Bắc Bình đều đang tìm cách vớt vát, nhưng gia đình họ đã chậm hơn người khác một bước.
Nhưng không có cách nào khác, dù có chết cũng không thể thừa nhận mình là Hán gian.
Hai ông bà mạnh miệng nói: "Đừng lo, nhà mình đâu có làm việc cho quân Nhật, cũng chẳng kiếm chác từ tai họa của đất nước, chỉ thuận theo hoàn cảnh buộc phải học trà đạo với bà Yamamoto thôi. Nếu vì thế mà bị coi là Hán gian thì đúng là người ta cố tình chụp mũ cho chúng ta, phải khiếu nại với Quốc Dân Đảng."
Cũng xem như là may mắn, vì sau đó các gia đình Hán gian tại Bắc Bình lần lượt gặp rắc rối, nhưng mãi mà Ủy ban trấn áp Hán gian vẫn chưa điều tra đến nhà họ Hồ. Tình cảnh này vừa đáng mừng vừa đáng lo, nó như một thanh kiếm treo lơ lửng trên đầu, khiến họ sống trong nơm nớp lo sợ mỗi ngày.
So với nỗi lo lắng của cha mẹ, Hồ Tiểu Vân càng bất an hơn, vì cô ta có một nhược điểm rất lớn đang nằm trong tay người khác...
Trước đây cha mẹ cô ta rất nhiệt tình kết giao với người Nhật, còn bắt mấy chị em họ nhận vợ chồng Yamamoto là cha mẹ nuôi.
Cả gia đình từng tự hào về điều đó, khi cô ta tốt nghiệp tiểu học, cô ta đã tặng chiếc băng đô thủ công của mẹ nuôi cho cô bạn thân Bạch Oánh Oánh.
Về sau cha của Bạch Oánh Oánh phải ngồi tù vì từ chối làm việc cho chính quyền tay sai, quan hệ của họ dần phai nhạt.
Ai ngờ giờ đây khi người Nhật đã thất thế, chiếc băng đô cực kỳ bình thường ngày ấy lại trở thành vết nhơ lớn.
Hiện giờ trường nữ sinh toàn ra vẻ thanh cao, ai cũng ra sức vạch rõ ranh giới với quân Nhật và tay sai của chúng. Những lời nói dối như lén lút nghe phát thanh từ Trùng Khánh vào đêm khuya chỉ là chuyện nhỏ, thậm chí có người còn bịa ra những chiến tích vĩ đại như hy sinh thân mình cho kháng chiến.
Hồ Tiểu Vân không quá tham vọng, cô ta cũng chẳng định làm nữ chính trị gia nên không cần phải bịa ra quá nhiều câu chuyện hoang đường để tô vẽ bản thân. Từ lâu cô ta đã hiểu rằng, phụ nữ có học vấn cao không bằng việc lấy được người chồng tốt, huống hồ cô ta từng nghỉ học lúc nhỏ, bây giờ đã mười tám tuổi, lớn hơn đa số bạn cùng trường hai tuổi. Vì thế, kế hoạch của cô ta là sau khi tốt nghiệp trung học sẽ nhân lúc đang độ tuổi xuân rực rỡ nhất mà kết hôn luôn.
Việc chọn rể, lấy chồng cũng là điều mà cha mẹ cô ta đã lên kế hoạch từ lâu.
Từ khi Bắc Bình được giải phóng, rất nhiều người từ Trùng Khánh trở về, nhóm "khách Trùng Khánh" này rất được bọn Hán gian săn đón, nhất là những nhân vật nổi tiếng trong xã hội lại càng được ưa chuộng. Dường như chỉ cần là người từ Trùng Khánh trở về thì đều có khả năng nói chuyện với người trên trung ương.
Bọn Hán gian mơ tưởng kết giao với những người này để tìm chỗ dựa cho mình, tránh bị thanh trừng trong phong trào diệt Hán gian sắp tới.
Cha mẹ Hồ Tiểu Vân nhanh tay kết giao được với một chủ ngân hàng họ Chu, thông qua lời mai mối, Hồ Tiểu Vân đã đính hôn với con trai nhà họ Chu.
Nhưng không may là, cô chủ nhà họ Chu tức là em chồng tương lai của cô ta cũng nhập học ở trường nữ sinh Thanh Tâm.
Điều này khiến Hồ Tiểu Vân lo lắng mãi, lỡ như chuyện chiếc băng đô bị bạn cùng lớp, nhất là em chồng phát hiện thì sẽ rắc rối to!
Trên chiếc băng đô có thêu tên bà Yamamoto, rất khó để chối cãi.
Hồ Tiểu Vân nhớ lại cảnh trước đó cô ta tìm Bạch Oánh Oánh để đòi lại chiếc băng đô. Khi ấy mối quan hệ giữa cô ta và Bạch Oánh Oánh đã không còn như trước. Khi cha của Bạch Oánh Oánh bị bắt, Hồ Tiểu Vân vì muốn tự bảo vệ mình nên đã xa lánh Bạch Oánh Oánh. Bây giờ khi cô ta mở lời đòi lại chiếc băng đô, đối phương lại bảo rằng đã làm mất, sao có thể trùng hợp như vậy!
Hồ Tiểu Vân không cam lòng, cho rằng Bạch Oánh Oánh đang ghi hận chuyện cô ta xa lánh ngày xưa.
Có lẽ Bạch Oánh Oánh có ý xấu, muốn loan tin về chiếc băng đô trong trường!
Từ đó Hồ Tiểu Vân ăn ngủ không yên, ngày đêm suy nghĩ làm sao để cô lập Bạch Oánh Oánh khỏi nhóm bạn của mình, tốt nhất là khiến cô ấy rời khỏi trường học.
Bối cảnh trước vụ án Hà Công Phủ - Vương Hủy
Vương Hủy cũng là học sinh chuyển trường.
Sau khi quân Nhật đầu hàng, Trùng Khánh cử người lên phía Bắc tiếp quản, cha Vương Lâm của cô ta cùng gia đình đi theo đoàn. Vì cấp trên của ông ta được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Cảnh sát Bắc Bình, ông ta vốn là người được cấp trên tin tưởng nên cũng được thăng chức làm tuần quan*.
*Tuần quan: thông thường được bố trí tại đồn cảnh sát để xử lý các công việc hành chính, nghiệp vụ hoặc đảm nhiệm vai trò quản lý ở các đồn cảnh sát có quy mô lớn hơn.
Hôm đó là lần đầu tiên Vương Hủy đi máy bay, dù bị say nôn cả dọc đường, nhưng cảm giác bay lượn trên trời cao khiến cô ta thấy mình như Ngọc Hoàng Đại Đế nhìn xuống chúng sinh vậy.
Nhất là khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Tây Uyển, một đám đông những người ăn mặc gọn gàng chờ sẵn ở đó, họ chưa kịp bước xuống bậc thang mà tiếng vỗ tay đã nhiệt liệt vang lên.
Những người này đã chịu đựng tám năm giáo dục nô lệ hóa từ người Nhật, đứng từ xa đã cúi người chín mươi độ kiểu Nhật, cung kính nói rằng họ đã mong mỏi thế nào, mãi mới chờ được người từ trung ương đến…
Dù sự tiếp đón này chủ yếu dành cho các viên chức tiếp quản, nhưng Vương Hủy mới mười sáu tuổi đi cùng với họ lại cảm thấy như mình cũng là "người trên trung ương".
Đám đông chào đón khoác áo lông chồn sang trọng, đó là những thứ thời thượng mà người ở nơi thiếu thốn khan hiếm vật tư như Trùng Khánh không dám mơ tới.
Từ thời chiến đến nay, cô ta và cha mẹ vẫn chưa thể sắm quần áo mới, chỉ có hai bộ vải thô thay mặc luân phiên, lúc này cổ áo còn vương mùi bánh quẩy - vì trước khi lên máy bay ở Trùng Khánh, mẹ cô ta không kịp chuẩn bị bữa sáng nên đã mua bánh quẩy mang lên máy bay…
Nhưng dù họ trông có vẻ nghèo túng, những người trước mặt vẫn cứ khúm núm trước họ, khiến cô ta không khỏi ưỡn ngực cao lên.
Sau khi đặt chân xuống Bắc Bình, cô ta được chuyển vào học tại trường nữ sinh Thanh Tâm, cùng trường với Mễ Cấn Liên – cháu họ của cấp trên của cha cô ta.
Cha cô ta dặn dò: "Con phải hòa thuận với cô Mễ, nhà họ Mễ là quý nhân của gia đình ta đấy".
Bối cảnh trước vụ án Hà Công Phủ - Mễ Cấn Liên
Mễ Cấn Liên và Bạch Oánh Oánh vốn không ưa nhau, căn nguyên mâu thuẫn xuất phát từ những ngày đầu vào trường nữ sinh.
Lúc đó trường học chọn những học sinh vẽ đẹp để vẽ tranh tường cho Ngày hội làm vườn, Mễ Cấn Liên và Bạch Oánh Oánh đều được chọn.
Hai người được phân công mỗi người phụ trách một bức tường phía đông và phía tây trong trường.
Phải hoàn thành công việc từ sáng sớm, buổi sáng thầy cô, học sinh và các vị phụ huynh được mời đến tham quan.
Tranh vẽ của Bạch Oánh Oánh được khen ngợi không ngớt, còn tranh của Mễ Cấn Liên lại vắng ngắt, không ai để ý.
Trong mắt người khác cảnh tượng đó có thể chỉ là chuyện nhỏ, nhưng đối với người trong cuộc, quả thực khó mà chịu đựng nổi!
Mà trên đời này, oan gia ngõ hẹp là điều thường thấy.
Trong mấy năm sau đó, cô ta liên tục bị Bạch Oánh Oánh đè đầu cưỡi cổ.
Cô ta muốn làm đại diện môn Ngữ văn, nhưng vị trí đó lại rơi vào tay Bạch Oánh Oánh mà không phải ai khác. Còn cô ta đành phải làm đại diện môn Âm nhạc.
Thật ra cô ta chơi piano rất giỏi, còn Bạch Oánh Oánh viết văn rất xuất sắc, thầy cô chỉ phân công theo năng lực mà thôi. Nhưng trong lòng cô ta đã có khúc mắc, chỉ cần người đó là Bạch Oánh Oánh thì như thể ông trời cố ý gây khó dễ cho cô ta.
Trên thực tế, Bạch Oánh Oánh không hẳn quá xuất sắc, nhưng trong mắt Mễ Cấn Liên chỉ có Bạch Oánh Oánh, vì thế cô ta luôn coi Bạch Oánh Oánh là cái gai trong mắt, cái dằm trong thịt.
Điều đau khổ hơn nữa là cô ta tin chắc rằng Bạch Oánh Oánh cũng coi cô ta như vậy, cũng đang âm thầm cạnh tranh với cô ta, khiến cô ta càng thêm quyết tâm lao vào cuộc chiến ngầm này.
Bối cảnh trước vụ án Hà Công Phủ - Biên bản phạt gái bán dâm
Sáng sớm một tháng trước, trong lớp học chưa có nhiều học sinh đến. Mễ Cấn Liên đang đọc tiểu thuyết thì Vương Hủy xách túi sách bước vào, vừa vào cửa đã sáp tới nói: "Lưu Phượng Tảo sắp nghỉ học rồi."
"Hả? Sao cậu biết?"
Vương Hủy hạ giọng: "Nhà cô ấy nghèo đến mức chẳng còn gì ăn nữa."
"Không đến nỗi đấy chứ."
Mễ Cấn Liên không muốn Lưu Phượng Tảo nghỉ học. Ông Lưu vừa qua đời không lâu, gia cảnh sa sút mà Lưu Phượng Tảo vẫn luôn cố gắng học tập, là người duy nhất trong lớp có thể cạnh tranh với Bạch Oánh Oánh. Trong các kỳ thi hàng tháng, thỉnh thoảng cô ấy sẽ vượt lên vị trí thứ nhất, đè Bạch Oánh Oánh xuống vị trí thứ hai, những lúc ấy sắc mặt Bạch Oánh Oánh khó coi cực kỳ, điều này làm Mễ Cấn Liên rất hả hê.
Mễ Cấn Liên nói: "Yếu trâu còn hơn khỏe bò, trước đây nhà cô ấy có nhà máy sợi, dù cha cô ấy mất rồi nhưng của cải tích trữ cũng không thể hết nhanh vậy được."
Vương Hủy nói: "Tớ biết ngay cậu không tin mà." Rồi cô ta thì thầm vào tai Mễ Cấn Liên với vẻ thần bí.
Nghe xong, Mễ Cấn Liên giật mình: "Mẹ cô ấy đi làm gái..."
Vương Hủy vội bịt miệng Mễ Cấn Liên lại, không để cô ta nói ra ba từ "gái bán dâm", nhìn quanh một vòng mới hạ giọng giải thích tỉ mỉ.
Thì ra hôm qua Vương Hủy đến đồn cảnh sát mang cơm cho cha mình, đúng lúc cảnh sát trưởng mang một tờ phiếu phạt tới nhờ cha cô đóng dấu, nói rằng vợ của ông chủ nhà máy sợi Quảng Phúc hồi trước làm gái bán dâm.
Cha cô ta khoan dung nói: "Thôi, mẹ góa con côi không dễ gì, hủy tờ phiếu này đi."
Cảnh sát trưởng không biết chủ nhà máy sợi Quảng Phúc, tức cha của Lưu Phượng Tảo và gia đình họ Vương bọn họ là đồng hương. Khi họ mới từ Trùng Khánh đến đây, nhà họ Lưu vẫn còn hưng thịnh, cả nhà họ còn từng đến thăm hỏi...
Trong suốt cuộc trò chuyện giữa cha cô ta và cảnh sát trưởng, Vương Hủy luôn đứng bên cạnh nghe mà không dám lên tiếng.
Nhưng trong lòng cô ta không khỏi ngạc nhiên, thầm nghĩ không ngờ học sinh giỏi nhất lớp như Lưu Phượng Tảo lại sa sút đến vậy.
Mễ Cấn Liên nghe xong thì không đồng tình, nói: "Chẳng qua là nghèo thôi mà, không đến mức phải nghỉ học."
Mặc dù nói như vậy nhưng trong lòng Mễ Cấn Liên đã có tính toán - hôm sau, cô ta mang theo một xấp giấy Tuyên ở nhà đến tìm Lưu Phượng Tảo.
Cô ta giả vờ rằng tháng sau là lễ mừng thọ bảy mươi tuổi của bà nội mình, nói muốn chép tay cuốn "Kinh Diệu Pháp Liên Hoa" để tỏ lòng thành.
Trong số những người xung quanh, người viết chữ Khải đẹp nhất là Lưu Phượng Tảo, thế nên cô ta muốn nhờ Lưu Phượng Tảo chép giúp.
Đồng thời, cô ta đưa cho Lưu Phượng Tảo ba đồng đại dương làm thù lao.
Ba đồng đại dương đủ để một gia đình bình thường sống trong ba tháng. Đối với những người bình thường, hào phóng như vậy thật khó tin, nhưng với mấy cô chiêu lớn lên trong ổ vàng ổ bạc thì chỉ là chuyện nhỏ.
Giống như một buổi chiều mua sắm quần áo thỏa thích ở chợ Đông An mà thôi.
So với niềm vui mang tính vật chất, cảm giác thỏa mãn về tinh thần như thế còn giá trị hơn nhiều!
Những chuyện sau đó lại không mấy khả quan. Dù Lưu Phượng Tảo chưa nghỉ học, nhưng tin đồn mẹ cô ấy bị bắt đã lan truyền khắp trường. Sau cú sốc ấy, Lưu Phượng Tảo suy sụp tinh thần, thành tích kỳ thi tháng tụt khỏi top ba.
Điều này khiến Mễ Cấn Liên vô cùng thất vọng, cảm thấy Lưu Phượng Tảo chẳng được tích sự gì, không biết phấn đấu!
Thêm vào đó, vài ngày sau trường tổ chức buổi biểu diễn nhân kỷ niệm ngày sinh Quốc phụ, bảng thông báo lại cần được vẽ tranh trang trí.
*Quốc phụ: Người cha già của dân tộc, là một danh hiệu cao quý được trao hay tôn xưng dành cho một người đàn ông được coi là có ảnh hưởng, tạo động lực cho việc khai sinh ra quốc gia, dân tộc của nước mình. Ở Trung Quốc thì danh hiệu này được dành cho Tôn Trung Sơn.
Sau cú k1ch thích năm đó, Mễ Cấn Liên đã không còn tham gia những hoạt động như vậy nữa. Nhìn qua cửa sổ lớp học, cô ta như thấy được gương mặt đắc ý của Bạch Oánh Oánh năm nào, tim lại nhói đau, thậm chí trong mơ vẫn phải chịu đựng nỗi tủi hổ vì bị ngó lơ.
May mắn thay, tình hình đảo chiều, cảm giác khó chịu ấy đã được một người xoa dịu vào ngày hôm sau – đó là bạn cùng lớp Hồ Tiểu Vân.
Hồ Tiểu Vân là học sinh lớn tuổi nhất trong lớp, rất khéo léo lại chưa bao giờ làm mất lòng ai, cô ta nói năng nhẹ nhàng, luôn mang dáng vẻ của một người chị gái khiến ai ai cũng cảm thấy vô cùng đáng tin.
"Cấn Liên, chị thấy em hay giúp đỡ Phượng Tảo, thật là khó cho em. Nhưng theo chị, vào thời điểm này nên tránh xa cô ấy một chút thì tốt hơn. Nếu cô ấy gặp khó khăn khác, chúng ta giúp đỡ sẽ là đưa than sưởi ấm trong ngày tuyết rơi, nhưng chuyện lần này không tiện nói. Ai gặp phải chuyện như vậy cũng muốn che giấu đi, đúng không?"
Mễ Cấn Liên không biết đáp lại thế nào, trong lòng nghĩ thầm mấy người tưởng tôi làm từ thiện thật đấy à?
Đương nhiên Hồ Tiểu Vân không nghĩ thế. Tâm tư thiếu nữ còn non nớt, cứ nghĩ mình che giấu cảm xúc rất sâu, nhưng người ngoài đã nhìn rõ từ lâu, huống hồ là Hồ Tiểu Vân còn lớn hơn hai tuổi, mà ngay cả bạn học mới đến được vài tháng cũng nhìn ra mối thù địch giữa Mễ Cấn Liên và Bạch Oánh Oánh.
Hồ Tiểu Vân cười thầm trong lòng, ngoài mặt giả mù sa mưa thở dài nói: "Thật đáng thương, trước là Oánh Oánh, giờ lại là Phượng Tảo..."
Mễ Cấn Liên khựng lại, hỏi: "Ý chị là sao? Bạch Oánh Oánh làm sao..."
Hồ Tiểu Vân giật mình, giả vờ thở dài lần nữa: "Chị biết em kín miệng, tính tình thiện lành, nhưng có những chuyện không nên nhắc lại. Tóm lại em nên tránh xa Phượng Tảo một chút, nhà gặp chuyện xấu, nhất là chuyện đó, cô ấy không muốn người khác biết đâu, dù sao mặt mũi rất quan trọng. Nếu quan tâm quá mức, sau này e rằng không thể làm bạn bè được, chị từng trải qua chuyện như vậy rồi."
Mễ Cấn Liên "mắc bẫy", càng nghe càng nghi ngờ, không nhịn được hỏi: "Chị Tiểu Vân, chị với Bạch Oánh Oánh học cùng trường tiểu học phải không?"
Hồ Tiểu Vân cười khổ nói: "Chị biết em muốn hỏi gì. Đúng vậy, chị và Oánh Oánh từng là bạn thân không gì tách rời nổi, nhưng sau này xa cách, chị cũng biết người khác nói gì về chị."
"Người ta nói gì?"
"Em cũng biết mà, nói chị là kẻ nịnh nọt, thấy cha Bạch Oánh Oánh gặp nạn thì quay lưng với bạn thân."
"Thế… điều đó có thật không?"
Hồ Tiểu Vân cười khổ: "Chị là loại người đó sao?"
Mễ Cấn Liên nóng lòng xác nhận suy đoán trong lòng, nói: "Cũng đúng, chắc là nói linh tinh thôi, chẳng lẽ nhà Bạch Oánh Oánh..."
Hồ Tiểu Vân vội ngăn cô ta lại, nói: "Nhà không còn trụ cột, mẹ góa con côi không thể chết đói được, bác Bạch cũng không còn cách nào khác."
Nghe vậy Mễ Cấn Liên mừng thầm biết mình đoán đúng rồi, cô ta còn giả dối nói: "Thời buổi khó khăn, chuyện như vậy cũng không hiếm..."
Hồ Tiểu Vân cảm thán thở dài một lúc, cuối cùng căn dặn: "Tuyệt đối đừng nói với ai nhé."
Sau đó, tin đồn mẹ Bạch Oánh Oánh làm gái bán dâm bắt đầu lan truyền trong lớp.
Nhưng độ tin cậy không mạnh như tin đồn về mẹ Lưu Phượng Tảo, cũng ít người bàn tán, có vẻ chỉ đồn hời hợt sống chết mặc bay.
Thậm chí tin đồn chưa lan đến tai Bạch Oánh Oánh.
Điều này làm Mễ Cấn Liên cực kỳ thất vọng.
Chuyện thế này giống như mấy chuyện ông này bà nọ trên phố ngoại tình vậy, người trong cuộc hoặc gia đình họ luôn là người cuối cùng biết.
Điều làm người ta bực mình là chuyện này không những không ảnh hưởng đến trạng thái của "đối thủ", mà dường như còn phản tác dụng...
Một ngày nọ, Mễ Cấn Liên và Vương Hủy đang ở nhà vệ sinh, họ nghe thấy hai cô bạn nói chuyện: "Cũng hèn hạ quá nhỉ, chẳng có bằng chứng gì mà cũng lan truyền mấy tin đồn kiểu như gái bán dâm, thật sự không biết cô ấy với Bạch Oánh Oánh có thù oán gì."
Rõ ràng lời đó đang nói cô ta, nhưng vì không có chủ ngữ nên cô ta không thể xông vào cãi lý.
Hừ, thế mà lại thành tôi lan truyền tin đồn à!
Mễ Cấn Liên tức run người, cần bằng chứng gì chứ? Chẳng lẽ phải bị cảnh sát phạt giống như mẹ Lưu Phượng Tảo mới khiến họ im miệng?
Phạt... Cô ta chợt khựng lại.
Như thể thông suốt điều gì đó, cô ta quay đầu hỏi Vương Hủy: "Lần trước cậu nói cái biên bản phạt đó trông như thế nào?"