Xuân hàn se lạnh, khí hậu đầu xuân vẫn rét buốt thấu xương.
Ngoài cửa ô đầu ba cánh song song của Trường Bình Hầu phủ, hộ vệ giữ cửa trông thấy xe ngựa của Phù phủ từ xa chạy tới, vội vàng mở cánh cửa lớn, cung kính nghênh đón xe ngựa vào phủ.
Sau khi vào phủ chính là đình viện, ở giữa dựng bức tường phù điêu. Trong đình viện, mấy người quản sự đã chờ ở bên trong từ lâu, bên cạnh còn đặt một noãn kiệu sáu người khiêng. Vì đang là thời kỳ quốc tang, ngoài thân kiệu giản lược vật trang trí, thoạt nhìn giản dị mộc mạc.
Sau khi xe ngựa đi qua bức tường phù điêu thì dừng lại.
Má Chu của phòng thái thái vội vàng dẫn theo mấy người quản sự tiến lên vấn an.
Lúc Lâm Uyển xuống xe ngựa, cảm thấy gió rét quất vào mặt. Nàng lo lắng Thụy ca bị cảm lạnh, vội ngồi xổm xuống buộc kín áo choàng trên người cho cậu bé.
"Tam cô phu nhân, người đã về." Lúc má Chu sai người bung dù thì tươi cười nói: "Thái thái cử người qua hỏi mấy lần rồi, ngóng trông người từ lâu rồi đấy."
Lâm Uyển ôm Thụy ca đi về phía noãn kiệu, vừa đi vừa hỏi: "Làm sao thái thái lại bị bệnh? Đã mời ngự y đến xem chưa? Chẩn ra chứng bệnh gì?"
Má Chu tiến lên vén màn kiệu, nói: "Cô phu nhân cũng biết đấy, lúc Thánh thượng băng hà, đúng lúc trời đông giá rét. Thái thái vào cung sớm chiều khóc tế liên tục một tháng, sức khỏe làm sao có thể chịu được? Nhưng bây giờ xảy ra chuyện như vậy, cũng không tiện mời ngự y, chỉ có thể mời Vương đại phu qua nom, nói đại khái là bệnh cũ. Sáng nay uống thuốc xong, thái thái nói cảm thấy đỡ hơn rồi."
Thánh thượng băng hà, hễ là mệnh phụ triều đình có phẩm cấp đều phải vào cung khóc tang một tháng, đây là quy định tổ tiên.
Lâm Uyển ôm Thụy ca vào noãn kiệu, kiệu phu nâng kiệu lên, đi về phía nội viện bốn bề yên tĩnh.
Noãn kiệu vào viện tử của thái thái thì dừng lại.
Má Chu nhanh chóng bước lên một bước, ân cần vén màn kiệu.
Lâm Uyển dắt Thụy ca xuống kiệu.
Hạ nhân đợi dưới mái hiên thấy vậy, vội vàng cao giọng thông báo vào nhà: "Thái thái, tam cô phu nhân và biểu thiếu gia đã về!"
Má Chu và Xuân Hạnh ở hai bên vén mành mềm thêu kim lên. Lâm Uyển chậm rãi đi vào, Thụy ca bước nhỏ theo sát bên cạnh mẫu thân cậu bé.
Lúc này, Đào Thị đang suy nhược dựa vào gối trên giường ấm, nghe vậy tinh thần phấn chấn, vội ngồi dậy, tha thiết nhìn về hướng cửa phòng.
"Thái thái, con và Thụy ca sang đây thăm người." Lâm Uyển vào phòng, vừa cười vừa nói.
Đợi hạ nhân cởϊ áσ choàng trên người nàng xuống, nàng bước nhanh lên trước, đỡ cánh tay Đào Thị.
"Người còn đang bệnh, chớ đứng dậy, mau dựa vào nghỉ ngơi đi."
Đào Thị khoát tay: "Không có gì to tát."
Nói đoạn, bà nhìn sang Thụy ca cuộn tay nhỏ đứng trước giường, trong mắt đầy hiền từ, nói: "Ai dô, Thụy ca cũng tới rồi? Mau qua đây để ngoại tổ mẫu nhìn xem, là mập hay là ốm?"
Thụy ca đưa lò sưởi tay giấu trong tay áo cho Xuân Hạnh cầm, sau đó hai bàn tay nhỏ chắp lại, cung kính thi lễ với Đào Thị: "Thỉnh an ngoại tổ mẫu."
"Tốt, tốt!" Đào Thị mừng không khép được miệng: "Thụy ca quả nhiên là làm người ta thương yêu. Nào, mau tới đây với ngoại tổ mẫu, đã lâu lắm không gặp rồi, nhớ ngoại tổ mẫu lắm phải không."
Lâm Uyển ngồi trên mép giường cười tủm tỉm, vẫy tay với Thụy ca: "Mọt sách nhỏ, mau tới cho ngoại tổ mẫu con nhìn một cái."
Đào Thị liếc xéo nàng: "Không được đặt biệt danh cho cháu ngoại bảo bối của ta."
Lâm Uyển người nói: "Thái thái, người chẳng biết đấy thôi. Cháu ngoại của người bị con rể người giáo dục, tí tuổi đầu đã nghiêm trang như ông cụ non. Cho nên con phải thường trêu chọc một chút mới được, nếu không thì thật sự sẽ nuôi thành một mọt sách nhỏ đấy."
Đào Thị chìa tay dí nhẹ một cái vào trán nàng, trách cứ: "Cẩn thận để con rể nghe thấy lại liên lụy đến con."
Nói lời trách cứ, nhưng trên mặt Đào Thị đều là ý cười.
Bà nhìn sang, từ lúc nữ nhi này của bà xuất giá lại không yên tĩnh ít nói như trước nữa. Nhất là sau khi sinh Thụy ca, giống như được tiếp thêm sinh khí, nói cũng nhiều, cười cũng nhiều, thỉnh thoảng lại nói mấy lời đùa giỡn trêu chọc Thụy ca. Quả thật là rất khác trước.
Bà không khó để nhìn ra, Uyển tỷ nhi sống ở nhà chồng rất thoải mái, điều này sao có thể không làm bà vui mừng.
Lâm Uyển thổi chén trà, sau khi thổi nguội một chút thì cho Thụy ca uống vài hớp, phần còn lại nàng bưng lên, từ từ uống.
Trẻ con dễ buồn ngủ, dọc đường ngựa xe long đong, vốn đã mệt mỏi, lúc này lại ở trong phòng ấm áp thoải mái, Thụy ca nói chuyện với Đào Thị xong thì bắt đầu mơ màng buồn ngủ.
Đào Thị để má Chu và Xuân Hạnh dẫn Thụy ca đến phòng bên đi ngủ.
Sau khi bảo hạ nhân trong phòng cũng đều lui ra, Đào Thị hơi ngồi ngay ngắn lại, nhìn Lâm Uyển.
Lâm Uyển lập tức ý thức được, lần này Đào Thị gọi nàng tới, e là có chuyện muốn nói với nàng.
Nàng bèn đặt chén trà trong tay xuống, nhìn Đào Thị, hỏi: "Mẹ có lời muốn nói với con sao?"
Đào Thị cẩn thận liếc nhìn ngoài cửa sổ, sau đó kiềm chế hoảng hốt, thấp giọng nhanh chóng nói với nàng: "Con biết không, e là Trấn Nam vương sắp phản rồi."
Lâm Uyển kinh ngạc suýt chút nữa làm đổ chén trà trên bàn: "Không phải ông ấy... đã chết rồi sao?"
Đào Thị lắc đầu: "Chưa, nói là lúc đó người bị hôn mê bất tỉnh, quân y hồ đồ chẩn đoán nhầm. Sau là sợ tiên hoàng gϊếŧ hại... nên vẫn luôn giấu giếm."
Lý do này, quả thực là lừa người ngu.
E là Trấn Nam vương có tư tưởng làm phản từ lâu, lúc đó giả chết như vậy, chẳng qua là mưu kế mà thôi.
Lâm Uyển không khỏi hoảng loạn. Nàng không dám tưởng tượng, nếu Trấn Nam vương thật sự có tư tưởng làm phản, vậy rốt cuộc ông ta đã bày bố bao nhiêu năm, mà triều đình chống trả trực tiếp lại có mấy phần chắc chắn.
"Tin tức chuẩn xác không ạ?"
Đào Thị gật đầu, xoa ngực, nói: "Phụ thân con nói với ta, không sai được. Hiện giờ chưa công bố ra ngoài là sợ gây hỗn loạn. Nhưng mà e rằng cũng không giấu được bao lâu."
Nói đoạn, bà nhìn Lâm Uyển, kinh ngạc hỏi: "Con rể không tiết lộ với con chút nào sao?"
Lâm Uyển lắc đầu.
Phù Cư Kính chưa bao giờ nói chuyện trong triều với nàng. Những chuyện nàng biết, chỉ được nghe từ chỗ Trịnh Thị.
Chỉ là điều Trịnh Thị biết cũng chỉ có hạn.
"Từ xưa đến nay, phàm là tạo phản cũng được, khởi nghĩa cũng xong, luôn phải có lý do chính đáng để xuất binh. Nhưng Trấn Nam vương đó lại lấy danh nghĩa gì để dấy binh tạo phản? Nếu không phải chính nghĩa, tướng sĩ có thể tin, lòng người có thể phục không?"
Đào Thị vỗ ngực ho khan vài tiếng, thở dài: "Uyển tỷ nhi, con quên rồi. Có Hoàng thái tử chết bất đắc kỳ tử nữa đấy."
Lâm Uyển chợt phản ứng kịp.
Đúng vậy, đương kim Thánh thượng vừa kế vị, hoàng vị này không hề vẻ vang.
Trên tay dính đầy máu, không chỉ có của Hoàng thái tử, còn có mấy Hoàng tử, Hoàng tôn.
Bất nhân bất nghĩa, tàn bạo độc ác, sát hại thủ túc, gϊếŧ chóc thành tính.
Tùy ý chọn ra một cái, vậy là đủ rồi.
Đương kim Thánh thượng tàn bạo, không được lòng dân, mà Trấn Nam vương đối đãi tướng sĩ như tay chân, trục xuất Di tộc, tựa như Định Hải Thần Châm của triều đại, cũng được lòng dân hướng về.
"Hôm nay ta tìm con đến là muốn thương lượng với con một việc... Chuyện liên quan đến tam tẩu con."
Lời Đào Thị khiến Lâm Uyển giật mình.
Tam tẩu nàng, Dương Thị, xuất thân từ dòng máu Dương gia cùng với Tấn vương phi.
Lâm Uyển đè lên mép bàn: "Thánh thượng muốn khai đao từ Dương gia?"
Sắc mặt Đào Thị nghiêm trọng, gật đầu: "Sắp rồi, chỉ sợ ngày triều đình công bố ra ngoài việc Trấn Nam vương tạo phản, đó chính là lúc phải xử lý Dương gia."
Sắc mặt Lâm Uyển trắng bệch, tay chân đều rét run.
"Nếu đến lúc đó tam tẩu con còn ở lại Trường Bình Hầu phủ, chỉ sợ... sẽ khó tránh khỏi liên lụy đến phủ ta." Nét mặt Đào Thị tỏ vẻ không đành lòng: "Nhưng nếu không giữ lại, nó ra khỏi Trường Bình Hầu phủ thì sẽ chết."
Lâm Uyển chống tay đỡ trán hồi lâu mới có thể cố gắng bình tĩnh lại.
"Vậy phụ thân... phụ thân đâu? Ông ấy có ý gì?"
"Phụ thân con cũng muốn bảo ta hỏi con, xem con rể có kiến nghị gì?"
Lâm Uyển xốc lại tinh thần, gật đầu: "Được, đợi con về hỏi chàng. Người cũng bảo phụ thân chớ vội quyết định. Dù sao tam tẩu đã là nữ nhi gả ra ngoài, chắc là không liên lụy được đến tẩu ấy."
Đào Thị thở dài: "Chỉ hy vọng như thế thôi."
Trên đường hồi phủ, dù trong xe ngựa đặt chậu than, nhưng Lâm Uyển vẫn cảm thấy ớn lạnh từng cơn.
Bắt đầu từ ngày đến với thế giới này, nàng đã từng nghĩ đến, với vị trí của nàng trong xã hội này, sẽ có một ngày gặp phải thảm họa chiến tranh.
Chiến tranh vũ khí lạnh là như thế nào đây?
Nàng đã từng xem trong phim truyền hình, đổ nát thê lương, thi thể khắp nơi, sinh linh đồ thán, vô cùng thảm khốc. Mà chỉ e hiện thực còn khốc liệt hơn cảnh hư cấu trong phim truyền hình gấp trăm lần, nghìn lần.
Ngày xuân này, vốn nên là lúc vạn vật sống lại, nhưng vì họa chiến tranh gần kéo tới mà trở nên hiu quạnh, tiêu điều.
"Thái thái, người lạnh không?"
Giọng trẻ con non nớt kéo mạch suy nghĩ của Lâm Uyển trở về.
Nàng cảm thấy lòng bàn tay ấm áp, vội cúi đầu nhìn, lại thấy Thụy ca nhét lò sưởi tay trong tay cậu bé vào tay nàng.
"Thái thái, như vậy sẽ không lạnh nữa chứ?"
"Ừ, không lạnh." Lâm Uyển duỗi tay ra, một tay ôm cậu bé vào lòng, hôn một cái lên đỉnh đầu cậu bé.
Đứa bé hiểu chuyện gần gũi này là nàng hoài thai mười tháng mà sinh ra.
Bất luận như thế nào, nàng cũng muốn sớm tính toán đường lui vì thằng bé.
Lúc nửa đêm, Phù Cư Kính xử lý xong công vụ ở thư phòng rồi trở về phòng, người đầy gió sương.
Trong phòng đặt mấy ngọn đèn trùm vải lụa, Lâm Uyển khoác áo khoác, chống đỡ tinh thần ngồi trước bàn. Nàng thấy người đi vào thì dụi đôi mắt buồn ngủ, đỡ bàn đứng dậy.
"Nhân Dĩ, chàng đã về rồi."
"Không phải đã nói muộn rồi thì đừng chờ ta nữa sao?"
Lâm Uyển treo áo khoác lên giúp y rồi nói: "Mấy ngày nay chàng đi sớm về muộn, thiếp cũng ít khi gặp được chàng. Có một số việc muốn thương lượng với chàng, lại không tìm được thời gian, chỉ đành đợi đến đêm chàng về."
"Ồ?" Phù Cư Kinh đi tới trước bàn, ngồi xuống, nghiêm túc hỏi nàng: "Chuyện gì mà quan trọng như vậy?"
Lâm Uyển ngồi bên cạnh y, đắn đo một hồi rồi thử nhẹ giọng, thăm dò nói: "Hôm nay thiếp về nhà mẹ đẻ một chuyến, có nghe nói một chuyện, cũng không biết là thật hay giả. Là chuyện có liên quan đến Trấn Nam vương."
Sắc mặt ôn hòa của Phù Cư Kính lập tức trở nên nghiêm nghị.
"Đại sự trong triều, sao có thể để người ta lén lút nghị luận. Sau này, nàng không được nói nữa."
Lâm Uyển không nhịn được muốn đỡ trán. Nàng cảm thấy những cái khác y đều tốt, duy chỉ có điểm ấy là cố chấp cứng đầu, gần như không có đường nào để thương lượng, làm cho nàng cảm thấy bất lực.
"Cũng không phải thiếp muốn chê trách cái gì, chàng hà tất phải nói lời răn dạy. Chàng cũng không cần phải giấu thiếp, thiếp biết Trấn Nam vương muốn làm phản." Lâm Uyển dứt khoát không quanh co với y nữa, nói thẳng: "Tam tẩu nhà thiếp xuất thân từ Dương Thị, nếu Thánh thượng muốn thanh trừng, sợ là sẽ liên lụy đến nhà mẹ thiếp."