Đào Thị đặt mấy tờ hộ tịch và lộ dẫn vào trong tay Lâm Uyển.
"Việc này là ta tìm nhị ca con lo liệu." Đào Thị khẽ giọng giải thích: "Con biết tính tình của phụ thân và đại ca con đấy, từ trước đến giờ công tư phân minh, nhất định không làm được chuyện thiên tư này. Cho nên, ta vốn dĩ không đề cập với họ nửa chữ."
Lâm Uyển lật mấy tờ hộ tịch và lộ dẫn giả này, tổng cộng mười phần, thông tin trên đó hoàn chỉnh, tất cả đều đóng dấu quan ấn, giấy tờ đủ cả.
Trong lòng Lâm Uyển hiểu rõ, hiện giờ trong triều đại loạn, làm việc này cũng cần phải mạo hiểm. Nhiều năm nay, nàng vẫn đối xử lãnh đạm với nhị ca, nhưng không ngờ, tại thời điểm nguy cấp này lại là nhị ca liều lĩnh giúp nàng.
Nghĩ đến đây, trong lòng nàng không khỏi phức tạp.
"Thái thái thay con cảm ơn nhị ca." Lâm Uyển cất hộ tịch và lộ dẫn cẩn thận xong, thấp giọng nói: "Ân tình của nhị ca, suốt đời con không quên."
"Đều là huynh muội ruột thịt, nói cái gì mà ân tình với không ân tình."
Đào Thị nhìn nàng, bất an nói: "Thế cục hiện giờ ngày càng tồi tệ hơn, tình hình bên ngoài thế nào cũng không ai biết, nhưng dù sao cũng không tránh khỏi chiến tranh loạn lạc, nước sôi lửa bỏng, không chừng còn có đạo tặc nổi dậy, có thể đi đâu được chứ? Nếu không thì ta bảo cha con nói với con rể thử xem, để Thụy ca đi cùng đám Viêm ca nhi về quê lánh nạn."
Huống hồ "Thảo Tấn tặc hịch" vừa ra, Phù Cư Kính đã hoàn toàn đứng về phe đối địch với Trấn Nam vương, cả nhà bọn họ không còn đường lui nữa. Mà nếu muốn tìm được đường sống trong chỗ chết cho Thụy ca, chỉ có sớm mang cậu bé đi xa, từ nay trời Nam biển Bắc, phiêu bạt khắp nơi, sau đó tìm một nơi hoang vắng xa lạ, mai danh ẩn tích mà sống, đến mức triều đình cũng không tra ra được người này.
Lâm Uyển quay mặt đi, cắn răng chịu đựng không để cho mình rơi lệ.
Lòng dạ Đào Thị đau xót, không khỏi oán giận nói: "Bách tính trong kinh đều có cách trốn đi rồi. Các quý nhân quan lại không thể thoát thân, chí ít cũng đưa trẻ nhỏ trong nhà đi, tốt xấu gì cũng để lại được huyết mạch. Con rể lại nhẫn tâm như thế, không chịu tính toán đường lui cho Thụy ca!"
"Không sao đâu thái thái." Lâm Uyển nâng tay áo lau nước mắt trên mặt. Xong rồi, nàng gom chặt tay áo, từ từ điều chỉnh tâm trạng, ngồi ngay ngắn lại, tấm lưng gầy yếu tựa như tùng xanh, không chịu khom lưng nửa phần.
"Y bảo vệ trung nghĩa của y, con không có quyền can thiệp. Nhưng muốn chặt đứt đường sống của Thụy ca, con chết cũng không tuân!" Giọng nói của Lâm Uyển mạnh mẽ đanh thép: "Đường lui của Thụy ca, con sẽ trù tính cho nó!"
Đào Thị giật mình.
Trong ấn tượng của bà, nữ nhi này trước giờ yếu đuối, lại bình thản an tĩnh, nhưng chưa từng thấy nàng quả quyết dứt khoát, kiên cường cứng rắn như vậy.
Sau khi Lâm Uyển rời đi, Đào Thị âm thầm rơi lệ hồi lâu.
Vì quốc gia loạn lạc này, cũng vì bà, vì nữ nhi bị số phận cuốn theo.
Vi mẫu tắc cường [1]. Uyển tỷ nhi vì con thơ mà gồng gánh đôi vai mềm yếu, tìm kiếm lối thoát, nhưng bản thân nàng thì sao, đường sống của chính nàng thì nên mưu tính thế nào?
[1] Phụ nhân nhược dã, nhi vi mẫu tắc cường: Phụ nữ tuy yếu đuối, nhưng khi đã làm mẹ thì mạnh mẽ)
Dù là phụ nhân khuê phòng, Đào Thị cũng biết, Trấn Nam vương sắp đánh tới Kinh thành. Một khi thành phá, Uyển tỷ nhi sẽ rơi vào kết cục nào, bà nghĩ cũng không dám nghĩ.
Sau khi Lâm Uyển hồi phủ thì đi thẳng đến chỗ mẹ chồng Tôn Thị của nàng.
Từ sau ngày ấy bàn bạc thất bại với Phù Cư Kính, y đã ôm Thụy ca đến viện tử của Tôn Thị nuôi, như sợ con cháu Phù gia y ở lâu với nàng, sẽ đánh mất ngạo cốt cao cả, rơi rụng khí tiết trong sạch.
Giờ đang là giữa trưa, Tôn Thị đang cùng Trịnh Thị và Thụy ca ăn cơm, nhìn thấy Lâm Uyển đến, bà hơi biến sắc.
"Ôm Thụy ca vào phòng đi." Tôn Thị gác chén đũa, thở dài, giao phó bà tử trong phòng.
Lâm Uyển không mở miệng ngăn cản.
Chờ đến khi bóng dáng Thụy ca khuất mắt theo hướng nhà trong, nàng mới thu lại ánh mắt, đi vài bước đến trước mặt Tôn Thị, thẳng tắp quỳ xuống.
"Con đứng lên đi." Tôn Thị cứng ngắc quay mặt sang chỗ khác: "Ta nói rồi, tương lai của Thụy ca... tự có phụ thân nó sắp xếp."
"Mẹ!" Lâm Uyển tiến lên hai bước bằng đầu gối, chảy nước mắt: "Dự tính của Nhân Dĩ là không cho Thụy ca con đường sống. Chẳng lẽ mẹ cũng có thể nhẫn tâm nhìn Thụy ca bước vào chỗ chết như vậy?"
Tôn Thị vô thức nhìn về phía phòng trong. Thoáng chốc, lại giống như bị hun mắt, cay nóng lại đau đớn không mở nổi mắt.
"Con dâu, đây là quyết định của Nhân Dĩ, ta cũng bất lực."
Lâm Uyển kéo tay bà: "Người có thể! Nhân bây giờ cửa thành còn chưa đóng, người có thể gạt Nhân Dĩ, cho con sai người lén đưa nó ra khỏi thành. Nếu sau này triều đình thắng, sẽ bảo người dẫn nó về; nếu sau này triều định bại, vậy Phù gia cũng coi như có để lại một huyết mạch."
Tư tưởng thâm căn cố đế của Tôn Thị là xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử.
Nhất là loại chuyện lớn liên quan đến danh dự của cả Phù gia thế này, lại càng nghe ý của trưởng tử mà làm việc, sao dám tự tiện làm chủ, tùy tiện đưa ra quyết định?
"Mẹ, người nghĩ lại cha chồng xem, lúc còn sống ông ấy luôn tâm tâm niệm niệm về trưởng tôn. Nếu cha chồng còn trên đời, chắc chắn sẽ giữ lại đường sống cho Thụy ca." Lâm Uyển nghẹn ngào nói: "Huống hồ, người xem, triều thần trong Kinh thành này, bao nhiêu nhà để lại đường lui cho con cháu? Còn có nhà mẹ đẻ Trường Bình Hầu phủ con, cũng đều đưa mấy người cháu của con về quê lánh nạn. Ai muốn đoạn tử tuyệt tôn chứ? Ai không muốn có người kế tục, ngày lễ ngày tết còn có con cháu đến đốt chút tiền giấy, dâng chút hương khói cho tổ tiên?"
Tôn Thị ngã ngồi trên ghế, ánh mắt trống rỗng nhìn ra ngoài.
"Không ai là thánh nhân cả, ai cũng có tư tâm." Lâm Uyển lau nước mắt, nói: "Chẳng lẽ vì chút tư tâm ấy lại nhục nhã cửa nhà? Lại đánh mất cái danh trung hiếu? Vậy thần tử trong triều nhiều như vậy, chẳng lẽ ai cũng là tiểu nhân nịnh thần?"
"Mẹ, xin người cho Thụy ca đi đi, còn không đi thì sẽ không kịp nữa. Có thể dăm ba ngày sau, có thể một hai ngày sau, hoặc là sáng sớm, hoặc là đêm nay, không biết chừng nào Thánh thượng sẽ đột ngột hạ lệnh đóng cửa thành, đến lúc đó, cho dù Thụy ca muốn chạy cũng không được!"
Lâm Uyển phủ phục trên đầu gối bà, khóc rống.
Lúc này, Trịnh Thị vẫn một mực ngồi yên bên cạnh cũng quỳ phịch xuống, đỏ mắt rơi lệ nói: "Mẹ, để Thụy ca đi đi, Thụy ca nhỏ như vậy, không đáng phải mất mạng như thế..."
Tôn Thị nhắm mắt, khuôn mặt khô gầy đầy vẻ mệt mỏi và đấu tranh.
"Đi gọi quản gia tới đi."
Không biết qua bao lâu, Lâm Uyển gục vào đầu gối khóc nức nở cuối cùng cũng nghe thấy Tôn Thị đáp lại.
Giờ khắc này, nàng không khỏi mừng đến chảy nước mắt.
Nàng biết, nàng tạm thời tìm được đường lui cho Thụy ca rồi.
Sợ chậm thì sinh biến, không chờ mặt trời lặn, công tác đưa Thụy ca ra khỏi thành đã sắp xếp xong. Mấy mẹ chồng nàng dâu và Thụy ca cùng nhau ăn bánh chẻo xong thì đã đến giờ đưa cậu bé ra khỏi thành.
Lần này, có hai người chủ chốt theo Thụy ca ra khỏi thành, một người là nha hoàn đắc lực Lâm Uyển mang vào phủ - Xuân Hạnh, người còn lại là hộ viện Thuận Tử của phủ võ nghệ cao cường.
"Đồ đạc đã mang hết chưa? Nữ trang và hộ tịch là vật quan trọng nhất, phải để xa nhau, đừng để ở một chỗ." Trước khi đi, Lâm Uyển căn dặn lại một lần nữa, thấy khuôn mặt đen vàng của Xuân Hạnh, lại không nhịn được dặn dò nàng ấy: "Tuyệt đối phải nhớ thường xuyên bôi nước thuốc, chớ có quên."
Xuân Hạnh chảy nước mắt, ra sức gật đầu. Thực ra từ mấy ngày trước, phu nhân đã quán triệt với nàng. Theo lý, nàng đã chuẩn bị sẵn phải biệt ly, nhưng đến ngày hôm đó vẫn không nhịn được mà khóc đỏ mắt.
"Phu nhân cũng tuyệt đối phải nhớ kỹ nơi nô tỳ nói, nhất định phải đến tìm nô tỳ và tiểu chủ tử."
Lần này bọn Xuân Hạnh muốn chạy trốn về hướng Tây Bắc, nếu trận chiến này triều đình thật sự thất bại, bọn họ sẽ không về kinh nữa, mà là từ Tây Bắc đi vòng tới đất Thục.
"Ta nhớ rồi, nhớ rồi. Ít hôm nữa, ta nhất định sẽ đi tìm các em."
Lâm Uyển nghẹn ngào nói.
Xuân Hạnh che miệng khóc nấc lên. Sẽ có một ngày như vậy sao?
Không ai có thể đảm bảo, ngàn dặm xa xôi, đường sá cách trở có thể xảy ra biến số gì không?
Càng không thể đảm bảo, ngày thành phá ấy, còn có thể may mắn giữ lại tính mạng hay không?
Ở cửa phòng, Tôn Thị và Trịnh Thị bịn rịn Thụy ca, khóc lóc không thôi.
Lâm Uyển ở cách đó không xa nhìn Thụy ca giả trang thành tiểu cô nương, rưng rưng cười nói với Xuân Hạnh: "Cái tên Thụy ca này từ sau không dùng được nữa. Ta đặt một cái tên khác cho nó. Hy vọng nó sống sót sau cơn hoạn nạn, cây khô gặp mùa xuân, ngày sau, nó tên là Mộc Phùng Xuân."
Trước khi đám Thụy ca lên xe ngựa, Lâm Uyển tiến lên ôm chặt cậu bé một cái.
"Nhớ kỹ những lời mẹ đã nói với con chưa?"
Hai mắt Thụy ca ngân ngấn nước, gật đầu.
Nhớ kỹ. Mẹ đã nói phải sống, sống thật tốt, chỉ có giữ lại tính mạng mới có thể làm chuyện mình muốn làm.
Bất luận là vì dân cầu phúc lợi, hay là vì nước cầu đại nghĩa.
Mẹ cậu còn nói, phải biến báo, không được cổ hủ.
"Lại ôm tổ mẫu và thẩm tử của con một cái cuối cùng. Sau này, chớ được quên họ."
Thụy ca khóc gọi một tiếng tổ mẫu, gọi một tiếng thẩm tử, sau đó duỗi hai cánh tay ngắn ngủn ra, đứng trên càng xe ngựa ôm từng người, mặt đầy nước mắt vùi vào gáy họ, hồi lâu không chịu dời.
Tôn Thị và Trịnh Thị đều khóc không thành tiếng.
Xe ngựa lăn bánh về phía trước, Lâm Uyển quỳ xuống, dập đầu thật mạnh với Thuận Tử và Xuân Hạnh.
"Sau này, Thụy ca xin nhờ cậy hai vị."
Nàng nghẹn ngào khóc, những người có mặt ở đó đều rơi lệ.
Xe ngựa biến mất trong tầm mắt của mọi người, nhưng những người đưa tiễn vẫn đứng ở chỗ cũ nhìn theo, tựa như những bận lòng của họ cũng theo đó đi xa.
Trải qua lần này, sợ rằng ngày gặp lại sẽ xa vời vợi.
Lần gặp mặt này, đối với phần lớn người ở đây, có lẽ sẽ là lần cuối cùng.
Thụy ca vừa đi, Lâm Uyển đã đổ bệnh không dậy được, suốt ngày nằm trên giường uống thuốc.
Thực ra từ mấy ngày trước, sức khỏe nàng đã không còn tốt, nhưng vì chuyện của Thụy ca mà vẫn không suy sụp, kiên cường chống đỡ tinh thần, dẫn đến bây giờ có phần nghiêm trọng.
Có điều bây giờ đã giải quyết xong nỗi vướng bận, trái tim căng như dây đàn của nàng cuối cùng cũng được thả lỏng, không giống mấy ngày trước cả ngày căng thẳng thần kinh, vừa có gió thổi cỏ lay đã kinh hãi, đổ mồ hôi khắp người.
Hai ngày sau, Thánh thượng hạ lệnh đóng cửa thành, nghiêm cấm bất cứ ai ra vào.
Lâm Uyển cảm thấy may mắn, may là ngày ấy đã nhanh chóng quyết định lén đưa Thụy ca ra khỏi thành, bằng không kéo dài đến hôm nay, quả thực là muốn ra cũng không được.
Hạ tuần tháng mười năm Vĩnh Xương hai mươi, quân đội Trấn Nam vương áp sát Kinh thành.