Xuyên Thành Chị Dâu Của Nữ Chính Trong Truyện Ngược

Chương 20



Từ Yến Chu dẫn Cố Diệu lên núi.

Nàng không nhịn được hỏi: “Huynh muốn đưa ta đi xem cái gì vậy?”

Chàng khẽ mím môi, thần bí nói: “Đến nơi sẽ biết.”

Cố Diệu đoán, Từ Yến Chu đã kiếm được thứ gì tốt sao, trái cây, gà rừng, chẳng lẽ mật ong?

Đi một đoạn không xa đã đến nơi, Cố Diệu nhìn thấy một hang động bằng đá, rộng gần năm thước, cao hai thước, nhánh cây lổm nhổm chất đống bên cạnh.

Nàng đi thêm vài bước, bên cạnh đống cành cây có hai cái sọt, một cái đựng than đen, một cái đựng than trắng.

Là than củi.

Cố Diệu: “Từ Yến Chu, huynh làm được than rồi sao! Huynh lợi hại quá!”

Từ Yến Chu thành thật: “Không phải một mình ta làm, còn có Triệu Nghiễm Minh và Tiền Khôn hỗ trợ.”

Cùng lúc đó hai người Triệu Nghiễm Minh, Tiền Khôn bước ra từ lò đốt than, trên mặt lấm lem tro than.

Triệu Nghiễm Minh: “Bọn ta không giúp được gì nhiều, chủ yếu là tướng quân làm.”

Bọn họ nhiều nhất chỉ giúp khuân chuyển mấy hòn đá và mấy khúc gỗ.

Cố diệu: “Thật vất vả cho các ngươi rồi.”

Triệu Nghiễm Minh: “Không vất vả tí nào, phu nhân, hai người bọn ta về tắm rửa trước.”

Ánh mắt Cố Diệu chuyển sang Từ Yến Chu, mấy ngày nay bọn nàng đi lên núi hái nấm, nhặt hạt dẻ, còn Từ Yến Chu ở nhà đốt than.

Nhớ lại những lần thổi lửa nấu cơm khá khó khăn, không dễ bằng than củi. Nhưng Từ Yến Chu không hề nói năng gì, chờ đến khi đốt ra than mới dẫn nàng đến xem.

Cố Diệu hít sâu một hơi: “Đốt được than củi tốt quá rồi, mùa đông chúng ta cũng không còn sợ lạnh nữa.”

Từ Yến Chu: “Thật ra lần này vẫn chưa tốt lắm, khói nhiều, hình dạng cũng không đẹp, mặt ngoài còn có vết nứt, có cái còn bị vỡ lung tung.”

Đây là kết quả của mấy lần thử, trước kia đốt ra đều là than vụn không thể dùng được. Nhưng dù không được tốt, đốt ra được hòn than nguyên vẹn như này chàng cũng muốn dẫn Cố Diệu đến xem.

Cố Diệu: “Sao lại không, ta cảm thấy rất tốt.”

Nàng trực tiếp cầm lấy hòn than xem thử, bàn tay lập tức dính đầy tro đen, than màu đen có vẻ nát hơn, không rắn chắc bằng loại màu trắng.

Cố Diệu thắc mắc: “Làm thế nào để đốt ra than trắng?”

Từ Yến Chu: “Than trắng là củi cháy xong sẽ lấy ra luôn, than đen phải để nguội trong lò rồi mới lấy ra.”

Ban đầu chàng không biết phải dựng lò nung, nên củi cháy không ra than, chàng liền nhớ tới những loại than trong cung. Than dùng trong cung điện đều được đốt trong lò than, chàng lần mò thử làm mấy loại lò, đốt hết mấy đống củi mới tạm thời sử dụng được.

Cố Diệu cầm hòn than nhìn ngắm nửa ngày, mới ngẩng đầu lên: “Nếu chưa ăn mất giò heo thì tốt rồi, buổi tối sẽ có giò heo nướng.”

Từ Yến Chu ngồi xổm xuống: “Còn mua được mà, ta sẽ nướng cho nàng.”

Quả thật chàng nướng chân giò rất ngon, Cố Diệu gật đầu đồng ý, nhưng bây giờ không thể đi Vân Thành, không thể mua giò heo được.

Cố Diệu: “Trong một ngày huynh đốt được bao nhiêu than?”

Từ Yến Chu: “Ba mươi đến năm mươi cân.”

Một ngày được ba mươi đến năm mươi cân, nhất định đủ dùng trong nhà, còn có thể đem bán. Trên núi nhiều cây cối, không cần dùng đến than ngay lập tức, nhặt bụi gai, nhánh cây là có thể dùng được rồi, muối thì cứ từ từ, đem than đi bán trước.

Đến mùa đông ai cũng cần than để sưởi ấm, than dễ dùng hơn củi, củi người ta còn mua huống gì là than. Chẳng lo than rẻ cũng sẽ kiếm được chút đỉnh, đắt rẻ không quan trọng, có tiền mới có thể mua thức ăn.

Cố Diệu: “Không bằng nhân lúc trời còn chưa chuyển lạnh, chúng ta bán than đi.”

Từ Yến Chu: “Có thể, nhưng Vân Thành bây giờ khá nguy hiểm, không cho đi.”

Cố Diệu vỗ vỗ bàn tay dính than, nhưng càng lau càng bẩn: “Ta cũng không nói sẽ đi Vân Thành, huynh quên rồi sao, lần trước ta đến thôn phụ cận Vân Thành hỏi người hái thuốc ở đó cách bào chế nhân sâm, bên đó có rất nhiều thôn trang. Ta nghe người ta nói cách vài ngày nữa sẽ họp chợ, chúng ta mang than đến đó bán.

Chợ nhỏ, nên đồ vật bán ra sẽ rẻ hơn trong nội thành, muốn vào thành còn phải tốn hai văn tiền làm phí, cho nên người trong thôn muốn đổi cái gì cũng đến chợ nhỏ này.

Lúc ấy nàng nghe xong cũng muốn bán muối ở đó, nhưng việc bán muối quá mạo hiểm, còn không bẳng đem đẩy hết cho ông chủ quán rượu, nhưng than thì có thể mang đến chợ bán.

Cố Diệu: “Huynh nói xem được không?”

Từ Yến Chu nói được: “Ta đi cùng nàng.”

Cố Diệu dời ánh mắt: “Lần đầu tiên huynh vẫn nên ở nhà đi, chờ ta thăm dò tình hình rồi nói sau, bán than không phải chỉ trong một lần đã hết, sau này còn nhiều cơ hội.”

——-

Lần đầu tiên đi bán than củi, người một nhà đều muốn đi.

Lư thị lo lắng cho Cố Diệu đi đường núi một mình, còn phải đi hơn mười dặm đường, hơn nữa còn không quen người ở đó sẽ bị lừa.

Từ Ấu Vi: “Không phải lần trước huynh trưởng đã đi Vân Thành sao, tẩu tử, ta cũng cải trang mặt đầy than là được.”

Từ Yến Nam giơ tay lên: “Tẩu tử, tuy rằng đệ rất muốn đi nhưng đệ sẽ nghe lời, ở nhà trông coi vườn rau thật tốt.”

Cố Diệu xoa mặt hắn: “A Nam ngoan nhất.”

Vẫn không nên đi là tốt nhất, không chừng lưu Vĩ Trạm đang mai phục trong thôn. Nàng dám đi ra ngoài vì xuất thân nàng là thứ nữ không được yêu thương, cơ bản không có người nào biết mặt. Nhưng những người khác, nàng không thể mạo hiểm: “Thế này đi, lần này ta đi dò đường trước, lần sau sẽ dẫn người theo, ta chỉ chọn một ít than đi bán rất nhanh sẽ về.”

Từ Ấu Vi nắm chặt tay: “Tẩu đợi ta một lát!”

Nàng vội vàng chạy đi, chỉ một lát sau đã quay lại, Cố Diệu vừa nhìn thấy thật sự không nhận ra, như biến thành người khác.

Không chỉ đen mà mặt mày đều thay đổi.

Từ Ấu Vi cầm miến than nhỏ trong tay: “Tẩu xem, không nhận ra đúng không.”

Từ Ấu vi sử dụng bút lông rất giỏi, bây giờ nàng chỉ cần cầm một hòn than cũng có thể họa khuôn mặt thành bức tranh, tốt hơn rất nhiều so với lúc Cố Diệu vẽ loạn trên mặt Từ Yến Chu.

Cố Diệu cảm thấy rất hay: “Ấu Vi…”

Mắt từ Ấu Vi sáng rực: “Tẩu đồng ý rồi sao?”

Cố Diệu: “Muội cải trang cho ta đi…”

———-

Ngày diễn ra hội chơ, Cố Diệu gánh hai sọt than đi xuống núi. Đi đến thôn này gần hơn Vân Thành rất nhiều, chưa qua nửa canh giờ nàng đã đến nơi.

Phiên chợ quả thật không nhỏ, Cố Diệu vừa đi vừa quan sát, tìm người phụ trách trả hai văn tiền phí làm quầy phí, rồi bày than ra bán. Bên trái nàng là quầy bán gùi, bên phải bán rổ, tiền không dễ kiếm, những đồ đem bán đều tự tay làm ra.

Một cái gùi hai văn, một cái rổ một văn, bán thêm vài chiếc có thể lấy được phí quầy về, nhiều hơn nữa thì kiếm được hơn mười văn. Mua đi bán lại, số tiền kiếm được đem đi mua lương thực và thịt về.

Trong chợ không có chỗ nào bán củi, sau vụ thu, người dân nhàn rỗi sẽ lên núi đốn củi cho nhà dùng. Nếu muốn bán củi thì phải vào thành bán.

Cố Diệu thở dài, nếu không bán được than nàng đành phải đi vào Vân Thành xem thử.

Việc buôn bán của Cố Diệu không được tốt lắm, hai quầy hàng bên cạnh cũng không khá khẩm là bao. Đại thẩm bán rổ nhìn Cố Diệu một lát: “Ngươi bán cái gì đây? Sao chúng lại vừa đen vừa trắng như thế?”

Cố Diệu: “Là than, đốt than sẽ ấm hơn dùng củi, một hòn than có thể cháy rất lâu, trời mùa đông lạnh, dùng than sưởi ấm thì khói sẽ nhỏ hơn.”

Đại thẩm có chút động tâm: “bán thế nào?”

Cố Diệu: “Than đen hai văn tiền một cân, than trắng ba văn, nếu thẩm trả năm văn sẽ có ba cân than đen.”

Đại thẩm: “Cô nương, lấy rổ đổi được không? Ta đan rổ này vừa đẹp vừa chắc, không thì cũng không dám mang lên chợ bán đâu.”

Cố Diệu suy nghĩ: “Nhưng ta cũng không dùng được nhiều rổ như vậy, đổi cho thẩm một cân than nhé.”

Cố Diệu thu được hai cái rổ, vạn sự khởi đầu nan, mở hàng việc buôn bán cũng khá tốt.

Sau đó có không ít người đến hỏi thăm giá bán than, mùa đông khó làm việc, đi đốn củi trong thời tiết giá rét không chỉ tray chân lạnh cóng mà còn phí quần phí áo, phí giày dép.

Có than để đốt thì còn gì bằng.

Chẳng qua trong tay mọi người không có nhiều tiền, bọn đều lấy đồ vật ra đổi. Một cuộn vải bố đổi ba cân than, một cân thịt heo đổi sáu cân than, một mẻ cá tươi đổi mười lăm cân than, Cố Diệu thử ước lượng cũng phải tới bốn cân cá. Nàng không dùng cân mà toàn dùng tay để ước lượng đồ, hai bên không thấy thua lỗ thì giao dịch hoàn thành.

Than trong rổ vơi dần, đồ cũng càng ngày càng nhiều thêm. Tới lúc bán hết than, trong rổ đã có thêm cuộn vải, thịt, cá, bột ngô, đậu và rất nhiều rau khô. Cố Diệu đổi được nhiều rau khô nhất, mấy chiếc rổ nhỏ nàng cũng đặt vào luôn, chọn mấy thứ đi họp chợ.

Ngoài mấy thứ đổi được, nàng còn mang tiền theo, đã mất công đi một chuyến sao có thể không mua thịt. Đầu năm nay thiếu chất béo, nên vừa mổ một con heo đã nhanh chóng bán hết thịt, nhưng mọi người đều nhặt thịt mỡ mà mua, thời điểm Cố Diệu tới chỉ còn xương sường và giò heo.

Cố Diệu: “Lấy hết xương sườn, bốn cái giò heo, xương ống gói lại lết cho ta.”

Xương sườn trong chợ rẻ hơn trong thành hai văn tiền, Cố Diệu dùng hết chín mươi văn để mua thịt. Nàng dạo vòng vòng, mua thêm một bao đường trắng, phát hiện ra có tôm khô và rong biển khô.

Tôm khô nhỏ bằng ngón tay, màu hồng nhạt, Cố Diệu hỏi: “Cái này bán thế nào?”

“Đây đều là hàng tốt chuyển từ phía nam đến, vẫn là cô nương ngươi biết nhìn hàng, tôm khô hai mươi văn một cân, rong biển mười văn.”

Quá đắt, còn đắt hơn cả thịt, nàng cũng không nhất thiết phải ăn tôm. Có thịt nàng đã rất vui rồi, sau này có tiền sẽ ăn tôm, Cố Diệu nói: “Quên đi, ta không mua.”

Tôm này do các chủ vựa đi thăm người thân bạn bè mang về, vừa quý vừa đắt, còn tưởng rằng sẽ bán rất tốt, kết quả một cân cũng không bán được.

“Cô nương chờ đã, bán rẻ cho cô năm văn tiền được chưa, chỉ có thể rẻ tới mức đó…

Cố Diệu dừng lại: “Vậy lấy hai cân.”

Hai cân tôm mà một cân rong biển, chủ quán lấy được tiền, nhỏ giọng hỏi: “Cô nương muốn mua muối không?”

Cố Diệu không lấy, nghĩ lại cũng đúng, đã chuyển được tôm với rong biển về đây, thì sao thiếu muối được, nàng lắc đầu, gánh đòn gánh về nhà.

Lư thị không tưởng tượng nổi, hai sọt than có thể đổi được nhiều đồ đến thế. Bà lấy bột ngô ra trước: “Bột ngô này thật tốt, A Diệu, chúng ta không thể ngày nào cũng ăn bột gạo hay bột mì, dùng bột ngô ăn đỡ cũng được.”

Từ Yến Nam: “Mẫu thân, bột ngô ăn ngon không?”

Lư thị: “Sao không ngon cho được, vừa ngọt vừa thơm, rất ngon.”

Nhiều đồ vật, đã lấp đầy cái tủ bát.

Vải bố quá dày, dùng làm đế giày là tốt nhất, tôm thì để giành, đậu thì có đậu tương, đậu xanh, đậu đỏ đều nấu lên ăn được, mang đi hầm lên, còn có thể làm hạt đậu nảy mầm lên ăn.

Có những thứ này chống đỡ qua mùa mưa, tới lúc đó đã có rau để ăn.

Cố Diệu nhìn bốn cái giò heo, lại quay sang Từ Yến Chu.

——-

Tác giả có lời muốn nói.

Từ Yến Chu: A Diệu khen ta, vui vẻ.

Từ Ấu Vi: Huhuhu, rốt cuộc thì sai chỗ nào, có thật là huynh bị bệnh không.

Từ Yến Chu: Khóc cái gì mà khóc, làm như thể ta chết đến nơi.