Xuyên Thành Mẹ Kế Ác Độc, Trả Thù Nam Chính

Chương 200



Ăn Tết 5

"Rượu sao đỏ nhị oa đầu." Anh họ cả cười tủm tỉm, lấy chai rượu ra.

Phong Ánh Nguyệt cũng lấy rượu sake mà bọn họ mua về ra, loại rượu này thích hợp cho nữ uống.

Bác cả Đường và bác gái cả lấy ra mấy cái chén, gắp mỗi món một ít, sau đó rót hai chén rượu đặt lên miếu thờ.

Sau đó, anh họ cả đặt vài đuôi củ cải lên miếu thờ.

Cha Đường mang đến một bó hương, trước tiên, người nhà bác cả Đường châm hương rồi lạy vài cái, sau đó cắm hương vào đuôi củ cải.

Sau đó là người nhà cha Đường, Phong Ánh Nguyệt đứng sánh đôi với Đường Văn Sinh, mỗi người cầm một cây hương, cùng cúi người rồi ngồi xổm xuống, cắm hương xong rồi thì đứng sang một bên.

Cuối cùng là nhà chú ba.

Mà đồ ăn được bác cả Đường mang tới cuối cùng lại được chia thành ba phần, một phần cho A Tráng, một phần cho Nguyên Đản, còn một phần cho chị dâu họ đang mang thai.

"Cho bọn nhỏ ăn để năm sau khỏe mạnh chóng lớn, không bệnh không tật."

Bác cả Đường cười híp mắt nói.

Chị dâu họ sờ bụng của mình, cũng cười gật đầu.

Đồ ăn hơi lạnh một chút nên cho thêm chút canh nóng vào để cho bọn nhỏ ăn cho nóng.

Mà hai chén rượu kia, một chén rượu đế, một chén sake. Rượu đế chia cho cánh đàn ông, sake chia cho cánh phụ nữ.

Ý nghĩa của việc dâng rượu là, nếu uống ly rượu đã được dâng thì người lớn cũng sẽ được tổ tiên che chở bình an.

"Ăn cơm ăn cơm thôi."

Sau khi bác cả Đường nói được hai câu thì chạy nhanh đi dọn cơm.

Ăn cơm phải ngồi bàn tròn lớn, mà cái bàn tròn lớn này cũng không hề bình thường. Nghe Đường Văn Sinh bảo thì cái bàn này là do bác cả Đường tự làm ra, dựa theo lượng người trong gia đình trong tương lai để làm, thế nên dù có nhiều người ngồi nhưng lại không hề thấy chật, thậm chí còn có thể ngồi thêm vài người nữa.

Sau khi ăn cơm xong, mọi người ngồi hàn huyên ở phòng sưởi ấm nhà bác cả Đường vài giờ đồng hồ, Đường Văn Sinh đang ngồi chơi cờ ở bên cạnh, bọn nhỏ cầm kiếm gỗ anh đánh em, em đánh anh.

Sau khi Phong Ánh Nguyệt ăn hạt dưa và đậu phộng thì rất khô miệng, uống nhiều nước ấm cũng chẳng xi nhê.

Khoảng năm giờ thì đám người Đường Văn Sinh về nhà, bởi vì hôm qua làm rất nhiều đồ ăn tết nên buổi tối chỉ cần hâm lại là ăn được rồi, thế nên bọn họ cũng không cần phải vội vàng nhóm lửa, đến khoảng sáu giờ thì bắt đầu nấu cơm.

Dựa theo tập quán nhà nông thì đêm ba mươi là đón giao thừa.

Cũng có thể nói là trông coi bờ ruộng, ngụ ý là dù cho năm sắp đến có mưa lớn thế nào thì ruộng cũng sẽ không bị ngập úng, lương thực sẽ tăng thêm.

Phong Ánh Nguyệt trông đến hai giờ thì không chịu được nữa, Đường Văn Sinh cười, bảo cô về phòng ngủ đi. Ban đêm Nguyên Đản ngủ với mẹ Đường nên khi hai người về phòng thì còn lăn qua lăn lại một chút mới ngủ.

Sáng sớm mùng một Tết, Nguyên Đản mặc áo khoác ấm mới, đội mũ thêu chữ phúc do Phong Ánh Nguyệt làm, nó cười tủm tỉm đi gõ cửa.

Đường Văn Sinh mở cửa ra, Nguyên Đản cười hì hì chạy vào.

"Mẹ ơi, chúc mừng năm mới ạ."

"Chúc mừng năm mới." Phong Ánh Nguyệt cười, lấy từ trong gối ra một bao lì xì đưa cho nó: "Đã qua năm mới rồi, mong con vui vẻ, bình an yên ấm."

"Cảm ơn mẹ."

Sau khi Nguyên Đản nhận lấy bao lì xì thì khuôn mặt nhỏ nhắn đỏ ửng lên quay sang Đường Văn Sinh: "Cha ơi, chúc mừng năm mới ạ."

Đường Văn Sinh lần mò trong túi nhỏ rồi cũng đưa một bao lì xì sang.

"Ngoan."

Nguyên Đản lạch bạch lạch bạch chạy đi.

Phong Ánh Nguyệt cũng không ngủ tiếp nữa mà đứng dậy mặc quần áo, chuẩn bị đóng cửa phòng ra ngoài với Đường Văn Sinh, ai ngờ Đường Văn Sinh lại lấy một bao lì xì to đưa cho cô.

"Cho em à?"

"Ừm."

Đường Văn Sinh bảo cô mở ra nhìn xem.

Phong Ánh Nguyệt mở ra thì thấy, giỏi thật đấy, sáu mươi sáu đồng!

"Anh tích góp từ khi nào thế?"

Đường Văn Sinh hôn lên mặt cô một cái: "Đăng một ít bài nên tích được đấy."

Phong Ánh Nguyệt cũng quay sang hôn anh: "Anh thấy thứ mà em chuẩn bị cho anh chưa?"

"Thấy rồi." Đường Văn Sinh lấy ra chiếc áo len trong ngăn tủ: "Dày thật, anh thích lắm."

Đây là áo len hai lớp, với cơ thể của Đường Văn Sinh thì khi ở trong phòng nếu mặc nó thì sẽ ấm áp lắm.

Hôm nay, cha Đường và mẹ Đường đều mặc áo len mà Phong Ánh Nguyệt đan, bên ngoài thì khoác thêm áo ấm, trên đầu đội mũ màu đen mà Đường Văn Tuệ đan.

Người xưa đã bảo màu này rất tốt, trấn áp được mấy thứ dơ bẩn.

Anh hai Đường và chị dâu Đường cũng tặng cho mỗi người bọn họ một chiếc quần bông.

"Đêm qua tuyết rơi cũng lớn đấy." Anh hai Đường nhìn ra ngoài sân: "Anh thấy tuyết ở trong sân không cần phải vội, chúng ta đi dọn tuyết ở trên mái nhà đi."

Đường Văn Sinh gật đầu: "Được."