Diêm Lập cảm thấy một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng.
Cậu lập tức lao ra ngoài xem tình hình. Quả nhiên, đúng như linh cảm, Vương Ma Tử đang đứng giữa sân, tay cầm một khẩu súng săn, vẻ mặt dữ tợn như thể chỉ cần ai tiến thêm một bước là ông sẽ nổ súng không chút do dự.
Ông ấy gào lên như thú hoang bị dồn vào đường cùng: “Mẹ kiếp, còn dám làm phiền ông nữa là ông bắn nát sọ chúng mày đấy!”
Dù vậy, vẫn có người không chịu lùi bước, cứng đầu lên tiếng:
“Vương Ma Tử, ông chẳng phải cần tiền sao? Chúng tôi đã cho ông thêm rồi, một cái xác một trăm nghìn tệ là nhiều lắm rồi đấy, ông đừng có quá đáng!”
Vương Ma Tử nhíu mày, ánh mắt lóe lên tia giận dữ. Ông giơ khẩu súng, làm động tác như sắp bóp cò.
Lần này thì đám người kia thật sự hoảng loạn. Không ai còn gan lì nữa, tất cả vội vàng bỏ chạy tán loạn như ong vỡ tổ.
Diêm Lập nín thở, rồi run giọng hỏi:
“Ông ơi, trong tay ông là… là súng thật đấy à? Có phải… phạm pháp không vậy?”
Nghe tiếng Diêm Lập, Vương Ma Tử quay đầu lại. Ông nheo mắt, nhìn chằm chằm vào cậu. Không nói một lời, ông thẳng tay nhắm ngay ngực Diêm Lập rồi bóp cò.
Đoàng!
“Á!” – Diêm Lập hét thất thanh.
Tim như rơi khỏi lồng ngực. Cậu lập tức nhắm chặt mắt lại, đầu óc trống rỗng. Xong rồi! Coi như lần này có thần tiên cũng không cứu được mình!
Thế nhưng... một giây, rồi hai giây, ba giây trôi qua.
Không có đau đớn. Không có máu. Không có gì hết.
Diêm Lập rụt rè mở mắt. Trước mặt là Vương Ma Tử đang nhếch môi cười như trêu chọc. Ông giơ khẩu súng lên, lắc nhẹ:
“Súng giả đấy.”
Diêm Lập: “…”
Trời đất ơi, ông không thể nói trước một câu à? Hù chết người ta rồi mới cười cợt như vậy thì ác quá!
Vương Ma Tử khoát tay: “Được rồi, hai người cũng mau cút đi cho khuất mắt.”
Nói đoạn, ông lôi từ trong góc nhà ra một cái bao tải lớn. Từng tiếng “sột soạt” vang lên giữa căn nhà vắng khiến không khí càng thêm nặng nề. Ông nhét cái xác vào bao tải một cách thuần thục, chẳng hề e ngại mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc. Có lẽ đối với ông, tất cả những thứ này đã quá quen thuộc.
Giữa căn nhà tối tăm, có treo một chiếc gương đồng cũ.
Vương Ma Tử bước tới trước gương, đứng nghiêm chỉnh, lặng lẽ nhìn chằm chằm vào hình ảnh phản chiếu.
Người làm nghề vớt xác có một điều cấm kỵ: Sau khi mang xác về, nhất định phải đứng trước gương đồng để soi lại mình. Nếu trong gương không chỉ có một người mà xuất hiện thêm bóng thứ hai… vậy thì xong đời – nghĩa là có thứ không sạch sẽ đã theo về.
Kỷ Hòa lặng lẽ quan sát từng hành động của Vương Ma Tử. Ánh mắt cô trầm ngâm, như đang suy tính điều gì. Một lúc sau, cô nhẹ nhàng mở lời:
“Vương Ma Tử, bị người trong thôn ghét bỏ, buộc phải dọn ra mé sông sống một mình, tôi nghĩ chắc ông cũng có nỗi khổ riêng đúng không?”
“Ông nhìn qua có vẻ đáng sợ, nhưng thực ra không phải người xấu. Ngược lại, đám người vừa rồi ép ông đến đường cùng, rõ ràng là ông đang giữ thứ gì đó mà họ muốn. Nếu tôi đoán không sai… thì đó là một cái xác, đúng chứ?”
Cô dừng lại một chút, giọng vẫn đều đặn, trầm ổn:
“Bố mẹ mất sớm, không vợ con, ông sống cô độc một mình suốt bao năm nay. Nhưng trong mệnh ông vẫn có một người bạn thân – là tri kỷ, cùng tuổi. Người đó chính là người duy nhất ông tin tưởng, và cũng là người vừa mới qua đời không lâu trước đây.”
“Cái xác mà ông không chịu giao ra, chính là thi thể của người bạn đó – đúng không, Vương Ma Tử?”
Vừa đầu, Vương Ma Tử còn giữ vẻ mặt lạnh lùng, thậm chí hơi bực dọc. Nhưng càng nghe Kỷ Hòa nói, sắc mặt ông càng trở nên trầm lặng.
Cuối cùng, ông lặng lẽ đánh giá Kỷ Hòa một lượt từ trên xuống dưới, rồi hỏi:
“Cô là ai vậy?”
Kỷ Hòa nhẹ nhàng đáp: “Tôi là ai cũng không quan trọng. Chỉ là… biết chút ít thuật phong thủy.”
Nghe vậy, Vương Ma Tử bật cười, nhưng không phải kiểu cười khinh thường mà là một tiếng cười trầm thấp, như trút được gánh nặng.
“Ha, đúng là cô có chút bản lĩnh đấy. Nói thật, hiện giờ tôi đang gặp rắc rối. Nếu cô giúp được tôi giải quyết mấy chuyện phiền phức này… tôi cũng không ngại giúp lại cô.”
Rồi ông nhìn về phía góc phòng, nơi cái bao tải vừa bị nhét xác vào, giọng khàn khàn:
“Đúng vậy. Cái xác mà họ nói tôi hét giá, không chịu trả lại, chính là lão Đường – bạn thân của tôi.”
Nói xong, Vương Ma Tử châm một điếu thuốc, khói trắng lượn lờ quanh khuôn mặt ông, khiến vẻ u sầu càng hiện rõ. Những vết rỗ chi chít trên mặt ông ta giờ đây cũng không còn trông đáng sợ như ban nãy nữa.
Ông khẽ rít một hơi, rồi trầm ngâm kể:
“Lão Đường vốn không phải người thôn Lạc Hoa đâu. Ổng là người thành phố, nghe nói môi trường ở đây tốt nên đến du lịch thư giãn. Tình cờ lại gặp tôi, cả hai cùng thích câu cá, nên dần dần thân thiết. Gặp nhau là rủ đi câu, nói chuyện dăm ba câu là thấy hợp.”
“Ông ấy khác chúng tôi lắm, sống có điều kiện, lại có tiếng tăm. Nghe bảo có ba đứa con trai: thằng cả là giám đốc một công ty tư nhân, thằng hai làm chủ nhiệm khoa ở bệnh viện, còn thằng út thì đang du học bên nước ngoài. Nghe qua thì ai chẳng nghĩ ông ấy có phúc.”
Vương Ma Tử khẽ lắc đầu, giọng trùng xuống:
“Lúc ấy tôi còn khen, bảo ông ấy sướng thật, sinh được toàn con giỏi giang. Ấy vậy mà lão Đường chỉ thở dài. Ổng nói, thằng cả với thằng hai chẳng hiếu thảo gì đâu, chỉ diễn vai con ngoan trước mặt thôi, chứ trong bụng chỉ mong thừa kế tài sản.”
“Tôi cứ tưởng ông ấy than thở cho có, còn vỗ vai an ủi. Nhưng tới lúc ông ấy chết rồi, tôi mới biết… mấy thằng đó thật sự là một lũ súc sinh!”
Vương Ma Tử nheo mắt, ánh nhìn đầy giận dữ.
“Cậu thấy rồi đấy, đám người đứng ngoài chửi bới lúc nãy, người dẫn đầu chính là hai thằng con lớn của lão Đường. Đừng tưởng họ đến đòi lại xác bố vì thương xót. Không có đâu! Họ chỉ đang diễn kịch thôi!”
“Họ cần một cái cớ để kể với luật sư rằng mình đã dốc sức lo hậu sự cho bố. Sau này chia tài sản còn dễ giành phần hơn. Trước kia, lão Đường từng kể với tôi, có lần vô tình nghe được thằng cả nói với vợ nó, chỉ mong ông chết quách đi cho nhanh… nghe mà đau lòng!”
Ông ta dụi điếu thuốc, gằn giọng:
“Tôi thấy cảnh đó, chỉ thấy tội nghiệp cho lão Đường…”
Diêm Lập im lặng một lúc, rồi khẽ hỏi:
“Vậy… sao lão Đường lại chết? Và tại sao thi thể lại trôi ra sông?”
Vương Ma Tử nghe đến đây liền thở dài, giọng ông nghẹn lại:
“Ôi trời ơi…”
“Lão Đường tự sát. Ổng già rồi, bị chứng lo âu với trầm cảm, mấy đứa con thì chỉ biết làm ổng thêm khổ tâm. Tôi khuyên răn biết bao nhiêu lần mà ổng vẫn không vượt qua nổi. Có hôm, tôi thấy ổng cười nói bình thường, ai ngờ là lần cuối…”
“Ngày hôm đó, đến bữa tối mà không thấy ông ấy đâu. Linh cảm chẳng lành khiến tôi vội chạy ra bờ sông. Đến nơi thì thấy một chiếc giày của lão Đường mắc bên mép đá. Tôi hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra…”
“Tôi liền lấy thuyền chèo ra, mò tìm cả đêm mới thấy thi thể của ông ấy… Nhưng lúc đó… thì đã muộn rồi.”
Nói đến đây, ông ngẩng mặt lên trời mà kêu than:
“Trời ơi! Ông bạn già của tôi ơi, sao ông lại nghĩ quẩn như thế này cơ chứ…”
Ông đấm ngực dậm chân, nỗi đau hiện rõ trong từng hành động.
Là người làm nghề vớt xác, quanh năm tiếp xúc với tử thi, bị dân làng xa lánh vì cho là xui xẻo, Vương Ma Tử vốn chẳng có ai gọi là bạn. Vậy mà lão Đường lại không hề e dè. Dù thời gian quen biết không dài, nhưng ông lại là người đầu tiên coi Vương Ma Tử là bạn thật lòng.
Đối với nghề của ông, lão Đường chưa từng chê bai, ngược lại còn cảm thông.
“Có gì mà xui chứ…” – Vương Ma Tử nhớ lại lời lão Đường từng nói – “Ông làm việc này là giúp người chết được yên nghỉ, không để họ mãi nằm dưới sông lạnh lẽo. Người sống, người chết… ai cũng phải cảm ơn ông.”