Tôi xuyên về năm 1970, trước mặt là ba đứa trẻ gầy yếu, có người hỏi tôi nên gửi đứa nào đi?
Tôi nhìn kỹ lại ba đứa trẻ ấy... Đó là mẹ tôi, dì tôi và cậu tôi.
Đứa nào cũng không dám gửi đi!
1
Trước căn nhà đất xập xệ, tôi đứng dưới cái nắng chói chang, đối diện với ông cụ bí thư thôn.
Ông hỏi: “Nghĩ kỹ chưa? Gửi đứa nào đi?”
Ba ngày nay, tôi nằm trên giường trong cơn mơ hồ, bên tai lúc nào cũng vang lên tiếng khóc thảm thiết của ba đứa trẻ.
Tôi quay đầu lại, nhìn ba gương mặt nhỏ nhắn quen thuộc ở góc tường. Chúng trùng khớp với những bức ảnh cũ trong album.
Đây chính là phiên bản thuở nhỏ của mẹ tôi, dì tôi và cậu tôi. Bây giờ, cả ba đều gọi tôi là mẹ.
Bà ngoại tôi là một người phụ nữ khổ mệnh.
Tuổi thơ mất cha, thanh xuân mất chồng, trung niên mất con. Ba đứa trẻ, một đứa chết, một đứa bị gửi đi, chỉ còn lại mẹ tôi.
Bà mang nỗi oán hận với cuộc đời, dần dần trở thành một Tường Lâm Tẩu*, gặp ai cũng xé toang vết thương của mình ra để cho người ta thấy.
(*) Tường Lâm Tẩu (祥林嫂): Nhân vật trong tác phẩm của Lỗ Tấn, tượng trưng cho những người phụ nữ bị xã hội phong kiến áp bức, chịu nhiều bi kịch, luôn mang nỗi đau quá khứ mà không thể buông bỏ.
Nếu có thể lựa chọn, tôi muốn gửi đi hết.
Nhưng không được, họ chỉ cho gửi một đứa.
Đúng vậy, tôi đã xuyên thành bà ngoại của mình – Trương Quế Lan vào năm 1970.
Bà không sống lâu, đến năm 1992 thì qua đời vì ung thư phổi.
Giờ đây, tôi đã trở thành bà ấy.
Ở vùng nông thôn nghèo khổ của những năm 70, không có đàn ông, không có họ hàng giúp đỡ, phải nuôi ba đứa trẻ, kiếm công điểm, mà số lương thực chia được chẳng đủ nhét kẽ răng.
Ai chịu nổi chứ? Ông trời muốn tuyệt đường sống của tôi sao.
Tôi bất lực vò mái tóc khô xơ: “Nhà đó đáng tin không? Có khi nào mang đi mổ lấy nội tạng hay đưa vào mỏ than đen không?”
“Đừng nói mấy lời linh tinh.” Bí thư thôn cau mày. “Nhà đó đã nhờ tôi dò hỏi mấy lần rồi, điều kiện trong nhà tốt, chỉ thiếu một đứa con gái thôi.”
Tôi nhìn quanh ba đứa nhỏ, nhắm được mục tiêu: “Đứa thứ hai đi, ăn nhiều lại hay khóc, mang nó đi đi.”
Lẽ ra, bà ngoại tôi đã gửi đứa lớn đi. Sau đó không lâu, nhà người ta chuyển đi, từ đó bặt vô âm tín.
Nhưng lần này, tôi không theo kịch bản cũ, trực tiếp bán mẹ tôi đi.
Nhà đó chẳng phải điều kiện tốt sao? Mẹ tôi qua đó còn hơn là ở lại với tôi.
“Được, tôi sẽ mang con bé thứ hai đi ngay, nhà đó có mấy thanh niên trai tráng, chắc chắn nó sẽ được ăn no.” Ông ấy nhấn mạnh thêm lần nữa.
Mẹ tôi khóc cả buổi trời, nhưng cuối cùng vẫn bị bí thư thôn dẫn đi.
Dì và cậu tôi khóc như chó, khóc lóc thảm thiết chạy theo đến tận ngoài sân.
Tôi lặng lẽ thu dọn nửa sọt khoai lang đổi được từ mẹ tôi, mắt cũng không thèm ngước lên: “Khóc cái gì mà khóc, đây chính là số mệnh.”
2.
Sau khi mẹ tôi bị đưa đi, dì và cậu tôi vẫn tiếp tục khóc. Tôi phải nhét bông vào tai mới có chút yên tĩnh.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn -
Lúc đầu, tôi thấy khá vui, nhưng càng về sau lại càng cảm thấy có gì đó không đúng.
Bí thư thôn nói nhà đó có mấy thanh niên trai tráng… Một gia đình như vậy, thật sự chỉ thiếu một đứa con gái thôi sao?
Thế là ngày hôm sau, tôi lén lút đi đến ngôi làng đó.
Ở thời buổi này, ai cũng nghèo, nhưng nhà đó xem ra cũng khá giả, dưới tường treo đầy bắp ngô và ớt, trong bếp còn có mấy sọt khoai lang.
Tôi vừa nhìn đã thấy mẹ tôi ngồi xổm bên bếp lửa, nước mắt lưng tròng, thỉnh thoảng lại bị một người đàn bà béo đánh một cái.
“Nếu còn để lửa cháy lớn nữa, tối nay đừng hòng có cơm ăn!”