Xuyên Việt Thú Nhân Chi Tướng

Chương 96: Đại chu thiên



Một lần trăng tròn là bảy mươi ngày. Cho nên trong thời gian xây dựng một loạt gian phòng ở phía Đông, đám người Bách Nhĩ liền bớt thời gian tới bộ lạc Đại Sơn thăm mấy tiểu hài tử kia ba lần, đồng thời thuận tiện đề cập chuyện gian tế với Viêm. Nghe nói, Viêm có vài phần coi trọng với hai á thú trong đó. Đương nhiên, lúc đi, bọn họ cũng thuận tay mang theo không ít muối.

Vốn Bách Nhĩ tưởng rằng muốn học hết kiến thức của Cốc vu chỉ e phải qua mùa tuyết rơi, hoặc là lâu hơn. Ai ngờ lần đi thăm cuối cùng, ba thằng bé thế nhưng đều đã thu dọn da thú để trải khi nằm ngủ, vác trên lưng, tư thế chuẩn bị về cùng. Hóa ra trí nhớ của trẻ con tốt, mà Cốc vu chỉ có thể dạy chúng nhận biết một vài loại cỏ, cây, đá, côn trùng có thể làm thuốc, còn cách thức trị liệu, thì ngay cả ông cũng chưa có bao nhiêu cơ hội thử nghiệm, bởi vì thú nhân bị thương phần lớn đều không muốn ông chữa trị cho, đương nhiên hiệu quả chữa trị của Cốc vu cũng chẳng có gì đặc biệt. Nếu chỉ là nhận biết các loại dược, với thời gian hơn ba tháng, tụi nhỏ đã vét sạch tri thức của Cốc y rồi. Mà Cốc vu là vu trưởng của bộ lạc Đại Sơn, ông không thể dạy chữ cho người bộ lạc khác được. Nếu đã không còn gì để dạy, dĩ nhiên sẽ không trì hoãn thời gian học săn bắt của tiểu thú nhân nữa, nên dù không đành lòng, ông cũng không thể không nước mắt ròng ròng tiễn ba tiểu thú nhân đi.

Trở lại bộ lạc, nhìn thấy phòng ốc bằng đá một bên đã được xây xong, các tiểu thú nhân hưng phấn mà kêu grào grào mấy tiếng, lăn trên nền đá, rồi chạy nhảy khắp nơi. Cuối cùng chúng được dồn vào trong phòng ốc của lão nhân, ở cùng một gian với các hài tử khác trong bộ lạc. Bởi vì bộ lạc của Phong khi đến cũng dẫn theo ba tiểu thú nhân, thành ra tổng cộng có tám đứa, ngủ một gian thì hơi chật, nhưng chúng lại thấy rất vui, người lớn tới tách ra cũng không chịu, mặc cho nửa đêm đang ngủ sẽ bị đá hoặc tự lăn ra gian nhà bếp.

Tìm kiếm mỏ đá mới tốn không ít công sức, nhưng gần nhất vẫn là bộ lạc Đại Sơn. Suy xét hành trình năm ngày trở về, các thú nhân còn chưa cảm thấy gì, Bách Nhĩ đã không tình nguyện lãng phí thời gian như vậy. Chính yếu vẫn là lúc dùng bè trúc chuyển đá, một lần chẳng chở được bao nhiêu. Cho nên y quyết định lấy nguyên liệu ngay tại chỗ, dùng lửa làm nổ núi đá trong thung lũng để khai thác. Chính là sau khi đốt thì dội nước lạnh lên, làm cho nham thạch trở nên xốp, giòn, nứt ra. Cứ như vậy, liền cần số lượng củi rất lớn.

Hiện tại có hai ông mặt trời chiếu ánh nắng chói chang, lại không có thú triều uy hiếp, phơi cây làm củi so với hành trình hai ngày rưỡi trên sông thì thoải mái hơn nhiều. Hơn nữa lúc thu gom củi còn có thể chú ý tới chuyện săn thú và hái một vài loại thực vật và thảo dược, xem như là nhất cử đa tiện.

Sau khi cẩn thận điều tra xong, đám người Bách Nhĩ quyết định khai thác đá ở phía Tây Bắc của thung lũng. Vách núi Tây Bắc như tước, dưới chân mọc đầy cây bụi gai, gần như không có người và động vật đi tới bên đó. Đào cây bụi gai dưới chân núi đi, tạo thành một khoảng đất trống. Sau đó chất đầy củi lên vách đá, châm lửa, dùng nồi xương múc nước từ chỗ bóng râm, để cho lạnh đi, chờ lửa nhỏ dần, liền bới đống lửa ra, hắt nước vào. Thời điểm khối nham thạch đầu tiên nứt ra từ vách núi, mọi người đứng ngoài quan sát đều phát ra tiếng hoan hô vui mừng, bởi vì điều này có nghĩa họ không cần vận chuyển đá từ nơi xa xôi nữa. Bách Nhĩ lại có chút phiền muộn, bởi vì bọn họ không có bình để lấy nước, nếu chỉ dùng mấy cái nồi xương kia, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tốc độ khai thác đá.

“Làm thùng gỗ đi.” Suy tư thật lâu, y nói với Lão Thác. May mà y còn có chút ấn tượng với thùng gỗ, bồn gỗ đấy. Tuy biết làm thành cái đó cũng không đơn giản, nhưng nếu có thể làm ra, tác dụng sau này sẽ không nhỏ đâu.

Trong rừng núi gần như đều là cây gỗ to, mấy người ôm mới xuể, với công cụ hiện tại của họ, đừng nói là không chặt được, mà kể cả có chặt được cũng không thể vận chuyển về. Bởi vậy chỉ có thể hạ yêu cầu xuống một bậc, dùng cành cây. Nhưng dù chỉ là cành cây, thì kích thước cũng bằng với thân gỗ mấy chục tới cả trăm năm ở kiếp trước của y rồi.

Bó lại là một công việc có kỹ thuật, siết không chặt sẽ dễ bị rỉ nước. Có điều, may mà nghề của Lão Thác chính là làm việc kỹ thuật, chân tay khéo léo, lại có khó gì, chỉ cần có nguyên liệu, rồi đưa ý tưởng cho ông, ông liền có thể loay hoay làm ra. Bởi vậy sau mấy ngày, thời điểm các thú nhân lấy nồi đầu lâu múc nước cùng với búa đá, gai thú dùng tốc độ rùa bò để khai thác đá, sắp nhịn không được mà trực tiếp tới bộ lạc Đại Sơn khiêng đá về, thì chiếc thùng gỗ đầu tiên có kích thước bao lấy một người đã thành công, thùng được cột bằng dây leo cứng chắc, đã thử nghiệm, kết quả là không bị rỉ nước. Có cái đầu tiên, tự nhiên sẽ có cái thứ hai, thứ ba, có cái lớn, cái nhỏ, cái nông, cái sâu, tóm lại rất nhanh sau đó liền giải quyết được vấn đề vận chuyển nước, cùng với vấn đề Bách Nhĩ muốn dùng thùng gỗ để rửa mặt ở trong phòng ốc.

Từ lúc thùng gỗ tăng nhiều, đống lửa đốt cũng tăng theo, tốc độ lấy đá cũng tăng lên mấy lần. Đương nhiên, thời điểm lấy đá, vẫn cần thú nhân tự tay dùng gai thú, rìu đá, búa đá ra tay đào. So sánh ra thì á thú thoải mái hơn nhiều. Vì thế lúc rỗi rãi, có á thú sẽ bắt đầu làm một vài thứ khác. Giống như Đào Đào sẽ nghĩ tới chuyện làm gốm, mỗi lần ra ngoài đều tìm kiếm đất sét. Còn có một người biết dệt vải, dùng sợi của một loại lá cây dệt thành một tấm vải thô ráp, màu xanh đậm, mặc ở trên người vừa mát mẻ vừa thu hút ánh mắt của thú nhân, khiến không ít á thú đều muốn học theo. Bách Nhĩ biết mình không giỏi về phương diện này, cho nên cũng không phí tâm tư vào đấy, mà là trực tiếp miễn cho á thú kia không phải ra ngoài săn bắt và khiêng đá xây dựng phòng ốc nữa, để y chuyên tâm ở trong thung lũng nghiên cứu, kéo sợi, dệt vải. Thậm chí Bách Nhĩ còn có thể cung cấp công cụ đủ khả năng cho á thú kia, chờ một thời gian sau, lại tìm thêm cho y vài người học trò, đương nhiên, huấn luyện mỗi ngày vẫn không thể tránh khỏi. Dù vậy cũng đã khiến không ít á thú đỏ mắt, tiếc hận là mình không có tài nghệ tuyệt vời riêng. Vì thế, từ đó về sau, một thời gian rất dài, các á thú liền có sự nhiệt tình chưa từng có đối với chuyện nghiên cứu sự vật mới, mà điều này cũng khiến họ làm ra không ít thứ tốt. Dĩ nhiên đây là chuyện sau này hẵng nói.

Thời điểm lấy đá dựng phòng diễn ra thuận lợi, Bách Nhĩ cũng tu luyện đến chỗ chướng ngại, cần hướng tới đại chu thiên. Trong khoảng thời gian này, dù ban ngày rất mệt, nhưng trước khi đi ngủ y đều sẽ đến giữa sông luyện công một canh giờ. Sự thật chứng minh, ở giữa sông luyện công khiến công lực của y tiến triển nhanh gấp hai lần trước kia. Vốn dựa theo phỏng đoán của y, trước mùa tuyết rơi có thể đi lên đại chu thiên đã là nhanh rồi.

Muốn lên đại chu thiên, tất yếu phải đả thông kỳ kinh bát mạch. Sau kỳ kinh bát mạch, thì sẽ bắt đầu xâu chuỗi mười hai kinh mạch, tới lúc đó, y không cần phải dành thời gian luyện công nữa, bởi vì đi, đứng, ngồi, nằm, chân khí đều sẽ sinh sôi không ngừng, tự động vận chuyển. Kiếp trước, y có tư chất trác tuyệt, vào thời điểm hai mươi tuổi đã đả thông đại chu thiên. Đáng tiếc, sức lực của một người có mạnh tới đâu, cuối cùng cũng có giới hạn, dù y có thể đơn phương độc mã xâm nhập vào trận địa của quân địch, lấy đầu thủ lĩnh của bọn chúng, dù y có khả năng một mình lao ra khỏi vòng vây, lại không thể cứu được mười mấy ngàn tướng sĩ và dân chúng đói khát, mỏi mệt tới cực hạn bị nhốt trong Cô Thành, cuối cùng vẫn phải lấy thân tuẫn thành.

Chậm rãi chìm vào trong dòng nước chảy xiết, tình hình trận chiến cuối cùng ở kiếp trước chợt lóe lên trong đầu y, sau đó nhanh chóng bị y ném ra sau đầu.

Chân khí giống như thường ngày, trước tiên luân chuyển theo vòng tiểu chu thiên, từ nín thở tự nhiên chuyển thành hô hấp bên trong, rất nhanh sau đó liền tiến vào cảnh giới quên cả bản thân và sự vật, dòng nước, cơ thể như không tồn đại, trong hai mạch Nhâm Đốc sinh sôi chân khí không ngừng cùng với mười hai kinh chính và kỳ kinh bát mạch tưởng chừng như không liên quan gì, thật ra lại đang tác dụng trong ngoài với nhau, bí ẩn liên kết đã bắt đầu lộ ra vô cùng rõ rệt.

Bách Nhĩ xem xét lại một lần nữa tình huống kinh mạch của mình, y phát hiện chân khí trong tiểu chu thiên đang vận hành ổn định, thế nhưng ngoại trừ mười hai kinh chính cùng với hai mạch Nhâm Đốc ra, thì chân khí được cất giữ trong sáu kỳ kinh còn lại đều có vẻ vô cùng phát triển, hiển nhiên sớm đã chuẩn bị xong cùng chân khí trong tiểu chu thiên hợp lại làm một. Xung quan cũng không phải là chuyện ngày một ngày hai, nên y cũng không nóng vội, mà là đang cố gắng đạt tới cơ sở ổn định với ý niệm kéo hai luồng chân khí rời khỏi quỹ đạo quen thuộc, bởi vì ở khiếu sinh tử (khiếu dưới đan điền) bay lên tới khí huyệt, sau đó tách ra hai bên sau lưng, bay lên hai hõm vai, bắt đầu đập vào mạch Dương Duy. Tuy đều là kỳ kinh, như có như không liên hệ lẫn nhau, thế nhưng thật ra ở kinh và giữa kinh có một lớp khí đục tắc nghẽn, tăng theo độ đuổi sẽ hình thành rãnh trời càng ngày càng khó vượt qua, có nhiều người đến chết đều không thể đả thông chướng ngại vật này. Đương nhiên, một khi đã đả thông thì sẽ được lợi vô cùng.

Theo lý, Bách Nhĩ trước kia đã đả thông đại chu thiên, có thể xem như thuần thục, cộng thêm bản tính y trầm ổn, sẽ không chỉ vì cái trước mắt, cho nên lẽ ra lúc này đập vào mạch Dương Duy dù là phí công cũng sẽ không có nguy hiểm. Thế nhưng khi y thử qua, bắt đầu chậm rãi tăng chân khí đập vào bức tường cản trở ấy, lại đột nhiên phát hiện trong mạch Dương Duy tự nhiên sinh ra một chân khí giống như chó ngửi thấy mùi xương, trước khi đẩy mạnh đã trở nên vội vàng. Y chưa bao giờ gặp tình huống này, trong lòng biết là không ổn, muốn thu hồi chân khí điều ra ngoài lại, mới phát hiện chân khí của mình đã mất đi khống chế. Hai dòng chân khí vốn bị y điều khiển, ngay cả chân khí ngoan ngoãn men theo tiểu chu thiên cũng đều như ngựa thoát cương, mà chia thành hai hướng, dũng mãnh lao tới mạch Dương Duy, cùng với chân khí từ mạch Dương Duy hùng hổ nhào ra đối mặt cách trận với nhau. Nếu việc này không phải phát sinh trên người mình, Bách Nhĩ nhất định sẽ cảm thấy tình huống này rất giống Ngưu Lang Chức Nữ tuy còn cách cả một Thiên Hà vẫn vô cùng lo lắng, ngóng trông được hòa hợp thành một chỉnh thể. Nhưng hiện thực lại là, ngay cả ý nghĩ đó y còn chưa kịp dâng lên, liền nghe ầm một tiếng nhỏ, ở tình huống này lại như nghe thấy tiếng sấm sét, khiến tóc y tựa hồ muốn dựng đứng hết lên. Y chỉ thấy bức tường cản trở cần một thời gian để xông vào cứ như vậy bị sức mạnh sinh sôi phá vỡ, hai dòng chân khí hợp lại làm một, sau đó lại hùng hổ phóng về hàng rào kế tiếp.

Dương Duy, Âm Duy, Đới mạch, Xung mạch, Dương Khiêu, Âm Khiêu… Bách Nhĩ gắng gượng ổn định *** thần, nhìn từng đường kinh mạch được nối liền, chân khí trong kinh mạch càng nhảy qua càng lớn. Vài lần muốn cướp về quyền chủ động, nhưng y lại không làm được, chỉ có thể cố gắng giữ tâm hồn trấn tĩnh, trong lòng không hề vui sướng, mà chỉ có bất an thôi. Chân khí đi khắp các kỳ kinh, chui vào mười hai kinh chính, chỉ trong một đêm đã có thể đả thông kinh mạch một lượt mà kiếp trước y phải mất mười mấy hai mươi năm mới làm được, cuối cùng lúc quy vào huyệt Vĩ Lư thì dừng lại. Trên thực tế, nếu như đả thông đại chu thiên, chân khí trong mạch hẳn là tuần hoàn không ngừng, lúc này lại tích tất cả tại chỗ sâu của huyệt Vĩ Lư, chỉ đi vào, chứ không đi ra, khiến người ta có cảm giác đầu đuôi không liên tiếp.

Quả nhiên vẫn là cấu tạo cơ thể á thú có ảnh hưởng lớn tới luyện công. Như vậy chẳng lẽ y sẽ bị tẩu hỏa nhập ma sao? Bách Nhĩ cảm thấy Vĩ Lư căng đầy, y có chút hối hận lúc trước bởi vì mình mơ hồ chống cự lại nên đã không cẩn thận xem xét tình huống của Vĩ Lư, còn chỉ nói là nó đổi vị trí với Đan Điền thôi, nay nhìn lại đúng là tự làm tự chịu mà. Có điều dù phải đối mặt với tình cảnh một lần không thận trọng mà toàn thân tê liệt, võ công mất hết, trong lòng y vẫn bình tĩnh như băng tuyết.

Ôm suy nghĩ cho dù đi ngược dòng nước rất khó khăn, nhưng không phải là không làm được, y thử dẫn chân khí quay về các kinh, nhưng mà cố gắng thật lâu lại phát hiện nó chẳng mảy may di chuyển chút nào, ngược lại chân khí nơi khác còn cuồn cuộn, không ngừng tràn vào, khiến Vĩ Lư đang căng trướng đồng thời ngày càng nóng lên, giống như có một ngọn lửa xoay tròn đốt ở trong đó, mà chân khí trong kinh mạch toàn thân lại càng ngày càng mỏng manh, như muốn biến thành một cái xác trống rỗng.

Không thể tiếp tục như vậy được. Bách Nhĩ quyết định rất nhanh, mạo hiểm có thể bị tẩu hỏa nhập ma, y thoát ra khỏi *** thần ổn định, liều mạng dùng sức lực còn sót lại, nổi lên mặt nước, rồi trèo lên bờ. Khi đó y cảm thấy vô cùng may mắn chính mình không có kiêu căng tự đại, vẫn dùng sợi dây leo cột trên người, nếu không e rằng ngay cả sức lực lên bờ cũng không có. Chỉ là vừa lên bờ, chút sức lực mạnh mẽ chống đỡ kia liền khô kiệt, ngay cả sức để đứng dậy cũng không có, khiến y cứ thế mà ngã nhào xuống.