Cố Thắng Lan
Ba ngày trước kỳ thi vào cấp ba, mẹ tôi – người phụ nữ ngoài bốn mươi – giấu tôi sinh thêm một đứa con trai.
Lúc đầu bà nói:
“Là vì mẹ muốn con có thêm một chỗ dựa, nên mới sinh em trai cho con.”
Sau đó lại đổi giọng:
“Nhà đứng tên em trai con thì sao, đứa mẹ thương nhất vẫn là con mà.”
Về sau, tôi bỏ đi thật xa, mẹ gọi điện cầu xin:
“Mẹ với ba đã nuôi con ăn học từng ấy năm, giờ nhà mắc nợ, con không thể làm ngơ được!”
Tôi trả lời:
“Mẹ à, con không có tiền. Nhưng con có thể cho mẹ tất cả tình yêu của con, mẹ có muốn không?”
Chương 1:
Tôi không phải đứa con được ba mẹ yêu thương nhất – thật ra, từ rất sớm tôi đã biết điều đó.
Năm tôi bốn, năm tuổi, mẹ đưa tôi đi khắp các bệnh viện để kiểm tra.
Trước khi vào khám, bà luôn dặn dò:
“Lát nữa gặp bác sĩ, con phải cười ngớ ngẩn, chảy nước miếng, lăn lộn dưới đất, gào khóc om sòm.”
“Chỉ cần làm đúng, mẹ sẽ mua cho con kẹo bông hình Dê Vui Vẻ.”
Tôi rất ngoan.
Làm y như lời bà dặn.
Sàn bệnh viện lát gạch trắng sạch bóng, khi tôi nằm lăn lộn la hét, trong gạch phản chiếu khuôn mặt mình đang méo mó.
Xấu xí thật sự.
Tôi diễn hết sức, nhưng bác sĩ vẫn không tin.
“Kết quả kiểm tra hoàn toàn bình thường, tôi không thể chẩn đoán cháu bị thiểu năng.”
Trên đường ra khỏi bệnh viện, mẹ tôi lẩm bẩm:
“Con gái mà được dạy dỗ tốt, chưa chắc thua gì con trai.”
“Đừng tưởng trẻ con không biết gì. Sau này lớn lên hiểu ra rồi, trong lòng nó sẽ đau lắm.”
Ra khỏi bệnh viện, ngay cổng có một xe bán kẹo bông Dê Vui Vẻ.
Tôi kéo tay mẹ.
Bà cau có, quay phắt lại tát tôi một cái:
“Ăn ăn ăn, suốt ngày chỉ biết ăn.”
“Con có biết cả năm qua mẹ phải tốn bao nhiêu tiền đưa con đi khám không hả?”
Người qua lại đông đúc, ai cũng nhìn sang.
Tôi ôm má, nức nở nói khẽ:
“Nhưng mẹ ơi… con có bệnh gì đâu…”
Người lớn thật kỳ lạ.
Khi tôi thật sự ho sốt, họ chẳng mấy để tâm.
Còn lúc tôi khoẻ mạnh, lại dắt tôi đi khắp nơi tìm bác sĩ, chỉ mong có ai xác nhận rằng tôi đang bệnh nặng.
Cuối cùng họ vẫn không xin được giấy xác nhận khuyết tật.
Tối ba mươi Tết năm ấy, mặt bà nội nặng như chì:
“Hồi trước còn dễ làm mà không lo làm sớm đi, bây giờ thì hay rồi.”
“Đến lúc tôi nhắm mắt xuôi tay, cũng không biết ăn nói với ba nó sao cho ổn.”
Mẹ tôi nhăn mặt, thở dài:
“Chuyện đến nước này rồi, chẳng lẽ vì một đứa con mà mất luôn công việc nhà nước à?”
Dù là đứa con duy nhất trong nhà, tôi chưa từng cảm nhận được tình yêu đủ đầy và ấm áp.
Chỗ làm của ba mẹ chỉ cách trường tiểu học tôi vài trăm mét.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn -
Mỗi khi trời mưa lớn, phụ huynh của những đứa trẻ khác sẽ tìm cách xin nghỉ để đến đón con.
Còn ba mẹ tôi thì không.
Thỉnh thoảng có cô chú tốt bụng rủ tôi đi chung dù, còn nếu không may thì tôi cứ thế đội mưa về nhà.
Mẹ nói:
“Chỉ hai cây số thôi mà, đi men theo mái hiên mấy tiệm bên đường là không ướt mấy đâu.”
Con nhà người ta chỉ cần hơi sốt, ho nhẹ, ba mẹ đã lo lắng đến mất ngủ suốt đêm.
Còn mẹ tôi thì căn dặn:
“Bình nước sôi mẹ để sẵn bên giường, đêm khát thì tự rót uống. Còn ho thì lấy chăn trùm kín lại, mai mẹ với ba con còn phải đi làm nữa.”
Lúc đó tôi đã bắt đầu nghĩ:
Có lẽ là vì tôi chưa đủ giỏi.
Nên tôi cố gắng học hành chăm chỉ.
Trong khối có sáu lớp, tôi luôn giữ vững vị trí top 3.
Khi có người trong khu khen tôi thông minh, ba mẹ tôi đúng là sẽ cười vui hơn một chút.
“Học hành chẳng phải lo, con bé này tự giác lắm, chúng tôi có cần quan tâm đâu.”
Nhưng chỉ dừng lại ở đó.
Tôi lại tiếp tục đi thi các cuộc thi khác.
Trong cuộc thi hùng biện chủ đề “Mẹ tôi” cấp thành phố, tôi đoạt giải nhất.
Những đứa trẻ khác đều được người nhà đi cùng, chụp ảnh lưu niệm trên sân khấu, tay cầm huy chương, nét mặt rạng rỡ.
Chỉ có tôi, một mình giơ cao tấm huy chương, nhìn vào ống kính cười gượng gạo.
Ống kính to như một cái hố đen, như đang cười nhạo tôi:
Nhìn đi, lộ rồi kìa.
Người mẹ trong bài diễn văn, đâu phải mẹ thật của mày.
Chẳng qua chỉ là “mẹ giả” – do mày đọc nhiều sách, tra nhiều trang web rồi tưởng tượng ra thôi.
Lúc ấy mẹ tôi chưa từng dạy tôi kiến thức sinh lý.
Tôi có khí hư khá sớm, có thời gian ra rất nhiều, quần lót lúc nào cũng ẩm ướt.
Tôi sợ hãi, không biết chuyện gì xảy ra, liền đến hỏi mẹ.
Ai ngờ bà cau mày, tỏ rõ vẻ ghê tởm:
“Chắc mày không giữ vệ sinh nên mới ra nhiều thế, sau này đừng cho tao xem nữa, tự mà lau cho sạch.”
Chuyện đó khiến tôi rất tổn thương.
Truyện được dịch và đăng tải bởi Diệp Gia Gia
Đúng lúc lại gặp kỳ thi giữa kỳ.
Tôi thi rớt thảm hại, tụt khỏi top 100 toàn khối.
Cô chủ nhiệm phải gọi điện cho mẹ, hỏi dạo này tôi có chuyện gì không, thành tích tụt dốc dữ quá.
Nhưng mẹ tôi chẳng giận dữ gì cả.
“Trẻ con có lúc lên lúc xuống là chuyện bình thường, tôi sẽ để ý thêm.”
Tôi rất buồn, lần đầu nổi nóng với ba mẹ:
“Dù con làm gì thì hai người cũng không quan tâm. Thật ra hai người đâu có yêu con!”
Lần này thì ba mẹ nổi trận lôi đình.
“Tụi tao nuôi mày ăn, cho mày học, mua quần áo, giày dép, sách vở, tiền tiêu vặt.”
“Còn bỏ tiền riêng ra cho mày đi học thêm, vậy vẫn chưa đủ à?”
“Mày còn muốn gì nữa hả, Cố Thắng Lan? Muốn tụi tao m.ó.c t.i.m ra cho mày coi, xem có khắc tên mày trên đó không à?!”
Khoảnh khắc ấy, tôi vừa vui vừa lo.
Vui vì nghĩ rằng hoá ra họ thật sự yêu tôi.
Nhưng cũng sợ hãi – sợ họ sẽ cho rằng tôi tham lam, đòi hỏi quá nhiều.
Bạn đang đọc truyện trên Truyenhoan.com