Khi tôi học cấp ba, mẹ tôi qua đời.
Cha dượng là người nuôi tôi ăn học đến khi tốt nghiệp đại học.
Tôi đã thề rằng sau này nhất định sẽ hiếu kính ông ấy thật tốt.
Nhưng đời không như mơ.
Sau khi kết hôn, nhà chồng khinh thường cha dượng của tôi.
“Cô là người đã có gia đình rồi, phải đặt tiểu gia đình của mình lên hàng đầu!”
~Truyện được đăng bởi Lộn Xộn page~
Họ không cho tôi đến thăm ông ấy, cũng không muốn tôi tiêu tiền cho cha dượng.
Thậm chí mẹ chồng còn vu khống tôi và cha dượng có quan hệ bất chính.
“Con gái lớn thế này rồi mà ở cùng một người đàn ông không chung huyết thống bao nhiêu năm, nói không có gì, tôi không tin!”
Cơn giận dữ bùng lên trong tôi, cuối cùng cũng nhìn thấu được bộ mặt thật của cái gia đình này!
“Mấy người đúng là một lũ khốn! Cái cuộc hôn nhân này, tôi không chịu nổi nữa!”
01
Tôi tên là Ngô Man, khi tôi còn nhỏ, cha ruột đã qua đời.
Mẹ tôi một thân một mình nuôi con, cuộc sống vô cùng vất vả, rất nhiều họ hàng và bạn bè giới thiệu đối tượng cho bà.
Nhưng mẹ sợ tôi phải chịu thiệt thòi, nên hầu hết đều từ chối sau một hai lần gặp mặt.
Cha dượng tôi là hàng xóm cạnh nhà, thấy hai mẹ con tôi bơ vơ, ông thường hay giúp mẹ tôi làm việc vặt, qua lại nhiều lần rồi thân quen.
Sau này, ông bày tỏ mong muốn được chăm sóc mẹ con tôi, nhưng mẹ tôi đắn đo suy nghĩ mãi rồi vẫn khéo léo từ chối.
Ngược lại, chính tôi sau một thời gian không thấy chú hàng xóm ấy nữa, bỗng hỏi mẹ:
“Chú hàng xóm đó sao lâu rồi không tới ạ?”
Mẹ tôi giật mình, đáp:
“Người ta bận rộn, đâu thể lúc nào cũng qua nhà mình được?”
Tôi, khi đó còn rất nhỏ, thở dài rồi nói:
“Con có hơi nhớ chú ấy.”
Chỉ một câu nói của tôi đã khiến mẹ chấp nhận cha dượng.
Không lâu sau, chúng tôi trở thành một gia đình.
Nghĩ lại, dù khi ấy nhà chẳng giàu có gì, nhưng tôi đã hạnh phúc biết bao.
Mẹ tôi sẽ làm cho tôi món trứng hấp mềm mịn, còn cha dượng thì khéo tay, hay làm cho tôi đủ loại đồ chơi nhỏ xinh.
Tôi lớn lên trong một gia đình tràn ngập yêu thương.
02
Năm tôi học lớp 12, mẹ tôi bỗng nhiên ngã bệnh.
Để chữa bệnh cho bà, gia đình đã tiêu sạch toàn bộ số tiền tiết kiệm, còn vay mượn thêm không ít nợ nần.
Tiền cứ như nước chảy ra khỏi tay, nhưng mẹ tôi vẫn ra đi như thế.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.com.vn/cuoc-doi-man-man/1.html.]
Khi ấy, tôi cảm giác cả bầu trời sụp đổ, bản thân mình như một nhánh lục bình trôi dạt, chẳng biết sẽ trôi về đâu.
Trong lòng tôi hiểu rõ, dù thành tích học tập của tôi không tệ, nhưng nhà đang nợ nhiều như vậy, tôi thật sự không có quyền được ích kỷ.
Hơn nữa, họ hàng bên ngoại đều nói với tôi rằng:
“Mẹ con mất rồi, cha dượng không có nghĩa vụ phải chăm sóc con nữa.”
Tôi khóc một trận nức nở, vừa thút thít vừa nói với cha dượng:
“Ba, con lớn rồi, bây giờ đi làm ở xưởng cũng có thể kiếm tiền.”
Cha dượng khi ấy đã vất vả chăm sóc mẹ tôi một thời gian dài, những cú sốc liên tiếp khiến ông như già đi cả chục tuổi, lưng cũng không còn thẳng tắp như trước.
“Man Man, con đừng nghĩ ngợi gì cả, cũng đừng nghe lời người ta nói linh tinh. Chỉ cần con học hành cho tốt là được! Biết không?” Ông kiên định nói với tôi.
Tôi vừa khóc vừa nghẹn ngào:
“Ba, con… con không học nữa đâu…”
Học phí đại học đắt đỏ như vậy, cha dượng làm sao gánh nổi. Tôi sợ ông sẽ ghét bỏ tôi, sợ rằng ông cũng sẽ rời xa tôi.
Cha dượng cũng bật khóc, vỗ vỗ vai tôi, nói:
“Đừng khóc nữa, đừng khóc nữa, ba nhất định sẽ lo cho con học đại học. Sau này, chúng ta sẽ có những ngày tháng tốt đẹp hơn!”
03
Lo xong tang sự cho mẹ, cha dượng đưa tôi quay lại trường.
Ông dặn tôi đừng lo lắng gì cả, chỉ cần học hành cho tốt là được.
Nhìn bóng lưng cô độc của ông khuất xa, lòng tôi quặn thắt, nước mắt rơi lã chã.
Sau đó, để nuôi tôi ăn học, cha dượng không ngại làm bất cứ công việc nặng nhọc nào.
Ông như một con trâu già lầm lũi, cần mẫn góp từng đồng tiền học phí cho tôi, thậm chí bán cả căn nhà ở quê để từ từ trả hết nợ nần.
Những năm ấy, ông tiết kiệm đến cực điểm, một đồng cũng không dám tiêu hoang.
Đôi giày của ông chỉ là loại hai mươi tệ mua bên lề đường, rách thì vá, lớp vá mới chồng lên lớp vá cũ, cứ thế dùng mãi.
Mãi đến khi tôi tốt nghiệp đại học sau bốn năm, đôi giày của ông đã “tả tơi tan nát.”
Nỗi vất vả bao năm của ông, chỉ có hai cha con tôi là hiểu rõ nhất.
Lúc tôi tốt nghiệp, khoác lên mình bộ lễ phục cử nhân, cha dượng cuối cùng cũng đỏ hoe mắt, khẽ thở dài một hơi.
Sau khi đi làm, cuộc sống của tôi và cha dượng tốt hơn rất nhiều.
Nhưng vì suốt thời gian dài làm việc lao động nặng nhọc, sức khỏe của ông đã yếu đi rõ rệt, cộng thêm tuổi tác lớn, tôi khuyên ông nghỉ hưu, để tôi nuôi ông.
“Ba, từ giờ hãy để con chăm sóc ba!”
Nhưng cha dượng nhất quyết không chịu, ông nói rằng mình không thể ngồi yên một chỗ, nên đã tìm được một công việc bảo vệ trong khu trọ tôi thuê.
“Ba còn phải để dành tiền làm của hồi môn cho con nữa!” Ngày nào cha dượng cũng cười hề hề nói vậy.
Tôi không cãi nổi ông, chỉ dặn đi dặn lại rằng đừng để bản thân quá vất vả.
Mỗi khi tan làm, tôi thường mua cho ông chai rượu Nhị Qua Đầu và ít thịt đầu heo mà ông thích.
Nhận được quà, cha dượng vui vẻ cười toe toét, đôi khi uống hơi nhiều, lại đứng trước ảnh mẹ tôi mà lẩm bẩm:
“Giờ tôi được hưởng phúc của con gái rồi, bà trên trời nhìn thấy chắc cũng vui lắm nhỉ? Bà phù hộ cho con bé tìm được một tấm chồng tốt, tôi mới yên lòng được.”