Đại Đường Tiểu Lang Trung

Chương 416: Ngày thi đã tới



Núi Ngô xanh

Núi Việt xanh

Lứa đôi đưa đón đôi bờ non xanh

Tình chia ly có ai tỏ.

Hôm đó mùng bảy tháng Giêng, hợp xuất hành, tuyết kèm mưa rơi suốt từ hôm qua không dứt, Tang Tiểu Muội một thân váy tím nhạt, tóc dài tung bay, đứng lặng trên đồi, mặc cho mưa tuyết rơi lên thân hình mảnh khảnh, đôi mắt cứ nhìn hàng xe đưa Tả Thiếu Dương đi xa dần.

Nàng không khóc, không thể để nam nhân của mình bị nước mắt làm yếu lòng được, Tiểu Muội tự nhủ nước mắt này nàng sẽ để dành cho ngày tái ngộ.

Một cánh tay đưa ra kéo Tiểu Muội vào lòng, vỗ về:

- Không cần phải thế, muốn khóc cứ khóc đi.

Tiểu Muội lắc đầu, mặt gục vào vai Hoàng Cầm, Hoàng Cầm mắt nhìn xa xa, vừa vuốt ve tóc Tiểu Muội vừa nói:

- Thực ra cũng có gì đâu mà phải khóc, nếu muội nhớ cậu ta, muốn gặp cậu ta, lại không muốn ảnh hưởng tới cậu ta, trước tiên đợi cậu ta thi xong, nếu đỗ đạt, ở lại kinh thành làm quan thì lặng lẽ lên đó, dù sao kinh thành không quá xa, hoặc là ở lại luôn kinh thành, chỉ cần không ở cùng nhau, sẽ không sợ người ta nói ra nói vào.

Tiểu Muội nghe câu này mắt sáng lên, đúng thế, chân mọc trên người nàng, nàng thích đi đâu thì đi, chỉ cần không ở cùng, không quấy nhiễu, sẽ không gây phiền toái cho Tả Thiếu Dương, nàng chỉ cần nhìn thấy y là đủ rồi, cho dù từ xa nhìn một cái lòng cũng yên định lại.

Hai bọn họ tình thân hơn tỷ muội, chỉ cần thấy bờ vai Tiểu Muội ngừng run rẩy là Hoàng Cầm biết tiểu cô tử này động lòng rồi:

- Đợi thêm vài tháng nữa, Cúc Hoa sinh con rồi, bất kể nam hay nữ, trách nhiệm của ta với Tang gia thế là xong, ta sẽ theo muội, quán trà bây giờ làm ăn tốt hơn xưa rất nhiều, đủ cho bọn họ cả đời không lo lắng gì nữa. Ta với muội, nếu có thể, rủ thêm Bội Lan nữa, lên kinh thành mở quán trà khác, không làm thì thôi, đã làm thì mở luôn quán trà trước cửa nhà y đi, tưởng tưởng xem, một buổi sáng y tới quán trà, nhìn thấy cô chưởng quầy xinh đẹp muội, sẽ như thế nào?

Hoàng Cầm chưa tới Trường An không biết rằng nếu nàng tới đó mở quán trà, chỉ có thể mở ở Đông Tây thị, không mở được trước cổng nhà Tả Thiếu Dương.

Tả Thiếu Dương cũng không biết có hai cô gái đang vạch ra kế hoạch hết sức táo gan.

Lần này vào kinh số người bên Tả gia vẫn thế, chỉ bốn người, Ngũ Thư và thư đồng thay cho phu thê Cù lão gia, nhưng xe tới năm cỗ, trong đó ba cái là của Ngũ Thư rồi, hắn đi thi mà không khác gì chuyển nhà, chẳng lẽ tên này tự tin đỗ đạt ở lại làm quan? Chẳng buồn quản, tâm trạng không tốt, mới có nửa năm mà phải chia tay đám Tiểu Muội, Miêu Bội Lan tới mấy lần rồi, chia tay nhiều thì buồn nhiều chứ chả quen nổi, vì thế Ngũ Thư mời sang uống chén rượu cho ấm lòng cũng không buồn đi, sang đó lại nghe cha kể chuyện xưa xửa xừa xưa, nhìn cái mặt nịnh nọt của Ngũ Thư, dễ nổi khùng lắm, gối đầu lên đùi Bạch Chỉ Hàn sướng hơn nhiều.

Dọc đường cứ gặp chùa miếu, Tả Thiếu Dương lại nghe ngóng, song vẫn chẳng có tin tức gì của Tiêu Vân Phi, ông ta cũng không quay lại chùa Thanh Phong, không biết có phải đi ăn trộm thất thủ bị tóm vào tù rồi không.

Kể ra thì dài, không kể thì ngắn, mưa tuyết cản đường, còn gặp phải tuyết lở lấp lối đi, bị ép phải đi đường vòng, mất tới mười mấy ngày mới tới được kinh thành.

Tới kinh thành thì chỉ còn ba ngày nữa là tới kỳ thi, coi như vừa vặn nghỉ ngơi hồi phục.

Đi về một lượt mới nhận ra, thời tiết ở Trường An thoải mái hơn ở Hợp Châu nhiều, lạnh nhưng khô, không ẩm thấp khó chịu như ở Hợp Châu. Tả Thiếu Dương vẫn ở nhà Cù gia, khỏi nói Cù lão thái thái vui thế nào, Ngũ Thư thì thuê khách sạn đắt tiền nhất gần đó.

Cất đồ đạc xong, trời vẫn còn sớm, cùng Bạch Chỉ Hàn sang Kiều gia, khám bệnh Kiều Xảo Nhi, không ngờ hay tin huynh đệ Chân thị bị bắt rồi, Chân thị y quán bị đóng cửa, nghe nói là do trị bệnh cho quý phi nào đó của thái thượng hoàng cố ý dùng sai thuốc nên bị trị tội, Tả Thiếu Dương chỉ biết thở dài, nếu y là Đỗ Yểm, dứt khoát cũng sẽ không tha cho kẻ đã suýt giết chết mình, ai bảo làm y quan thì được yên lành nào?

Bệnh tình Kiều Xảo Nhi không tiến triển gì đáng kể, cứ theo thuốc cũ mà dùng là được, đoán chừng nửa năm nữa là nàng có thể bỏ nạng, đi lại chầm chậm rồi, chỉ là ánh mắt phu thê Kiều lão gia nhìn y rất lạ, làm Tả Thiếu Dương sởn gai ốc, thế nên dứt khoát từ chối lời mời ở lại ăn cơm của phu thê bọn họ.

Ba ngày trôi qua như chỉ chớp mắt.

Ngày 25 tháng Giêng năm Trinh Quan thứ ba, những cử nhân thế hệ mới, cùng những cử nhân thi trượt khóa trước tập trung ở kinh thành tham gia thi hội, chỉ cần đỗ đạt, bọn họ sẽ chính thức bước vào giai cấp thống trị, chuyển từ tầng lớp thấp cổ bé họng sang giai tầng vừa được dẫm đạp người khác, lại được người ta tôn kính, ở cái thời phong kiến này, chẳng có gì sướng hơn làm quan nữa.

Tổng cộng có hơn năm nghìn khảo sinh, mỗi khảo sinh có ít nhất một thư đồng hoặc người nhà đi kèm lo chuyện ăn ở, vì thế mùa này ở kinh thành làm ăn được nhất chính là khách sạn, chém một mùa, đủ sống cả năm, vì khảo sinh thường lên kinh từ tùy vật nhập cống, sau đó ở lại đợi thi hội luôn cho quen với thời tiết, ở gần ba tháng, chỉ có số ít ở châu huyện gần mới về nhà.

Người Trường An biết làm ăn lắm, ba cái khách sạn mang tên “Trạng Nguyên trai”, “Trạng Nguyên cố cư”, “Trạng Nguyên điếm”, có khi nằm cạnh nhau sát sàn sạt.

Đông người thì vật giá cũng tăng lên, theo như kinh nghiệm Kiều Quan kể lại, ba tháng đó ăn ở ít nhất mất 40 quan, nhà không có điều kiện, không thể kham nổi.

Tả gia không thiếu cái điều kiện đó, lần này Tả Quý võ trang đầy đủ, mang lên kinh 250 quan tiền, 100 quan là chuẩn bị nếu nhi tử đỗ đạt sẽ mua nhà luôn ở kinh thành, 100 quan nếu cần chạy chọt, còn 50 quan là phí sinh hoạt.

Ngày thi đã tới, trời chưa sáng đã phải dậy rồi, thậm chí gà còn chưa gáy, Tả Thiếu Dương vẫn tỉnh như sáo, y bị rèn suốt một tháng để quen với cái lịch này rồi, vừa mặt quần áo xong thì cha gõ cửa, nhìn là biết cha hồi hộp tới cả đêm không ngủ, tâm lý cha cá đuối như thế, năm xưa thi trượt cũng phải thôi.

Bữa sáng chỉ có bát cháo với ít dưa, cha y nói ăn no tức bụng không làm bài được, bụng đói chút cũng tốt, tỉnh táo, đi nhà xí cũng ít, phải nghe, cãi nhau với người thiếu ngủ là không khôn ngoan.

Bạch Chỉ Hàn ngoại trừ chuẩn bị cho Tả Thiếu Dương giấy tờ bút mực, còn có một cái lò giữ ấm bằng đồng, một túi than, mang vào cống viện sưởi ấm tay, cùng với giỏ thức ăn, khá lỉnh kỉnh.

Địa điểm thi là ở cống viện cạnh Hoằng Văn Quán, cả con phố dài hôm nay chỉ cho khảo sinh và người có phận sự ra vào, còn lại đừng ngoài hết.

Từng cái đèn lồng cực lớn treo lên cao ghi số hiệu để khảo sinh biết chỗ của mình, tới đó tập trung, trước cổng cống viện có đặt đỉnh đồng cao bằng người trưởng thành, quan chủ khảo quần áo long trọng bước ra, vừa đọc bài văn tế vừa múa may làm phép như đạo sĩ, để mời thiên thần giáng phàm xua đi tà ma quấy nhiễu, nếu không phải nghe cha y, Cù lão thái gia, Kiều Quan kể tới mấy chục lần thì Tả Thiếu Dương cũng hứng thú xem đấy, nhưng giờ hiển nhiên là khỏi rồi.

Ngó quanh, không thấy Ngũ Thư tới, hắn cũng ở cùng địa điểm tập trung với Tả Thiếu Dương, tên này chứng nào tật nấy, kiếm được người thi hộ rồi, tướng mạo có vài phần tương tự, thế mà hôm qua tới Cù gia ăn cơm mồm mép như thật.

Thời gian qua tiếp xúc cũng nhận ra, bản chất Ngũ Thư không hề xấu, chỉ là thích làm liều, có vài phần cơ hội chụp giật, từng khuyên hắn đừng cố theo con đường này, nếu y chuyên tâm kinh thương, nói không chừng thành phú hào hàng đầu trong nước, nhưng Ngũ Thư nói, dù tiền nhiều hơn nữa chẳng nghĩa lý gì, chỉ làm quan mới ngẩng đầu lên được, Tả Thiếu Dương không sống ở hoàn cảnh của hắn nên thôi không nói nữa.