Đại Đường Tiểu Lang Trung

Chương 417: Có nên kiên trì chân lý?



Chủ khảo làm phép xong kiệt sức được người dìu đi rồi, đã tới giờ vào cống viện, cổng cống viện có quan viên chuyên môn kiểm tra những thứ khảo sinh mang vào, yêu cầu khá gắt gao chứ không đùa, từ độ dầy nghiêm mực, tới ống bút viết không được rỗng, thậm chí chỉ được mang giỏ đan trúc mắt thưa, không được dùng hòm.

Khâu này khá kỹ càng đi nhưng khâu tra hỏi thông tin xem có đúng với giấy tờ không, Tả Thiếu Dương thấy quá trò hề, đã đi thi hộ thì tất nhiên là thuộc làu mấy thứ này rồi.

Y vẫn để ý người thi hộ Ngũ Thư, hắn thông qua dễ dàng, dáng vẻ bình tĩnh rất chuyên nghiệp.

Đi vào cống viện rồi mới trố mắt ra, cứ tưởng thi toàn quốc thì điều kiện tốt hơn thi châu, không ngờ chẳng khác gì từng cái chuồng trâu chuồng bò, mỗi gian bé tẹo, có mỗi cái bàn và thùng bệ sinh, bé hơn cả phòng ở cống viện Long Châu, đằng sau có một cái cửa sổ, nhưng không có cánh cửa, chỉ tổ khiến gió lạnh luồn qua thốc vào gáy, phòng chừng là để khảo quan ở đằng sau quan sát xem khảo sinh có gian lận hay không?

Chỉ trách y quá ngán mười mấy lần kinh nghiệm thi trượt của cha, đến khi Cù lão thái gia và Kiều Quan nói, nghe tai nọ xọ tai kia.

Thôi thì cũng may chỉ thi một ngày, cắn răng là qua, Tả Thiếu Dương đi theo số thứ tự được ghi trong văn giải đi tới "chuồng" của mình, thong thả quét dọn, thổi than trong lò sưởi lên, cái này vừa có thể sưởi ấm, tới trưa mở nắp, cho thêm than dùng nướng bánh dày Bạch Chỉ Hàn chuẩn bị sẵn để ăn, khỏi cần đợi tới trưa làm gì, sáng đã ăn no quái đâu, thế là lấy đũa xiên miếng bánh to bằng ngón chân cái, chả biết nha đầu đó tẩm ướp gì, thơm kinh lên được, làm đám gia súc mấy chuồng xung quanh nhìn y mà ứa nước miếng, bụng sôi ầm ầm, nhưng không dám ăn, sợ ăn vào lát mót ị, thầm nguyền rủa Tả Thiếu Dương.

Ăn no, hết nửa cái giỏ, vỗ vỗ cái bụng căng tròn, bây giờ đóng nắp lại, cho cái lò xuống dưới gầm bàn, cởi giày ra, dẫm lên lò hơ chân, đắp thêm cái chăn mỏng lên đùi, thế là toàn thân ấm áp, chỉ muốn ngủ một giấc.

Lúc này mới lấy túi sách, lấy văn phong tam bảo ra ( không được phép mang giấy, giấy thi sẽ được cấp), mở ống trúc, đổ ít nước vào nghiên mặc, bắt đầu mài mực. Mỗi một khu có ba viên khảo quan qua lại giám thị, đồng thời lớn tiếng tuyên đọc kỷ luật cống viện, dùng ảnh mắt cảnh giác nhìn mỗi một khảo sinh, cứ như ai cũng đang chuẩn bị gian lận vậy.

Nghe nói giám khảo này là những giáo tập ở Hoằng Văn quán, không biết tiêu chuẩn chọn đi làm giám khảo thế nào, nhưng dựa vào thái độ ác liệt của bọn họ, Tả Thiếu Dương đoán đây đều là người dày dặn kinh nghiệm thi cử, ít nhất đã trượt mười lần trở lên giống cha mình, tới đây với mục đích trả thù đời.

- Đóng cửa.

Sau khi tuyên bố xong luật lệ, khảo quan lớn tiếng tuyên bố, hai binh sĩ đóng cánh cửa nặng nề lại, lúc này càng thêm giống chuồng gia súc.

Tiếng trống gõ rầm rầm vang vọng khắp bầu trời cống viện, khảo quan bắt đầu phát đề thi.

Nếu chỉ luận tri thức y học, triều Đường làm gì có ai so được với y, đỗ Trạng Nguyên là cái chắc, nhưng mà bây giờ dùng tri thức triều Đường để thi, y đem lý giải hiện đại ra, rất dễ bị người đương thời coi là sai lầm, mà tính chất khác hẳn lần trước, kỳ vọng của gia đình, người thân rồi cả láng giềng nông hộ kết thành hàng dài tiễn đi thi lúc này biến thành áp lực.

Lúc nãy còn bình tĩnh, khi đề thi phát xuống tay cũng hơi run run, trời thương xót, đọc hết cả loạt đề, tuy câu hỏi có tính mở, yêu cầu kiến thức chứ không chỉ là học thuộc lòng, với Tả Thiếu Dương chẳng khác gì sinh viên đại học giải đề thi tiểu học, không cần dùng tới tri thức hiện đại để giải quyết, hơn một tháng trời y bị đầy đọa cũng không phải là vô nghĩa.

Vừa chấm mực vừa ung dung trả lời câu hỏi, còn viết thật nắn nót, trong đầu vẫn rảnh rỗi tưởng tượng ra cha và Bạch Chỉ Hàn vui sướng thế nào khi biết mình đỗ trạng nguyên y khoa.

Sảng khoái giải liền hai đề, vươn vai một cái, mực đã khô cứng rồi, phải đổ thêm nước mài lại, ngẩng đầu lên thấy tên ở chuồng đối diện cởi quần ngồi ỉa, không có cửa nên trông tởm kinh lên được, còn chưa thi được bao lâu mà, chắc do căng thẳng quá rồi, may mà mình ở đầu gió, nếu không nếm đủ. Bấy giờ mới hiểu lỗ đằng sau còn thêm công dụng thoát mùi nữa, nếu không ỉa đái tại chỗ, khai thối hoắc mù thiên thì làm bài thế quái nào được.

Tiếp tục làm bài, lại một đề nữa xử ngon lành, thế này trước trưa là thi xong rồi, ăn no rồi chiều ngủ một giấc về, hơn mười ngày sau báo kết quả, ra làm quan, dễ như bỡn. Nhưng khi tới phần lý giải Bạch hổ thang thì Tả Thiếu Dương gặp phải phiền phức.

Đề bài là những nguyên nhân khiến hiểu lầm về bệnh thái dương thương hàn trong Thương hàn luận, cùng cấm kỵ khi sử dụng Bạch hổ thang, sau đó tiến hành phân tích bình luận.

Thương hàn luận thì Tả Thiếu Dương thuộc như cháo, vấn đề là trong đó có một số điều mà sau này được mọi người công nhận là sai lầm.

Trong điều một trăm bảy sáu của Thương hàn luận nguyên văn là "Thương hàn mạch phù hoạt, dĩ thử biểu hữu nhiệt, lý hữu hàn, bạch hổ thang chủ chi", nói đơn giản là nếu mạch phù hoạt, ngoài nóng trong lạnh thì dùng Bạch hổ thang để chữa, thế nhưng Bạch hổ thang, lại dùng để chữa ngoài nóng trong nóng, chứ không phải là vừa hàn vừa nhiệt, sai lầm này cho tới triều Tống mới phát hiện ra.

Một sai lầm nhỏ, không có gì cần tranh luận ở thời hiện đại, nhưng ở thời Đường không ai phát hiện ra, nếu là giao lưu học thuật thì không thành vấn đề, nói ra quan điểm chính xác là được. Nhưng đây là khoa cử, y là khảo sinh, khi đó mọi người đều nhận định mỗi điều trong Thương hàn luận là kinh điển, là chân lý tuyệt đối, không có khả năng có chút sai lầm nào, nếu y chỉ ra sai lầm này, thì cái đúng của y lại thành sai.

Kiên trì chân lý không hề sai, nhưng đôi khi phải trả giá, ví như Giordano Bruno kiên trì học tuyết mặt trời là trung tâm, đi trái với tuyết trái đất là trung tâm vạn vật thời bấy giờ, kết quả bị tòa án dị giáo kết tội và hỏa thiêu. Nếu như bây giờ trong bài thi mình viết Bạch hổ thang trị bệnh " ngoài nhiệt, trong cũng nhiệt", chứ không phải là "ngoài nhiệt, trong có hàn", tuy không tới mức bị thiêu chết như Bruno, nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới thành tích.

Chất vấn quyền uy không phải chuyện đùa, không khéo bị kẻ ủng hộ quyền uy dẫm bẹp, đây không chỉ là một sai lầm trong sách, mà là vấn đề tôn trọng quyền uy, là vấn đề nguyên tắc.

Tả Thiếu Dương biết rất rõ tất cả những điều đó, nhưng y vẫn đặt bút xuống, sự kiêu ngạo không cho phép y viết ra những điều ngu xuẩn, lần trước khi chép lại cái bài thi hộ sai tè le của Ngũ Thư đã khiến khi tức điên ném bút đi mấy lần.

Hàm hồ bỏ qua không trả lời cũng không được, lần này tham gia y cử toàn quốc có tới hơn sáu trăm người, đều là tinh anh các nơi tuyển ra, trả lời sai môt đề bài, e khó mà đỗ được.

Tả Thiếu Dương ngồi ngây ra đó, không cả muốn trả lời câu phía sau nữa.

Khoa cử không cho phép nộp bài rời cống viện trước, sợ ảnh hưởng tới người khác, phải đợi tới cuối cùng mới thống nhất nộp bài.

Tả Thiếu Dương ngồi suốt từ sáng cho tới chiều, không viết thêm được chữ nào, nội tâm đấu tranh không ngơi nghỉ, chẳng nhận ra thời gian trôi qua.

Hôm nay trời không có tuyết, cũng chẳng có nắng, chỉ có gió lạnh thổi ù ù, như những con yêu tinh quái ác nhè chỗ hở trên người để chui vào. Do hôm qua tuyết lớn, lúc này mặt đất còn phủ một lớp tuyết dày, gió thổi càng làm trời lạnh hơn. Tả Thiếu Dương có lò giữ ấm, nhưng chỉ hơ chân và sưởi ấm tay mà thôi, người rồi mặt lạnh tới đơ lại, cứ ngồi lý trong không gian chật hẹp, bị gió lùa cả hai đầu, thi thoảng phải buông bút, nhét tay vào nách, nếu không thì tay đông cứng không viết nổi.

Làm bài thi trong hoàn cảnh này là khảo nghiệm cả tri thức, tinh thần lẫn sức khỏe.