Duyên

Chương 41: Trên bến, một cuộc từ ly nhạt nhòa



Tiễn biệt

Ngoài trường đình, bên cổ đạo, cỏ biếc rợp trời xanh.

Gió đêm lay liễu tiếng sáo tàn,

Núi ngoài núi nhuộm tịch dương.

Kẻ chân trời, người góc bể, tri giao rơi rụng còn một nửa,

Một hồ rượu đục rốn vui nốt,

Mộng đêm nay thôi lạnh lẽo.

Lý Thúc Đồng

"Ngoài trường đình, bên cổ đạo, cỏ biếc rợp trời xanh.

Gió đêm lay liễu tiếng sáo tàn,

Núi ngoài núi nhuộm tịch dương."

Vào một ngày đầu thu nhàn nhạt thế này, nghe một khúc "Tiễn biệt", bao chuyện xưa đã lùi xa lại chợt như vừa mới hôm qua, song thực sự quá xa vời. Hồng trần cuồn cuộn chảy qua bên cạnh, chúng ta chỉ là một hạt bụi nhỏ nhoi giữa đám người chen chúc, một chiếc bọt nước bé xíu trong dòng chảy thời gian. Hôm nay còn nâng chén sum vầy, ngày mai đã tiễn nhau ngoài bến. Bạn cứ ngỡ người khác sẽ nhớ rõ mình, song thực ra người ta đã quên từ lâu, bạn cho rằng người khác sẽ quên bạn, thực ra bạn vẫn được người ta giấu sâu trong đáy lòng.

Có người từng nói muốn trông thấy dung mạo thực của tôi, tôi bèn trả lời thế này: "Tôi chính là người khách qua đường hối hả đi lướt qua bạn, khách qua đường nhiều như vậy, mỗi người đều là tôi, mỗi người đều không phải là tôi." Nói như vậy, chẳng phải trong lời lẽ ẩn chứa ít nhiều huyền cơ, chỉ cảm thấy đến nhân gian không phải để quên ai, cũng không phải để nhớ ai. Tuy nói đời người trăm vẻ, mỗi người có dung nhan và khí chất riêng, nhưng chung quy chỉ là người bình thường, bình thường mà yêu nhau, cũng bình thường mà xa nhau. Mỗi ngày, phàm qua trần lại, chỉ nói là thường.

Bài "Tiễn biệt" này do Lý Thúc Đồng sáng tác, ông là một nhân vật truyền kỳ, là pháp sư Hoằng Nhất lừng danh trong lịch sử. Tiếng sáo ơ hờ cất lên nỗi sầu bàng bạc, có người đứng ở bến biệt ly thiết tha trông ngóng, ưu sầu tuôn dài, cỏ thơm đầy đất, càng đi xa càng mọc nhanh. Một cuộc ly biệt ở nhân gian, gửi gắm một đoạn duyên phận đẹp đẽ, duyên đến hoa nở, duyên đi hoa rụng, ly biệt như thế, ngay cả đớn đau cũng mang vẻ đẹp dịu êm. Thiền ý trên giấy, nhàn nhạt loang ra, tĩnh tại trang nhã, như tiếng hoa lan thầm thì. Dường như khúc nhạc này rất hợp để nghe mùa thu, lời ca này hợp đọc diễn cảm mùa thu, duyên phận này, hợp khép lại vào mùa thu.

Một khúc hát khoan thai, từng cảm động chính bản thân ông, lại dịu dàng lay động người khác - kẻ quen, người lạ, kẻ bạc tình, người đa tình. Biết bao người, để cảm thụ nỗi bi thương đẹp đẽ này mà chấp nhận cảnh biệt ly. Ngoài trường đình, bên cổ đạo, bẻ một nhành liễu bị gió đêm thổi phất qua người tặng cố nhân, chẳng cần lên tiếng, chẳng cần ôm ấp, chỉ đôi ánh mắt thắm thiết trao nhau. Có người đi xa, có người vẫn còn đợi, bóng lưng xa dần, còn dài hơn năm tháng. Nhất định sẽ còn gặp lại, bấy giờ sẽ thổ lộ hết nỗi ngọt ngào của nhung nhớ với đối phương, khui vò rượu ủ qua năm tháng, dưới ánh trăng, uống một chén tình ái hồng trần. Hương thơm thoang thoảng như có một cành mai thanh khiết nở trong lòng.

Tại sao một cao tăng không màng thế sự lại có một khúc "Tiễn biệt" lưu luyến nhường ấy. Có người nói, vì sự đạm định của ông cũng đạt được sau khi đã từng trải hồng trần. Về Lý Thúc Đồng, cái tên này cũng như cỏ thơm, lan khắp ruộng hoang đường bờ. Ông là bậc phong lưu tài tử nổi danh một thời, đạt thành tựu cực cao trên nhiều phương diện như âm nhạc, thư pháp, hội họa và hí kịch. Là một người đem huy hoàng tột bực quy về bình đạm. Ông ở giữa hồng trần, gió mây bất tận, viết ra những hàng chữ tú lệ tiêu sái, vẽ nên những bức tranh sinh động truyền thần, phổ ra những khúc nhạc ưu mỹ uyển chuyển. Thậm chí ông còn mặc đồ diễn, đích thân sắm vai những nhân vật trong kịch bản, không chút cố kỵ phơi bày cuộc đời mình trên sân khấu.

Sau khi nếm hết phồn hoa, Lý Thúc Đồng quả quyết rời bỏ hồng trần, bước qua ngưỡng cửa mà người đời vẫn cho rằng rất khó vượt qua, vào ở bên trong bức tường cao. Từ nay sách ố đèn vàng, trống chiều chuông sớm, rất mực khoáng đạt kiên định. Ông là bậc trí giả, sáng suốt nhìn nhận bản thân, vượt qua chính mình, cũng hoàn thiện chính mình. Trương Ái Linh từng nói: "Chớ cho rằng tôi là người cao ngạo, xưa nay tôi không hề cao ngạo, ít ra, bên ngoài tường tự viện của Hoằng Nhất pháp sư, tôi rất khiêm nhường." Đúng vậy, trước một thiên tài như thế, sự xán lạn của chúng ta cũng thành ảm đạm nhạt nhòa, vẻ ung dung của chúng ta cũng tăng thêm mấy phần nôn nóng. Sắc sảo của bạn cũng theo đó mà cùn mòn, kiêu ngạo của bạn cũng theo đó mà nhún nhường. Cuộc đời ông cũng như chữ ông viết ra, không hề có dấu vết đẽo gọt, bình đạm, điềm tĩnh, giản dị. Tại phàm trần, ông là phong vân tài tử, tại Phật giới, ông là hạc nội mây ngàn.

Không phải ai cũng có thể xa lìa thế gian, quay lưng bỏ đi giữa lúc huy hoàng nhất, cần dũng khí, cũng cần ngộ tính. Lý Thúc Đồng chọn lựa cắt tóc xuất gia, hòng rũ bỏ những phiền não và rối ren trên đời, ông tham thiền đến triệt để, không để bản thân có bất cứ ý vị vương vấn nào. Ông quy y tự tâm, siêu thoát trần thế, làm một tăng lữ thuần túy giữa đời mây nước. Ông chính là một bình trà nhạt pha bằng tấm lòng bình thường, giữa cái nhàn nhạt mới biết được hương vị thực sự. Ông cũng là một bộ kinh không chữ, trên nền giấy Tuyên trắng tinh, ngộ được thiền ý sâu xa. Còn là một khối ngọc cổ ôn nhuận, càng nhiều tuổi càng sáng bóng. Ông khoan dung với người, điềm đạm xử thế, suốt tháng năm vô ý, cảm hóa từng tấm lòng phàm tục, để chúng ta cũng trở nên đạm định, bình hòa.

Song, khiến tôi cảm động không chỉ là những điều này, mà còn là tấm lòng từ bi của Hoằng Nhất pháp sư. Sau khi xuất gia, ông tránh mọi sự xa hoa, giản lược hết thảy. Lấy hư không để bồi dưỡng tâm tính, dùng đức độ bồi dưỡng thân thể, đem nhân nghĩa bồi dưỡng thiên hạ vạn vật, dùng đạo bồi dưỡng thiên hạ vạn thế. Nghe nói, sinh thời mỗi khi muốn ngồi xuống ghế mây, trước tiên ông đều phải lắc lắc ghế, để những loài sâu bọ bên trong ghế không bị đè chết. Lúc lâm chung, ông còn dặn đệ tử phải chèn bốn bát nước dưới bốn chân của trang thờ, để tránh sâu kiến bò lên thi hài, sơ sểnh bị thiêu cháy. Những chi tiết vụn vặt đó tựa như một giọt nước nhỏ nhoi giữa sông núi bao la, song lại khiến chúng ta xúc động đến mức mắt ầng ậng nước, chỉ cần chạm nhẹ sẽ lăn dài.

Tiếng sáo bảng lảng, như có như không thuật lại năm xưa mơ mộng. Mỗi lần nghe khúc "Tiễn biệt" này, lại nhớ tới "Chuyện cũ thành Nam" của Lâm Hải Âm, bộ phim xưa cũ ấy đã lay tỉnh giấc mộng thuần chân nhất tuổi ấu thơ của vô số người. Trong phim cũng xuất hiện bài "Tiễn biệt", tôi nghe được, suốt đời này không thể nào quên. Nhờ khúc hát ấy, tôi hết lần này đến lần khác hồi tưởng lại câu chuyện cũ thành Nam đã lùi xa, cũng bình thản xuyên qua hết nỗi bi ai khó tả này sang niềm sầu đau khôn xiết khác. Tôi giống như một đóa sen bị ánh trăng đánh thức, vừa nãy còn đương trong mộng, giờ đây lại bất ngờ tỉnh giấc. Tôi hôm nay đã biến đổi dung nhan, còn thành Nam ngày ấy, chỉ già đi đôi chút, từng chút chút tang thương như thế.

Một khung cửa sổ mùa thu, có gió mát thong dong tản bước, có ánh nắng khoan thai chiếu rọi. Còn có một người tựa bên song, nhìn một phiến lá thu thuần tịnh bên ngoài, nhẹ nhàng rơi xuống lòng ai. Vì khúc hát này, tôi cam lòng đón lấy một cuộc biệt ly, rời bỏ vòng tay ấm áp, để mình lặng lẽ đi thật xa.

Nếu bạn đến Giang Nam vừa khéo trông thấy một người con gái tay cầm cành liễu, xin đừng hỏi tên họ cô ấy. Bạn nhìn cô ấy đi, bình thản đứng đợi trên bến đò thành Nam, không phải mong tương phùng, mà là chờ tiễn biệt.