Duyên

Chương 42: Hồng nhan cách thế - Non sông vạn khoảnh, đều coi như giấc mộng kê vàng



Theo xe chơi cấm uyển,

Hầu giá rời buồng lan.

Mây tựa lọng núi rợp,

Ráng như cờ sóng dăng.

Cửa khe bừng ánh nhật,

Cánh núi mở đền trăng.

Gác ngát vờn áo ngát,

Đất vàng lăn xe vàng.

Phất khói cành phan động,

Vờn tóc tiếng chiêng vang.

Xưa từng chìm biển lửa,

Khắp đồng núi tro tàn.

Đài hoa không thấy bóng,

Tháp sen vẫn vẹn toàn.

Thực nhờ sức Phật tổ,

Uy tỏ cùng thế gian.

Từ duyên là cội phúc,

Quy y lòng chứa chan.

Cành gió sao đừng được,

Tìm đâu, lệ máu tràn.[1]

Võ Tắc Thiên

[1] Bản dịch Châu Hải Đường, đây là bài thơ được coi như nói hộ lòng vua (Lý Thế Dân), được làm khi Võ Tắc Thiên theo xa giá đi tới chùa Thiếu Lâm, vào thăm một tòa tháp do một bà phi tiền triều xây dựng mà làm nên bài thơ này. Nửa trước bài thơ tả cảnh, nửa sau tự sự về tháp, và đoạn kết tưởng nhớ người xây, tức tiên phi.

Con người từ khi mới sinh ra, giống như một chiếc thuyền nhẹ rời bến, trôi dạt giữa biển người, trăm cay ngàn đắng băng núi vượt sông, chỉ để hoàn thành ước hẹn kiếp trước. Dẫu vận mệnh biến đổi khôn lường, băng qua vô số ngã ba, cuối cùng vẫn sẽ đến được nơi thuộc về chúng ta. Nhất định sẽ có một bến cảng thu nhận chúng ta, dù đó là thiên đường vạn người hướng tới hay địa ngục vạn kiếp bất phục, hoặc một góc nhỏ bình đạm dung dị. Thuyền nhẹ cập bờ, bến cảng chính là chốn về cuối cùng của chúng ta, ở đó có sứ mệnh mà đời này ta phải hoàn thành.

Ngẩng đầu nhìn sao sáng, ngắm vầng trăng vằng vặc giữa trời, từ xưa tới nay, biết bao triều đại đã đổi thay, ngai vàng liên tục hoán đổi, song vầng trăng được muôn vàn ánh sao bao quanh, vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Dẫu vậy, trên ngai báu chạm rồng kia, cũng chỉ một đứa con cưng của trời ngồi được mà thôi. Vì tranh giành quyền trượng, cướp đoạt ngai vàng, biết bao người đã giẫm đạp lên xương cốt kẻ khác mà tiến tới, tựa hồ có phải phụ hết người trong thiên hạ, cũng không thể phụ giang sơn. Điều này khiến tôi nghĩ đến Võ Tắc Thiên, một người phụ nữ quần thoa chẳng lép mày râu, nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Vì quyền vị, bà đã dốc hết quang âm một đời, sau cùng cũng đạt được ý nguyện, sáng tạo nên một kỳ tích như thần thoại. Trong vương triều phong kiến, tục lệ nam quý nữ hèn đã kéo dài mấy nghìn năm. Song Võ Tắc Thiên, một người phụ nữ địa vị thấp hèn, lại có thể trổ hết tài năng, dùng hùng tâm của mình đập nát ôn nhu, từ một cung nữ bình thường trở thành bậc đế vương quân lâm thiên hạ. Trong cả quá trình ấy, những gian khổ và cái giá bà phải bỏ ra, người bình thường cũng khó mà tưởng tượng nổi. Xuân Thu ngũ bá[1], Chiến Quốc thất hùng[2], cho đến Tùy Đường diễn nghĩa, biết bao mây vần trôi qua, từng đời quân vương lùi khỏi vũ đài lịch sử, cả bá nghiệp của họ cũng tiêu tan theo gió. Triều Đường năm ấy nghênh đón sự huy hoàng chưa từng có xưa nay, một thời đại thịnh trị như vậy cũng phơi bày bao câu chuyện kinh tâm động phách, hết chuyện này sang chuyện khác. Võ Tắc Thiên đã trở thành một ngôi sao rực rỡ trong thời thịnh trị ấy, giống như cái tên Võ Chiếu của bà vậy, hàm ý nhắc tới cảnh tượng huy hoàng khi mặt trăng và mặt trời cùng ngự trên bầu không, tỏa hào quang vạn trượng.

[1] Năm chư hầu xưng bá thời Xuân Thu của Trung Quốc, chỉ Tề Hoàn Công, Tống Tương Công, Tấn Văn Công, Tề Mục Công và Sở Trang Vương. Một thuyết khác cho rằng gồm Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Sở Trang Vương, Ngô Vương Hạp Lư và Việt Vương Câu Tiễn.

[2] Bảy nước chư hầu mạnh nhất thời Chiến Quốc của Trung Quốc, gồm: Tần, Tề, Sở, Yên, Hàn, Triệu, Ngụy.

Võ Tắc Thiên xuất thân bình phàm, Võ Sĩ Hoạch cha bà chỉ là một thương nhân, vì lý tưởng mà tòng quân, may mắn quen biết với Đường Cao Tổ Lý Uyên, từ đó quan vận hanh thông, năm Võ Đức thứ ba thăng làm Thượng thư bộ Công, hàm chính tam phẩm. Thuở nhỏ Võ Tắc Thiên thường theo cha đi khắp nơi, thông tuệ hiếu học, thích đọc văn sử thi tập, hết mực tài hoa. Mười bốn tuổi vào cung, trở thành Tài nhân của Đường Thái Tông. Tư dung tuyệt đại của bà quả nhiên đã giành được lòng sủng ái của Đường Thái Tông, được ban tên Võ Mỵ Nương, song hậu cung giai nhân ba ngàn, có lẽ giữa bà và Đường Thái Tông đã định sẵn chỉ có duyên phận ngắn ngủi, nên chẳng bao lâu lại bị Thái Tông lạnh nhạt. Võ Tắc Thiên đã làm Tài nhân suốt mười hai năm, từ khi đậu khấu đầu cành[1] đến lúc phong hoa rực rỡ. Mãi tới khi Đường Thái Tông bệnh nặng, Võ Tắc Thiên mới có cơ hội gặp mặt Lý Trị, con trai của Đường Thái Tông, cũng chính là Đường Cao Tông sau này, rồi nảy sinh tình cảm. Cũng chính người đàn ông văn nhã này đã làm thay đổi số mệnh cả đời Võ Tắc Thiên.

[1] Đậu khấu đầu cành, chỉ cô gái mới lớn, còn non tơ.

Võ Tắc Thiên tin Phật, bà tin rằng mình có duyên với Phật, bởi thế rất nhiều việc trong chốn u minh đã sẵn có an bài, bà cho rằng mình chỉ làm theo ý chỉ của đức Phật mà thôi. Khi những tiếng phản đối trong triều râm ran như sóng triều cuồn cuộn, Võ Tắc Thiên lại tìm được căn cứ về việc nữ nhân xưng đế trong "kinh Đại Vân" nhà Phật, dựa vào đó mà giải thích cho hành vi xưng đế của mình. Triều Đường thịnh hành Phật giáo, đế vương vung tiền tu sửa chùa chiền, văn hóa nhà Phật cũng đạt đến sự huy hoàng vô tiền khoáng hậu, chẳng khác nào vương triều đang xán lạn này. Võ Tắc Thiên từng theo Đường Thái Tông tới chùa Thiếu Lâm, còn có cả bài thơ làm chứng. Khi tản bộ trong Tây uyển Lạc Dương, trông thấy cái bóng của mình, hẳn bà không sao đoán được, đây chính là nơi mình sẽ xưng đế sau này. Đây không phải một vở kịch người ta soạn sẵn, tất cả những điều đó quả thực đều đã tồn tại, lịch sử chính là nhân chứng.

Có người nói, nếu không phải Đường Thái Tông qua đời, Võ Tắc Thiên bị ép đến chùa Cảm Nghiệp xuất gia làm ni cô, tham ngộ trước bệ Phật, thấm nhuần tính linh thì ngày sau bà cũng chẳng thể bước lên ngai vàng hoàng đế, trở thành một vị nữ hoàng. Mọi việc trên thế gian vốn đều ẩn chứa huyền cơ, tuy nói vận mệnh mỗi người đều đã phơi bày ra theo lá số tử vi, nhưng vẫn có rất nhiều câu đố mà chúng ta không sao đoán nổi. Giống như tấm lòng của Võ Tắc Thiên vậy, đó là một tấm lòng thẳm sâu như biển, tấm lòng của nữ nhân, khoáng đạt cởi mở còn hơn cả nam nhân nữa. Dựa vào tình cảm thắm thiết mà Đường Cao Tông dành cho mình, bà đã rời khỏi chùa Cảm Nghiệp, chùa miếu chỉ là trạm dừng chân trong cuộc đời bà, còn cung Đại Minh đèn đuốc sáng trưng kia mới là chốn về của bà.

Quay trở lại cung đình, Võ Tắc Thiên như vén mây thấy lại mặt trời, không còn giữ vẻ bình đạm nữa, đốm lửa dục vọng trong lòng bà đã thắp sáng rực cả bầu trời Đại Đường vốn đang nóng bỏng. Lòng sủng ái của Đường Cao Tông đối với bà đã trở thành quả cân để Võ Tắc Thiên tham gia vào vũ đài chính trị, tính nhu nhược của Đường Cao Tông khiến bà sinh lòng thèm khát muốn đoạt được ngai vị đế vương. Khi Võ Tắc Thiên chiến thắng Vương Hoàng hậu và Tiêu Thục phi, trong hậu cung, bà đã trở thành người đưa đò tự do, chèo lái vận mệnh của mình. Bệnh tình của Đường Cao Tông khiến cơ hội để Võ Tắc Thiên xử lý triều chính càng lúc càng nhiều, nhìn bề ngoài là bà bày mưu hiến kế cho Cao Tông, nhưng thực ra bên trong Cao Tông lại là con cờ của Võ Tắc Thiên. Cuối cùng Đường Cao Tông thậm chí còn không phân biệt được trắng đen phải trái, đành để giang sơn tản mác của Đại Đường cho Võ Tắc Thiên một tay thao túng.

Võ Tắc Thiên chính là như vậy, từ Võ Tài nhân đến Võ Chiêu nghi, rồi lại đến Võ Hoàng hậu, Võ Thiên hậu, cho tới khi bước lên ngai vàng đế vương. Con đường ấy muôn sông ngàn núi, trải qua vô vàn hiểm nguy, song bà đều khắc phục bằng nghị lực kinh người, tới khi người khác đưa mắt trông theo, bà đã cưỡi thuyền con băng qua non Bồng vạn dặm. Năm Tái Sơ thứ nhất (tức năm 690), Võ Tắc Thiên phế Duệ Tông, tự xưng là Thánh Thần hoàng đế, đổi quốc hiệu thành Chu, sửa Đông đô Lạc Dương thành Thần đô, sử gọi là "nhà Võ Chu". Tuổi cao sáu mươi bảy, Võ Tắc Thiên quân lâm thiên hạ, trở thành vị nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Hoa. Những nam nhi đường đường kia, tuy không cam lòng, song trước thế cuộc không thể xoay chuyển, cũng đành lực bất tòng tâm, dập đầu dưới chân một người phụ nữ, tung hô vạn tuế, nhìn bà ngồi vững ngôi cao, cùng xử lý triều chính giúp bà.

Sáu mươi bảy tuổi, với một người phụ nữ, đã là lúc xế bóng hoàng hôn, nhưng mùa xuân của Võ Tắc Thiên từ đây mới khởi đầu. Bằng sự quả đoán phi phàm, bà đã khiến triều chính ngày càng hưng thịnh đi lên, tuy cũng có rất nhiều tệ nạn, nhưng mây đen rốt cuộc cũng không che nổi trăng sáng. Người phụ nữ tuyệt đại phong hoa này có tình yêu thực sự chăng? Trong phim "Chí tôn hồng nhan" nói giữa bà và Lý Quân Tiễn từng có một mối tình khắc cốt ghi tâm, song sách sử lại không chép như vậy. Nhất định bà đã từng yêu, có lẽ là yêu Đường Thái Tông, hoặc Đường Cao Tông, hay nam sủng phong lưu phóng khoáng kề cận bên bà không rời một bước lúc tuổi già. Nhưng những người đó đều chỉ là khách qua đường trong sinh mệnh của bà, điểm tô cho cuộc sống cô quạnh đằng sau vẻ phồn hoa, người bà yêu nhất, chính là bản thân mình. Một người phụ nữ yêu chính bản thân mình, mới có được sự quả đoán nhường ấy, cam lòng phụ tất cả mọi người, giành lấy ngai vị đế vương.

Bà khăng khăng tin rằng đây là ý chỉ của Phật, Phật dẫn dắt bà bước lên ngôi vị chí cao vô thượng ở nhân gian. Cõi lòng thấu triệt của bà có thể nhìn rõ thế tượng, giang sơn Đại Đường vạn khoảnh, chính là một canh bạc giữa họ Lý và họ Võ. Song tất cả vạn vật đều có nhân quả, khi Võ Tắc Thiên phung phí sạch bách những đồng tiền mình thắng được, thì cũng đến lúc bà phải hoàn trả. Võ Tắc Thiên tám mươi hai tuổi, đã không chịu nổi bất cứ tranh đoạt nào nữa, bà vứt bỏ giang sơn, coi cảnh phồn vinh ngày cũ như một giấc mộng kê vàng.

Đánh mất giang sơn, cũng có nghĩa là Võ Tắc Thiên đã đánh mất ý nghĩa cuộc sống, khi sứ mệnh của bà khép lại, sinh mệnh cũng đi đến điểm cuối cùng. Cả cuộc đời huy hoàng của bà được ghi lại trên một tấm bia không chữ. Tấm bia ấy rốt cuộc nhằm biểu đạt điều gì, đã có rất nhiều giả thuyết, song giả thuyết nào cũng không thể thâu tóm được cả cuộc đời Võ Tắc Thiên. Chỉ mình bà biết được, là Phật dạy bà buông bỏ tất cả, mặc cho núi sông ngày cũ bao la rộng lớn nhường nào, một khi đã đi khỏi, đều trở thành hư không. Sự tồn tại của Võ Tắc Thiên chẳng qua chỉ thêm một trang lót lộng lẫy vào sách sử Đại Đường; một sợi khói lững lờ vào thắng cảnh vạn Phật; một mảng màu sâu lắng vào năm tháng bệch bạc mà thôi.