Lá Thư Từ Biệt

Chương 43: Phiên ngoại 1: Phó Kiệu Lễ: Ngoại trừ Vu Thi Dao



"Dạo này sao ngày nào cũng chạy qua chỗ anh vậy? Tuy em đúng là mọt sách, nhưng trước giờ cũng đâu thấy mỗi ngày đều tới."

Mạnh Trầm vừa lau ly pha lê, vừa cười trêu đùa đứa học trò tốt lại đến đúng giờ ngồi trước mặt mình.

Phó Kiệu Lễ mặt không đổi sắc, chỉ nói: "Gần đây có quyển sách muốn đọc."

Mạnh Trầm chỉ cười không nói gì, "Được, tùy ý em."

Cả hẻm Ngô Đồng chẳng ai không biết Phó Kiệu Lễ.

Ở một nơi nhỏ như thành phố Nam Đài, chuyện gì lớn xảy ra chỉ cần loan truyền vài vòng là cả khu đều hay. Nhất là chuyện thi cử trung khảo, thi đại học, tin tức truyền đi nhanh như lửa.

Hẻm Ngô Đồng nằm trong khu phố cũ, vị trí hẻo lánh, nhà cửa cũng cũ kỹ, phần lớn là người làm ăn quanh năm trú lại. Ban ngày người lớn bận rộn làm thuê khắp nơi, chỉ có mấy ông bà già quanh quẩn trong nhà lo cơm nước. Việc học hành của con cái vốn đã khó lo, nhà không có điều kiện thuê gia sư, phụ huynh cũng chẳng hiểu mấy chuyện giáo dục hiện đại. Cho nên, ở nơi này hiếm khi nghe nói nhà ai có con học hành giỏi giang gì, thường thì học xong sơ trung hoặc cao trung là ra đời đi làm, phụ giúp kinh tế gia đình.

Phó Kiệu Lễ là trường hợp ngoại lệ hiếm có, và chính điều đó khiến từ nhỏ anh đã rất nổi tiếng trong hẻm Ngô Đồng.

Từ nhỏ học hành đã giỏi, lại lễ phép biết điều. Ai trong khu này cũng biết, gặp là chào hỏi, trò chuyện. Tính tình tuy trầm lặng nhưng rất đúng mực, lời lẽ không nhiều nhưng ai nghe cũng thấy dễ chịu. Hầu như nhà nào cũng mong con mình được bằng một nửa của Phó Kiệu Lễ, vừa có tiền đồ, vừa khiến cha mẹ yên tâm.

Năm đó anh thi đỗ Thủ khoa của thành phố, cả khu hẻm Ngô Đồng rộn ràng, ai ra ngoài cũng thích nói một câu: "Đứa nhỏ kia ở cùng khu với nhà mình đấy, từ nhỏ đã ngoan rồi!" Nói ra mà có cảm giác hãnh diện lây.

Đồng thời, với lũ trẻ trong hẻm, đặc biệt là vào kỳ nghỉ hè, Phó Kiệu Lễ giống như một cái bóng đè nặng trên đầu tụi nhỏ. Cái bóng ấy có tên là "Phó Kiệu Lễ".

"Mày nhìn lại điểm thi của mày đi, sao không học được như Phó Kiệu Lễ? Cùng một lớp, cùng một khu, thầy cô cũng như nhau, ba mẹ cũng chẳng khác gì, mà sao mày thi còn không bằng một nửa người ta!"

Hẻm Ngô Đồng cách âm rất kém, mấy tiếng mắng con chói tai vang khắp các cửa sổ, kèm theo là tiếng cãi nhau, tiếng đóng cửa rầm rầm của lũ con nít nổi loạn.

Những âm thanh đó giống như mùi ẩm mốc lâu năm, truyền khắp mọi nhà, rồi dần thành thói quen, thành chuyện để tán gẫu sáng hôm sau:

"Nhà chị lại cãi nhau với con nữa à?"

"Đừng nhắc nữa, khổ cực nuôi nó học, chẳng nên tích sự gì."

"Cũng không hiểu sao nhà họ Phó lại dạy con giỏi như thế."

"Ai mà chẳng nói thế."

Những lời này đương nhiên không ai dám nói trước mặt Phó Kiệu Lễ, nhưng anh không phải không biết. Đặc biệt là mùa hè sau kỳ thi trung khảo năm đó, nhà anh có nhiều người đến thăm. Mỗi lần đi ngang ngõ đều bị hàng xóm chặn lại hỏi chuyện học hành, gặp ba mẹ anh cũng vội vã hỏi cách dạy con.

Nhưng nói đi nói lại cũng chỉ là mấy câu: "Chúng tôi đâu có dạy gì nhiều đâu, Kiệu Lễ từ nhỏ đã ngoan rồi. Còn bé xíu mà chẳng bao giờ làm loạn. Mấy đứa khác leo cây trèo tường, nó chỉ ngồi ở cửa xem kiến, nhìn mặt trời, ngoan đến nỗi chẳng khiến chúng tôi lo lắng gì cả."

Lời nghe như cho qua chuyện, nhưng từ miệng cha mẹ anh nói ra, lại khiến người khác tin ngay không nghi ngờ gì.

Bởi vì anh ngoan và hiểu chuyện là điều ai cũng thấy.

Tan học về là tự giác làm bài, xong bài là tự ôn tập. Không đòi hỏi nhiều thứ, không mê đắm vật chất, ba mẹ bận thì biết chủ động làm việc nhà, biết nấu ăn, hiếu thảo, hiểu chuyện. Mười mấy tuổi mà không hề thấy một chút nổi loạn hay nóng nảy nào như lứa tuổi dậy thì. Không có sở thích kỳ quặc, không đắm chìm vào chơi bời, lúc nào cũng bình tĩnh đọc sách, chơi bóng thì chơi, nhưng biết dừng đúng lúc, biết mình cần làm gì, biết rút lui khỏi giải trí đúng lúc.

Thầy cô yên tâm, ba mẹ cũng yên tâm. Trên người anh, gần như không nhìn thấy chút dấu hiệu nào của nổi loạn.

Nhưng thật sự anh không hề nổi loạn ư?

Có đấy và rất sâu sắc.

Chỉ là dưới vẻ ngoài bình lặng kia, lại là một nội tâm trầm mặc, kìm nén mà người cùng tuổi khó có được. Những bồng bột tuổi trẻ, anh có. Nhưng không ai hay biết.

"Chậc, ông ấy đúng là số khổ thật đấy, mắc phải căn bệnh như vậy, tiền bạc bao nhiêu cũng chống không nổi."

"Cũng may là phát hiện kịp thời, chữa trị nhanh, giữ lại được cái mạng. Nếu không, để lại vợ góa con côi, sau này sống thế nào cho nổi."

"Chứ còn gì nữa, hai vợ chồng họ thương con gái biết bao, ba người tình cảm sâu đậm như vậy, nếu thật có chuyện gì xảy ra, con bé còn nhỏ như thế, làm sao mà chịu nổi nổi đau đó."

Trên bàn ăn, ba mẹ lại nhắc tới đồng nghiệp họ Vu kia. Anh lặng lẽ ăn cơm, không nói một lời, nhưng nghe không sót chữ nào.

Chú Vu là người có ơn với gia đình anh. Ba anh được đề bạt lên chức, phần lớn nhờ vào sự chỉ điểm của chú. Vài năm nay điều kiện kinh tế trong nhà ngày càng tốt, cũng đang xem xét mua nhà mới để chuyển ra khỏi hẻm Ngô Đồng. Mọi thứ trong nhà dần dần khởi sắc, gần như đều nhờ chú Vu giúp.

Nhưng năm nay chú lại phát hiện mắc bệnh nặng, nửa năm qua phần lớn thời gian đều gắn liền với giường bệnh, công việc cũng đành phải nghỉ. May mà nhà còn điều kiện, bệnh cũng phát hiện sớm, giữ được tính mạng.

Thế nhưng đời người vô thường, của cải tích cóp bấy lâu gần như tiêu sạch. Sức khỏe của chú giờ đây cũng yếu hơn trước rất nhiều, cần tĩnh dưỡng dài hạn, nên gần như không thể tiếp tục làm việc. Gia đình họ trong một năm nay bỗng rơi vào cảnh khó khăn.

Anh biết gần như tất cả mọi chuyện về nhà chú Vu từ lời kể của ba mẹ. Anh không nhiều lời, cũng không hỏi han, vì vậy ba mẹ luôn nghĩ rằng anh không bận tâm, nên cũng chẳng né tránh khi nói những chuyện này trước mặt anh.

Nhưng ba mẹ không biết rằng, những ngày tháng tích tụ như nước chảy đá mòn đó đã len lỏi vào từng ngóc ngách trong thế giới của anh, sớm trở thành một phần trong trái tim anh.

Anh lặng lẽ tiếp nhận mọi điều liên quan đến nhà họ Vu, liên quan đến Vu Thi Dao.

Anh biết cô là cô con gái được chú Vu và dì Triệu cưng chiều từ nhỏ, ăn ngon mặc đẹp, sống vô ưu, được nâng niu như công chúa trong lòng bàn tay.

Ba mẹ từng nói con bé đó được nuôi dưỡng quá đỗi chiều chuộng, nhưng anh lại nhớ rất rõ dáng vẻ Vu Thi Dao mà mình từng thấy, dù gương mặt lần đầu gặp đã mơ hồ chẳng rõ, anh vẫn luôn nghĩ: một cô gái như vậy, có chút kiêu kỳ thì đã sao, cô vốn nên được nâng niu mà lớn lên, một giọt mưa một ánh nắng cũng không nên chạm vào người cô.

Giống như đóa hoa rực rỡ dưới ánh mặt trời, xinh đẹp, kiêu sa, chỉ cần nở rộ là đủ rồi, vốn nên như vậy.

Đó là năm tháng tuổi dậy thì của anh, vừa áp lực, vừa xao động.

Mọi thứ liên quan đến ánh sáng, đến rực rỡ, đến nắng ấm, đều sẽ khiến anh nghĩ đến cô. Nhớ về lần gần nhất hai người vô tình lướt qua nhau cô giống như một công chúa nhỏ bước xuống từ xe, đi vào hiệu sách, tiện tay rút một quyển sách ngay bên cạnh anh, nơi cổ tay trắng ngần là chiếc vòng lắc ánh lên lấp lánh dưới ánh đèn.

Cũng chính là lần xa cách nhất. Khi đó Vu Thi Dao là công chúa được cưng chiều hết mực, còn anh chỉ là một trong những người từng ngước nhìn cô từ xa, vụng trộm giữ một góc tình cảm mơ hồ.

Thứ chói mắt nhất trên đời.

Không phải ánh nắng, không phải sao trời, cũng chẳng phải ngân hà, mà là ánh sáng phản chiếu từ chiếc vòng tay kia hôm ấy, chỉ một cái liếc mắt lướt qua đã in sâu vào trí nhớ suốt nhiều năm sau.

Về sau, hình ảnh ấy chồng lên cái tên "Vu Thi Dao" mà ba mẹ hay nhắc tới, hợp lại thành một bức chân dung đầy đủ nhất về cô gái trong lòng anh thời thiếu niên.

Anh chắp vá tính cách cô, sở thích cô, bạn bè của cô từ những mảnh vụn ký ức ít ỏi, giống như nhặt từng mảnh nhỏ, từng mảnh một khâu lại thành một Vu Thi Dao hoàn chỉnh trong lòng.

Nhưng cô, từ đầu đến cuối, vẫn luôn rất xa, rất xa...

Đóa hoa kiêu sa ấy sẽ không bao giờ nở rộ trên mảnh đất cằn cỗi ẩm ướt này. Cô nên sống dưới ánh mặt trời, rực rỡ và chói sáng.

Sau bữa cơm, ba mẹ giục anh vào phòng học, bảo chuyện người lớn không cần lo. Anh trở về phòng, nhưng căn nhà cũ cách âm quá tệ, vẫn nghe được họ tiếp tục câu chuyện ngoài bếp.

Nước trong bồn vẫn nhỏ tí tách, ba mẹ cũng không cố kiêng dè chuyện trò, có lẽ vì anh từ nhỏ đã quá hiểu chuyện, không bao giờ hỏi han, không bao giờ xen vào, đến mức chẳng giống một thiếu niên đang tuổi dậy thì.

Cho nên, họ hoàn toàn không ngờ rằng trong căn phòng kia, anh đang ngồi im lặng nhìn ánh trăng qua ô cửa sổ hẹp, cây bút trong tay đã ngừng lại thật lâu chẳng viết thêm chữ nào. Chỉ đến khi câu chuyện chuyển sang chủ đề khác, ánh sáng trăng bên ngoài chập chờn, anh mới dần lấy lại tinh thần.

Lần cuối cùng anh gặp cô, nhà họ Vu vẫn chưa xảy ra chuyện gì. Anh thấy Vu Thi Dao vẫn là công chúa nhỏ kiêu kỳ xinh đẹp như thuở nào.

Ở hội trường trường cô, cô cúi đầu cùng bạn bè bước vào.

Dưới ánh đèn chập chờn, anh dõi theo vị trí cô ngồi xuống, suốt buổi biểu diễn chẳng hề rời mắt. Người khác thấy anh chăm chú nhìn sân khấu, nhưng trong tầm mắt anh, chỉ có hình bóng cô.

Ra khỏi hội trường, trên đường trở về lớp, ánh nắng rải đầy ven đường, lấp lánh dừng lại trên trái tim nhảy nhót của anh. Bạn nói gì anh cũng gật đầu đáp lại, nhưng hồn đã trôi xa từ lâu. Trong đầu vẫn là hình ảnh cô dưới ánh đèn sân khấu ấy.

Anh quen nhìn từ xa, quen lặng lẽ dõi theo, quen với việc che giấu mọi xúc động dưới vẻ mặt bình thản.

Cho nên, dù cô có đứng trước mặt mỉm cười, tim anh đập đến muốn vỡ ra, anh vẫn giấu kỹ tất cả.

Cô cố ý đá nhẹ vào chân anh, cười hỏi anh tên cô có ý nghĩa gì. Tất cả những điều ấy, giống như cơn gió lùa qua cửa sổ rõ ràng đã là sóng dậy trùng khơi, nhưng chỉ có anh biết: đó không phải là một cuộc gặp gỡ lần đầu.

Mà là cả mùa mưa tuổi dậy thì ẩm ướt và dài đằng đẵng.

Tay anh khựng lại trên giá sách.

Anh từ trên cầu thang đi xuống, nói: "Anh xuống trước, lát nữa tìm thấy thì đem xuống cho anh."

"Ui chà, chẳng lẽ bị anh nói trúng rồi?" - Mạnh Trầm cười hớn hở.

Mạnh Trầm tiếp tục tìm thêm một lúc trên lầu, xác định là không có thấy quyển sách kia đâu cả, bèn gọi xuống dưới: "Phó Kiệu Lễ, cuốn đó để hôm khác anh tìm lại rồi đưa em nhé, chắc bị anh cất nhầm chỗ rồi."

"Vâng." - Anh trả lời từ dưới lầu.

Nghe thấy vậy, Mạnh Trầm cũng thoải mái đi xuống. Nhưng vừa xuống đến chân cầu thang thì đã thấy một cô gái đứng ngay đó, ngẩng đầu nhìn lên.

Dáng vẻ này anh từng thấy nhiều rồi, nhưng cô gái này... đẹp đến mức khiến người ta sững lại một giây, phải mất một lúc mới phản ứng kịp.

Mạnh Trầm ngớ ra một chút rồi lập tức bật cười, quay đầu hỏi Phó Kiệu Lễ: "Lại tới tìm em à?"

Nhưng lần này, Phó Kiệu Lễ phản ứng còn điềm tĩnh hơn mọi lần, anh thu ánh mắt về, chậm rãi bước xuống từng bậc, "Không phải."

Chỉ có mình cô là không thể nào "là đến tìm anh".

Rất nhiều người tìm đến anh, ngại ngùng, không dám nhìn thẳng, nói chuyện giọng nhỏ nhẹ như muỗi, mà anh-một người trưởng thành chậm, tính cách trầm lặng-dù không quen thuộc với các mối quan hệ xã hội, vẫn có thể đoán được phần nào.

Mạnh Trầm nói đúng. Ở cái tuổi này, con trai chẳng ai điềm tĩnh cho được, chủ đề quanh quẩn cũng chỉ là con gái.

Lớp nào có nữ sinh xinh, hôm nay ai để tóc mới, ai nhìn ai mấy lần, ai chủ động bắt chuyện với ai... Chút chuyện vặt đó cũng đủ để cả bọn ồn ào suốt cả buổi. Mà người bị chọc ghẹo nhiều nhất... luôn là anh.

Vì ánh mắt dừng lại trên người anh, quá nhiều, quá rõ ràng. Bạn bè còn đùa rằng ghen tị với anh, thậm chí có người còn nhiệt tình nhờ mang quà vặt thay cho mấy cô bạn gái. Anh đều từ chối hết, khiến đám bạn càng trêu chọc dữ dội hơn, hỏi rốt cuộc anh thích kiểu con gái thế nào, rằng người này xinh như vậy, sao anh chẳng có phản ứng gì.

Còn có người thử thăm dò bằng cách hỏi anh thích "kiểu hình" nào, có người lại hỏi cung hoàng đạo của anh, phân tích anh sẽ thích người như thế nào... Những câu đó, từ miệng bạn bè truyền tới tai anh, họ nói giỡn cho vui, chọc cười nhau, hỏi anh có đúng như "tiêu chuẩn" đó không.

Anh đã quen với những trò đùa như vậy, nên chỉ im lặng mặc họ trêu ghẹo, không để tâm.

Nhưng thật ra... trong tất cả những lời đó, có một điều là thật.

Bọn họ còn đang lật tạp chí xem cung hoàng đạo, vừa đọc vừa cười ầm lên: "Ở đây viết nè! Nếu thích một người thì sẽ thích rất lâu, có khi cả đời cũng chỉ thích một người thôi đó! Đặc điểm là chung tình, cố chấp!"

Nói xong lại càng hăng, cười ầm lên: "Trời ơi Phó Kiệu Lễ, mày mà như vậy thì đúng là lãng phí tài nguyên rồi còn gì!"

Cả đám ồn ào đến mức khiến lớp học bên cạnh cũng tò mò quay đầu nhìn sang. Anh không để những tiếng cười đùa ấy trong lòng, tiếp tục cúi đầu làm bài. Một lát sau, bọn họ chán rồi lại đổi sang chủ đề mới.

Nhưng khi anh dừng bút tại câu hỏi yêu cầu bình luận chữ "thơ" trong bài thơ cổ kia, suy nghĩ anh cũng ngưng lại rất lâu.

Giống như thời niên thiếu của anh xao động mà kiềm nén, không ai hay biết, không ai nhìn thấy, cũng chẳng mong được hồi đáp. Nhưng dẫu không có ánh sáng mặt trời, nó vẫn tự sinh trưởng âm thầm.

Liệu sau này sẽ có ai khác bước vào lòng anh nữa không? Cuộc đời còn dài. Khi ấy anh chưa hình dung nổi tương lai, chỉ biết rằng, ở cái tuổi chưa kịp bắt đầu yêu đương, sâu trong lòng đã in dấu một bóng hình, cứ thế nảy mầm, lớn lên chiếm cứ tất cả tuổi xuân thầm lặng của anh.

Dẫu cho-đó chỉ là một hình bóng xa xăm, không thật.

Có lần, anh thấy Vu Thi Dao cùng ba mẹ xách đồ ăn về nhà, đi ngang qua hiệu sách này, quay đầu nhìn vào mấy lần.

Thế là từ hôm ấy, anh trở thành khách quen của tiệm.

Chỉ để chờ một ngày người anh nghĩ tới sẽ thật sự bước vào.

Cuối cùng, ngày đó cũng đến.

Anh nhìn Vu Thi Dao đứng trước cầu thang ngẩng đầu nhìn mình, gió lại khẽ nổi lên. Nhưng cô, chẳng hay biết gì. Mà anh, cũng không dám để cô biết.

Bởi vì cô quá đẹp, mà sự yêu thích của anh... giống như lớp bùn sình lặng lẽ, ngoi lên trong ẩm ướt, không thấy được ánh sáng.

Cô cầm sách từ trên kệ, quay đầu nhìn anh, hỏi: "Phó Kiệu Lễ, anh không nhớ em à?"

Cô nghiêng mặt, cố ý chớp mắt mấy cái.

Tim anh như ngừng đập.

Nhưng cô cười một cách hờ hững, không đặt nặng trong lòng, trong mắt cô, anh vẫn chỉ là một người hàng xóm mới gặp, xa lạ. Vì vậy anh cũng chỉ có thể... giả vờ mới quen, giữ bình tĩnh mà hỏi:

"Có việc gì sao?"

Quả nhiên, cô cũng chỉ thuận miệng chào hỏi: "Không có gì, chào một tiếng thôi."

Chỉ riêng Vu Thi Dao, là người duy nhất không phải đến để tìm anh.

Và cũng sẽ không bao giờ... là đến để tìm anh.

[Tác giả có lời muốn nói]

Khi viết truyện chính, tôi nhận ra phần lớn nội dung đều là thế giới nhìn từ góc độ của Dao Dao, nên phiên ngoại này viết thêm một chút từ góc nhìn của Phó Kiệu Lễ. Hai chương ngắn nữa thôi, vài mảnh đời thường rồi sẽ kết thúc, vì câu chuyện vốn không dài, khi bắt đầu viết cũng không tính cấu tứ phức tạp, thậm chí từng định cho kết thúc buồn, nên phiên ngoại cũng không thể kéo dài quá nhiều TAT.

Xin lỗi vì phần phiên ngoại này cập nhật hơi chậm, dạo gần đây tôi dính COVID lần hai, biên tập lại đúng lúc gửi bản sửa tiểu thuyết khác tới, ngày nào cũng sốt, đầu óc mơ màng, nên chỉ có thể tranh thủ thời gian viết dần được một chút.