Lãm Phương Hoa

Chương 104: Hậu Ký 1 – Luật mới



Kinh thành, Tiết Thượng Nguyên.

Trong thư lâu Phùng phủ, Phùng Hiếu An ngồi cùng Thẩm Khâu bên cửa sổ, nhóm lò sưởi ấm rượu. 

Ngoài cửa sổ tuyết nhẹ bay lất phất, trời đất ngập trong gió lạnh. Thẩm Khâu quấn kín áo lông dày, còn Phùng Hiếu An chỉ mặc trường sam mỏng. 

Thẩm Khâu xoa tay trước lò, cảm thán: 

“Quả không hổ từng sống ở phương Bắc mười mấy năm, chịu lạnh còn giỏi hơn cả võ phu như ta.”

Vị thám hoa ngày trước, dù có phần phóng túng bất kham — uống rượu, đánh bạc, giao du với đủ hạng người — nhưng trong cốt cách vẫn luôn toát lên phong thái nhã nhặn của công tử quyền quý…

Từ Tây Bắc trở lại kinh thành, dung mạo của Phùng Hiếu An gần như không đổi, phong thái vẫn thanh tao nhã nhặn. Nhưng Thẩm Khâu nhận ra rõ ràng, cái “cảm giác mong manh” của ông đã biến mất.

Đây cũng là lý do Thẩm Khâu nhất quyết đưa Bùi Nghiên Chiêu đến Liêu Đông rèn luyện.

Phùng Hiếu An chỉ mỉm cười, thu tay áo rót rượu cho Thẩm Khâu mà không nói lời nào.

Thẩm Khâu quan sát ông, hỏi: 

“Rốt cuộc đệ bị làm sao? Lúc trước nghe tin Tạ Tiểu Sơn trọng thương hôn mê, ngày nào đệ cũng như ngồi trên đống lửa. Giờ mấy đứa bình an trở về rồi, sao bộ dạng vẫn như vậy? Bị con gái làm mặt lạnh à?” 

Phùng Hiếu An lúc này mới chậm rãi lên tiếng:

“Ta chỉ đang cảm khái. Lúc trước ngày nào chúng ta cũng tính toán nghĩ cách đối phó với Phó Mân…” 

Dẫu sao thì ông từng bại dưới tay y, rất muốn gỡ lại ván cờ đó. Trong lòng cứ ngỡ thiên hạ này chỉ có mình và Phó Mân kia mới là kẻ ngang tài ngang sức.

“Không ngờ đám trẻ đi Nam Cương một chuyến lại giải quyết được vấn đề mà ta với y vẫn dằng dai chưa xong.”

Nghĩ đến việc trong đám trẻ ấy có cả con trai mình, Thẩm Khâu chẳng giấu nổi hớn hở, nhướng mày cười nói:

“Thế nên ta thường khuyên đệ đừng lúc nào cũng lao tâm khổ tứ. Đám trẻ bây giờ lớn hết rồi, đã có thể tự mình gánh vác.”

Phùng Hiếu An nhíu mày lo lắng:

“Nhưng chúng cũng liều lĩnh quá mức. Lần này quả thực là chín phần chết, một phần sống.”

Thẩm Khâu cũng có phần hoảng sợ:

“Đúng thế, thằng nhãi nhà ta cũng chẳng biết trời cao đất dày là gì, cứ nhất quyết đòi theo xuống Nam Cương, làm ta tức đến nổ phổi…”

Nói đến đây thì phát hiện mình đang tự mâu thuẫn, vội chữa lại:

“Ờm nhưng mà… tuổi trẻ mà không biết mạo hiểm, thì còn là tuổi trẻ gì nữa? Chúng ta thuở trước chẳng phải cũng ưa liều mạng đó sao?”

Câu nói ấy khiến Phùng Hiếu An bừng tỉnh. 

Những ngày qua, ông luôn băn khoăn liệu có nên đến gặp nói chuyện với con gái, khuyên con bé về sau đừng mạo hiểm như vậy nữa. Từ việc phái Bùi Nghiên Chiêu truy bắt giám quốc Nam Cương, đến gi.ết ch.ết Tề Phong trên đường trốn chạy, con gái ông đều mang tâm thế đặt cược. May mắn là con bé thắng, nếu không…

Nhưng mối quan hệ hai cha con vốn đã căng thẳng, ông sợ mình khuyên không tới nơi, ngược lại còn khiến con bé thêm chán ghét.

Ngẫm lại, có lẽ vì đã già, từng trải nhiều thất bại, vướng bận đủ điều nên giờ bắt đầu cẩn trọng, đắn đo. Nếu là bản thân thời trẻ, hẳn ông cũng sẽ đặt cược giống con mình.

“Huynh nói đúng.” Phùng Hiếu An rốt cuộc cũng thấy nhẹ nhõm.

Trên thế gian này, chính vì luôn có những người trẻ tuổi dám dấn thân và mạo hiểm, mà cuộc sống mới tiếp tục sinh sôi nảy nở, đời đời tiếp nối. 

— 

Mặt trời chưa lặn, Tạ Lãm và Phùng Gia Ấu sửa soạn chuẩn bị ra ngoài. 

Họ hẹn gặp Tùy Anh và Thẩm Thời Hành ở bờ hồ dạo chơi.

Lẽ ra có cả Lạc Thanh Lưu, nhưng vừa về đến kinh thành, hắn lập tức ‘vướng bận’, gửi tin từ trong cung ra nói không đi được, hẹn dịp khác tụ họp. 

Lúc này, Phùng Gia Ấu đang trang điểm trong phòng, còn Tạ Lãm thử thanh đao mới ngoài sân.

Vẫn là một thanh miêu đao, cũng do cha hắn đưa.

Đây là thanh đao Tạ Triều Ninh dùng thay thế sau khi đưa thanh miêu đao gia truyền cho hắn. Xét về chất liệu, thanh này thậm chí còn tốt hơn đao gia truyền. Nhưng cái quý của đao gia truyền nằm ở cốt khí ẩn tàng bên trong.

Trong nghề gọi đó là “hồn đao.”

“Hồn đao” do người dùng dần dần nuôi dưỡng mà thành. Đao truyền từ đời này qua đời khác, tự nhiên hồn đao càng mạnh mẽ.

“Thiếu chủ, cậu đừng tiếc thanh đao kia nữa. Thanh này do lão gia tự tay rèn, đã theo lão gia mười mấy năm, ông ấy quý lắm đấy.”

Người nói là Tùng Yên. Sau lần hộ tống Phùng Gia Ấu đến thành Hắc Thủy, hắn không theo trở lại kinh thành. Dù sao thiếu chủ nhà hắn đã “gả” vào gia đình giàu có, chẳng cần hắn hầu hạ nữa.

Nhưng một tháng trước, nhị gia gửi thư nói thiếu chủ trọng thương, cần người chăm sóc, Tùng Yên liền vội vã chạy đến kinh thành. Dù sao, hắn học y thuật vốn cũng vì Tạ Lãm.

Trước khi đi, Tạ Triều Ninh dặn đi dặn lại, bảo nhất định phải mang theo thanh đao này, còn nhấn mạnh rằng đây là đao ông tự rèn.

“Ngươi nói đủ chưa?” Tạ Lãm bực dọc, mỗi lần hắn cầm đao lên thử là Tùng Yên thao thao lặp lại. 

Tạ Lãm biết ý của Tạ Triều Ninh.

Thanh đao do ông tự tay rèn, theo ông mười mấy năm, giờ truyền lại cho hắn , đó chính là sự tiếp nối giữa hai cha con.

“Đừng tưởng như vậy là ta dễ dàng tha thứ cho ông ấy.” Nghĩ đến chuyện Tạ Triều Ninh từng nói nuôi mình như nuôi một con chó, lòng hắn vẫn âm ỉ giận.

Giọng Phùng Gia Ấu vọng ra từ trong phòng: 

“Phu quân, ta chuẩn bị xong rồi, chúng ta đi thôi.”

Tạ Lãm tiện tay ném thanh đao cho Tùng Yên:

“Được.”

Tùng Yên ôm đao, nhắc nhở:

“Thiếu chủ, cậu vẫn còn yếu lắm, chịu lạnh không được đâu, tốt nhất khoác thêm áo lông…”

“Ngươi phiền phức quá.”

Phùng Gia Ấu yêu kiều bước ra khỏi phòng, dịu dàng nói:

“Phu quân, tối nay gió lớn, chàng vừa mới khỏe lên, khoác thêm áo choàng nhé?”

“Nàng chu đáo thật.”

Tùng Yên: “???”

Tạ Lãm đến tủ, từ đống áo choàng Phùng Gia Ấu chuẩn bị cho hắn, rút ra cái hắn lấy được từ tay Lý Tự Tu. Đối với hắn, đây là chiến lợi phẩm.

Vừa định khoác lên liền sực nhớ, như vậy chẳng phải sẽ gợi Phùng Gia Ấu nhớ đến Lý Tự Tu sao? 

Vội vội vàng vàng cất lại, rút bừa một chiếc khác.

Ra khỏi phòng, áo choàng lụa dày thêu chỉ vàng chỉ bạc, cổ áo đính lông chồn trắng, cả người khí phái rực rỡ khiến Tùng Yên suýt nữa không nhận ra thiếu chủ nhà mình.

Hai vợ chồng vừa bước ra cổng phủ liền thấy một cỗ xe ngựa đỗ bên đường, thoạt trông thấy quen quen.

Phùng Gia Ấu nhận ra:

“Lần trước chúng ta đến gặp Từ Tông Hiến, hình như Lạc Thanh Lưu đánh xe này tới đón.”

Nhưng người cầm cương lúc này không phải Lạc Thanh Lưu, mà là một thiếu niên chừng mười lăm, mười sáu tuổi.

Thiếu niên tiến lên, cung kính nói:

“Tạ Thiên hộ, chủ nhân nhà tôi mời ngài tới Ngư Diệu Lâu uống chén rượu.” 

Dừng lại một chút, rồi bổ sung:

“Thiếu giám nhà tôi cũng ở đó.”

Tạ Lãm nhíu mày:

“Chỉ mời một mình ta?”

Thiếu niên đáp:

“Vâng.”

Phùng Gia Ấu lo lắng, liệu có phải Từ Tông Hiến đã nhìn ra điều gì khả nghi từ cái chết của Tề Phong? Dẫu sao, Tề Phong là đồng minh mạnh nhất của Từ Tông Hiến, lén đi Nam Cương rồi chết đầy bí ẩn, trong lòng ông ấy hẳn sẽ sinh nghi.

Nhưng đối phương cố ý nói Lạc Thanh Lưu cũng có mặt, như thể một lời cảnh cáo, không thể không đi.

Tạ Lãm không chút e dè, không mang theo cả đao, đỡ Phùng Gia Ấu lên xe ngựa.

Thiếu niên đánh xe toàn chọn đường lớn mà đi, Phùng Gia Ấu vén rèm cửa sổ lên nhìn ra, khắp nơi đều giăng đèn kết hoa, tràn ngập không khí tưng bừng của lễ hội.

Đặc biệt khi xe đến Ngư Diệu Lâu*, tửu lầu này nằm trên con phố chính của kinh thành, xung quanh rộn ràng náo nhiệt vô cùng.

*Ngư Diệu (鱼跃): có nghĩa là “cá nhảy” hay “cá phóng vọt lên”, thường dùng để chỉ sự vươn mình mạnh mẽ, như trong thành ngữ “cá vượt Long Môn” (鱼跃龙门) — một hình ảnh ẩn dụ cho việc vượt qua thử thách để đổi đời, đạt được thành tựu lớn.

Phùng Gia Ấu không khỏi thấy lạ. Tại sao Từ Tông Hiến lại hẹn gặp quan viên triều đình ở một nơi dễ bị chú ý như thế này? Thật chẳng giống phong cách thường ngày của ông ta.

Xe ngựa dừng trước cửa Ngư Diệu Lâu, cậu thiếu niên nhanh nhẹn nhảy xuống:

“Tạ Thiên hộ, mời.”

Trước khi xuống xe, Tạ Lãm quay lại nhìn Phùng Gia Ấu, như muốn hỏi nàng có căn dặn chi không, thật sự yên tâm để hắn tự do ứng biến trước mặt Từ Tông Hiến sao?

Phùng Gia Ấu chỉ mỉm cười, nhẹ nhàng chỉnh lại tay áo cho hắn:

“Đi đi.”

Tạ Lãm cũng không quên dặn dò:

“Trên phố đông người, nàng cứ ngồi trong xe chờ ta, đừng tùy tiện ra ngoài.”

Đợi Phùng Gia Ấu gật đầu đồng ý, hắn mới xuống xe, bước vào Ngư Diệu Lâu.

Phùng Gia Ấu ngồi đợi một mình trong xe, lòng không khỏi lo lắng tình hình bên trong, thi thoảng lại vén rèm cửa sổ lên nhìn.

Từ Tông Hiến chắc chắn không ngồi ở đại sảnh tầng trệt, nhất định sẽ ở nhã gian trên lầu. Để tránh tai vách mạch rừng, hẳn ông ấy đã bao trọn cả tầng lầu.

Có lẽ vì thời tiết lạnh giá, tất cả cửa sổ tầng hai đều đóng chặt.

Khi Phùng Gia Ấu hạ rèm cửa xuống, đuôi mắt nàng thoáng liếc thấy một bóng người — chính là Lý Tự Tu.

Y bước ra khỏi quán trà đối diện Ngư Diệu Lâu, trong lòng còn bế một đứa bé chừng năm sáu tuổi.

Phùng Gia Ấu hơi ngạc nhiên, ngẩng đầu nhìn lên tầng lầu của quán trà, liền hiểu ra.

Lý Tự Tu đi cùng mẹ mình.

Từ Tông Hiến ngồi trong tửu lâu bên trái, còn Lý  phu nhân ở quán trà bên phải, một trái một phải cách nhau một con đường, lát nữa có thể đối diện qua cửa sổ mà nhìn nhau. 

Còn đứa trẻ trong lòng Lý Tự Tu, e rằng chính là tiểu hoàng đế.

Giờ y đã là đế sư, hộ tống hoàng đế ngắm đèn thưởng hội cũng là lẽ thường. 

Còn Từ Tông Hiến, tuy là Chưởng ấn Ti Lễ Giám, quyền uy nghiêng trời, nhưng xét cho cùng vẫn là hoạn quan thân cận phục vụ hoàng đế, đi cùng để chăm sóc cũng hợp lý.

Mà Lý Tự Tu nhân tiết Thượng Nguyên dẫn mẹ ra ngoài chơi, lại càng không có gì lạ. 

Một cơ hội khéo léo để hai bên đường hoàng công khai gặp mặt.

“Lý công tử.” Phùng Gia Ấu gọi.

Nàng muốn mượn tay y, thăm dò xem Từ Tông Hiến hẹn Tạ Lãm tới có mục đích gì.

Dù phố phường ồn ào, giọng của Phùng Gia Ấu cũng không lớn, nhưng Lý Tự Tu nghe được rất nhanh, ánh mắt xuyên qua đám đông, nhìn về phía xe ngựa nàng ngồi.

Y cúi người, đặt tiểu hoàng đế xuống, giao lại cho hoạn quan bên cạnh, rồi quay người bước sang bên này, đứng ngoài xe hành lễ:

“Tạ phu nhân! Sao cô lại ở đây?”

Hỏi xong, y ngẩng đầu nhìn lên lầu của tửu lầu:

“Từ Đốc công mời Tạ Thiên hộ tới?”

Phùng Gia Ấu vén rèm cửa sổ lên nhìn theo:

“Không biết Từ Đốc công…”

Lý Tự Tu hiểu ý:

“Không có chuyện gì lớn đâu.”

Phùng Gia Ấu thở phào nhẹ nhõm, rồi lại thấy lúng túng.

Dẫu sao, hỏi xong đuổi người đi ngay thì thật không hay, nàng đành khách sáo nói:

“Lý đại nhân, phu thê ta về kinh cũng được một thời gian, lẽ ra phải mời ngài một bữa…” 

“Phải là ta mời hai người mới đúng.” Lý Tự Tu ngắt lời nàng, “Hai người vào sinh ra tử ở Nam Cương, còn ta ngồi không ở kinh thành hưởng lợi, trong lòng thật áy náy. Chỉ là dạo này ta bận rộn quá, không rảnh được…”

Theo thỏa thuận giữa hai bên, công lao giành được ở Nam Cương cũng được tính cho Lý Tự Tu, mở đường để y vào Nội Các.

Tội thông đồng phản quốc của Phó Mân tuy chấn động nhưng không ảnh hưởng đến nhóm “văn thần mới nổi”. Song khi mất đi chỗ dựa Phó Mân, lại thêm bị Phùng Hiếu An chèn ép, việc Tiết thượng thư của Hộ Bộ muốn tranh vị trí trong Nội Các với Lý Tự Tu đã trở thành mộng hão. 

Phùng Gia Ấu cười tươi như hoa:

“Vậy thì ta xin chúc mừng đại nhân trước, chúc ngài như nguyện, sớm ngày cải cách muối thành công.”

Lý Tự Tu tránh để ánh mắt mình dừng lại quá lâu trên gương mặt nàng:

“Không dễ dàng đâu. Cải cách muối chạm đến lợi ích của quá nhiều người, trở ngại chắc chắn không ít…” 

Phùng Gia Ấu đang định nói vài câu khích lệ thì y lại đột ngột nói tiếp:

“Có lẽ sẽ bắt đầu thúc đẩy thi hành bộ luật mới trước. Sau khi ta vào Nội Các, phụ thân cô sẽ đệ trình bản luật mới do cô biên soạn, để ta đưa ra thi hành. Cũng xem như một điểm son trong công trạng của ta.” 

“Nhanh vậy sao?” Phùng Gia Ấu ước chừng ít nhất cũng phải mất ba năm, “Nhưng luật mới vẫn chưa hoàn thiện lắm…”

“Không vội, quá trình đưa ra thi hành rất rườm rà, cô vẫn có thời gian chuẩn bị.”

“Vậy thì tốt quá.”

Lý Tự Tu bổ sung:

“Phụ thân cô đã gặp Từ Đốc công, hai người cũng bàn bạc qua, quyết định trình luật mới dưới danh nghĩa của cô.”

Phùng Gia Ấu kinh ngạc:

“Lấy tên của ta sao?”

Như vậy chẳng phải sẽ biến một việc vốn đơn giản thành phức tạp ư?

Hiện giờ phụ thân nàng là Đại Lý Tự khanh, nếu dùng danh nghĩa của ông hoặc nặc danh đệ trình lên Nội Các, để Lý Tự Tu thúc đẩy, sau khi Nội Các quyết định thì giao cho Từ Tông Hiến đóng dấu, theo đúng trình tự ấy thì khả năng thành công rất cao.

Nhưng nếu dùng chính danh nghĩa nàng để trình lên, e rằng triều đình trong ngoài sẽ nổi sóng gió không dứt, trở ngại vô cùng.

“Không cần làm vậy đâu.” Phùng Gia Ấu cau mày, “Tên người biên soạn luật mới thật ra chẳng quan trọng. Đừng nói đâu xa, ngay như bộ luật hiện hành, có mấy ai trong thiên hạ biết người biên soạn là ai?”

Điều nàng mong muốn chỉ là bản luật do mình biên soạn được áp dụng.

Còn về việc có ký tên hay không, nàng thật lòng không bận tâm.

Cũng giống như khi Thẩm Thời Hành viết tiểu thuyết chỉ dùng bút danh Tiêu Dao Sinh, thiên hạ chẳng ai biết tên thật của hắn. 

Dĩ nhiên, nói hoàn toàn không quan tâm cũng không đúng. Dẫu sao đây cũng là tâm huyết nhiều năm của nàng. Nàng nói: 

“Thế nhưng thật sự không đáng vì một chuyện nhỏ nhặt như thế mà tăng thêm trở ngại lớn cho việc thi hành luật mới.”

“Trở ngại có lẽ không lớn như cô nghĩ đâu. Dù sao cũng không giống cải cách muối, động chạm đến ít lợi ích hơn.” Lý Tự Tu phủi đi lớp tuyết trên vai, “Hơn nữa, một số nội dung trong  luật mới mà trước kia cô đưa cho Thôi Thiếu khanh, ta đã đưa cho Diệp Thủ phụ xem qua, còn cùng ông ấy bàn luận. Ông rất tán thưởng, đã mấy lần hỏi tên của cô.” 

Phùng Gia Ấu thở dài:

“Nhưng khi ông ấy biết người viết luật lại là nữ tử, thái độ e rằng sẽ khác hẳn.” 

Lý Tự Tu cười:

“Không cần lo. Chỉ cần Từ Đốc công là người đầu tiên đứng ra phản đối, lấy cớ thân phận nữ nhi của cô mà gây đủ chuyện cản trở đả kích, thì Diệp Thủ phụ nhất định sẽ làm ngược lại.”

Phùng Gia Ấu: “……”

Như vậy, toàn bộ áp lực lại rơi lên vai Từ Tông Hiến.

Mà để Từ Tông Hiến chịu gật đầu đồng ý, chắc chắn Phùng Hiểu An đã đưa ra không ít lợi ích để thuyết phục.

Chẳng phải Phùng Gia Ấu không muốn nhận tấm lòng của cha, mà là:

“Ta thật sự cảm thấy điều này không cần thiết. Chỉ vì một cái hư danh…”

Lý Tự Tu lắc đầu: 

“Đây không phải là hư danh. Nếu chuyện này thành công, cô sẽ trở thành một tấm gương. Sau này, những nữ tử Đại Ngụy có tài năng muốn thể hiện bản thân sẽ dũng cảm hơn, và cũng dễ dàng hơn rất nhiều.”

Phùng Gia Ấu thoáng sững sờ.

Lý Tự Tu nói tiếp: 

“Chỉ là, trong quá trình này, cô chắc chắn sẽ đứng trên đầu sóng ngọn gió, chịu đủ mọi chỉ trích từ dư luận…” 

Lúc này y mới dám nhìn thẳng vào mắt nàng, trong ánh nhìn có hỏi ý, cũng có động viên: 

“Không biết cô có sẵn lòng vì họ mà gõ cánh cửa đồng nặng nề ấy không?”

Đôi đồng tử màu hổ phách co lại. Sau một lúc cân nhắc kỹ càng, Phùng Gia Ấu kiên định đáp: 

“Được.”

Có Tạ Lãm bên cạnh, nàng không sợ sóng gió.

Lý Tự Tu thấy mình đã thuyết phục được nàng, trong lòng nhẹ nhõm hẳn. Nhưng rồi không kìm được mà tự giễu. 

Chuyện này tuy do Phùng Hiểu An đề xuất, nhưng khi xưa, trong những lá thư gửi cho nàng, Lý Tự Tu cũng từng nhiều lần nhắc đến. Không chỉ một lần.

Y muốn nỗ lực bước chân vào Nội Các, chờ sau khi đứng vững sẽ thúc đẩy thi hành luật mới dưới tên nàng, đứng phía trước nàng che chắn mọi sóng gió. 

Đó từng là sính lễ mà Lý Tự Tu muốn dâng tặng nàng.

Nhưng nhìn biểu cảm ngạc nhiên của Phùng Gia Ấu vừa rồi, cuối cùng y cũng chắc chắn một điều, những lá thư chan chứa tình ý mà y gửi, e rằng nàng chưa từng đọc trọn vẹn bức nào.

Còn bức thư mắng mỏ gay gắt mà nàng gửi lại, hẳn chỉ là trùng hợp. Nó chẳng ngầm mang ý khích lệ, cũng chẳng phải ước hẹn ngày sau gặp lại trên đỉnh cao như y từng ngây ngô tưởng tượng. 

Tất cả đều là do y si mê mù quáng, tự cho là đúng, để rồi lỡ mất cơ hội quý giá.

Nhưng mà…

Dẫu kiếp này không thể cùng nàng kết làm phu thê, nhưng nếu có thể nhờ bộ luật mới mà cùng ghi danh  — nàng cầm bút biên soạn, y thúc đẩy thi hành, thì… 

Từ nay về sau tên của y và nàng sẽ cùng hiển hiện trên cùng một trang sử, âu cũng xem như tâm nguyện đã đạt thành. 

— 

Tác giả có lời muốn nói:

Lão Lý à, thật sự không thể trách ai khác ngoài bản thân ngươi mà thôi!