Lãm Phương Hoa

Chương 105: Hậu Ký 2 – Đèn hoa



Trong Ngư Diệu Lâu.

Khi Tạ Lãm bước vào nhã gian trên lầu, trong phòng ngoài Từ Tông Hiến và Lạc Thanh Lưu, còn có thêm một người nữa.

Người này ngồi quay lưng về phía cửa, Tạ Lãm không nhìn thấy mặt, cũng chẳng biết là ai. Nhưng có thể ngồi cùng bàn với Từ Tông Hiến, nếu không phải quan lớn tam phẩm trở lên, thì cũng là hoàng thân quốc thích.

Lạc Thanh Lưu thấy hắn vào phòng mà chỉ chăm chú nhìn bóng lưng người kia, bèn vội vàng bước từ sau lưng Từ Tông Hiến ra đón:

“Đại nhân, trong phòng nóng…”

Tạ Lãm tháo áo choàng, đưa cho hắn, sau đó chắp tay với Từ Tông Hiến:

“Tạ Lãm, Thiên hộ của Huyền Ảnh Ti, bái kiến Đại đốc công.”

Ánh mắt Từ Tông Hiến nhìn hắn chứa đựng vài phần dò xét.

So với lần trước mời hai vợ chồng hắn dự tiệc, Tạ Lãm dường như đã thay đổi đôi chút. Dù vẫn không chịu khom lưng, thái độ cũng chẳng kém cao ngạo, nhưng đã thêm phần chủ động. Không còn giống trước đây, khi hắn chỉ vì nể mặt phu nhân nhà mình mà miễn cưỡng tiếp chuyện.

Từ sự khác biệt nhỏ này, Từ Tông Hiến đoán rằng có lẽ hắn đã có ý định gây dựng chỗ đứng trong quan trường.

Từ Tông Hiến mỉm cười:

“Qua tiết Thượng Nguyên, từ ngày mai anh đã phải tự xưng là Trấn phủ rồi nhỉ? Vào kinh chưa tròn một năm, từ một Ti trực thất phẩm của Đại Lý Tự thăng lên làm chính tứ phẩm Bắc Trấn phủ của Huyền Ảnh Ti. Tiền đồ của Tạ Thiên hộ quả thực không thể hạn lượng…” 

Thẩm Khâu đang nhắm đến quân phủ, vậy vị trí Chỉ huy sứ Huyền Ảnh Ti về sau, ắt không ai ngoài Tạ Lãm có thể đảm nhận.

Tạ Lãm nay đã có tâm làm quan, nhưng chẳng có lòng kiên nhẫn nghe ông ấy quanh co:

“Đốc công có chuyện gì cứ nói thẳng.”

Từ Tông Hiến liếc nhìn người đối diện mình:

“Tạ Thiên hộ, vị này là Phò mã gia.”

Thì ra là Phó Mân.

Tạ Lãm đã “đấu” với ông ta lâu như vậy, nhưng đến giờ mới gặp mặt.

Phó Mân quay đầu, ánh mắt chạm ngay cái nhìn của Tạ Lãm.

Trong mắt Tạ Lãm không có hỉ nộ, thản nhiên như đang nhìn một kẻ đã chết.

Hàn Trầm vừa tiếp quản quân chính Nam Cương, tạm thời không thể đến kinh thành, nhưng quốc thư đã được gửi đến Nội Các vài ngày trước.

Tội danh thông đồng với địch phản quốc được đích thân Nam Cương Vương chỉ điểm, đám văn thần mới nổi đứng sau Phó Mân dù có gan lớn đến đâu cũng không dám lên tiếng bênh vực.

Nội Các đã giao quyền xử lý việc này cho Huyền Ảnh Ti. Phó Mân bị Thẩm Khâu giam lỏng tại phủ công chúa, vừa chờ điều tra, vừa đợi Nam Cương Vương vào kinh.

Lẽ ra ông ta phải bị áp giải thẳng vào Hắc Ngục, nhưng công chúa đã dùng cái chết để ngăn cản, nên mới đổi thành giam lỏng.

Thậm chí Từ Tông Hiến muốn gặp Phó Mân cũng phải được Thẩm Khâu gật đầu.

Vì thế, cũng không khó hiểu khi ánh mắt Phó Mân nhìn Tạ Lãm chứa đầy oán độc. Tuy thế, ngoài mặt ông ta vẫn giữ vẻ điềm tĩnh, quay sang Từ Tông Hiến:

“Đốc công hẹn ta đến ôn lại tình cảm năm xưa ở thư viện, sao lại gọi hắn đến đây?”

Khóe môi Tạ Lãm thoáng nhếch lên nụ cười chế giễu:

“Ông bại dưới tay ta, nhưng chưa từng gặp ta. Đốc công chắc không muốn ông mang theo tiếc nuối, chết mà không rõ ràng.”

Chỉ là tiện miệng mỉa mai đôi câu, chẳng ngờ Từ Tông Hiến lại gật đầu:

“Quả thực không muốn huynh mang theo tiếc nuối.”

Rồi quay sang nhìn Tạ Lãm:

“Làm phiền Tạ thiên hộ đã đi một chuyến.”

Tạ Lãm: “…”

Nhìn vẻ mặt nghiêm túc của ông ta, Tạ Lãm suýt nữa hỏi: đầu ông có vấn đề à? Phó Mân từng bày kế ám sát Lý Tự Tu, thế mà Từ Tông Hiến lại còn muốn tiễn ông ta một đoạn đường sao?

Nhưng nghĩ kỹ, Tạ Lãm bỗng nhiên lại hiểu được. Năm xưa, số học sinh trong thư viện không chịu bôi nhọ viện trưởng vốn chẳng nhiều, còn sống đến giờ chỉ còn hai người họ.

Phó Mân mà chết, Từ Tông Hiến sẽ trở thành người duy nhất.

“Đã gặp rồi, hạ quan cáo từ.” Tạ Lãm không có thời gian cũng chẳng hứng thú nghe họ “ôn chuyện.”

Từ Tông Hiến gật đầu:

“Làm phiền anh đi một chuyến.”

Tạ Lãm quay người muốn đi, Lạc Thanh Lưu đưa áo choàng tới.

Tạ Lãm quay đầu hỏi Từ Tông Hiến:

“Đốc công, tục ngữ nói “có qua có lại”, ta mượn Thiếu giám của ngài đến đánh xe cho vợ chồng ta xem hội đèn lồng có được không?”

Lạc Thanh Lưu nghe mà toát mồ hôi. Hắn biết Tạ Lãm chỉ thuận miệng kiếm cớ để kéo mình đi ngắm đèn. Nhưng câu này nói ra, lại giống như tát thẳng vào mặt Đốc công vậy.

May mà Từ Tông Hiến không phải lần đầu tiếp xúc với Tạ Lãm, bèn mỉm cười đáp:

“Được thôi.”

Tạ Lãm liền dẫn Lạc Thanh Lưu rời khỏi nhã gian.

Cửa vừa đóng lại, Từ Tông Hiến quay sang Phó Mân: 

“Phò mã gia cười gì vậy?”

Phó Mân nâng chén rượu, đáp:

“Ta thua rồi, nhưng muốn lấy mạng ta e rằng không dễ vậy đâu… 

Ánh mắt ông ta lóe lên vài phần gian xảo, như thể vẫn chưa xuất hết chiêu: 

“Ý tốt của Đốc công, ta chỉ có thể ghi nhận trong lòng mà thôi.”

Từ Tông Hiến thản nhiên nói:

“Kỳ thực, khi chứng cứ tội trạng của huynh bày ra trước mắt ta, ban đầu ta rất bối rối. Trước kia tuy chúng ta không giao thiệp nhiều, nhưng khi viện trưởng bị vu oan, huynh và ta đứng cùng một chiến tuyến, chịu đủ cực hình của Đông Xưởng, gắng gượng đến cuối cùng. Ta không sao hiểu được, người như huynh – tín nghĩa, cứng cỏi – tại sao vài năm sau lại lên kế hoạch vụ án kho lương Điền Trung, khiến cả Đô Ti Điền Nam phải chịu bi kịch còn thảm khốc hơn cả thư viện ngày xưa?”

Phó Mân vu.ốt ve chén rượu, lạnh lùng nói:

“Ngài quên rồi sao, công chúa đã cứu ta ra khỏi lao ngục, ta vốn chưa đến mức ‘gắng gượng đến cuối cùng’.”

Nếu công chúa không cứu, bản thân Phó Mân cũng không biết liệu mình có thể cầm cự đến cuối cùng không. Quỳ suốt ba ngày ba đêm trong phòng tra tấn, bị ép phải chứng kiến cảnh tù nhân bị thiến, nghe thấy những tiếng gào thét khi nhân phẩm bị xé toạc… ông nào dám chắc mình không gục ngã.

Từ Tông Hiến đáp:

“Cho đến khi ta đọc được thư của Nam Cương Vương gửi đến, mới biết anh trai của Giám quốc Nam Cương, Ông Phồn, từng vì cứu huynh mà bỏ mạng. Trước khi chết, còn cầu xin huynh chăm sóc em gái mình… 

Ta lần theo đầu mối này thì phát hiện không chỉ có thế. Hóa ra công chúa trước đây không có mấy giao tình với huynh, nhưng lại rất thân thiết với Ông Phồn… Ta đoán, công chúa dùng thân phận ‘phò mã’ cứu huynh khỏi Đông Xưởng cũng là vì Ông Phồn.”

Đến đây, Từ Tông Hiến dần sáng tỏ.

Ân sư như cha, thà chết cũng không phản bội, giữ trọn chữ ‘hiếu’ với thầy.

Thoát khỏi chốn địa ngục, coi như đã chết một lần, sống tiếp để trả ơn và đền nợ, giữ trọn chữ ‘nghĩa’ với tri kỷ.

Dẫu phải chôn vùi lương tâm, tự tay gây nên cảnh sinh linh đồ thán, Phó Mân cũng chẳng nề hà.

“Ta không ngờ, người thông minh, khéo tính toán như huynh lại cố chấp đến mức này.”

Quả nhiên, con người không ai hoàn hảo.

Phó Mân không phản bác, để mặc Từ Tông Hiến nói. Cuối cùng lạnh nhạt hỏi: 

“Đốc công cất công tìm ta ra đây, chỉ để giáo huấn ta sao?”

“Vừa nãy Tạ Thiên hộ không phải đã nói rồi sao, nể tình xưa cũ, ta không muốn huynh ôm tiếc nuối mà chết.” 

Từ Tông Hiến lấy ra mấy tờ giấy úa vàng và một quyển trục từ tay áo, đặt lên bàn rồi đẩy qua.

Phó Mân cau mày, cầm lên xem.

Từ Tông Hiến chậm rãi nói:

“Ta luôn muốn biết, năm xưa viện trưởng say rượu làm thơ mắng gian thần, rốt cuộc là do kẻ vô liêm sỉ nào mật báo với triều đình. Sau khi vào Ti Lễ Giám, ta đã tốn không ít công sức mới điều tra ra được, đó là một nữ nhân…”

Phó Mân nhìn chằm chằm vào các lời khai mà Từ Tông Hiến thu thập được, đồng tử co rút, các ngón tay bắt đầu run rẩy.

… 

Tạ Lãm vừa bước ra khỏi Ngư Dược Lâu, lập tức nhìn thấy Phùng Gia Ấu và Lý Tự Tu. Hai người đứng đối diện nhau bên đường, Lý Tự Tu còn bế một bé trai.

Gặp Lý Tự Tu ở nơi Từ Tông Hiến xuất hiện, Tạ Lãm không thấy bất ngờ, theo bản năng nhìn xuống vạt áo của y.

Vì đang bế trẻ, áo choàng của Lý Tự Tu mở rộng, để lộ dòng chữ trên vạt áo:

“Kim phong ngọc lộ nhất tương phùng, tiện thắng khước nhân gian vô số.

Lưỡng tình nhược thị cửu trường thì, hựu khởi tại triêu triêu mộ mộ.”*

*Đây là hai câu trong bài “Thước kiều tiên” của Tần Quán:

Bài thơ viết về cuộc gặp gỡ của Ngưu Lang – Chức Nữ. Có nghĩa: 

Chỉ một lần gió vàng sương ngọc gặp gỡ, mà hơn mọi cuộc tương phùng chốn nhân gian. Nếu hai lòng đã bền lâu, há cần phải sớm sớm chiều chiều ở bên nhau?

Mấy câu thơ ấy quá nổi tiếng, Tạ Lãm hiểu ngay, liền hỏi nhỏ Lạc Thanh Lưu:

“Lý phu nhân cũng ở đây sao?”

Lạc Thanh Lưu thì thầm đáp “Phải.” rồi ngước mắt nhìn lên tầng lầu quán trà đối diện.

Tạ Lãm hiểu ngay, liền bỏ lại Lạc Thanh Lưu, thong thả bước tới:

“Lý đại nhân, thật khéo làm sao.”

Lý Tự Tu quay sang nhìn hắn, mỉm cười lễ độ:

“Tạ Thiên hộ, đời người đâu thiếu những cuộc tương phùng.”

Bé trai trong lòng y mở to mắt hỏi:

“Tạ Thiên hộ? Ngươi chính là Tạ Lãm mà mọi người hay nhắc đến gần đây?”

Tạ Lãm nhéo má cậu bé:

“Con nhà ai mà vô lễ thế?”

Phùng Gia Ấu mỉm cười không nói, nàng biết Tạ Lãm đã nhận ra đây là tiểu hoàng dế nhưng vẫn cố tình trêu chọc. 

Tiểu hoàng đế cũng chẳng giận, tiếp tục níu tay Lý Tự Tu:

“Thầy ơi, đừng đứng mãi, dẫn ta đi chơi đi!”

Lý Tự Tu liền cáo từ:

“Vậy Tạ Thiên hộ, Tạ phu nhân, hôm khác gặp lại.”

Phùng Gia Ấu mau chóng đáp lời:

“Được ạ.”

Lý Tự Tu khẽ gật đầu với họ, sau đó bế tiểu hoàng đế hòa vào dòng người.

Pháo hoa bất chợt nở rộ trên bầu trời phía trước. Du khách đồng loạt dừng chân, ngẩng đầu thưởng ngoạn ánh sáng rực rỡ. 

Tiểu hoàng đế phấn khích nhưng lại thấy Lý Tự Tu nhíu mày, bèn hỏi:

“Thầy không thích pháo hoa à?”

“Không có.” Lý Tự Tu bế cậu bé bước tiếp, “Ta đang nhớ lại, năm ta trạc tuổi ngài, từng theo ông ngoại xuôi nam, tận mắt thấy chiến hỏa bùng lên…”

… 

“Đi thôi.” Pháo hoa tắt lịm, Tạ Lãm cũng dìu Phùng Gia Ấu lên xe ngựa.

Lạc Thanh Lưu dường như không bị pháo hoa làm xao nhãng, vẫn thất thần dõi mắt nhìn lên tầng lầu của quán trà. Mãi đến khi nghe tiếng ngựa hí mới bừng tỉnh, vội trèo lên ghế đánh xe. 

Bên trong xe, Tạ Lãm đang kể với Phùng Gia Ấu về chuyện gặp Phó Mân.

Lạc Thanh Lưu hơi ngã người ra sau, nhỏ giọng giải thích:

“Sau khi thân phận Giám quốc Nam Cương bị bại lộ, Đốc công nhà ta lần theo các manh mối cũ, xác định chính bà ta là kẻ năm đó ngầm bán đứng viện trưởng Nhạc Mông.”

Phùng Gia Ấu không tỏ vẻ bất ngờ, nàng vốn đã mơ hồ đoán được.

 Lạc Thanh Lưu kéo cương, hướng về phía bờ hồ để hội họp với Tùy Anh và Thẩm Thời Hành,, nói: 

“E rằng Phó Mân bị đánh gục rồi. Ta nghĩ ông ta không giở nổi bất kỳ thủ đoạn nào nữa.” 

Phùng Gia Ấu chậm rãi nói:

“Ông ta cũng đâu còn thủ đoạn nào dùng được.”

… 

“Ban đầu ta nghĩ thế nào cũng không ngờ đến cô ta.”

Nghe tiếng pháo hoa nổ rền ngoài phố, Từ Tông Hiến đứng dậy bước tới bên cửa sổ.

“Bởi cô ta là con gái của viện trưởng. Sau khi viện trưởng bị treo cổ chết, cô ta bị đưa vào Giáo Phường Ti, nghe nói không bao lâu sau thì chết.”

Dù có nghĩ xa đến đâu cũng chẳng ai ngờ được, ả vốn là người Nam Cương, mượn danh anh trai để trở về, rồi trở thành Giám quốc.

“Còn về động cơ… Qua những người hầu cũ còn sống của nhà họ Nhạc, ta mơ hồ đoán được chút manh mối.” 

Ông Nhược Di thường xuyên bất hòa với Ông Phồn. 

Từ nhỏ Ông Nhược Di đã yêu thích võ nghệ, thường xuyên cải nam trang, giả danh Ông Phồn đến võ đường tỷ thí với nam nhân. Chuyện này khiến Ông Phồn không ít lần quở trách. 

Nàng ta còn thích nuôi những loại côn trùng kỳ lạ, nhiều khả năng cổ trùng. Ông Phồn cấm nàng ta nuôi những thứ này, và hễ phát hiện sẽ giẫm chết toàn bộ. 

Cha nuôi của họ là danh sĩ nổi tiếng ở Đại Ngụy, Ông Phồn lo sợ hành vi của nàng ta sẽ làm tổn hại đến danh tiếng của ông nên quản nàng cực nghiêm. 

“Tóm lại, bất kể Ông Nhược Di muốn làm gì, đều vì thân phận danh sĩ của cha nuôi mà bị Ông Phồn quản thúc và chỉ trích mọi bề…”

Mặt Phó Mân trắng bệch, nắm chặt mảnh giấy đã ngả vàng trong tay: 

“Ta…”

Muốn nói mình không tin, nhưng vốn là người thông minh, chứng cứ rành rành ngay trước mắt, ông ta không tin cũng không được.

Thậm chí, khi biết Ông Nhược Di hạ cổ lên chính con ruột của mình từ nhiều năm trước, một ý nghĩ đáng sợ dần dần nảy sinh trong đầu. Nhưng Phó Mân đã lập tức dập tắt nó đi. 

Ông Phồn đúng là thường trách mắng em gái, nhưng Phó Mân biết rõ anh ta thương yêu em mình như thế nào.

“Có thể cô ta chỉ vì nhất thời tức giận, không lường trước được việc gian thần sẽ mượn cớ bôi nhọ, hãm hại sĩ phu, ra thủ đoạn tàn độc… Cũng có thể cô ta đã lường trước hậu quả, muốn nhân cơ hội đó rời khỏi kinh thành, trở về Nam Cương với thân phận Ông Phồn…”

Những điều này giờ đây chẳng còn quan trọng nữa, quan trọng là bọn gian thần đã có được lý do.

Tất nhiên, nếu không phải lý do này, có lẽ sẽ còn lý do khác.

Ở nơi bóng tối bao trùm,  vốn dĩ chẳng thể đảm bảo ngày mai được bình yên.

Từ Tông Hiến mở cửa sổ, không nhìn ngắm những ánh sáng lộng lẫy ngoài kia, mà trước tiên hướng ánh mắt về phía ô cửa sổ bên kia đường đã đóng kín, nơi có một bóng dáng đứng lặng phía sau.

Sau đó, ánh mắt ông lần theo dòng người đông đúc, dừng lại ở bóng lưng của Lý Tự Tu:

“Phó Mân, huynh đã không còn gì nuối tiếc, ta cũng vậy… Cuối cùng cũng biết được toàn bộ câu chuyện, nguồn cơn của những khổ đau giày vò suốt nửa đời trước…”



Bên hồ. 

Trời đông lạnh giá, mặt hồ đóng băng, bình thường chẳng mấy ai đến đây dạo chơi. Nhưng hôm nay là Thượng Nguyên — phố phường rực rỡ, nơi đây cũng đông đúc như nêm cối. 

Bờ hồ rộng rãi, rất thích hợp để thả đèn trời, lại có một gốc đại thụ cành lá sum suê, treo thẻ ước nguyện thì vừa khéo.

Tùy Anh đang buồn bực trong lòng thì nghe tiếng Phùng Gia Ấu gọi:

“A Anh.”

Nàng ngoảnh đầu, thấy Lạc Thanh Lưu cũng xuất hiện, đôi mắt đang ảm đạm chợt bừng sáng: 

“Ủa, chẳng phải huynh nói không đến được sao?”

Lạc Thanh Lưu chỉ tay sang Tạ Lãm, như một lời giải thích.

“Huynh ấy chưa đến à?” Phùng Gia Ấu nhìn quanh, không thấy Thẩm Thời Hành liền hỏi. 

“Đến lâu rồi.” Nhắc đến Thẩm Thời Hành, Tùy Anh bực bội trở lại, chỉ tay về phía một quầy hàng đông nghịt người, “Tên ngốc đó bỏ ra trăm lượng bạc mua một quầy hàng, đang bày hàng kia kìa.”

Cả đèn trời lẫn thẻ ước nguyện đều cần viết chữ. Mà người dân thì không phải ai cũng biết chữ, thế là quanh đây có vài văn sinh nhận viết hộ, tính tiền theo chữ.

Thẩm Thời Hành hào phóng mua cả một gian hàng, rồi viết giúp mà không lấy tiền, thế nên trước sạp người đứng xếp hàng dài dằng dặc.

Khéo làm sao, có mấy người vừa viết thẻ ước nguyện xong đi ngang qua ba người, miệng thì khen lấy khen để: 

“Công tử thật phong nhã… đúng là đại thiện nhân!”

Khóe miệng Tùy Anh co giật, vì nàng biết rõ cái tên kia chẳng qua chỉ là tò mò muốn xem dân thường nguyện ước điều gì mà thôi. Nhưng lại không muốn bị phát hiện đứng dưới gốc cây đọc trộm thẻ của người khác.

“Ta thật sự rất muốn vạch mặt cái tên giả nhân giả nghĩa đó.”  Trong tay nàng đang cầm một chiếc thiên đăng lớn đã mở rộng, đèn khá lớn, nếu không có người giữ giúp thì khó viết chữ.

Nàng đã nhờ Thẩm Thời Hành giúp, nhưng hắn từ chối, bảo không hứng thú với ước nguyện của nàng, còn nhìn nàng cười đầy mờ ám.

Tùy Anh càng nhìn càng thấy khả nghi, liền hỏi rốt cuộc hắn có ý gì. 

Thẩm Thời Hành bắt nàng xin lỗi trước mới chịu nói, khiến nàng nổi giận chửi thêm một trận.

Lạc Thanh Lưu chỉ mong nàng nói chuyện với Thẩm Thời Hành ít đi một chút. Thấy nàng đang tức giận nghiến răng, liền bước đến: 

“Để ta giữ giúp cho.”

Tùy Anh cười rạng rỡ đưa đèn cho hắn, giọng nũng nịu: 

“Vẫn là huynh tốt nhất!”

Lạc Thanh Lưu suýt không giữ nổi đèn.

… 

Tạ Lãm cùng Phùng Gia Ấu dạo bước bên bờ hồ, ngước mắt nhìn cây lớn treo đầy thẻ ước nguyện: 

“Ấu Nương, nàng có muốn ước điều gì không?”

Phùng Gia Ấu khoác tay hắn, kéo dài tiếng “Ưm—” rồi nói: 

“Con người không nên tham lam quá, ta đã từng ước bên cây này rồi, và nguyện vọng đó đã thành hiện thực.”

Tạ Lãm cúi đầu nhìn nàng, đôi mắt đen láy ánh lên sự tò mò.

Phùng Gia Ấu cười khúc khích: 

“Nguyện vọng của ta, tất nhiên là lấy được một phu quân vừa ý.”

Tạ Lãm biết cô nói dối, nhưng không thể cưỡng lại cảm giác lâng lâng. Hắn nhướn mày tự mãn, đôi mắt cong thành vầng trăng khuyết xinh đẹp.

Một nhóm thiếu nữ đi ngang qua phía trước, Phùng Gia Ấu bất chợt chỉ về một quầy bán đèn lồng gần đó: 

“Chúng ta mua một chiếc đèn lồng nhé?”

Nhìn những thiếu nữ vui tươi cầm đèn trên tay, nàng chợt nhận ra mình đã bao năm không ra ngoài chơi Tiết Thượng Nguyên. Ngày xưa nơi càng náo nhiệt, nàng càng cảm thấy cô đơn, chỉ muốn trốn trong thư lâu bầu bạn cùng bộ luật mới. 

Thời gian qua đi, nàng dường như đã quên mất mình từng vui tươi như thế nào.

Tạ Lãm thấy nàng lặng nhìn dãy đèn muôn hình muôn vẻ, ánh mắt phiêu lạc, đoán được nàng đang bâng khuâng điều gì. Hắn kéo nàng đi thẳng đến quầy hàng: 

“Đèn làm sẵn không thú vị, để phu quân nàng tự tay làm cho nàng.”

Đến quầy, người bán thấy hai người ăn mặc sang trọng, định giới thiệu nhiệt tình. Nhưng Tạ Lãm lại bảo Phùng Gia Ấu trả vài lượng bạc, chỉ mượn dụng cụ làm đèn phía sau quầy. 

Phùng Gia Ấu kinh ngạc đứng một bên, nhìn hắn vén áo choàng, ngồi xuống chiếc ghế thấp, xắn tay áo bắt đầu làm đèn.

Hành động của hắn thu hút sự chú ý của nhiều người qua lại, bởi họ chưa từng thấy vị công tử quyền quý nào thả áo lộng lẫy quết đất, “ngồi xổm” làm đèn giữa phố như vậy.

Phùng Gia Ấu mừng rỡ: 

“Chàng cũng biết làm sao?”

Tuyết rơi lớn dần, nàng bung ô giấy dầu che tuyết cho hắn.

“Ở thành Hắc Thủy, người dân đa số là người Trung Nguyên. Vào Tiết Thượng Nguyên, nếu không đánh trận, mọi người sẽ treo đèn lồng. Ta học từ nhỏ, cha ta dạy đấy.” Tạ Lãm định khoe mình không chỉ biết làm đèn lồng mà còn biết làm diều giấy. 

Nhưng vì diều là do nhị thúc dạy, sợ nàng không vui nên hắn thôi không nói tiếp.

Nghe hắn nhắc đến Tạ Triều Ninh, Phùng Gia Ấu chợt nhớ đến thanh miêu đao mới được gửi tới:

“Phu quân, lúc nào rảnh chúng ta về thành Hắc Thủy đi!”

Tạ Lãm đang cắm cúi làm, tay khựng lại một thoáng:

“Nếu ta chủ động quay về, nàng nghĩ ông ấy sẽ niềm nở với ta sao? Nhất định sẽ mắng ta không có cốt khí, bị một thanh miêu đao dụ về.”

“Không liên quan đến ông ấy.” Phùng Gia Ấu đứng lâu hơi mỏi, liền ngồi xuống, vươn tay vu.ốt ve chiếc đèn hình thỏ hắn đang làm dở, “Ta muốn cùng chàng đi sông Hắc Thủy thôi.”

Tạ Lãm khó hiểu nhìn nàng:
“Đến đó làm gì?”

Phùng Gia Ấu mỉm cười:

“Phong tục Mười Tám Trại các chàng chẳng phải là thành thân bên bở mẫu hà, cùng bái lạy mẫu hà sao? Hôn lễ ở kinh thành của chúng ta hồi đó làm qua loa quá…” 

Mặc dù tổ chức rất linh đinh nhưng khi đó cả hai người đều không thật lòng với nhau. 

“Chúng ta đến sông Hắc Thủy, tổ chức lại hôn lễ theo phong tục của các chàng được không?”

“Đương nhiên là được.” Tạ Lãm đáp ngay không do dự. 

Lời đề nghị này làm lòng hắn xúc động xốn xang. Khi nàng hỏi, môi nàng gần như chạm vào tai hắn, hắn còn có thể từ chối sao? 

Nếu đã đến bái mẫu hà, Tạ Lãm cũng muốn ghé qua Suối Trăng dập đầu cảm tạ nữa thần mặt trăng. Giờ đây hắn hoàn toàn tin tưởng không chút hoài nghi rằng kiếp trước chắc chắn hắn đã quỳ trước Suối Trăng khấn nguyện. 

Hắn và Phùng Gia Ấu nhất định là mối duyên định mệnh từ kiếp này qua kiếp khác. 

Lòng vừa thầm tính toán, tay cũng vừa hoàn thành chiếc đèn hình thỏ. 

“Chờ chút, ta làm thêm một cái nữa.”

Sau khi tạo dáng xong chiếc đèn, Tạ Lãm bắt đầu cẩn thận tô vẽ:

“Vẽ con sói trước nè, sau đó là con thỏ.”

Mi mắt Phùng Gia Ấu chớp liên hồi, trong lòng hiểu rõ hắn làm đèn hình con sói nhưng nhìn thế nào cũng ra một con… chẳng giống con nào cả.

Thỏ thì càng không giống thỏ, miệng nhọn hoắt, giống như một con hồ ly con.

Tóm lại là… xấu một cách vô cùng đặc biệt.

Cũng đúng thôi, Tạ Lãm chỉ nói hắn biết làm, nào có bảo là làm đẹp đâu.

Tại nàng kỳ vọng quá nhiều rồi.

Tạ Lãm không biết nàng đang nghĩ gì, vẫn một lòng một dạ chăm chú làm việc, lại còn rất vừa ý với thành phẩm của mình:

“Lát nữa mỗi người cầm một cái, con sói cho nàng, con thỏ cho ta.”

Phùng Gia Ấu: “……”

Nàng cảm thấy thật mất mặt, người bán hàng và đám khách xung quanh đã bắt đầu cười trộm.

Nhưng khi chiếc đèn được đưa đến tay, Phùng Gia Ấu lại yêu thích không nỡ buông, nâng niu trong lòng bàn tay.

Nàng mượn bút, viết năm chữ lên mỗi chiếc đèn lồng.

Tạ Lãm bên cạnh đọc lớn:

“Năm năm cảnh không đổi, đời đời người bên nhau.“