(Hai mươi bảy năm trước)
Lý Thanh Vãn và Từ Tông Hiến quen nhau tại một quán cờ.
Hôm ấy là tiết Hoa Triều, theo truyền thống của Đại Ngụy, những quý nữ chưa kết hôn ở kinh thành muốn nổi danh thường sẽ tham gia hội Hoa Triều hàng năm do công chúa, quận chúa tổ chức.
Lý Thanh Vãn vốn là đích nữ của phủ Trung Văn Bá, không chỉ dung mạo xinh đẹp mà còn nổi tiếng với tài thư pháp, cầm kỳ thi họa đều thông. Cha mẹ nàng rất kỳ vọng, mong nàng nhân dịp này lộ chút tài hoa để sau này được gả cao.
Thế mà nàng lại giả bệnh, cố tình thoái thác không đi.
Sau một phen tranh cãi với song thân, nàng lén thay nam trang trốn khỏi phủ, một mình đến quán cờ.
Từ nhỏ Lý Thanh Vãn đã yêu thích chơi cờ. Nửa năm trước, nàng còn là khách quen của tất cả các quán cờ lớn nhỏ trong kinh thành.
Chỉ là dạo gần đây ít ghé lại, bởi trong những quán cờ ấy, nàng không còn tìm được đối thủ xứng tầm. Tuy nhiên, mỗi lần nàng chỉ thắng nửa quân, đôi khi còn cố ý thua để không gây chú ý.
Nửa tháng trước, người bạn chơi cờ nói với nàng, anh ta gặp một cao thủ tại một quán cờ ăn tiền. Cách đánh của người này cực kỳ giống nàng, thường chỉ thắng nửa hoặc một quân, lại còn hay nhường ván.
Sự tò mò của Lý Thanh Vãn bị khơi dậy, rảnh rỗi nàng sẽ đến quán cờ đó tìm thử, nhưng mãi vẫn chưa gặp được người ấy.
Hôm nay tâm trạng không vui, guồng chân mà đi đến, ai ngờ vừa khéo chạm mặt.
Người ấy rất dễ nhận ra, áo xanh giản dị, đầu đội mũ có rèm che kín mặt.
Thấy bên kia bàn cờ chưa có ai ngồi, Lý Thanh Vãn lập tức đi đến ngồi xuống, theo quy tắc, đặt mười văn tiền bên cạnh bàn cờ.
Khi ấy Từ Tông Hiến đang chuẩn bị rời đi, định từ chối vị ‘tiểu công tử’ này, nhưng thấy nàng chau mày, vẻ mặt u sầu, chàng lại mềm lòng, bèn ngồi xuống chơi cùng một ván.
Lý Thanh Vãn không tập trung nên thua rất nhanh, bực bội lấy ra thêm mười văn tiền để chơi ván nữa.
Ván thứ hai nàng nghiêm túc hơn nhưng vẫn thua chàng một quân cờ.
Ván thứ ba cũng vậy.
Sau khi thắng lần thứ ba, Từ Tông Hiến không cho nàng thêm cơ hội nữa, cầm lấy ba mươi văn tiền, đứng dậy rời khỏi quán cờ.
Hai người đấu ba ván cờ, mất cả một buổi chiều.
Từ đầu đến cuối, nàng không nói một lời, chàng cũng im lặng. Hai người gần nhau đến thế nhưng chưa từng trao đổi câu nào.
Dưới ánh hoàng hôn, Lý Thanh Vãn chạy ra khỏi quán cờ, lập tức sai người theo dõi Từ Tông Hiến.
Khi biết được chàng là học trò của thư viện Thịnh Cảnh, nàng liền hiểu ra lý do chàng đội mũ rèm và cố tình giấu đi thực lực.
Là một học trò, còn là học trò của đại nho Nhạc Mông, việc chàng đánh cờ cược tiền kiếm sống là điều khó chấp nhận. Nếu bị tố cáo, chàng có thể bị đuổi khỏi thư viện.
Lý Thanh Vãn ngay lập tức lấy chiếc trâm vàng yêu thích nhất, kèm theo một trăm lạng bạc, sai hạ nhân đưa cho chàng.
Ý tứ rất rõ ràng, nàng đã để mắt đến chàng.
Rèm mũ che khuất, nàng không nhìn rõ dung mạo của chàng, cũng chưa từng ngẩng đầu lên nhìn kỹ.
Nhưng qua ba ván cờ, nàng đã hiểu chàng khá nhiều.
Nàng luôn tin rằng phong cách chơi cờ của một người có thể phản ánh tính cách của người đó. Qua những nước cờ, nàng thấy được nội tâm của chàng.
Từ Tông Hiến là người quang minh lỗi lạc, quả thật không hổ là học trò của bậc đại nho Nhạc Mông.
Nhưng một khi bị dồn vào bước đường cùng, chàng lại có thể quyết đoán phá lệ, dùng chiêu hiểm phá thế, giành chiến thắng bất ngờ.
Lý Thanh Vãn luôn tôn trọng những văn nhân có cốt cách, trọng khí tiết, nhưng đôi khi nàng cũng cảm thấy họ có phần cổ hủ.
Đặc biệt trong cục diện triều chính rối ren hiện tại – gian thần lộng quyền, hôn quân mê tín một gã quốc sư giang hồ, Đông Xưởng tùy tiện làm bừa, coi mạng người như cỏ rác, từ quan đến dân đều nơm nớp lo sợ.
Các sĩ tử liều chết dâng sớ can gián, lớp này ngã xuống, lớp khác tiếp bước, kết quả chẳng thay đổi được, chỉ khiến lũ gian thần càng thêm lộng hành.
Trong tình cảnh như vậy, những người có thể đứng vững trong quan trường phần nhiều là kẻ mưu mẹo khéo léo, giỏi luồn lách. Song họ lại thường chỉ biết đến lợi ích cá nhân.
Mà Từ Tông Hiến là sự dung hòa giữa hai thái cực ấy. Chàng vừa có nguyên tắc vừa linh hoạt, vừa mang phong thái quân tử vừa không bị ràng buộc bởi tiểu tiết. Không phải loại người tầm thường.
Nàng để ý đến chàng không phải vì cho rằng chàng sẽ làm nên đại sự trong tương lai. Nàng đơn thuần ngưỡng mộ chàng, thầm thương trộm nhớ.
Nhưng kết quả nằm ngoài dự đoán: Từ Tông Hiến trả lại cả trâm lẫn bạc.
Chàng khéo léo nhắn rằng, nàng cho rằng hai người là ‘kỳ phùng địch thủ’ nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Ẩn ý rằng trình chơi cờ của nàng chưa đủ để làm đối thủ của chàng.
Lý Thanh Vãn ngẩn người, không những không tức giận mà còn đặt lá thư lên ngực, mỉm cười.
—
Đây không phải lần đầu Từ Tông Hiến nhận được ‘tín vật định tình’ từ các cô gái.
Dù xuất thân hàn vi nhưng chàng vẫn là thí sinh đang chờ thi cử, lại là học trò của thư viện Thịnh Cảnh. Không ít người muốn đặt cược vào chàng, đặc biệt là vì chàng nghèo khó, không quyền không thế, rất dễ dàng tiếp cận.
Từ Tông Hiến không thích cảm giác bị coi là ‘hàng có lời’, bất kể là thứ nữ thương hộ hay tiểu thư thế gia, chàng đều từ chối như nhau.
Duy chỉ có đôi mắt long lanh đượm tình của Lý Thanh Vãn là chàng nhớ mãi.
Kết hợp với nét mặt nghiêm túc khi nàng chơi cờ, ánh mắt ấy lại càng gây ấn tượng mạnh.
Chàng không sợ Lý Thanh Vãn tức giận mà tố giác chuyện chàng đánh cờ cược tiền với thư viện, vì qua những nước cờ, chàng biết nàng không phải người nhỏ nhen.
Thế nên, khi có thời gian, chàng vẫn ghé quán cờ đó để kiếm tiền trang trải phí sinh hoạt ở kinh thành.
Các đồng môn hàn vi trong thư viện thường kiếm sống bằng cách chép sách, nhưng công việc này vừa kiếm được ít, vừa tẻ nhạt và lãng phí thời gian.
Chơi cờ là sở thích lớn nhất của chàng, vừa thư giãn lại vừa có thu nhập, cớ chi không làm?
…
Hôm nay, vừa đến quán cờ không lâu, Lý Thanh Vãn đã tới. Nhưng nàng không chơi cờ với chàng, chỉ đứng ngoài quan sát.
Nàng đứng mãi cho đến khi chàng rời đi mới thôi.
Lần tiếp theo, chàng lại gặp nàng quan sát.
Trong suốt quá trình, Từ Tông Hiến vài lần ngẩng đầu lên nhìn, nhận ra nàng luôn chăm chú vào những quân cờ đen trắng trên bàn, nhíu mày suy nghĩ. Chàng hiểu, nàng đang nghiêm túc học hỏi.
Chàng đã nói nàng chưa đủ tầm làm đối thủ, giờ nàng quyết tâm hiểu rõ nước cờ của chàng để một ngày vượt qua.
Từ Tông Hiến bắt đầu cảm thấy Lý tiểu thư này thú vị thật. Đằng nào nàng cũng chẳng quấy rầy, chàng cứ để mặc nàng.
Không ngờ cái ‘mặc kệ’ ấy vậy mà lại kéo dài suốt nửa năm. Ngày nắng hay mưa nàng đều đến, sáng đi tối về cùng chàng ở quán cờ.
Bản thân Từ Tông Hiến cũng không nhận ra, số lần chàng đến quán cờ càng lúc càng tăng, và thời gian đến ngày càng cố định.
Cho đến khi Lý Thanh Vãn không xuất hiện ba lần liên tiếp, chàng chơi cờ với người khác mà lòng không yên, mới mơ hồ nhận ra.
Khi Lý Thanh Vãn xuất hiện lần nữa, nàng trực tiếp ngồi đối diện chàng:
“Ta muốn thử lại một lần.”
Nửa năm qua, nàng đã thử hàng chục lần, nhưng vẫn không thể thắng chàng lần nào.
“Thật ra…” Từ Tông Hiến định nói nàng đã tiến bộ rất nhiều, gần như nắm bắt được lối chơi của chàng, khiến chàng ngày càng khó thắng.
Tuy nhiên, nếu chàng không nhường, dù mười năm nữa nàng cũng không thể thắng chàng.
Từ Tông Hiến không nói thêm gì nữa, tiếp tục đấu cờ, nhưng lòng rất muốn hỏi vì sao dạo trước nàng không đến.
Nghĩ mãi mà không thể cất lời.
Lý Thanh Vãn lại chủ động lên tiếng:
“Dạo trước ta không đến được, vì cha ta đã định một mối hôn sự cho ta…”
Bàn tay cầm quân cờ của Từ Tông Hiến khựng lại.
Lý Thanh Vãn chỉ nhìn vào bàn cờ:
“Ta vốn không ưng người đó… Nhưng người ta thích lại không thích ta. Dù sao cũng không còn lựa chọn nào tốt hơn, ta đành thuận theo.”
Mất một lúc lâu, Từ Tông Hiến mới đặt quân cờ xuống.
Lý Thanh Vãn im lặng.
Chàng cũng im lặng.
Một lúc lâu sau, Lý Thanh Vãn đột nhiên hỏi:
“Huynh nhường ta đấy à? Nhường một nước này, huynh sẽ thua thôi.”
Từ Tông Hiến giật mình, ngạc nhiên nhận ra mình đã đi sai nước.
Sự bối rối thoáng qua trên gương mặt chàng không thoát khỏi ánh mắt Lý Thanh Vãn.
Nàng cười lên, hếch cằm nói:
“Thế nào, giờ ta đủ trình làm ‘kỳ phùng địch thủ’ của huynh chưa?”
Từ Tông Hiến liền ngẩng đầu:
“Gạt ta?”
“Gạt?” Lý Thanh Vãn nhướn mày, “Chẳng phải binh pháp nói ‘binh bất yếm trá’ đó sao? Một chiêu nhiễu loạn này, sao có thể tính là gạt được?”
Nhìn chàng siết chặt quân cờ, chừng như tức giận, nàng lại giải thích:
“Ta không nói dối đâu. Dạo trước không đến đúng thật là vì chuyện hôn sự. Chỉ là ta không đồng ý, tuyệt thực mấy ngày để ép cha ta phải từ bỏ ý định.”
Từ Tông Hiến không đáp, lẳng lặng đặt quân cờ xuống bàn.
Lý Thanh Vãn nhíu mày:
“Huynh vẫn chưa chịu thua sao?”
“Thế cờ đúng là bất lợi cho ta.” Từ Tông Hiến bình thản đáp, “Nhưng chưa đến phút cuối, chưa biết ai thắng ai thua. Bỏ cuộc không phải là phong cách của ta.”
Lý Thanh Vãn cau có:
“Huynh nhường ta một lần thì sao chứ? Cứ phải tranh thắng thua bằng được với ta? Trong quán cờ, ai huynh cũng nhường, chỉ riêng ta là chưa từng? Huynh có thù oán gì với ta à?”
Từ Tông Hiến: “…”
Im lặng một thoáng, chàng nói:
“Vì ta biết rõ… huynh không thích người khác nhường mình, đúng chứ?”
Lý Thanh Vãn đáp:
“Đúng, nhưng ‘người khác’ đó không bao gồm huynh.”
Từ Tông Hiến vừa lấy thêm một quân cờ đen trong hộp cờ ra, nghe nàng nói vậy, tay khựng lại hồi lâu rồi mới cất lời:
“Lý… công tử, phụ thân công tử chọn người ấy cho… huynh, có thể huynh không xem trọng tương lai của hắn. Nhưng chỉ riêng ‘hiện tại’ của hắn thôi… cũng đã là độ cao mà cả đời này e là ta chẳng bao giờ với tới được.”
Chàng chậm rãi nói tiếp:
“Ta rất tự tin vào chính mình, nhưng thế gian vốn chẳng như bàn cờ, chẳng thể đoán trước. Ta chưa từng trông chờ vào may mắn, và cũng không muốn công tử ôm bất kỳ hi vọng nào không thực tế. Ta sợ nhường huynh lại chính là hại huynh. Ta hi vọng…
Lý Thanh Vãn im lặng lắng nghe chàng nói về lợi và hại, hết lý lẽ này đến lý lẽ khác, rườm rà mãi không dứt.
Đây là lần đầu tiên nàng nghi ngờ quan điểm ‘tính cách con người bộc lộ qua lối chơi cờ’. Từ Tông Hiến trên bàn cờ tàn nhẫn, quyết đoán bao nhiêu thì trong tình cảm lại chậm chạp, bị động bấy nhiêu.
Nhưng Lý Thanh Vãn vẫn kiên nhẫn nghe chàng nói, không chen lời, cũng không phản bác, dáng vẻ và ánh mắt ngoan ngoãn như mèo con.
Dưới đôi mắt long lanh dịu dàng ấy của nàng, Từ Tông Hiến rốt cuộc không mở miệng nói tiếp được nữa.
Chàng mân mê quân cờ trong tay một lúc lâu, rồi ném nó trở lại hộp cờ, bất lực thở dài:
“Được rồi, ta không tranh với nàng nữa, ta thua rồi.”
—
Thư viện Thịnh Cảnh.
Trịnh phu tử đang nói chuyện với Nhạc Mông, lý do là có học sinh tố cáo Từ Tông Hiến chơi cờ ăn tiền trong quán cờ:
“Viện trưởng, ngài thương anh ta nhà nghèo mà miễn học phí, thế mà anh ta lại làm chuyện tổn hại danh tiếng thư viện như vậy…”
Nhạc Mông cười nói:
“Chỉ là ván cờ mười văn tiền, thêm chút cược cho vui mà thôi, nào đáng gọi là đánh bạc? Trước kia ta từng đấu cờ với một phú thương Giang Tô, còn thắng được cả căn nhà giá trị ngàn vàng của ông ta đấy.”
“Cái này sao có thể so sánh được?” Trịnh phu tử nhíu mày, thăm dò nói, “Hình như ngài luôn dành ưu ái đặc biệt cho Từ Tông Hiến.”
Nếu không thì ông ta đã trực tiếp đuổi Từ Tông Hiến ra khỏi thư viện, đâu cần phải xin ý kiến viện trưởng.
Nhạc Mông không phủ nhận:
“Nếu không có gì bất ngờ, năm sau trò ấy sẽ có một chỗ trong ba hạng đầu. Chuyện đó cũng chưa đáng kể đâu, hơn thế nữa, trò ấy có tầm nhìn lớn, sau này không chừng còn làm đến Thủ phụ Nội Các.”
Trịnh phu tử thật sự bất ngờ. Trong mắt ông ta, Từ Tông Hiến luôn lặng lẽ cô độc, dù thành tích không tệ nhưng cũng không quá nổi trội, mà xử sự thì chẳng lấy gì làm đúng mực.
Nhìn ngoài thì ôn hòa nhã nhặn, nhưng bên trong lại bướng bỉnh, không chịu ràng buộc, chẳng giữ quy củ.
Nhạc Mông ngẩng lên nhìn trời, mây đen phủ kín, như báo mưa giông sắp đổ:
“Thời buổi này, kẻ giữ được mình ngay thẳng lại không đủ sức đỡ nổi thiên hạ ngay thẳng. Những lúc đại loạn, chỉ có người đặc biệt, với cách thức đặc biệt mới có thể xua tan bóng tối, cứu vãn thế cuộc.”
Trịnh phu tử thở dài, biết rằng nét u uất hiện rõ trên gương mặt Nhạc Mông là vì ông lại nhớ đến nhóm sĩ tử liều chết can gián nửa năm trước. Trong đó có cả môn sinh mà Nhạc Mông tâm đắc nhất.
Nhạc Mông nói tiếp:
“Từ Tông Hiến không phải kẻ lòng dạ bất chính. Trò ấy là người có chủ kiến và nguyên tắc riêng, lại chỉ sống theo quy củ của chính mình mà thôi. Không cần quản trò ấy, mà có quản cũng chẳng được.”
Trịnh phu tử không nói đến Từ Tông Hiến nữa, hỏi:
“Vậy ngoài anh ta, không biết trong thế hệ này của thư viện ta, ngài còn thấy ai đáng chú ý?”
Nhạc Mông đáp không chút do dự:
“Phó Mân.”
Trịnh phu tử gật đầu đồng tình. Ông ta cũng ấn tượng với Phó Mân, chàng trai này thật sự thông minh, đến mức làm ông ta phải kinh ngạc.
Không ngờ Nhạc Mông lại đổi giọng:
“Đáng tiếc, hắn trái ngược với Từ Tông Hiến, không có tâm thế rộng lớn, lập trường không kiên định… Người để cảm tính lấn át lý trí không thích hợp tranh giành nơi quan trường, chỉ hợp làm mưu sĩ phía sau những quyền thần, thưởng trăng uống rượu mà thôi…”
Trịnh phu tử cười:
“Vậy thật trùng hợp, Nhạc Phồn là người đơn giản, sau này Phó Mân có thể giúp đỡ cậu ấy.”
Nhạc Mông im lặng một lúc:
“Nhạc Phồn không thể làm quan.”
—
“Phò mã Đại Ngụy không thể làm quan, nếu ta cưới công chúa Vĩnh Nhàn…”
Trong hoa viên Nhạc phủ, Ông Phồn đang kéo Phó Mân ra nói chuyện:
“Lúc trước ta đã hạ quyết tâm. Thời buổi gian thần chiếm quyền, dân chúng lầm than, ta muốn góp sức làm chút gì đó, đành phụ lòng công chúa… Nhưng giờ nghĩa phụ cũng hi vọng ta làm phò mã… Hoạn đảng luôn dòm ngó thư viện chúng ta, nghĩa phụ bị vây trong nguy hiểm trùng trùng. Nếu ta làm phò mã, nghĩa phụ sẽ có thêm một tầng bảo vệ, từ đó có thể che chở cho nhiều học trò hơn…”
Phó Mân lặng lẽ lắng nghe.
Trên danh nghĩa, Ông Phồn mang họ Nhạc, là con trai của viện trưởng. Nhưng Phó Mân biết cả hai anh em họ đều mang họ Ông, thuộc dòng dõi quý tộc Nam Cương. Họ được viện trưởng nhận nuôi vì lời ủy thác của bằng hữu quá cố.
Cha của hai anh em Ông Phồn mất sớm. Trước đó, cả nhà ba người sống ẩn mình trong một con ngõ bình dân ở kinh thành, là hàng xóm với Phó Mân.
Hai cậu bé tuổi tương đương, lớn lên cùng nhau thành bạn chí cốt.
Phó Mân mồ côi cha từ nhỏ, mẹ là thợ thêu hiền lành chịu khó, chuyện gì cũng nhẫn nhịn. Thân thể yếu ớt nên cậu luôn bị bắt nạt. Lần nào Ông Phồn cũng đứng ra che chở rồi cõng cậu đội mưa gió đi tìm thầy thuốc.
Sau khi hai anh em được viện trưởng nhận nuôi, Ông Phồn nói muốn có bạn học cùng, kéo Phó Mân đến bên cạnh.
Nhờ mối quan hệ với Nhạc Mông, cuộc sống hai mẹ con Phó Mân mới đỡ chật vật phần nào. Cậu cũng được tập trung học hành, cùng Ông Phồn thi cử.
Thật ra, Phó Mân chẳng mặn mà gì với thi cử làm quan, cũng không hứng thú cứu vớt dân chúng khỏi cảnh lầm than. Bởi chính cậu và mẹ mình cũng từng là những người khốn khổ, bị dày vò bởi những đồng loại cùng tầng lớp.
Trước khi thấy rõ sự đen tối của triều cục, cậu đã nếm trải sự xấu xa của lòng người.
Từ xưa đến nay, kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu, kẻ yếu lại ức hiếp những kẻ yếu hơn. Dù thời thế có đổi thay thế nào, điều này mãi mãi không thay đổi, cũng chẳng thể nào cứu vãn.
Thế nhưng Ông Phồn lại mang chí lớn, khi thì muốn làm Đại đô đốc, lúc lại khao khát thành Thủ phụ, miệng lúc nào cũng nhắc đến ‘bách tính’.
Vì thế, Phó Mân đã bắt đầu học mưu lược từ rất sớm, đọc binh thư ngày đêm.
Cậu cố giấu đi sự thất vọng của mình với thế gian, lo sợ Ông Phồn phát hiện ra mà cho rằng cậu không xứng đáng làm tri kỷ.
“Ngươi thấy thế nào?” Ông Phồn nói xong liền hỏi Phó Mân.
“Ta thấy thế nào cũng được,” Phó Mân đáp, “Quan trọng là trong lòng ngươi nghiêng về hướng nào.”
Ông Phồn:
“Ta đương nhiên muốn tự tay trừ khử bọn gian nịnh…”
Nhưng Phó Mân biết, sau cùng Ông Phồn sẽ chọn làm phò mã.
Tình cảm với công chúa không phải trọng tâm. Mà vì Phó Mân hiểu rất rõ lòng kính yêu của Ông Phồn dành cho viện trưởng.
Nói gì xa xôi, chỉ riêng ân tình viện trưởng dành cho mình bao năm qua vì Ông Phồn, Phó Mân cũng đã sẵn lòng làm bất cứ điều gì cho ông.
Hai người đương trò chuyện thì thị nữ vào báo rằng Ông Nhược Di đã về. Ông Phồn lập tức đứng dậy đi tìm.
Phó Mân vội nhắc:
“A Phồn, A Nhược năm nay đã cập kê, là cô gái lớn rồi, ngươi nói năng nhớ chừng mực.”
Ông Phồn ngoái đầu cười trêu:
“Ngươi xót hả? Đợi năm sau ngươi thi đỗ công danh, cưới nó về nhà rồi thì ta không quản nữa!”
Phó Mân lập tức đỏ bừng mặt:
“Ta vừa nhắc ngươi giữ miệng, cái miệng ngươi đúng là…”
Ông Phồn cười lớn, rồi chạy đi tìm em gái.
Khi thấy Ông Nhược Di mặc nam trang, tay xách kiếm, hắn lập tức đuổi hết thị nữ rồi mắng như tát nước:
“Có phải muốn huynh nhốt muội lại, muội mới chịu thôi không? Muội không biết nghĩa phụ đang trong tình cảnh nào sao? Muội ra ngoài thì tỷ võ, ở nhà thì nuôi cổ. Nếu bị phát hiện, không chỉ ảnh hưởng thanh danh của nghĩa phụ mà còn có thể bị hoạn đảng lấy cớ làm lớn chuyện…”
Ông Nhược Di nghe mãi thành quen, coi như gió thoảng bên tai:
“Huynh đến đúng lúc lắm, muội định tìm huynh đây. Nghe nói nghĩa phụ muốn huynh cưới công chúa?”
Mặt Ông Phồn sa sầm:
“Thái độ này của muội là sao? Không muốn huynh cưới công chúa? Trước kia huynh nói muốn ra làm quan, chẳng phải muội còn trách huynh sao?”
Ông Nhược Di đáp:
“Muội không nên trách huynh à? Huynh quên mình là người Nam Cương rồi phải không? Cứ suốt ngày nghĩ cách cống hiến cho Đại Ngụy. Nếu triều đình Đại Ngụy tốt đẹp lên, khi họ cường thịnh, người đầu tiên họ muốn tấn công chính là Nam Cương chúng ta. Huynh có bị gì không đấy?”
Ông Phồn giận tím mặt:
“Huynh làm vậy là vì bách tính khổ sở, không phải vì Đại Ngụy. Người bị gì mới là muội! Đừng quên vì sao chúng ta phải ở Đại Ngụy. Là bởi người Nam Cương muốn thiêu chết muội! Cha dẫn chúng ta trốn đi, chính nghĩa phụ đã mạo hiểm nuôi dưỡng chúng ta khôn lớn!”
“Ở Nam Cương, trẻ con ra đời khiến mẹ chết vì khó sinh đều bị thiêu sống, đó là hủ tục tồn tại hàng trăm năm, người trong tộc không nhằm vào muội. Tục lệ không chấp nhận được thì phải cố gắng thay đổi, chứ không phải phản bội.”
Ông Nhược Di lạnh lùng nói:
“Huống hồ, không phải muội cố nhớ mình người Nam Cương, mà chính nghĩa phụ luôn nhắc nhở muội.”
Anh trai nàng thoạt nhìn văn võ toàn tài, nhưng thực chất thành tựu chẳng đạt được đến mức lẽ ra phải có.
Vì Nhạc Mông cố tình kìm hãm.
Nhạc Mông không muốn Ông Phồn quá xuất sắc. Một người Nam Cương giỏi như vậy, với Đại Ngụy mà nói chính là mối họa ngầm.
“Ông ấy muốn huynh cưới công chúa, bởi vì không muốn huynh làm quan, không muốn một người Nam Cương trở thành trọng thần của Đại Ngụy.”
Ông Nhược Di nhìn thẳng vào mắt Ông Phồn, nói:
“Chính nghĩa phụ dạy muội câu này: ‘Không phải đồng tộc, lòng dạ tất khác’.”
Sự lạnh lùng trong ánh mắt nàng khiến Ông Phồn bàng hoàng:
“Nhược Di, nghĩa phụ có những toan tính đó cũng dễ hiểu. Ngoài chuyện đó ra, ông ấy yêu thương huynh muội chúng ta như con ruột. Sao muội có thể phủ nhận toàn bộ tình cảm ông dành cho chúng ta chỉ vì chút tư tâm đó chứ?”
Ông Nhược Di kéo tay anh trai, khuyên nhủ:
“Đại ca, muội nghe nói tân Nam Cương Vương có dũng có mưu. Chúng ta về Nam Cương đi, phò tá ngài ấy tấn công Đại Ngụy. Hiện giờ là thời cơ tốt nhất, Đại Ngụy đang mục ruỗng rồi… À đúng rồi, chẳng phải huynh muốn cứu bách tính Đại Ngụy sao? Cách trực tiếp nhất là lật đổ vương quyền Đại Ngụy, thay thế họ bằng chúng ta…”
Ông Phồn hất tay nàng ra, như thể không còn nhận ra người trước mặt, rồi quay lưng bỏ đi.
Ông Nhược Di nhìn theo bóng anh trai, buông một câu chửi: “Đồ ngốc u mê!”, lòng ngập tràn tiếc nuối và bất lực.
Nàng không thể đứng nhìn Ông Phồn bị trói buộc trong thân phận phò mã, sống một đời tầm thường.
Rồi sẽ đến lượt nàng.
Sau này Nhạc Mông sẽ sắp xếp hôn sự cho nàng, người được chọn chắc chắn cũng chỉ là con nhà quyền quý không thế lực.
Anh trai luôn muốn gả nàng cho Phó Mân. Nàng không thích nhưng cũng không phản đối. Vì nàng biết, Nhạc Mông sẽ tuyệt đối không đồng ý.
Phó Mân tài trí hơn người, tương lai sáng lạn, lại có tình cảm sâu đậm với anh em nàng. Nếu bị anh em nàng lôi kéo, ắt trở thành mối họa khôn lường.
Ông Nhược Di nhắm mắt lại, tay mân mê chuôi kiếm.
Hoạn đảng luôn tìm kiếm cơ hội hạ bệ Nhạc Mông và vùi dập phe thanh lưu. Nếu Nhạc Mông ngã xuống, liệu đại ca có hoàn toàn thất vọng với Đại Ngụy mà dẫn nàng quay về Nam Cương?
Sau đó khôi phục gia tộc, phò tá tân vương, nhân loạn chiếm lấy Đại Ngụy, thống nhất thiên hạ?
Nhưng Nhạc Mông…
Đúng như lời đại ca nói, ông ấy thực sự yêu thường nàng như viên ngọc quý trong tay.
Lòng vừa mềm đi thì Ông Nhược Di lại nghĩ tới tám chữ: “Không phải đồng tộc, lòng dạ tất khác”, nghĩ tới lòng riêng của ông.
Nàng là người không thể dung nổi một hạt cát trong mắt, yêu thương mà không trọn vẹn thì chẳng khác gì không yêu.
Sau bao lần tự giằng co, cuối cùng Ông Nhược Di cứng rắn hạ quyết tâm, bắt đầu tìm cơ hội giúp hoạn đảng kéo đổ Nhạc Mông.
Ba tháng sau, cơ hội ấy đến.
…
…
Tác giả có lời cuối chương tiết lộ thêm nhiều nội dung quan trọng, xin đừng bỏ qua:
Lúc ấy Ông Nhược Di còn quá trẻ, không đủ nhạy bén với chính trị. Nàng đơn giản cho rằng việc tố cáo bài thơ Nhạc Mông từng viết chỉ khiến một mình ông gặp họa.
Không ngờ hoạn đảng làm lớn chuyện, gây ra thảm án thư viện, lại không ngờ anh trai nàng cũng bị hại, bị sát hại bởi Tào Tung giữa lúc hỗn loạn…
Nói nàng cố ý hại chết người chỉ là suy đoán của Từ Tông Hiến sau này.
Những sự việc xảy ra sau đó đều đã được kể trong chính văn, không nhắc lại ở đây. Nhưng xin được tóm tắt lại như sau:
Những học trò không chịu vu oan cho Nhạc Mông đều bị đàn áp tàn bạo. Từ Tông Hiến và Phó Mân bị bắt vào Đông Xưởng, còn Ông Nhược Di giả chết để thoát thân.
Phó Mân được công chúa cứu ra nhưng ngỡ hai anh em Ông gia đã chết, lòng hoàn toàn nguội lạnh, sinh ra chán ghét thế gian.
Trong khi đó, Ông Nhược Di trốn chạy chật vật về Nam Cương, gặp Nam Cương Vương, và Hàn Trầm ra đời.
Kể từ khi đi theo Nam Cương Vương, nàng bắt đầu tiếp xúc với chính trị.
Mang theo thù hận và dã tâm, nàng bắt đầu viết thư dụ dỗ Phó Mân. Lý lẽ không khác những gì nàng từng thuyết phục anh trai: con đường cứu thế thực sự là thống nhất thiên hạ.
Cứu thế vốn là giấc mộng của anh trai nàng.
Phó Mân lại là người lập trường không vững, chẳng có tình cảm sâu sắc với giang sơn xã tắc. Việc y từ chối vu oan Nhạc Mông không phải vì cốt cách và khí tiết, mà đơn thuần vì lòng biết ơn.
Vừa hay, bốn năm sau thảm kịch thư viện, một nhóm thanh niên đã lập nên Hội Đồng Minh.
Minh chủ mời Phó Mân tham gia, mà vị minh chủ đó lại là một quan lớn của Đô Ti Điền Nam. Nhân cơ hội này, Phó Mân để mắt đến kho lương Điền Trung.
…
Nói về Từ Tông Hiến, như lời y từng kể với Lạc Thanh Lưu.
Sau biến cố kinh hoàng, chàng sống vật vờ trong cung suốt năm, sáu năm. Mãi khi ôm con trai đi đoạn đường ấy, ngọn lửa đấu tranh trong chàng mới bùng lên lần nữa.
Bảo chàng ‘hắc hóa’ thì không đúng. Bởi bản chất chàng vốn không phải người thuần ‘trắng’, không phải người cao thượng, chính trực, tuân thủ lễ nghĩa. Nếu không, Lý Thanh Vãn sao có thể mang thai trước khi thành thân?
Về việc chàng nhất quyết không bôi nhọ viện trưởng — ấy là đáy lòng chàng còn giữ một đạo làm người.
Con đường tiến thân của Từ Tông Hiến thể hiện rõ triết lý: đánh không lại thì nhập hội.
Với tài năng và học vấn, chàng bước chân vào ‘Quốc Tử Giám’ của Thập Nhị Giám – Nội Thư Đường, dạy học cho hoạn quan, rồi từng bước leo lên làm Chưởng ti.
Dùng tư tưởng làm vũ khí, dần dần kiểm soát toàn bộ Thập Nhị Giám.
Sau đó thăng chức lên Ti Lễ Giám, trở thành Bỉnh bút của ti này, cứu Lạc Thanh Lưu và xây dựng mạng lưới tình báo của riêng mình.
Tiếp đến, trong đêm hoàng đế băng hà, chàng liên thủ với Tề Phong – kẻ chủ động dâng mình, phong tỏa kinh thành, tắm máu hoàng cung. Đích thân đưa Đại đốc công tiền nhiệm – kẻ từng ra lệnh gây nên thảm kịch ở thư viện – về chầu đất lạnh.
Tự tay trả xong món nợ máu.
…