Từ kinh thành trở về Tây Bắc, Tạ Lãm đưa Phùng Gia Ấu đến bên bờ Hắc Thủy tổ chức lại lễ cưới theo phong tục Mười Tám Trại.
Hôn lễ rất đơn giản, hai người cùng quỳ trước dòng sông, lần lượt tuyên thệ lời thề trung thành* với nhau.
*Mình cảm thấy khái niệm “trung thành” của người Mười Tám Trại, đặc biệt là với Tạ Lãm, không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa chung thủy (chỉ yêu một người), mà còn bao hàm nhiều điều sâu sắc hơn — như sự chân thành, hết lòng, dốc cạn tâm can vì người mình yêu.
Chỉ cần nhìn cách Tạ Lãm yêu thương và chăm sóc Ấu Nương của hắn là có thể cảm nhận rõ điều đó. Vì vậy, mình quyết định giữ nguyên chữ “trung thành” theo bản gốc.
Tạ Lãm nói một câu, nàng lặp lại một câu.
Hai người nói xong, Tạ Lãm đỡ nàng đứng dậy:
“Xong rồi, lễ hoàn tất.”
Phùng Gia Ấu ngơ ngác:
“Vậy là xong rồi à?”
Tạ Lãm đang hân hoan, khóe mắt đuôi mày đều mang ý cười, bị nàng hỏi lại với giọng nghi hoặc cũng ngẩn ra, hỏi lại:
“Dọc đường chẳng phải ta đã nói với nàng rồi sao? Hôn lễ ở trại ta, chính là quỳ trước mẫu hà thề nguyền thôi.”
Đúng là hắn có nói thế thật, nhưng Phùng Gia Ấu cứ tưởng ít nhiều gì cũng sẽ có người đến dự.
Dù gì hắn cũng là thiếu trại chủ Mười Tám Trại, khách dự lễ chắc hẳn không ít. Huống chi người phương Bắc phần nhiều giỏi ca múa, nàng còn ngỡ sẽ có tiết mục rộn ràng gì đó để chúc mừng nữa kia.
Ngờ đâu chỉ có hai người, áo quần cũng là trang phục thường dân giản dị trong trại. Tất cả mộc mạc đến mức giống hệt đôi trai gái rủ nhau bỏ trốn.
May mà đây chỉ là lễ cưới bổ sung. Chứ nếu là thuở mới quen, chưa hiểu rõ con người Tạ Lãm, e rằng nàng đã ngỡ hắn cố ý qua loa với mình.
Nàng dè dặt hỏi:
“Có phải… vì Tạ Lâm Khê giả mạo thân phận của chàng, nên chúng ta phải tổ chức lén lút thế này không?”
“Lén lút á?”
Tạ Lãm nghĩ một thoáng mới hiểu ý nàng, bèn khoát tay cười:
“Không phải đâu. Hôn lễ của bọn ta vốn là như vậy. Người trong trại tin rằng thành thân là chuyện của hai người, không cần người ngoài chứng kiến. Nàng đừng nghĩ phong tục này qua loa, trong lòng bọn ta, sông Hắc Thủy thiêng liêng nhất. Nếu không thành tâm, chẳng ai dám thề nguyện trước mẫu hà đâu…”
Nghe xong, Phùng Gia Ấu nhận ra mình thất lễ, vội vã chắp tay hướng về phía sông xin lỗi rối rít.
Tạ Lãm nhìn dáng vẻ vừa cuống quýt vừa thành kính của nàng mà bật cười, ôm nàng vào lòng:
“Không biết không có tội. Yên tâm đi, mẫu hà nhà ta rộng lượng lắm, sẽ không trách nàng đâu.”
Phùng Gia Ấu vẫn chưa yên lòng:
“Phu quân, hay mình làm lại lần nữa nhé. Hồi nãy ta cứ tưởng chàng đang dạy ta…”
Nàng ngỡ họ đang tập dợt trước.
“Không cần.” Tạ Lãm nắm tay nàng xoay người bước đi, “Nàng lặn lội đường xa từ kinh thành tới tận đây, mẫu hà biết nàng thành tâm, vậy là đủ rồi.”
Sau lưng hai người có cây đại thụ bị đổ, thân to chắc nịch, vừa hay có thể ngồi nghỉ chân.
Phùng Gia Ấu quay mặt về phía sông, ngồi xuống trước:
“Nơi này chắc là chỗ chàng thích nhất dọc Hắc Thủy, đúng không?”
Tạ Lãm ngồi xuống cạnh nàng:
“Sao nàng biết?”
Phùng Gia Ấu vỗ nhẹ lên thân cây dưới mông:
“Ta nhớ cái cây này.”
Hồi trước, sau khi biết rõ thân thế và bị Tạ Triều Ninh nhục mạ, hắn tức giận bỏ đi, chính là trốn đến đây.
Giờ đưa nàng đến đây làm lễ cưới, đủ thấy nơi này có ý nghĩa đặc biệt với hắn.
“Chẳng có gì đặc biệt cả, chỉ là nơi này yên tĩnh, ít người lui tới làm phiền.”
Tạ Lãm duỗi thẳng chân, nhìn chăm chăm vào mũi giày của mình, giọng như chìm vào hồi ức.
“Hình như lúc ta mười tuổi thì phải, không nhớ rõ lắm. Khi ấy ta một mình phóng ngựa ra ngoài giết mã tặc, bị thương nặng, trên đường quay về thành Hắc Thủy thì gục ngã tại đây…”
Cách thành chẳng bao xa, vậy mà cha hắn dẫn người tìm ba ngày ba đêm cũng không thấy. Cuối cùng là hắn tự tỉnh dậy, lảo đảo lê bước quay về.
“Sao trước giờ chưa từng nghe chàng kể?”
Trên đường tới Tây Bắc, Phùng Gia Ấu liên tục bắt hắn kể chuyện thời nhỏ, vậy mà đoạn này nàng chưa từng nghe qua.
“Xem mắt nàng kìa, cứ như ta đang bịa chuyện chọc nàng ấy.”
Từ nhỏ tới lớn, số trận Tạ Lãm đánh có lẽ còn nhiều hơn số bữa cơm nàng ăn, làm sao nhớ hết nổi. Nhờ nàng hỏi tới, hắn mới sực nhớ ra.
Cũng lạ, ngoài đôi bàn tay chai dày do luyện võ, trên người hắn chẳng có vết sẹo rõ ràng nào. Nên mỗi khi kể với nàng về chiến tích lẫy lừng của mình, hắn đều thấy… thiếu khí thế.
“Nàng coi nè.” Tạ Lãm kéo vạt áo, nghiêng người để lộ bờ vai cho nàng xem.
Vết thương do một nhát chém của Hàn Trầm ở Nam Cương ngày trước, khi ấy da thịt rách toạc, thế mà chỉ mới hai ba tháng đã mờ nhạt hẳn, chẳng còn vẻ gì ghê rợn nữa. Những vết thương cũ khác trên người cũng vậy, nếu không nhìn kỹ cũng khó thấy được.
Phùng Gia Ấu đâu nghĩ hắn bịa chuyện, nhưng cái tướng than thở như thể uất ức lắm thật trêu người.
Nàng không nhịn được, đưa tay xỉ mạnh lên trán hắn:
“Chàng đúng là có phúc lại chẳng biết hưởng. Ta mà có được thể chất như chàng, nằm mơ cũng phải cười tỉnh đó!”
Ngày thường không cẩn thận trầy xước chút xíu, nàng đã sốt ruột không thôi vì sợ để lại sẹo.
Trước khi quen Tạ Lãm, nàng chẳng tin nổi trên đời lại có người mang gương mặt trắng trẻo tuấn tú thế kia mà suốt ngày chê mình xấu, đòi đi phơi nắng cho đen, cho sạm, còn muốn có sẹo cho ngầu.
Tạ Lãm chả biết giải thích sao cho xuôi, đành ngượng ngùng kéo áo lại chỉnh tề.
Phùng Gia Ấu thường chê thẩm mỹ của hắn có vấn đề, Tạ Lãm lại nghĩ bụng: khẩu vị của nàng cũng có hơn gì đâu.
Trước kia nàng rất không ưa ngày mưa, bảo rằng ẩm ướt phát bực. Vậy mà từ khi đặt chân lên đại mạc lại suốt ngày mong ngóng trời mưa.
Tạ Lãm hỏi lý do, nàng bảo: từ đêm mưa gió hiểm nguy ấy, nàng bắt đầu yêu những cơn mưa. Từ khi hai người quen nhau, nàng đã thấy vô số dáng vẻ của hắn, nhưng dáng vẻ hắn đêm ấy lạ khiến nàng rung động nhất.
Tạ Lãm ngẫm nghĩ mãi mới nhớ ra, đó là đêm ở nghĩa trang, khi bọn họ bị chặn cướp sổ sách bằng chứng.
Hôm ấy, hắn vừa giết người, vừa thuần ngựa trong mưa, ướt như chuột lột, nhếch nhác không để đâu cho hết. Đã thế còn bị tên ‘trộm xác’ Lạc Thanh Lưu lén lấy quyển xuân cung đồ giấu trong hộp binh khí. Hắn xấu hổ đến mức chỉ muốn độn thổ.
Đó là một trong số ít những đêm mà hắn chẳng muốn nhớ lại.
Đang thầm than thở trong bụng, bỗng nghe Phùng Gia Ấu hỏi:
“Phải rồi, theo tục lệ của các chàng, phu thê bái lạy mẫu hà xong, tiếp theo sẽ làm gì?”
Tạ Lãm sực tỉnh, định nói: tất nhiên là cùng nhau về nhà.
Ai ngờ Phùng Gia Ấu đã đứng khỏi thân cây, nghiêng người ngồi lên đùi hắn, tay vòng qua ôm cổ hắn.
Trời chạng vạng, nhiệt độ ngày đêm trên sa mạc chênh lệch lớn, Tạ Lãm tưởng nàng lạnh, bèn siết chặt eo nàng, ôm vào lòng.
Chợt ngẫm lại câu hỏi ban nãy, hắn mới giật mình nhận ra, nàng hỏi ‘bước tiếp theo’, là nói đến chuyện… động phòng? Còn định làm ngay trên sa mạc mênh mông?
Tạ Lãm tức thì đờ cả người. Hắn đã thua nàng cái khoản ‘gan dạ’ này từ lâu, bụng thầm bái phục khả năng ‘không biết ngại’ của nàng:
“Ấu Nương, phong tục chỗ ta… không thoáng như nàng tưởng đâu.”
Phùng Gia Ấu liếc mắt nhìn quanh, rồi nhướng mày nhìn hắn:
“Chàng vừa nói nơi này kín đáo lắm mà, chàng nằm đây ba ngày mà cha chàng còn tìm không ra kia mà?”
“Nhưng ở đây là ngoài trời, lỡ có người đi ngang thì sao…”
Tạ Lãm không biết nàng đùa hay thật, vội vàng ôm nàng đứng dậy, đi về phía con ngựa đang gặm cỏ, đặt nàng ngồi lên yên.
Hắn nhảy lên ngồi phía sau, ôm lấy nàng:
“Trời nổi gió rồi, mình về thôi. Nàng nói mai muốn đi cùng ta đến Suối Trăng mà, lỡ cảm lạnh thì không đi được đâu.”
Hắn định kéo cương, thì bị nàng đè tay lại.
Tạ Lãm nhận ra nàng hơi khác lạ, liền cúi đầu nghiêng người nhìn nàng, hỏi khẽ:
“Sao vậy?”
Phùng Gia Ấu tựa vào ngực hắn, cắn nhẹ môi. Nàng do dự mấy ngày nay rồi, cuối cùng không nhịn được mà khuyên:
“Phu quân à, y thuật của cô cô chàng cao như vậy, thay đổi được dung mạo cho Tạ Lâm Khê luôn. Nếu thân thể chàng có gì không thoải mái thì nhờ cô cô xem giúp đi. Đừng để ý mặt mũi…”
“Khoan đã…” Tạ Lãm nghe mà ngơ ngác, “Hôm qua cô cô vừa bắt mạch cho ta, bảo nội thương đã không còn đáng ngại. Chẳng phải nàng cũng ở đó, còn hỏi không biết bao nhiêu câu sao?”
Phùng Gia Ấu nói lí nhí:
“Nội thương gần khỏi thì ta biết rồi, nhưng… có phải để lại di chứng gì khó nói không?”
Lúc hắn còn dưỡng thương, nàng luôn cố ý tránh né. Giờ thì tuy chưa hoàn toàn bình phục, nhưng chuyện vợ chồng hẳn không thành vấn đề. Vậy mà mấy ngày kề cận gần đây, hắn lại chẳng tỏ ý muốn thân mật với nàng.
Chắc chắn là có vấn đề.
Tạ Lãm cố nghĩ xem “di chứng khó nói” là cái gì, đến khi hiểu ra thì suýt rớt xuống ngựa.
“Nàng cứ nghĩ đâu đâu thế hả? Ta sao có vấn đề được?”
Mặt Tạ Lãm lúc trắng lúc xanh:
“Thân thể ta thế nào ta rành nhất. Tuy không sao nữa rồi, nhưng vẫn chưa hồi phục đến mức đỉnh cấp. Còn cần nghỉ ngơi thêm mười ngày nửa tháng.”
Phùng Gia Ấu không hiểu:
“Chuyện nhỏ như vậy cũng cần chàng đạt đến ‘đỉnh cấp’ á? Ngày thường chẳng phải chàng hay đắc ý với ta, bảo ta yếu ớt, chàng còn chưa dùng đến ba thành công lực sao?”
Tạ Lãm: “…”
Phùng Gia Ấu nghi hoặc ngẩng đầu:
“Chàng nói đi.”
Tạ Lãm xấu hổ vô cùng, đành gượng gạo giải thích:
“Chuyện nhỏ thì không cần thật… Nhưng nếu lúc này có thai, thì thành chuyện lớn rồi.”
Phùng Gia Ấu bất giác cau mày — chẳng lẽ còn nguy cơ nào mà nàng chưa biết?
“Lại nghĩ bậy rồi.” Tạ Lãm đưa tay vuốt phẳng nếp nhăn giữa trán nàng,
“Ta không nhớ đã nghe ai nói, rằng con cái sinh ra lúc cha mẹ có thân thể tốt nhất sẽ khỏe mạnh và ưu tú hơn so những lúc khác… Không biết đúng không nhưng cẩn thận vẫn hơn…”
Phùng Gia Ấu chưa từng nghe qua chuyện này, nhưng lo lắng này của Tạ Lãm làm nàng thấy ngọt ngào vô hạn. Giống như nàng từng nói với mẫu thân, Tạ Lãm là người chồng tốt, sau này nhất định cũng sẽ là người cha tốt.
Tạ Lãm đã nói ra, liền muốn giải thích cặn kẽ:
“Nàng không biết đâu, mỗi lần nghĩ đến đứa nhỏ là ta lại đau đầu.”
Tạ Lãm đã bắt đầu lo lắng từ hồi ở sông Tế.
“Nếu con thông minh như nàng thì quá tốt rồi. Nếu có thiên phú võ học như ta, cũng không tệ. Nhưng nếu nó giống mặt kia của cả hai chúng ta… Ta cứ có cảm giác nó sẽ là một đứa vừa yếu ớt vừa không có đầu óc, lại còn chuyên khắc cha nó nữa…”
Ngẫm kỹ lại, người như hắn, hay như Thẩm Thời Hành, có lẽ vẫn còn được coi là khá tốt.
Phùng Gia Ấu: “……”
Tạ Lãm dè dặt thương lượng với nàng:
“Cho nên, chúng ta chú ý chút vẫn tốt hơn. Chờ ta dưỡng thương đến khi hồi phục hoàn toàn, đạt trạng thái đỉnh cấp rồi hãy sinh con. Như vậy sau này, nếu có lúc ta bị nó chọc tức đến hộc máu, ta chỉ cần cảm thán đây là số mệnh thôi. Đỡ phải vừa phun máu vừa tự vả, hối hận năm xưa không biết nhịn mà tự chuốc lấy trách nhiệm…”
Phùng Gia Ấu nghẹn lời:
“Thiệt là khổ cho chàng, nghĩ được đến cả chuyện xa xôi như vậy…”
—
Tác giả có lời muốn nói:
A Lười à, ngươi nghĩ nhiều quá rồi. Conn trai ngươi sau này văn võ song toàn lắm, chỉ có điều… từ nhỏ đã rất sùng bái Lý Tự Tu thôi.