Khác với sự ‘lo xa’ của Tạ Lãm, Phùng Gia Ấu dường như chưa từng nghiêm túc cân nhắc xem lúc nào thì thích hợp sinh con.
Thật ra hồi mới thành thân, nàng từng có ý định dùng đứa trẻ để trói buộc Tạ Lãm. Đáng sợ nhất là, khi ấy nàng còn không thấy ý nghĩ ấy có gì sai trái.
May thay, sau này nàng kịp nhận ra sai lầm, cũng bắt đầu thấy rõ những khiếm khuyết trong tính cách của chính mình. Từ khi thành phu thê với Tạ Lãm, nàng thực sự thay đổi rất nhiều, tốt đẹp hơn từng ngày.
Mà giờ khi nghe Tạ Lãm nhắc đến chuyện mong ngóng con cái, nàng cũng nghiêm túc nghĩ qua một lượt.
Con cái sinh ra xinh đẹp giỏi giang, tất nhiên là chuyện vui. Nhưng nếu không được vậy… nàng thấy cũng chẳng sao.
Trong mắt nàng, điều quan trọng là cha mẹ đủ năng lực để cho con một cuộc đời no đủ, để con được sống theo ý mình. Dẫu con có yếu ớt và đầu óc không lanh lợi, cũng chẳng phải chuyện gì to tát.
Nhưng nàng hiểu, Tạ Lãm mang trong mình nỗi cố chấp với hai chữ “cường mạnh” — xuất phát từ hoàn cảnh trưởng thành của hắn mà ra. Mười mấy năm trước, đại mạc Tây Bắc còn bị Bắc Nhung và mã tặc hoành hành, nếu không mạnh mẽ, quả thật không thể sống nổi.
Cho nên tuy xót xa trước sự hà khắc đến mức tàn nhẫn của Tạ Triều Ninh đối với Tạ Lãm, Phùng Gia Ấu vẫn có thể thông cảm cho ông.
Nhớ đến Tạ Triều Ninh, nàng lại hơi nhức đầu.
Hai người họ về thành Hắc Thủy đã mấy ngày rồi, vậy mà cha con hai người, chẳng ai chịu tới tìm ai. Rõ ràng trong lòng ai nấy đều quan tâm đến người kia, nhưng ngoài mặt lại cố chấp, không ai chịu bước trước một bước.
Dẫu vậy, Phùng Gia Ấu không định khuyên can, bởi Tạ Lãm cũng chưa từng khuyên nàng phải làm hòa với Phùng Hiếu An bao giờ.
Tạ Lãm vẫn còn đang bàn với nàng:
“Vậy… nàng thấy thế nào?”
“Chàng hỏi ta làm gì? Ta chỉ lo chàng có di chứng mà lại sĩ diện giấu bệnh không chịu chữa thôi.”
Thấy hắn không sao, Phùng Gia Ấu yên tâm, nói:
“Chỉ cần chàng nhịn được thì tùy chàng.”
“Nàng còn chưa rõ bản lĩnh nhẫn nhịn của thế nào à?” Tạ Lãm bắt đầu tỏ ra tự hào, “Hồi trước nàng trăm phương ngàn kế mê hoặc ta, mà ta vẫn ngồi yên như tượng đấy thôi. Chuyện đao kiếm trong tay ta không có đối thủ chẳng phải nhờ thiên phú thôi đâu.”
Phùng Gia Ấu nhẹ nhàng “à” một tiếng:
“Vậy mười ngày nửa tháng nữa chàng có thể hồi phục đến đỉnh cấp không? Hay là để bảo đảm, chàng dưỡng thêm… một hai năm nữa nhé?”
Tạ Lãm: “…”
Một câu liền đâm nát lòng kiêu hãnh của Tạ Lãm, hắn cuống quýt xin tha:
“Thôi tôi, ta không dám! Nửa tháng là cực hạn của ta rồi, kéo dài thêm nữa thì dù không bệnh cũng bị nhịn đến phát bệnh mất.”
Nàng đâu có biết, gần đây mỗi tối hắn phải gồng mình chịu đựng ra sao, chẳng khác nào bị tra tấn. Thuốc tránh thai hại thân, Tạ Lãm tuyệt đối không muốn nàng phải uống.
Hắn hạ thấp giọng:
“Huống hồ nếu ta thật sự có di chứng gì… người chịu khổ nhất chẳng phải là nàng sao?”
Phùng Gia Ấu ngoắc ngoắc ngón tay, Tạ Lãm liền cúi đầu ghé tai.
Nàng đưa tay che miệng, giọng như gió xuân thì thầm:
“Chàng nói sớm có phải tốt rồi không? Nếu chàng nhịn khổ quá, ta còn có cách khác giúp chàng mà.”
Tạ Lãm chau mày ngẫm nghĩ một thoáng. Dù gì cũng từng bị ép xem không ít xuân cung đồ, hắn hiểu ngay, tai đỏ ửng, khí huyết ùn ùn dồn lên đầu không cách nào khống chế, bật cười đến lắp bắp:
“Chuyện… chuyện này…”
Phùng Gia Ấu lại nghiêm mặt, nói rành rọt:
“Ta có thể đọc cho chàng nghe 《Đại học》, 《Trung Dung》, 《Luận Ngữ》, 《Mạnh Tử》. Đảm bảo nghe xong, lửa lớn cỡ nào cũng tự tắt.”
Nụ cười của Tạ Lãm đông cứng trên mặt: “…”
Hay lắm, hệt như bị dội một gáo nước lạnh từ đầu xuống chân, lạnh buốt đến tận tim gan.
Phùng Gia Ấu véo vành tai đỏ au sắp ‘bay màu’ của hắn, trêu:
“Chậc chậc, ta còn chưa bắt đầu đọc nữa mà, mới nhắc vài tên sách thôi chàng đã tỉnh táo lại rồi.”
Tạ Lãm biết nàng cố ý ghẹo mình, lắc đầu muốn tránh khỏi tay nàng, vừa thẹn vừa tức, nghiến răng ken két.
Đám tiểu thuyết kia thiển cận hết sức.
Trong đó, mấy chuyện nam nữ toàn thấy nam chính chiếm thế thượng phong, nữ chính chỉ cần bị nói vài lời trêu ghẹo đã đỏ mặt ngượng ngùng, mềm nhũn nhào vào lòng người ta.
Nhìn lại Ấu Nương của hắn xem?
Về tới kinh thành, nhất định phải mang mớ truyện ấy đập hết lên mặt Thẩm Thời Hành cho hả giận!
Tạ Lãm âm thầm mắng mình hồ đồ. Ai đời muốn học hỏi chút tình thú vợ chồng, lại nghĩ tới chuyện đọc sách Thẩm Thời Hành viết? Cái tên đó cả một người trong lòng còn chẳng có, toàn viết ra tưởng tượng vớ vẩn mà thôi!
Phùng Gia Ấu cố nén cười:
“Vậy rốt cuộc chàng đang tức giận, hay là… thất vọng đấy?”
“Thôi mà, Ấu Nương, nàng đừng trêu ta nữa.”
Tạ Lãm đã biết, luận da mặt hay cởi mở, hắn không thể đọ nổi với nàng. Dù có may mắn chiếm thế chủ động một lần, thì những ngày kế tiếp, nàng cũng sẽ bất thình lình phản công, khiến hắn trở tay không kịp.
Phùng Gia Ấu thấy trêu đủ rồi bèn cười nói:
“Mình về thôi.”
“Ừ.”
Tạ Lãm siết nhẹ dây cương, chầm chậm đưa nàng quay về hướng thành Hắc Thủy. Chẳng chuyện chi vội vã, hai người để mặc ngựa đi thong thả, như đi dạo dưới ánh trăng.
Đêm xuống, sa mạc hạ nhiệt rất nhanh. Tạ Lãm cởi áo khoác ngoài thô dày, từ phía sau choàng chặt lấy nàng. Phùng Gia Ấu cuộn mình trong áo choàng, nép vào lòng hắn, chỉ lộ mỗi khuôn mặt nho nhỏ.
Bầu trời đêm thăm thẳm trên cao, sao rải như ngọc, bốn bề sa mạc mênh mông cát đá.
Trống trải. Yên tĩnh
Giữa đất trời này, dường như chỉ còn lại hai người bọn họ.
Lòng bất giác dâng lên cảm giác hư ảo không chân thật, Phùng Gia Ấu hơi hoảng, gọi khẽ:
“Phu quân?”
Tạ Lãm đáp ngay:
“Ừ?”
“Không có gì, chỉ là… muốn gọi chàng một tiếng thôi.”
Gió đêm lùa qua, sợ cát bụi thổi rát da, nàng rụt người sâu hơn vào áo chàng, chỉ lộ mỗi đôi mắt lấp lánh.
“Vừa nãy ta chợt thấy… cứ như đang nằm mơ vậy đó.”
“Đang mơ?”
“Ừm, một giấc mơ rất đẹp… Nhưng lại rất sợ chỉ là mơ, sợ rằng sau khi tỉnh dậy, phát hiện mình chỉ trượt chân ngã đập đầu trong hội Hoa Triều, mê man một trận mà thôi… Chẳng có Xích Lưu Kim, Phùng Hiếu An không trở về, còn chàng, chàng chưa từng xuất hiện… Trong thoáng chốc ta không phân nổi đâu là mộng, đâu là thật, cảm thấy hoang mang…”
“Cảnh lạ đất lạ, trái hẳn với nơi quen thuộc nên thường sinh ra cảm giác vậy thôi. Lần đầu ta rời Tây Bắc, đến đất Thục, cũng từng có cảm giác như đang trong mơ vậy.”
Tạ Lãm cúi đầu, đặt một nụ hôn nhẹ lên tóc mai nàng, khẽ khàng trấn an:
“Yên tâm, ta ở đây.”
Mỗi khi hắn nói nhiều thì thường hóa linh tinh, nhưng khi lời lẽ ngắn gọn thì lại có sức mạnh không thể nghi ngờ. Một câu này khiến cõi lòng đang hoang mang của Phùng Gia Ấu lập tức an định lại.
…
Khi hai người thong dong cưỡi ngựa về đến thành Hắc Thủy, từ xa Tạ Lãm đã thấy một bóng người đứng trên thành lâu — Tạ Triều Ninh.
Đợi họ đến gần, bóng người ấy biến mất.
Tạ Lãm biết cha hắn vẫn đang đứng đó, đợi hắn bước lên. Ông đã chủ động bước một bước, dĩ nhiên hắn cũng không thể không thuận thế bước xuống.
Tạ Lãm đưa Phùng Gia Ấu về nơi ở trước, thu xếp cho nàng ổn thõa, đợi nàng thiếp đi mới quay trở ra, đi thẳng lên thành lâu.
Hắn đi về phía bóng lưng của Tạ Triều Ninh, không nhắc lại chuyện mâu thuẫn trước đây, chỉ gọi một tiếng:
“Cha.”
Tạ Triều Ninh quay đầu, ánh mắt ra chìu kinh ngạc, môi nhếch cười lạnh:
“Sao hả? Không định tính sổ chuyện trước kia ta nuôi mày như chó à?”
Tạ Lãm khoanh tay đứng cách ông vài bước, mày kiếm xếch lên, thần sắc ngang tàng chẳng nể ai:
“Mười bảy mười tám năm trước, nhà mình nghèo rớt thế kia, có muốn nuôi con như người cũng chưa chắc được ăn no hơn chó.”
Tạ Triều Ninh: “……”
Tạ Lãm nghiêm túc:
“Thôi được rồi, mấy chuyện cũ nát đó cha con mình khỏi nhắc nữa. Lần này con về, là có chuyện nghiêm túc muốn bàn.”
Tạ Triều Ninh cười khẩy:
“Cái đồ súc sinh mày cũng biết có chuyện nghiêm túc cơ à?”
Tạ Lãm sa sầm mặt:
“Cha làm ơn đừng ngắt lời được không?”
Tạ Triều Ninh khoát tay:
“Được rồi, mày nói đi.”
Tạ Lãm hơi ngập ngừng, rồi mở lời:
“Con muốn thương lượng với cha chuyện Mười Tám Trại ta nhận chiêu an của Đại Ngụy.”
Tạ Triều Ninh nhìn hắn từ đầu đến chân, cười nhạt:
“Hồi trước, hễ nhị thúc mày nhắc tới chiêu an là mày bùng nổ như pháo, làm như thể ‘Đại Ngụy dám phái người tới chiêu an, ta lập tức dẫn thiết kỵ san bằng bọn họ’. Đến mức bọn ta ai nấy đều bị dọa không dám hé môi. Mà giờ… mới qua một năm ngắn ngủi…”
Tạ Lãm nhướng mày kinh ngạc:
“Có đến mức đó sao?”
Tạ Triều Ninh cười khẩy:
“Tính khí của mày ra sao, chẳng lẽ bản thân còn không rõ?”
Tạ Lãm thật sự không rõ lắm, chỉ thấy mình hồi đó tuổi trẻ bốc đồng, phản đối hơi to tiếng chút chút mà thôi.
Thảo nào trước kia nhị thúc cứ thấp thỏm sợ hắn tạo phản. Thì ra không phải do hắn sùng bái Hạng Vũ – Tây Sở Bá Vương.
Tạ Lãm gãi đầu cười cười:
“Lúc khuyên Nam Cương Vương quy thuận Đại Ngụy, con đã nghĩ thông rồi. Chấp nhận hay không chấp nhận chiêu an, suy cho cùng chỉ là chuyện trên danh nghĩa. Đại Ngụy muốn lấy tiếng cường thịnh thống nhất thôi, chứ căn bản không dám đưa quân trấn đóng. Tây Bắc vẫn là địa bàn của cha con mình, do con và cha định đoạt.”
Dừng một chốc rồi nói tiếp:
“Nghĩa huynh, à, đại ca con và Trình Lệnh Thư đến giờ vẫn chưa thành thân. Con nghĩ chắc là sợ lúc nào đó con không chịu nổi kinh thành sẽ về Tây Bắc giành lại thân phận thiếu trại chủ. Nếu thân phận của huynh ấy bị lộ sẽ liên lụy đến Trình Lệnh Thư. Con muốn để huynh ấy biết, thân phận thiếu trại chủ này, con nhường lại cho huynh ấy. Con đã quyết định, sẽ tiếp tục làm quan trong triều với thân phận của huynh ấy.”
Sau khi Mười Tám Trại nhận chiêu an, từ thiếu trại chủ hắn sẽ trở thành thế tử của Vương hầu. Triều đình nhiều lắm cũng chỉ ban cho một chức quan nhàn tản không thực quyền. Tuyệt đối không để hắn ngồi vào ghế Chỉ huy sứ Huyền Ảnh Ti.
Phải biết rằng, Huyền Ảnh Ti là cấm quân thân tín của thiên tử, chỉ nghe lệnh hoàng đế, giám sát bách quan, còn có quyền ‘giết trước tâu sau’. Hiện tại thiên tử còn nhỏ, nên quyền lực trong tay Chỉ huy sứ gần như có thể một tay che trời.
Chỉ có tiếp tục dùng thân phận của Tạ Lâm Khê, hắn mới có thể trở thành quyền thần trong triều Đại Ngụy, thúc đẩy thi hành luật mới và làm nhiều hơn nữa để ổn định thời cục.
Tạ Triều Ninh khẽ gật đầu:
“Mày nghĩ kỹ thì tốt. Mày biết rồi, trước nay ta không gay gắt phản đối chuyện chiêu an như mày.”
Thực lòng mà nói ông vẫn mang tình cảm sâu đậm với Đại Ngụy bởi tổ tiên Tạ gia bao đời làm tướng. Thanh miêu đao trong tay ông chính là vật truyền thừa – để giữ nước giữ thành – của gia tộc.
Phụ thân Tạ Triều Ninh mất sớm nơi chiến trường, ông lớn lên nhờ cơm canh của trăm nhà trong quân doanh, mười hai tuổi đã khoác giáp theo quân chinh chiến. Năm xưa bị đày đến đây, đoạt lại thành Hắc Thủy từ tay Bắc Nhung, tập hợp Mười Tám Trại kháng địch. Tất cả cũng bởi ông tự biết mình là quân nhân, phải giữ lấy phòng tuyến này cho trăm vạn bá tánh phía sau.
Về sau quyết không quy thuận là vì ông phát hiện ra quan hệ giữa Tề Phong và Tạ Lãm. Ông nghi ngờ cha mẹ của Tạ Lãm đã chết trong tay Tề Phong.
Khi ấy Tề Phong đã là Đại đô đốc, vì bảo vệ Tạ Lãm mà phải đối đầu với cả triều đình.
Tạ Triều Ninh nói:
“Để ta chờ thêm…”
“Không nhận chiêu an ngay bây giờ.” Tạ Lãm ngắt lời ông.
Hắn đã tính toán hết rồi:
“Phải đợi thêm chút nữa, chờ đến khi Thẩm Khâu rời khỏi Huyền Ảnh Ti và tiến cử con kế nhiệm chức Chỉ huy sứ. Khi ấy, cha ra tay khuấy chút phong ba ở Tây Bắc, khiến triều đình tưởng nơi này bất ổn. Con sẽ chủ động xin chỉ ra tay chiêu an, còn cha thì thuận thế chấp nhận. Như vậy việc Mười Tám Trại quy thuận sẽ do một mình con xúc tiến, toàn bộ là công lao của con, đủ để bảo đảm con thuận lợi thăng chức, đứng vững trong triều.”
Phùng Hiếu An từng kể về những thay đổi của Tạ Lãm với Tạ Triều Ninh trong thư.
Dù đã biết trước, nhưng tận mắt thấy vẫn khiến ông không khỏi ngỡ ngàng:
“Chuyện này… vợ mày dạy cho à?”
Tạ Lãm hừ nhẹ khinh thường:
“Cha coi thường con quá rồi đó. Dù gì cũng lăn lộn trong quan trường tầng cao của Đại Ngụy một thời gian, tai nghe mắt thấy không ít. Mấy chuyện này chỉ là kiến thức cơ bản thôi, cần gì ai dạy?”
Tạ Lãm chưa từng bàn với Phùng Gia Ấu về mấy toan tính này. Dù hắn biết nếu để nàng ra tay, công lao từ việc chiêu an Mười Tám Trại chắc chắn sẽ được nàng xoay chuyển lớn hơn nữa.
Nhưng Tạ Lãm hiểu, Phùng Gia Ấu tuyệt đối không muốn xen vào việc này. Từ khi họ quen nhau đến nay, bất kể rơi vào hoàn cảnh nào, nàng cũng chưa từng nhắc một chữ về ‘chiêu an’ với hắn.
Trong lòng nàng, việc trở thành công cụ để triều đình ‘chiêu an’ hắn, là điều nàng không sao chấp nhận được.
Vậy thì cứ để hắn tự quyết.
Tạ Triều Ninh nghe xong, chân mày nhíu chặt.
Tạ Lãm nhìn ông với ánh mắt cảm thông:
“Bảo sao cha mang một thân bản lĩnh, lăn lộn mấy năm trời trong quân doanh Đại Ngụy mà chẳng thành được cái danh cái phận gì. Làm quan trong triều Đại Ngụy đâu phải như trên sa mạc chúng ta – nắm đấm cứng hơn thì thắng, mạnh tay hơn thì nắm quyền. Làm quan ấy à, phải biết quyền biến, mà quyền biến là gì cha hiểu không?”
Tạ Triều Ninh bị câu ấy chọc tức đến bật cười:
“Ta không hiểu? Chính vì hiểu, nên mới không muốn uốn cong cốt khí của mình.”
Tạ Lãm trầm giọng:
“Nếu chỉ liên quan đến thân mình thì cốt khí đương nhiên đáng giá hơn cả mạng. Nhưng cha thử nghĩ xem…”
Hắn nhắc đến vụ án kho lương Điền Trung:
“Nếu năm xưa cha đừng quá thanh cao, chịu nhẫn một chút leo lên vị trí cao ở Đô Ti Điền Nam. Thì lúc Bùi Trách Chính cấu kết với đám thương buôn muối, thò tay vào kho lương, với sự cẩn trọng của cha, lẽ không phát hiện ra? Có khi đã ngăn được họa lớn rồi!”
Tạ Triều Ninh nghe vậy thì sững người.
Tạ Lãm nói tiếp:
“Con đi được đến hôm nay mới nhận ra lời nhị thúc nói rất có lý.”
Hắn đưa tay sờ bên hông, mới phát hiện hôm nay mình không mang theo đao, lại nói:
“Quyền biến và đao kiếm đều là công cụ hữu dụng. Bản thân nó chẳng mang chính tà, chỉ tùy vào người sử dụng mà thành.”
Sắc mặt Tạ Triều Ninh dần trở nên nghiêm túc:
“Tiểu Sơn, ta luôn mong con thận trọng hơn, bớt xốc nổi lại. Nhưng ta cũng không muốn con sống quá uất ức, tự trói mình vào một cái ách nặng nề như vậy…”
Tạ Lãm cắt lời ông:
“Nặng thì có, nhưng không thấy uất ức.”
Nói rồi, hắn sải bước tới bên tường thành, đưa mắt nhìn ra biển cát mênh mông.
Hắn đang mặc trang phục của dân trong trại, mái tóc dài đen nhánh ngày thường luôn buộc cao, giờ buông xõa ra, được chiếc vòng tóc bằng xương giữ hờ hững. Gió đêm thổi qua, tóc bay phơ phất.
“Cha, cha thật lòng muốn làm đại trại chủ này sao? Ban đầu là vì bảo vệ dân thành, dân trại, bảo vệ cả con. Về sau lại vì sự bình yên của cả Tây Bắc…”
Hắn xoay người lại, nhìn thẳng vào mắt Tạ Triều Ninh:
“Từ năm mười ba tuổi, cha và nhị thúc đã luôn dạy con – “trên người có người, ngoài núi có núi”. Khuyên con rảnh rỗi nên ra ngoài nhiều để mở mang tầm mắt. Những năm qua, con đã thấy đủ loại âm mưu quỷ kế, cũng đã đặt chân lên biết bao non xanh nước biếc. Còn cha, mười mấy năm qua ở lại nơi bụi cát sa mạc không đổi, làm người giữ thành cô độc. Cha có từng thấy mình uất ức không?”
Tạ Triều Ninh sững sờ nhìn con trai, nhất thời không thốt nên lời.
Tạ Lãm bật cười, nhẹ nhàng nói:
“Chờ nhận chiêu an rồi, có con đứng trong triều làm chỗ dựa, cha sẽ được tự do hơn nhiều.”
Tới lúc này, Tạ Triều Ninh mới thực sự cảm nhận được — tiểu tử ngốc nhà mình giờ đã thật sự trưởng thành.
Trong lòng trăm vị ngổn ngang. Không hiểu sao, ông lại thấy hơi nhớ thằng nhóc bướng bỉnh ngày nào, cái thằng hay chọc ông tức đến đau đầu nhức óc.
Nhớ lại dáng vẻ con sói con nhe nanh trợn mắt ngày xưa… hình như cũng đáng yêu đáo để. Vậy mà sao khi ấy ông lại nổi nóng đến thế chứ?
Hai cha con lâu ngày không gặp, trò chuyện suốt đến tận nửa đêm.
…
Khi Tạ Lãm trở về phòng, thì thấy Phùng Gia Ấu vẫn còn thức.
Hắn vừa cởi áo vừa hỏi:
“Nàng ngủ rồi tỉnh dậy, hay là vẫn vẫn thức đợi ta?”
Phùng Gia Ấu đáp tỉnh rụi:
“Ta sợ vừa chợp mắt, liền hai cha con chàng đánh nhau ồn ào làm thức…”
Tạ Lãm dở khóc dở cười:
“Cha con ta đánh nhau ở cổng thành thì tiếng cũng đâu vang đến tận đây.”
Phùng Gia Ấu chống tay ngồi dậy, nửa thân người ló ra khỏi chăn:
“Hai người thật sự đánh nhau hả?”
“Không có.”
Tạ Lãm tháo chiếc vòng cài tóc, tiện tay vứt lên bàn, sải bước đến bên giường, cúi người ấn nàng nằm lại vào chăn:
“Bao nhiêu năm rồi ta không đánh nhau với ông ấy. Có đánh thì cũng là ông ấy cầm roi quất ta, ta chạy vòng vòng né, đợi ông ấy tức giận hết mức, ta mới ló đầu ra chịu vài roi, coi như xong chuyện.”
Phùng Gia Ấu lúc này mới thở phào, ngoan ngoãn nằm lại trong chăn.
Tạ Lãm ngồi xuống mép giường, cởi giày nhưng vẫn chưa vội nằm xuống. Hắn đứng trên thành lâu suốt cả đêm, cả người từ đầu đến chân thấm đẫm hơi lạnh đặc trưng của đêm sa mạc.
Chờ khí lạnh ấy dần tan trong hơi ấm của căn phòng, hắn mới nhẹ tay vén góc chăn, nằm xuống bên cạnh nàng.
Phùng Gia Ấu nghiêng người ôm lấy hắn. Lúc này thân thể Tạ Lãm đã ấm áp hẳn lên, trong đêm lạnh, chiếc ôm thế này vvừa sưởi ấm thân thể, lại sưởi cả lòng người.
Nàng cũng không hỏi hắn đã trò chuyện những gì với Tạ Triều Ninh. Thức suốt nửa đêm, cơn buồn ngủ dâng lên nhanh chóng, nàng rúc vào vòng tay hắn, chẳng bao lâu sau đã thiếp đi.
…
Sáng hôm sau, Tạ Lãm dẫn Phùng Gia Ấu đến Suối Trăng, uống không ít nước suối mát lành.
Sau đó, hai người ở lại thành Hắc Thủy thêm mười ngày, rồi lên đường trở về kinh.
Lần này họ cố ý ghé ngang Uy Viễn đạo, đến thăm Tạ Lâm Khê và Trình Lệnh Thư.
Đúng như Tạ Lãm từng nói với Tạ Triều Ninh, hắn đến gặp Tạ Lâm Khê để bàn bạc chuyện hoán đổi thân phận của hai người.
Khi Tạ Lãm và Tạ Lâm Khê đang trò chuyện trong hoa viên, Trình Lệnh Thư cùng Phùng Gia Ấu ngồi uống trà trong đại sảnh.
Trình Lệnh Thư không kiềm được, hỏi tới ba lần:
“Phu quân của ngươi thực sự quyết định tiếp tục làm quan ở kinh thành với thân phận của đại ca mình sao?”
Phùng Gia Ấu thong thả nâng chén trà, chậm rãi đáp:
“Sao ngươi quan tâm đến phu quân của ta nhiều vậy?”
Trình Lệnh Thư nghẹn lời, tức tối nói:
“Phùng Gia Ấu, ta chịu làm hòa với ngươi vì nể người là em dâu của ân nhân ta, ngươi đừng có được nước làm tới.”
Phùng Gia Ấu không trêu nữa, bật cười thành tiếng:
“Đúng vậy đó. Ngươi chuẩn bị làm tân nương đi là vừa. Chỉ có điều, hai người bọn ta không đến hôn lễ được, thân thể ta không tiện lặn lội về Tây Bắc lần nữa. Khi ấy sẽ nhờ người mang lễ đến mừng.”
Bấy giờ Trình Lệnh Thư mới nhẹ lòng, nâng chén trà nhấp một ngụm:
“Lâm Khê sẽ vui lắm. Lần ở ngoài thành Hắc Thủy, phu quân ngươi không chịu nhận chàng làm đại ca, còn xem chàng như kẻ thù, chàng đã buồn bã suốt một thời gian dài…”
“Đáng đời!” Phùng Gia Ấu hờ hững nói, “Tại anh ta lừa phu quân ta trước.”
Trình Lệnh Thư cũng không cãi, chỉ chuyển chủ đề:
“Giờ chúng ta đã là chị em dâu, ta cố gắng hòa giải với ngươi, nhưng với Tùy Anh thì tuyệt đối không.”
Phùng Gia Ấu đưa mắt nhìn nàng:
“Nói cứ như Tùy Anh muốn hòa giải với ngươi lắm vậy.”
Trình Lệnh Thư vội phân trần:
“Ta cần nói rõ một câu, ta ghét cô ta không phải vì chuyện cô ta đánh anh trai ta đâu. Anh trai ta tranh kép hát với cô ta, bị đánh què cũng là đáng đời.”
Phùng Gia Ấu cười:
“Ta biết mà, từ nhỏ ngươi đã chẳng ưa gì Tùy Anh, cảm thấy nàng ấy kiêu căng hống hách, làm đủ chuyện xằng bậy. Rồi còn ghét lây sang cả ta, cho rằng ta cùng một giuộc với Tùy Anh, hùa theo làm càn.”
“Nói ‘làm đủ chuyện xằng bậy’ thì hơi quá.” Trình Lệnh Thư nhớ lại những ân oán thưở nhỏ giữa mình và Tùy Anh, nhất thời cũng khó nói nên lời…
So với những ân oán tình thù đang trải qua lúc này, chuyện năm xưa giữa các nàng bỗng hóa trò trẻ con vặt vãnh, ngây ngô…
…
Chẳng mấy chốc, Tạ Lãm đã đến trước đại sảnh, gọi Phùng Gia Ấu, hai người lại tiếp tục lên đường trở về.
Khi xe ngựa bắt đầu lăn bánh, Phùng Gia Ấu thoáng lo:
“Chỉ một tuần trà ngắn ngủi, chàng thật sự có thể nói hết mọi chuyện với Tạ Lâm Khê sao?”
Chuyện hoán đổi thân phận, lại thêm huyết hải thâm cừu của cha mẹ… chẳng thể chỉ mấy câu mà rõ ràng hết được.
Tạ Lãm khoanh tay, nhếch môi cười lạnh:
“Không phải chỉ mấy câu thôi sao? Ngoài mấy lời ấy ra, ta còn gì cần nói với hắn?”
Tạ Lâm Khê từng bước giăng bẫy, lừa hắn từ Tây Bắc vào kinh thành, lại còn bắt tay với nhị thúc đào hố cho hắn nhảy. Hắn không so đo với nhị thúc là bởi ông ấy từng dạy dỗ, chăm sóc hắn.
“Còn Tạ Lâm Khê là cái thá gì mà dám coi ta như con rối trong tay, đùa bỡn như kẻ ngốc?”
Thật ra, Tạ Lãm cũng dần hiểu tấm lòng Tạ Lâm Khê với mình. Y sợ hắn tạo phản, sợ hắn làm mất mặt cha mẹ, sợ hắn đem chiến loạn gieo lên đầu bách tính. Y chỉ muốn mở cho hắn thêm một con đường, thêm một lựa chọn trong đời.
Dẫu sao, làm tặc vương ở Tây Bắc vốn chẳng phải con đường hắn tự chọn.
Mà suy cho cùng, chính toan tính ấy lại là khởi điểm cho những điều tốt đẹp. Hắn gặp được người mình yêu thương, tìm thấy phương hướng mới trong đời.
Song cho dù hiểu được điều đó, Tạ Lãm vẫn không bớt bực mỗi lần đối mặt với Tạ Lâm Khê, chẳng thể cười nổi một cái.
Bây giờ không, sau này cũng chẳng khác.
Rời phủ tướng quân một đoạn xa, Tạ Lãm mới dịu giọng lại như thường:
“Ấu nương, nàng yên tâm. Nên nói gì ta đều đã nói hết. Chỉ chuyện mẹ ta từng bị Tề Phong… ta không nói với hắn.”
Phùng Gia Ấu khẽ gật đầu:
“Chuyện đó quả thực chẳng cần thiết phải nói.”
…
Lúc này, Tạ Lâm Khê và Trình Lệnh Thư vẫn đứng trước cổng phủ tướng quân, dõi mắt nhìn theo chiếc xe ngựa dần khuất xa.
Trình Lệnh Thư ngẩng đầu nhìn y:
“Xem sắc mặt đệ đệ chàng, chắc vừa rồi nổi giận với chàng không ít.”
Tạ Lâm Khê lắc đầu cười:
“Mặt mũi thì đúng là không dễ coi thật, nhưng nói chuyện đâu ra đấy, không thừa một lời vô nghĩa.”
Trình Lệnh Thư không hoàn toàn tin. Trong ấn tượng của nàng, Tạ Lãm vẫn là người hung hãn từng muốn giết nàng tế cờ tạo phản ở ngoài thành Hắc Thủy.
Tạ Lâm Khê nở nụ cười nhẹ, cảm khái:
“Đệ đệ ta thực sự là người rất xuất sắc. Dù ở chốn triều đình hay nơi giang hồ hiểm ác, nó đều có thể đứng vững. Nếu song thân nơi cửu tuyền biết được, hẳn cũng mỉm cười yên lòng.”
Trình Lệnh Thư lại thở dài:
“Chỉ e những gian truân trong đó, chỉ một mình hắn hiểu rõ nhất.”
Tạ Lâm Khê thu lại nụ cười, có phần tự trách:
“Là huynh trưởng, bao gánh nặng vốn dĩ nên do ta gánh vác, rốt cuộc lại đẩy cả lên vai nó… Nhưng ta thật sự không bằng nó, cách biệt quá xa…”
Trình Lệnh Thư ngắt lời:
“Không phải lỗi của chàng. Là tại hắn quá mạnh — mạnh đến mức không còn giống người thường, căn bản chẳng thể đem ra mà so sánh.”
Tạ Lâm Khê ngẩn ra, sau đó bật cười:
“Nàng nói… cũng có lý.”
…
Xe ngựa rời khỏi cửa ải của Uy Viễn đạo, chạy vào đường lớn dẫn về kinh thành.
Phùng Gia Ấu vén rèm nhìn ra ngoài, thầm thở dài:
“Phu quân, rời khỏi Uy Viễn Đạo rồi, chàng càng lúc càng rời xa quê nhà đó…”
Đêm qua thiếu ngủ, Tạ Lãm đang lim dim nghỉ ngơi:
“Ngày xưa ta bỏ nhà đi cả chục lần một năm ấy chứ.”
Phùng Gia Ấu nhẹ nhàng nhắc:
“Đâu có giống. Khi đó chỉ là rời đi tạm thời, còn hôm nay chàng đi là để sống hẳn ở kinh thành. Sau này muốn quay lại cũng chẳng dễ dàng…”
Tạ Lãm uể oải đáp:
“Cưỡi con thiên lý mã nhà ta, vài ngày là tới nơi, có phải ra ngoài cõi trời đâu. Ta muốn về thì về, ai cản được?”
Phùng Gia Ấu nhẫn nại:
“Nhưng ý nghĩa lại khác rồi.”
Tạ Lãm hiểu điều nàng ngụ ý:
“Mấy người đọc sách nhiều như nàng cứ hay thích nghĩ mấy chuyện ‘ý nghĩa’. Không có thì cũng cố moi ra cho bằng được, rồi thì sầu xuân buồn thu, ngâm thơ đối câu… Ta thấy toàn là tự chuốc khổ vào thân.”
Phùng Gia Ấu: “…”
Tạ Lãm cười cười nói tiếp:
“Ta thật sự chẳng thấy gì đặc biệt cả. Giờ thì chỉ thấy… buồn ngủ thôi.”
Tạ Lãm nhoài người kéo rèm xuống, khép chặt cửa sổ, rồi quay lại ngó nàng chăm chú:
“Nàng không buồn ngủ à? Lấy đâu ra sức mà nghĩ vẩn vơ vậy?”
Câu hỏi ấy kéo hồn Phùng Gia Ấu quay về hiện thực, bất giác nhớ lại chuyện tối qua.
Bị ánh mắt ấy nhìn chằm chằm không rời, má nàng nóng bừng.
Rõ ràng biết hôm nay sẽ lên đường, vậy mà đêm qua hắn đột nhiên nói thân thể đã khôi phục đến đỉnh cấp, không ngại chuyện nàng có thể hoài thai nữa.
Nín nhịn bao lâu, một khi buông thả liền như mãnh thú xổng lồng, giày vò nàng gần suốt cả đêm.
“Ngủ một lát đi.”
Tạ Lãm vươn tay kéo nàng lại gần, để nàng tựa vào ngực mình, còn hắn thì nghiêng đầu gối lên vai nàng.
Từ trước tới nay, hắn luôn là người ngẩng cao đầu cho người khác dựa vào. Nếu có ai từng bảo hắn sẽ có ngày “dính người” như chim non thế này, có lẽ đã bị hắn rút đao ra chém thẳng tay.
Nhưng từ khi bị thương, hắn đã quen gối đầu lên vai Phùng Gia Ấu. Đôi vai gầy gầy của nàng vậy mà lại mang đến cho hắn cảm giác bình yên lớn vô cùng.
Trước khi gặp Phùng Gia Ấu, thứ duy nhất khiến hắn cảm thấy an tâm chỉ có thanh đao trong tay.
…
Hai vợ chồng từ Tây Bắc về tới kinh thành thì đã là cuối xuân đầu hạ.
Tạ Lãm chính thức tiếp nhận chức Trấn phủ của Bắc Trấn Phủ Ti thuộc Huyền Ảnh Ti, còn Phùng Gia Ấu thì bắt đầu dốc sức chỉnh sửa bộ luật mới.
Giữa hè, Hàn Trầm từ Nam Cương ngược lên Bắc, đích thân vào triều tiếp nhận sắc phong từ tiểu hoàng đế Đại Ngụy.
Sau trăm năm ly tán, Nam Cương cuối cùng cũng được nhập lại vào bản đồ Đại Ngụy.
Vốn dĩ Hàn Trầm còn muốn dâng sớ tố cáo Phó Mân, nhưng sau khi gặp Từ Tông Hiến không bao lâu Phó Mân đã uống thuốc độc tự tận.
Lo liệu xong chính sự, Hàn Trầm ở lại kinh thành mấy ngày, cùng Tạ Lãm uống rượu không dứt.
Hai thiếu niên từng tung hoành giang hồ năm nào, trải qua bao biến cố thăng trầm, cuối cùng vẫn có thể nâng chén, cười nói thảnh thơi.
Chờ Hàn Trầm quay về Nam Cương, dưới sự sắp xếp của Phùng Hiếu An, Liễu Doanh Doanh được một vị quận vương ở đất Thục nhận làm nghĩa nữ, sau đó ban hôn cho Hàn Trầm, trở thành vương phi của Nam Cương.
Mối họa lớn từng khiến triều đình đau đầu suốt bao năm — Nam Cương — tạm thời xem như khép lại.
Tháng Mười Một, Thẩm Khâu chuẩn bị chuyển sang quân phủ nhậm chức Đại đô đốc. Theo lệ của Huyền Ảnh Ti, ông tiến cử Tạ Lãm kế nhiệm chức Chỉ huy sứ.
Tính cả thời gian làm Ti trực ở Đại Lý Tự, Tạ Lãm mới chỉ vào kinh được vỏn vẹn hai năm.
Trong triều, người phản đối hắn không ít, đặc biệt là phe văn thần mới nổi liên tục cản trở, với lý do hắn thăng tiến quá nhanh, chưa đủ năng lực.
Cho đến khi Tạ Lãm ra mặt thành công chiêu an thổ phỉ Mười Tám Trại, uy danh chấn động triều dã, khiến mọi lời dị nghị lập tức im bặt.
Dù Tạ Triều Ninh không đệ trình thư hàng, thậm chí còn chẳng buồn vào kinh nhận phong, triều đình cũng chẳng bận tâm, càng không dám truy cứu. Bởi lúc này điều họ cần chỉ là một cái ‘danh nghĩa’ để duy trì sự ổn định trên bề mặt.
Sang năm sau, Đại Ngụy đổi niên hiệu thành Vĩnh An.
Tháng Giêng năm Vĩnh An nguyên niên, Tạ Lãm chính thức lên nhậm chức Chỉ huy sứ Huyền Ảnh Ti, dần nắm quyền chỉ huy hơn mười vạn Huyền Ảnh vệ trong khắp Đại Ngụy. Cộng thêm đội thiết kỵ Tây Bắc từng theo hắn chinh chiến, Tạ Lãm bây giờ trở thành người có thực quyền lớn nhất triều — chỉ một cái lật tay là có thể khiến thiên hạ đổi màu.
Thế nhưng, nhị thúc hắn lại cực kỳ yên tâm, còn cười bảo hắn cứ tiếp tục cố gắng.
Đầu tháng Sáu, Phùng Gia Ấu sinh hạ một bé trai.
Tên của nàng và Tạ Lãm đều do Phùng Hiếu An đặt. Tuy đến giờ nàng vẫn không chịu gọi ông một tiếng “cha”, nhưng khi Tạ Lãm đề nghị để ông đặt tên, Phùng Gia Ấu cũng không phản đối.
Lúc ấy, ngay bên cạnh Phùng Hiếu An là bản luật mới đã chỉnh sửa hoàn tất, chuẩn bị trình lên Nội Các dưới tên Phùng Gia Ấu.
Ông đặt tay lên bản luật ấy trầm ngâm hồi lâu, rồi chọn ra hai chữ: Chân Ngô.
Thoát khỏi bề ngoài mà nhìn vào bản chất — Tạ Chân Ngô.
Thật ra Tạ Lãm không mấy thích cái tên này.
Hắn nhờ nhị thúc đặt tên, là vì biết ông rất tài hoa. Như cái tên “Lãm” ông đặt cho hắn — lấy từ câu “Hội đương lăng tuyệt đỉnh, nhất lãm chúng sơn tiểu” (Lên đến đỉnh cao, nhìn xuống thấy núi non đều nhỏ bé) và hắn quả thật đã vươn tới đỉnh trong võ học.
Hắn chỉ mong nhị thúc có thể đặt cho con trai mình một cái tên thông minh, mang hàm ý sâu sắc.
Thế nhưng hai chữ “Chân Ngô” này, tuy xua tan được nỗi lo của Tạ Lãm rằng con trai mình sẽ là một cái bị thịt, song lại khiến hắn nảy sinh lo lắng khác…
Trong đầu hắn cứ hiện lên hình ảnh một tiểu đạo sĩ ông cụ non, ngày ngày giảng đạo nghĩa không dứt.
Tuy nhiên Phùng Gia Ấu lại tỏ ra rất thích — nên hắn cũng đành xuôi theo.
—