Sau Tết, cả nhà Hồ Mục Viễn rời khỏi trấn Ngũ Kim, chuyển đến khu công nhân ở Lam Tú, một khu dân cư cũ dành cho người lao động nhập cư.
Khu này được bao quanh bởi những bức tường vuông vức, bên trong có một tòa nhà bốn tầng và dãy nhà cấp bốn phía sau. Cầu thang, bồn rửa mặt và nhà vệ sinh công cộng được đặt ngay giữa mỗi tầng, hai bên là hành lang dài nối liền hàng chục căn phòng nhỏ đối diện nhau.
Mỗi phòng chỉ rộng khoảng hơn chục mét vuông. Hai chiếc giường tầng, một cái bàn, vài cái ghế, thêm mấy xoong chảo nồi niêu là gần như không còn chỗ để xoay người. Hồ Mục Viễn đứng chắn lối đi nên bị mắng một trận, bèn lặng lẽ ôm em trai em gái, co mình sát vào góc bàn, ngoan ngoãn nhìn bà ngoại cặm cụi rửa dọn, còn bố mẹ thì sắp xếp đồ đạc.
Trương Thiến vừa giũ chăn, vừa ngoảnh lại đóng sập cửa phòng, bực bội trách móc:
“Sao lại thuê cái phòng ở tận góc tầng một thế này? Bước xuống bậc thềm là tới bãi rác, ngày nào cũng phải ngửi cái mùi này chắc tôi phát điên mất!”
Hồ Đông Thành gắt lên:
“Cô tưởng nhà trống đầy ra đó cho mà chọn chắc? Đây là căn cuối cùng còn trống, có chỗ mà ở là tốt lắm rồi!”
Bà ngoại đứng bên cạnh liền hòa giải:
“Thôi thôi, đóng cửa lại thì có gì mà ầm ĩ. Chuyện nhỏ xíu mà cũng làm rộn cả lên.”
Bố mẹ có vẻ không hài lòng với chỗ ở mới, nhưng Hồ Mục Viễn lại thích nơi này.
Ở đây lúc nào cũng nhộn nhịp. Tầm năm sáu giờ chiều, tiếng chuông xe đạp leng keng vang khắp hành lang, lẫn trong đó là những giọng nói đủ thứ phương ngữ. Khoảng sân nhỏ trước tòa nhà luôn có một đám trẻ con chơi đùa. Còn ngay trước cổng khu trọ lại có một tiệm tạp hóa nhỏ.
Ra khỏi cổng, rẽ phải là sân bóng rổ, đối diện là con đường xi măng không quá rộng. Buổi tối, cô bé thường theo bà ngoại dắt hai đứa em đi dạo dọc theo con đường này. Đi hết một đoạn chừng mười phút là tới cuối đường – nơi có một con sông nhỏ rộng bảy tám mét. Dọc bờ sông có những bậc tam cấp dẫn xuống mép nước, vài tấm bê tông được đặt sẵn để người dân giặt giũ.
Phía bên trái con đường là một dãy biệt thự cũ có sân vườn, nhưng tường cao cổng kín, trông như chẳng có ai ở.
Sắp đến ngày nhập học, bố mẹ lại cãi nhau vì chuyện trường lớp của Hồ Mục Viễn.
Mẹ kiên quyết muốn gửi cô vào Trường Tiểu học Khu Một, nhưng bố thì phản đối, không muốn bỏ tiền đóng học phí ngoại tỉnh đắt đỏ.
Hồ Đông Thành cau mày:
“Một kỳ học mất nguyên tháng lương của tôi, có đáng không? Thêm cả tiền ăn, tiền sách vở nữa, vậy cả nhà nhịn đói để cho mỗi nó đi học chắc? Học cái trường Công nhân gần đây vừa rẻ vừa tiện, có gì mà không được?”
Mẹ nghiêm giọng:
“Học hành là chuyện lớn. Trường tốt với trường kém khác nhau một trời một vực, tiền này không thể tiếc.”
“Ai bảo trường Công nhân là trường kém? Cô thử đi hỏi xem, trong khu này có nhà nào không cho con học ở đó không?”
Trương Thiến bực bội nói:
“Hồ Đông Thành, anh đừng có ở đây giả vờ oan ức. Trường nào thế nào, anh tự biết rõ. Nếu đã định cho nó học trường Công nhân, năm ngoái có cần đón nó qua đây không?”
Hồ Đông Thành lạnh giọng đáp:
“Đúng, vốn dĩ chẳng cần thiết. Tôi đã nói ngay từ đầu rồi, chẳng cần phải đón qua. Cô cứ thích ôm chuyện vào người, vậy giờ tốt nhất là đưa nó về lại đi, đỡ tốn tiền vô ích.”
“Tôi không rảnh đôi co với anh. Anh không bỏ tiền, tôi bỏ.”
“Cô có bỏ cũng không học được. Người ta căn bản không nhận đâu, cô tưởng cứ muốn là vào được chắc?”
Hồ Mục Viễn nín thở, cố thu nhỏ mình lại. Những lúc này, cô biết bản thân rất dễ bị mắng lây.
Quả nhiên, Hồ Đông Thành quay sang, lửa giận vô cớ bùng lên:
“Đứng đực ra đấy làm gì? Mau đi rửa bát!”
Không tranh cãi được với chồng, Trương Thiến cũng không trông mong gì nữa. Bà lén tranh thủ sau giờ làm, nhiều lần vòng qua Trường Tiểu học Khu Một để tìm cách đăng ký cho con gái, nhưng hết lần này đến lần khác bị từ chối với lý do: “Không nhận học sinh chuyển trường.”
Bà đã cố hết sức thuyết phục, giải thích rằng con gái mình học hành không tệ, nhưng cuối cùng vẫn chẳng làm gì được. Ngay khi đang dần mất hy vọng, định bỏ cuộc, thì bất ngờ, một ngày nọ, Trường Tiểu học Khu Một lại chủ động cử xe đến Khu công nhân để tuyển sinh.
Hóa ra năm đó trường phải sáp nhập với các trường làng, được yêu cầu tiếp nhận thêm học sinh từ các thị trấn và vùng lân cận. Trương Thiến mừng rỡ như nhặt được vàng, sợ trường đổi ý nên vội vàng nộp tiền ngay. Cầm biên lai trong tay, bà thở phào nhẹ nhõm, cả ngày hôm đó cứ xuýt xoa:
“Con bé thật may mắn.”
Trường Tiểu học Khu Một cách Khu công nhân khá xa. Mỗi chiều tan học, Hồ Mục Viễn phải đi bộ ít nhất bốn mươi phút mới về tới nhà.
Buổi sáng, mẹ cô sẽ dậy sớm, tiện thể kéo cô dậy luôn, đặt ngồi lên yên sau xe đạp rồi chở đi học. Mùa đông trời sáng muộn, hai mẹ con thường xuyên rẽ gió trong bóng tối mờ xám. Đến lúc tới cổng trường, mặt trời mới vừa hửng sáng.
Ngôi trường mới khang trang hơn hẳn. Có cổng xếp sáng loáng, đường chạy mới tinh, và đủ kiểu dãy nhà dạy học. Ngay trước cổng, hai hàng học sinh lớp lớn đứng sừng sững, gương mặt nghiêm nghị, mắt cú vọ kiểm tra từng bạn một: phù hiệu, khăn quàng đỏ, mũ vàng.
Sau khi Hồ Mục Viễn vào lớp Hai chưa bao lâu, một tin dữ bất ngờ ập đến.
Bà thím ở chung khu trọ hớt hải tìm đến tận xưởng làm việc của cha mẹ cô, mang theo tin xấu:
“Bố vợ cậu gặp chuyện rồi! Ở nhà một mình, xuống cầu thang không cẩn thận, ngã mạnh đập đầu, xuất huyết não! Giờ đang cấp cứu trong bệnh viện.”
Vì cả hai vợ chồng đều không có điện thoại, tin này mãi đến hôm sau mới được báo lại.
Trương Thiến nghe xong bật khóc ngay tại chỗ, cả người run rẩy không biết phải làm gì. Hồ Đông Thành vội trấn an:
“Bình tĩnh đi, tôi đi xin nghỉ ngay rồi mua vé tàu về.”
Bà ngoại và hai đứa em cũng theo cha mẹ về Thiệu Thành, chỉ còn lại Hồ Mục Viễn bị bỏ lại.
Cô thậm chí không rõ đã xảy ra chuyện gì. Chỉ biết là đang học bình thường, bỗng bị giáo viên gọi ra ngoài. Cha mẹ đứng ở cửa lớp, một trước một sau, mẹ cô mắt đỏ hoe, còn bố vẫn nghiêm nghị như mọi khi.
Mẹ ngồi xuống, xoa nhẹ đầu cô:
“Viễn Viễn, bố mẹ có việc phải về quê. Nhưng con phải đi học, không thể theo về được. Một mình ở đây phải ngoan, nghe lời cô giáo, làm bài tập đầy đủ. Đói thì sang nhà bà thím ăn cơm nhé.”
Bà cẩn thận đeo một sợi dây đỏ có chùm chìa khóa lên cổ cô:
“Đây là chìa khóa nhà, khi ra ngoài phải nhớ khóa cửa. Buổi tối ngủ cũng phải chốt kỹ lại, biết không?”
Hồ Mục Viễn lo lắng hỏi:
“Thế bao giờ bố mẹ về?”
Hồ Đông Thành đáp gọn lỏn:
“Sớm thôi.”
Sau đó ông nghiêm mặt cảnh cáo:
“Tao sẽ thường xuyên gọi về hỏi thím. Nếu biết mày không nghe lời, thì chuẩn bị ăn đòn đi. Nghe rõ chưa?”
Cô bé rụt rè gật đầu:
“Dạ, con biết rồi.”
Hồ Mục Viễn kiễng chân mở cửa, bước vào căn phòng vắng lặng. Cảnh tượng bừa bộn hiện ra trước mắt—bố mẹ đi vội, đồ đạc bị lục tung, để lại một mớ hỗn độn.
Còn lời hứa “sớm về” của cha hoàn toàn không thành sự thật. Mãi đến tháng một năm sau, cha mẹ cô mới quay lại Đường Thành.
Trong suốt mấy tháng đó, ngày nào cũng vậy—sáng sớm, cô sang nhà bà thím nhận một đồng để mua bữa sáng, sau đó tự đi học. Tan học về nhà làm bài tập, vừa làm vừa chờ bà thím gọi sang ăn cơm.
Mỗi lần ăn xong, bà thím đều bảo cô ra ngoài chơi một lát. Ban đầu, Hồ Mục Viễn sợ lắm, lắc đầu nói:
“Bố không cho phép ạ.”
Bà thím cười phì:
“Trẻ con chơi chút cũng có sao đâu. Hơn nữa, bố con có ở đây đâu mà lo?”
Cô lưỡng lự hỏi:
“Vậy bà không nói cho bố con chứ?”
Bà thím bật cười:
“Bà hứa sẽ không nói. Đi chơi đi.”
Thế là Hồ Mục Viễn rụt rè bước ra ngoài.
Chưa tới ba ngày, cô đã kết thân với một người bạn mới—Lưu Tử Huỷ. Nhà Tử Huỷ cách ba phòng, cô bé cũng học lớp Hai nhưng ở trường Công nhân. Tử Huỷ có một người anh trai, Lưu Tử Quân, hơn ba tuổi, là “trùm nhí” trong khu. Mỗi ngày, cậu ta đều kéo theo một đám trẻ chơi đủ trò, từ nhảy dây, trốn tìm đến đá cầu. Nhờ Tử Hủy mà Hồ Mục Viễn cũng được nhập hội, học đủ trò vui, ngày nào cũng chơi đến mồ hôi nhễ nhại mới chịu về.
Nhà Tử Huỷ còn có một cái TV. Dù không bắt được nhiều kênh, nhưng với Hồ Mục Viễn—người chưa từng xem TV kể từ khi đến Đường Thành, thế này đã là thiên đường. Cuối tuần nào cô cũng sang nhà bạn, mê mẩn dán mắt vào màn hình.
Nhưng dù có chơi vui đến đâu, cô vẫn không dám lơ là. Cô luôn cẩn thận hoàn thành bài tập. Trong lòng vẫn thấp thỏm lo sợ, cha mẹ có thể đột nhiên xuất hiện bất cứ lúc nào.