Mùa Hạ Trôi Xa

Chương 3



Đến khi Hồ Đông Thành và Trương Thiến thật sự trở về, Hồ Mục Viễn thấp thỏm không yên. Nó luôn có cảm giác cha mẹ đã biết rõ mọi chuyện mình làm trong thời gian qua, chỉ chờ thời điểm ra tay trừng phạt. Thế nhưng đợi mãi, chẳng ai động đến cô bé cả. Hồ Mục Viễn đánh bạo hỏi:

“Bà ngoại và mấy đứa em đâu rồi ạ?”

Trương Thiến đáp: “Bà ngoại đưa bọn trẻ về quê ở rồi, không ra đây nữa.”

“Tại sao ạ?”

“Trẻ con hỏi lắm thế?” Hồ Đông Thành ngồi xuống cạnh bàn, không buồn ngước mắt lên, chỉ lạnh lùng bảo: “Bài tập đâu? Mang ra đây.”

“Dạ.” Hồ Mục Viễn lôi cặp sách ra, dàn bài tập thành một hàng trên mặt bàn.

Từ ngày không còn bà ngoại, cô trở thành một lao động nhỏ trong nhà, bị rèn giũa để biết làm những việc mà trước kia chưa từng động tay vào. Hồ Đông Thành và Trương Thiến thường xuyên đi ca đêm, đến tận mười giờ tối mới về. Sau giờ học, Hồ Mục Viễn phải nhóm lửa trước, rồi mới làm bài tập. Làm xong thì hâm nóng đồ ăn cha mẹ để lại trên bàn, đun hai ấm nước sôi đổ vào bình thủy. Mọi việc xong xuôi, cô mới được rửa mặt rửa chân rồi lên giường đi ngủ. Nếu hôm nào Trương Thiến về sớm, cô còn phải đọc chính tả cho mẹ kiểm tra từ vựng mới học trong ngày.

Mặc dù có nhiều việc phải làm, nhưng nhờ không phải gặp Hồ Đông Thành cả ngày, cuộc sống của cô vẫn coi như dễ thở. Chỉ đến cuối tuần, khi ông ở nhà suốt cả buổi sáng, cô mới thực sự khổ sở. Những giờ phút ở bên cha, ngoài lúc ăn cơm ra, cô hầu như phải ngồi bất động trước bàn học.

Thật ra, từ sau khi thành tích ổn định, cô ít khi bị đánh hơn trước. Nhưng vì nỗi sợ cha đã ăn sâu tận xương tủy, vì những bài học từ quá khứ, cô hiểu rõ một điều: cha không thích nhìn thấy cô rời xa bàn học. Chỉ khi cầm bút ngồi yên tại đó, cô mới không chướng mắt ông ấy.

Làm xong bài tập, cô lại mở sách giáo khoa ra đọc đi đọc lại: sách Ngữ văn, sách Toán, sách Đạo đức, sách Âm nhạc, sách Mỹ thuật… Đọc tranh xong thì đọc chữ, đọc chữ to rồi đọc chữ nhỏ, ngay cả những dòng chú thích ở mép trang cũng không bỏ sót.

Càng nhận biết được nhiều chữ, cô càng thích ra góc thư viện nhỏ trong lớp mượn sách đọc. Ở đó có một kệ sách sáu tầng, xếp đầy những cuốn truyện cổ tích nhiều màu sắc, dày có mỏng có. Cô đọc hết quyển này đến quyển khác, đọc đi đọc lại đến thuộc lòng.

Thế giới trong truyện đẹp như mơ: trời xanh, chim hót, vạn vật biết nói, ước mơ có thể vang xa, kẻ ác sẽ bị trừng phạt, hoàng tử và công chúa sau muôn vàn thử thách cuối cùng cũng sống hạnh phúc bên nhau.

Trong truyện còn có cả món rau diếp mà ai ăn vào cũng thấy ngon tuyệt trần. Cô từng hỏi mẹ rau diếp là gì, rốt cuộc nó ngon đến mức nào, nhưng mẹ chẳng buồn trả lời.

Thực ra, Trương Thiến cũng rất thích đọc sách. Bà thường kẹp một quyển trong tay, vừa làm việc vừa tranh thủ lật vài trang.

Những quyển sách mẹ đọc mỏng dính, đủ loại lớn nhỏ, trên bìa in vài cái tên mà đi đâu cũng thấy: Tri âm, Hội truyện, Ý lâm… Một lần, cô bé tò mò mở ra xem thử, chỉ thấy toàn chữ chi chít, không có lấy một hình minh họa, thậm chí chẳng có pinyin (phiên âm). Cô đọc không xuôi, vất vả lắm mới nhận được mấy chữ thì quyển sách đã bị mẹ giật lại.

“Sách này không dành cho trẻ con.” Mẹ nói.

Một đêm giữa mùa đông, Hồ Mục Viễn nhấc ấm nước sôi từ bếp than xuống, chuẩn bị rót vào bình thủy. Nhưng cô không cầm chắc, nước nóng theo miệng ấm tràn ra, đổ thẳng xuống đùi cô.

Cơn đau rát xé toạc mọi giác quan. Cô sững sờ trong giây lát, rồi theo bản năng thả tay. Ấm nước rơi xuống đất, va vào bình thủy bên cạnh, làm vỡ tan lớp ruột thủy tinh bên trong.

Hơi nóng bốc lên nghi ngút. Cô toát mồ hôi, ngồi bệt xuống ghế, cắn răng cởi chiếc quần ướt sũng ra, thay bằng một cái khác. Cố lờ đi cơn đau tê dại trên da thịt, cô tiếp tục lấy nước, nhóm lửa, dọn dẹp chỗ vỡ nát dưới sàn.

Cô có hơi hối hận. Nhưng hơn cả hối hận, là nỗi sợ hãi cha mẹ sẽ mắng mỏ khi về nhà. Không có bình thủy để trữ nước nóng, cô đành giảm bớt lửa than, để nước sôi chậm hơn một chút.

Sau khi dọn dẹp sạch sẽ, cô leo lên giường, nằm xuống, mới nhận ra mình không thể ngủ nổi.

Đùi cô đau rát như có lửa đốt.

Không biết làm gì khác, Hồ Mục Viễn nhớ lại mỗi lần mình bị sốt, người lớn thường lấy khăn ấm lau người cho cô. Nghĩ vậy, cô cũng vắt một chiếc khăn nóng, đắp lên vết bỏng trên đùi. Hơi ấm khiến cô có chút dễ chịu, mơ mơ màng màng thiếp đi.

Sáng hôm sau tỉnh dậy, từ đùi đến đầu gối cô nổi đầy bọng nước. Hồ Mục Viễn kinh hãi, khẽ gọi mẹ rồi kéo bà xem vết thương. Trương Thiến sững sờ, đau lòng đến mức nhất thời chẳng nói nên lời. Hồ Mục Viễn đã chuẩn bị tinh thần bị trách mắng, nhưng mẹ cô chỉ luống cuống lục tìm một tuýp thuốc mỡ, cẩn thận thoa lên da cô.

Thoa thuốc xong, cô vẫn phải mặc ba lớp quần rồi đi học như mọi ngày. Trương Thiến dặn cô cẩn thận, đừng để bọng nước vỡ ra. Nhưng bọng nước trên đầu gối cô to gần bằng quả bóng bàn, chỉ đi lại một ngày thôi đã không chịu nổi. Lúc vô tình đụng vào góc bàn, nó lập tức vỡ ra.

Giây phút ấy, cô cảm nhận rõ ràng dòng chất lỏng thấm vào lớp quần bông, tiếp đến là cơn đau rát sâu tận xương tủy. Đau hơn nhiều so với lúc bị bỏng. Cơn đau đến mức cô nín thở, siết chặt nắm tay, mặt mày tái nhợt.

Không lâu sau chuyện đó, nhà cô cùng nhà bà thím vào một gian phòng lớn sát cổng khu tập thể mới. Căn phòng rộng hơn cả một lớp học, chỉ có một tấm rèm vải chia đôi không gian, phân thành hai phần cho hai gia đình.

Hồ Mục Viễn mừng thầm, bởi ngay chính giữa gian phòng này, ngay phía trên đầu cô, có một chiếc TV màu.

Cô vốn bị cấm tiệt không được xem TV. Những lúc đặc biệt, như khi có người giăng màn chiếu phim ngoài sân bóng rổ, cô có thể đại diện cả nhà mang ghế nhỏ ra chiếm chỗ từ sớm. Nhưng ngoài ra, nếu bị Hồ Đông Thành phát hiện dừng lại trước TV nhà ai, cô sẽ không thoát khỏi một cái bạt tai.

Nhưng giờ đây, khi cả nhà ngồi ăn cơm, TV vẫn cứ bật, người lớn vẫn cứ xem. Nếu Hồ Đông Thành tâm trạng tốt, cô có thể lén nhìn vài lần. Còn nếu ông không vui, cô phải quay lưng lại với màn hình, cúi đầu lặng lẽ ăn cơm.

Vì nhà ở ngay cổng khu tập thể, không gian lại rộng rãi, nên sau bữa tối, nhiều người lớn trong khu hay kéo đến nhà Hồ Mục Viễn xem TV. Cứ thế, hết ngày này qua ngày khác, mọi người quây quần trước màn hình nhỏ, cùng nhau đuổi theo từng tập phim trên kênh trung ương, từ Đại Trường Kim* cho đến Bảo Liên Đăng*.

*Đại Trường Kim (Nàng Dae Jang Geum) Phim dã sử Hàn Quốc sản xuất năm 2003, bộ phim kể về nhân vật chính là một cô cung nữ mồ côi làm việc trong khu bếp hoàng gia đã trở thành ngự y nữ đầu tiên cho nhà vua.

*Bảo Liên Đăng 2007 xoay quanh kể về cuộc đời của Nhị Lang Thần và Tam Thánh Mẫu vào thời kỳ hỗn mang giữa trời và đất và để cho mọi người biết tại sao Tam Thánh Mẫu lại phải bị đày nhốt dưới Hoa Sơn mà trước đây người xem Bảo Liên Đăng đã từng thắc mắc.

Dĩ nhiên, Hồ Mục Viễn không nằm trong số đó. Chỉ cần làm xong bài tập, cô phải lập tức lên giường ngủ, dù khi ấy mới hơn tám giờ, dù ngay bên cạnh vẫn còn tiếng người cười nói ồn ào.

Một tối nọ, khi bộ phim đang chiếu đến cảnh Trầm Hương đi cứu Tam Thánh Mẫu, cô nghe lỏm được mấy câu, lòng ngứa ngáy khó nhịn. Cuối cùng, cô không kiềm được mà vén màn chui ra, len lén nhìn về phía TV.

Nhưng chưa xem được bao lâu, ánh mắt cô liền chạm phải ánh mắt cha mình, ông vừa quay đầu lại.

Cô giật mình co rụt về, tim đập thình thịch, tự lừa mình dối người rằng có lẽ cha không nhìn thấy. Nhưng giây tiếp theo, ông đã đứng ngay bên giường, kéo phăng tấm chăn mỏng trên người cô.

“Hay lắm sao?” Ông hỏi.

Hồ Mục Viễn không dám mở mắt, cũng không dám trả lời.

Roi quất xuống như mưa.

“Cho mày xem! Cho mày xem!”

Cô cắn răng chịu đựng, không dám hé răng nửa lời.

Sau lần đó, để ngăn cô lén xem TV sau giờ tan học, mỗi khi đi làm, Hồ Đông Thành đều tháo hẳn đầu nối dây điện mang theo bên mình.

Trời càng lúc càng nóng, Lưu Tử Quân dẫn theo đám trẻ con trong khu ra hồ bơi lội.

Hồ Mục Viễn cũng đi, nhưng cô không dám cởi đồ xuống nước, chỉ đứng bên bờ cùng Lưu Tử Hủy thả chân quẫy trong làn nước.

Thực ra hồ nước này không sâu, dù có đi từ bờ bên này sang bờ bên kia, nước cũng chưa ngập quá ngực. Lưu Tử Quân thấy vậy liền chán, bèn dẫn cả đám đến một cái ao gần đó.

Ao nước hình vuông, được xây tường gạch xanh bao quanh, bốn phía có bậc thang để đi xuống. Nước trong vắt, sâu thăm thẳm không thấy đáy.

Lưu Tử Quân nhặt một thùng xốp lớn, xé ra chia cho mỗi người một miếng. Cậu trông rất ra dáng đại ca, đĩnh đạc truyền dạy kinh nghiệm:

“Ai chưa biết bơi thì cứ ôm lấy cái này mà xuống, đảm bảo không chìm được đâu. Ôm mà đạp nước vài vòng là tự biết bơi ngay. Thật đó, trước đây tao cũng học kiểu này mà!”

Hồ Mục Viễn vội lắc đầu: “Tớ không biết bơi, tớ không dám.”

Lưu Tử Quân cũng không ép, dẫn mấy đứa con trai gan dạ ùa xuống nước.

Hồ Mục Viễn và Lưu Tử Hủy vẫn chỉ ngồi trên bậc thềm, đung đưa đôi chân trong làn nước xanh thẳm.

Lưu Tử Quân bơi rất giỏi, loáng cái đã lướt từ góc này sang góc kia, vừa dạy vừa trông chừng cả bọn.

Tiếc là chưa chơi được bao lâu, chuyện này đã bị người lớn phát hiện.