Thập Niên 90: Nữ Thần Thám Đọc Tâm

Chương 83: Bà Không Xứng Đáng Được Quan Tâm, Yêu Thương Và Tôn Trọng





Nói xong, Viên Đông Mai quay đầu vuốt nhẹ lên đỉnh đầu con gái, thở dài: "Con à, con chẳng biết làm gì cả, sau này phải làm sao đây?"

Chương Á Lan không phục, bĩu môi: "Sau này con sẽ trở thành phụ nữ vì sự nghiệp, không làm nội trợ như mẹ đâu."

Ánh mắt Viên Đông Mai lập tức trở nên ảm đạm hơn, rõ ràng bà ấy cũng biết con gái không xem trọng mẹ mình.

[Người như mình ngoài việc nhà ra, còn có thể làm gì nữa? Á Lan có thể đỗ đại học, sau này làm cảnh sát và kiếm tiền, nhưng mình thì sao? Trước đây chỉ là một nhân viên bán áo len, sau khi nghỉ việc thì chỉ ở nhà làm nội trợ, ngoài việc dọn dẹp nhà cửa, đi chợ nấu cơm thì mình còn biết làm gì nữa đây?

Cha con bé thường xuyên coi thường mình, nói mình không biết sinh con trai, không để lại được người nối dõi cho nhà họ Chương, là một tội nhân. Người như mình, nếu không ngoan ngoãn làm việc nhà, còn có thể làm gì? Á Lan cứ nói sẽ nuôi mình, đúng là lời của trẻ con mà. Sau này nó còn phải yêu đương, kết hôn, con gái lấy chồng rồi thì như bát nước đổ đi, còn mang theo một người mẹ vô dụng như mình thì còn ra cái thể thống gì nữa. Tốt hơn là cứ giữ ngôi nhà này mà sống một mình. Chỉ cần ông ấy thỉnh thoảng về nhà, mỗi tháng cho chút tiền là mình mãn nguyện lắm rồi.]

Nghe được những suy nghĩ này của Viên Đông Mai, Triệu Hướng Vãn cũng đã hiểu phần nào lý do tại sao bà ấy lại sống một cuộc sống cam chịu đến như vậy.

Thứ nhất, bà ấy cảm thấy mình không có giá trị.

Có lẽ vì sau khi nghỉ việc ở nhà làm nội trợ, không còn tiếp xúc với xã hội nữa, nên Viên Đông Mai dần mất đi giá trị xã hội, không còn nhận được sự phản hồi tích cực từ người ngoài. Tất cả cảm nhận về địa vị và ý nghĩa của mình đều đến từ đánh giá của chồng và con gái.

[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.net.vn -

Con gái Chương Á Lan ở nội trú trong giai đoạn trung học, chỉ cuối tuần và kỳ nghỉ mới về nhà, lại thêm tính cách mạnh mẽ, không hề nhận ra nhu cầu tinh thần của mẹ mình, không thể dành cho bà ấy những lời khen ngợi và sự khẳng định mà bà ấy cần.

Chồng Chương Thạch Hổ đã quen với sự hy sinh của Viên Đông Mai, không hề thấy việc bà ấy giữ nhà cửa sạch sẽ, cơm nước nóng hổi là điều gì đáng tự hào, luôn dùng những lời lẽ thiếu tôn trọng khi nói chuyện với bà. Sau khi kiếm được tiền, tâm tính gã đã thay đổi, chê bai vợ đủ điều, hơn nữa còn luôn tìm cách đè nén bà ấy.

Dần dần, Viên Đông Mai tiếp nhận thông tin rằng: "Bà là một người vô dụng, bà không xứng đáng được quan tâm, yêu thương và tôn trọng."

Thứ hai, bà bị hội chứng Stockholm.

Triệu Hướng Vãn từng đọc qua một trường hợp trong thư viện, năm 1973 tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển, xảy ra một vụ cướp ngân hàng, tội phạm bắt giữ bốn nhân viên ngân hàng làm con tin. Sau sáu ngày đối đầu, cảnh sát giải cứu con tin thành công, nhưng họ lại nảy sinh tình cảm thương cảm đối với kẻ bắt cóc, từ chối cáo buộc tội phạm, hơn nữa còn tỏ thái độ thù địch với cảnh sát. Vì vậy, trong tâm lý học tội phạm, tình cảm tuân phục, trung thành mà con tin phát triển với kẻ bắt cóc để cầu sinh trong tình huống đe dọa tính mạng này được gọi là "Hội chứng Stockholm".

Dù Viên Đông Mai không phải là con tin của Chương Thạch Hổ, cũng không phải trải qua sự đe dọa tính mạng, nhưng trong hoàn cảnh bị bạo hành gia đình và không có chỗ dựa, bà ấy buộc phải thể hiện sự tuân phục, trung thành, từ đó dần dần hình thành tâm lý phụ thuộc.

Từng bị đánh gãy xương sườn, nội tạng bị tổn thương, vậy mà lần này chỉ bị tát hai cái đã được xem là ân huệ.

Từng bị sỉ nhục, bị khinh miệt, thỉnh thoảng nhận được chút tiền đã được coi là quan tâm.

Chương Á Lan dù muốn giúp đỡ mẹ mình, nhưng cô ta chỉ biết phần bề ngoài, không hiểu được chuyện sâu xa bên trong, hơn nữa đòi hỏi mẹ mình quá cao, nên Viên Đông Mai chỉ xem lời cô ta nói về việc ly hôn cùng với chuyện cô ta sẽ nuôi bà ấy như lời nói trẻ con.