10
Sáng hôm sau, nghi trượng của Nùng Hoa công chúa đến Quả Châu đúng như dự định.
Các quan viên lớn nhỏ đều xếp hàng chờ đón, rồi theo sự hướng dẫn của huyện lệnh, rước công chúa vào thủy tạ trong thực trù.
Khi công chúa đã an vị, những món ăn được chuẩn bị suốt mấy ngày qua lần lượt được mang lên.
Món chính là món canh sườn hầm củ sen do Phúc Nương đảm nhiệm.
Phúc Nương vốn nổi danh về những món canh hầm, nàng hầm sen cùng sườn trong suốt đêm, khiến củ sen chín mềm, ngọt bùi.
Khi công chúa nhấp một thìa canh, đôi mày khẽ cong lên hài lòng.
Món thứ hai là sen tươi xào nhạt.
Sen được chọn từ những củ non nhất, thái mỏng, rồi xào nhanh tay trong dầu trong.
Hương vị thanh nhẹ, tuy không nổi bật, nhưng cũng không thể bắt bẻ được gì.
Đến lượt ta, ta chỉ cho mang lên một chiếc dĩa, úp lại bằng một chiếc bát sứ trắng.
Chu nương tử trông thấy thì giật mình, giọng khẽ trách:
“Sao lại dám dâng món như vậy…”
Nhưng không đợi bà nói hết, Nùng Hoa công chúa đã tự tay cầm đũa, khẽ nhấc chiếc bát úp lên.
Chỉ trong khoảnh khắc, hương thơm ngọt ngào tràn ngập cả gian thủy tạ.
Đó là một đĩa sen ngào đường quế hoa.
Ngoại tổ nhà ta vốn ở Kim Lăng.
Trước khi xuất giá, mẫu thân từng học được món này từ một vị sư phụ nổi danh khắp thành.
Hồi nhỏ, ta và ca ca thường về thăm ngoại tổ, và mỗi lần như thế, mẫu thân đều vào bếp tự tay làm món quế hoa sen ngào cho chúng ta.
Lúc ấy, ta ngồi bên cạnh, chăm chú nhìn từng động tác của bà, nghe bà dặn:
“Sen ngào đường, không chỉ dựa vào quế hoa và mật mía, mà còn phải đặt tấm lòng mình trong từng lát sen.”
Sau khi thành thân, ta cũng từng định làm món này.
Nhưng ngặt nỗi, kinh thành không có sen tươi.
Thành ra suốt năm năm qua, ta chưa từng một lần làm lại món quế hoa sen ngào.
Giờ đây, khi đã đến Quả Châu, ta sao có thể phụ lòng ưu ái của thiên nhiên nơi đây?
Quan trọng hơn, Cảnh Quốc công vốn là người Kim Lăng.
Đĩa quế hoa sen ngào này, hẳn sẽ hợp khẩu vị của Nùng Hoa công chúa.
Quả nhiên, trong ánh mắt thấp thỏm của mọi người, công chúa kẹp một lát sen, chậm rãi đưa lên miệng.
Nếm thử một miếng, nàng đặt đũa xuống, nhàn nhạt cất lời:
“Cũng coi như không phụ tấm lòng người chế biến.”
Một câu nói đơn giản, nhưng khiến Chu nương tử và Phúc Nương đồng loạt thở phào nhẹ nhõm.
Suốt buổi tiệc hôm đó, tâm trạng của công chúa vô cùng khoan khoái.
Khi ra về, nàng thậm chí còn để lại một bức thư pháp đề tặng thực trù.
Kể từ ngày ấy, danh tiếng thực trù vang xa.
Không chỉ ở Quả Châu, mà cả những vùng lân cận như Lương Châu, Trung Châu cũng truyền tai nhau về tài nghệ của Chu nương tử.
Chuyện vốn dĩ là chuyện tốt.
Nào ngờ, chính tiếng tăm này lại dẫn dắt Thẩm Tịch đến đây.
11
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.com.vn/ajax/get-chapter.]
Ngày Thẩm Tịch tới, ta đang bận rộn hầm một nồi canh cá.
Phúc Nương kể rằng dạo gần đây trong thành rộ lên món canh cá chua cay, tươi ngon, thanh mát.
Các tửu lâu lớn nhỏ đều đã đưa món ấy vào thực đơn.
Ta nghe xong thì lập tức xắn tay áo, chuẩn bị thử nghiệm.
Với tâm niệm: “Học nghề không ngại hỏi, học món không ngại làm.”
Ta bước ra sân, định lấy ít dưa cải chua từ trong vại.
Vừa cúi xuống vươn tay, thì bất ngờ chạm phải một bóng người.
~Truyện được đăng bởi Lộn Xộn page~
Ngước mắt lên, ta trông thấy một gương mặt quen thuộc.
Mái tóc đen nhánh buộc gọn, gương mặt thanh tú hốc hác hơn xưa.
Đôi mắt ấy nhìn ta sững sờ.
Ta đứng khựng lại, chưa kịp thốt nên lời thì hắn đã đầy vui mừng, bước nhanh về phía ta.
Chính là Thẩm Tịch.
Hai năm trời không gặp.
Hắn gạt tay đám tùy tùng, sải bước đến gần:
“Thời Vi, nàng… nàng thật sự ở đây.”
“Nàng có biết, ta đã…”
Hắn đưa tay định nắm lấy ta.
Ta lập tức nghiêng người tránh đi.
Đứng thẳng người, bình tĩnh nhìn hắn, không hề tỏ ra chút d.a.o động nào.
Hai năm qua, hắn không đổi thay mấy.
Chỉ là gương mặt từng khiến ta rung động ấy, giờ đây lại gầy guộc hơn xưa.
Nhìn hắn lúc này, ta bỗng thấy xa lạ vô cùng.
Thứ duy nhất còn chút quen thuộc, chính là chiếc áo lông cừu hắn đang mặc.
Đó là chiếc áo ta đã tự tay khâu cho hắn vào mùa đông năm ấy.
Ta vốn không khéo tay, từng mũi kim đều xiêu vẹo, đường chỉ khâu trông chẳng khác nào một con rết nhỏ ngoằn ngoèo.
Giờ đây, cổ áo đã sờn cũ, sợi lông bên trong cũng xơ xác, ngả vàng.
Vậy mà lúc còn ở phủ, ta chưa từng thấy hắn mặc.
Giờ ta rời đi mấy năm, hắn lại coi nó như bảo vật.
Nam nhân… quả nhiên là những kẻ bạc tình nhưng lại tham luyến chút hơi ấm tàn dư.
Ta lui lại hai bước, hắn cũng không nổi giận.
Ngược lại, còn nở nụ cười lấy lòng:
“Thời Vi, sao nàng lại ở đây?”
Ánh mắt hắn lướt xuống chiếc tạp dề buộc ngang eo ta, dừng lại ở bàn tay đang xách vại dưa cải chua.
Hắn khẽ nhíu mày, thở dài:
“Ta không ngờ… rời kinh thành rồi, nàng lại phải sống những ngày như thế này…”
Ta nghe xong, chỉ cười nhạt.
“Câu này của Thẩm tướng quân, nghe như thể ta từng được sống những tháng ngày an nhàn sung sướng vậy.”
Sắc mặt hắn khựng lại.