Vợ Người Du Hành Thời Gian

Chương 17: Khúc nh ạc ngắn



Thứ Tư, 12/8/1998 (Clare 27 tuổi)

CLARE: Cuối cùng mẹ cũng đã ngủ. Bà ngủ trên chiếc giường trong phòng riêng của bà; bà đã trốn khỏi bệnh viện chỉ để tìm lại căn phòng riêng của mình, nơi ẩn náu đã bị biến thành một căn phòng bệnh viện. Nhưng giờ bà đã không còn có thể nhận thức được gì. Suốt đêm bà nói, cười, thổn thức, la hét và gọi tên “Philip!” và “Mẹ ơi!” “Không, không, không...” Suốt đêm những con ve sầu và những con nhái bén của tuổi thơ tôi rộn ràng khúc âm sôi nổi của chúng. Ánh đèn ngủ khiến làn da mẹ tựa sáp ong, đôi bàn tay gầy gò của bà chắp lại van nài, chụp lấy li nước tôi đưa tới gần đôi môi khô nẻ của bà. Trời đã hửng sáng. Cửa sổ của mẹ tôi nhìn ra phía đông. Tôi ngồi trên chiếc ghế trắng gần cửa sổ, hướng mặt về phía giường, nhưng không nhìn gì cả, không nhìn mẹ tôi đang lu mờ trên chiếc giường to lớn của bà, không nhìn những lọ thuốc, những chiếc thìa và những chiếc cốc, không nhìn cột IV với túi nước truyền treo lủng lẳng và ánh đèn LED đỏ nhấp nháy và cái bô, cái chậu hình quả thận dùng để ói mửa dưới gậm giường và hộp găng tay nhựa, giỏ rác ghi dòng chữ cảnh báo Tác Nhân Sinh Học Nguy Hiểm đựng đầy kim tiêm dính máu. Tôi nhìn ra cửa sổ, về hướng đông. Lác đác những con chim đang líu lo hót. Tôi có thể nghe thấy những con bồ câu sống trên giàn đậu tía đang bắt đầu tỉnh giấc. Cả thế giới là một màu xám xịt, rồi màu sắc chậm rãi len lỏi vào trong, không phải đỏ rực một góc trời mà chậm rãi lan tỏa một vệt màu cam. Một giây trước còn lởn vởn phía đường chân trời, rồi tràn qua khu vườn, rồi ánh sáng vàng rực và bầu trời xanh, tất cả màu sắc ngân vang tại vị trí mà chúng được phân bổ, những cây loa kèn, hoa hồng, hoa xác pháo trắng và cúc vạn thọ, tất cả long lanh dưới sương mai như thủy tinh. Những cây bạch dương ở bìa rừng đang đu đưa như những sợi dây trắng trên bầu trời. Một con quạ bay ngang qua bãi cỏ, bóng của nó bay song song bên dưới và chạm vào nhau khi nó đậu xuống dưới bậu cửa sổ và kêu lên chỉ một tiếng. Ánh sáng tìm đến khung cửa sổ, trùm lên hai bàn tay, lên thân thể nặng trĩu của tôi trên chiếc ghế trắng của mẹ. Mặt trời đã lên.

Tôi nhắm mắt lại. Tiếng máy điều hòa rên rỉ. Tôi lạnh. Tôi đứng dậy và đi về phía cửa sổ khác, tắt điều hòa. Giờ thì căn phòng lặng thinh. Tôi đến bên giường. Mẹ vẫn nằm im bất động. Tiếng thở khó nhọc ám ảnh những giấc mơ của tôi đã dừng lại. Miệng bà mở he hé, chân mày nhướn lên như thể đang ngạc nhiên, cho dù mắt bà vẫn nhắm chặt; có thể bà đang hát. Tôi quỳ gối bên giường, kéo chăn lại và đặt tai lên tim bà. Làn da của bà vẫn ấm. Chẳng có gì cả. Không có tiếng tim đập, không có tiếng máu chảy, không có những nhịp thở phập phồng trong phổi. Lặng thinh.

Tôi ôm thân thể đang bốc mùi của bà vào lòng, và bà lại hoàn hảo, bà lại là người mẹ tuyệt đẹp hoàn mỹ của tôi, chỉ trong khoảnh khắc, cho dù những lóng xương của bà đang ép vào ngực tôi và đầu bà đang nghẹo xuống, cho dù cái bụng đầy tế bào ung thư căng tròn như thể bà đang có mang, bà vẫn trỗi lên trong kí ức của tôi, rực rỡ, vui tươi và nhẹ nhõm: bà tự do.

Có tiếng bước chân trong hành lang. Cửa phòng bật mở và giọng Etta vang lên:

“Clare? Ôi.. ”

Tôi đặt mẹ nằm xuống gối trở lại, vuốt chiếc váy ngủ và vuốt tóc bà.

“Mẹ cháu đã qua đời.”

Thứ Bảy, 12/9/1998 (Henry 35 tuổi, Clare 27 tuổi)

HENRY: Lucille là người rất yêu vườn tược. Mỗi khi chúng tôi đến thăm, Clare sẽ đi thẳng đến cửa trước của biệt thự Sáo Bắc Mỹ và ra cửa sau tìm Lucille, người hầu như lúc nào cũng ở trong vườn, dù nắng hay mưa. Khi bà còn khỏe, chúng tôi luôn thấy bà quỳ gối bên những luống hoa, gieo hạt hoặc bấng cây đi chỗ khác, hoặc bón phân cho những bụi hồng. Khi bà ốm, Etta và Philip đã đưa bà xuống dưới, quấn mình trong chăn và ngồi trên ghế mây, đôi khi bên cạnh vòi phun nước, đôi khi dưới gốc cây lê nơi bà có thể ngắm Peter làm việc, đào bới, xén tỉa và ghép cành. Khi Lucille còn khỏe, bà luôn tiêu khiển cho chúng tôi bằng các câu chuyện làm vườn: những con chim sẻ đầu đỏ rốt cuộc cũng phát hiện ra tổ mới, những cây thược dược cạnh đồng hồ mặt trời ra hoa đẹp hơn mong đợi, những khóm hồng mới hóa ra có màu tím oải hương xấu xí nhưng tươi tốt đến nỗi bà thấy kinh tởm và phải vứt bỏ. Một mùa hè nọ, Lucille và Alicia tiến hành một thí nghiệm mới: Alicia dành hàng giờ mỗi ngày để chơi vi-ô-lông-xen trong vườn, để xem cây cỏ sẽ phản ứng với âm nhạc như thế nào. Lucille thề rằng những khóm cà chua của bà chưa bao giờ ra nhiều quả đến thế, và bà đã cho chúng tôi xem một quả bí dài có kích cỡ bằng một bên đùi của tôi. Thí nghiệm được cho là thành công, nhưng chưa bao giờ lặp lại vì đó là mùa hè cuối cùng Lucille đủ khỏe để làm vườn.

Sức khỏe của Lucille tốt xấu theo mùa, như cây cỏ. Vào mùa hè khi tất cả chúng tôi về thăm, Lucille khỏe ra và căn nhà tràn ngập những tiếng la hét hạnh phúc, tiếng huyên náo của con trai Mark và Sharon, nó chạy quanh vòi phun nước như chó con, nhảy cẫng lên vui sướng và nô đùa trên bãi cỏ. Lucille rít hay cáu bẳn nhưng luôn luôn tao nhã. Bà đứng dậy khi chào đón chúng tôi, mái tóc trắng và đỏ đồng của bà được cuộn thành búi dày với những sợi dài xõa xuống mặt, đôi găng tay làm vườn màu trắng và dụng cụ Smith & Hawken được bỏ xuống trong lúc bà ôm chúng tôi. Lucille và tôi luôn hôn nhau chào đón rất chuẩn mực, hôn lên cả hai má, như thể chúng tôi là hai vị phu nhân bá tước già người Pháp lâu ngày không gặp. Bà lúc nào cũng rất tử tế đối với tôi, mặc dù bà có thể khiến con gái mình đau khổ chỉ bằng một cái nhìn. Tôi nhớ bà. Và “nhớ” không phải là một từ thỏa đáng để diễn tả cảm xúc của Clare. Clare cảm thấy mất mát vô cùng. Cô ấy có thể bước vào phòng và quên mất tại sao mình ở đó. Cô ấy ngồi nhìn đăm đăm vào quyển sách mà không hề lật một trang trong suốt cả giờ đồng hồ. Nhưng cô ấy không khóc. Clare mỉm cười nếu tôi pha trò. Clare ăn bất kể thứ gì tôi đặt trước mặt. Nếu tôi muốn quan hệ với Clare, cô ấy sẽ chiều theo, nhưng không lâu sau, tôi sẽ lại để cho cô ấy được yên, tôi sợ khuôn mặt ngoan ngoãn không nhỏ một giọt nước mắt nhưng lại có vẻ như đang ở ngàn dặm xa xôi của cô ấy. Tôi nhớ Lucille, nhưng Clare mới là người tôi đã đánh mất, Clare, người đã biến mất tự phương nào và bỏ tôi lại với người chỉ có vẻ ngoài giống Clare.

Thứ Tư, 26/12/1998 (Clare 27 tuổi, Henry 35 tuổi)

CLARE: Phòng của mẹ tôi trắng phau và trống trải. Tất cả các thiết bị y tế đã được đem đi. Chiếc giường bị lột sạch chỉ còn tấm đệm hoen ố và xấu xí trong căn phòng sạch tinh tươm. Tôi đang đứng trước bàn của mẹ. Đó là một chiếc bàn mi-ca nặng nề màu trắng, tân thời và lạ lẫm trong căn phòng nữ tính và thanh cao đầy các món nội thất Pháp cổ xưa. Chiếc bàn của mẹ tôi nằm trong một gian nhỏ được bao quanh bởi các ô cửa sổ. Ánh sáng ban mai đang chìm lên bề mặt trống trơn của nó. Ngăn kéo được khóa. Tôi đã dành cả giờ đồng hồ để tìm chìa khóa nhưng vẫn không tìm thấy. Tôi tì khủyu tay lên phía sau chiếc ghế xoay của mẹ và nhìn chằm chằm vào ngăn kéo. Cuối cùng tôi đi xuống dưới nhà. Phòng khách và phòng ăn trống trơn. Tôi nghe có tiếng cười trong bếp, nên tôi đẩy cửa bước vào. Henry và Nell đang túm tụm quanh đống bát, bột mì và que lăn.

“Khẽ thôi nhóc, khẽ thôi! Cậu sẽ khiến nó trở nên cứng ngắc nếu cứ lăn như vậy. Chỉ chạm khẽ vào chúng thôi, Henry, hoặc chúng sẽ nhẵn thín như kẹo cao su đấy.”

“Cháu xin lỗi. Cháu sẽ nhẹ tay, bác đừng đánh cháu như vậy. Chào em, Clare.” Henry quay người lại mỉm cười và tôi có thể thấy anh ấy đang lem luốc bột mì.

“Anh đang nấu gì vậy?”

“Bánh sừng bò. Anh đã thề sẽ thành thục nghệ thuật làm bánh bột gấp hoặc sẽ chết trong sự nỗ lực.”

“Yên nghỉ nhé, con trai”, Nell nói, miệng cười toe toét.

“Có chuyện gì vậy?” Henry hỏi trong lúc Nell điêu luyện lăn một cục bột, gấp nó lại, cắt và bọc trong giấy dầu.

“Cho cháu mượn Henry vài phút nhé, Nell.” Nell gật đầu và chỉ que lăn của bà vào Henry. “Quay trở lại sau 15 phút và chúng ta sẽ bắt đầu làm nước ướp thịt.”

“Vâng, thưa bà.”

Henry đi theo tôi lên lầu. Chúng tôi đứng trước bàn của mẹ.

“Em muốn mở nó nhưng không thể tìm được chìa khóa.”

“À.” Anh ấy ném cho tôi một cái nhìn, nhanh đến nỗi không thể hiểu nó có nghĩa là gì. “Đơn giản thôi.“ Henry đi ra khỏi phòng và quay trở lại sau vài phút. Anh ấy ngồi trên sàn trước mặt bàn, nắn thẳng hai cái kẹp giấy lại. Anh ấy bắt đầu với ngăn dưới bên trái, cẩn thận dò và xoay một cái kẹp giấy, rồi nhét cái còn lại vào sau đó. “Voila!” anh ấy nói, kéo ngăn bàn ra. Nó đựng đầy giấy. Henry dễ dàng mở bốn ngăn còn lại. Không lâu sau chúng đều mở toang hoác cả, phơi bày ra những thứ bên trong: sổ tay, giấy lò xo, danh mục dụng cụ làm vườn, túi hạt giống, bút mực và bút chì ngắn, sổ séc, một thanh kẹo Hershey, thước dây, và nhiều đồ vật nhỏ khác mà giờ đây trông có vẻ trơ trọi và bẽn lẽn trước ánh sáng ban ngày. Henry đã không đụng vào bất kì thứ gì bên trong. Anh ấy nhìn tôi; tôi hững hờ nhìn vào cửa và Henry hiểu ý. Tôi quay lại với chiếc bàn của mẹ.

Những tờ giấy không được sắp xếp theo thứ tự. Tôi ngồi trên sàn nhà vì xếp các đồ vật bên trong ngăn bàn ra trước mặt. Những món có chữ viết tay của bà được tôi vuốt phẳng và xếp sang bên trái. Một vài trong số chúng là các danh sách và ghi chú mà bà viết cho chính mình: Đừng hỏi P về S. Hay: Nhắc Etta về bữa tối thứ Sáu của B. Có rất nhiều tờ giấy được viết xiên xẹo, nguệch ngoạc, bôi đen và các đánh dấu như bàn chân của những con chim. Một vài trong số chúng có một câu hoặc một cụm từ được viết lên. Để nó cắt tóc mình bằng một con dao. Và: không thể làm nó. Và: Nếu tôi yên lặng nó sẽ trôi qua thôi. Một vài tờ là những bài thơ được đánh dấu và gạch xóa gần hết, rất ít từ còn lại, như những khúc thơ của Sappho:

Như miếng thịt cũ, thanh thản và mong manh

chẳng còn chút không khí XXXXXXX cô đồng ý

cô nói rằng XXXXXXXXXXXXXXXXXXXXXX

Hay:

bàn tay của anh ấy XXXXXX

XXXXXXXXXXXX

trong cùng cực XXXXXXXX

Một số bài thơ đã được chép lại:

Vào lúc này đây

mọi hi vọng thật mong manh

và nhỏ bé.

Âm nhạc và vẻ đẹp

là những hạt muối nêm vào nỗi đau;

một khoảng trống xé toạc băng giá

Ai có thể nói

rằng thiên thần tình ái

lại buồn đến thế?

hay có thể biết đam mê

lại thiêu chảy đêm mùa đông

dài đăng đẵng thành cơn lũ

của bóng đêm.

23/1/79

Khu vườn mùa xuân:

con thuyền của mùa hạ

bơi

trong ảo ảnh mùa đông.

6/4/79

1979 là năm em tôi mất và mẹ tôi đã tìm cách tự tử. Ruột gan tôi đau thắt và mắt nhòe lệ. Giờ thì tôi đã có thể hiểu cảm giác của bà lúc đó. Tôi đặt tất cả đống giấy tờ sang một bên, không đọc thêm nữa. Trong ngăn kéo khác, tôi tìm thấy những bài thơ viết gần đây. Và tôi tìm thấy một bài dành cho tôi:

Khu vườn dưới tuyết

tặng Clare

Giờ, khu vườn đã chìm dưới tuyết

một tờ giấy trắng chúng ta viết lên bằng những bước chân

Clare, người chưa bao giờ là của tôi

người luôn thuộc về chính nó

Công Chúa Ngủ Trong Rừng

đắp chiếc chăn bằng pha lê

nó chờ đợi

đây là mùa xuân của nó

là giấc ngủ là sự thức tỉnh của nó

con bé chờ

mọi thứ chờ

chờ một nụ hôn

những hình hài bất định của thân củ gốc rễ

tôi chưa bao giờ nghĩ

con gái tôi

khuôn mặt nó

một khu vườn, đang đợi

HENRY: Đã gần đến giờ ăn tối và tôi đang làm Nell chộn rộn, nên khi bà nói, “Chẳng phải cậu nên đi xem người đàn bà của mình đang làm gì sao ?” thì nó có vẻ là một ý hay.

Clare đang ngồi trên sàn nhà trước chiếc bàn của mẹ cô ấy, vây quanh bởi những tờ giấy trắng và vàng. Chiếc đèn bàn thả một bể ánh sáng xung quanh Clare, nhưng khuôn mặt của cô ấy ẩn trong bóng tối; mái tóc màu đồng của cô ấy chói lòa. Clare ngẩng đầu lên nhìn tôi, giơ một mẩu giấy ra và nói, “Hãy xem này, Henry, bà viết cho em một bài thơ”. Trong lúc ngồi bên cạnh Clare và đọc bài thơ, tôi tha thứ cho Lucille, đôi chút, vì sự ích kỉ lớn lao và cái chết tàn ác của bà. Tôi nhìn Clare, nói, “Nó thật hay”, và cô ấy gật đầu, mãn nguyện trong giây lát rằng mẹ cô ấy đã thực sự yêu cô ấy. Tôi nghĩ đến mẹ tôi đang hát lieder sau bữa trưa một buổi chiều mùa hè, mỉm cười với hình ảnh phản chiếu của chúng tôi trong cửa sổ một cửa hàng, quay vòng trong chiếc váy xanh dương dọc căn phòng thay đồ của bà. Bà đã rất yêu tôi. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ tình yêu của bà. Còn Lucille thay đổi như một cơn gió. Bài thơ Clare đang giữ là một bằng chứng bất biến, không thể chối cãi, là sự lưu giữ của một cảm xúc. Tôi nhìn quanh biển giấy trên sàn nhà và cảm thấy nhẹ nhõm khi biết trong đống lộn xộn này đã có thứ nổi lên khỏi mặt nước và trở thành con thuyền cứu nạn cho Clare.

“Bà đã viết cho em một bài thơ”, Clare lặp lại trong kinh ngạc. Nước mắt đang chảy ra trên má cô ấy. Tôi đưa tay ôm lấy cô ấy, cô ấy đã trở lại, vợ của tôi, Clare, đã bình an đáp bờ sau khi đắm thuyền, đang thút thít như một đứa trẻ khi thấy mẹ vẫy tay từ trên boong chiếc tàu đắm.