Vợ Người Du Hành Thời Gian

Chương 18: Giao th ừa, một



Thứ Sáu, 31/12/1999, 11 giờ 55 phút đêm (Henry 36 tuổi, Clare 28 tuổi)

HENRY: Clare và tôi đang đứng trên một sân thượng ở Wicker Park cùng với vô số những người can trường khác, chờ đợi sự đến gần của một thiên niên kỉ mới. Trời đêm nay trong trẻo và không quá lạnh; tôi có thể nhìn thấy hơi thở của chính mình, tai và mũi tôi hơi tê lại. Clare đang rúc trong chiếc khăn choàng lớn màu đen, khuôn mặt cô ấy sáng bừng trong ánh đèn đường và ánh trăng. Sân thượng này thuộc về một cặp tình nhân nghệ sĩ, bạn của Clare. Gomez và Charisse đang ở gần đây, ôm nhau khiêu vũ chậm rãi trong âm nhạc mà chỉ họ mới nghe thấy. Mọi người xung quanh đang say sưa đùa bỡn trong hơi men về những những món đồ hộp họ đã tích trữ, các biện pháp hùng mạnh họ sử dụng để bảo vệ máy tính của mình khỏi bị tiêu hủy. Tôi mỉm cười, tự nhủ rằng tất cả những điều vô nghĩa về thiên niên kỉ mới này sẽ hoàn toàn bị quên lãng khi những nhánh cây giáng sinh được dọn đi khỏi lề đường bởi nhân viên vệ sinh môi trường.

Chúng tôi đang đợi đợt pháo hoa đầu tiên bắn lên. Clare và tôi tựa người vào lan can của sân thượng và ngắm trung tâm thành phố Chicago. Chúng tôi đang quay mặt về phía đông, nhìn ra hồ Michigan. “Xin chào mọi người”, Clare nói, vẫy tay về phía hồ, về Nam Haven, Michigan. “Thật buồn cười”, cô ấy quay sang tôi. “Ở đó bây giờ đã là năm mới. Chắc rằng tất cả mọi người đều đã lên giường đi ngủ.” Chúng tôi đang trên tầng sáu, tôi ngạc nhiên về những gì tôi có thể nhìn thấy trên này. Nhà của chúng tôi ở quảng trường Lincoln nằm đâu đó phía tây bắc; khu phố của chúng tôi tối om và yên tĩnh. Khu trung tâm, ở phía đông nam, đang sáng bừng rực rỡ. Một vài tòa nhà lớn được trang hoàng Giáng Sinh, xanh rì và đỏ rực ánh đèn trên các khung cửa sổ. Tòa Sears và Hancock nhìn nhau như những con rô-bốt khổng lổ trên đầu các tòa nhà chọc trời nhỏ hơn đôi chút khác. Tôi gần thấy tòa nhà tôi đã ở khi mới gặp Clare, ở nam Dearborn, nhưng nó bị lu mờ bởi tòa nhà cao hơn, xấu xí hơn bên cạnh mà họ mới xây vài năm sau đó. Chicago có quá nhiều công trình kiến trúc xuất sắc đến nỗi họ cảm thấy có trách nhiệm phải lâu lâu đập bỏ một vài trong số chúng và dựng nên những tòa nhà gớm ghiếc chỉ để giúp tất cả chúng ta cảm kích những điều tốt đẹp hơn. Giao thông không có nhiều, ai cũng muốn có mặt ở một nơi nào đó lúc nửa đêm, không phải trên đường. Tôi nghe có tiếng pháo nổ rải rác, đôi khi ngắt quãng bởi tiếng súng của những kẻ ngu độn quên mất rằng súng đạn có nhiều công dụng hơn là chỉ tạo ra những tiếng động ầm ĩ. Clare nói, “Em tê cứng cả rồi”, và nhìn vào đồng hồ đeo tay của cô ấy. “Hai phút nữa.” Tiếng reo vui mừng nổ ra đâu đó trong vùng ngụ ý rằng, đồng hồ của ai đó đang chạy nhanh.

Tôi nghĩ về Chicago của thế kỉ tiếp. Nhiều người hơn, rất rất nhiều. Giao thông lố bịch, nhưng ít ổ gà. Sẽ có một tòa nhà gớm ghiếc trông giống như một lon Co-ca nổ tung giữa công viên Grant; phía tây sẽ dần thoát khỏi cảnh nghèo túng và phía nam sẽ tiếp tục suy tàn. Cuối cùng họ cũng sẽ đập bỏ Wrigley Field và xây một sân vận động khổng lồ xấu xí, nhưng lúc này nó vẫn đứng rực rỡ trong ánh đèn phía đông bắc.

Gomez bắt đầu đếm ngược: “Mười, chín, tám...” và tất cả chúng tôi hùa vào bắt nhịp: “Bảy, sáu, năm, bốn, BA! HAI! MỘT! CHÚC MỪNG NĂM MỚI!” Nắp Champagne được bật, pháo hoa được đốt và lướt qua bầu trời, Clare và tôi ngụp trong vòng tay nhau. Thời gian ngừng lại, và tôi hi vọng những điều tốt đẹp hơn sẽ tới.

B a

Chủ Nhật, 13/3/1999 (Henry 35 tuổi, Clare 27tuổi)

HENRY: Charisse và Gomez vừa sinh đứa con thứ ba, Rosa Evangeline Gomolinski. Chúng tôi chờ cho một tuần trôi qua rồi bất ngờ đến thăm họ với hàng đống quà và thức ăn.

Gomez mở cửa. Maximilian, ba tuổi, đang bám vào chân và giấu mặt sau đầu gối của Gomez khi chúng tôi nói, “Xin chào, Max!” Joseph, hướng ngoại hơn ở độ tuổi lên một, chạy bổ lại gần Clare và bi bô, “Ba ba ba” rồi ợ to khi cô ấy bế nó lên. Gomez đảo mắt, còn Clare cười, Joe cười, đến cả tôi cũng phải cười trước sự hỗn loạn tuyệt đối này. Nhà của họ trông như một dòng sông băng với cửa hàng Toys “R” Us bên trong vừa di chuyển, để lại hàng đống những đồ chơi Lego và những con gấu nhồi bông bị bỏ rơi.

“Đừng nhìn”, Gomez nói. “Chẳng có thứ gì ở đây là thực cả. Bọn tớ chỉ đang thử nghiệm một trong những trò chơi mô phỏng thực tế của Charisse. Bọn tớ gọi nó là Làm cha mẹ.”

“Gomez?” tiếng Charisse vọng ra từ phòng ngủ. “Có phải Clare và Henry đấy không?”

Chúng tôi kéo nhau đi qua hành lang vào phòng ngủ. Tôi liếc nhìn vào nhà bếp trong lúc đi qua. Một phụ nữ trung niên đang rửa bát.

Charisse đang nằm trên giường với em bé trong tay. Con bé đang ngủ. Nó nhỏ xíu và có mái tóc đen, trông như thổ dân Mehico. Max và Joe có tóc màu sáng. Charisse trông thật khủng khiếp (đối với tôi. Về sau Clare quả quyết rằng cô ấy trông “tuyệt vời”). Cô ấy đã tăng cân rất nhiều, có vẻ kiệt quệ và ốm yếu. Cô ấy phải mổ đẻ. Tôi ngồi xuống một chiếc ghế. Clare và Gomez ngồi trên giường, Max trèo lên với mẹ rồi rúc vào dưới cánh tay còn rảnh rang của Charisse. Thằng bé nhìn tôi chằm chằm và đút một ngón tay vào miệng, Joe ngồi trên đùi Gomez.

“Con bé thật đáng yêu”, Clare nói. Charisse mỉm cười. “Và cậu trông rất rạng rỡ.”

“Tớ mệt muốn chết”, Charisse nói. “Nhưng vậy là xong. Bọn tớ đã có cô con gái của mình.” Cô ấy vuốt má đứa bé, Rosa ngáp và đưa bàn tay nhỏ xíu lên. Cặp mắt con bé chỉ là một đường đen kịt.

“Rosa Evangeline”, Clare thủ thỉ với con bé. “Thật là một cái tên đẹp.”

“Gomez muốn đặt tên nó là Wednesday[1], nhưng tớ cương quyết không cho”, Charisse nói.

[1]Wednesday: thứ Tư.

“Dù sao thì con bé cũng sinh vào thứ Năm”, Gomez giải thích.

“Cậu muốn bế nó không?” Clare gật đầu, Charisse cẩn thận đặt cô con gái của mình vào tay Clare.

Nhìn Clare bế đứa trẻ trong tay, hiện thực của những lần xảy thai lại vây lấy tôi, và trong giây lát tôi cảm thấy buồn nôn. Tôi hi vọng mình không sắp sửa biến mất. Cảm giác nôn nao biến mất và tôi bị bỏ lại với thực tế của những gì chúng tôi đang làm: chúng tôi đang đánh mất những đứa con của mình. Chúng đang ở đâu, những đứa trẻ bị đánh mất này? Lang thang, quanh quất trong bối rối ở một nơi nào đó?

“Henry, anh có muốn bế Rosa không?” Clare hỏi tôi.

Tôi hoảng hốt. “Không”, tôi nói quá mạnh. “Anh cảm thấy thông khỏe”, tôi giải thích. Tôi đứng dậy và đi ra khỏi phòng ngủ, qua nhà bếp và ra cửa sau. Tôi đứng trong sân. Trời đang mưa lất phất. Tôi chỉ đứng và thở.

Cánh cửa sau bật mở. Gomez bước ra và đứng cạnh tôi.

“Cậu ổn chứ?” cậu ấy hỏi.

“Tớ nghĩ vậy. Chỉ cảm thấy hơi tù túng ở trong kia thôi.”

“Tớ hiểu cảm giác đó.”

Chúng tôi đứng im lặng trong vài phút. Tôi đang gắng nhớ lại những khoảnh khắc khi bố bế tôi lúc còn nhỏ. Tất cả những gì tôi có thể nhớ là chơi cùng ông, chạy nhảy, cười đùa và cưỡi trên vai ông. Tôi nhận ra Gomez đang nhìn tôi, và những giọt nước mắt đang thi nhau chảy trên má tôi. Tôi quẹt tay áo ngang mặt. Phải có ai lên tiếng nói điều gì đó.

“Đừng bận tâm đến tớ”, tôi nói.

Gomez làm một cử chỉ kì cục rồi nói, “Tớ sẽ quay lại ngay”, và biến mất vào trong nhà. Tôi đã nghĩ cậu ấy sẽ đi hẳn, nhưng rồi cậu ấy trở ra với một điếu thuốc đang cháy trên tay. Tôi ngồi xuống chiếc bàn picnic xập xệ đang ẩm ướt vì mưa và phủ đầy lá thông. Trời ngoài này khá lạnh.

“Các cậu vẫn đang cố sinh con?”

Tôi giật mình vì điều này, rồi nhận ra chắc hẳn Clarẹ đã kể cho Charisse nghe mọi chuyện, và Charisse chắc hẳn chẳng giấu Gomez điều gì.

“Phải.”

“Clare vẫn buồn vì vụ xảy thai đó sao ?”

“Các vụ xảy thai. Số nhiều. Bọn tớ xảy thai ba lần tất cả rồi.”

“Ông DeTamble, để mất một đứa con có thể bị coi là bất cẩn, nhưng để mất ba đứa thì thật cẩu thả quá mức đấy.”

“Không phải lúc tấu hài đâu, Gomez.”

“Xin lỗi.” Lần đầu tiên Gomez tỏ ra lúng túng. Tôi không muốn nói về chuyện này. Tôi chẳng có gì để nói; tôi hầu như không thể nói với Clare, với Kendrick và với các bác sĩ khác mà chúng tôi đã đặt gánh nặng lên vai họ. “Xin lỗi”, Gomez lặp lại.

Tôi đứng dậy. “Chúng ta nên vào thì hơn.”

“Họ không muốn chúng ta có mặt, họ muốn nói chuyện đàn bà với nhau.”

“Vậy thì chúng ta sẽ nói về đội Cubs nhé?” Tôi lại ngồi xuống. “Im đi.” Chẳng ai trong chúng tôi theo dõi bóng chày. Gomez đang đi tới đi lui. Tôi ước gì cậu ấy dừng lại, hoặc tốt hơn là đi vào trong. “Vấn đề là gì ?" cậu ấy hỏi, thản nhiên.

“Về cái gì? Đội Cubs hả? Theo tớ thì vì không có tay ném bóng tốt.”

“Không, nhóc thủ thư, không phải đội Cubs. Nguyên nhân khiến cậu và Clare không thể sinh con là gì?”

“Đó không phải là chuyện của cậu, Gomez.”

Cậu ấy vẫn không chịu dừng lại. “Cậu có biết nguyên nhân nằm ở đâu không?”

“Biến đi, Gomez.”

“Chậc, chậc. Coi chừng miệng lưỡi chứ. Chẳng là tớ biết một bà bác sĩ tài ba...”

“Gomez...”

“Bà ấy chuyên về rối loạn nhiễm sắc thể bào thai.”

“Tại sao cậu biết...”

“Nhân chứng chuyên gia.”

“Ồ.”

“Tên bà ấy là Amit Montague”, Gomez tiếp tục, “Bà ấy là một thiên tài. Bà ấy đã xuất hiện nhiều lần trên ti vi và đạt được đủ kiểu giải thưởng. Bồi thẩm đoàn yêu bà ấy.”

“Nếu bồi thẩm đoàn yêu bà ấy thì...” tôi bắt đầu bật lại, châm biếm.

“Cứ đi gặp bà ấy đi. Chúa ạ, tớ chỉ đang cố tìm cách giúp đỡ cậu.”

Tôi thở dài. “Được rồi. Cảm ơn.”

“Đó là ‘Cảm ơn, bọn tớ sẽ chạy đến gặp bà ấy ngay như lời cậu bảo, chiến hữu đáng mến’, hay ‘Cảm ơn, giờ thì đi chết đi’?”

Tôi đứng dậy, phủi lá thông dính trên mông. “Vào nhà thôi”, tôi nói, và chúng tôi đi vào.

B ốn

Thứ Tư, 21/7/1999 - 8/9/1998 (Henry 36 tuổi, Clare 28 tuổi)

HENRY: Chúng tôi đang nằm trên giường. Clare nằm cuộn tròn bên phía của cô ấy, quay lưng lại với tôi, và tôi nằm cuộn tròn quanh Clare, áp mặt vào lưng cô ấy. Đang khoảng hai giờ sáng, và chúng tôi vừa tắt điện đi ngủ sau một cuộc trao đổi dài vô nghĩa về sự bất hạnh trong việc sinh nở của chúng tôi. Tôi nằm áp chặt vào Clare, một bên tay tôi khum khum bên dưới ngực phải của cô ấy, tôi đang cố xác định xem liệu chúng tôi có đang đi cùng đường hay tôi đã bị bỏ lại phía sau.

“Clare”, tôi nói khẽ vào cổ cô ấy.

“Dạ?”

“Chúng ta nhận con nuôi nhé?” Tôi đã suy nghĩ về vấn đề này hàng tuần, hàng tháng nay. Nó có vẻ như là một đường vòng hợp lí: chúng tôi sẽ có một đứa con. Nó sẽ khỏe mạnh. Clare sẽ khỏe mạnh. Chúng tôi sẽ hạnh phúc. Đó là một giải pháp hiển nhiên đúng đắn.

Clare nói, “Nhưng như vậy là ngụy tạo, là giả vờ”. Cô ấy ngồi dậy, đối mặt với tôi, và tôi cũng làm y hệt.

“Nó sẽ là một đứa trẻ thực sự, và sẽ là của chúng ta. Như vậy thì có gì là ngụy tạo ?”

“Em mệt mỏi vì suốt ngày phải giả tạo rồi. Chúng ta không ngừng giả dối. Em muốn thực sự làm việc này.”

“Chúng ta không suốt ngày giả tạo. Em đang nói gì vậy?”

“Chúng ta vờ như mình là những người bình thường, có một cuộc sống bình thường! Em vờ như mình hoàn toàn ổn mỗi khi anh biến mất đến nơi chỉ có Chúa mới biết. Em vờ như mọi chuyện vẫn không có vấn đề gì khi anh suýt nữa bị giết và Kendrick không biết phải làm cái quái gì với nó! Em vờ như em không đau buồn khi các con của chúng ta chết...” Clare thổn thức và gập người lại, mặt cô ấy chìm trong tóc, một chiếc rèm cửa bằng lụa che chắn cho khuôn mặt.

Tôi mệt mỏi với những tiếng khóc. Tôi mệt mỏi vì phải nhìn Clare khóc. Tôi vô dụng trước những giọt nước mắt của cô ấy, tôi không thể làm bất cứ điều gì để thay đổi được nó.

Clare... tôi với tay chạm vào cô ấy, để an ủi cô ấy, để an ủi chính tôi, nhưng cô ấy đẩy tôi ra. Tôi đứng dậy khỏi giường và nhặt quần áo của mình. Tôi vào trong phòng tắm và mặc đồ. Tôi lấy chìa khóa của Clare từ trong túi xách của cô ấy và đi giày vào. Clare xuất hiện trong hành lang, hỏi:

“Anh đi đâu đấy?”

“Anh không biết.”

“Henry...”

Tôi bước ra ngoài, đập mạnh cửa. Thật thoải mái khi được ở bên ngoài. Tôi không thể nhớ xe đỗ ở đâu. Rồi tôi nhìn thấy nó bên kia đường. Tôi chạy lại và bước vào.

Ý nghĩ đầu tiên của tôi là sẽ ngủ trong xe, nhưng khi đã ngồi vào trong tôi quyết định sẽ lái đi đâu đó. Bãi biển, tôi sẽ lái xe ra biển. Tôi biết đây là một ý tưởng tồi tệ. Tôi đang mệt, đang buồn bực. Sẽ là điên khùng nếu lái xe lúc này. Nhưng tôi rất muốn được lái xe đi. Những con phố vắng tanh, không một bóng người. Tôi nổ máy. Nó gầm lên oai vệ. Mất hơn một phút để tôi lái xe ra khỏi bãi đỗ. Tôi nhìn thấy khuôn mặt Clare bên ô cửa sổ chính. Để cho cô ấy lo lắng. Lần đầu tiên tôi chẳng bận tâm.

Tôi đi qua Ainslie tới Lincoln, rẽ sang Western và tiếp tục đi về phía bắc. Đã khá lâu kể từ lần cuối tôi ra ngoài một mình lúc nửa đêm trong hiện tại; tôi không thể nhớ nổi lần cuối cùng tôi lái xe khi tôi không thực sự buộc phải lái là khi nào. Khá dễ chịu. Tôi tăng tốc qua nghĩa trang Roschill và đi qua một dãy dài các cửa hàng đại lí ô tô. Tôi bật radio, họ đang chơi Coltrane, nên tôi tăng volume và hạ cửa kính ô tô xuống. Tiếng ồn, những cơn gió, sự lặp lại dịu dàng của những cột đèn đỏ và đèn đường khiến tôi bình tĩnh trở lại, khiến tôi đê mê, và sau một hồi, tôi gần như quên mất lí do tôi ở đây. Ở ranh giới Evanston, tôi rẽ qua Ridge, và đi vào Dempster để tới hồ. Tôi đỗ xe gần bờ, để nguyên chìa khóa trong ổ, bước ra ngoài và đi bộ. Trời mát và yên tĩnh. Tôi đi ra cầu tàu và đứng ở cuối bến, nhìn xuống đường bờ biển Chicago đang bập bùng bên dưới bầu trời cam và tía.

Tôi mệt lử. Tôi mệt vì phải nghĩ đến cái chết. Tôi mệt vì phải làm tình với ý nghĩ một sự kết thúc. Tôi sợ nơi mà tất cả có thể sẽ chấm dứt. Tôi không biết mình có thể chịu đựng được thêm bao nhiêu áp lực nữa từ Clare.

Những bào thai, những phôi thai, và những tổ hợp tí bào mà chúng tôi không ngừng tạo ra rồi đánh mất này là gì? Chúng có gì quan trọng để phải mạo hiểm tính mạng của Clare vì nó, để nhuốm màu thất vọng lên mỗi ngày trôi qua. Tự Nhiên đang bảo chúng tôi hãy từ bỏ, Tự Nhiên đang bảo rằng: Henry, mày là một thể sinh vật thất bại của tạo hóa, và chúng tao không muốn tạo ra bất kì sinh vật nào khác giống mày nữa. Tôi đã sẵn sàng để chấp nhận điều đó.

Tôi chưa từng thấy chính mình trong tương lai với một đứa trẻ. Cho dù tôi đã dành nhiều thời gian ở bên chính mình khi còn nhỏ, cho dù tôi đã dành nhiều thời gian ở bên Clare khi còn nhỏ, tôi không cảm thấy cuộc sống của mình không trọn vẹn nếu không có một đứa trẻ của riêng tôi. Không một bản thể từ tương lai nào của tôi từng khích lệ tôi hãy tiếp tục kiên trì. Thậm chí, vài tuần trước, tôi đã không thể chịu nổi và hỏi tôi đến từ năm 2004, khi đụng mặt cậu ta ở thư viện Newberry. Chúng ta có bao giờ có con không? Tôi hỏi. Tôi chỉ mỉm cười và nhún vai. Cậu phải sống và trải nghiệm nó thôi, xin lỗi, cậu ta trả lời, chảnh chọe và cảm thông. Ôi Chúa ạ, cứ nói toẹt ra đi, tôi khóc, thét ầm lên trong lúc cậu ta giơ tay lên và biến mất. Đồ khốn, tôi rống lên, Isabelle thò đầu qua cửa an toàn và hỏi tại sao tôi đứng đây la hét, rồi tôi nhận ra rằng họ có thể nghe thấy tôi từ phòng đọc.

Tôi không thấy có cách nào để thoát khỏi những chuyện này. Clare đang bị nó ám ảnh. Amit Montague khích lệ cô ấy, kể cho cô ấy nghe chuyện về những đứa trẻ sinh ra như một kì tích, đưa cho cô ấy đồ uống vitamin và khiến tôi nhớ đến Đứa trẻ của Rosemary. Có lẽ tôi nên đình công. Phải rồi, đó là giải pháp: đình công tình dục. Tôi cười với chính mình. Tiếng cười bị nuốt chửng bởi những con sóng đang hiền từ vỗ vào cầu tàu. Khó mà khả thi. Tôi sẽ ngã quỵ chỉ trong vài ngày.

Đầu tôi đau nhức. Tôi gắng ngó lơ; tôi biết nó xuất hiện vì tôi đang mệt. Tôi tự hỏi liệu tôi có thể ngủ trên bãi biển mà không bị ai quấy rầy không. Trời đêm tuyệt đẹp. Tôi đang ngây ngất trong ánh sáng mãnh liệt trải vàng dọc cầu tàu và trên khắp mặt tôi thì đột nhiên đã thấy mình trong bếp của Kimy, nằm ngửa người bên dưới chiếc bàn ăn, vây quanh bởi những cái chân ghế. Kimy đang ngồi trên một trong những chiếc ghế và đang nhìn tôi dưới gầm bàn. Hông trái của tôi đang tựa vào giày của bà.

“Chào bạn già”, tôi nói yếu ớt. Tôi cảm thấy như sắp sửa lăn ra ngất xỉu.

“Sẽ có ngày cháu khiến ta trụy tim mà chết, anh bạn ạ”, Kimy nói. Bà thúc tôi bằng mũi giày. “Chui ra khỏi đó và mặc quần áo vào.”

Tôi lăn ra khỏi bàn, cuộn tròn người trên thảm lót sàn và nghỉ một Iát, trấn tĩnh lại và cố không nôn ra sàn.

“Henry, cháu ổn chứ?” Kimy nhoài người về phía tôi. “Cháu muốn ăn gì không? Súp nhé? Ta có súp thịt đấy. Hay cà phê?” Tôi lắc đầu. “Cháu muốn nằm lên ghế sofa không? Cháu ốm hả?”

“Không, Kimy, cháu ổn, cháu sẽ ổn thôi.” Tôi gắng gượng đứng dậy. Tôi lảo đảo bước vào phòng ngủ và mở tủ quần áo gần như trống không của Kimy, ngoại trừ vài chiếc quần jeans đủ kích cỡ được treo cẩn thận, xếp theo thứ tự từ của một cậu bé đến người lớn, vài chiếc áo sơ mi trắng, tủ quần áo dự phòng nho nhỏ của tôi, sẵn sàng vì chờ đợi. Tôi mặc quần áo vào rồi quay trở lại nhà bếp, cúi người xuống Kimy và hôn nhẹ lên mi bà. “Hôm nay là ngày bao nhiêu ạ?”

“8 tháng Chín, năm 1998. Cháu từ đâu đến?”

“Tháng Bảy tới.” Chúng tôi ngồi xuống bàn. Kimy đang chơi ô chữ New York Times.

“Chuyện gì xảy ra ở tháng Bảy tới?”

“”Đó là một mùa hè mát mẻ, khu vườn của bà rất đẹp. Tất cả cổ phiếu công nghệ đều đang lên. Bà nên mua cổ phiếu của Apple vào tháng Một tới”

Kimy ghi chú trên một góc của chiếc túi giấy màu nâu. “Được rồi. Còn cháu? Cháu ổn chứ? Clare thế nào? Bọn cháu có con chưa?”

“Cháu đói quá. Cho cháu ít súp mà hồi nãy bà nhắc đến nhé?”

Kimy nặng nề di chuyển ra khỏi ghế và mở tủ lạnh. Bà lôi ra một cái chảo và bắt đầu hâm lại súp. “Cháu chưa trả lời câu hỏi của ta.”

“Chẳng có gì mới, Kimy ạ. Vẫn không có con. Clare và cháu dùng mọi thời gian tỉnh táo để cãi nhau về nó. Làm ơn đừng bắt đầu lên lớp cháu nhé?”

Kimy quay lưng lại phía tôi. Bà mạnh tay khuấy súp. Lưng bà tỏa ra sự phiền muộn. “Ta không ‘lên lớp’ cháu. Ta chỉ hỏi vậy thôi, được chứ?”

Chúng tôi yên lặng trong vài phút. Tiếng ồn của chiếc thìa cọ vào đáy chảo khiến tôi khó chịu. Tôi nghĩ đến Clare nhìn ra ngoài cửa sổ lúc tôi lái xe đi mất.

“Kimy.”

“Sao, Henry?”

“Tại sao bà và ông Kim không sinh con?”

Im lặng hồi lâu. Rồi: “Chúng ta đã có con.”

“Thật sao?”

Bà đổ món súp nghi ngút khói vào một trong những chiếc tô Mickey Mouse mà tôi đã rất thích khi còn nhỏ. Bà ngồi xuống và đưa tay vuốt tóc, vén những sợi tóc bạc đang xõa ra vào trong búi tóc nhỏ phía sau. Kimy nhìn tôi, nói, “Ăn súp đi. Ta sẽ quay lại ngay.” Bà đứng dậy và đi ra khỏi bếp. Tôi nghe tiếng bà lê bước trên hành lang. Tôi ăn súp của mình. Nó đã gần hết khi bà quay trở lại.

“Đây là Min. Con gái của ta” Tấm ảnh trắng đen đã mờ của một cô bé khoảng chừng năm, sáu tuổi đang đứng trước nhà của bà Kim, trước căn nhà này, nơi tôi đã lớn lên. Cô bé mặc đồng phục trường Công Giáo, mỉm cười, tay cầm một chiếc ô. “Đó là ngày đầu tiên nó đến trường. Nó đã rất hạnh phúc, rất sợ.”

Tôi chăm chú nhìn tấm ảnh. Tôi ngại không dám hỏi gì. Tôi ngẩng đầu lên. Kimy đang nhìn chăm chăm ra cửa sổ, ra dòng sông. “Chuyện gì đã xảy ra?”

“Con bé đã qua đời. Trước cả khi cháu được sinh ra. Nó bị bạch cầu”

Đột nhiên tôi nhớ ra. “Có phải cô bé hay ngồi ở xích đu trong sân sau? Trong bộ váy đỏ?”

Kimy sững sờ nhìn tôi chằm chằm. “Cháu đã thấy nó ?”

“Cháu nghĩ vậy. Đã khá lâu rồi. Khi cháu khoảng bảy tuổi. Cháu đứng trên bậc cầu thang dẫn ra sông, trần trùng trục, và cô bé bảo cháu rằng tốt hơn cháu đừng có lại gần vườn nhà cô ấy, và cháu cãi lại rằng đó là vườn nhà cháu, nhưng cô ấy không tin. Cháu đã không hiểu.” Tôi cười. “Cô bé nói với cháu rằng mẹ cô bé sẽ tét vào mông cháu nếu cháu không đi chỗ khác.”

Kimy cười run run. “Con bé nói đúng.”

“Khi đó cô bé chỉ mới vài tuổi.”

Kimy mỉm cười. “Con bé rất hiếu động. Bố nó hay gọi nó là Mồm Rộng. Ông ấy yêu nó rất nhiều.” Kimy quay đầu đi chỗ khác, lén lấy tay chạm vào mắt. Trong kí ức của tôi ông Kim là một người trầm lặng, người dành hầu hết thời gian ngồi trên chiếc ghế bành và xem thể thao trên ti vi.

“Min sinh năm bao nhiêu ạ?”

“1949. Con bé mất năm 1956. Thật khôi hài, đáng lẽ nó đang là một bà trung niên với con cái của riêng nó vào lúc này. Đáng lẽ nó đang 49 tuổi. Con của nó sẽ đang học đại học, có thể lớn hơn một chút.” Kimy nhìn tôi, và tôi nhìn lại bà.

“Bọn cháu đang cố, Kimy ạ. Bọn cháu đang thử tất cả những gì có thể nghĩ đến.”

“Ta đã không nói gì cả.”

Kimy hấp háy mắt với tôi như thể bà là Louise Brooks hay ai đó khác. “Này anh bạn, ta đang mắc kẹt ở ô chữ này. Ô thứ 9 dọc, bắt đầu bằng chữ K...”

CLARE: Tôi nhìn cảnh sát trong những bộ đồ lặn sục sạo khắp hồ Michigan. Một buổi sáng nhiều mây nhưng chưa gì đã rất nóng. Tôi đang đứng trên cầu tàu đường Dempster. Có năm chiếc xe cứu hỏa, ba xe cứu thương và bảy xe cảnh sát đang nhấp nháy đèn. Có 17 nhân viên cứu hỏa và sáu nhân viên cứu thương, 14 nam cảnh sát và một nữ cảnh sát - một phụ nữ mập lùn, người có cái đầu như bị bóp nén lại bởi chiếc mũ của cô ấy, người không ngừng nói những câu tẻ nhạt nhằm an ủi tôi cho đến khi tôi khao khát được đẩy cô ta ngã khỏi cầu tàu. Tôi đang ôm quần áo của Henry. Đang là năm giờ sáng. Có 21 nhà báo, một vài trong số họ là phóng viên truyền hình với xe tải và micro, cùng những người quay phim của họ, một vài người khác là phóng viên báo giấy với các nhiếp ảnh gia. Có một cặp đôi già đang đứng quanh rìa hiện trường, thận trọng nhưng tò mò. Tôi gắng không nghĩ đến những miêu tả của viên cảnh sát về cảnh Henry nhảy khỏi cầu tàu, lọt vào ánh đèn pha của xe cảnh sát. Tôi gắng không nghĩ.

Hai nhân viên cảnh sát mới đến bước dọc cầu tàu. Họ trao đổi với một vài cảnh sát đã có mặt ở đây từ trước, rồi một trong số họ, viên cảnh sát già hơn, tách ra và đi về phía tôi. Ông ấy có bộ ria mép cong quăn tít, đuôi bé tí teo, kiểu cổ điển. Ông ấy giới thiệu mình là đội trưởng Michels và hỏi tôi liệu có lí do gì khiến chồng tôi muốn tự kết liễu đời mình hay không.

“Tôi không nghĩ vậy. Anh ấy bơi rất giỏi, có lẽ anh ấy chỉ đang bơi đến Wilmette hay đâu đó thôi”...

Tôi vẫy tay về phía bắc... “và anh ấy sẽ sớm trở lại...”

Viên đội trưởng vẫn có vẻ hồ nghi. “Anh ấy có sở thích đi bơi lúc nửa đêm?”

“Anh ấy bị mất ngủ.”

“Anh chị có cãi nhau trước đó? Anh ấy có tức giận?”

“Không”, tôi nói dối. “Dĩ nhiên không.” Tôi nhìn ra biển. Tôi biết mình không có vẻ thuyết phục. “Lúc đó tôi đang ngủ, chắc hẳn anh ấy đã quyết định đi bơi và không muốn đánh thức tôi.”

“Anh ấy có để lại ghi chú?”

“Không.” Trong lúc đang lục lọi trong đầu để tìm sự giải thích hợp lí hơn, tôi nghe có tiếng rơi tõm gần bờ. Tạ ơn Chúa! Vừa đúng lúc. “Anh ấy kia rồi!” Henry bắt đầu đứng lên khỏi mặt nước, nghe tiếng tôi gọi và lặn xuống trở lại, bơi vào gần cầu tàu.

“Clare. Chuyện gì đang diễn ra vậy?”

Tôi quỳ xuống cầu tàu. Henry có vẻ mệt mỏi và lạnh. Tôi nói khẽ, “Họ tưởng anh bị chìm. Một trong số họ đã nhìn thấy anh nhảy xuống khỏi cầu tàu. Họ đã tìm xác anh suốt hai giờ đồng hồ.”

Henry có vẻ lo lắng, nhưng cũng có vẻ thích thú. Bất cứ điều gì có thể chọc tức cánh cảnh sát đều khiến anh ấy thích. Tất cả các nhân viên cảnh sát đã quây lại quanh tôi và nhìn Henry trong yên lặng.

“Anh là Henry DeTamble?” viên đội trưởng hỏi.

“Phải. Ông có phiền nếu tôi lên bờ không?” Tất cả chúng tôi đi theo Henry lên bờ, Henry bơi, còn chúng tôi đi bên cạnh anh ấy trên cầu tàu. Anh ấy bước lên khỏi mặt nước và đứng ướt như một con chuột lột. Tôi đưa áo sơ mi cho Henry, anh ấy dùng nó để lau người. Anh ấy mặc đống quần áo còn lại vào rồi đứng điềm tĩnh, đợi cho đám cảnh sát quyết định xem họ sẽ làm gì với anh ấy. Tôi muốn ôm chầm lấy anh ấy mà hôn rồi giết chết anh ấy. Hoặc ngược lại. Henry quàng tay qua người tôi. Anh ấy lạnh và ướt nhèm nhẹp. Tôi tựa vào anh ấy, để lấy cái lạnh, và anh ấy tựa vào tôi, để lấy hơi ấm. Cảnh sát tra hỏi anh ấy. Anh ấy trả lời họ rất lịch sự. Đây là những viên cảnh sát Evanston, cùng một số cảnh sát ở Morton Grove và Skokie ghé qua chỉ để cho đông đúc. Nếu họ là cảnh sát Chicago, họ sẽ biết Henry và sẽ bắt giam anh ấy.

“Tại sao anh không trả lời khi cảnh sát tuần tra yêu cầu anh ra khỏi mặt nước?”

“Lúc đó tôi đang đeo bịt tai, thưa đội trưởng.”

“Bịt tai?”

“Để tránh không cho nước vào tai.” Henry giả vờ tìm kiếm trong túi. Tôi không biết chúng biến đâu mất rồi. Tôi luôn đeo bịt tai khi bơi.”

“Tại sao anh đi bơi vào lúc ba giờ sáng?”

“Tôi không ngủ được.”

Và nhiều nữa. Henry nói dối trơn tru và đưa ra các dẫn chứng để chứng minh câu chuyện của mình. Cuối cùng, phía cảnh sát bất đắc dĩ phải phạt anh ấy vì tội đi bơi khi bãi biển đã đóng cửa. Mức phạt là 500 đô la. Khi cảnh sát để chúng tôi đi, các nhà báo, nhiếp ảnh và máy quay đổ dồn vào chúng tôi trong lúc chúng tôi bước về xe của mình. Không có gì để nói. Chỉ ra ngoài đi bơi thôi. Làm ơn, chúng tôi không muốn bị chụp hình. Click. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được xe, nó đang nằm trơ trọi một mình với chùm chìa khóa vẫn còn nguyên trong ổ, trên đường Sheridan. Tôi khởi động máy và kéo cửa kính xuống. Cảnh sát và đám nhà báo cùng cặp bô lão đang đứng trên bãi cỏ nhìn chúng tôi. Chúng tôi không nhìn nhau.

“Clare.”

“Henry.”

“Anh xin lỗi.”

“Em cũng vậy.” Anh ấy nhìn tôi, chạm vào tay tôi đang đặt trên cần lái. Chúng tôi về nhà trong im lặng.

Thứ Sáu, 14/1/2000 (Clare 28 tuổi, Henry 36 tuổi)

CLARE: Kendrick dẫn chúng tôi qua một mê cung thảm, tường vữa và hành lang cách âm, rồi đi vào một phòng họp. Phòng không có cửa sổ, chỉ có tấm thảm xanh và một chiếc bàn đen dài, vây quanh bởi những chiếc ghế xoay bọc đệm. Có một tấm bảng trắng và vài cây bút dạ, một chiếc đồng hồ phía trên cửa, bình đựng cà phê và cốc, kem và đường bỏ sẵn bên trong. Kendrick và tôi ngồi xuống bàn, còn Henry đi tới đi lui khắp phòng. Kendrick gỡ kính ra và mát-xa hai bên sống mũi bằng các đầu ngón tay. Cánh cửa mở ra và một người đàn ông gốc Tây Ban Nha trong bộ đồ phẫu thuật đẩy xe vào phòng. Trên xe là một cái lồng được che bằng vải. “Ngài muốn đặt nó ở đâu?” người đàn ông trẻ hỏi, và Kendrick nói, “Cứ để cả xe đó, nếu cậu không cảm thấy phiền”, người đàn ông nhún vai rồi bỏ đi. Kendrick đi tới cửa và xoay tay nắm rồi vặn đèn tối bớt lại. Tôi chỉ lờ mờ thấy Henry đang đứng cạnh cái lồng. Kendrick đi về phía anh ấy và lặng lẽ tháo lớp vải.

Mùi gỗ tuyết tùng tỏa ra cừ chiếc lồng. Tôi đứng dậy và nhìn nó chằm chằm. Chẳng có gì ngoài một cái lõi của cuộn giấy vệ sinh, vài bát thức ăn, một chai nước và một cái bánh xe tập thể dục, mùn cưa từ gỗ cây tuyết tùng. Kendrick mở nắp lồng và thò tay vào, nhấc lên một thứ gì đó nhỏ và trắng. Henry và tôi tiến lại gần, nhìn vào con chuột tí hon đang ngồi nháy mắt trong lòng bàn tay của Kendrick. Kendrick lôi từ trong túi ra một cái đèn pin nhỏ bật nó lên và không ngừng chớp về phía con chuột. Con chuột căng ra, rồi biến mất.

“Ồ”, tôi nói. Kendrick đặt tấm vải trở lại lồng và bật điện lên. “Nó sẽ được công bố trên số tuần tới của tờ Nature”, ông ấy nói, mỉm cười. “Nó sẽ là bài báo chính.”

“Xin chúc mừng”, Henry nói. Anh ấy liếc nhìn đồng hồ. “Chúng thường biến mất trong bao lâu? Và chúng đi đâu?”

Kendrick chỉ tay về phía bình cà phê và cả hai chúng tôi gật đầu. “Chúng thường biến mất trong khoảng mười phút”, ông ấy nói, rót ra ba cốc cà phê trong lúc trò chuyện, rồi đưa cho chúng tôi mỗi người một cốc. “Chúng đi đến phòng thí nghiệm động vật ở dưới tầng hầm, nơi chúng sinh ra. Chúng có vẻ không thể du hành nhiều hơn vài phút theo mỗi chiều của dòng thời gian.”

Henry gật đầu. “Chúng sẽ du hành xa hơn khi chúng lớn hơn.”

“Đúng vậy, cho đến giờ đó là biểu hiện chung.”

“Ông đã làm thế nào vậy?” tôi hỏi Kendrick. Tôi vẫn không thể tin ông ấy đã thực sự làm được nó.

Kendrick thổi cà phê của mình và nhấp một ngụm, rồi nhăn mặt. Cà phê khá đắng, tôi bỏ thêm đường vào cốc của mình. “Việc Celera hoàn thành sự sắp xếp của toàn bộ hệ thống gen ở chuột đã giúp ích rất nhiều”, ông ấy nói. “Nó chỉ cho chúng tôi nơi cần tìm bốn bộ gen mà chúng tôi lấy làm mục tiêu. Nhưng dù sao chúng tôi cũng có thể hoàn thành thí nghiệm cho dù không có nó.”

“Chúng tôi đã tiến hành sao chép các gen của cậu và sử dụng các en-zim để cắt các phần DNA bị tổn thương. Rồi chúng tôi lấy những mẫu này nhét vào các bào thai chuột ở kì phân bào cuối. Đó là phần khá dễ dàng.”

Henry nhướn lông mày. “Phải rồi, dĩ nhiên. Clare và tôi làm như vậy suốt, ở trong bếp của chúng tôi. Vậy phần khó khăn là gì ?” Anh ấy ngồi lên mặt bàn và đặt cốc cà phê bên cạnh. Tôi có thể nghe thấy tiếng cót két phát ra từ xe tập thể dục trong lồng.

Kendrick liếc nhìn tôi. “Phần khó khăn là khiến những chuột mẹ sinh sản thành công. Chúng không ngừng chết, vì xuất huyết.”

Henry có vẻ cảnh giác cao độ. “Những con chuột mẹ chết?”

Kendrick gật đầu. “Chuột mẹ chết, và chuột con chết. Chúng tôi không thể khám phá ra vì sao, nên chúng tôi bắt đầu theo dõi chúng sát sao từng giây phút, và rồi chúng tôi nhận ra. Các thai nhi đã đi xuyên thời gian, ra khỏi bụng mẹ, rồi lại quay về, khiến những con chuột mẹ chảy máu trong mà chết. Hoặc chúng chỉ đơn giản ngừng phát triển bào thai ở ngày thứ mười. Thật dễ bực bội.”

Henry và tôi trao đổi cái nhìn rồi quay mặt đi chỗ khác. “Chúng tôi có thể hiểu cảm giác đó”, tôi nói với Kendrick.

“Phải”, ông ấy nói. “Nhưng chúng tôi đã giải quyết được vấn đề.”

“Bằng cách nào ?” Henry hỏi.

“Chúng tôi nghĩ đó có thể là phản ứng miễn dịch. Có điều gì đó ở bào thai chuột rất khác lạ đối với hệ thống miễn dịch của chuột mẹ nên chúng tìm cách chống lại bào thai như thể nó là một loại vi-rút. Nên chúng tôi đã kìm hãm hệ thống miễn dịch của chuột mẹ lại, và nó có hiệu quả như một phép màu.”

Tim tôi đập tận lên tai. Như một phép màu.

Kendrick đột nhiên khom người lại và nhặt thứ gì đó trên sàn lên. “Tóm được mày rồi”, ông ấy nói, xòe con chuột trong lòng bàn tay ra.

“Hay lắm!” Henry nói. “Giờ thì sao?”

“Liệu pháp gen”, Kendrick trả lời. “Thuốc, hóa chất” Ông ấy nhún vai. “Mặc dù chúng tôi có thể khiến nó xảy ra chúng tôi vẫn không hiểu tại sao nó xảy ra. Hoặc làm thế nào nó xảy ra. Nên chúng tôi sẽ cố tìm hiểu điều đó.” Ông ấy đưa con chuột cho Henry.

Anh ấy chụm tay lại và Kendrick thả con chuột vào. Henry tò mò xem xét nó kĩ lưỡng.

“Nó có một vết xăm”, anh ấy nói.

“Đó là cách duy nhất để chúng tôi có thể theo dõi chúng”, Kendrick đáp. “Chúng khiến các kĩ sư ở phòng thí nghiệm động vật phát điên, chúng luôn trốn thoát.”

Henry cười. “Đó là ưu thế tiến hóa của chúng tôi”, anh ấy nói. “Chúng tôi trốn thoát.” Anh ấy vuốt ve con chuột và nó ỉa lên lòng bàn tay anh ấy.

“Không có sức chịu đựng trước áp lực”, Kendrick nói, rồi đặt con chuột vào lồng, nó chạy biến vào lõi của cuộn giấy vệ sinh.

Ngay khi về nhà, tôi gọi cho bác sĩ Montague và bép xép về sự kìm hãm hệ thống miễn dịch và xuất huyết trong. Bà ầy lắng nghe rất cẩn thận và bảo tôi đến gặp bà ấy vào tuần tới, trong thời gian từ giờ đến lúc đó, bà ấy sẽ tìm hiểu thêm về vấn đề này. Tôi đặt điện thoại xuống và Henry đang nhìn tôi lo lắng sau mục kinh tế của tờ Times. “Đáng để thử mà”, tôi bảo anh ấy.

“Rất nhiều con chuột mẹ đã chết trước khi họ tìm ra giải pháp”, Henry nói.

“Nhưng nó đã có hiệu quả! Kendrick đã thành công!”

Henry chỉ nói, “Phải”, rồi tiếp tục đọc báo. Tôi mở miệng định nói rồi thay đổi ý định và đi ra ngoài, bước vào xưởng vẽ. Tôi quá phấn khích để tranh cãi vào lúc này. Nó đã có hiệu quả. Như một phép màu. Như một phép màu.

Năm

Thứ Năm, 11/5/2000 (Henry 39 tuổi, Clare 28 tuổi)

HENRY: Tôi đang bước trên đường Clark một ngày cuối mùa xuân năm 2000. Chẳng có gì đáng chú ý về cảnh tượng này. Chỉ là một buổi tối ấm áp đáng yêu ở Andersonville, và tất cả các thanh niên thời thượng đang ngồi uống những cốc cà phê lạnh đắt tiền của họ bên những chiếc bàn nhỏ ở Kopi, hoặc đang ngồi ăn Couscous[1] bên những chiếc bàn cỡ trung ở Reza, hoặc chỉ đang đi bách bộ, ngó lơ các cửa hàng ăn vặt Thụy Điển và trầm trồ khen những con chó của nhau. Đáng lẽ tôi đang phải làm việc, ở năm 2002, nhưng mặc kệ. Matt sẽ phải thay tôi làm buổi Show ‘N Tell vào trưa nay. Tôi tự nhủ sẽ dẫn cậu ấy đi ăn tối để đền đáp.

[1] Couscous: Một món ăn vùng Bắc Phi, được làm từ bột mì) và thịt (hoặc nước thịt).

Trong lúc vẩn vơ lượn quanh, tôi bất ngờ nhìn thấy Clare bên kia đường. Cô ấy đang đứng trước cửa George - một cửa hàng quần áo cổ điển - và ngắm những bộ đồ trẻ con bày mẫu. Đến cả tấm lưng của cô ấy cũng thèm thuồng, cả đôi vai của cô ấy cũng thở dài trong khao khát. Tôi đứng đó nhìn cô ấy, cô ấy tựa trán lên cửa sổ của cửa hàng và cứ thế đứng chán ngán. Tôi băng qua đường, tránh một chiếc xe tải nhỏ và một chiếc Volvo, rồi đứng sau lưng Clare. Cô ấy ngẩng đầu lên, giật mình, và nhìn vào bóng tôi trong cửa kính.

“Ồ, là anh”, cô ấy nói rồi quay người lại. “Em tưởng anh đang đi xem phim với Gomez ?” Clare có vẻ hơi cảnh giác, một chút hối lỗi, như thể tôi vừa bắt gặp cô ấy đang làm điều gì đó mờ ám.

“Có lẽ vậy. Thực ra đáng lẽ anh phải ở nơi làm việc. Vào năm 2002.”

Clare mỉm cười. Cô ấy trông mệt mỏi. Tôi nhẩm ngày tháng trong đầu và nhận ra lần xảy thai thứ năm của chúng tôi vừa xảy ra cách đây ba tuần. Tôi ngần ngại, rồi quàng tay qua người cô ấy, tôi ngạc nhiên khi cô ấy nhẹ nhõm tựa đầu lên vai tôi.

“Em khỏe chứ?” Tôi hỏi.

“Em cảm thấy khủng khiếp lắm”, cô ấy nói khẽ. “Mệt mỏi.” Tôi nhớ ra. Cô ấy đã nằm lì trên giường trong nhiều tuần lễ. “Henry, em từ bỏ rồi.” Cô ấy nhìn tôi, cố tìm cách đọc phản ứng của tôi trước câu nói này, chăm chú cân nhắc những gì tôi biết. “Em từ bỏ. Nó sẽ chẳng bao giờ diễn ra cả.”

Có điều gì ngăn tôi khỏi đưa cho cô ấy điều cô ấy cần? Tôi không nghĩ có lí do gì khiến tôi không thể nói cho cô ấy nghe. Tôi đứng đó và lục lọi trong trí nhớ. Tất cả những gì tôi nhớ là sự chắc chắn của cô ấy, mà tôi sắp sửa tạo ra.

“Hãy kiên trì, Clare.”

“Sao cơ?”

“Đừng từ bỏ. Trong hiện tại của anh, chúng ta có một đứa con."

Clare nhắm mắt lại, thì thầm, “Cảm ơn”. Tôi không biết cô ấy đang nói với tôi hay với Chúa. Chẳng quan trọng. “Cảm ơn anh”, cô ấy nói lại nhìn vào tôi, nói với tôi, và tôi cảm thấy như mình là một thiên thần trong phiên bản cuồng loạn nào đó của Lễ Truyền Tin. Tồi nhoài người hôn cô ấy; tôi có thể cảm nhận được niềm vui, sự kiên định và mục tiêu đang tràn ngập trong Clare. Tôi nhớ đàn cá đầu nhỏ xíu đầy tóc đen chui ra từ giữa hai chân Clare và tôi kinh ngạc trước cách khoảnh khắc này tạo ra điều kì diệu đó, và ngược lại. Cảm ơn. Cảm ơn.

“Anh biết trước ?” Clare hỏi tôi

“Không.’’ Cô ấy có vẻ thất vọng. “Không những anh không biết, mà anh còn làm tất cả mọi việc có thể để ngăn em khỏi có mang lần nữa.”

“Tuyệt.” Clare cười. “Vậy bất kể chuyện gì xảy ra, em cứ phải im lặng và cứ thế thuận theo ?”

“Phải.”

Clare nhìn tôi cười rạng rỡ, và tôi cười lại. Cứ thế thuận theo.

Sáu

Thứ Bảy, 3/6/2000 (Clare 29 tuổi, Henry 36 tuổi)

CLARE: Tôi đang ngồi ở bàn ăn và lơ đãng lật tờ Chicago Tribune ngắm Henry dỡ đồ tạp phẩm. Những cái túi giấy màu nâu đứng thẳng hàng trên mặt bàn. Henry lôi ra nào những ketchup, thịt gà, và pho-mát Gouda như một nhà ảo thuật. Tôi không ngừng đợi cho con thỏ và những dải dây bằng lụa xuất hiện. Nhưng thay vào đó, anh ấy lôi ra nấm, đậu đen, mì sợi, xà lách, dứa, váng sữa, cà phê, củ cải, bột yến mạch, bơ, pho-mát Cottage, bánh mì đen, mayonnaise, trứng, dao cạo, lăn khử mùi, táo xanh, bánh mì vòng, tôm, pho-mát kem, ngũ cốc đông MiniWheats, sốt cà chua tỏi, nước cam đông lạnh, cà rốt, bao cao su, khoai lang... bao cao su? Tôi đứng dậy và đi tới bàn, cầm chiếc hộp xanh lên và lắc trước mặt Henry. “Sao, anh đang ngoại tình hả?”

Anh ấy ngước lên nhìn tôi thách thức trong lúc lục lọi tủ lạnh. “Không. Chúa đã hiển linh gặp anh. Anh đang đứng trong gian hàng kem đánh răng khi nó diễn ra. Em muốn nghe không?”

“Không.”

Henry đứng dậy và quay về phía tôi. Biểu hiện của anh ấy như một tiếng thở dài, “Dù sao em cũng cứ nghe nhé: chúng ta không cứ tiếp tục cố gắng sinh con nữa.”

Đồ phản bội. “Chúng ta đã đồng ý...”

“... tiếp tục cố gắng. Anh nghĩ năm lần xảy thai đã đủ rồi. Anh nghĩ chúng ta đã cố gắng đủ rồi.”

“Không. Ý em là... tại sao không thử thêm lần nữa?” Tôi gắng không để sự van nài lộ ra trong giọng nói, không để sự giận dữ đang vùng dậy trong cổ họng tôi thoát ra ngoài.

Henry đi vòng qua bàn, đứng trước mặt tôi, nhưng không đụng vào tôi, biết rằng anh ấy không thể đụng vào tôi. “Clare, lần xảy thai tiếp theo sẽ lấy đi tính mạng của em, và anh sẽ không tiếp tục làm việc có thể khiến em chết. Năm lần xảy thai... Anh biết em muốn tiếp tục, nhưng anh không thể. Anh không thể chịu đựng thêm được nữa, Clare. Anh xin lỗi.”

Tôi chạy ra cửa sau và đứng trong ánh nắng, bên cạnh bụi mâm xôi. Những đứa con của chúng tôi, chết, được bọc trong giấy lụa và nằm trong những chiếc hộp gõ nhỏ xíu, đang trú trong bóng râm, trong buổi chiều muộn, bên cạnh những bụi hồng. Tôi cảm nhận thấy cái nóng của mặt trời trên da thịt, còn chúng rùng mình sâu bên dưới khu vườn mát mẻ của một ngày giữa tháng Sáu này. Hãy giúp mẹ, tôi nói trong đầu với đứa con tương lai của chúng tôi. Bố không biết, và mẹ không thể nói cho bố biết. Hãy đến nhanh lên.

Thứ Sáu, 9/6/2000 - 9/11/1986 (Henry 36 tuổi, Clare l5 tuổi)

HENRY: 8 giờ 45 phút sáng, thứ Sáu, tôi đang ngồi trong phòng chờ của bác sĩ Robert Gonsalez. Clare không biết tôi đến đây. Tôi quyết định sẽ cắt ống dẫn tinh.

Văn phòng của bác sĩ Gonsalez nằm trên đường Sheridan, gần Diverey, trong một trung tâm y tế sang trọng, ngay phía trên nhà kính Lincoln Park. Phòng đợi được trang trí màu nâu và xanh sẫm, rất nhiều khung hình của những người chiến thắng các cuộc đua ngựa thường niên Derby vào những năm 1880. Rất đàn ông. Tôi có cảm giác như đáng lẽ tôi phải chùm một chiếc áo khoác ngoài mặc khi hút thuốc và bập bùng điếu xì gà bự chảng giữa hai hàm. Tồi cần rượu.

Người phụ nữ dễ mến ở phòng Kế hoạch hóa gia đình đã quả quyết với tôi bằng giọng dịu dàng, có chuẩn bị sẵn, của cô ấy rằng việc này sẽ không đau một chút nào. Có năm người đàn ông khác đang ngồi đợi cùng tôi. Tôi tự hỏi có phải họ bị lậu, hay vì tuyến tiền liệt của họ dở chứng. Hoặc cũng có thể một vài người trong số họ giống như tôi, ngồi đây đợi để chấm dứt con đường trở thành một ông bố tương lai. Tôi có cảm giác đồng cảm với những người đàn ông không quen biết này, tất cả chúng tôi ngồi đây cùng nhau trong căn phòng màu nâu của những đồ vật bằng da và gỗ, trong buổi sáng xám xịt này, đợi để được bước vào phòng khám và tụt quần ra. Có một người đàn ông rất già đang ngồi nhoài người về phía trước, đôi bàn tay siết chặt cây gậy của mình, mắt nhắm lại sau cặp kính cận dày cộm làm nổi bật hai mí mắt của ông. Chắc hẳn ông ấy không ở đây để đợi được cắt. Một cậu thanh niên mới lớn đang ngồi đọc lướt qua tờ Ensquire cũ kĩ, giả vờ thờ ơ. Tôi nhắm mắt lại và tưởng tượng mình đang ở trong một quán bar, cô bartender đang quay lưng lại phía tôi và pha cốc Scotch với một lượng nhỏ nước ấm. Có lẽ đó là một quán bar của Anh. Phải, như vậy sẽ lí giải cho các đồ vật trang trí. Người đàn ông bên trái tôi ho, một tiếng ho rung phổi, và tôi mở mắt ra, tôi vẫn đang ngồi trong phòng đợi của bác sĩ. Tôi lén nhìn đồng hồ trên tay người đàn ông phía bên phải của tôi. Anh ta có một chiếc đồng hồ thể thao to bự mà bạn có thể dùng để bấm giờ các cuộc đua hoặc gọi cho phi thuyền mẹ; 9 giờ 58 phút. Hai phút nữa đến giờ hẹn của tôi. Có vẻ bác sĩ bị muộn giờ. Lễ tân gọi, “Cậu Liston”, và cậu thanh niên trẻ đột ngột đứng dậy đi qua cánh cửa nặng nề vào trong văn phòng. Những người còn lại trong chúng tôi ngấm ngầm nhìn nhau, như thể chúng tôi đang ở trên tàu điện và có ai đó đang tìm cách bán tờ Streetwise cho chúng tôi.

Tôi cứng đơ vì căng thẳng. Tôi tự nhủ rằng việc tôi sắp làm là cần thiết, và là điều tốt. Tôi không phải là một kẻ phản bội. Tôi không bội ước. Tôi đang cứu Clare khỏi sự sợ hãi và những nỗi đau. Cô ấy sẽ không bao giờ biết. Nó sẽ không làm tổn thương ai. Có lẽ có một chút. Một ngày nào đó tôi sẽ nói cho cô ấy biết, và cô ấy sẽ nhận ra tôi bắt buộc phải làm vậy. Chúng tôi đã cố gắng. Tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi không phải một kẻ phản bội. Cho dù nó có làm tổn thương ai, thì cũng đáng. Tôi làm điều này vì tôi yêu cô ấy. Tôi nghĩ đến hình ảnh Clare ngồi trên giường, chìm trong máu, và thổn thức, tôi cảm thấy như muốn bệnh.

“Anh DeTamble.” Tôi đứng dậy, giờ thì tôi thực sự cảm thấy bệnh. Đầu gối tôi oằn lại. Tâm trí tôi vặn vẹo, và tôi khom người lại, nôn mửa, tôi đang quỳ xuống bằng cả hai tay và hai chân, sàn nhà lạnh lẽo và tràn ngập những ngọn cỏ chết lởm chởm. Bụng tôi trống không, tất cả những gì tôi nôn ra là chất nhầy. Trời rất lạnh. Tôi nhìn lên. Tôi đang ở trong cánh rừng thưa, trên đồng cỏ. Những ngọn cây trơ trụi, bầu trời đầy mây, bóng tối đang tiến đến gần. Chỉ có mình tôi.

Tôi đứng dậy và đi tìm hộp quần áo. Không lâu sau tôi đã mặc một chiếc áo phông của nhóm Gang of Four và áo len, quần jeans, đôi tất nặng nề và đôi ủng bộ đội màu đen, áo choàng len đen và đôi găng tay rộng màu xanh dương. Có thứ gì đó đã cắn thủng hộp và làm tổ bên trong. Bộ quần áo này cho tôi biết đang là giữa thập niên 80. Clare đang khoảng 15 hay 16 tuổi. Tôi tự hỏi có nên nán lại và đợi cô ấy hay cứ thế đi nơi khác. Tôi không biết mình có thể đối mặt với tuổi xuân phơi phới của Clare lúc này hay không. Tôi quay người và bước về phía vườn cây ăn quả.

Có vẻ như đang là cuối tháng Mười Một. Đồng cỏ chỉ một màu nâu và tạo ra những tiếng lạo xạo cùng cơn gió. Những con quạ đang giành nhau những quả táo rụng bên rìa vườn cây ăn quả. Ngay khi tôi bước tới gần chúng, tôi nghe có tiếng ai đó thở hổn hển và chạy về phía sau tôi. Tôi quay người lại, đó là Clare.

“Henry...” Clare đi theo tôi, túm lấy tay tôi. “Sao vậy? Em đã làm gì sao? Tại sao anh không chịu nói chuyện với em?”

Ôi Chúa ơi. “Anh đã định làm một chuyện vì em, một chuyện quan trọng, nhưng đã không thành. Anh đã hồi hộp quá mức và biến mất đến đây.”

“Là chuyện gì vậy?”

“Anh không thể nói với em. Anh thậm chí còn không nói với em ở hiện tại. Em sẽ không thích ý tưởng đó một chút nào.”

“Vậy thì tại sao anh muốn làm nó?” Clare run rẩy trong gió. “Đó là cách duy nhất. Anh đã không thể thuyết phục được em. Anh đã nghĩ chúng ta sẽ thôi cãi nhau nếu anh làm việc này.” Tôi thở dài. Tôi sẽ thử lại một lần nữa, và nếu cần, sẽ thêm lần khác nữa.

“Tại sao chúng ta cãi nhau?” Clare ngước lên nhìn tôi, căng thẳng và lo lắng.

Nước mũi cô ấy chảy ròng ròng.

“Em bị cảm lạnh hả?”

“Vâng. Tại sao chúng ta cãi nhau?”

“Mọi chuyện bắt đầu khi vợ của đại sứ của em tát vào mặt người tình của thủ tướng của anh tại buổi vũ hội được tổ chức ở đại sứ quán. Việc này đã ảnh hưởng đến giá nhập khẩu lúa mạch, dẫn đến tình trạng thất nghiệp cao và các cuộc bạo động...”

“Henry.”

“Sao vậy?”

“Chỉ lần này thôi, chỉ một lần này thôi, anh có thể thôi trêu chọc em và nói cho em biết điều em đang hỏi được không?"

“Anh không thể.”

Không có sự báo trước, Clare tát vào mặt tôi, mạnh. Tôi lùi lại, ngạc nhiên, và vui mừng.

“Tát anh nữa đi.”

Cô ấy có vẻ lúng túng, lắc đầu. “Làm ơn đi, Clare.”

“Không. Tại sao anh lại muốn em đánh anh? Em đã muốn trừng phạt anh.”

“Anh muốn em trừng phạt anh. Hãy làm ơn.” Tôi giơ mặt ra.

“Anh bị làm sao vậy?”

“Mọi việc thật tồi tệ và có vẻ như anh chẳng còn có thể cảm nhận được nó.”

“Việc gì tồi tệ? Có chuyện gì đang diễn ra vậy?”

“Đừng hỏi anh.” Clare tiến lại gần, rất gần, và cầm tay tôi, tuột chiếc găng tay màu xanh lố bịch ra, đưa lòng bàn tay tôi lên miệng cô ấy và cắn. Cơn đau khốc liệt. Cô ấy dừng lại và tôi nhìn vào tay mình. Máu đang từ từ chảy từng giọt nhỏ quanh vết cắn. Tôi chắc hẳn sẽ bị ngộ độc máu, nhưng lúc này tôi không bận tâm.

“Nói cho em biết đi.” Mặt cô ấy cách mặt tôi chỉ vài phân. Tôi hôn cô ấy, rất thô bạo. Cô ấy chống cự lại. Tôi thả cô ấy ra và cô ấy quay lưng lại với tôi. “Anh làm vậy là không tốt chút nào”, cô ấy nói lí nhí.

Có chuyện gì với tôi thế này? Clare, ở tuổi 15, không phải là người đang tra tấn tôi hàng tháng trời, người không từ bỏ hi vọng có con, người mạo hiểm với cái chết và nỗi tuyệt vọng, người biến những cuộc ái ân thành chiến trường la liệt xác chết trẻ con. Tôi đặt tay lên vai Clare. “Anh xin lỗi. Anh rất xin lỗi, Clare.”

Cô ấy quay mặt lại. Cô ấy đang khóc, khuôn mặt lấm lem. May mắn thay có một tờ Kleenex trong túi áo khoác của tôi. Tôi chấm nhẹ lên mắt cô ấy, và cô ấy cầm lấy tờ khăn giấy, hỉ mũi.

“Anh chưa từng hôn em bao giờ.” Ôi, không. Mặt tôi chắc hẳn tức cười lắm, vì Clare đã phá lên cười. Không thể tin được. Tôi thật là một thằng đần.

“Ôi Clare,... quên nó đi, nhé? Coi như nó chưa từng xảy ra. Lại đây nào. Thử lần nữa nhé? Clare?”

Cô ấy ngập ngừng bước về phía tôi. Tôi quàng tay qua người cô ấy. Mắt cố ấy đỏ hoe, mũi đang sưng mọng, chắc chắn cô ấy đang bị cảm nặng. Tôi đặt tay lên hai tai cô ấy, đỡ đầu và hôn cô ấy. Tôi cố đặt hết cả chân tình vào nụ hôn, để gửi gắm, phòng khi tôi lại lạc mất nó.

Thứ Sáu, 9/6/2000 (Clare 29 tuổi, Henry 36 tuổi)

CLARE: Henry có vẻ im lặng, lơ đãng và trầm ngâm suốt cả buổi tối. Trong suốt bữa ăn, anh ấy có vẻ đang lục tìm trong trí nhớ tất cả những cuốn sách anh ấy đã đọc trong năm 1942 hay sao đó. Chưa kể, tay phải của anh ấy được băng kín mít. Sau bữa tối, anh ấy đi vào phòng ngủ và nằm lên giường, đầu quay về phía cuối giường, chân đặt lên gối của tôi. Tôi đi vào xưởng vẽ, đổ giấy vào khuôn và uống cà phê nhưng vẫn không tìm được cảm hứng vì tôi không thể hiểu có chuyện gì đã xảy ra với Henry. Cuối cùng, tôi quay vào nhà. Anh ấy vẫn nằm yên ở vị trí đó, trong bóng tối.

Tôi nằm xuống sàn. Lưng tôi phát ra tiếng kêu răng rắc khi tôi duỗi người.

“Clare?”

“Dạ?”

“Em có nhớ lần đầu tiên anh hôn em không?”

“Rất rõ.”

“Anh xin lỗi.” Henry quay người.

Tôi cháy lên trong tò mò. “Anh đã buồn bực chuyện gì vậy? Anh đã định làm việc gì đó, nhưng không thành, và anh nói em sẽ không thích nó. Là chuyện gì vậy?”

“Làm sao em có thể nhớ tất cả những điều đó?”

“Em là Đứa Con Của Voi. Anh sẽ nói với em chứ?”

“Không.”

“Nếu em đoán, anh sẽ nói em đã đoán đúng hay sai chứ?”

“Có lẽ không.”

“Tại sao không?”

“Vì anh mệt lắm rồi, và anh không muốn cãi nhau vào tối nay.” Tôi cũng không muốn cãi nhau. Tôi thích nằm dưới sàn như thế này. Khá lạnh nhưng rất vững chãi. “Anh đã đi cắt ống dẫn tinh.”

Henry im lặng. Anh ấy im lặng trong khoảng thời gian rất dài, đến nỗi tôi muốn đặt một chiếc gương trước mặt anh ấy để xem anh ấy còn thở hay không. Cuối cùng, anh ấy nói, “Làm sao em biết?”

“Em không biết chính xác. Em đã sợ điều đó là đúng. Và em đã nhìn thấy ghi chú anh viết về cuộc hẹn với bác sĩ sáng nay.”

“Anh đã đốt mẩu ghi chú đó rồi mà.”

“Em đã nhìn thấy vết hằn trên tờ giấy bên dưới tờ anh đã viết lên.”

Henry rên rỉ. “Được rồi, Sherlock. Anh đầu hàng.” Chúng tôi tiếp tục nằm yên bình trong bóng tối.

“Anh cứ làm đi.”

“Sao cơ?”

“Anh cứ đi cắt ống dẫn tinh. Nếu anh cảm thấy buộc phải làm như vậy.”

Henry lại quay người và nhìn tôi. Tất cả những gì tôi có thể nhìn thấy là bóng của cái đầu trên nền trần tối. “Em không la mắng anh.”

“Không. Em cũng không thể tiếp tục được nữa. Em từ bỏ. Anh đã chiến thắng, chúng ta sẽ thôi không tìm cách sinh con nữa.”

“Anh không nghĩ đây là một chiến thắng. Chỉ là, nó có vẻ... cần phải vậy.”

“Sao cũng được.”

Henry xuống khỏi giường và ngồi xuống sàn nhà với tôi. “Cảm ơn em.”

“Không có gì.” Anh ấy hôn tôi. Tôi nhớ lại ngày tháng Mười Một lạnh lẽo của năm 1986 mà Henry vừa từ đó trở về, nhớ cơn gió, nhớ hơi ấm từ cơ thể anh ấy tỏa ra giữa vườn cây ăn quả lạnh giá. Không lâu sau, lần đầu tiên trong nhiều tháng, chúng tôi quan hệ mà không cần lo đến hậu quả. Henry bị lây trận cảm của tôi 16 năm trước. Bốn tuần sau, Henry đi cắt ống dẫn tinh và tôi phát hiện ra mình đã mang thai lần thứ sáu.