Trần Lương bèn đi tìm những cung nhân tiền triều còn sống sót, dẫn từng người tới nhận mặt.
Thế nhưng không ai phủ nhận — tất cả đều gọi ta là Vĩnh Ninh công chúa.
Thậm chí, ta còn báo địa chỉ quê nhà cho Trần Lương, bảo hắn đến đó tìm phụ mẫu ta nhận người.
Kết quả, hắn nói nơi ấy quả thật có một thôn gần con suối nhỏ, nhưng chưa từng nghe nói có người cha nào như ta kể.
Ta không rõ Hoàng hậu năm xưa đã làm cách gì, giống như lúc các bà ấy thoa thuốc gì đó lên tay ta — mới ba ngày, đôi tay đầy vết chai sạn, trầy trụa của ta… đã trắng nõn mịn màng, hệt như chưa từng lao động một ngày nào.
Đã không nói rõ được, ta bèn ngẩng đầu lên, cười hì hì:
Truyện được dịch và đăng tải bởi Diệp Gia Gia
“Phải đấy, ta cố gắng lắm mà. Cố gắng sống tiếp — như vậy cũng sai sao?”
Ánh mắt Tiêu Hạc thoáng tối đi, nhưng rồi cũng mỉm cười:
“Không sai. Nhưng nếu ngươi muốn sống…thì phải có ích đối với ta.”
Tiêu Hạc cho người đón ta ra khỏi căn phòng nhỏ nơi ta bị giam lỏng.
Thật ra nơi ấy cũng không tệ — ít ra còn hơn mấy chỗ nằm chen chúc trong Tân giả khố, nằm rồi chẳng ngóc đầu dậy nổi.
Ra ngoài rồi, ta mới hiểu vì sao hắn lại gầy đến thế.
Trời còn chưa sáng rõ, bóng trăng vẫn còn in trên nền đất, hắn đã phải dậy để phê tấu chương.
Phê từ lúc trăng còn treo thấp, đến khi trăng lên tới đỉnh đầu, hắn vẫn chưa xong.
Đống tấu chương ấy dài lê thê, đọc mãi không hết.
Hắn lên triều, ta không được đi theo.
Nhưng Vượng Tài thì thích kể chuyện, hắn dùng cả tay chân mà mô tả cảnh có vị đại thần nào đó chọc giận Tiêu Hạc đến nỗi khiến hắn rút kiếm c.h.é.m người ngay tại chỗ.
Mà Tiêu Hạc đã nói chém… thì thật sự là chém.
Chợ hành quyết ở đầu phố ba ngày hai bận lại nhuộm đỏ đất.
Vượng Tài lại thấy những vụ xử trảm ấy là đáng.
Hắn nghiến răng nghiến lợi nói:
“Bọn sâu mọt ấy, bệ hạ cho cơ hội rồi mà còn tham. Nếu không phải vì lũ tham quan kia, ta cũng chẳng phải làm thái giám, cũng chẳng đến nỗi không biết phụ mẫu mình còn sống hay đã chết.”
Nói đến cuối, giọng hắn đã mang theo cả nghẹn ngào.
Trong cung, thái giám nào cũng có một quãng đời cay đắng.
Có người trèo lên cao rồi thì quên cả gốc gác, có người thì cả đời không quên nổi.
Vượng Tài chính là kiểu người không quên được.
Ngày Tiêu Hạc phá thành tiến cung, hắn cầm dao, tay run lẩy bẩy, đ.â.m một nhát từ sau lưng tên tổng quản từng ngày ngày hành hạ hắn.
Trần Lương thấy vậy, bảo hắn là kẻ cứng cỏi, bèn đưa về làm việc bên cạnh Tiêu Hạc.
Ta cũng thấy hắn là người gan dạ, nên dẫu hắn có lời ra tiếng vào với ta, ta cũng không buồn giận.
Dù sao ta cũng là Du Xuân Chi, cái người hắn mắng… vốn chẳng phải ta.
Tiêu Hạc đem ta theo bên người, trừ lúc thượng triều và lúc đi ngủ thì không cần ta theo.
Hắn còn cho nâng tiêu chuẩn cơm nước của ta, ba bữa đều dùng chung với hắn.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.net.vn -
Thịt kho ngọt ngào, cơm trắng dẻo thơm, canh gà nóng hổi.
Chỉ là… không thấy món cải trắng hầm cầu kỳ như Vượng Tài từng kể.
Vượng Tài mắt sáng long lanh, giọng đầy sùng bái mà nói với ta:
“Bệ hạ mới chẳng thèm ăn mấy món cầu kỳ tốn công kia đâu! Người bảo như thế là tổn hao dân lực. Ăn cơm mà, phải chú trọng thực chất mới là quan trọng nhất.”
Ta nhét đầy cơm vào miệng, vừa nhai vừa gật đầu liên tục để tỏ ý tán thành.
Cho đến một ngày, ta ăn no quá, đầu óc cứ như bị cơm nghẽn lại, liếc sang thấy Tiêu Hạc mới ăn có vài miếng đã định tiếp tục vùi đầu vào đống tấu chương.
Không hiểu ma xui quỷ khiến gì, ta bèn múc một muỗng cơm, đưa đến bên miệng hắn:
“Ăn thêm chút đi. Ngài gầy thế này, phụ mẫu ngài dưới suối vàng nhìn thấy sẽ xót lắm.”
Chỉ trong khoảnh khắc, tay ta đã bị hắn nắm chặt, mắt lạnh như sương:
“Ngươi cũng xứng nhắc đến phụ mẫu ta sao? Nhà ta chẳng còn ai cả. Nhưng nhà ngươi cũng không còn. Muốn đóng đinh lên n.g.ự.c ta à? Ngươi còn non lắm.”
Theo lý thì ta nên sợ.
Lúc mới vào cung, ma ma dạy rằng phải biết sợ, nhất là trước bậc quân vương.
Nhưng ta nhìn hắn bao ngày qua… lại chẳng sao sinh nổi cái cảm giác ghê rợn như khi đối diện với Hoàng hậu tiền triều.
Tính ương ngạnh nổi lên, ta lại đưa muỗng cơm sát vào hơn một chút:
“Vậy thì càng phải ăn. Người dưới đất không trèo lên để đút cơm cho ngài được đâu. Ngài mà không ăn, họ sẽ lo đấy.”
“Bịch”— trong điện đã có người quỳ rạp xuống nền.
Lưu công công – tổng quản thái giám bên cạnh Tiêu Hạc – kinh hãi kêu lên:
“Ngươi to gan! Người đâu, mau lôi nàng xuống!”
Thế nhưng Tiêu Hạc lại bất ngờ nuốt luôn muỗng cơm ta đút, rồi bật cười, nụ cười chẳng rõ là châm biếm hay thỏa mãn:
“Ngươi có biết vì sao trẫm giữ ngươi bên cạnh không? Là để ngươi tận mắt thấy — trẫm làm hoàng đế, còn tốt gấp trăm ngàn lần lũ vua chúa Đại Yến các ngươi.”
“Trẫm muốn nghe chính miệng ngươi nói: Đại Yến vong quốc… là đáng.”
Ánh mắt hắn rực sáng, đầy cố chấp.
Ta gật gật đầu, lại múc một muỗng cơm khác đưa lên:
“Được, Đại Yến mất là đáng. Nào, ăn thêm một muỗng nữa nhé.”
Từ sau hôm ấy, mọi người trong điện Cần Chính nhìn ta cứ như nhìn một kẻ điên.
Vượng Tài hỏi ta:
“Ngươi làm vậy là vì cái gì?”
Ta gãi đầu, đáp:
“Hắn là người tốt. Mà người tốt thì phải sống lâu trăm tuổi. Không ăn cơm, chỉ lo làm việc… ta sợ hắn c.h.ế.t mất.”
Trước kia, lúc đói đến mức tưởng như không sống nổi, ta vẫn phải giặt y phục đến tê dại cả người, vừa giặt vừa tưởng tượng — giá mà trên trời có người tốt giáng xuống, đánh ngã hết bọn cắt xén khẩu phần, để ta được ăn no một bữa rồi lại tiếp tục giặt.
Tiêu Hạc chính là người đó.
Sau khi được thả ra, ta có đến Tân giả khố một chuyến.