Sờ một lúc, thấy cũng đủ, ta cúi xuống, ghé sát tai hắn thì thầm:
“Tiêu Hạc, ngươi đúng là đồ ngốc…Ta vốn không phải công chúa đâu. Ta tên là Du Xuân Chi, người ở thôn Khê Thủy, huyện Hạ Hà. Ngươi nghe rõ chưa?”
Nói xong, ta thở dài một hơi:
“Thôi thôi, cũng chẳng phải ngươi ngốc, là Hoàng hậu Đại Yến quá giỏi dối trá. Vậy thì cứ coi như ta là Vĩnh Ninh công chúa đi. Làm công chúa cũng chẳng tệ — còn có thể ăn cơm cùng ngươi.”
Nếu ta vẫn là cung nữ nhỏ bé như xưa, e là chỉ có thể quỳ bên hành lang, ngay cả ngẩng đầu lén nhìn hắn cũng không dám.
Thế mà rốt cuộc… ta vẫn khiến hắn nổi giận.
Lúc hắn cầm tấu chương hỏi ta chuyện bên trong, mới phát hiện — ta đến một chữ cũng không biết.
Tiêu Hạc lập tức sầm mặt:
“Sớm nghe nói ngươi mười ba tuổi đã vì si tâm với nam nhân mà tuyệt thực, bị đưa đến hành cung dưỡng bệnh. Không ngờ ngươi còn hoang đường hơn cả lời đồn — đến chữ cũng không biết.”
“Từ hôm nay trở đi, mỗi ngày ba canh giờ, ngồi ngay cạnh trẫm mà học cho bằng được.”
Bị hắn cười nhạo, ta dĩ nhiên không vui.
Nhưng học chữ là chuyện tốt — ta còn thấy vui hơn cả khi được ăn cơm.
Cho nên lúc học hành, ta dốc lòng còn hơn cả ăn uống.
Học được một thời gian, Tiêu Hạc lại bắt đầu bất mãn với ta chuyện mới.
Hắn chỉ vào một quyển tấu chương, lạnh lùng nói:
“Nhờ ‘ơn’ của Đại Yến các ngươi, kinh thành lại tụ thêm một đám dân chạy nạn. Ngươi mang thân là công chúa Đại Yến, chẳng có lý nào ngươi được hưởng phúc mà bọn họ phải chịu khổ. Vậy đi theo lo việc an trí cho dân chạy nạn đi.”
Truyện được dịch và đăng tải bởi Diệp Gia Gia
Hắn nói đến chuyện lũ lớn năm ngoái — sông Hoàng Hà vỡ đê, đó là cây rơm cuối cùng đè sập lưng Đại Yến.
Bao nhiêu người dọc theo sông c.h.ế.t chìm, c.h.ế.t đói, c.h.ế.t rét, đến lúc đê vỡ, người ta mới phát hiện đê từ đầu đã xây bằng toàn đồ rẻ tiền.
Mà khi ấy, lão hoàng đế lại bận xây cung điện cho sủng phi, ra lệnh bắt thợ xây khắp cả nước, mặc kệ dân tình sống c.h.ế.t ra sao.
Một nửa binh lính của Tiêu Hạc là đánh vào, nửa còn lại… là dân đói dọc đường mở cổng thành, chủ động nghênh hắn vào.
Các cung nữ trong Ngũ Cốc Hiên nghe chuyện đều quỳ xuống xin ta, mong ta thỉnh cầu một ân chuẩn, đưa họ theo cùng.
Đào Hoa là người cầu khẩn tha thiết nhất. Nàng vừa khóc vừa nói:
“Quận chúa, người cho tiện nữ đi theo đi. Tiện nữ là người vùng ấy, từng theo dòng dân chạy nạn mà trốn ra. Lúc đó nhờ gặp được quân Tiêu gia, mới giữ được mạng. Giờ tiện nữ muốn về, làm chút việc vì quê hương.”
Các nàng mới nhập cung chưa bao lâu, nào biết quy củ nơi này nghiêm đến nhường nào — cung nữ đâu dễ được xuất cung.
Ta còn đang do dự thì Vượng Tài đã vỗ n.g.ự.c nói chắc nịch:
“Đừng khóc nữa. Gia đây… sẽ lo xong chuyện cho các ngươi.”
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.net.vn -
Việc an trí dân chạy nạn cũng chẳng khác gì làm ở ngự thiện phòng.
Hai người một bếp, một người nhóm lửa, một người nấu cháo.
Cháo nấu xong, cắm đũa đứng vững được là đạt yêu cầu.
Nấu rồi thì múc từng bát, từng bát đưa cho dân.
Phải nhanh tay — chậm sẽ dễ sinh hỗn loạn.
Ai nấy đều là người khổ mệnh.
Ngoài Thanh Hòa bệnh vừa khỏi, còn yếu, thì các nàng còn lại tay chân đều rất lanh lẹ.
Đặc biệt là Đào Hoa, làm việc như điên từ sớm đến khuya, đến độ suýt ngất xỉu, bị ta ép nghỉ mới thôi — mà vẫn còn cười được.
Nàng cười nói:
“Thấy có lương thực, trên đầu còn có mái che… vậy thì có gì mà mệt? Người không biết năm ngoái ven sông Hoàng Hà trông thảm đến thế nào đâu.”
“Bọn ta đứng trên chỗ cao là còn may, nhìn xuống dưới toàn là nước. Trong nước thì đầy những khuôn mặt sưng phồng trắng bệch, không còn nhìn ra ai là phụ thân, ai là mẫu thân, ai là thê tử, ai là con mình nữa.”
“Nước rút rồi, quan phủ chẳng phát hạt gạo nào cứu tế, còn cấm không cho bỏ chạy. Chỉ với nửa bao gạo, biểu tỷ ta bị người ta mua đi mất. Mẫu thân ta sợ tổ phụ đem ta bán tiếp, nửa đêm kéo ta bỏ trốn.”
“Mấy tỉ muội trong làng ta…không biết có ai còn sống để được ăn một bát cháo như thế này hay không nữa.”
Nàng là thật sự vui vẻ, vui đến chẳng rơi nổi nước mắt.
Nhưng những người khác thì không nhịn được.
Nghe nàng kể, mắt ai nấy đều đỏ hoe, nước mắt cứ thế rơi ròng ròng.
Đặc biệt là Thanh Hòa, nghẹn ngào đến mức bóp chặt tay, cả bàn tay bị móng cào rớm máu, vẫn gắng bò dậy, giành lấy việc trong tay Đào Hoa để tiếp tục làm.
Cả đám chúng ta nhiệt tình làm việc, hừng hực như có lửa.
Cho đến ngày thứ năm, đám dân chạy nạn không biết nghe tin từ đâu, biết ta là công chúa tiền triều — liền cúi xuống đất lượm đá, ném thẳng vào ta.
Trong đám người rộ lên những tiếng chửi rủa căm giận:
“Phì! Để một kẻ như ngươi phát cháo cho chúng ta? Đại Yến các ngươi làm đủ chuyện thất đức, vốn chẳng nên có kẻ nào còn sống sót! Con gái ta mới mười bảy tuổi, giờ nằm đó không mở miệng ăn nổi — ngươi phải c.h.ế.t thay nó mới phải!”
“Trả lại mạng cho con trai ta!”
“Cái thứ hoàng tộc súc sinh các ngươi, thế mà còn có quan lại ngu muội muốn giữ khí tiết cho! Lão già Trương Minh Công kia — một bụng bản lĩnh trị thuỷ, lại dám nói gì mà ‘trung thần không thờ hai vua’ thề c.h.ế.t chứ không làm quan cho triều ta!”
“Nếu ngươi thật lòng muốn giúp người dân, thì đừng có đứng đây phát cháo giả nhân giả nghĩa, đi mà tìm lũ già ngoan cố kia, mắng chúng một trận, mắng chúng đến khi nào chịu ra làm việc thì thôi!”
Giữa cơn ầm ĩ đầy mắng chửi ấy, có một lão nhân dáng người gầy gò, lưng thẳng như cây tùng, lời ông mắng ta là dài nhất, nặng nhất.