Kim Sơn tự, từ khi Giang Lưu bắt đầu hiểu chuyện, nó đã sừng sững ở đó.
Núi non cao cao, chùa miếu nho nhỏ, mười mấy sư huynh đệ, vài ba trưởng lão, mỗi sáng tỉnh dậy trong tiếng chuông ngàn ngày như một, năm tháng dần dần qua đi trong lặng lẽ.
Mưa gió bên ngoài tưởng như không chút ảnh hưởng gì tới tòa cổ tự này.
Kẻ tín ngưỡng tựa hồ một mực chỉ có mấy hộ gia đình dưới chân núi, thỉnh thoảng mới có thí chủ đường xa mà đến lễ phật, những lần như thế đều khiến trụ trì Pháp Minh sư phụ cao hứng không thôi.
Nhưng mỗi khi hưng phấn qua đi, Pháp Minh lại không khỏi lo âu.
- Bồ đề bản vô thụ, minh kính diệc phi đài, bản lai vô nhất vật, hà xử nặc trần ai. (Bồ đề vốn chẳng cây, gương sáng cũng chẳng phải là đài, xưa nay không một vật, nơi nào dính trần ai)
Trong một đoạn thời gian rất dài, Pháp Minh thường xuyên lẩm bẩm câu kệ này.
Giang Lưu biết, Pháp Minh đang vì sự cao hứng của bản thân mà tự trách.
Phật gia cho là vô vật vô ngã, vì thí chủ đường xa đến lễ phật mà cao hứng không thôi, vốn chính là biểu hiện của tu hành không đủ.
- Vì sao vui sướng cũng là một loại biểu hiện của sự tu hành không đủ?
Giang Lưu không khỏi nghi hoặc.
Từ nhỏ đã lớn lên ở Kim Sơn tự, hắn cơ hồ đọc hết tất cả kinh điển của Phật giáo, các sư huynh đệ, trụ trì sư phó và mấy vị trưởng lão đều tán thán nói hắn có Phật cốt, đáng tiếc Giang Lưu lại một mực không thèm để ý.
Trong kinh sách viết rất rõ ràng đáp án của vấn đề, nhưng không biết vì sao, Giang Lưu đọc thấy kết quả chính xác, lại vẫn cảm giác từng bản kinh Phật kia giống như tảng đá đè lên ngực mình, khiến hắn tưởng chừng như tắt thở.
May mà sự ngây thơ của tuổi thiếu thời luôn có thể khiến hắn mau chóng quên đi những phiền não vượt xa với tuổi tác ấy.
Hắn từ không lễ phật, cũng không niệm kinh, mỗi ngày đều chơi đùa bắt chim nuôi dế với đám nhỏ trong thôn trang. Mỗi khi Pháp Minh nhìn không được có ý trách móc, hắn lại luôn có thể đối đáp trôi chảy, ngay cả Pháp Minh cũng á khẩu không nói được gì.
Mỗi lần đến đấy, Pháp Minh liền sẽ cười khổ nói:
- Thanh xuất phát vu lam nhi thắng vu lam, hậu sinh khả úy, vi sư cũng hết cách. Không biện luận được với ngươi. Chỉ hi vọng lúc vi sư còn sống có thể chứng kiến vĩ nghiệp mà ngươi tạo ra.
Giang Lưu chỉ cười, cười mà không đáp.
Hắn biết, “vĩ nghiệp” trong lời của Pháp Minh chẳng qua là lập địa thành Phật.
Nhưng mà Giang Lưu muốn thành Phật ư?
Thành Phật đồng nghĩa với thoát ly bể khổ, nhưng Giang Lưu lại không bỏ được ý cười từ sâu trong nội tâm đó. Vì sao lúc siêu thoát bát khổ, ngay cả quyền lực cao hứng cũng bị tước đoạt?
Ngày từng ngày lại trôi, Giang Lưu từ tiểu quỷ gây sự lớn thành thiếu niên. Nhưng vẫn loanh quanh trên núi dưới núi.
Cuối cùng. Sinh nhật mười tám tuổi cũng đến.
Pháp Minh tìm đến Giang Lưu, muốn thụ giới cho hắn, để hắn làm hòa thượng.
Giang Lưu cởi mũ xuống, sờ sờ mái tóc mình vẫn luôn tự hào, hỏi:
- Không cạo đầu, được không?
- Làm tăng sao có thể không chặt đứt hồng trần?
Pháp Minh hỏi ngược lại.
- Sư phó chặt đứt rồi ư?
- Cái này...
- Nếu đã chặt đứt hồng trần, vì sao còn muốn khai tông lập tự? Tu Phật vốn là chuyện cá nhân. Can gì tới người khác? Đấy không phải đã được viết rành rành trên kinh văn? Trong lòng thanh tĩnh, thế giới liền sáng tỏ.
Pháp Minh ngậm miệng, hắn biết mình biện luận không lại Giang Lưu, chỉ có thể giương mắt nhìn Giang Lưu vui vẻ đội mũ trở lại, xoay người vừa đi vừa ca, dùng ngữ điệu ca từ thở dài nói:
- Nếu chém không đứt, cạo đầu có ích gì? Cạo đầu có ích gì!
Hết cách, Pháp Minh chỉ có thể xếp hắn vào hàng tục gia đệ tử, phân cho hắn việc gánh củi nấu nước.
Một ngày, Pháp Minh chính đang niệm kinh trong phòng. Giang Lưu đột nhiên chủ động đến tìm Pháp Minh, khấu bái nói:
- Sư phó, đồ nhi muốn xuống núi.
Pháp Minh cả kinh, vội vàng nói:
- Xuống núi? Cớ gì phải xuống núi?
Ngẩng đầu lên, Giang Lưu nhẹ giọng nói:
- Đồ nhi nghe nói lúc nhỏ mình thuận sông mà đến, muốn đi tìm phụ mẫu ruột thịt.
Nghe được lời ấy, Pháp Minh cau mày khoát khoát tay nói:
- Đó chẳng qua là tục sự hồng trần. Để ý làm gì.
- Không để ý, thì sao có thể phân rõ phải trái đúng sai. Không phân rõ, có tu hành cũng đâu ích gì?
Mắt thấy Giang Lưu lại bày ra giá thế muốn tranh biện, Pháp Minh trầm mặc.
Hồi lâu, đôi mắt già nua kia chớp khẽ, nhẹ giọng nói:
- Không phải vì sư không cho, chỉ là thiên hạ lớn lắm, ngươi biết đi đâu mà tìm?
- Nếu đã thuận sông mà đến, hẳn cứ men sông mà tìm. Nếu có duyên, tất nhiên có thể tìm được. Nếu vô duyên, cũng tiện đứt đi niệm tưởng trong lòng đồ nhi. Mong được sư phó thành toàn.
Nói xong, Giang Lưu lại quỳ xuống khấu bái.
Lúc ngẩng đầu lên, hắn lẳng lặng nhìn đăm đăm Pháp Minh. Đôi mắt sáng quắc tựa như có thể nhìn rõ chân lý thiên địa, trong veo đến nỗi khiến người đối diện phải tự ti.
Hồi lâu, Pháp Minh chỉ biết cười khổ nói:
- Nhân quả tuần hoàn a... Đồ nhi, cầm hộp tử đàn kia tới đây cho vi sư.
- Vâng!
Giang Lưu dập đầu, xoay người chạy tới bên giường Pháp Minh, cầm ra hộp tử đàn mà ngày thường hắn cất như bảo bối.
Mở khóa, Pháp Minh lấy ra một tấm lụa, giao cho Giang Lưu:
- Đồ nhi xem đi.
Tấm lụa kia thủ cảm mềm mại vô cùng, là vải vóc thượng hạng mà bình sinh Giang Lưu chưa từng thấy qua. Có điều trên đó chi chít nét chữ được viết bằng máu, xúc mục kinh tâm.
Mở ra tấm lụa, sắc mặt Giang Lưu lập tức đại biến, trên mặt là vẻ kinh hãi chưa từng có:
- Sư phó... Sư phó đã biết thân thế đồ nhi, vì sao không sớm nói cho ta biết!
- Tuy biết thân thế, lại sợ làm lỡ tu hành của ngươi, cho nên mới không nói. Hôm nay ngươi chấp ý xuống núi, đành phải...
Pháp Minh muốn nói lại thôi, lấy ra một chiếc áo lót run rẩy giao cho Giang Lưu, nói:
- Đương sơ áo lót này theo ngươi thuận dòng mà đến, ngươi cất đi, xem như là tín vật.
Giang lưu chỉ cảm thấy một cỗ khí huyết tuôn động, như muốn phun ra, lại nhịn xuống, quỳ đất dập đầu thật sâu.
- Lần này đệ tử nhập trần duyên, nếu có lúc trở về, tất làm bạn dưới gối sư phó, báo đáp công ơn nuôi dưỡng mười tám năm qua.
- Đi đi.
Hai mắt Pháp Minh khép lại, nhẹ giọng nói.
Giang Lưu lặng lẽ rời khỏi Kim Sơn tự, trực tiếp xuống núi, không nói lời nào.
Khắc ấy, tầng mây cuồn cuộn phía chân trời.
*****
Ngày hôm sau, Giang Lưu đi tới Giang Châu tư nha, cầu kiến sinh mẫu Ân Ôn Kiều.
Nha dịch thấy hắn thân mặc tăng bào, lại để tóc dài, đoán là hạng trộm gà cắp chó, không cho vào trong.
Vừa lúc tranh cãi, có một phụ nhân trung niên đẩy cửa đi ra.
Giang Lưu thấy bà ta phong thái ung dung, giơ tay nhấc chân tận hiện vẻ giàu sang phú quý, lập tức bước lên bái kiến, nói:
- Nữ thí chủ hữu lễ.
Phụ nhân vừa thấy Giang Lưu, tức thì kinh hãi thất sắc, miệng môi ấp úng, tử tế quan sát hồi lâu, lại lộ vẻ nghi hoặc. Hai tay hợp mười cung kính nói:
- Tiểu sư phó là người ở đâu?
- Kẻ hèn nguyên quán Hải Châu, giờ đang là đệ tử tục gia của Kim Sơn tự.
- Hải Châu?
Phụ nhân lại hỏi:
- Nguyên quán Hải Châu, vì sao lại xuất gia ở Giang Châu?
- Gia phụ cao trúng trạng nguyên, phụng hoàng mệnh tới Giang Châu nhậm chức, trên đường gặp phải tặc nhân. Phụ bị giết, mẫu bị chiếm, kẻ hèn khi đó mới đầy tháng thì bị đẩy xuống sông, may mắn được ân sư ở Kim Sơn tự cứu giúp, mới giữ được tính mạng.
Sắc mặt phụ nhân lập tức trắng bệch, vội vàng nắm chặt cổ tay Giang Lưu, nói:
- Mời tiểu sư phó vào trong an tọa.
Đợi ngồi xuống. Dâng trà. Bình lui kẻ hầu, phụ nhân hậm hực hỏi:
- Những lời vừa rồi của tiểu sư phó, liệu có bằng chứng?
Giang Lưu cầm ra huyết thư, hai tay dâng lên:
- Có huyết thư làm chứng.
Phụ nhân nửa tin nửa ngờ, mở ra huyết thư nhìn một cái, lại là dở khóc dở cười, giây phút sau, trên mặt hiện vẻ khó xử, nhàn nhạt nói:
- Tiện thiếp chính là Ân Ôn Kiều.
Giang Lưu tròn mắt, lập tức quỳ xuống, kêu nói:
- Mẫu thân tại thượng, xin nhận của hài nhi một xá!
Không biết vì sao, từ trong mắt Ân Ôn Kiều hắn không thấy được chút sắc thái vui mừng nào, theo lý thuyết, mười tám năm cốt nhục phân ly, giờ tương kiến, sao lại như thế.
Chẳng lẽ thư tín có sai?
Ân Ôn Kiều đỡ Giang Lưu dậy. Ân cần hỏi han một trận, hỏi rõ những chuyện xảy ra với hắn trong mười tám năm qua, bộ dạng như mẹ hiền, lại không hề nhắc tới chuyện báo thù, chỉ nói:
- Tiếp theo con muốn thế nào?
- Lên kinh, cáo ngự trạng!
Giang Lưu quyết đoán hồi đáp.
Lập tức sắc mặt Ân Ôn Kiều như tro tàn, bi thương nói:
- Không thể.
- Vì sao không thể?
- Con đã là người xuất gia. Sao còn quản tục sự?
- Hài nhi chưa cạo tóc, chưa thụ giới, sao tính là người xuất gia? Đại thù như thế, không báo sao xứng phận làm con!
Lời này vô cùng kiên quyết, Ân Ôn Kiều do dự hồi lâu, đành chỉ biết thán nói:
- Cáo ngự trạng đâu phải chuyện dễ dàng, ông ngoại ngươi là tể tướng đương triều, đợi ta viết một phong thư tín, ngươi tới Trường An, giao cho hắn là được.
Nói xong, Ân Ôn Kiều cầm ra bút mực, viết thư tín, cho vào phong thư, đưa cho Giang Lưu.
Giang Lưu thu lấy tín kiện, vái Ân Ôn Kiều ba vái, rồi bước ra cửa nha môn.
Trực tiếp về lại Kim Sơn tự, Giang Lưu thu dọn hành lý, ngày đêm kiêm trình đuổi tới Trường An.
*****
Nửa tháng sau, phố đông Hoàng Thành, phủ Ân thừa tướng.
- Mong thí chủ thông báo giùm một tiếng, nói có thân thích Giang Châu tới chơi.
Giang Lưu nói với nha đinh giữ cửa.
Gia đinh canh cửa kia đánh giá trên dưới Giang Lưu một trận, quần áo trên thân Giang Lưu mặc từ hôm đó, qua nhiều ngày đi đường đã bẩn thỉu vô cùng, gia đinh thấy vậy lập tức quát to:
- Đi đi, ăn mày đi nơi khác! Nơi này nào có thân thích của nhà ngươi!
Giang Lưu do dự thoáng chốc, đành phải sửa lời nói:
- Bỉ nhân là du tăng Giang Châu, được con gái Ân thừa tướng là Ân Ôn Kiều nhờ chuyển giùm một phong thư nhà, xin thí chủ chuyển giao.
Nói xong, từ trong tay áo lấy ra bức thư tín chưa mở đưa cho gia đinh.
Gia đinh nửa tin nửa ngờ, tiếp lấy phong thư nhìn hồi lâu, đoán là không biết chữ, liền đẩy ra cửa hông, khe khẽ đi vào.
Không lâu sau, đại môn mở rộng, một vị lão giả đầu tóc hoa râm, quần áo hoa quý đi ra, vật nắm trong tay chính là tính hàm mới vừa nhờ chuyển.
Nhìn thấy lão giả, Giang Lưu lập tức quỳ gối xuống, kêu nói:
- Ngoại công, xin nhận của tiểu sanh một xá!
Nói xong, dập đầu ba lượt.
Ân thừa tướng gặp Giang Lưu, trong lòng cảm khái vạn ngàn, dắt tay Giang Lưu đi vào trong phủ.
Đợi hai bên an tọa, Ân thừa tướng mới nói:
- Chuyện phụ mẫu ngươi ta đã biết rồi. Tiểu sanh là người xuất gia, việc này đợi ta suy xét. Ngươi cứ ở lại đây.
- Toàn bằng ngoại công làm chủ!
Giang Lưu lập tức khấu bái.
Đêm đó, Ân thừa tướng sắp xếp chỗ ăn nghỉ cho Giang Lưu, nhiều ngày qua đi, áo cơm tiêu xài một mực không thiếu, lại không thấy nhắc đến chuyện báo thù. Chỉ nói muốn an bài cho Giang Lưu chức trụ trì ngôi chùa nào đó.
Giang Lưu nói:
- Thù lớn chưa trả, không tâm trí đâu nghĩ tới chuyện khác.
Ân thừa tướng lại lảng sang chuyện khác, không trực tiếp nói thẳng.
Hơn một tháng, Giang Lưu không chờ nổi nữa, tự thân hướng Hoàng Thành, gặp được một lão giả tuổi cao vừa muốn xuất thành, nói rõ ý đến, lập tức được dẫn kiến, dâng lên cáo ngự trạng.
Đang đêm, Ân thừa tướng bị hoàng thượng gọi tới, lúc diện thánh hồi phủ gặp mặt Giang Lưu, lại chỉ thở dài.
Sáng hôm sau, Ân thừa tướng phát binh, sáu vạn Ngự Lâm quân tiến hướng Giang Châu, bắt bớ kẻ thù giết cha của Giang Lưu là Lưu Hồng và Lý Bưu.
Ứng thỉnh cầu của Giang Lưu, Lý Bưu bị lăng trì giữa chợ, lại tấu thỉnh thánh ân, muốn dẫn Lưu Hồng tới bên bờ Hồng Giang mổ bụng tế vong phụ Trần Quang Nhụy, được thánh ân chuẩn.
Ngày tế điện, Giang Lưu mời mẹ Ân Ôn Kiều cùng tới bên bờ Hồng Giang chứng kiến, Ân Ôn Kiều đóng cửa không ra, Giang Lưu hết cách, đành phải tới đó một mình.
Đợi mổ bụng Lưu Hồng tế điện xong, chợt thấy trên sông một thi hài nổi lên, nhìn kỹ, chỉ thấy nét mặt thi hài kia giống hệt Giang Lưu!
Giang Lưu thất thanh khóc rống. Cho là vong phụ hiển linh.
Ai ngờ, thi hài kia lại mở mắt ra, chết mà sống lại, nói là:
- Ngày xưa con cá ta phóng sinh thành là Long Vương nơi này, cho nên được nó cứu trợ. Giữ lại thi hài hồn phách, hôm nay oan khuất được giải, nên mới phục sinh.
Chợt nghe nha dịch tới báo:
- Phu nhân đã tự vận thân vong, để thư lại viết: “Một nữ không thờ hai phu”.
Giang Lưu nghe mà như sét đánh ngang tai, khóc kêu nói:
- Mẫu thân cần gì phải thế?
Ân thừa tướng thở dài thán một câu:
- Nữ nhi trinh liệt, ngày đó vì giữ lại mạng sống cho con mà ủy thân tặc nhân, hôm nay oan khuất được giải. Liền đi.
Nói xong dẫn theo chúng nhân rời đi. Bỏ mặc Giang Lưu ở lại.
Bên bờ Hồng Giang, chỉ còn hai người Trần Quang Nhụy, Giang Lưu.
Giang Lưu thất thanh khóc rống, Trần Quang Nhụy lại chỉ trầm mặc không cất lời. Hồi lâu mới nói:
- Ngươi đối với ta có ân, phải nói sự thật cho ngươi.
Giang Lưu khó hiểu, nức nở kêu nói:
- Phụ thân cớ gì nói thế?
- Ngươi có biết. Sinh nhật của mình là lúc nào?
- Chỉ biết là giữa hè.
- Ngươi có biết ta và mẹ ngươi thành hôn lúc nào?
- Cái này...
- Lập xuân.
Trần Quang Nhụy nhàn nhạt bỏ lại một câu, quay đầu liền đi.
Một đạo phích lịch chớp qua chân trời, Giang Lưu hoảng nhiên đại ngộ, chỉ cảm thấy trong ngực kịch đau, một búng máu tươi phun ra, ngất đi.
Ngư dân ở đó đưa Giang Lưu về lại Kim Sơn tự, hôn mê bảy ngày, ngoài chùa không ai tới thăm, phảng phất trần duyên đã đứt.