Nhưng giờ, tôi đã chọn rời đi, thì cũng sẽ không bỏ thêm đồng nào nữa.
Còn chuyện tụi nó có lo nổi không?
Tôi không cần biết.
Thật ra, tôi còn một căn nhà khác, chưa từng nói với ai, kể cả Vương Nghi.
Năm đó tôi vì đề phòng con rể, sợ nó thay lòng như Thiệu Văn Thanh, nên căn nhà ấy tôi giữ riêng, dự định sau khi trăm tuổi sẽ để lại cho con gái.
Nhưng giờ xem ra… không cần nữa rồi.
Căn nhà ấy, sẽ là nơi tôi sống nốt quãng đời còn lại.
Thêm vào đó là khoản lương hưu dư dả mỗi tháng, tôi hoàn toàn có thể sống tốt một mình.
Khi tôi kéo hành lý ra khỏi phòng, Vương Nghi vẫn đang khóc, bánh kem trên bàn vẫn nằm đó, chưa ai động tới.
Mọi thứ, đều hỗn độn và thảm hại.
Tôi không quay đầu lại, cũng không do dự, kéo vali rời đi.
Khi tôi ổn định xong chỗ ở, đã là ba giờ sáng.
Tắm rửa xong, tôi nằm lên giường, mở điện thoại ra xem không có một cuộc gọi nhỡ nào, cũng chẳng có tin nhắn nào cả.
Dù sao cũng là đứa con tôi nuôi dạy hơn hai mươi năm trời.
Tận đáy lòng, vẫn có chút đau.
Nhưng đau một lần như vậy cũng tốt, để tôi khỏi lưu luyến, khỏi tự nhủ với bản thân rằng mình nên quay về.
Tôi tắt chuông báo thức mỗi sáng, rồi tắt đèn, đắp chăn, đuổi hết mọi suy nghĩ trong đầu ra khỏi tâm trí, nhắm mắt lại ngủ.
Đêm đó tôi ngủ không ngon.
Trong mơ cứ lặp đi lặp lại những hồi ức, những hình ảnh năm xưa tôi ở bên Vương Nghi.
Khi đó, Thiệu Văn Thanh khăng khăng đòi ly hôn.
Tôi mang theo phần lớn tài sản rời đi, nhưng con gái còn quá nhỏ, vì cú sốc đó mà bị tổn thương tinh thần nghiêm trọng, thậm chí có một thời gian nó không thể đến trường.
Tôi không còn cách nào khác, chỉ đành xin nghỉ việc, ngày ngày ở bên con.
Nó ngủ không yên, nửa đêm hay gặp ác mộng, vừa khóc vừa gọi ba mẹ đừng bỏ nó lại.
Tôi ôm lấy nó, vừa dỗ, vừa hát những bài ru con ngày bé.
Ngồi cạnh giường nó cả đêm.
Nó ngủ một giấc ngon lành, còn tôi thì ê ẩm cả lưng, tay cũng tê đến không nhấc nổi.
Khi ấy, Vương Nghi rất ngoan, biết tôi đau, nó liền nắm lấy tay tôi, vừa xoa vừa nói:
“Má ơi, để con xoa cho má, xoa xong là hết đau liền.”
Khi ấy… nó thật sự là một đứa trẻ ngoan.
Tôi thở dài một hơi, mở mắt ra.
Nhìn điện thoại, dù đã tắt báo thức, nhưng cơ thể đã quen, tôi vẫn tỉnh dậy đúng giờ như mọi ngày.
Mọi khi, tôi sẽ vào bếp chuẩn bị bữa sáng, rồi gọi Xảo Xảo dậy.
Con bé còn nhỏ, dậy là mè nheo, tôi vừa dỗ, vừa bế, vừa giúp rửa mặt đánh răng, còn tết cho nó một kiểu tóc thật xinh.
Đợi nó ăn xong, tôi lại đưa con bé đến trường mẫu giáo.
Sau đó trở về, lúc ấy Vương Nghi và Tần Hướng An cũng đã ăn sáng xong, đi làm.
Tôi bắt đầu dọn dẹp chén bát, quét tước nhà cửa.
Một ngày cứ thế bận rộn, tất cả đều xoay quanh gia đình này.
Gần như không có thời gian cho chính mình.
Giờ thì khác rồi.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.net.vn -
Tôi thức dậy, chỉ cần chuẩn bị bữa sáng cho một mình.
Ăn xong thì xuống sân chung cư đi dạo, co giãn tay chân, cuộc sống thoải mái, nhẹ nhàng.
Nhưng còn chưa đi dạo xong, điện thoại của Vương Nghi đã gọi tới.
Cuộc đầu tiên, tôi không bắt máy.
Rồi cuộc thứ hai, thứ ba…
Đến lần thứ năm, tay tôi lỡ chạm vào màn hình cuộc gọi kết nối.
Tôi không bật loa ngoài, nhưng đầu dây bên kia, tiếng của Vương Nghi vẫn vang lên chát chúa:
“Má! Cả đêm qua má đi đâu vậy hả? Má lớn tuổi rồi mà còn như con nít, nói đi là đi!”
“Má không lo cho Xảo Xảo, nó đi học trễ rồi đó!”
“Bữa sáng cũng không chuẩn bị, má muốn tụi con nhịn đói đi làm hả?”
“Má có biết hôm nay con có cuộc họp quan trọng lắm không?”
Từng câu từng chữ đều là trách móc.
Như thể tôi chăm sóc tụi nó là trách nhiệm hàng ngày của tôi vậy.
Tôi không đáp.
Nhưng đầu bên kia Vương Nghi vẫn không ngừng la:
“Con chỉ nhờ má giúp trông cháu, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa thôi mà.”
“Má ở nhà sung sướng, còn tụi con thì phải dậy sớm làm việc nuôi cả nhà.”
“Giờ má muốn mất tích là mất tích, má không thấy má quá đáng sao?”
Quá đáng…
Tôi bật cười trong đau xót.
Đây là đứa con tôi từng yêu thương hết mực sao?
Cả cuộc đời tôi hi sinh vì nó, vậy mà trong mắt nó, mọi thứ đều là… nghĩa vụ.
Nếu là hôm qua, có lẽ tôi còn buồn, còn vương vấn vì những năm tháng sống nương tựa nhau.
Nhưng giờ tôi thật sự đã thất vọng rồi.
Tôi nói:
“Vương Nghi, má tuy sống trong nhà con, nhưng trả nợ tiền nhà mỗi tháng và mọi chi tiêu, đều là tiền má bỏ ra.”
“Má cực khổ lo cho cái nhà này, nếu con thấy đó là sung sướng… vậy từ giờ, con tự lo lấy đi.”
“Còn nữa, nếu con đã không cần người má này, thì má… cũng không cần đứa con như con nữa.”
Nói xong, tôi cúp máy.
Không quan tâm nữa.
Dù vậy, tâm trạng cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
Tôi quay về thay bộ đồ khác, chuẩn bị đi dạo trung tâm thương mại một vòng.
Bao năm qua, tôi xoay sở như chong chóng vì Vương Nghi, chồng nó và đứa nhỏ của nó.
Chưa từng đi mua sắm, chưa từng tiêu tiền vì bản thân.
Nhưng giờ, tất cả gánh nặng đã được gỡ bỏ.
Khoản tiết kiệm và tiền hưu của tôi, đủ để tôi sống thật tốt.
Mua vài bộ đồ đẹp, vài cái túi xách, trang sức ưng ý, trở thành một bà lão tự do, vui vẻ và phong độ.
Cũng đâu có gì sai.
Tôi không ngờ, hiếm khi có một ngày tôi vui vẻ đi dạo phố như thế… lại đụng phải Thiệu Văn Thanh ở trung tâm thương mại.